Biết chờ đợi Đấng bất ngờ
Georges Madore (Missionnaires Montfortains)
Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính chuyển ngữ
WGPQN (22.6.2020) / Parabole (12.2016) - Trong số nhiều nhân vật
của Kinh Thánh bị Thiên Chúa thúc ép trong dự định cá nhân của mình, ta thấy có
Đức Maria, Mẹ Chúa Giêsu, người mà Thiên Chúa báo tin về một sự mang thai bất
khả thể. Mẹ ngạc nhiên nhưng lắng nghe Lời. Như vậy, Mẹ hóa thân thành mẫu người
môn đệ lý tưởng của Đức Giêsu, người để mình bị Lời quấy rầy, người đặt câu hỏi,
gạt bỏ những tham vọng cá nhân để mình bị Lời chất vấn và tin vào Lời.
Những
thúc ép của Thiên Chúa
Kinh Thánh đầy những nhân vật bị Thiên Chúa thúc ép! Bắt đầu là ông Abraham với
bà Sara, được mời gọi rời bỏ quê hương xứ sở để đến một miền đất xa lạ … (Stk
12, 1). Rồi đến ông Môisê, người phải chạy trốn khỏi Ai Cập và là người bị
Thiên Chúa bảo phải quay trở về đó để đối đầu với Pharaon (Xh 3, 9-11). Cuối
cùng, ta nhớ đến ông Ghêđêôn chỉ nghĩ đến việc trốn thoát khỏi người Philitinh,
ấy vậy mà Thiên Chúa lại chọn ông để đối đầu với bọn họ (Tl 6). Bản danh sách
những kẻ tin bị Thiên Chúa thúc ép và mời gọi dù họ có chống đối ắt sẽ còn rất
dài!
Trong Tin Mừng Luca, câu chuyện Đức Giêsu cũng bắt đầu bằng “những sự thúc ép của
Thiên Chúa”. Chúng ta dừng lại nơi Đức Maria, hôn thê của Thánh Giuse và là mẹ
Đức Giêsu. Chúng ta sẽ thấy con đường đức tin của mẹ đầy sự bất ngờ đến từ
Thiên Chúa.
Trong khi Marcô, Gioan, Phaolô chẳng nói gì đến thời thơ ấu của Đức Giêsu thì
ta có thể lấy làm lạ tại sao Luca lại dành cả hai chương dài nhằng để nói về điều
đó? Nên nhớ rằng các tác giả Tin Mừng đều có một hình thức dẫn nhập hay mở đầu
tin mừng của mình. Lời giới thiệu của Luca phần nào cũng giống như đoạn quảng
cáo cho bộ phim. Nó giúp ông giới thiệu các nhân vật chính của trình thuật và
“bầu khí” của câu chuyện.
Ta có thể nói rằng cuối cùng thì chỉ có hai nhân vật trong câu chuyện mà Luca
muốn chúng ta khám phá: một đàng là Thiên Chúa đến trong thế giới của chúng ta,
với tất cả những gì mà Ngài là: quyền năng sự sống, sự dịu dàng và niềm vui,
đàng khác là nhân loại! Một nhân loại chờ đợi Ngài, một nhân loại không chờ đợi
Ngài và một nhân loại không chờ đợi Ngài nữa … Nhân loại mang nhiều khuôn
mặt này cho phép chúng ta khám phá Thiên Chúa hành động như thế nào với nó.
Quá
tốt đẹp để có thể tin được!
Nhân vật đầu tiên xuất hiện là ông Dacaria (Lc 1, 5). Ông là một tư tế, một tư
tế già. Ông thuộc nằm lòng các nghi thức! Ông ở trong Đền thờ để dâng hương cho
Thiên Chúa, Đấng mà từ lâu đã hứa sẽ cho xuất hiện một vị đại vương cho dân
Ngài. Dacaria chờ đợi như mọi người, nhưng dường như chờ đợi trong một tương
lai mà ông sẽ không còn nữa. Lúc này đây, Dacaria đã an phận. Ông không có con,
đã qua rồi tuổi con với cái. Nhưng Thiên Chúa cho ông sức khỏe, sự bảo đảm,
và bà cụ Êlisabét chờ ông trở về nhà. Rồi thói quen thường ngày cứ lập đi lập lại
… Thế rồi Thiên Chúa đến và đảo lộn tất cả!
Sứ thần Gabrien loan báo ông sẽ có con trai. Dacaria chẳng hiểu ất giáp chi hết;
cách nào thì cũng không ổn, chuyện có con đã chấm dứt rồi. Và chính vì nghi ngờ
lời Chúa nên Dacaria … mất đi lời nói! Ông chỉ tìm lại được nó để ngợi khen
Thiên Chúa, Đấng đã mạnh hơn sự bất tín của ông.
Sức
mạnh của đức tin
Rồi sứ thần Gabrien được sai đến với một nhân vật khác, không phải tư tế cũng
chẳng phải tiến sĩ luật. Đến với một cô gái trẻ tên là Maria, đã đính hôn với một
anh thanh niên tên là Giuse. Theo truyền thống thời bấy giờ, cô luôn sống tại
nhà cha mẹ cho đến ngày hôn phu Giuse đến và đưa cô về nhà mình. Thần sứ cũng
báo cho cô này một sự thụ thai bất khả thể. Hãy xem phản ứng của Maria. Trước hết,
cô “bối rối” và không hiểu lời chào của thần sứ. Khi thần sứ loan báo cô sẽ là
mẹ, cô không đòi hỏi dấu hiệu, nhưng chỉ đặt câu hỏi: “Làm sao điều này xảy ra
được, tôi không biết đến người nam?”, nghĩa là cô không ở trong tình trạng đã
có quan hệ thân mật với Giuse, vì họ chưa sống cùng nhau. Về đoạn này, mọi thứ
giả thiết đã được dựng lên. Một vài người nào đó đề xuất rằng Maria đã quyết định
sống đồng trinh …. Ngạc nhiên làm sao, vì nếu vậy thì tại sao cô lại đính hôn với
Giuse chứ? Nếu ta theo dõi bản văn của Thánh Luca thì phải kết luận rằng Maria
và Giuse muốn kết hôn với nhau và có con như tất cả mọi người.
Maria lắng nghe... Đây chính là giai đoạn đầu tiên và thiết yếu nhất của đức
tin. Thường thì chúng ta tìm cách phản bác, và như thế là làm tù nhân cho chính
những cách đặt vấn đề của chúng ta. Còn Maria lắng nghe... Đâu là con đường bất
ngờ mà Thiên Chúa đề nghị cho mình? Thần sứ nhắc lại rằng có những phụ nữ khác
trước cô đã đi theo con đường này, trong đó có cụ bà Sara đã cười khi nghe tin
báo mình có thai. Và thần sứ nhắc lại chính điều ngài đã trả lời bà Sara: “Đối
với Thiên Chúa thì không chuyện gì là không thể” (Stk 18, 14). Rồi trình thuật
kết thúc với sự tán thành của Maria với dự định của Thiên Chúa mà theo loài người
thì bất khả thể: “Này tôi là tớ nữ của Chúa, tôi xin vâng như lời sứ thần truyền”
(Lc 1, 38).
Ngay sau cảnh này, Maria vội vã đến với bà chị họ Êlisabét. Bà này tràn đầy thần
khí đã loan báo mối phúc đầu tiên của Tin Mừng Luca: “Em thật có phúc, vì đã
tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em." (Lc 1, 45). Đây
là mối phúc đầu tiên khai mở cho Tin Mừng, khiến tất cả những mối phúc khác đều
trở nên khả thể: phúc đức tin.
Tuy nhiên, Maria đã bắt đầu bằng việc bối rối, không hiểu, và đặt câu hỏi….
Luca sắp nói với chúng ta vài điều cơ bản: không hiểu gì hết, bối rối, đặt câu
hỏi, đó là một phần của đức tin! Thật ấn tượng khi lưu ý rằng trong Tin Mừng
Luca, lời đầu tiên và lời cuối cùng của Đức Maria là những … câu hỏi (Lc 1, 34
và 2, 48)! Một cách nào đó ta có thể nói rằng “sự hoán cải của Maria” với
chương trình phi thường của Thiên Chúa không phải là tự phát. Nó là một tiến
trình từ chối và nhất là từ bỏ cũng như tín thác hoàn toàn. Cuối cùng, trước tất
cả mọi dự định khác như kết hôn với Giuse và có con, Đức Maria chỉ có một dự định:
đi vào trong dự định lớn lao của Thiên Chúa. Ngay cả khi điều này bao hàm việc
từ chối những dự định tốt đẹp khác, rất chính đáng, để chấp nhận một sứ mệnh bất
ngờ… Thường thì, “ngọn núi” đầu tiên mà đức tin phải vượt qua chính là những dự
định cá nhân của chúng ta.
Lời
Chúa là lương thực
Thế nhưng trên con đường bất ngờ mà Thiên Chúa đề nghị, ai sẽ dẫn dắt Đức
Maria? Điều gì sẽ nuôi dưỡng đức tin của Maria? Ta hãy lược qua những đoạn có Đức
Maria.
– Điều gì mà sứ thần Gabrien đưa ra để Maria chấp nhận dự định của Thiên Chúa?
Lời Chúa!
– Điều gì mà bà Êlisabét dâng tặng để giúp và củng cố Maria trên con đường này?
Lời Chúa!
– Điều gì mà Maria nhận được trong đêm Giáng Sinh, khi sinh con trong một chuồng
gia súc? Lời Chúa qua các mục đồng!
– Bốn mươi ngày sau, điều gì mà cụ già Simêôn dâng tặng Maria trong Đền thờ? Lời
Chúa!
– Cuối cùng, mười hai năm sau đó, điều gì Đức Giêsu dâng lên Mẹ, người tìm thấy
mình trong Đền Thờ sau ba ngày lo lắng kiếm tìm? Lời Chúa!
Ta kết luận gì đây? Nếu Luca giới thiệu Đức Maria cách dài dòng trong hai
chương đầu, chính là để dạy chúng ta về đức tin của người môn đệ Đức Kitô. Đó
là một đức tin để mình bị thúc ép; đó là đức tin không dựa trên phép lạ nhưng
trên Lời Chúa; đó là một đức tin đi qua những câu hỏi, sự bối rối. Đó là một đức
tin chấp nhận không hiểu gì hết như Đức Maria.
Yếu tố cuối cùng thường xuyên xuất hiện nơi Đức Maria Nazarét: đó là sự ngạc
nhiên! Khi nghe lời sứ thần loan báo l’ange (1, 29), trong đêm sinh hạ (2, 18),
khi nghe lời cụ ông Simêôn (2, 33), khi tìm thấy con mình trong Đền Thờ (2,
48), Maria đã ngạc nhiên.
Có hai loại ngạc nhiên trong Tin Mừng Luca: một sự ngạc nhiên vô bổ, nghi ngờ,
gần như là kiêu ngạo, như là sự ngạc nhiên của những cư dân thành Nazarét (4,
22), hoặc các ký lục muốn bắt lỗi Đức Giêsu (20, 26). Và một loại ngạc nhiên
phát sinh từ một đức tin khiêm tốn, nở ra lời tạ ơn, như trong bài ca
Magnificat (1, 46-55).
Lời
quấy rầy
Trong Tin Mừng Luca, hai đoạn khác nói về Đức Maria. Khi người ta báo cho Đức
Giêsu biết mẹ và các anh em muốn gặp, Ngài trả lời: “Mẹ tôi và anh em tôi,
chính là những ai nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành” (8, 21). Ít lâu sau,
một phụ nữ trong đám đông kêu lớn tiếng: “Phúc thay người mẹ đã cưu mang và cho
Thầy bú mớm!” Đức Giêsu đáp lại: “Đúng hơn phải nói rằng: Phúc thay kẻ lắng
nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa”. Lời này của Đức Giêsu không đơn giản là luật
đi đường. Đó là lời mời gọi tra vấn, thúc ép chúng ta. Và cách “tuân giữ” duy
nhất, chẳng phải là tin và đáp trả Lời hay sao?
Nguồn: gpquinhon.org