“Đức Giêsu thấy có một năng lực từ nơi mình phát ra,
Ngài liền quay lại giữa đám đông và hỏi: “Ai đã sờ vào áo tôi?” (Mc 5, 31)
Bài Đọc I: G Kn 1, 13-15; 2, 23-25
“Bởi ác quỷ ghen tương, nên tử thần đột nhập vào thế gian”.
Bài trích sách Khôn Ngoan.
Thiên Chúa không tạo dựng sự chết, chẳng vui mừng khi người sống phải chết. Người tác thành mọi sự cho có. Người tạo dựng mọi sự trên mặt đất đều lành mạnh, chúng không có nọc độc sự chết, và không có địa ngục ở trần gian.
Vì chưng, công chính thì vĩnh cửu và bất tử. Thiên Chúa đã tạo dựng con người giống hình ảnh Chúa, để sống vĩnh viễn. Nhưng bởi ác quỷ ghen tương, nên tử thần đột nhập vào thế gian: kẻ nào thuộc về nó thì bắt chước nó.
Bài Đọc II: 2 Cr 8, 7. 9. 13-15
“Sự dư thừa của anh em bù đắp lại sự thiếu thốn của những anh em nghèo khó”.
Bài trích thư thứ hai của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.
Anh em thân mến, cũng như anh em vượt trổi về mọi mặt: về lòng tin, về hùng biện, về sự hiểu biết, về mọi hình thức nhiệt thành, cũng như về lòng bác ái của anh em, thì anh em cũng phải vượt trổi trong việc phúc đức này.
Vì anh em biết lòng quảng đại của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta: mặc dù giàu sang, Người đã nên thân phận nghèo khó, để nhờ việc nghèo khó của Người, anh em nên giàu có. Nhưng không lẽ để cho kẻ khác được thư thái, mà anh em phải túng thiếu, nhưng phải làm sao cho đồng đều. Trong hoàn cảnh hiện tại, sự dư giả của anh em bù đắp lại chỗ thiếu thốn của họ, để sự dư giả của họ bù đắp lại sự thiếu thốn của anh em, hầu có sự đồng đều như lời đã chép rằng: “Kẻ được nhiều, thì cũng không dư; mà kẻ có ít, cũng không thiếu”.
Tin mừng: Mc 5, 21-43
21 Khi ấy, Chúa Giêsu đã xuống thuyền trở về bờ bên kia, có đám đông dân chúng tụ họp quanh Người, và lúc đó Người đang ở bờ biển.
22 Bỗng có một ông trưởng hội đường tên là Giairô đến. 23 Trông thấy Người, ông sụp lạy và van xin rằng: “Con gái tôi đang hấp hối, xin Ngài đến đặt tay trên nó để nó được khỏi và được sống”.
24 Chúa Giêsu ra đi với ông ấy, và đám đông dân chúng cũng đi theo chen lấn Người tứ phía.
25 Vậy có một người đàn bà bị bệnh xuất huyết đã mười hai năm. Bà đã chịu cực khổ, tìm thầy chạy thuốc, tiêu hết tiền của mà không thuyên giảm, trái lại bệnh càng tệ hơn.
26 Khi bà nghe nói về Chúa Giêsu, bà đi lẫn trong đám đông đến phía sau Người, chạm đến áo Người, vì bà tự nhủ: “Miễn sao tôi chạm tới áo Người thì tôi sẽ được lành”.
27 Lập tức, huyết cầm lại và bà cảm thấy trong mình đã được khỏi bệnh.
28 Ngay lúc ấy, Chúa Giêsu nhận biết có sức mạnh đã xuất phát tự mình, Người liền quay lại đám đông mà hỏi: “Ai đã chạm đến áo Ta?” Các môn đệ thưa Người rằng: “Thầy coi, đám đông chen lấn Thầy tứ phía, vậy mà Thầy còn hỏi ‘Ai chạm đến Ta?’!” Nhưng Người cứ nhìn quanh để tìm xem kẻ đã làm điều đó.
29 Bấy giờ người đàn bà run sợ, vì biết rõ sự thể đã xảy ra nơi mình, liền đến sụp lạy Người và thú nhận với Người tất cả sự thật.
30 Người bảo bà: “Hỡi con, đức tin của con đã chữa con, hãy về bình an và được khỏi bệnh”.
31 Người còn đang nói, thì người nhà đến nói với ông trưởng hội đường rằng: “Con gái ông chết rồi, còn phiền Thầy làm chi nữa?” Nhưng Chúa Giêsu đã thoáng nghe lời họ vừa nói, nên Người bảo ông trưởng hội đường rằng: “Ông đừng sợ, hãy cứ tin”.
32 Và Người không cho ai đi theo, trừ Phêrô, Giacôbê và Gioan, em Giacôbê. 33 Các Ngài đến nhà ông trưởng hội đường và Chúa Giêsu thấy người ta khóc lóc kêu la ồn ào, Người bước vào và bảo họ: “Sao ồn ào và khóc lóc thế? Con bé không chết đâu, nó đang ngủ đó”. 34 Họ liền chế diễu Người.
35 Nhưng Người đuổi họ ra ngoài hết, chỉ đem theo cha mẹ đứa bé và những môn đệ đã theo Người vào chỗ đứa bé nằm.
36 Và Người cầm tay đứa nhỏ nói rằng: “Talitha, Koumi”, nghĩa là: “Hỡi em bé, Ta truyền cho em hãy chỗi dậy!”
37 Tức thì em bé đứng dậy và đi được ngay, vì em đã được mười hai tuổi.
38 Họ sửng sốt kinh ngạc. 39 Nhưng Người cấm ngặt họ đừng cho ai biết việc ấy và bảo họ cho em bé ăn.
Bài giảng Đức Thánh Cha - Chúa nhật 13 Thường Niên năm B
Đây là những bài giảng và huấn dụ của Đức Thánh Cha trong các thánh lễ và các buổi đọc kinh Truyền tin với các tín hữu vào Chúa nhật 13 Thường Niên năm B.
Đức Phanxicô, Huấn dụ Chúa nhật 13 Thường Niên năm B (27.06.2021) - Căn bệnh lớn nhất của cuộc đời là thiếu tình yêu
Đức Phanxicô, Huấn dụ Chúa nhật 13 Thường Niên năm B (01.07.2018) - Tin tưởng nơi Chúa Giêsu để được chữa lành
Đức Phanxicô, Huấn dụ Chúa nhật 13 Thường Niên năm B (28.06.2015) - Đức tin là sức mạnh giải thoát và cứu rỗi
Đức Bênêđictô XVI, Huấn dụ Chúa nhật 13 Thường Niên năm B (01.07.2012) - Chữa lành thể lý và tâm hồn
|
Giáo lý cho bài giảng Chúa nhật 13 Thường Niên năm B
WHĐ (27.06.2024) - Để hỗ trợ các nhà giảng thuyết thuận tiện hơn trong việc thêm giáo lý vào bài giảng, Ban Biên tập xin được trích dẫn những điểm giáo lý phù hợp với các bài đọc Kinh Thánh của lễ Chúa nhật 13 Thường Niên năm B theo sự theo hướng dẫn của Bộ Phụng tự và Kỷ luật các Bí tích.
Số 548-549, 646, 994: Chúa Giêsu làm cho kẻ chết sống lại
Số 1009-1014: Sự chết được Đức Kitô biến đổi
Số 1042-1050: Hy vọng trời mới đất mới
Bài Ðọc I: Kn 1, 13-15; 2, 23-25
Bài Ðọc II: 2Cr 8, 7. 9. 13-15
Phúc Âm: Mc 5, 21-43
Số 548-549, 646, 994: Chúa Giêsu làm cho kẻ chết sống lại
Số 548. Các dấu lạ do Chúa Giêsu thực hiện minh chứng Chúa Cha đã sai Người đến[1]. Chúng mời gọi ta hãy tin vào Người[2]. Những ai đến với Người bằng đức tin, đức tin cho họ được điều họ thỉnh cầu[3]. Lúc đó, các phép lạ củng cố lòng tin vào Người, Đấng thực hiện các công việc của Cha Người: chúng chứng tỏ Người là Con Thiên Chúa[4]. Nhưng chúng cũng có thể là cớ vấp ngã[5]. Quả vậy, chúng không nhằm thỏa mãn trí tò mò, và lòng ưa chuộng ma thuật. Bất chấp những phép lạ hết sức tỏ tường của Người, Chúa Giêsu vẫn bị một số người loại bỏ[6], thậm chí Người còn bị tố cáo là hành động nhờ ma quỷ[7].
Số 549. Khi giải thoát một số người khỏi những sự dữ đời này như đói khát[8], bất công[9], bệnh tật và cái chết[10], Chúa Giêsu đã thực hiện các dấu chỉ Người là Đấng Messia. Tuy nhiên, Người không đến để loại trừ mọi điều xấu khỏi trần gian này[11], nhưng để giải thoát con người khỏi ách nô lệ nặng nề nhất, là ách nô lệ của tội lỗi[12], thứ ách nô lệ này ngăn cản họ trong ơn gọi của họ là làm con cái Thiên Chúa, và gây ra mọi hình thức nô lệ giữa con người.
Số 646. Sự Phục Sinh của Đức Kitô không phải là việc trở lại với cuộc sống trần thế, giống như trường hợp của những kẻ Người đã cho sống lại trước cuộc Vượt Qua: con gái ông Giairô, người thanh niên Naim, anh Lazarô. Các sự kiện này là những biến cố kỳ diệu, nhưng những người được hưởng phép lạ đó, nhờ quyền năng của Chúa Giêsu, chỉ trở lại với cuộc sống trần thế “thông thường”. Một lúc nào đó họ sẽ lại chết. Sự phục sinh của Đức Kitô thì hoàn toàn khác hẳn. Trong thân thể phục sinh của Người, Người chuyển từ trạng thái phải chết sang một sự sống khác vượt trên thời gian và không gian. Thân thể của Chúa Giêsu trong sự Phục Sinh đầy tràn quyền năng của Chúa Thánh Thần; thân thể này tham dự vào sự sống thần linh trong trạng thái vinh quang của Người, đến độ thánh Phaolô đã có thể nói Đức Kitô là một người thiên giới[13].
Số 994. Hơn nữa: Chúa Giêsu kết hợp đức tin về sự phục sinh với Ngôi Vị riêng của Người: “Chính Thầy là sự Sống lại và là sự Sống” (Ga 11,25). Chính Chúa Giêsu sẽ làm cho sống lại trong ngày sau hết những ai đã tin vào Người[14] va những ai đã ăn Thịt và uống Máu Người[15]. Ngay bây giờ, Người đã đưa ra một dấu chỉ và một bảo chứng khi trả lại sự sống cho một số người đã chết[16], như vậy Người loan báo sự phục sinh riêng của Người tuy sự phục sinh của Người thuộc một trật tự khác. Người nói về biến cố độc nhất này như dấu chỉ Jôna[17], như dấu chỉ Đền Thờ[18]: Người loan báo sự phục sinh của Người ngày thứ ba sau khi Người bị giết[19].
Số 1009-1014: Sự chết được Đức Kitô biến đổi
Số 1009. Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, cũng đã chịu chết vì chết là đặc điểm của thân phận nhân loại. Nhưng chính Người, tuy run sợ khi đối diện với sự chết[20], đã đảm nhận nó trong một hành vi suy phục thánh ý Cha Người cách trọn vẹn và tự nguyện. Sự vâng phục của Chúa Giêsu đã biến đổi lời chúc dữ của sự chết thành lời chúc lành[21].
Ý nghĩa của sự chết theo Kitô giáo
Số 1010. Nhờ Đức Kitô, sự chết theo Kitô giáo có một ý nghĩa tích cực. “Đối với tôi, sống là Đức Kitô và chết là một mối lợi” (Pl 1,21). “Đây là lời đáng tin cậy: Nếu ta cùng chết [với Người], ta sẽ cùng sống [với Người]” (2 Tm 2,11). Sự mới mẻ chủ yếu của cái chết theo Kitô giáo là điều này: nhờ Phép Rửa, Kitô hữu đã “chết với Đức Kitô” một cách bí tích, để sống một đời sống mới; nếu chúng ta chết trong ân sủng của Đức Kitô, sự chết thể lý sẽ hoàn tất việc “chết với Đức Kitô” đó, và như vậy nó hoàn thành việc tháp nhập chúng ta vào Người trong hành vi cứu chuộc của Người:
“Tôi thà chết trong Đức Kitô Giêsu, hơn là cai trị toàn cõi trái đất. Tôi tìm kiếm Người, Đấng đã chết cho chúng ta; tôi khao khát Người, Đấng đã phục sinh vì chúng ta. Giờ tôi được sinh ra đã đến gần. … Anh em hãy để tôi nhận lãnh ánh sáng tinh tuyền; khi tôi tới được đó, tôi sẽ là một con người”[22].
Số 1011. Trong sự chết Thiên Chúa kêu gọi con người đến với Ngài. Vì vậy, đối với cái chết, Kitô hữu có thể mong ước giống như thánh Phaolô: “Ao ước của tôi là ra đi để được ở với Đức Kitô” (Pl 1,23); và họ có thể biến đổi cái chết riêng của mình thành một hành vi vâng phục và yêu mến đối với Chúa Cha theo gương Đức Kitô[23]:
“Tình yêu của tôi đã bị đóng đinh vào thập giá; … Một mạch nước đang sống và đang nói ơ trong tôi, nói với tôi tự bên trong rằng: ‘Hãy đến với Chúa Cha’”[24].
“Con nóng lòng được nhìn thấy Chúa, nên con muốn chết”[25].
“Tôi không chết, tôi đang bước vào cõi sống”[26].
Số 1012. Cái nhìn của Kitô giáo về sự chết[27] được diễn tả một cách rõ ràng trong phụng vụ của Hội Thánh:
“Lạy Chúa, đối với các tín hữu Chúa, sự sống thay đổi chứ không mất đi; và khi nơi nương náu ở trần gian bị hủy diệt tiêu tan thì lại được một chỗ ở vĩnh viễn trên trời”[28].
Số 1013. Sự chết là kết thúc cuộc lữ hành trần thế của con người, là kết thúc thời gian của ân sủng và của lòng thương xót mà Thiên Chúa ban cho con người để họ thực hiện cuộc đời trần thế của mình theo kế hoạch của Thiên Chúa và để họ quyết định số phận tối hậu của mình. “Sau khi kết thúc dòng đời duy nhất là cuộc đời trần thế của chúng ta”[29], chúng ta sẽ không trở lại với những cuộc đời trần thế khác. “Phận con người là phải chết một lần, rồi sau đó chịu phán xét” (Dt 9,27). Không có việc “đầu thai” (“reincarnatio”) sau khi chết.
Số 1014. Hội Thánh khuyên chúng ta hãy chuẩn bị cho giờ chết của chúng ta (“Lạy Chúa, xin cứu chúng con khỏi chết đột ngột và bất ngờ”: Kinh Cầu Các Thánh cũ), hãy khấn xin Mẹ Thiên Chúa chuyển cầu cho chúng ta “trong giờ lâm tử” (kinh Kính Mừng) và hãy phó thác cho thánh Giuse là bổn mạng của ơn chết lành:
“Trong mọi hành động và suy nghĩ, con phải xử sự như con sắp chết tức thì. Nếu con có lương tâm tốt lành, con sẽ không quá sợ sự chết. Xa lánh tội lỗi thì tốt hơn là trốn tránh sự chết. Nếu hôm nay con không sẵn sàng, thì làm sao ngày mai con sẵn sàng được?”[30]
“Lạy Chúa, chúc tụng Chúa vì chị chết thể xác, không người nào sống mà có thể thoát được chị. Khốn cho những ai chết trong những tội trọng; phúc cho những ai, mà chị gặp, đang ở trong thánh ý Chúa, bởi vì cái chết thứ hai sẽ không làm gì hại cho họ”[31].
Số 1042-1050: Hy vọng trời mới đất mới
Số 1042. Lúc cùng tận thời gian, Nước Thiên Chúa sẽ đạt tới sự viên mãn của mình. Sau cuộc Phán Xét chung, những người công chính, được tôn vinh cả xác cả hồn, sẽ hiển trị muôn đời với Đức Kitô, và chính toàn thể trần gian sẽ được đổi mới:
Lúc đó Hội Thánh “sẽ được hoàn tất trong vinh quang thiên quốc, khi … cùng với nhân loại, cả toàn thể trần gian, được kết hợp mật thiết với con người và nhờ con người mà đạt tới mục đích của mình, cũng được canh tân trọn vẹn trong Đức Kitô”[32]
Số 1043. Thánh Kinh gọi sự canh tân huyền diệu này, nó sẽ biến đổi nhân loại và trần gian, là “trời mới đất mới” (2 Pr 3,13)[33]. Đó sẽ là sự hoàn thành chung cuộc kế hoạch của Thiên Chúa: “Quy tụ muôn loài trong trời đất… trong Đức Kitô” (Ep 1,10).
Số 1044. Trong trần gian mới[34], trong thành Giêrusalem thiên quốc, Thiên Chúa sẽ có nơi cư ngụ của Ngài giữa con người. “Ngài sẽ lau sạch nước mắt họ, sẽ không còn sự chết; cũng chẳng còn tang tóc, kêu than và đau khổ nữa, vì những điều cũ đã biến mất” (Kh 21,4)[35].
Số 1045. Đối với con người, sự hoàn tất này sẽ là sự thực hiện vĩnh viễn việc hợp nhất nhân loại mà Thiên Chúa đã muốn từ tạo thiên lập địa, và Hội Thánh lữ hành đã “như là bí tích” của sự hợp nhất ấy[36]. Những ai được kết hợp với Đức Kitô sẽ làm thành cộng đoàn những người được cứu chuộc, “Thành thánh” của Thiên Chúa (Kh 21,2), “Hiền thê của Con Chiên” (Kh 21,9). Cộng đoàn này sẽ không còn bị tổn thương bởi tội lỗi, bởi các điều ô uế[37], bởi tính ích kỷ từng hủy diệt hoặc làm tổn thương cộng đồng nhân loại nơi trần thế. Sự hưởng kiến vinh phúc (visio beatifica) trong đó Thiên Chúa tỏ mình ra cách vô tận cho những người được chọn, sẽ là nguồn mạch vĩnh cửu của vinh phúc, của bình an và của sự hiệp thông với nhau.
Số 1046. Đối với vũ trụ, Mạc khải khẳng định rằng nhân loại và vũ trụ vật chất có chung một vận mệnh sâu xa:
“Muôn loài thụ tạo những ngong ngóng đợi chờ ngày Thiên Chúa mạc khải vinh quang của con cái Ngài… Vẫn còn niềm trông cậy là có ngày cũng sẽ được giải thoát, không phải lệ thuộc vào cảnh hư nát… Thật vậy, chúng ta biết rằng: cho đến bây giờ, muôn loài thụ tạo cùng rên siết và quằn quại như sắp sinh nở. Không phải muôn loài mà thôi, cả chúng ta cũng rên siết trong lòng … khi trông đợi sự cứu chuộc thân xác chúng ta” (Rm 8,19-23).
Số 1047. Vì vậy, vũ trụ hữu hình được tiền định để chính nó được biến đổi: “Chính nó phải được phục hồi như tình trạng ban đầu, không có trở ngại nào, mà phục vụ những người công chính”[38], trong khi tham dự vào sự tôn vinh họ trong Chúa Giêsu Kitô phục sinh.
Số 1048. “Chúng ta không biết được thời gian hoàn tất của trái đất và nhân loại, chúng ta cũng chẳng biết cách thức vũ trụ sẽ biến đổi ra sao. Quả thật bộ mặt biến dạng vì tội lỗi của trần gian này sẽ qua đi, nhưng chúng ta được dạy rằng Thiên Chúa đã chuẩn bị một nơi lưu ngụ mới và một trần thế mới, trong đó sự công chính lưu ngụ, và vinh phúc của nó sẽ thỏa mãn và vượt quá mọi khát vọng về bình an, vốn đã trào lên trong trái tim con người”[39].
Số 1049. “Tuy nhiên, sự trông đợi đất mới không được làm suy giảm, trái lại phải khích động hơn sự quan tâm phát triển trái đất này, nơi mà thân thể gia đình nhân loại mới đang tăng trưởng và đã có khả năng đưa ra một nét phác hoạ nào đó của thời đại mới. Vì vậy, tuy phải phân biệt rõ rệt sự tiến bộ trần thế với sự tăng trưởng Nước Đức Kitô, nhưng tiến bộ này trở thành rất quan trọng đối với Nước Thiên Chúa tùy theo mức độ nó có thể góp phần vào việc tổ chức xã hội nhân loại một cách tốt đẹp hơn”[40].
Số 1050. “Thật vậy, sau khi chúng ta đã theo lệnh Chúa, và trong Thần Khí của Người, truyền bá khắp cõi đất những sự tốt lành của phẩm giá nhân loại, của sự hiệp thông huynh đệ và của sự tự do, nghĩa là tất cả những hoa trái tốt đẹp của bản tính và sự nghiệp của chúng ta, thì sau đó chúng ta sẽ gặp lại chúng, nhưng trong tình trạng đã được thanh luyện khỏi mọi tì ố, được chiếu sáng và được biến hình, khi Đức Kitô trao lại cho Chúa Cha Nước vĩnh cửu và phổ quát”[41]. Lúc đó, trong đời sống vĩnh cửu, Thiên Chúa “có toàn quyền trên muôn loài” (1 Cr 15,28):
“Sự sống thật và theo bản chất cốt tại điều này: Thiên Chúa Cha, nhờ Chúa Con và trong Chúa Thánh Thần, đổ tràn các hồng ân thiên quốc trên tất cả không trừ ai. Nhờ lòng thương xót của Ngài, cả chúng ta là những con người, chúng ta cũng đã lãnh nhận lời hứa vĩnh viễn là được sống muôn đời”[42].
1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)
Suy niệm: Qua đoạn Tin Mừng trên, ta thấy cả hai việc chữa lành đều do được chạm tới Chúa. Ðức Giêsu là Thiên Chúa. Ngài có uy quyền trên mọi thế lực: Bệnh tật và cả sự chết nữa.
Nhờ lòng tin của Giairô mà con gái ông được cứu sống, và cũng nhờ lòng tin vào Ðức Giêsu mà người đàn bà bị băng huyết được chữa lành. Niềm tin, lòng khiêm nhường của Giairô và người đàn bà đã cho họ được điều họ mong ước.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, mỗi khi chúng con được rước Chúa, chúng con được chạm tới Chúa. Ước chi mọi tật nguyền trong chúng con được lành mạnh. Chúng con dâng hiến Chúa trọn con người chúng con. Xin Chúa ở cùng chúng con luôn mãi. Amen.
Ghi nhớ: “Hỡi em bé, Ta bảo em hãy chỗi dậy”.
2. Suy niệm (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)
Suy niệm:
Ngạn ngữ Trung hoa có nói: “Một cây đổ gây ồn ào hơn một cánh rừng đang mọc.” Quả thật, vào một khu rừng, người ta dễ chú ý đến cây cổ thụ bách niên cao ngất, nhất là khi chúng gãy đổ, hơn là chú ý đến những bông lau sậy mong manh, tầm thường. Thế nhưng mảnh đất dưới chân thì biết chúng và còn biết chúng đã hút được chất nhựa sống nào từ lòng đất.
Ở giữa đám đông ồn ào chen lấn, Chúa Giêsu là nguồn sự sống cũng thấu biết sự giao tiếp âm thầm giữa Ngài với tâm hồn nào tin tưởng và khao khát ơn Ngài cứu độ, và tâm hồn nào thực sự xứng đáng đón nhận quyền năng cứu sống và chữa lành xuất phát tự nơi Ngài.
3. Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)
ĐỨC KITÔ LÀ NGUỒN SỐNG
+++
A. DẪN NHẬP
Sách thánh dạy chúng ta: “Thiên Chúa đã tạo dựng con người giống hình ảnh Ngài” để con người được tham dự vào sự sống vĩnh cửu, nhưng chương trình ấy đã bị phá vỡ bởi tội lỗi con người, và từ đó sự chết đã nhập vào thế gian, khiến con người phải chết (Kn 1, 13-15). Ngoài ra, con người còn phải chịu nhiều đau khổ như bệnh tật, thiên tai, hận thù, chiến tranh, chém giết nhau... Chúng rình rập chúng ta như săn đuổi con mồi, hòng chộp bắt chúng ta, đánh quỵ chúng ta và sớm đẩy ta xuống mồ.
Nhưng sách Khôn ngoan hôm nay dạy chúng ta: “Thiên Chúa không tạo dựng sự chết, chẳng vui mừng khi kẻ sống phải chết” (Kn 1, 13). Ngài muốn cứu sống chúng ta, đem lại hạnh phúc và bình an cho chúng ta. Vì thế, nếu chúng ta biết tin tưởng và kêu cầu Ngài thì được cứu sống (Đáp ca: Tv 29).
Chúa sẽ nghe lời chúng ta kêu cầu nhưng đòi hỏi chúng ta phải đặt hết niềm tin vào Ngài và cộng tác với ơn Ngài theo gương người đàn bà băng huyết và ông trưởng hội đường Giairô trong bài Tin mừng hôm nay. Ngoài ra, chúng ta cần có thái độ tích cực và khôn ngoan trước những đau khổ, trước những gian nan thử thách mà Chúa gửi đến cho chúng ta: “Ông đừng sợ, hãy vững tin” (Mc 5, 36).
B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA
+ Bài đọc 1: Kn 1, 13-15; 2, 23-24
Sách Khôn ngoan được soạn vào khoảng thế kỷ I trước công nguyên. Tác giả là một người rất ư lạc quan. Dưới con mắt của ông, Tạo hoá mong muốn mọi sự tồn tại và danh dự của Ngài không cho phép cái chết thắng sự sống. Mọi sự có lẽ sẽ hài hoà, nếu tội lỗi không xen vào chương trình sáng tạo để làm nó bị lạc hướng và dẫn nó đến cái chết, bởi vì con người được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa, để cho loài người được sống vĩnh viễn.
Để giải quyết vấn đề do cái chết đặt ra, tác giả bèn liên kết cái chết thể xác với cái chết tinh thần: sở dĩ có sự chết là do tội lỗi mà ra. Tuy nhiên, cái chết thể xác nằm trong viễn tượng Phục sinh, vì nó sẽ khai mở tới sự sống đời đời.
+ Bài đọc 2: 2Cr 8, 7-9.13-15
Lúc ấy cộng đoàn Giêrusalem đang gặp nạn đói, thánh Phaolô đang tổ chức một cuộc lạc quyên để giúp đỡ cộng đoàn này. Để thuyết phục tín hữu tích cực tham gia đóng góp, Ngài đã đưa ra gương sáng của Đức Giêsu Kitô, Đấng giàu sang vô cùng, đã tự ý trở nên nghèo khó để làm cho loài người được nên giàu có.
Cuộc lạc quyên này sẽ chứng tỏ sự bình đẳng giữa người Do thái và Hy lạp: người Do thái đã chia sẻ cho người Hy lạp những đặc ân tinh thần, thì cũng là điều bình thường, khi người Hy lạp chia sẻ cho người Do thái những may mắn của họ về vật chất trong lúc này. Như thế, sự dư dả của người này bù đắp sự thiếu thốn của người kia. Có như thế, “Kẻ được nhiều cũng không dư, mà kẻ có ít thì cũng không thiếu”.
+ Bài Tin mừng: Mc 5, 21-43
Thánh Marcô thuật lại cho chúng ta hai phép lạ có liên quan đến nhau: phép lạ làm cho con gái ông trưởng hội đường Giairô sống lại và phép lạ làm cho người đàn bà bị băng huyết đã 12 năm được khỏi. Hai phép lạ này gợi cho chúng ta hai điều:
1. Trước hết, hai phép lạ này mạc khải cho chúng ta về lòng nhân hậu của Đức Kitô, khiến không bao giờ cho Ngài được dửng dưng trước đau khổ của người khác. Đồng thời cũng hé mở cho chúng ta về quyền năng phát xuất từ Đức Giêsu: Ngài có thể làm cho khỏi bệnh dễ dàng, nhất là làm cho kẻ chết sống lại.
2. Những phép lạ này đòi hỏi đức tin nơi người muốn kêu xin. Đức tin cần thiết biết bao: “Ông đừng sợ, chỉ cần tin thôi” (Mc 5, 36). Đức tin của ông Giairô và người đàn bà băng huyết rất lớn: đặt hết tin tưởng vào Đức Kitô. Ngài dùng quyền năng cứu chữa và ban sự sống Ngài mang trong mình cho những ai, dù bề ngoài thất bại cách nào đi nữa, xin thì sẽ được như ý.
C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA: Sống trong niềm tin và hy vọng
I. TIN THÌ ĐƯỢC SỐNG
Bài đọc 1 hôm nay nhắc cho chúng ta tư tưởng lạc quan về cuộc sống. Khi tạo dựng con người, Thiên Chúa đã tạo dựng con người giống hình ảnh Ngài, để con người được tham dự vào sự sống vĩnh cửu, được hạnh phúc đời đời, nhưng con người đã phá vỡ kế hoạch của Thiên Chúa vì phạm tội. Tuy nhiên, Thiên Chúa giàu lòng thương xót sẽ nhận lời những ai thành khẩn kêu xin Ngài (Đáp ca: Tv 29). Tư tưởng này được minh chứng bằng hai phép lạ dưới đây:
1. Chữa người đàn bà băng huyết
Bỏ địa hạt Cêsarê, Đức Giêsu lại trở về Capharnaum. Thấy Ngài trở lại, dân chúng đến đón Ngài rất đông để được nghe giảng và xin phép lạ. Trong số đó, ông trưởng hội đường Giairô có đứa con gái bệnh nặng gần chết. Ông đến xin Ngài đến chữa cho con ông. Ngài nhận lời đi ngay.
Đang trên đường đi đến nhà ông Giairô thì dọc đường có một người đàn bà bị bệnh băng huyết đã 12 năm, không dám đến gần Ngài một cách công khai vì luật lệ cấm kỵ, vì bệnh băng huyết là một thứ bệnh nhơ nhớp, bệnh nhân không được công khai giao thiệp với dân chúng. Bà lén lút đến đàng sau Đức Giêsu với ý nghĩ rằng miễn sao chạm được vào gấu áo Ngài là khỏi bệnh ngay. Bà đã sờ vào được gấu áo Chúa nên bà cảm thấy lập tức trong mình đã được khỏi bệnh. Đức Giêsu biết rõ sự việc đã xảy ra và hỏi xem ai đã động đến gấu áo Ngài? Bà thành thật thú nhận việc đã làm, Đức Giêsu đã yên ủi và khích lệ bà: “Hỡi con, đức tin của con đã chữa con”.
2. Cứu sống con gái ông Giairô
Vừa chữa bệnh cho một người đàn bà bị băng huyết, Đức Giêsu vừa tiếp tục đi tới nhà ông Giairô. Tình cờ người nhà ông đến báo tin con ông đã chết rồi, đừng phiền đến Thầy nữa. Nhưng Đức Giêsu khích lệ ông: “Đừng sợ, hãy cứ tin”.
Quang cảnh nhà đứa bé thật nhộn nhịp: tiếng khóc của thân nhân cũng như của những người khóc mướn, tiếng trống tiếng kèn, cùng với lời báo tin của người nhà cũng như thái độ cười nhạo của những người chung quanh không tin vào quyền năng của Đức Giêsu cho thấy cô bé đã chết thật.
Nhưng ở đây Đức Giêsu lại bảo: “Cô bé không chết đâu, nó ngủ đấy”. Ngài nói thế là vì Ngài muốn tỏ ra rằng: Ngài làm cho kẻ chết sống lại dễ dàng như người ngủ thức dậy, để người khó tin được dễ hiểu.
Trước mặt 5 nhân chứng là cha mẹ cô bé và 3 môn đệ là Phêrô, Giacôbê và Gioan, Đức Giêsu cầm lấy tay cô bé và nói: “Hỡi em bé, Ta truyền cho em hãy trỗi dậy”. Và em bé trỗi dậy mạnh khoẻ. Ở đây Đức Giêsu tỏ ra có quyền trên sự chết và sự sống. Ngài làm chủ của kẻ sống và kẻ chết.
II. THIÊN CHÚA MUỐN ĐỨC TIN CỦA CHÚNG TA
1. Phép lạ và đức tin
Tất cả các phép lạ Đức Giêsu làm đều có ý khơi dậy lòng tin cho người ta. Không ai có thể chối cãi được những phép lạ Ngài đã làm như chữa bệnh, trừ quỷ, dẹp yên sóng gió, làm cho kẻ chết sống lại... Vì những phép lạ này làm công khai trước mặt nhiều người và làm ngay tức khắc nên mọi người phải công nhận. Khi chữa bệnh xong, Đức Giêsu hay nói với bệnh nhân: “Đức tin của con đã chữa con”.
Còn những nơi người ta không tin Ngài thì Ngài không làm phép lạ, như trường hợp ở quê hương Ngài vì “gần chùa gọi Bụt bằng anh”; còn đối với những luật sĩ và biệt phái chống đối Ngài thì Ngài cũng không làm phép lạ cho họ. Họ không thật lòng xin Ngài làm phép lạ mà chỉ thách thức Ngài thôi. Nếu không tin, không kêu xin Ngài thì làm gì có phép lạ?
Người đàn bà bị băng huyết này không dám công khai trực tiếp xin Chúa chữa bệnh cho bà, nhưng bà tự nhủ: “Tôi chỉ cần sờ vào gấu áo Ngài thì tôi sẽ được khỏi”. Nghĩ thế và bà đã dám làm, bất chấp luật lệ cấm đoán phiền phức và khắt khe. Điều đó chứng tỏ bà đã có đức tin vững mạnh, và thúc đẩy Chúa làm phép lạ. Kết quả là bà đã được như ý khi Chúa nói với bà: “Đức tin của con đã chữa con”.
Trường hợp ông trưởng hội đường Giairô cũng thế. Ông là một người có địa vị và thế giá trong dân. Điều này nói lên việc ông làm có ý thức và có thế giá. Thái độ khiêm nhường của ông trước mặt Đức Giêsu diễn tả niềm tin sâu xa của ông, ông đã quỳ mọp xuống dưới chân Chúa và khẩn khoản van xin: “Con bé nhà tôi gần chết rồi, xin Ngài đến đặt tay lên cháu, để nó được cứu chữa và được sống”. Như vậy ông này phải tin Đức Giêsu là ai, có quyền phép thế nào ông ta mới có cử chỉ và thái độ khiêm nhường và kêu xin như thế. Qua thái độ tin tưởng và lời cầu xin ấy, ông đã được toại nguyện.
2. Phép lạ có còn hợp thời không?
Đứng trước những dữ kiện “phép lạ” Chúa làm mà Tin mừng kể lại (1/3 của Tin mừng Marcô), chúng ta thấy ngày nay có hai khuynh hướng trái ngược nhau. Một số khoa học gia cho rằng phép lạ chỉ gây rắc rối cho đức tin, dần dần khoa học sẽ giải quyết nhiều bệnh lý. Trái lại, ngày nay, phong trào Thánh Linh đang phát triển mạnh làm cho người ta tin tưởng rằng: trong một cộng đoàn có Chúa Thánh Thần hoạt động, phép lạ không còn là một sự phi thường. Kinh nghiệm bản thân và sự quan sát khách quan đã minh chứng điều đó (theo Sr Briege Mckenna, O.S.C, Des Miracles d’Aujourd’hui)
Sống trong không khí thực nghiệm và duy vật, người ngày nay, cả trong Kitô hữu, có khi là cả tu sĩ hay giáo sĩ, có khuynh hướng muốn phủ nhận phép lạ và chối bỏ các điều mầu nhiệm của đạo.
- Đối với phép lạ, họ cho là nghịch công lệ tự nhiên, trái với sự bất di dịch của Thiên Chúa. Không nghịch, không trái gì hết. Tin phép lạ là tin Thiên Chúa có thể làm được những việc mà không loài thọ tạo nào tự sức mình có thể làm được. Ta hãy nghe nhà văn hào J.J. Rousseau nói: “Thiên Chúa có làm được phép lạ không? Nghĩa là Ngài có thể làm khác với các định luật Ngài lập không? Câu hỏi ấy mà có ý đặt ra thực, thì quả là ngạo mạn, nếu không là vô lý. Đối với kẻ trả lời rằng không, thì phạt nó còn là quá hân hạnh cho nó, hạng ấy cứ giam vào ngục là xong”.
- Đối với các mầu nhiệm, họ bảo người tin có mầu nhiệm nghĩa là tin cái không hiểu được, là mê tín. Không phải là mê tín. Tin mầu nhiệm chỉ là công nhận rằng sự thông minh của Thiên Chúa vượt hẳn trí khôn ta. Ông Charles Nicolle, một bác học có hạng, khi trở lại Công giáo nói: “May mà còn có những mầu nhiệm của tôn giáo! Nếu không, thì thật là khả nghi, vì tôi sợ rằng đó chỉ là sản phẩm giả tạo của trí óc loài người. Mầu nhiệm của tôn giáo làm tôi an tâm. Nó là biểu hiệu của Thiên Chúa” (Lm. Trần Văn Khả, Phúc âm Chúa nhật năm B, tr 151-152).
Truyện: Phải chăng là phép lạ?
Trong chương trình “The Extraordinary” có kể câu chuyện lạ, xảy ra tại Melbourne, Australia vào năm 1987. Buổi sáng đẹp trời, một bà mẹ chở đứa con gái 7 tuổi đến trường. Đang lúc mẹ con trò chuyện vui vẻ, bất chợt một chiếc xe trọng tải đâm thẳng vào hông xe, nơi em bé ngồi. Em bé bị ngất xỉu. Sau khi cứu sống, hội đồng bác sĩ cho biết là em sẽ không bao giờ có thể đi lại được nữa! Em sống, nhưng mất nhiều khả năng tri giác và cảm xúc. Thật là tin buồn cho người mẹ. Tuy nhiên bà ngoại vẫn điềm tĩnh và có linh cảm rằng cháu của bà sẽ được ơn đặc biệt. Bà thường đến bệnh viện thăm và giúp cháu đọc kinh và cầu nguyện. Những ai thấy bệnh trạng của em bé đều thương hại cho em. Nhiều người ngạc nhiên là trên khuôn mặt của em luôn hiện lên sự bình an từ trong tâm hồn và niềm vui siêu nhiên. Sau khi rời bệnh viện, dần dần em đi học lại và theo kịp các bạn cùng lớp (Hà Ngọc Đoài).
Câu chuyện em bé hôm nay và con gái ông trưởng hội đường hôm xưa cũng tương tự. Xưa và nay cũng chỉ là một Thiên Chúa. Ngài luôn tươi trẻ với thời gian và luôn gần gũi trong không gian để an ủi và nâng đỡ những ai tìm đến Ngài.
III. ĐỨC TIN VÀ HÀNH ĐỘNG
1. Phải cộng tác với Chúa
Thánh Giacôbê đã khẳng định về sự cần thiết của việc làm song song với đức tin: “Đức tin không có hành động thì quả là đức tin chết. Đàng khác, có người sẽ bảo: Bạn, bạn có đức tin; còn tôi, tôi có hành động. Bạn thử cho tôi thấy thế nào là tin mà không có hành động, còn tôi, tôi sẽ hành động để cho bạn thấy thế nào là tin” (Gc 2, 17-18).
Tin là cộng tác với ơn Chúa, và muốn sống đời đời cũng phải đồng hành với Chúa như người đàn bà băng huyết, bà nghĩ mình phải làm cái gì đó chứ không chỉ tin suông, nên bà đã đến với Chúa chớ không chờ Chúa đến với mình.
Ông Giairô cũng vậy, ông tin Đức Giêsu có thể cứu sống con ông, ông vội vã đến với Chúa. Cả hai đều tin tưởng vào Chúa và nỗ lực cộng tác với Ngài. Vì thế, chúng ta không thể cứ thụ động chờ Chúa làm phép lạ, nhưng hãy sử dụng hết những phương tiện Chúa ban, còn phần kia tuỳ Chúa định liệu.
Truyện: Hãy tự cứu mình trước
Câu chuyện xảy ra vào mùa thu, có một vùng quê bị một trận lụt dữ dội tàn phá, khiến cho một bà già bị kẹt trong căn nhà bà. Đang khi bà ta đứng tựa cửa sổ nhà bếp nhìn ra thì một chiếc thuyền xuất hiện, người lái thuyền bảo bà: “Hãy leo lên thuyền để thoát nạn”. Bà lão đáp lại: “Không, cám ơn, tôi tin vào Chúa, Ngài sẽ cứu tôi”. Người lái thuyền lắc đầu rồi bỏ đi.
Ngày hôm sau, cơn lụt dâng cao đến tầng hai của căn nhà. Đang lúc bà lão đứng tựa cửa sổ tầng hai ngắm nhìn con nước thì một chiếc thuyền khác lại xuất hiện. Người lái thuyền bảo bà: “Hãy lên thuyền để thoát nạn”. Bà già đáp lại: “Không, cảm ơn, tôi tin vào Chúa. Ngài sẽ cứu tôi”. Người lái thuyền lắc đầu rồi bỏ đi.
Ngày kế tiếp cơn nước dâng lên tận nóc nhà. Đang khi bà lão ngồi trên nóc nhà nhìn con nước dâng, một chiếc trực thăng lại hiện ra. Viên phi công dùng loa gọi vọng xuống: “Tôi sẽ thả một chiếc thang dây cho bà, hãy leo lên và bà sẽ thoát nạn”. Bà già lại nói: “Không, cảm ơn, tôi tin vào Chúa, Ngài sẽ cứu thoát tôi”. Viên phi công nhìn bà lắc đầu, rồi bỏ đi.
Ngày sau đó, cơn lụt nhận chìm ngôi nhà và bà lão bị chết đuối. Khi được đưa về trời, bà ta nói với thánh Phêrô: “Trước khi vào đây, tôi xin được phàn nàn một điều. Tôi đã tin chắc Chúa sẽ cứu tôi thoát khỏi trận lụt, thế mà Ngài lại để tôi bị chết chìm”. Thánh Phêrô bối rối nhìn bà lão đoạn lên tiếng: “Tôi chả hiểu Chúa có thể làm thêm điều gì được cho bà nữa, vì Ngài đã gửi tới cho bà những hai chiếc thuyền và một chiếc trực thăng rồi còn gì” (M. Link, Giảng lễ Chúa nhật, năm B, tr 254-255).
Bà lão trong trận lụt này quá lầm lẫn. Bà quên rằng Chúa thường hoạt động trong đời sống chúng ta xuyên qua những phương tiện bình thường. Bà quên rằng chúng ta phải làm hết phận vụ mình và hợp tác với Chúa bằng cách sử dụng những phương tiện bình thường Ngài ban cho ta. Nói cách khác, chúng ta không thể ngồi thụ động chờ Chúa làm phép lạ, mà phải dùng tất cả mọi phương tiện thông thường Chúa ban để tự giúp mình trước đã.
Tục ngữ Việt Nam đã nói lên chân lý này: “Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”: con người phải bắt đầu làm đã, còn thành bại thế nào thì sẽ do Trời định liệu. Nhưng về phía Trời thì chắc chắn: “Thiên thượng bất phụ hảo tâm nhân”, Trời sẽ giúp cho những ai biết cố gắng dùng mọi phương tiện Chúa đã ban cho, đúng như tục ngữ Pháp có câu Aide-toi, le Ciel t’aidera: anh hãy tự giúp mình trước, Trời sẽ giúp mình sau.
2. Xét lại đức tin của mình
Qua thái độ của người đàn bà băng huyết và của ông trưởng hội đường Giairô, ta thử xét lại đức tin của chúng ta xem sao: Tin khi đời sống bình an, thuận buồm xuôi gió thì chưa hẳn là đức tin thật, nó phải được tôi luyện trong đau khổ, trong khó khăn, trong gian nan thử thách mà vẫn kiên trì, thì đức tin ấy mới có thể làm nên phép lạ.
Hay nói đúng hơn, lúc ấy Thiên Chúa mới trợ giúp, mới cứu chữa, vì khi đó chúng ta không tin vào sức riêng mình mà tin vào Chúa, thì Chúa phải thực hiện thôi. Như Abraham xưa, như Phêrô đi trên mặt biển, như người đàn bà và ông Giairô trong bài Tin mừng hôm nay, chúng ta hãy tin tưởng.
Cuộc đời của chúng ta không bao giờ hết đau khổ. Chúng ta có thể cảm nghiệm tình yêu của Thiên Chúa cả trong đau khổ. Sự hiện diện của Thiên Chúa không nhất thiết lấy đi đau khổ, nhưng cho chúng ta năng lực chuyển hoá đau khổ. Chúng ta cần Thiên Chúa giúp đỡ để linh hồn chúng ta không bị thu hẹp vào sự thụ động hoàn toàn, gần giống như những đồ vật, bị tác động nhưng không bao giờ hoạt động.
Thấu hiểu chân lý này, ông Francois Mauriac đã phát biểu: “Ngài đến không phải để cất sự đau khổ mà để hiện diện với đau khổ”. Như vậy nghĩa là Ngài đến ban đức tin cho chúng ta, để chúng ta biết chịu đựng đau khổ, biết chuyển hoá đau khổ, biến nó thành phương tiện để đạt tới ơn cứu độ. Bằng không thì chúng ta chịu đau khổ một cách vô ích và những đau khổ trở nên vô nghĩa.
Những ai không có đức tin thì gặp nhiều bất lợi trước đau khổ. Họ chịu đựng đau khổ gấp ba lần: họ chịu đựng bệnh tật, họ chịu đựng sự vô nghĩa của bệnh tật (vì đối với họ, bệnh tật chỉ là phiền toái, kết quả của một số phận mù quáng) và họ chịu đựng đau khổ vì cuộc sống của họ bị ngưng trệ. Họ coi bệnh tật của họ như một việc phải chịu đựng thay vì một việc phải sống. Đời sống của họ như bị giữ chặt lại, vì họ chờ đợi thụ động cho đến khi mọi việc trở lại bình thường để họ có thể bắt đầu cuộc sống trở lại.
Mặt khác, các bệnh nhân có đức tin ở trong một tình thế tốt hơn. Dù đức tin không giải thoát họ khỏi bệnh tật, hoặc làm giảm bớt đau khổ do bệnh tật gây ra, người có đức tin tiếp tục sống một cách mãnh liệt như trước đây, có khi còn mãnh liệt hơn. Họ có thể tìm thấy Thiên Chúa trong bệnh tật cũng như trong lúc khoẻ mạnh, và bệnh tật của họ có thể sinh ra kinh nghiệm có lợi là họ sẽ xin Chúa chữa lành cho bệnh tật ấy (Flor McCarthy).
4. Suy niệm (Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.)
ĐƯỢC CỨU VÀ ĐƯỢC SỐNG
Cuộc sống của con người luôn bị đe dọa bởi cái chết,
ngay cả khi không có chiến tranh hay dịch bệnh.
Có triết gia bảo rằng con người hiện hữu là để chết.
Nhưng chẳng ai muốn chết, kể cả người tự tử.
Ai cũng khát sống và muốn sống khỏe, sống vui, sống mãi.
Khát vọng đó tự nó đâu có gì là xấu,
dù Đức Giêsu hay nói đến chuyện
hy sinh mạng sống cho Ngài hay cho tha nhân.
Tin Mừng hôm nay là tin mừng về sự sống.
Đức Giêsu đem lại sự sống cho người phụ nữ,
mười hai năm vật vã với ốm đau, thất vọng.
Mười hai năm sống trong tình trạng bị coi là ô uế,
không được chạm đến người khác, không được dự các lễ nghi.
Bệnh tật làm bà đau đớn, cô đơn và khánh kiệt.
Bà biết Đức Giêsu, và khi thấy đám đông bu quanh Ngài,
bà táo bạo nghĩ ra cách để làm mình được khỏi bệnh.
Đó là chạm vào áo choàng của Ngài.
Bà đã tin như thế và đã lén lút làm như thế.
Lập tức bà được giải thoát khỏi cơn bệnh kinh niên.
Đức Giêsu muốn gặp bà, người đã “ăn trộm” một phép lạ.
Khi thấy bà run rẩy sợ hãi, Ngài khen lòng tin của bà.
Chẳng những bà được khỏi bệnh,
bà còn được ơn bình an nhờ gặp gỡ Đấng chữa lành.
Tin Mừng hôm nay là tin mừng về sự sống.
Đức Giêsu đem lại sự sống cho một cô bé mười hai tuổi.
Vào thời xưa, cô đã thành thiếu nữ, có thể được hứa hôn.
Cha cô là một chức sắc trong hội đường.
Hốt hoảng vì biết con gái mình sắp chết, ông phủ phục
và khẩn khoản nài xin Đức Giêsu mau đến nhà mình.
Ông tin chỉ cần Ngài đến ngay và đặt tay là cô được cứu sống.
Lòng tin của ông thật khiêm tốn và mạnh mẽ,
nhưng lòng tin ấy cũng phải trải qua thử thách không ngờ,
bởi lẽ trên đường đến nhà ông,
Đức Giêsu đã bất ngờ phải dành giờ cho bà bị băng huyết.
Lòng của người cha nóng như lửa,
Ông chỉ sợ con gái mình chết trước khi Ngài đến nhà.
Nhưng Ngài lại không có vẻ gì vội vã khi gặp bà này.
Vào lúc ấy, người nhà báo tin con ông đã chết.
Ông trưởng hội đường bị đẩy vào một câu hỏi khó:
Có cần Đức Giêsu đến nhà nữa không?
Ông chỉ nghĩ đến việc mời Ngài đến nhà
để đặt tay lúc con gái ông còn sống.
Còn bây giờ nó chết rồi, không kịp nữa rồi,
mời Đức Giêsu đến nhà để làm gì, ông không nghĩ ra.
Niềm hy vọng đã tắt khiến ông lúng túng và tuyệt vọng.
Chính lúc đó Ngài nâng đỡ ông: “Đừng sợ. Chỉ tin thôi!”
Và Ngài tiếp tục đi với ông về nhà.
Cần nếm nỗi đau của người cha mất con gái cưng.
Trong phòng đặt xác cô, chỉ có cha mẹ, và bốn Thầy trò.
Đức Giêsu không đến đặt tay để cô được khỏi bệnh,
nhưng cầm tay để kéo cô ra khỏi móng vuốt của tử thần.
Cô đứng dậy được, đi được và ăn được.
Có ai hiểu được niềm vui của người cha khi con mình sống?
Cũng như có ai cảm được niềm vui của bà được khỏi bệnh?
Đức Giêsu đem lại sự sống, sự sống đem lại niềm vui,
niềm vui làm cho niềm tin lớn lên hơn trước.
Khi gặp thử thách, khi ta thấy tuyệt vọng như người cha,
Đức Giêsu nói với ta: “Đừng sợ. Chỉ tin thôi!”
Khi hoàn toàn bó tay và tuyệt vọng như bà bị băng huyết,
ta nói như bà: “Chỉ cần chạm vào áo Ngài là tôi được khỏi.”
CẦU NGUYỆN
Chúa ơi ! Thật lạ lùng !
Con có đủ hai tay, khi bao người bị cụt tay.
Mắt con sáng, khi nhiều người không thấy ánh sáng.
Con biết nói biết cười, khi bao người câm không nói được.
Con có đôi tay để làm việc, khi nhiều người phải ăn xin.
Thật lạ lùng !
Con có mái ấm để trở về,
khi bao người chẳng biết đi về đâu.
Thật lạ lùng !
Con được yêu thương, được sống,
được cười vui, được mơ ước,
khi bao người khác sống trong chán chường,
ghét ghen, vật vã,
và chết trước khi chào đời.
Thật lạ lùng !
Con được biết Chúa và tin vào Chúa,
khi bao người chưa được an vui vì không có đức tin.
Chúa ơi ! Thật là điều hết sức lạ lùng !
Con chẳng còn gì phải đòi hỏi thêm,
chỉ thấy mình cần phải tạ ơn,
vì rất nhiều ơn đã lãnh nhận.
Michel Quoist
5. Suy niệm (song ngữ)
13th Sunday in Ordinary Time
Reading I: Wisdom 1:13-15, 2:23-24 II: 2Cor 8:7, 9, 13-15
Chúa Nhật 13 Thường Niên
Bài Đọc I: Khôn ngoan 1:13-15, 2:23-24 II: 2Cr 8:7, 9, 13-15
-------o0o------
Gospel
Mark 5:21-43 or 5:21-24, 35b-43
21 When Jesus had crossed again (in the boat) to the other side, a large crowd gathered around him, and he stayed close to the sea.
22 One of the synagogue officials, named Jairus, came forward. Seeing him he fell at his feet
23 and pleaded earnestly with him, saying, “My daughter is at the point of death. Please, come lay your hands on her that she may get well and live.”
24 He went off with him, and a large crowd followed him and pressed upon him.
25 There was a woman afflicted with hemorrhages for twelve years.
26 She had suffered greatly at the hands of many doctors and had spent all that she had. Yet she was not helped but only grew worse.
27 She had heard about Jesus and came up behind him in the crowd and touched his cloak.
28 She said, “If I but touch his clothes, I shall be cured.”
29 Immediately her flow of blood dried up. She felt in her body that she was healed of her affliction.
30 Jesus, aware at once that power had gone out from him, turned around in the crowd and asked, “Who has touched my clothes?”
31 But his disciples said to him, “You see how the crowd is pressing upon you, and yet you ask, 'Who touched me?'“
32 And he looked around to see who had done it.
33 The woman, realizing what had happened to her, approached in fear and trembling. She fell down before Jesus and told him the whole truth.
34 He said to her, “Daughter, your faith has saved you. Go in peace and be cured of your affliction.”
35 While he was still speaking, people from the synagogue official's house arrived and said, “Your daughter has died; why trouble the teacher any longer?”
36 Disregarding the message that was reported, Jesus said to the synagogue official, “Do not be afraid; just have faith.”
37 He did not allow anyone to accompany him inside except Peter, James, and John, the brother of James.
38 When they arrived at the house of the synagogue official, he caught sight of a commotion, people weeping and wailing loudly.
39 So he went in and said to them, “Why this commotion and weeping? The child is not dead but asleep.”
40 And they ridiculed him. Then he put them all out. He took along the child's father and mother and those who were with him and entered the room where the child was.
41 He took the child by the hand and said to her, “Talitha koum, “ which means, “Little girl, I say to you, arise!”
42 The girl, a child of twelve, arose immediately and walked around. (At that) they were utterly astounded.
43 He gave strict orders that no one should know this and said that she should be given something to eat.
Phúc Âm
Mác-cô 5:21-43 hoặc 5:21-23, 35b-43
21 Đức Giêsu xuống thuyền, lại trở sang bờ bên kia. Một đám rất đông tụ lại quanh Người. Lúc đó, Người đang ở trên bờ Biển Hồ.
22 Có một ông trưởng hội đường tên là Giaia đi tới. Vừa thấy Đức Giêsu, ông ta sụp xuống dưới chân Người,
23 và khẩn khoản nài xin: “Con bé nhà tôi gần chết rồi. Xin Ngài đến đặt tay lên cháu, để nó được cứu thoát và được sống.”
24 Người liền ra đi với ông. Một đám rất đông đi theo và chen lấn Người.
25 Có một bà kia bị băng huyết đã mười hai năm,
26 bao phen khổ sở vì chạy thầy thuốc đã nhiều đến tán gia bại sản, mà vẫn tiền mất tật mang, lại còn thêm nặng là khác.
27 Được nghe đồn về Đức Giêsu, bà lách qua đám đông, tiến đến phía sau Người, và sờ vào áo của Người.
28 Vì bà tự nhủ: “Tôi mà sờ được vào áo Người thôi, là sẽ được cứu.”
29 Tức khắc, máu cầm lại, và bà cảm thấy trong mình đã được khỏi bệnh.
30 Ngay lúc đó, Đức Giêsu thấy có một năng lực tự nơi mình phát ra, Người liền quay lại giữa đám đông mà hỏi: “Ai đã sờ vào áo tôi ?”
31 Các môn đệ thưa: “Thầy coi, đám đông chen lấn Thầy như thế mà Thầy còn hỏi: “Ai đã sờ vào tôi ?”
32 Đức Giêsu ngó quanh để nhìn người phụ nữ đã làm điều đó.
33 Bà này sợ phát run lên, vì biết cái gì đã xảy đến cho mình. Bà đến phủ phục trước mặt Người, và nói hết sự thật với Người.
34 Người nói với bà ta: “Này con, lòng tin của con đã cứu chữa con. Con hãy về bình an và khỏi hẳn bệnh.”
35 Đức Giêsu còn đang nói, thì có mấy người từ nhà ông trưởng hội đường đến bảo: “Con gái ông chết rồi, làm phiền Thầy chi nữa ?”
36 Nhưng Đức Giêsu nghe được câu nói đó, liền bảo ông trưởng hội đường: “Ông đừng sợ, chỉ cần tin thôi.”
37 Rồi Người không cho ai đi theo mình, trừ ông Phêrô, ông Giacôbê và em ông này là ông Gioan.
38 Các ngài đến nhà ông trưởng hội đường. Đức Giêsu thấy người ta khóc lóc, kêu la ầm ĩ.
39 Người bước vào nhà và bảo họ: “Sao lại náo động và khóc lóc như vậy? Đứa bé có chết đâu, nó ngủ đấy!”
40 Họ chế nhạo Người. Nhưng Người bắt họ ra ngoài hết, rồi dẫn cha mẹ đứa trẻ và những kẻ cùng đi với Người, vào nơi nó đang nằm.
41 Người cầm lấy tay nó và nói: “Talithakum”, nghĩa là: “Này bé, Thầy truyền cho con: chỗi dậy đi !”
42 Lập tức con bé đứng dậy và đi lại được, vì nó đã mười hai tuổi. Và lập tức, người ta kinh ngạc sững sờ.
43 Đức Giêsu nghiêm cấm họ không được để một ai biết việc ấy, và bảo họ cho con bé ăn.
Interesting Details
• (v 22) While most of the Jewish religious authorities looked on Jesus as an impostor. And here is Jairus, a leader of a synagogue, when faced with a calamity had the courage to admit that Jesus Christ had the supernatural power and begged for His mercy with a public display of humility.
• (v 30) Jesus wishes to show that he was able to distinguish a touch which brought healing because of the faith that inspired it from all the other casual touches.
• The woman's illness would make her ritually unclean (Lev 15:19) and in consequence everything she touched would be unclean. But here it is a reverse: she became clean by touching Jesus.
• Jairus and the sick woman were motivated by their trust in Jesus' mercy and power. Each has to overcome their own fear (5:33, 36) to seek for His mercy. Jesus credits both of them for their faith in him: “Your faith has saved you”
Chi Tiết Hay
• (c 22) Trong khi các lãnh đạo tôn giáo Do Thái coi Đức Giêsu như môt kẻ thù nghịch thì ở đây, ông Gia-ia, trưởng hội đường khi gặp hoạn nạn đã biết nhìn nhận Đức Giêsu có quyền năng siêu nhiên và đã khiêm nhường cầu xin Ngài cưu giúp.
• (c.30) Đức Giêsu muốn cho thấy rằng Ngài đã phân biệt được giữa những sự va chạm bình thường và sự chạm vào áo của Ngài do lòng tin thúc đẩy.
• Theo quan niệm của người Do Thái thời đó, bệnh băng huyết đã làm cho người phụ nữ trở nên ô uế (Lev. 15:19), do đó bất cứ sự gì bà chạm tay vào đều trở nên ô uế. Tuy nhiên ở đây một điều hoàn toàn trái ngược đã xảy ra: bà đuợc trở nên sạch nhở đã chạm vào Đức Giêsu.
• Cả ông Gia-ia lẫn người phụ nữ bệnh hoạn đã được thôi thúc vì tin tưởng nơi lòng thương xót và quyền năng của Đức Giêsụ Họ đã vượt thắng sự sợ hãi (5:33, 36) để đến với Ngài. Đức Giêsu đã khen họ đã biết tin nơi Ngài: “Lòng tin của con đã cứu chữa con”.
One Main Point
All were astonished at the physical healing, but Jesus came to heal creation from the domination of evil in its deeper forms and from the inner pains of spirit and soul.
Một Điểm Chính
Tất cả mọi người kinh ngạc sững sờ vì việc Đức Giêsu chữa lành và cứu sống đứa trẻ, nhưng Ngài đến còn để cứu chữa chúng ta khỏi quyền lực tối tăm của sự dữ và khỏi những bệnh tật trong tâm hồn.
Reflections
1. What did the sick woman risk when she came up behind Jesus in the crowd and touched his garment? What did Jairus risk? Does your faith in Jesus also put you in the same situation?
2. Reflect on your experience being healed by Jesus or your wish for healing from Jesus.
Suy Niệm
1. Người phụ nữ trong câu chuyện đã liều lĩnh ở khía cạnh nào khi lách qua đám đông để đến chạm vào áo Đức Giêsu? Ông Gia-ia cũng đã liều lĩnh ở điểm nào? Bạn có liểu lĩnh khi tin vào Đức Giêsu chăng?
2. Bạn đã có kinh nghiệm được chữa lành ra sao hoặc mong được chữa lành thế nào?