Chúa nhật 29 Thường niên năm B (Mc 10,35-45)

Đức GiêSu Đã, Đang Và Mãi Mãi Yêu Chúng Ta Cho Đến Cùng

"Tình yêu Đức Kitô thúc bách chúng ta"

Chúa nhật 29 Thường niên năm B (Mc 10,35-45)

Chúa nhật 29 Thường niên năm B (Mc 10,35-45)

“Con Người đến để ban mạng sống Mình
làm giá cứu chuộc cho nhiều người”.

BÀI ĐỌC I: Is 53, 10-11

“Nếu người hiến thân làm lễ vật đền tội, người sẽ thấy một dòng dõi trường tồn”.

Trích sách Tiên tri Isaia.

Chúa đã muốn hành hạ người trong đau khổ. Nếu người hiến thân làm lễ vật đền tội, người sẽ thấy một dòng dõi trường tồn, và nhờ người, ý định của Chúa sẽ thành tựu. Nhờ nỗi khổ tâm của người, người sẽ thấy và sẽ được thoả mãn. Nhờ sự thông biết, tôi tớ công chính của Ta sẽ công chính hoá nhiều người, sẽ gánh lấy những tội ác của họ.   

Đó là lời Chúa.

 

ĐÁP CA: Tv 32, 4-5. 18-19. 20 và 22

Đáp: Lạy Chúa, xin đổ lòng từ bi xuống trên chúng con, theo như chúng con tin cậy ở nơi Ngài (c. 22).

Xướng: 1) Vì lời Chúa là lời chân chính, bao việc Chúa làm đều đáng cậy tin. Chúa yêu chuộng điều công minh chính trực, địa cầu đầy ân sủng của Chúa. - Đáp.

2) Kìa Chúa để mắt coi những kẻ kính sợ Ngài, nhìn xem những ai cậy trông ân sủng của Ngài, để cứu gỡ họ khỏi tay thần chết, và nuôi dưỡng họ trong cảnh cơ hàn. - Đáp.

3) Linh hồn chúng con mong đợi Chúa, chính Ngài là Đấng phù trợ và che chở chúng con. Lạy Chúa, xin đổ lòng từ bi xuống trên chúng con, theo như chúng con tin cậy ở nơi Ngài. - Đáp.

 

BÀI ĐỌC II: Dt 4, 14-16

“Chúng ta hãy cậy trông vững vàng mà tiến đến trước toà ân sủng”.

Trích thư gửi tín hữu Do-thái.

Anh em thân mến, chúng ta có một Thượng tế cao cả đã đi qua các tầng trời, là Đức Giêsu, Con Thiên Chúa, nên chúng ta hãy giữ vững việc tuyên xưng đức tin của chúng ta. Vì chưng, không phải chúng ta có vị Thượng tế không thể cảm thông sự yếu đuối của chúng ta, trái lại, Người đã từng chịu thử thách bằng mọi cách như chúng ta, ngoại trừ tội lỗi. Vậy chúng ta hãy cậy trông vững vàng mà tiến đến trước toà ân sủng, ngõ hầu lãnh nhận lòng từ bi và tìm kiếm ân sủng để gặp được ơn phù trợ kịp thời.

Đó là lời Chúa.

 

Tin mừng: Mc 10, 35-45

35 Khi ấy, Giacôbê và Gioan con ông Giêbêđê đến gần Chúa Giêsu và thưa Người rằng: “Lạy Thầy, chúng con muốn Thầy ban cho chúng con điều chúng con sắp xin Thầy”.

36 Người hỏi: “Các con muốn Thầy làm gì cho các con?” Các ông thưa: “Xin cho chúng con một người ngồi bên hữu, một người ngồi bên tả Thầy trong vinh quang của Thầy”.

37 Chúa Giêsu bảo: “Các con không biết các con xin gì. 38 Các con có thể uống chén Thầy sắp uống và chịu cùng một phép rửa Thầy sắp chịu không?” Các ông đáp: “Thưa được”.

39 Chúa Giêsu bảo: “Chén Thầy uống, các con cũng sẽ uống, và phép rửa Thầy sắp chịu, các con cũng sẽ chịu. 40 Còn việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy, thì không thuộc quyền Thầy ban, nhưng là dành cho những ai đã được chỉ định”.

41 Mười môn đệ kia nghe chuyện đó liền bực tức với Giacôbê và Gioan. Chúa Giêsu gọi các ông lại gần mà bảo: 42 “Các con biết rằng những người được coi là lãnh tụ các nước, thì sai khiến dân chúng như ông chủ, và những người làm lớn thì lấy uy quyền mà trị dân. Còn các con không như thế.

43 Trái lại, ai trong các con muốn làm lớn, thì hãy tự làm đầy tớ anh em. 44 Và ai muốn thành người cầm đầu trong các con, thì hãy tự làm nô lệ cho mọi người.

45 Vì chính Con Người cũng không đến để được phục vụ, nhưng để phục vụ và ban mạng sống mình làm giá cứu chuộc cho nhiều người”.

 

Giáo lý cho bài giảng Chúa nhật 29 Thường niên năm B

WHĐ (17/10/2024) - Để hỗ trợ các nhà giảng thuyết thuận tiện hơn trong việc thêm giáo lý vào bài giảng, Ban biên tập xin được trích dẫn những điểm giáo lý phù hợp với các bài đọc Kinh Thánh của lễ Chúa nhật 29 Thường niên năm B theo sự hướng dẫn của Bộ Phụng tự và Kỷ luật các Bí tích.
Số 599-609: Cái chết cứu chuộc của Đức Kitô trong kế hoạch cứu độ

Số 520: Việc tự hạ của Đức Kitô là một gương mẫu để chúng ta bắt chước

Số 467, 540, 1137: Đức Kitô Thượng Tế

Bài Ðọc I: Is 53, 10-11

Bài Ðọc II: Dt 4, 14-16

Phúc Âm: Mc 10, 35-45

Số 599-609: Cái chết cứu chuộc của Đức Kitô trong kế hoạch cứu độ

“Chúa Giêsu bị nộp theo kế hoạch Thiên Chúa đã định”

Số 599. Cái chết tàn nhẫn của Chúa Giêsu không phải là kết quả ngẫu nhiên do sự kết hợp của những tình huống bất hạnh. Cái chết đó thuộc về mầu nhiệm của kế hoạch của Thiên Chúa, như thánh Phêrô giải thích cho người Do thái ở Giêrusalem ngay từ bài giảng đầu tiên trong ngày lễ Ngũ Tuần: Người đã bị nộp “theo kế hoạch Thiên Chúa đã định và biết trước” (Cv 2,23). Thánh Kinh nói như vậy không có nghĩa là những kẻ đã “nộp Chúa Giêsu”[1] chỉ là những người thụ động làm theo một kịch bản do Thiên Chúa viết trước.

Số 600. Đối với Thiên Chúa mọi thời điểm trong tính thời sự của nó đều là hiện tại. Vì vậy, chính Thiên Chúa thiết lập kế hoạch “tiền định” vĩnh cửu của Ngài, Ngài bao gồm trong kế hoạch ấy lời đáp trả tự do của mỗi người đối với ân sủng của Ngài: “Đúng vậy, Hêrôđê, Phongxiô Philatô, cùng với chư dân và dân Israel đã toa rập trong thành này, chống lại tôi tớ thánh của Ngài là Chúa Giêsu, Đấng Ngài đã xức dầu[2]. Như thế họ đã thực hiện tất cả những gì quyền năng và ý muốn của Ngài đã định trước” (Cv 4,27-28). Thiên Chúa cho phép xảy ra những hành vi xuất phát từ sự mù quáng của họ[3], để hoàn thành kế hoạch cứu độ của Ngài[4].

Đức Kitô “đã chết vì tội lỗi chúng ta theo như lời Thánh Kinh”

Số 601. Kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa về việc “Người Tôi Trung Công Chính” bị giết[5] đã được báo trước trong Thánh Kinh như một mầu nhiệm Cứu Chuộc phổ quát, nghĩa là, giải thoát người ta khỏi ách nô lệ tội lỗi[6]. Thánh Phaolô, trong lời tuyên xưng đức tin mà ngài nói mình đã “lãnh nhận”[7], tuyên xưng rằng “Đức Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta đúng như lời Thánh Kinh” (1 Cr 15,3)[8]. Sự chết mang lại ơn cứu chuộc của Đức Kitô hoàn thành một cách đặc biệt lời tiên tri về Người Tôi trung đau khổ[9]. Chính Chúa Giêsu đã trình bày ý nghĩa cuộc đời và sự chết của Người dưới ánh sáng về Người Tôi trung đau khổ[10]. Sau khi Người sống lại, Người đã giải thích Thánh Kinh như vậy cho các môn đệ Emmaus[11], rồi cho chính các Tông Đồ[12].

“Thiên Chúa đã biến Người thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta”

Số 602. Chính vì thế thánh Phêrô có thể diễn tả đức tin tông truyền về kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa như sau: “Anh em đã được cứu thoát khỏi lối sống phù phiếm do cha ông anh em truyền lại. Nhưng anh em đã được cứu chuộc nhờ bửu huyết của Con Chiên vẹn toàn, vô tì tích, là Đức Kitô. Ngươi là Đấng Thiên Chúa đã biết từ trước, khi vũ trụ chưa được dựng nên, và Người đã xuất hiện vì anh em trong thời cuối cùng này” (1 Pr 1,18-20). Các tội người ta phạm, tiếp theo sau tội tổ tông, khiến người ta phải chết[13]. Khi sai Con Một của Ngài đến trong thân phận tôi tớ[14], tức là trong thân phận loài người đã sa ngã và tất phải chết vì tội lỗi[15], “Đấng chẳng hề biết tội là gì, thì Thiên Chúa đã biến Người thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta, để làm cho chúng ta nên công chính trong Người” (2 Cr 5,21).

Số 603. Vì không phạm tội, Chúa Giêsu không bao giờ biết đến việc bị Thiên Chúa loại bỏ[16]. Nhưng trong tình yêu cứu chuộc, một tình yêu hằng kết hợp Người với Chúa Cha[17], Người đã đảm nhận lấy chúng ta, những kẻ đang vì tội lỗi mà lạc đường lìa xa Thiên Chúa, đến độ trên thập giá, Người đã có thể thốt lên thay chúng ta: “Lạy Thiên Chúa, Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con!” (Mc 15,34)[18]. Vì đã kết hợp Đức Kitô với chúng ta là các tội nhân, nên Thiên Chúa “đã chẳng tiếc, nhưng đã trao nộp chính Con Một của Ngài vì hết thảy chúng ta” (Rm 8,32), để chúng ta “được giao hoà với Thiên Chúa nhờ cái chết của Con Một Ngài” (Rm 5,10).

Thiên Chúa đã khởi xướng trong tình yêu cứu chuộc mọi người

Số 604. Khi trao nộp Con của Ngài vì tội lỗi chúng ta, Thiên Chúa biểu lộ kế hoạch của Ngài là một kế hoạch của tình yêu lân mẫn, đi trước mọi công trạng của chúng ta: “Tình yêu cốt ở điều này: không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Ngài đã yêu thương chúng ta, và sai Con của Ngài đến làm của lễ đền tội cho chúng ta” (1 Ga 4,10)[19]. “Đức Kitô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi, đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta” (Rm 5,8).

Số 605. Tình yêu này không loại trừ một ai. Chúa Giêsu nhắc lại điều đó để kết luận dụ ngôn về con chiên lạc: “Cũng vậy, Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, không muốn cho một ai trong những kẻ bé mọn này phải hư mất” (Mt 18,14). Người quả quyết Người “hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mt 20,28). Lời tuyên bố quan trọng này không mang ý nghĩa hạn chế: lời đó đặt song đối tập thể nhân loại với một mình Đấng Cứu Chuộc, Đấng tự hiến để cứu độ nhân loại ấy[20]. Hội Thánh, theo sau các Tông Đồ[21], dạy rằng: Đức Kitô đã chết cho tất cả mọi người không trừ một ai. “Trước kia, hiện nay cũng như sau này, không có một ai mà Người [Đức Kitô] không chịu khổ nạn cho”[22].

Cả cuộc đời của Đức Kitô là của lễ dâng hiến Chúa Cha

Số 606. Con Thiên Chúa, Đấng từ trời xuống, không phải để làm theo ý Người, nhưng để làm theo ý Đấng đã sai Người”[23], “khi vào trần gian, Người nói: ‘Lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài’… theo ý đó, chúng ta được thánh hóa, nhờ Chúa Giêsu Kitô đã hiến dâng thân mình làm lễ tế, một lần cho mãi mãi” (Dt 10,5-10). Ngay từ phút đầu tiên Người nhập thể, Chúa Con đã gắn bó với kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa trong sứ vụ cứu chuộc của mình: “Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy, và hoàn tất công trình của Ngài” (Ga 4,34). Hy lễ của Chúa Giêsu “đền bù tội lỗi cả thế gian” (1 Ga 2,2) là sự diễn tả tình yêu hiệp thông của Người với Chúa Cha: “Sở dĩ Chúa Cha yêu mến tôi, là vì tôi hy sinh mạng sống mình” (Ga 10,17). Thế gian phải “biết rằng Thầy yêu mến Chúa Cha và làm đúng như Chúa Cha đã truyền cho Thầy” (Ga 14,31).

Số 607. Sự khao khát gắn bó với kế hoạch yêu thương cứu chuộc của Chúa Cha truyền cảm hứng cho cả cuộc đời Chúa Giêsu[24], bởi vì cuộc khổ nạn cứu chuộc của Người là lý do việc Người nhập thể: “Lạy Cha, xin cứu con khỏi giờ này! Nhưng chính vì giờ này mà con đã đến” (Ga 12,27). “Chén mà Chúa Cha đã trao cho Thầy, lẽ nào Thầy chẳng uống?” (Ga 18,11). Và trên thập giá, trước khi mọi sự “đã hoàn tất” (Ga 19,30), Người nói: “Tôi khát!” (Ga 19,28).

“Chiên xoá tội trần gian”

Số 608. Sau khi chấp nhận làm phép rửa cho Chúa Giêsu giữa các tội nhân[25], ông Gioan Tẩy Giả đã thấy và giới thiệu Người là Chiên Thiên Chúa, Đấng xoá tội trần gian[26]. Như vậy ông cho thấy rằng Chúa Giêsu đồng thời vừa là Người Tôi trung đau khổ, im lặng chịu đem đi làm thịt[27] và mang lấy tội lỗi muôn người[28], vừa là Chiên Vượt Qua, biểu tượng cho việc Cứu Chuộc Israel trong cuộc Vượt Qua đầu tiên[29]. Cả cuộc đời của Đức Kitô diễn tả sứ vụ của Người: phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người[30].

Chúa Giêsu tự do gắn bó với tình yêu cứu chuộc của Chúa Cha

Số 609. Khi gắn bó với tình yêu của Chúa Cha đối với loài người trong trái tim nhân loại của mình, Chúa Giêsu “đã yêu thương họ đến cùng” (Ga 13,1), bởi vì “không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13). Như vậy, nhân tính của Người trong cuộc khổ nạn và cái chết, đã trở thành dụng cụ tự do và hoàn hảo của tình yêu thần linh của Người, một tình yêu muốn cứu độ mọi người[31]. Thật vậy, Người đã tự do chấp nhận cuộc khổ nạn và cái chết vì tình yêu đối với Cha Người và đối với loài người mà Người muốn cứu độ: “Mạng sống của tôi, không ai lấy đi được, nhưng chính tôi tự ý hy sinh mạng sống mình” (Ga 10,18). Do đó, Con Thiên Chúa đã tự do tột bậc khi Người tiến tới cái Chết[32].

Số 520: Việc tự hạ của Đức Kitô là một gương mẫu để chúng ta bắt chước

Số 520. Trong cả cuộc đời của Người, Chúa Giêsu tỏ mình là mẫu mực của chúng ta[33]: chính Người là “con người hoàn hảo”[34], Người mời gọi chúng ta trở nên môn đệ của Người và bước đi theo Người; qua việc tự hạ của Người, Người ban cho chúng ta một gương mẫu để bắt chước[35]; qua việc cầu nguyện của Người, Người lôi kéo chúng ta cầu nguyện[36]; qua sự nghèo khó của Người, Người kêu gọi chúng ta tự nguyện chấp nhận sự thiếu thốn và những cơn bách hại[37].

Số 467, 540, 1137: Đức Kitô Thượng Tế

Số 467. Những người chủ trương thuyết Nhất Tính (Monophysitae) khẳng định: bản tính nhân loại không còn tồn tại nơi Đức Kitô, khi bản tính đó được Ngôi Vị thần linh của Con Thiên Chúa đảm nhận. Để chống lại lạc thuyết này, Công đồng chung thứ IV, họp tại Chalcêđonia năm 451, tuyên xưng:

“Theo sau các thánh phụ, chúng tôi đồng thanh dạy phải tuyên xưng Một Chúa Con Duy Nhất là Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta, hoàn hảo trong thần tính và cũng hoàn hảo trong nhân tính; là Thiên Chúa thật và là người thật, gồm có một linh hồn có lý trí và một thân xác; đồng bản thể với Đức Chúa Cha theo thần tính mà cũng đồng bản tính với chúng ta theo nhân tính, ‘giống chúng ta về mọi phương diện ngoại trừ tội lỗi’;[38] sinh bởi Đức Chúa Cha theo thần tính từ trước muôn đời, và trong những thời cuối cùng này, vì chúng ta và để cứu độ chúng ta, Người được sinh ra theo nhân tính từ Trinh Nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa.

Cùng một Đấng duy nhất là Đức Kitô, là Chúa, là Con Một, phải được nhìn nhận trong hai bản tính một cách không lẫn lộn, không thay đổi, không phân chia, không tách biệt, sự khác biệt giữa hai bản tính không hề bị mất đi do việc kết hợp, nhưng các đặc điểm của mỗi bản tính đã được bảo tồn khi kết hợp với nhau trong một Ngôi Vị và một Đấng duy nhất”[39].

Số 540. Cám dỗ Chúa Giêsu phải chịu cho thấy cách thế Con Thiên Chúa là Đấng Messia, trái ngược hẳn điều Satan xúi giục Người và người ta muốn gán cho Người[40]. Chính vì thế, Đức Kitô chiến thắng Tên cám dỗ là chiến thắng cho chúng ta: “Vị Thượng Tế của chúng ta không phải là Đấng không biết cảm thương những nỗi yếu hèn của ta, vì Người đã chịu thử thách về mọi phương diện cũng như ta, nhưng không phạm tội” (Dt 4,15). Mỗi năm, qua bốn mươi ngày Mùa Chay, Hội Thánh kết hợp với mầu nhiệm Chúa Giêsu trong hoang địa.

Số 1137. Sách Khải Huyền của thánh Gioan, được đọc trong phụng vụ của Hội Thánh, trước tiên cho chúng ta thấy một cái ngai được đặt trên trời; và Đấng ngự trên ngai[41]: đó là “Chúa” (Is 6,1)[42]. Rồi đến “Một Con Chiên trông như thể đã bị giết” (Kh 5,6)[43]: đó là Đức Kitô bị đóng đinh và đã sống lại, là vị Thượng Tế duy nhất của cung thánh đích thực[44], chính Người “vừa là người dâng vừa là lễ vật được dâng lên, vừa là người tặng vừa là quà được hiến tặng”[45]. Cuối cùng là “con sông có nước trường sinh, … chảy ra từ ngai của Thiên Chúa và của Con Chiên” (Kh 22,1), đó là một trong những biểu tượng đẹp nhất về Chúa Thánh Thần[46].

 

Bài giảng Đức Thánh Cha - Chúa nhật 29 Thường Niên năm B

Đây là những bài giảng và huấn dụ của Đức Thánh Cha trong các thánh lễ và các buổi đọc kinh Truyền tin với các tín hữu vào Chúa nhật 29 Thường Niên năm B.

NỘI DUNG CHÍNH

Đức Phanxicô, Huấn dụ Chúa nhật 29 Thường Niên năm B (17/10/2021) - Chuyển từ lý luận tham vọng thế tục sang lý luận cảm thông của Chúa

Đức Phanxicô, Huấn dụ Chúa nhật 29 Thường Niên năm B (21/10/2018) - Phục vụ là thuốc giải độc hiệu quả chống lại bệnh tìm địa vị chức quyền

Đức Phanxicô, Bài giảng Chúa nhật 29 Thường Niên năm B (18/10/2015) - Sự khiêm tốn phục vụ là đặc tính của quyền hành

Đức Bênêđictô XVI, Bài giảng Chúa nhật 29 Thường Niên năm B (21/10/2012) – Thánh là người theo bước Chúa Giêsu trên con đường phục vụ

 

1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)

Suy niệm: Vì địa vị, quyền hành đã gây chia rẽ giữa các môn đệ. Ðiều đó cho thấy mục đích theo Chúa Giêsu của các môn đệ còn thấp kém. Chính vì thế, trước lời loan báo của Ðức Giêsu về cuộc khổ nạn, các ông vẫn không hiểu, dù Ngài đã nói đến lần thứ ba. Ðức Giêsu thì cương quyết lên Giêrusalem để chấp nhận khổ nạn, còn các môn đệ thì sợ hãi kinh hoàng. Ðức Giêsu nói rõ: Con đường của Ngài là con đường đau khổ, là chấp nhận chén đắng. Sự thanh tẩy tức là từ bỏ mình là chấp nhận khiêm tốn phục vụ như một đầy tớ của mọi người. Ðó là vinh quang đích thực của Ðức Giêsu và của những môn đệ Ngài.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, các môn đệ xưa đã không hiểu được con đường của Chúa. Chúng con hôm nay cũng không nhận ra giá trị của đau khổ. Trước khổ đau thử thách, chúng con vẫn than trách Chúa. Chúng con vẫn muốn địa vị, quyền cao chức trọng và muốn người khác kính nể, phục vụ mình. Xin dạy chúng con biết sống tinh thần khiêm tốn của Chúa: biết dùng tất cả những ân huệ Chúa ban để phụng sự Chúa và phục vụ mọi người, cụ thể nơi gia đình, xứ đạo của chúng con. Amen.

Ghi nhớ: “Con Người đến để ban mạng sống Mình làm giá cứu chuộc cho nhiều người”.

 

2. Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)

TÔI TỚ CỦA MỌI NGƯỜI

A. DẪN NHẬP

Theo tâm lý chung của loài người, ai cũng muốn được giàu sang phú quý muốn có địa vị cao, thích ăn trên ngồi trước, muốn được người ta hầu hạ… Nhưng những tiêu chuẩn đó không nhất thiết là của Chúa. Tham vọng lo liệu của những con trai ông Giêbêđê là Giacôbê và Gioan đã là dịp để Đức Giêsu nói rõ: sự cao trong đích thực ở tại cái gì?

Đức Giêsu không đáp ứng lời cầu xin của hai anh em Giacôbê và Gioan vì nó không thích hợp với đường lối của Ngài. Nhân dịp này Ngài dạy cho các ông là môn đệ đặc biệt của Ngài, và cũng là cho chúng ta một bài học: sự cao trọng không cốt ở danh dự, giàu có, chức quyền, danh vọng hay sức mạnh, nhưng ở tại sự phục vụ tha nhân. Vì vậy, Ngài mới nói: “Ai muốn làm lớn phải làm tôi tớ mọi người”. Lời giáo huấn này đi ngược lại với lối hành xử của người đời buộc chúng ta phải động não!

Đức Giêsu là vị thượng tế có thế giá, luôn chuyển cầu cho chúng ta trước toà Thiên Chúa. Ngài cũng đã trải qua những đau khổ trong đời sống trần thế, đồng thời cũng hé mở cho chúng ta thấy được vinh quang của Ngài sau này khi đã sống lại. Mọi Kitô hữu đều có chức năng tư tế phổ quát, nên cũng phải sống và làm chứng bằng đời sống phục vụ. Và nếu cần, họ cũng phải sẵn sàng hiến mạng sống để chứng tỏ sự trung thực của đời sống phục vụ của mình. Yêu thương là phục vụ, càng phục vụ, tình yêu càng dồi dào thắm thiết.

B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA

+ Bài đọc 1: Is 53,10-11

Hai câu trong bài đọc 1 là một trích đoạn của Bài ca thứ tư về Người tôi trung của Isaia. Cho mãi đến thời Giêrêmia, tư tưởng tôn giáo Do thái mới nhận biết một mối liên hệ giữa việc đền tội với những đau khổ của người công chính bị bách hại. Người công chính đây là Người tôi trung hiến mạng sống của mình để chuộc tội cho dân Người. Cái chết của Người sẽ là khởi điểm của vinh quang Người và là suối nguồn của mọi ơn phúc cho những người khác.

Khi suy tư về những đoạn văn như đoạn văn này, các Kitô hữu tiên khởi đã đi đến một sự hiểu biết về những đau khổ và cái chết của Đức Giêsu.

+ Bài đọc 2: Dt 4,14-16

Đức Giêsu là vị Linh mục Thượng phẩm tuyệt hảo của chúng ta. Thánh Phaolô kêu mời chúng ta hãy vững tâm đến với Ngài để được tiến đến cùng Chúa Cha. Ngài về trời để làm trung gian cho chúng ta. Chính Ngài đã có kinh nghiệm bản thân về những thử thách, những đau khổ mà chúng ta đang phải chịu. Do đó, Ngài dễ dàng thông cảm với những yếu đuối của chúng ta, Ngài nâng đỡ chúng ta và cầu bầu cho chúng ta trước tòa Chúa Cha.

+ Bài Tin mừng: Mc 10,35-46

Lần thứ ba Đức Giêsu loan báo cuộc thương khó sắp tới của Ngài cho các môn đệ, nhưng xem ra các ông chẳng hiểu gì. Họ vẫn còn giữ nguyên quan niệm của người Do thái là chờ đợi một nước vinh quang trần thế theo nghĩa chính trị.

Họ chỉ nghĩ đến địa vị trong nước mà Đức Giêsu sắp lập. Họ lo bàn cãi và tranh luận với nhau, lo chiếm cho mình một chỗ cao hơn trong vương quốc tương lai. Nhưng Đức Giêsu đã dạy cho các ông một bài học: ở trong vương quốc của Ngài sự cao trọng thực sự không cốt ở trong uy thế và danh dự, nhưng ở trong sự phục vụ tha nhân đến tột cùng, nếu cần: “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người”.

Những lời nói này của Đức Giêsu có liên quan đến tất cả chúng ta. Nó làm xẹp đi những tham vọng, tính kiêu căng và những mơ ước quyền thế của chúng ta. Phục vụ là đòi hỏi của tình yêu. Phục vụ là con đường duy nhất của sự cao trọng đích thực.

C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA: Trở nên tôi tớ mọi người

I. AI CŨNG THÍCH QUYỀN CAO CHỨC TRỌNG

1. Tâm lý người đời

Ngày nay trên khắp thế giới, hầu hết các nước đều có cuộc bầu cử vào quốc hội, bầu Tổng thống hay một chức vụ tại một địa phương nào đó. Bất cứ ai ra tranh cử cũng tỏ ra mình có tài năng, xứng đáng lãnh nhận chức vụ, càng lên cao càng tốt. Thời nào và ở đâu cũng có những người tranh nhau làm lớn để lấy quyền hành áp chế dân, bắt dân phục vụ mình. Đó là lý do người đời tranh nhau địa vị trong xã hội.

Người ta tìm kiếm quyền bính vì những lý do khác nhau. Một số người thích có quyền lực đi chung với quyền bính: nó làm cho người ta cảm thấy quan trọng. Những người khác thích uy thế mà nó đem lại. Những người khác nữa thích được trả lương cao. Tất cả những lý do ấy đều có một điểm chung – quyền bính được xem như cơ hội để thăng tiến bản thân.

2. Tâm lý các môn đệ Chúa

Mặc dầu đã đi theo Chúa gần ba năm, nhưng các môn đệ cũng chưa lãnh hội giáo lý của Ngài được bao nhiêu. Ngay sau lần thứ ba Đức Giêsu loan báo cho các môn đệ sự thương khó của Ngài: “Nào chúng ta lên Giêrusalem… Con Người sẽ bị nộp cho các thượng tế. Họ sẽ lên án tử Người. Họ sẽ nhạo báng Người, sẽ khạc nhổ vào Người, sẽ đánh đòn và giết Người” (10,32-34). Các ông cũng không quan tâm đến lời loan báo ấy, có lẽ chẳng hiểu gì, hơn nữa đầu óc các ông còn đang mơ tưởng đến vương quốc Đức Giêsu sắp lập. Như vậy có nghĩa là vào lúc Đức Giêsu “chọn chỗ chót” thì các ông lại cố “đua nhau” chiếm chỗ tốt hơn: họ vẫn còn mơ mộng về Đấng Cứu Thế vinh quang của dân tộc. Đấng Cứu Thế đối với họ, đó là Đấng chiến thắng hiển hách, sẽ dùng quyền lực của mình điều khiển mọi sự.

Riêng trường hợp đối với Giacôbê và Gioan, theo tục lệ tự nhiên trong nhiều nền văn minh phương Đông, họ cho là tự nhiên khi sử dụng đặc quyền của người trong họ: vì là anh em bà con với Đức Giêsu, họ đến xin người bà con “dòng họ” được tham dự vào sự thành công của một thành viên trong gia tộc như người ta thường nói: “Một người làm quan, cả họ được nhờ” (Tục ngữ).

Có lẽ vì vậy mà hai anh em Giacôbê và Gioan đã lợi dụng người anh em bà con để được thăng tiến, được hưởng đặc quyền đặc lợi, được tiến cử. Các ông xin: “Khi Thầy ngự trên ngai vinh hiển, xin cho hai anh em chúng con, một người được ngồi bên hữu, một người được ngồi bên tả Thầy” (Mc 10,37).

Lời thỉnh nguyện này đã nói lên tham vọng của hai ông là muốn tham dự vào quyền điều hành trong vinh quang của Đức Giêsu. Thứ “vinh quang” mà các ông xin là vinh quang theo kiểu trần thế, vì các ông tin Đức Giêsu sẽ lập nước Israel ở trần gian, chứ không phải vinh quang của Đức Giêsu sau khi tử nạn và phục sinh.

Đức Giêsu trả lời ngay: “Các con không biết điều các con xin”. Khi nói câu này, Đức Giêsu muốn tỏ ra cho các ông biết lời thỉnh cầu của các ông thật là ngây ngô, vì các ông chưa hiểu gì về việc tử nạn và phục sinh mà Ngài đã loan báo đến lần thứ ba này. Cho nên Ngài hỏi tiếp: “Các con có thể uống chén đắng Thầy sắp uống và chịu cùng một phép rửa Thầy sắp chịu không?” Nói như vậy có nghĩa là chấp nhận đau khổ và sự chết. Chúa có ý nói đến cuộc tử nạn của Ngài trên thập giá. Chẳng hiểu gì, các ông thưa đại đi: “Thưa được”.

Chúng ta cũng nên tìm hiểu thêm hai từ “chén đắng” và “phép rửa”.

Trong Cựu ước, “chén” đôi khi người ta nói đến chén chúc tụng, nhưng thường là nói về chén đắng để diễn tả những đau đớn trước khi chết. Lúc hấp hối, Đức Giêsu đã xin Chúa Cha cất chén đắng cho Người, nhưng cũng nói tiếp: “Nhưng đừng theo ý Con, cứ theo ý Cha”.

Còn “phép rửa” trong bí tích rửa tội, toàn thân được dìm xuống nước, tượng trưng cho việc “chìm đắm” trong cái chết, trước khi “trỗi dậy” trong đời sống mới. Trong cuộc khổ nạn, Đức Giêsu sẽ trải qua một phép rửa thật sự. Người sẽ bị dìm xuống làn nước chết, trước khi trỗi dậy vào ngày thứ ba (Fiches dominicales, tr 304).

Câu “Thưa được” đã đưa Giacôbê và Gioan đến cái chết. Sự việc xẩy ra: ông Giacôbê đã bị vua Hêrôđê Agrippa giết năm 44; Gioan chết trong tuổi già cuối thế kỷ I, nhưng ông đã bị bỏ vào vạc dầu sôi ở cửa La tinh. Ông thoát chết được do phép lạ Chúa làm, sau đó bị phát lưu ở đảo Patmos trong cảnh “nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại”, sống cũng như chết. Vậy lời Chúa đã được thực hiện đúng.

II. BÀI HỌC CỦA ĐỨC GIÊSU

1. Khát vọng của người đời

Từ 2000 năm trước, Đức Giêsu đã cho thấy: những thủ lãnh các nước lấy quyền sai khiến dân như ông chủ. Ông chủ thời xưa là người đầy quyền lực muốn bắt đầy tớ làm gì, đầy tớ phải làm theo, dù cực nhọc, khốn khổ đến đâu cũng không được từ chối. Nhiều nơi, đầy tớ bị coi như nô lệ, chủ cho sống thì sống, muốn giết thì giết. Vì thế, Đức Giêsu nói: “Các con biết: những người được coi là thủ lãnh thì cai trị dân như những bạo chúa, những người làm lớn thì lấy quyền mà áp chế dân” (Mc 10,42).

Tuy thế, có những loại quyền bính khác nhau. Jean Vanier phân biệt hai loại quyền bính: một quyền bình áp đặt, thống trị và điều khiển, và một quyền bính đồng hành, lắng nghe, giải phóng, phân quyền làm cho người dân tự tin và kêu gọi họ ý thức về những trách nhiệm của mình.

Còn có một loại quyền bính thứ ba thinh lặng, yêu thương và ẩn giấu – quyền bính yêu thương nhưng không dùng quyền lực, xây dựng lòng tín thác và đôi khi chờ đợi đêm ngày trong nỗi lo âu. Cha mẹ đôi khi phải chờ đợi suốt đêm trường mong sao đứa con mình lầm đường lạc lối trở về…

2. Tiêu chuẩn của công dân Nước trời

Giáo huấn mới của Đức Giêsu là sự đảo nghịch của Tin mừng. Khi nói với các Tông đồ, cũng như với những người chịu trách nhiệm về các cộng đoàn Kitô hữu có mặt lúc đó hay trong tương lai, Đức Giêsu nêu lên một luật đối trọng với cách thế mà các xã hội dân sự chủ trương về quyền hành: “Những người được coi là thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai trị dân”.

Điều luật này chống lại lòng ham muốn thống trị, như Giacôbê và Gioan và mười tông đồ còn lại. Điều luật này không chỉ là một điều luật bình thường, mà Đức Giêsu coi nó là hiến chế cho các cộng đồng môn đệ Người: mỗi người là đầy tớ mọi người (J. Delorme).

Đây là một đảo lộn tận gốc, một lý thuyết cách mạng bắt đầu một mối tương quan mới giữa người với người: “Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em”.

Đối với Đức Giêsu, chức quyền là để phục vụ. Chức quyền cũng như tiền bạc, tự nó không xấu. Bất cứ nhóm nào cũng cần có một người phụ trách. Nhưng theo ý Chúa, phụ trách trước hết không phải là một địa vị thống trị hưởng lợi, hưởng uy thế, mà là một địa vị để phục vụ nhiều hơn: “Con Người đến không phải được phục vụ, nhưng là để phục vụ và ban mạng sống mình làm giá cứu chuộc cho nhiều người” (Mc 10,45).

Người lãnh đạo trong Hội thánh là “đầy tớ”. Trong các văn kiện, Đức Giáo hoàng thường dùng danh hiệu “Servus servorum”: đầy tớ của các đầy tớ. Những chức vụ có vai trò đặc biệt chỉ nên gọi là thừa tác hay trợ tá theo đúng nghĩa của chữ La tinh “Minister” là tôi tớ, hoặc tiếng Hy lạp “Diakonos” là đầy tớ và “Doulos” là nô lệ.

Trong các vị lãnh đạo trong Hội thánh cũng phải có phẩm trật như người ta nói: “Kim chỉ phải có đầu” (Tục ngữ), cần phải có một người đứng đầu điều khiển một cộng đoàn, chứ không thể có cảnh “cá đối bằng đầu(Tục ngữ) mà mọi việc được xuôi lọt, vì sẽ không ai muốn phục tùng ai. Điều quan trọng mà Đức Giêsu muốn nhấn mạnh: không phải là huỷ bỏ chức vụ của những người đứng đầu, chức vụ của những người lãnh đạo, nhưng đừng dùng địa vị và quyền bính của mình để áp bức người khác.                                   Truyện: Đức Hồng y Roncalli

Một hôm Đức Hồng y Roncalli vừa trên xe bước xuống. Ngài mới đi xa về. Phái đoàn tòa giám mục ra đón. Mọi người ngạc nhiên trên vai áo Hồng y có vướng mấy cọng rơm đồng quê. Ai hỏi ngài cũng cười xòa vui vẻ, nhưng mấy nhân viên phụ tá trên xe đều hiểu chuyện. Chiếc xe của Đức Hồng y đang từ hướng Bắc xuống miền Nam qua vùng đồng ruộng. Giữa đường một chiếc xe bò chở rơm sa hố. Người đánh xe gắng sức đẩy, nhưng xe không nhúc nhích. Đức Hồng y cho xe dừng lại, xắn tay áo hò dô ta đẩy phụ, và chiếc xe rơm sa lầy lại chuyển bánh tiếp tục lên đường.

Những cọng rơm trên vai Đức Hồng y đối với ngài chỉ cười xòa cho qua. Nhưng thực sự tỏ rõ cho chúng ta một Hồng y không quản ngại khó khăn hay sợ bẩn chiếc áo dòng sang trọng.

Sau này lên ngôi Giáo hoàng, Đức Gioan 23 vẫn tiếp tục nếp sống bình dị phục vụ.

III. QUYẾT TÂM CỦA CHÚNG TA

Chúng ta có quyền tự do chấp nhận hay từ chối lời dạy của Chúa là trở nên tôi tớ của mọi người, nhưng chúng ta phải chịu trách nhiệm về quyết định đó vì hậu quả của nó sẽ khôn lường. Hãy chọn con đường đúng mà đi.

1. Hai hướng đi trước mắt

Con người chúng ta, trong mọi hoàn cảnh, cứ bị dẫn đến những ngã ba đường: nghĩa là trước mắt ta luôn có hai ngả mà ta phải chọn một. Hai ngả đó thường dẫn đến hai chiều khác nhau: một hướng vị kỷ và một hướng vị tha.

Hướng vị kỷ có một sức mạnh tự nhiên lôi cuốn ta vào, nó khiến ta chỉ nghĩ đến bản thân mình, hạnh phúc hay đau khổ của mình, quyền lợi hay trách nhiệm của mình. Nói chung, nó thu hút ta vào chính bản thân ta. Hầu hết mọi người, trong hầu hết mọi trường hợp, đều bị lôi cuốn vào ngả này.

Còn hướng vị tha rất ít khi lôi cuốn ta, nhưng lương tâm ta lại thúc đẩy ta, đôi khi còn ép buộc ta bước vào. Nó đòi hỏi ta phải quên bản thân, quên những gì liên quan tới bản thân, để nghĩ đến người khác, đến đám đông bên ngoài ta, đến hạnh phúc hay đau khổ của họ. Dù đi vào hướng nào, thì sau khi đi một đoạn đường nữa, ta sẽ lại đến một ngã ba khác, cũng với hai hướng vị kỷ và vị tha trước mặt. Mỗi lần gặp ngã ba đó là mỗi lần ta phải lựa chọn hướng đi cho mình (JKN).

2. Phải chọn một hướng đi

Đối với những người theo Chúa, hai hướng ấy vẫn luôn luôn mở ra đòi buộc họ chọn lựa mỗi lần họ phải quyết định để hành động.

* Chọn hướng vị kỷ: hướng vị kỷ sẽ cám dỗ họ lợi dụng con đường theo Chúa như một phương tiện để tiến thân, để bước vào vinh quang trần thế, với quyền lực, danh vọng, tiền bạc trong tay, là những thứ mà Giáo hội cũng như xã hội cống hiến cho họ, mong họ dùng chúng để phục vụ Thiên Chúa, Giáo hội và mọi người. Nhưng họ lại dùng chúng cho mục đích vị kỷ của mình, mặc dù trên danh nghĩa vẫn là để phục vụ Thiên Chúa, Giáo hội và tha nhân. Truyện: Hòn đá vấp ngã

Một hôm, khách qua đường gặp một triết gia nổi tiếng người Hy lạp. Ông ta đứng ở góc đường và cười nắc nẻ một cách đắc chí. Ai cũng tưởng ông là người điên nên không thèm để ý.

Sau cùng, có một người đánh bạo đến gần và hỏi:

- Vì lý do gì ông cười như vậy? / Ông ta trả lời:

- Ông có thấy cục đá nằm giữa đường kia không? Từ sáng tới giờ không biết bao nhiêu người đã vấp ngã vì hòn đá đó, và họ bực mình chửi bới. Thế nhưng, không có một ai cúi xuống nhặt hòn đá vứt khỏi lối đi để người khác khỏi bị vấp ngã.

* Chọn hướng vị tha: Còn hướng vị tha sẽ khiến người theo Chúa coi việc theo Chúa như một phương cách hữu hiệu nhất để phụng sự Thiên Chúa, nhân loại, quê hương và tha nhân. Họ không quan tâm hay mong muốn chuyện thăng tiến bản thân, không bao giờ coi đó như một mục đích phải đạt tới trong cuộc đời. Nếu họ được giao địa vị, trách nhiệm, với những phương tiện hữu hiệu trong tay, họ sẽ lợi dụng tất cả những thứ ấy để phục vụ Thiên Chúa và tha nhân. Điều họ quan tâm là: con người được hạnh phúc, và qua đó Thiên Chúa được vinh danh.

Chúng ta không bao giờ quên được những gương phục vụ một cách xả kỷ vô vị lợi như thánh Đamien tông đồ người hủi, thánh Maximilianô Kolbê xin chết thay cho một vị trung uý trẻ trong trại tập trung Đức quốc xã, các vị khác như Ozanam, thánh Têrêsa Calcutta…

3. Xem lại con đường đang đi

Đức Giêsu không nài ép chúng ta làm môn đệ Ngài, Ngài chỉ kêu mời chúng ta với tinh thần tự nguyện. Ngày nay chúng ta còn mang cái tâm trạng của các Tông đồ ngày xưa khi Đức Giêsu chưa đi vào cuộc tử nạn và phục sinh không? Lời mời gọi của Đức Kitô hôm nay có giá trị đặc biệt để chúng ta xét lại thái độ của mình.

Chúng ta lượng định thế nào về các thành công và tầm vóc quan trọng trong nội bộ Hội thánh, và ngoài xã hội? Chúng ta trân trọng những ai và khinh miệt kẻ nào? Cứ như cái nhìn của Tin mừng hôm nay, thì kẻ “vĩ đại” là người phục vụ kẻ khác. Nó mở mắt cho chúng ta thấy được tấm lòng “vĩ đại” trong nếp sống thường nhật chung quanh mình, như người cha hy sinh, các bà mẹ chung thuỷ, dịu dàng, những người hiền lành khiêm nhường chất phác phục vụ không cần tiếng khen, không cần phần thưởng, cũng không cần lời cám ơn…

Phục vụ là một nhân đức gần gũi với đức bác ái. Nhân đức phục vụ bắt nguồn từ lòng yêu mến tha nhân. Như vậy quyền thế và phục vụ không xung khắc nhau, vì ai có nhiều quyền và quyền lớn thì có khả năng phục vụ nhiều hơn. Phục vụ phải là cái dấu chỉ của người môn đệ đích thực của Chúa Kitô. Hơn nữa, chính khi phục vụ tha nhân là lúc người ta tìm lại được chính mình vì “Chính khi hiến thân, là khi được nhận lãnh, chính lúc quên mình, là lúc gặp lại bản thân”. Chính khi phục vụ tha nhân là lúc chúng ta tìm được hạnh phúc như thi sĩ Tagore người Ấn độ đã viết:

Nằm ngủ, tôi mơ thấy đời sống toàn là niềm vui và hạnh phúc.

Tỉnh dậy tôi nhận ra sống là phục vụ

Tôi dấn thân phục vụ và tôi khám phá ra rằng phục vụ là hạnh phúc.

 

3. Suy niệm (Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.)

ANH EM KHÔNG NHƯ THẾ

Xem ra Nhóm Mười Hai, nhóm môn đệ nòng cốt,

lại là những người có nhiều tham vọng về quyền lực.

Sau khi Thầy Giêsu loan báo cuộc Khổ nạn lần thứ hai,

họ đã tranh cãi xem ai là người lớn nhất (Mc 9,33-34).

Sau khi Thầy loan báo cuộc Khổ nạn lần thứ ba,

họ vẫn bất hòa về chuyện ghế ngồi (Mc 10,35-41).

Thầy Giêsu không dạy học trong lớp, với phấn và bảng.

Thầy dạy từ những chuyện xảy ra hàng ngày trong nhóm.

Thầy uốn nắn các môn đệ với một sự tinh tế lạ lùng

và một sự kiên nhẫn đáng thán phục.

Giacôbê và Gioan là hai môn đệ được Thầy ưu ái.

Họ được thấy khuôn mặt Thầy sáng láng trên núi cao,

và xao xuyến âu lo trong Vườn Dầu (Mc 9,2; 14,33).

Có phải vì thế mà họ muốn vận động để xin Thầy

những vị thế cao hơn anh em chăng?

Chưa bao giờ Thầy trò đối thoại dài đến thế (Mc 10,35-40).

Thầy Giêsu hẳn rất thất vọng vì câu hỏi của hai ông.

Rõ ràng họ đang đắm mình trong một thế giới trần tục,

mê mải với những mộng tưởng về vinh quang.

Họ còn đứng ngoài, chưa vào được thế giới của Thầy.

Tuy giận, nhưng Thầy vẫn điềm đạm khi hỏi:

“Các anh muốn Thầy làm cho các anh điều gì?”

vẫn rất tự chủ và bao dung khi trách:

“Các anh không biết các anh xin gì?”

Thầy không đáp lại lời xin ngồi hai bên tả hữu,

Nhưng thầy lại đưa ra một thách đố cho hai ông:

Các anh có dám uống chung một chén với Thầy,

và chịu chung một phép rửa với Thầy không?

Chén ấy là chén đắng của khổ nhục và cái chết

mà Thầy muốn tránh né ở Vườn Dầu (Mc 14,36).

Chén ấy là chén máu Thầy trên bàn Tiệc Ly,

khi Thầy trao cho các môn đệ cùng uống (Mc 14,23-24).

Thầy Giêsu mời hai ông đi vào cuộc Khổ nạn của Thầy.

Thầy mời họ chịu chung phép rửa Thầy sắp chịu.

Cùng được dìm xuống nước với Thầy trong phép rửa

mà lòng thầy khắc khoải chờ mong (Lc 12,50).

Nếu không cùng Thầy uống chung chén đắng,

và chịu chung phép rửa của cái chết với Thầy,

thì họ không thể được hưởng niềm vui Phục sinh.

Thầy giúp họ thông hiệp Mầu nhiệm Vượt Qua của Thầy,

mầu nhiệm của khổ đau, cái chết và sống lại.

Rồi họ sẽ đi vào con đường của Thầy,

còn chuyện ghế ngồi tả hữu, họ không nên bận tâm.

Thầy Giêsu chẳng những dạy Giacôbê và Gioan,

Thầy còn dạy cho cả Nhóm Mười Hai cách lãnh đạo.

Có cách lãnh đạo của các người làm lớn ngoài đời.

Họ dùng uy, dùng quyền mà thống trị và cai quản dân.

“Nhưng giữa anh em, thì không như vậy !”

Có một kiểu lãnh đạo khác trong cộng đoàn tín hữu,

lãnh đạo kiểu phục vụ cho anh em.

Người làm lớn, làm đầu thì phải là đầy tớ cho mọi người.

Như thế Thầy Giêsu đã cho ta thấy hình ảnh

của Hội thánh mà chúng ta cần xây dựng.

Nơi đây trẻ em được đón tiếp, phụ nữ được tôn trọng.

Nơi đây không có thèm muốn về quyền lực, chức tước,

vì biết rằng đó chỉ là phương tiện để phục vụ.

Nơi đây có những mục tử hiến mình cho đàn chiên.

Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh tính đồng nghị.

Ngài mời mọi thành phần dân Chúa cùng nhau lắng nghe,

đối thoại, cầu nguyện và phân định,

can đảm để nói, khiêm tốn để nghe, vượt qua thành kiến.

Nhờ đó Hội Thánh có được sự hiệp nhất và niềm vui,

lôi kéo được nhiều người đến gia nhập.

LỜI NGUYỆN

Lạy Thiên Chúa,

nơi con có biết bao ước mơ,

bao khát vọng mong chờ.

Có những ước mơ đã thành hiện thực.

Cũng có những ước mơ mãi chưa tròn.

Nhưng dù được toại nguyện hay không,

con vẫn luôn hy vọng nơi Chúa.

Con biết rằng Chúa chẳng bao giờ để con một mình,

và thế nào Chúa cũng vuông tròn những điều Chúa hứa.

Ngay cả khi mọi chuyện có vẻ không đi theo đường của con,

con tin chúng vẫn đi theo đường của Chúa,

và rốt cuộc đường của Chúa là đường tốt nhất cho con.

Lạy Chúa, xin củng cố niềm hy vọng nơi con,

nhất là khi những ước mơ của con không thành hiện thực.

Xin cho con đừng quên rằng

Tên của Chúa là Tình Yêu. Amen.

Henry Nouwen.

Tag:

2024-10-20