Chúa nhật 2 mùa Vọng năm C - Dọn đường cho Chúa đến (Lc 3,1-6)

Đức GiêSu Đã, Đang Và Mãi Mãi Yêu Chúng Ta Cho Đến Cùng

"Tình yêu Đức Kitô thúc bách chúng ta"

Chúa nhật 2 mùa Vọng năm C - Dọn đường cho Chúa đến (Lc 3,1-6)

Chúa nhật 2 mùa Vọng năm C - Dọn đường cho Chúa đến (Lc 3,1-6)

“Có tiếng người hô trong hoang địa: hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa,
sửa lối cho thẳng để Người đi.” (Lc 3, 4)

BÀI ĐỌC I: Br 5, 1-9

“Chúa sẽ tỏ bày huy hoàng của Chúa trong ngươi”.

Trích sách Tiên tri Barúc.

Hỡi Giêrusalem, hãy cởi áo tang chế và sầu khổ của ngươi, hãy mặc lấy sự huy hoàng và vinh quang đời đời của Chúa mà Chúa ban cho ngươi. Chúa sẽ mặc cho ngươi áo công lý, và đặt vương miện vĩnh cửu trên đầu ngươi. Vì chưng, Chúa sẽ tỏ bày huy hoàng của Chúa trong ngươi cho mọi kẻ trần gian. Vì Thiên Chúa sẽ đời đời gọi tên ngươi là Hoà bình trong công lý và Vinh dự trong hiếu nghĩa.

Hỡi Giêrusalem, hãy chỗi dậy, đứng nơi cao, và nhìn về hướng đông. Hãy nhìn con cái ngươi từ đông sang tây họp lại theo lệnh của Đấng Thánh, họ hân hoan thấy Chúa nhớ đến họ. Họ bị quân thù dẫn đi xa ngươi, nhưng Chúa đã đem họ về cho ngươi trong vinh dự như các hoàng tử. Vì Chúa đã ra lệnh triệt hạ mọi núi cao và mọi đồi từ ngàn xưa, lấp đầy những hố sâu, để trái đất được bằng phẳng, hầu Israel vững vàng bước đi cao rao vinh quang Thiên Chúa.

Theo lệnh Chúa, những cánh rừng, những cây có hương thơm, đã cho Israel núp bóng, vì Chúa sẽ hân hoan lấy lòng từ bi và công bình của Người dẫn dắt Israel đến ánh vinh quang.

Đó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 125, 1-2ab. 2cd-3. 4-5. 6

Ðáp: Chúa đã đối xử đại lượng với chúng tôi, nên chúng tôi mừng rỡ hân hoan (c. 3).

Xướng: Khi Chúa đem những người Sion bị bắt trở về, chúng tôi dường như người đang mơ, bấy giờ miệng chúng tôi vui cười, lưỡi chúng tôi thốt lên những tiếng hân hoan.

Xướng: Bấy giờ dân thiên hạ nói với nhau rằng: Chúa đã đối xử với họ cách đại lượng. Chúa đã đối xử đại lượng với chúng tôi, nên chúng tôi mừng rỡ hân hoan.

Xướng: Lạy Chúa, xin hãy đổi số phận chúng con, như những dòng suối ở miền nam. Ai gieo trong lệ sầu, sẽ gặt trong hân hoan.

Xướng: Thiên hạ vừa đi vừa khóc, tay mang thóc đi gieo. Họ trở về trong hân hoan, vai mang những bó lúa.

 

BÀI ĐỌC II: Pl 1, 4-6. 8-11

“Anh em hãy ăn ở trong sạch và không đáng trách, cho đến ngày của Đức Kitô”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Philipphê.

Anh em thân mến, luôn luôn trong mọi lời cầu nguyện của tôi, tôi hân hoan khẩn cầu cho tất cả anh em, vì anh em đã thông phần vào việc rao giảng Phúc Âm từ ngày đầu cho tới nay. Tôi tin tưởng rằng Đấng đã khởi đầu việc lành đó trong anh em, cũng sẽ hoàn tất cho đến ngày của Đức Giêsu Kitô.

Vì Thiên Chúa làm chứng cho tôi rằng: tôi yêu mến tất cả anh em với tâm tình của Đức Giêsu Kitô. Điều tôi cầu nguyện bây giờ là lòng bác ái của anh em ngày càng gia tăng trong sự thông biết và am hiểu, để anh em xác định những điều quan trọng hơn, để anh em được trong sạch và không đáng trách cho đến ngày của Đức Kitô, anh em được Đức Giêsu Kitô ban cho dư đầy hoa quả công chính, hầu tôn vinh và ngợi khen Thiên Chúa.

Đó là lời Chúa.

 

Tin mừng: Lc 3, 1-6

1 Năm thứ mười lăm dưới triều hoàng đế Ti-bê-ri-ô, thời Phong-xi-ô Phi-la-tô làm tổng trấn miền Giu-đê, Hê-rô-đê làm tiểu vương miền Ga-li-lê, người em là Phi-líp-phê làm tiểu vương miền I-tu-rê và Tra-khô-nít, Ly-xa-ni-a làm tiểu vương miền A-bi-lên, 2 Kha-nan và Cai-pha làm thượng tế, có lời Thiên Chúa phán cùng con ông Da-ca-ri-a là ông Gio-an trong hoang địa.

3 Ông liền đi khắp vùng ven sông Gio-đan, rao giảng, kêu gọi người ta chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội, 4 như có lời chép trong sách ngôn sứ I-sai-a rằng: “Có tiếng người hô trong hoang địa: hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi. 5 Mọi thung lũng, phải lấp cho đầy, mọi núi đồi, phải bạt cho thấp, khúc quanh co, phải uốn cho ngay, đường lồi lõm, phải san cho phẳng. 6 Rồi hết mọi người phàm sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa.”

Giáo lý cho bài giảng Chúa nhật 2 Mùa Vọng năm C

WHĐ (05/12/2024) - Để hỗ trợ các nhà giảng thuyết thuận tiện hơn trong việc thêm giáo lý vào bài giảng, Ban Biên tập xin được trích dẫn những điểm giáo lý phù hợp với các bài đọc Kinh Thánh của lễ Chúa nhật 2 Mùa Vọng năm C theo sự hướng dẫn của Bộ Phụng tự và Kỷ luật các Bí tích.

Số 522, 711-716, 722: Các tiên tri và sự mong đợi Đấng Messia

Số 523, 717-720: Sứ vụ của Thánh Gioan Tẩy Giả

Số 710: Cuộc lưu đày của dân Israel báo trước về Cuộc Khổ Nạn

Số 2532, 2636: Sự quan tâm của Thánh Phaolô

Bài Ðọc I: Br 5,1-9

Bài Ðọc II: Pl 1,4-6.8-11

Phúc Âm: Lc 3, 1-6

 

Số 522, 711-716, 722: Các tiên tri và sự mong đợi Đấng Messia

Số 522. Việc Con Thiên Chúa ngự đến trong thế gian là một biến cố hết sức trọng đại, đến độ Thiên Chúa đã muốn chuẩn bị cho biến cố đó qua nhiều thế kỷ. Các nghi thức và các hy lễ, các hình ảnh và các biểu tượng của “Giao Ước Cũ”[1], tất cả đều được Thiên Chúa làm cho hội tụ trong Đức Kitô: Chính Ngài loan báo Đức Kitô qua miệng các Tiên tri kế tiếp nhau ở Israel. Ngoài ra, Ngài còn khơi dậy trong tâm hồn các người ngoại giáo một sự chờ đợi chưa rõ ràng việc Con Thiên Chúa ngự đến.

Số 711. “Này Ta sắp làm một việc mới” (Is 43,19). Hai đường hướng tiên tri được phác hoạ, một đường dẫn đến sự mong đợi Đấng Messia; đường kia hướng đến việc loan báo một Thần Khí mới, hai đường hướng này đồng quy nơi “số sót” nhỏ bé, nơi dân của những người nghèo[2], họ đang mong đợi “niềm an ủi của Israel” và “sự cứu chuộc Giêrusalem” (Lc 2,25.38) trong niềm hy vọng.

Ở trên, chúng ta đã thấy Chúa Giêsu hoàn thành những lời tiên tri nói về Người như thế nào. Ở đây, chúng ta giới hạn vào những lời tiên tri trong đó tương quan giữa Đấng Messia và Thần Khí của Người xuất hiện rõ ràng hơn.

Số 712. Những nét phác hoạ dung mạo Đấng Messia được mong đợi, bắt đầu được biểu lộ trong sách Emmanuel[3] (khi “ngôn sứ Isaia … đã thấy vinh quang” của Đức Kitô: Ga 12,41), đặc biệt trong đoạn văn Is 11,1-2:

“Từ gốc tổ Giessê, sẽ đâm ra một nhánh nhỏ,
Từ cội rễ ấy, sẽ mọc lên một mầm non.
Thần Khí Chúa sẽ ngự trên vị này:
Thần khí khôn ngoan và minh mẫn,
Thần khí mưu lược và dũng mãnh,
Thần khí hiểu biết và kính sợ Chúa”.

Số 713. Những nét phác hoạ về Đấng Messia được mạc khải chủ yếu trong các bài ca về Người Tôi trung[4]. Những bài ca này loan báo ý nghĩa cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu, và cho thấy cách Người sẽ đổ tràn Thần Khí để cho muôn người được sống: không phải từ bên ngoài, nhưng bằng cách “mặc lấy thân nô lệ” của chúng ta (Pl 2,7). Khi mang lấy cái chết của chúng ta trên mình Người, Người có thể truyền thông cho chúng ta Thần Khí riêng của Người, Thần Khí sự sống của Người.

Số 714. Chính vì vậy, Đức Kitô khởi đầu công cuộc loan báo Tin Mừng của Người bằng cách áp dụng cho mình đoạn sau đây của tiên tri Isaia (Lc 4,18-19)[5]:

“Thần Khí Chúa ngự trên tôi,
Vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi,
để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn,
Ngài đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha,
cho người mù biết họ được sáng mắt,
trả lại tự do cho người bị áp bức,
công bố một năm hồng ân của Chúa”.

Số 715. Các bản văn tiên tri trực tiếp liên quan đến việc sai Chúa Thánh Thần đến, là những lời sấm trong đó Thiên Chúa lấy ngôn ngữ Lời hứa mà nói vào trái tim của dân Ngài, bằng cung giọng yêu thương và trung tín[6], sáng ngày lễ Ngũ Tuần, thánh Phêrô sẽ tuyên bố việc hoàn thành những điều đó[7]. Theo những lời hứa đó, trong “thời sau hết”, Thần Khí Thiên Chúa sẽ đổi mới trái tim người ta bằng cách ghi khắc Lề luật mới trong họ; Ngài sẽ quy tụ và giao hoà những dân tộc đã bị phân tán và chia rẽ; Ngài sẽ biến đổi công trình tạo dựng thứ nhất và Thiên Chúa sẽ ở đó với người ta trong hoà bình.

Số 716. Đoàn dân “của những người nghèo”[8], những người khiêm nhu và hiền lành, hoàn toàn phó thác cho kế hoạch bí nhiệm của Thiên Chúa của mình, những người mong chờ công lý không bởi người ta nhưng bởi Đấng Messia, đoàn dân ấy cuối cùng là công trình cao cả mà âm thầm của Chúa Thánh Thần, trải suốt thời gian của các Lời hứa, để chuẩn bị cho cuộc Ngự đến của Đức Kitô. Phẩm chất tâm hồn của những người đó, đã được thanh tẩy và soi sáng bởi Thần Khí, được diễn tả trong các Thánh vịnh. Nơi những ngươi nghèo này, Thần Khí chuẩn bị cho Chúa “một dân hoàn hảo”[9].

Số 722. Chúa Thánh Thần đã dùng ân sủng của Ngài mà chuẩn bị Đức Maria. Mẹ của Đấng “nơi Người, tất cả sự viên mãn của thần tính hiện diện cách cụ thể” (Cl 2,9) tất phải “đầy ơn phúc”. Đức Maria đã được thụ thai, trong ân sủng thuần tuý, không hề có tội, với tư cách là người khiêm tốn nhất trong các thụ tạo, xứng đáng nhất trong mọi người để đón nhận hồng ân khôn tả của Đấng Toàn Năng. Thiên thần Gabriel chào Mẹ cách chính xác là “Con gái Sion”: “Kính mừng” (= “Mừng vui lên”)[10]. Chính Mẹ, trong bài thánh ca của mình[11], đã làm cho lời tạ ơn của toàn dân Thiên Chúa và của Hội Thánh lên tới Chúa Cha trong Chúa Thánh Thần, khi Mẹ cưu mang nơi mình Chúa Con vĩnh cửu.

 

Số 523, 717-720: Sứ vụ của Thánh Gioan Tẩy Giả

Số 523. Thánh Gioan Tẩy Giả là vị Tiền Hô trực tiếp của Chúa[12], đã được sai đến để dọn đường[13]. Thánh nhân là “ngôn sứ của Đấng Tối Cao” (Lc l,76), troi vượt tất cả mọi Tiên tri[14], và là vị Tiên tri cuối cùng[15]. Thánh nhân khởi đầu Tin Mừng[16]; ngay từ trong lòng mẹ đã đón chào Đức Kitô đến[17], và tìm thấy niềm vui trong việc được làm “bạn của chú rể” (Ga 3,29), Đấng mà thanh nhân chỉ cho biết là Chiên “Thiên Chúa, Đấng xoá bỏ tội trần gian” (Ga l,29). Thánh nhân đi trước Chúa Giêsu trong “thần trí và quyền năng của ngôn sứ Êlia” (Lc 1,17), và làm chứng cho Người bằng lời rao giảng của mình, bằng phép rửa thống hối của mình và cuối cùng bằng cuộc tử đạo của mình[18].

Số 717. “Có một người được Thiên Chúa sai đến, tên là Gioan” (Ga 1,6). Ông Gioan được “đầy Thánh Thần, ngay khi còn trong lòng mẹ” (Lc 1,15)[19], do chính Đức Kitô mà Đức Trinh Nữ Maria vừa thụ thai bởi Chúa Thánh Thần. Như vậy, việc Đức Maria “viếng thăm” bà Êlisabeth đã trở thành việc Thiên Chúa viếng thăm dân Ngài[20].

Số 718. Ông Gioan chính là “tiên tri Êlia phải đến”[21]: ngọn lửa của Thần Khí ở trong ông và làm cho ông (với tư cách là người “tiền hô”) “chạy trước” Chúa, Đấng ngự đến. Nơi ông Gioan, vị Tiền hô, Chúa Thánh Thần hoàn tất việc “chuẩn bị một dân sẵn sàng đón Chúa” (Lc 1,17).

Số 719. Ông Gioan “còn hơn một Tiên tri nữa”[22]. Nơi ông, Chúa Thánh Thần hoàn thành việc “dùng các Tiên tri mà phán dạy”. Ông Gioan kết thúc hàng ngũ các Tiên tri khởi đầu từ ông Êlia[23]. Ông loan báo niềm an ủi Israel đã gần kề, là “tiếng” của Đấng An Ủi, Đấng ngự đến[24]. Chính ông, như Thần chân lý cũng sẽ làm, “đến để làm chứng, và làm chứng về ánh sáng” (Ga 1,7)[25]. Nơi ông Gioan, Thần Khí hoàn thành “điều các tiên tri tìm hiểu” và các Thiên thần “ước mong”[26]: “Ngươi thấy Thần Khí xuống và ngự trên ai, thì người đó chính là Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần. Tôi đã thấy, nên xin chứng thật rằng Người là Đấng Thiên Chúa tuyển chọn…. Đây là Chiên Thiên Chúa” (Ga 1,33-36).

Số 720. Cuối cùng, với ông Gioan Tẩy Giả, Chúa Thánh Thần khởi sự và biểu hiện trước những gì Ngài sẽ thực hiện với Đức Kitô và trong Đức Kitô: đó là phục hồi cho con người sự “giống như” Thiên Chúa. Phép rửa của ông Gioan là phép rửa thống hối, còn Phép Rửa trong nước và trong Thần Khí sẽ là sự tái sinh[27].

 

Số 710: Cuộc lưu đày của dân Israel báo trước về Cuộc Khổ Nạn

Số 710. Việc quên lãng Lề luật và bất trung với Giao Ước dẫn đến cái chết: cuộc lưu đày có vẻ là sự thất bại của các Lời hứa, mà thật ra là sự trung tín bí nhiệm của Thiên Chúa, Đấng cứu độ, và là khởi đầu của cuộc phục hồi như đã hứa, nhưng theo Thần Khí. Dân Thiên Chúa cần phải trải qua cuộc thanh tẩy này[28]; cuộc lưu đày mang bóng dáng cây thập giá trong kế hoạch của Thiên Chúa, và số sót những người nghèo trở về từ cuộc lưu đày, là một trong những hình ảnh rõ ràng nhất của Hội Thánh.

 

Số 2532, 2636: Sự quan tâm của Thánh Phaolô

Số 2532. Sự thanh tẩy trái tim đòi hỏi việc cầu nguyện, thực thi đức khiết tịnh, sự trong sạch của ý hướng và của cái nhìn.

Số 2636. Các cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi đã nhiệt thành sống hình thức chia sẻ này[29]. Thánh Tông Đồ Phaolô đã cho các cộng đoàn đó tham gia vào thừa tác vụ Tin Mừng của ngài bằng cách này[30] nhưng ngài cũng chuyển cầu cho họ nữa[31]. Lời chuyển cầu của các Kitô hữu không có ranh giới: “Cho tất cả mọi người, cho vua chúa và tất cả những người cầm quyền” (1 Tm 2,1), cho những người bách hại[32], cho ơn cứu độ của những người từ khước Tin Mừng[33].

 

Bài giảng Đức Thánh Cha - Chúa nhật 2 Mùa Vọng năm C

Đây là những bài giảng và huấn dụ của Đức Thánh Cha trong các thánh lễ và các buổi đọc kinh Truyền tin với các tín hữu vào Chúa nhật 2 Mùa Vọng năm C.

Đức Phanxicô, Bài giảng Chúa nhật 2 Mùa Vọng năm C (05/12/2021) - Hoang địa và sám hối

Đức Phanxicô, Huấn dụ Chúa nhật 2 Mùa Vọng năm C (09/12/2018) - Hành trình hoán cải

Đức Phanxicô, Huấn dụ Chúa nhật 2 Mùa Vọng năm C (06/12/2015) - Tại sao chúng ta phải ăn năn sám hối?

Đức Bênêđictô XVI, Huấn dụ Chúa nhật 2 Mùa Vọng năm C (09/12/2012) - Tiếng và Lời

Đức Bênêđictô XVI, Huấn dụ Chúa nhật 2 Mùa Vọng năm C (06/12/2009) - Lời của Chúa đáp xuống ông Gioan

 

1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)

Suy niệm: Gioan được tuyển chọn làm sứ ngôn của Chúa. Ông kêu gọi người ta trở về con đường ngay thẳng để đón nhận ơn cứu độ.

Với ơn gọi Kitô hữu, chúng ta cũng được trao sứ mệnh rao giảng sự công chính của Thiên Chúa. Xây dựng con đường chân lý hòa bình trong thế giới. Giữa một thế hệ muốn chối bỏ Thiên Chúa. Một thế hệ vong thân và đảo điên trong vô luân mất an bình. Người Kitô hữu đã phải làm gì ? Và đã làm được gì ? Gioan đã chu toàn nhiệm vụ tiền hô cho Ðấng Cứu Thế. Còn chúng ta, bao giờ sứ mệnh của chúng ta mới hoàn tất ?

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, được mang danh là một Kitô hữu, sứ mệnh chúng con cũng thật cao cả và cũng thật nặng nề. Chúng con có thể an tâm được không khi chung quanh chúng con và thậm chí chính trong con người chúng con còn có những tranh chấp, gian tà ? Chúng con có thể bình yên được không khi anh chị em chúng con vẫn còn hận thù, ganh ghét ?

Lạy Chúa Giêsu, chúng con phải làm gì ? Chúng con phải làm gì để xây dựng hòa bình ? Chúng con phải làm gì cho nước tình yêu được lan tràn trên mặt đất để anh chị em chúng con sống trong an vui hạnh phúc ? Lạy Chúa, chúng con không thể “bình chân như vại” khi sứ mệnh của chúng con chưa hoàn tất. Xin Chúa giúp chúng con. Amen.

Ghi nhớ: “Mọi người sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa”.

 

2. Suy niệm (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)

A. Hạt giống...

Thánh Luca viết đoạn Phúc Âm này nhằm 3 ý:

1. Muốn cho thấy Đức Giêsu là một nhân vật có thật trong lịch sử. Bởi thế Thánh Luca liệt kê những nhân vật lịch sử đang hành quyền lúc Gioan Tẩy giả bắt đầu rao giảng. Trong số những nhân vật ấy,

- Có những người đang nắm quyền thuộc lãnh vực chính trị, như Hoàng đế Tibêriô, Tổng trấn Phongxiô Philatô, các Tiểu vương Hêrôđê, Philípphê, Lyxania.

- Có những người đang nắm quyền thuộc lãnh vực tôn giáo, như các thượng tế Khanna và Caipha.

Lãnh địa mà họ đang hành quyền vừa là phần đất do thái (như Giuđê, Galilê), vừa là phần đất lương dân (như Iturê, Trakhônít, Abilên).

2. Khi liệt kê những nhân vật đang cầm quyền vừa trong lãnh vực tôn giáo lẫn lãnh vực chính trị, vừa ở đất Do Thái vừa ở đất lương dân, Thánh Luca còn muốn nói Đức Giêsu là Đấng Cứu Độ phổ quát, chẳng những cho người Do Thái mà còn cho mọi dân tộc.

3.Gioan Tẩy Giả chính là kẻ tiền hô dọn đường cho Ngài.

B. ... nẩy mầm.

1. Ngôi Hai Thiên Chúa từ trời cao đã xuống trần gian, đi vào lịch sử loài người. Nghĩa là Ngài muốn chia sẻ thân phận con người. Còn tôi, tôi có muốn chia sẻ cuộc đời tôi cho Ngài không?

2. Đức Giêsu là Đấng Cứu Độ toàn thể nhân loại. Thế mà đã sau 20 thế kỷ và bước vào thiên niên kỷ thứ ba mà còn rất nhiều người chưa nhìn nhận Ngài. Do đâu? Tôi có phần trách nhiệm nào trong sự thiếu sót này không?

3. Trách nhiệm của tôi có lẽ là đã không quan tâm đến việc “dọn đường”. Ngày xưa Đấng Cứu Thế cần có Gioan dọn đường, thì ngày nay cũng vẫn thế. Việc này ngày nay được gọi là “Tiền Phúc Âm Hoá”. Việc “Tiền Phúc Ấm Hoá” tạo những điều kiện thuận lợi cho mãnh đất, để khi hạt giống Phúc Âm gieo xuống thì mọc lên ngay. Vậy tôi sẽ làm công việc tiền Phúc Âm hoá này cho những ai? Và làm bằng cách nào?

4. Gioan Tẩy Giả được kêu gọi là ngôn sứ cho Chúa trong khung cảnh lịch sử thời ông. Chúa cũng gọi tôi làm chứng cho Ngài trong khung cảnh lịch sử và xã hội cụ thể của tôi. Tôi phải trình bày Đức Giêsu như thế nào để cho người đương thời thấy được rằng Ngài là một Đấng rất gần gũi với họ và có thể cứu họ?

5. Gioan được kêu gọi “trong sa mạc”, nghĩa là trong một khung cảnh thinh lặng. Tôi cũng chỉ có thể gặp Chúa và nghe được tiếng gọi của Ngài nếu tôi biết đi vào “sa mạc” bằng tĩnh tâm, cầu nguyện và không để mình bị xáo trộn bởi những lo lắng sự đời.

6. Chẳng những tôi phải dọn đường cho Chúa đến với anh chị em tôi, mà cũng phải dọn con đường tâm hồn tôi để cho Chúa đến với tôi nữa. Vậy, hiện tại con đường tâm hồn của tôi thế nào: những chỗ quanh co là gì? lồi lõm là gì?

 

3. Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)

DỌN ĐƯỜNG CHO CHÚA ĐẾN

A. DẪN NHẬP

Chúa nhật thứ nhất mùa Vọng Giáo Hội dạy chúng ta hãy trông đợi Chúa đến. Chúa sẽ đến với chúng ta trong ngày kết thúc vũ trụ hay ngày kết thúc của đời mình. Trong ngày đó, chúng ta đừng sợ, hãy đứng dậy và ngẩng cao đầu lên vì ơn cứu rỗi của chúng ta đã gần đến.

Chúa nhật thứ hai Mùa Vọng hôm nay, thêm một bước nữa, Giáo hội dạy chúng ta hãy dọn đường để đón tiếp Chúa. Trông đợi và dọn đường là hai sự việc móc nối với nhau, để việc Chúa đến sẽ gây một chú ý đặc biệt nơi chúng ta.

Ra vào phải có cửa, qua lại phải có đường là lẽ cố nhiên. Nhưng đối với Chúa đường lối Ngài đến với chúng ta có điều hơi khác. Chúa đến với chúng ta bằng con đường thiêng liêng, hay nói cách khác, con đường Chúa đến phải là con đường lòng của chúng ta. Tiên tri Barúc cũng như Gioan Tiền hô đều nhắc lại lời Kinh thánh dạy chúng ta cách dọn đường cho Chúa: “Thiên Chúa đã ra lệnh phải bạt thấp núi cao và gò nổng có tự lâu đời, phải lấp đầy thung lũng cho mặt đất phẳng phiu, để Israel tiến bước an toàn dưới ánh sáng vinh quang của Thiên Chúa”. Và “Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Ngài đi. Mọi thung lũng, phải lấp cho đầy, mọi núi đồi, phải bạt cho thấp, khúc quanh co, phải uốn cho ngay, đường lồi lõm phải san cho bằng”.

B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA

+ Bài đọc 1: Br 5,1-9

Đối với cộng đoàn Do thái tha phương, Giêrusalem tượng trưng cho thành đô lý tưởng, nơi qui tụ những người lưu lạc khắp nơi dưới sự hướng dẫn của Thiên Chúa.

Tuy còn sống trong cảnh lưu đày xa quê hương, tiên tri Barúc, thư ký của tiên tri Giêrêmia, đã loan báo tin mừng cho dân và phác hoạ ra một quang cảnh chứa chan hy vọng và phấn khởi: đã đến lúc Thiên Chúa chấm dứt cảnh lưu đày đau thương, để đưa dân trở về quê hương trong danh dự và vinh quang: “Con cái ngươi từ đông sang tây tụ họp về, chúng hớn hở vui mừng, chúng được kiệu vinh quang rực rỡ khác chi một ngai vàng”.

Thiên Chúa sẽ thay đổi sống phận Israel. Do đó, Israel sẽ là dân mới có thành Giêrusalem mới. Thật ra quang cảnh này chỉ thành hiện thực trong nước Chúa Kitô thôi.

+ Bài đọc 2: Pl 1,4-6.8-11

Trong bài đọc 2 hôm nay, thánh Phaolô viết thư gửi cho tín hữu Philipphê nhiều điều tương tự như ngài đã viết cho tín hữu Thessalonica tuần trước. Ngài khen ngợi lòng quảng đại của tín hữu Philipphê, đồng thời cũng nhắc nhở cho họ hãy tỏ ra xứng đáng đón tiếp Đức Kitô vào ngày Người trở lại. Ngài khuyên họ hãy gia tăng tình bác ái, sống tinh tuyền và đừng để có gì đáng trách: “Tôi cũng xin cho anh chị em được nên tinh tuyền và không làm gì đáng trách, trong khi chờ đợi ngày Đức Kitô quang lâm” (Pl 1,10).

Vì thế, cả đời người Kitô hữu là ngóng đợi ngày Chúa quang lâm. Cả đời người Kitô hữu là chuẩn bị, là dọn đường cho Chúa đến. Đấy chính là những điều mà Giáo hội mượn lời thánh Tông đồ để khuyên chúng ta.

+ Bài Tin mừng: Lc 3,1-6

Khi nhắc lại cho chúng ta hoàn cảnh lịch sử trong đó Đức Giêsu giáng sinh, thánh Luca cho thấy Đức Giêsu là một nhân vật có thật trong lịch sử, một Đấng Cứu thế phổ quát mà Chúa hứa ban từ xưa và dân Israel đã chờ đợi qua muôn thế hệ, đã đến. Thánh Gioan Tẩy giả chính là kẻ tiền hô dọn đường cho Ngài.

Thánh Gioan phải mượn lời tiên tri Isaia mà lớn tiếng rao giảng và kêu gọi mọi người tỏ lòng sám hối bằng cách chấp nhận được rửa trong dòng sông Giođan để đợi chờ Chúa Cứu thế, vì Ngài sắp xuất hiện.

Sứ mạng mà Gioan phải thực hiện là “Hãy dọn con đường cho Đức Chúa; sửa lối cho thẳng để Người đi; mọi thung lũng, phải lấp cho đầy; mọi núi đồi phải bạt cho thấp; quanh co phải uốn cho ngay; đường lồi lõm, phải san cho bằng”. Chúng ta phải sống theo lời thánh Gioan khuyên bảo, để có thể đón Đấng Cứu thế đến với chúng ta hôm nay.

C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA: Hãy dọn đường cho Chúa đến

I. NHU CẦU DỌN ĐƯỜNG

Trên thế giới ngày nay có rất nhiều con đường để di chuyển vừa dài vừa rộng lại đẹp đẽ tối tân, để giúp cho việc di chuyển được nhanh chóng, tiết kiệm được thời giờ và tiền của. Nhưng từ những con đường rộng rãi thênh thang ấy cũng cần có những con đường nhỏ để dẫn tới từng ngôi nhà. Nhà nào mà không có đường vào? Vì thế, trước khi xây nhà, người ta phải tính chuyện mở con đường vào nhà trước, nếu không có đường vào, không ai xây nhà cả.

Sách có chữ rằng: “Thuỳ năng xuất tất do hộ, nhi bất hành tất do đạo”: ai ra vào phải qua cửa, cũng như đi lại tất phải có đường. Có đường đi là một điều cần, không có đường đi thì việc di chuyển bị bế tắc. Đường đi thì có muôn ngàn lối và cần phải sửa sang cho việc di chuyển được dễ dàng. Chúng ta cũng đã có con đường đến với Chúa và Chúa đến với chúng ta, nhưng con đường đó nhiều khi bị bỏ hoang, gây khó khăn cho việc di chuyển nên cần phải sửa sang lại cho việc di chuyển được dễ dàng.

Chúa nhật tuần trước chúng ta đã nghe Giáo hội dạy phải ngửa mặt lên để mong chờ Chúa. Chúa nhật hôm nay Giáo hội lại dạy chúng ta phải dọn đường để đón tiếp Ngài. Mong chờ và dọn đường là hai sự việc móc nối với nhau, để việc Chúa đến gây một sự chú ý đặc biệt nơi chúng ta. Bài Tin mừng hôm nay hô hào chúng ta dọn đường cho Chúa, tất nhiên dạy chúng ta phải dọn lòng để đón rước Chúa: “Có tiếng kêu trong hoang địa. Hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng, hãy lấp mọi hố sâu và hãy bạt mọi núi đồi: Con đường cong queo hãy làm cho ngay thẳng, con đường gồ ghề, hãy san cho bằng. Và mọi người sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa”.

  • Dọn đường cho vua chúa đến
  • Gioan là sứ giả được Thiên Chúa sai đến hô hào cho dân chúng dọn đường cho Chúa đến.

    Sau một thời gian tôi luyện bằng đời sống khắc khổ trong sa mạc, ông đã xuất hiện với một sứ điệp quả quyết từ Thiên Chúa lôi cuốn quần chúng đông đảo đến thung lũng Giođan, để nghe giảng đạo và tiếp nhận lễ rửa như một dấu hiệu và dấu chứng cho lòng ăn năn. Bản chất của chức vụ ông là làm ứng nghiệm lời báo trước của tiên tri Isaia “Tiếng kêu trong hoang địa”, người được Thiên Chúa sai đến để dọn đường cho Đấng Cứu thế đến.

    Sự chuẩn bị này có tính cách Đông phương, khi một vị vua định đi tuần tra một vùng nào trong vương quốc mình thì sai một vị quan đi trước để hô hào dân chúng sửa sang đường sá. Chỗ trũng phải lấp đầy, chỗ cao phải bạt xuống, đường quanh co phải nắn lại cho thẳng, đường gồ ghề phải sửa cho êm. Như vậy, muốn cho người ta sẵn sàng tiếp nhận Chúa Kitô, những trở ngại đạo đức cần phải dẹp sạch, phải sám hối ăn năn và từ bỏ tội lỗi. Luca đã kết thúc câu trích Isaia rằng: “Và mọi người sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa” để phù hợp với tính cách phổ thông của Tin mừng.

  • Lời kêu gọi vẫn còn tính thời sự
  • Đức Giêsu đã đến trần gian thực hiện công cuộc cứu độ loài người từ 2000 năm nay rồi. Vậy phải chăng lời loan báo của Gioan Tẩy giả đã trở thành quá cũ kỹ với tín hữu chúng ta ngày hôm nay chăng? Vâng, quả thực Đức Kitô đã đến và làm mọi sự để cứu độ con người và lẽ ra với sự hy sinh tuyệt vời của Ngài, nhân loại đã được giải thoát mọi tội lỗi để sống trong yêu thương và hạnh phúc. Thế nhưng, chính sự tôn trọng phẩm giá, tự do và ý thức của con người, nên Chúa đã không dùng bất cứ một hình thức cưỡng chế nào để bắt con người phải chấp nhận chân lý của Ngài. Nên thực tế là sự lầm lạc, tội lỗi và đau khổ vẫn còn tồn tại.

    Gioan Tẩy giả đến rao giảng sự thống hối bằng việc chịu phép rửa để xin ơn tha tội. Chịu phép rửa là nói lên quyết tâm sám hối, thay đổi cuộc sống. Sám hối hay hoán cải mà chúng ta nói ở đây (Metanoia: sự trở lại) là một sự quay trở lại với Thiên Chúa. Nếu hoán cải chỉ là một sự thay đổi luân lý hay xã hội, thì cuộc sống Kitô hữu có lẽ chỉ là một thứ nhân bản như những học thuyết khác, có khi lại còn không hoàn hảo bằng những học thuyết đó. Nhưng đúng ra là ta “quay trở lại với Chúa” cùng với những hậu quả luân lý và xã hội: chống lại tính ích kỷ, bất công, khuynh hướng duy vật thực dụng, sự nô lệ lạc thú và tiền bạc, nếp sống thiếu trong sạch, tính lười biếng. Thái độ chế ngự kẻ khác (Quesson).

    II. NHỮNG CON ĐƯỜNG TRẦN THẾ

  • Những con đường tinh thần
  • Thánh Gioan không nhọc công hô hào sửa đường cho vua chúa - việc đó thuộc về xã hội – mà muốn chúng ta chú trọng vào con đường thiêng liêng: những con đường ấy ở ngay trong lòng chúng ta, những con đường ấy bị bom đạm của tội lỗi làm hư hỏng, đã trở nên con đường kinh hoàng mà thánh Marcô đã mô tả: “Từ lòng con người, phát xuất những ý định xấu, trộm cướp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tị, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng” (Mc 7,21-22).

    Người Pharisêu và Saducêu cho rằng chỉ cần giữ Lề luật là đủ, là hết bổn phận với Thiên Chúa. Gioan khẳng định rằng điều cần thiết là cần phải có sự đổi mới tâm hồn: “Hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng, hãy lấp hố sâu (tội lỗi), hãy bạt núi đồi, con đường gồ ghề hãy san cho bằng”.

    Dọn đường có nghĩa là sám hối canh tân. Muốn sám hối cần phải biết mình, biết những sở trường sở đoản của mình. Một mình mình biết, một mình mình hay là một điều tốt, nhưng chưa đủ, còn cần những lời của người khác thức tỉnh, con người mới thoát ra khỏi cảnh u mê lầm lạc. Lời thánh Gioan là những nhắc nhở mà Giáo hội muốn chúng ta thực hiện trong Mùa Vọng này

    Truyện: Tô Tần và vua nước Sở

    Đời Chiến quốc, nhà du thuyết Tô Tần sang nước Sở, phải đợi suốt ba ngày mới được vào ra mắt vua Sở.

    Nói xong câu chuyện, Tô Tần xin cáo biệt đi ngay. Vua Sở bảo:

    - Quả nhân nghe tiếng tiên sinh quí như nghe tiếng một bậc danh nhân xưa. Nay tiên sinh đã không quản xa xôi, đến chơi với quả nhân, lại không chịu ở lại là cớ làm sao?

    Tô Tần thưa:

    - Tôi xem ra thấy nước Sở này có đồ ăn đắt hơn ngọc, củi đắt hơn quế, quan khó được trông thấy như ma, vua khó được yết kiến như trời. Nay nhà vua muốn bắt tôi ở lại để ăn ngọc thổi quế, nhờ ma thấy trời hay sao?

    Vua Sở khẩn khoản nói:

    - Xin mời tiên sinh cứ ở lại, quả nhân đã hiểu rõ quá rồi.

    Một nước mà vật giá đắt đỏ: “Củi quế gạo châu”, vua quan xa cách dân chúng, thì nhân dân trong nước khổ sở biết bao. Cái đáng khen của vua Sở là sau khi nghe Tô Tần bình phẩm về tình hình kinh tế chính trị của đất nước mình, thì ông liền nhận ra sai lầm và quyết tâm sửa chữa (Thiên Phúc, Như Thầy đã yêu, năm C, tr 13).

    Đọc xong câu truyện nhà du thuyết Tô Tần với vua nước Sở, chúng ta cũng phải suy nghĩ về hoàn cảnh của chúng ta: có cái gì nhắc nhở chúng ta trong dịp mừng lễ Giáng sinh không? Mỗi lần Mùa Vọng đến, lại có một Tô Tần xuất hiện để vạch ra những lỗi lầm của chúng ta và nhắc nhở chúng ta sám hối canh tân. Đó chính là Gioan Tẩy giả: “Có tiếng kêu trong hoang địa. Hãy dọn đường cho Chúa, sửa lối cho phẳng để Người đi” (Lc 3,4).

  • Những con đường phải sửa
  • Nghe theo lời kêu gọi của thánh Gioan, chúng ta hãy dùng Mùa Vọng này như là bầu khí thuận tiện để sám hối và quay về với Chúa bằng cách:

  • Hãy lấp đầy những hố sâu
  • Hố sâu hay lũng sâu bao giờ cũng tượng trưng cho hố thẳm của mọi nguy hiểm, mọi bất trắc. Hố sâu tượng trưng cho túi tham vô đáy của con người. Vì gian tham, con người có thể thực hiện được mọi tội ác để vơ vét. Tưởng rằng càng vơ vét nhiều, mình càng giàu, càng đầy. Nhưng oái oăm thay, mình lại càng thấy cuộc đời trống rỗng. Hành động “lấp đầy” theo nghĩa siêu nhiên ở đây là lấp đầy những hố thẳm mênh mông (những khát vọng vô biên) của con người bằng đạo đức, bằng công chính, bằng chính Thiên Chúa, là Đấng cội nguồn sự sống, là chính Chân, Thiện, Mỹ.

    Truyện: Lòng tham vô đáy

    Người Trung Hoa có câu truyện ngụ ngôn nói lên được cái dục vọng thầm kín của con người muôn thuở:

    Một người bị giam ở địa ngục, sắp được đi đầu thai. Anh ta tâu với Diêm Vương:

    - Như quả thật Đại Vương muốn cho tôi trở về dương thế, thì xin cho tôi được mấy đặc ân.

    Diêm Vương hỏi:

    - Ngươi xin điều chi?

    Anh ta đáp:

    - Tôi xin đầu thai làm con một vị tể tướng, làm cha một vị trạng nguyên. Tôi xin được một ngôi nhà ở giữa một khu đất vạn mẫu, có ao thả cá, có cây trái đủ thứ. Tôi xin có một người vợ tuyệt sắc, nhiều tì thiếp diễm lệ, tất cả đều chung tình ngoan ngoãn chiều chuộng tôi. Tôi xin được châu báu chất đầy phòng, lúa thóc đầy lẫm, tiền bạc đầy rương. Tôi xin được làm một vị quan công khanh, suốt đời vinh hoa phú quí, sống lâu trăm tuổi. Chỉ bấy nhiêu thôi.

    Diêm Vương đáp:

    - Trần thế mà có được người như vậy, thì ta đây đã đầu thai thế cho ngươi rồi.

    (Nguyễn Văn Y, Có chí thì nên, tr 100-102)

  • Hãy bạt núi đồi xuống
  • Đồi núi đây là tính kiêu ngạo. Chúng ta thường nghe câu: “Tam sơn tứ hải nhất phần điền”, nhưng đọc Thánh kinh không nghe nói Chúa đã dựng nên đồi núi lúc nào cả. Có người đoán: có lẽ đồi núi đã mọc lên sau ngày nguyên tổ Adong Evà phạm tội kiêu ngạo, do đó kiêu ngạo lại là của gia truyền.

    Con người mãi mãi chỉ là thụ tạo, không phải là Chúa. Phải biết mình là con người bất toàn như người ta nói: “Nhân vô thập toàn” nên phải ý thức sự bất toàn và giới hạn của mình, hay đúng hơn, “biết mình để đừng tự cao tự đại, để cải quá tự tân”.

    Truyện: Giỏi gì đâu

    Trần Nghiêu Tử làm quan tiết độ sứ đời Tống, là người tài bắn, thiên hạ khen phục, Nghiêu Tử cũng lấy làm kiêu căng tự đắc. Nghiêu Tử thường bắn ở trong vườn nhà mình. Một hôm có ông lão bán dầu đi qua, thấy Nghiêu Tử bắn, đặt gánh xuống, ngấp nghé đứng xem. Ông lão thấy Nghiêu Tử bắn 10 phát trúng 7, 8 thì hơi gật gù và mỉm miệng cười. Nghiêu Tử thấy thế, gọi vào bảo:

    - Nhà ngươi cũng biết bắn chứ? Người cười ta bắn không được phải không?

    Ông lão đáp:

    - Giỏi gì đâu, chẳng qua là quen tay đấy thôi.

    Nghiêu Tử giận, nói:

    - A, nhà ngươi dám khinh ta không bắn giỏi có phải không?

    Ông lão bán dầu đáp:

    - Khinh hay không ngài cứ xem tôi rót dầu đây thì biết!

    Nói xong, ông lão lấy ngay cái bầu đặt xuống đất, trên miệng bầu để một đồng tiền rồi từ từ rót dầu qua lỗ mà không nhiễu một tí dầu nào ra lỗ đồng tiền cả. Rót đoạn, ông lão ngẩng mặt lên Trần Nghiêu Tử:

    - Như tôi đây cũng chẳng giỏi gì đâu, chỉ quen tay đó thôi.

    Nghiêu Tử cười, khen phải và từ đó không lên mặt là tay bắn giỏi nữa.

    (Thái Bạch, Đông tây kim cổ tinh hoa, 1971, tr 84-85)

  • Đường cong queo phải uốn cho thẳng
  • Cong queo đây là thiếu ngay thẳng. Nhiều người suốt đời đã sống bằng mưu mô, bằng thủ đoạn, chỉ cốt mưu lợi cho mình, bất chấp tội phúc và sự thiệt hại cho người khác.

    Đường quanh co đây còn có thể là gian dối, tính tự phụ, kiêu căng, thích khoe khoang, coi mình hơn kẻ khác, coi khinh người ta. Vì thế, phải tập sống lương thiện, sống hồn nhiên tự tại theo “nhân chi sơ tính bản thiện” như trẻ thơ (x. Mt 18,3) mới có thể vào Nước trời.

    Truyện: Bán cam thối

    Lưu Cơ một danh sĩ nước Tàu về đời nhà Minh có viết một bài văn kể lại câu chuyện sau đây. Chuyện kể rằng:

    Ở Hàng Châu (bây giờ là tỉnh Chiết Giang) có người bán các thứ hoa quả, anh ta để dành cam rất khéo, để lâu không ủng, vỏ vẫn đỏ tươi, trông đẹp như vàng ngọc. Anh đem ra chợ bán rất đắt, người người tranh nhau mua.

    Ta thấy vậy, cũng lại mua một quả đem về. Nhưng bóc ra thì hơi xông lên mũi như xác bông nát. Vì thế, ta phải ra chợ tìm người bán cam, trách rằng:

    - Anh bán cam cho người ta để làm cúng lễ, để đãi khách khứa, hay là chỉ làm cho choáng bề ngoài để đánh lừa người ta. Tệ thật, sao anh làm người mà giả dối như vậy?

    Người bán cam cười đáp:

    - Tôi làm nghề này đã lâu năm để kiếm tiền nuôi thân. Tôi bán, thiên hạ mua chẳng ai nói gì chi nhiều. Ông ơi, người đời giả dối nhiều, há phải một mình thằng tôi đâu. Sao ông trách tôi mà không nghĩ. Kìa người đeo hổ phù ngồi da cọp, hùng dũng trông thật đáng quan võ, nhưng xét sự thật được bằng Tôn Tẫn, Ngô Khởi hay không? Người đội mũ cao, thắt đai dài, đường hoàng ra vẻ quan văn lắm, nhưng xét sự thật hỏi được như Y Doãn, Cao Dao hay không? Than ôi, giặc giã không biết dẹp, dân khổ không biết cứu, quan lại tham nhũng không biết trừng trị, pháp độ mục nát không biết sửa, ngồi rồi ăn lương không biết xấu. Thế mà lúc ở công đường ăn của quý, uống rượu ngon, đi xe ngựa, trông thật oai vệ, thật vô cùng hách dịch. Đó bề ngoài chẳng như vàng như ngọc mà trong như bông nát là gì? Sao ông không xét những người ấy lại chỉ chú ý vào quả cam của tôi.

    Ta nghe nói, nín lặng không trả lời sao được, và nghĩ người ấy có giọng khôi hài nên có cảm tưởng:

    - Dễ chừng anh ta ghét kẻ gian tà, giận phường thế tục, mới nhận chuyện

    bán cam để dạy mình đây chăng? (Thái Bạch, Đông tây cổ kim tinh hoa, tr 194-195).

  • Đường lồi lõm san cho bằng
  • Đường lồi lõm đây là những tính xấu như cáu kỉnh, nóng nảy, nhẹ dạ, gây gổ, nghi kỵ, ghen tương, cố chấp, vị kỷ, giận hờn, bất hoà. Phải nỗ lực chỉnh đốn và sửa sang lại những chỗ “lồi lõm”. Chính là những tính mê nết xấu lớn nhỏ, những sỏi đá làm cho Lời Chúa không thể đâm chồi nảy lộc và đâm rễ sâu vào trong tâm hồn.

    III. MÙA VỌNG VÀ VIỆC DỌN ĐƯỜNG

    Đây là giờ phút phải lựa chọn và quyết định, phải đắm mình vào tầm sâu của nội tâm sám hối, để tính toán việc loại bỏ đi những chướng ngại cản đường Chúa tới giải phóng.

    Cái đáng ăn thua là được trở thành một thọ tạo mới, trở nên những con người đã được tôi luyện và can trường…

    Vậy để cho Thiên Chúa có thể đi đến được, ta hãy khai mở những con đường thênh thang của tâm hồn rộng mở và chan hoà yêu thương, hãy đạp đổ những bức tường cách ngăn kỳ thị và phân biệt chủng tộc, hãy cất đi những rào chắn của tư lợi nhỏ nhen, hãy đập tan những xiềng xích bất công và bất bình đẳng mà người ta đang la ó đả đảo, hãy để cho lưỡi gươm Lời Chúa được thảnh thơi tung hoành, hãy thức dậy và đứng thẳng người lên (Fiches dominicales, C, tr 11).

  • Dọn đường mừng lễ Giáng sinh
  • Hôm nay bước vào tuần lễ thứ hai của Mùa Vọng, phần đông thế giới đang chuẩn bị mừng lễ Giáng sinh, các cửa tiệm tràn ngập những thiệp Giáng sinh, cây thông Giáng sinh, bao nhiêu quà Giáng sinh, món ăn, quần áo, đồ chơi Giáng sinh. Ở Việt Nam chúng ta tuy còn nghèo khó nhưng bầu khí Giáng sinh đã tới, mọi người đang nô nức mua sắm, dọn dẹp nhà cửa, nhạc Giáng sinh đã vang rộn khắp nơi, lòng người đã thấy rạo rực.

    Nhưng phải dọn mừng lễ Giáng sinh thế nào cho xứng đáng, đúng theo Tin mừng của Chúa hôm nay mà thánh Gioan đã hô hào: “Hãy dọn đường cho Chúa đến”. Con đường lòng của chúng ta đã tốt chưa? Và lòng chúng ta đã trở nên thửa đất màu mỡ để đón ơn Chúa chưa? Hay lòng chúng ta lại trở nên một sa mạc cằn cỗi?

    Nếu biết biến sa mạc thành đất tốt, có sự sống, con người phải mất sức, mất của, và chấp nhận nhiều khó khăn. Cũng vậy, dọn đường tâm hồn là chấp nhận biến đổi sa mạc của cõi lòng thành miền đất trù phú, miền đất thấm đẫm ơn Chúa. Bởi vậy, người ta phải chấp nhận sự hao mòn sức lực, chấp nhận tự gọt giũa chính mình, chấp nhận nhiều khó khăn khác nhau. Vì biến đổi như thế là sám hối. Và sám hối thật lòng đòi phải có dấn thân thực sự, để tự mình từ nay dám cắt bỏ một thói quen, một đam mê, một tật xấu… để lòng mình biết yêu hơn, khiêm nhường hơn, sống phục vụ hơn, vị tha hơn…

    Chỉ khi nào dám chối từ những rườm rà chung quanh mình, con người ta mới dám mong ước thuộc về Thiên Chúa. Thái độ sám hối tận căn ấy, mới là sám hối đúng nghĩa. Điều đó không dễ chút nào, vì nó làm ta đau đớn, xót xa, mất mát. Chỉ có sám hối trọn vẹn mới sống đúng nghĩa hai chữ “dọn đường”. Chúa cần một thái độ dọn đường một cách tự nguyện, dứt khoát như thế, để Ngài đi vào tâm hồn, và tâm hồn có chỗ chứa đựng ơn thánh của Ngài. Khi tâm hồn có Chúa, tâm hồn không còn là sa mạc và cũng chẳng hề sợ sa mạc hoá, nếu biết giữ mãi ơn Chúa trong tâm hồn mình bằng một đời sống tốt lành, vươn lên trong sự thánh thiện (JKN).

  • Dọn đường chờ đợi Chúa đến
  • Mùa Vọng là thời gian chờ đợi Chúa đến, Chúa sẽ đến lần thứ hai trong vinh quang của Ngài, nhưng Ngài cũng âm thầm đến gọi chúng ta ra về với Ngài. Cũng có thể nói Mùa Vọng là thời gian chuẩn bị tâm hồn chúng ta đến giờ chết. Đó là thời gian để chúng ta hồi tâm và chuẩn bị. Đây là thời gian để tự vấn chính mình: chúng ta có sẵn sàng đón tiếp Chúa Giêsu vào giờ chết không? Lúc này chúng ta đã sẵn sàng chưa?Truyện: Sẵn sàng về với Chúa

    Vài năm trước đây, tạp chí This Week có thuật lại câu chuyện cảm động về một cậu bé 17 tuổi người Hà Lan đã từng trốn khỏi trại tập trung Đức Quốc Xã, nhưng đã bị bắt lại và bị kết án tử hình. Ngay trước khi bị hành hình, cậu đã gửi cho bố cậu lá thư sau đây. Xin trích lại: “Bố thân yêu, thật khó khăn lắm con mới viết được cho bố lá thư này, nhưng con vẫn phải cho bố hay rằng con đã bị tòa án quân sự kết tội tử hình. Xin bố đọc lá thư này một mình và khéo léo bảo cho mẹ biết dùm con… Chẳng bao lâu nữa, lúc đúng 5 giờ, điều đó sẽ xảy đến cho con… chỉ một chốc thôi, thế là con sẽ về với Chúa. Nói cho cùng đấy có phải là cuộc chuyển tiếp đáng kinh hãi không?... Con cảm thấy rõ ràng rằng mình đang ở gần bên Chúa, con đã chuẩn bị sẵn sàng đón chờ cái chết… Con nghĩ rằng con còn đỡ đau khổ hơn bố nhiều, vì con biết rằng mình đã xưng hết tội lỗi, và hiện tâm hồn con hoàn toàn thanh thản… Ký tên: “Kless”.

  • Dọn đường còn là làm chứng cho Chúa
  • Mừng lễ Giáng sinh là chúng ta kỷ niệm việc Chúa đã xuống trần và sẽ còn đến nữa. Chúng ta có trách nhiệm làm cho người biết Chúa để cùng mừng lễ Giáng sinh. Nếu thánh Gioan Tiền hô đã làm chứng cho Chúa bằng lời nói, bằng việc làm và bằng chính đời sống của Ngài, ngày hôm nay cũng vậy, chúng ta phải làm chứng cho Chúa trong môi trường của chúng ta. Nhưng muốn cho lời chứng hay bằng chứng của chúng ta có hiệu quả, trước hết chúng ta phải có đời sống xứng đáng, đoạn tuyệt với tội lỗi và những tính mê nết xấu và thể hiện một đời sống bác ái yêu thương. Đó là những việc chúng ta cần làm để chuẩn bị mừng Chúa Giáng sinh.

     

    4. Suy niệm (Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.)

    THẤY ƠN CỨU ĐỘ CỦA THIÊN CHÚA

    Malakhi được coi là vị ngôn sứ cuối cùng của Cựu Ước

    Ông viết một lời tiên tri ở cuối cuốn sách của ông:

    “Này Ta sai ngôn sứ Êlia đến với các ngươi,

    trước khi Ngày của ĐỨC CHÚA đến” (Ml 3,23).

    Bởi đó nhiều người Do-thái đã tin và chờ.

    Người ta chờ Êlia trở lại để chuẩn bị cho Chúa đến.

    Dân Israel đã chờ vị ngôn sứ đó từ năm thế kỷ.

    Khi Gioan Tẩy giả xuất hiện, người ta tin ông là Êlia.

    Nhưng Gioan không xuống từ trời trong cơn gió lốc (2V 2,11).

    Ông được sinh ra bởi một đôi vợ chồng cao niên, hiếm muộn.

    Thiên sứ đã báo cho người cha là Dacaria biết về Gioan:

    em sẽ được đầy thần khí và quyền năng của Êlia (Lc 1,17).

    Dacaria biết con mình sẽ là ngôn sứ của Chúa,

    đi trước Chúa, để dọn đường cho Ngài,

    và giúp dân Israel nhận biết ơn cứu độ (Lc 1,76-77).

    Mỗi lần đến Mùa Vọng, chúng ta lại gặp Gioan Tẩy giả,

    một ngôn sứ thích sống trong hoang địa (Lc 1,80).

    Ông đã sống ở đó cho đến khi bắt đầu sứ vụ.

    Người Do-thái vui khi nhận ra ông là ngôn sứ,

    vì họ biết Thiên Chúa đã muốn nối lại với Israel

    cuộc đối thoại bị cắt đứt qua nhiều thế kỷ.

    “Có lời Thiên Chúa phán cùng ông Gioan” (Lc 3,2).

    Lời Chúa đến với Gioan như xưa đã đến với các ngôn sứ.

    Chính hoang địa là nơi Chúa nói với Gioan

    để Gioan nói lại cho dân chúng.

    Gioan không nói lời của mình, không làm việc của mình.

    Ông là người phát ngôn của Chúa và làm việc cho Chúa.

    Ông đã đi khắp vùng ven sông Giođan

    kêu gọi người ta đến với ông để lãnh nhận phép rửa.

    Phép rửa này nhằm giúp họ bày tỏ lòng sám hối,

    mong được ơn tha tội, làm hòa với Chúa (Lc 3,3).

    Gioan ý thức mình là người dọn đường.

    Ông nhận ra mình chính là tiếng hô trong hoang địa,

    nên ông tâm đắc với lời mời gọi trong sách Isaia:

    “Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa…” (Is 40,3).

    Gioan không mời người ta dọn con đường vật chất,

    nhưng con đường trong tâm của mình.

    Con đường ấy vốn mấp mô, quanh co, lồi lõm.

    nay phải làm cho ngay thẳng, phẳng phiu.

    Để chuẩn bị con đường như thế, cần hối cải và hoán cải.

    Hoán cải là biến đổi tâm của mình, từ đó đổi cả cuộc đời.

    Gioan mời người ta đến để ông dìm họ xuống dòng nước.

    Dòng nước thanh tẩy và đưa họ vào cuộc sống mới.

    Thiên Chúa đã cho xuất hiện ngôn sứ Gioan,

    vào thời đế quốc Rôma đô hộ người Do-thái.

    Thượng tế Kha-nan đã bị Rôma truất phế

    để đưa con rể ông là Cai-pha lên thay.

    Vào thời ấy, đất Israel bị chia để trị, một phần cho Philatô,

    ba phần dành cho ba con trai của Vua Hêrôđê Cả.

    Gioan đến vào cái thời hỗn loạn nhiễu nhương như thế,

    để chuẩn bị đường cho Đấng Cứu độ, cho Đức Chúa (Lc 2,11).

    Thời nào Thiên Chúa cũng tặng cho nhân loại những Gioan,

    những người dọn đường cho Con Ngài đến.

    Gioan can đảm mời gọi người ta hoán cải đổi đời,

    và chính ông cũng có can đảm để sống hoán cải.

    Con Thiên Chúa đã đến trần gian từ 2000 năm qua,

    nhưng thế giới hôm nay vẫn giống với thời của Gioan Tẩy giả,

    vẫn cần tự do, cần bình an, cần hạnh phúc.

    Bởi đó vẫn cần những người dọn đường như Gioan.

    LỜI NGUYỆN

    Lạy Chúa, con cám ơn Chúa

    về tất cả những điều Chúa đòi hỏi nơi con trong suốt cuộc đời.

    Chúc tụng Chúa về thời đại con đang sống.

    Chúc tụng Chúa về những giờ phút sướng vui

    và những ngày tủi thân buồn bã.

    Chúc tụng Chúa về cả những gì

    Chúa đã không cho con được hưởng.

    Lạy Chúa, xin đừng sa thải

    người tôi tớ bất xứng và lười biếng của Chúa đây.

    Ôi lạy Chúa khôn ngoan, nhân hậu và yêu thương,

    xin đừng đuổi con xa Chúa.

    Xin giữ con để con luôn phụng sự Chúa trong suốt đời con.

    Xin giữ con để con phục vụ bất cứ điều gì Chúa muốn.

    Dù khi mỏi mệt, dù khi chán chường,

    con xin Chúa vẫn luôn kiên nhẫn,

    để không bao giờ mỏi mệt về con,

    và giữ con luôn luôn phụng sự Chúa.

    Xin Chúa đến giúp con,

    ban cho con ơn bắt đầu và lại bắt đầu,

    cho con biết cậy trông

    cả những khi cùng đường tuyệt vọng,

    cho con tin chắc rằng Chúa sẽ thắng,

    một chiến thắng huy hoàng nơi con.

    Karl Rahner

    Tag:

    2024-12-08