Chúa nhật 3 mùa Chay năm C - Hãy sám hối (Lc 13,1-9)

Đức GiêSu Đã, Đang Và Mãi Mãi Yêu Chúng Ta Cho Đến Cùng

"Tình yêu Đức Kitô thúc bách chúng ta"

Chúa nhật 3 mùa Chay năm C - Hãy sám hối (Lc 13,1-9)

Chúa nhật 3 mùa Chay năm C - Hãy sám hối (Lc 13,1-9)

Nếu các ông không chịu sám hối,
thì các ông cũng sẽ chết hết y như vậy.

BÀI ĐỌC 1: Xh 3,1-8a.13-15

Đấng Hiện Hữu sai tôi đến với anh em.

Bài trích sách Xuất hành.

1 Bấy giờ ông Mô-sê đang chăn chiên cho bố vợ là Gít-rô, tư tế Ma-đi-an. Ông dẫn đàn chiên qua bên kia sa mạc, đến núi của Thiên Chúa, là núi Khô-rếp. 2 Thiên sứ của Đức Chúa hiện ra với ông trong đám lửa từ giữa bụi cây. Ông Mô-sê nhìn thì thấy bụi cây cháy bừng, nhưng bụi cây không bị thiêu rụi. 3 Ông tự bảo: “Mình phải lại xem cảnh tượng kỳ lạ này mới được: vì sao bụi cây lại không cháy rụi ?” 4 Đức Chúa thấy ông lại xem, thì từ giữa bụi cây Thiên Chúa gọi ông: “Mô-sê! Mô-sê!” Ông thưa: “Dạ, tôi đây!” 5 Người phán: “Chớ lại gần! Cởi dép ở chân ra, vì nơi ngươi đang đứng là đất thánh.” 6 Người lại phán: “Ta là Thiên Chúa của cha ngươi, Thiên Chúa của Áp-ra-ham, Thiên Chúa của I-xa-ác, Thiên Chúa của Gia-cóp.” Ông Mô-sê che mặt đi, vì sợ nhìn phải Thiên Chúa.

7 Đức Chúa phán: “Ta đã thấy rõ cảnh khổ cực của dân Ta bên Ai-cập, Ta đã nghe tiếng chúng kêu than vì bọn cai hành hạ. Phải, Ta biết các nỗi đau khổ của chúng. 8a Ta xuống giải thoát chúng khỏi tay người Ai-cập, và đưa chúng từ đất ấy lên một miền đất tốt tươi, rộng lớn, miền đất tràn trề sữa và mật.”

13 Ông Mô-sê thưa với Thiên Chúa: “Bây giờ, con đến gặp con cái Ít-ra-en và nói với họ: Thiên Chúa của cha ông anh em sai tôi đến với anh em. Vậy nếu họ hỏi con: Tên Đấng ấy là gì ? Thì con sẽ nói với họ làm sao ?” 14 Thiên Chúa phán với ông Mô-sê: “Ta là Đấng Hiện Hữu.” Người phán: “Ngươi nói với con cái Ít-ra-en thế này: “Đấng Hiện Hữu sai tôi đến với anh em.” 15 Thiên Chúa lại phán với ông Mô-sê: “Ngươi sẽ nói với con cái Ít-ra-en thế này: Đức Chúa, Thiên Chúa của cha ông anh em, Thiên Chúa của Áp-ra-ham, Thiên Chúa của I-xa-ác, Thiên Chúa của Gia-cóp, sai tôi đến với anh em. Đó là danh Ta cho đến muôn thuở, đó là danh hiệu các ngươi sẽ dùng mà kêu cầu Ta từ đời nọ đến đời kia.”

 

ĐÁP CA: Tv 102,1-2.3-4.6-7.8 và 11 (Đ. c.8a)

Đ.Chúa là Đấng từ bi nhân hậu.

1Chúc tụng Chúa đi, hồn tôi hỡi,
toàn thân tôi, hãy chúc tụng Thánh Danh!
2Chúc tụng Chúa đi, hồn tôi hỡi,
chớ khá quên mọi ân huệ của Người.

Đ.Chúa là Đấng từ bi nhân hậu.

3Chúa tha cho ngươi muôn ngàn tội lỗi,
thương chữa lành các bệnh tật ngươi.
4Cứu ngươi khỏi chôn vùi đáy huyệt,
bao bọc ngươi bằng ân nghĩa với lượng hải hà.

Đ.Chúa là Đấng từ bi nhân hậu.

6Chúa phân xử công minh,
bênh quyền lợi những ai bị áp bức,
7mặc khải cho Mô-sê biết đường lối của Người,
cho con cái nhà Ít-ra-en
thấy những kỳ công Người thực hiện.

Đ.Chúa là Đấng từ bi nhân hậu.

8Chúa là Đấng từ bi nhân hậu,
Người chậm giận và giàu tình thương,
11Như trời xanh trổi cao hơn mặt đất,
tình Chúa thương kẻ thờ Người cũng trổi cao.

Đ.Chúa là Đấng từ bi nhân hậu.

 

BÀI ĐỌC 2: 1 Cr 10,1-6.10-12

Đời sống của dân Ít-ra-en với ông Mô-sê trong sa mạc đã được chép lại để răn dạy chúng ta.

Bài trích thư thứ nhất của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Cô-rin-tô.

1 Thưa anh em, tôi không muốn để anh em chẳng hay biết gì về việc này: là tất cả cha ông chúng ta đều được ở dưới cột mây, tất cả đều vượt qua Biển Đỏ. 2 Tất cả cùng được chịu phép rửa dưới đám mây và trong lòng biển, để theo ông Mô-sê. 3 Tất cả cùng ăn một thức ăn linh thiêng, 4 tất cả cùng uống một thức uống linh thiêng, vì họ cùng uống nước chảy ra từ tảng đá linh thiêng vẫn đi theo họ. Tảng đá ấy chính là Đức Ki-tô. 5 Nhưng phần đông họ không đẹp lòng Thiên Chúa, bằng chứng là họ đã quỵ ngã trong sa mạc.

6 Những sự việc ấy xảy ra để làm bài học, răn dạy chúng ta đừng chiều theo những dục vọng xấu xa như cha ông chúng ta. 10 Anh em đừng lẩm bẩm kêu trách, như một số trong nhóm họ đã lẩm bẩm kêu trách: họ đã chết bởi tay Thần Tru Diệt. 11 Những sự việc này xảy ra cho họ để làm bài học, và đã được chép lại để răn dạy chúng ta, là những người đang sống trong thời sau hết này. 12 Bởi vậy, ai tưởng mình đang đứng vững, thì hãy coi chừng kẻo ngã.

 

Tin mừng: Lc 13, 1-9

1 Lúc ấy, có mấy người đến kể lại cho Đức Giê-su nghe chuyện những người Ga-li-lê bị tổng trấn Phi-la-tô giết, khiến máu đổ ra hoà lẫn với máu tế vật họ đang dâng.

2 Đức Giê-su đáp lại rằng: “Các ông tưởng mấy người Ga-li-lê này phải chịu số phận đó vì họ tội lỗi hơn mọi người Ga-li-lê khác sao ?

3 Tôi nói cho các ông biết: không phải thế đâu ; nhưng nếu các ông không sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết như vậy.

4 Cũng như mười tám người kia bị tháp Si-lô-ác đổ xuống đè chết, các ông tưởng họ là những người mắc tội nặng hơn tất cả mọi người ở thành Giê-ru-sa-lem sao ?

5 Tôi nói cho các ông biết: không phải thế đâu ; nhưng nếu các ông không chịu sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết y như vậy.”

6 Rồi Đức Giê-su kể dụ ngôn này: “Người kia có một cây vả trồng trong vườn nho mình. Bác ta ra cây tìm trái mà không thấy, 7 nên bảo người làm vườn: ‘Anh coi, đã ba năm nay tôi ra cây vả này tìm trái, mà không thấy. Vậy anh chặt nó đi, để làm gì cho hại đất ?’

8 Nhưng người làm vườn đáp: ‘Thưa ông, xin cứ để nó lại năm nay nữa. Tôi sẽ vun xới chung quanh, và bón phân cho nó.

9 May ra sang năm nó có trái, nếu không thì ông sẽ chặt nó đi.’”

 

1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)

Suy niệm: Bài Tin Mừng hôm nay dạy chúng ta: đừng vội xét đoán. Người đời thường lầm tưởng: sự may mắn, sự sang trọng là phúc lành Thiên Chúa thương cho người hiền đức; và coi sự bất hạnh, rủi ro là số kiếp đáng chịu của kẻ bất nhân.

Ðức Giêsu là Thiên Chúa. Ngài rất thánh thiện. Ngài không hề mắc tội. Thế mà cuộc đời của Ngài đầy những đau thương. Và cuối cùng Ngài bị chết nhục nhã trên Thập Giá.

Vậy, có dấu chỉ nào để phân biệt người tốt xấu ? - Chúng ta không biết được. Chỉ có Thiên Chúa. Ðấng thấu suốt mọi bí ẩn trong tâm hồn. Chỉ có sự xét xử của Thiên Chúa mới công minh chính trực. Chúng ta đừng vội “nhìn mặt mà bắt hình dung”.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, chúng con thường thiển cận, nông cạn khi nhìn sự việc, khi xét đoán con người. Chính vì thế chúng con rất thường bị sai lầm, và gây đau khổ, làm mất danh dự của anh chị em chúng con. Xin Chúa dạy chúng con bài học thận trọng, khôn ngoan. Nhưng tốt hơn hết, chúng con đừng xét đoán ai, vì xét đoán là quyền của Thiên Chúa. Amen.

Ghi nhớ: “Nếu các ngươi không ăn năn hối cải, thì tất cả các ngươi cũng sẽ bị hủy diệt như vậy”.

 

2. Suy niệm (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)

Sợi chỉ đỏ :

Các ý tưởng trong các bài đọc hôm nay được triển khai dần dần để dẫn đến ý tưởng chính là "Hãy sám hối" :

- Vì yêu thương, Thiên Chúa đã chọn Môsê để bắt đầu công trình giải thoát họ qua cuộc xuất hành (Bài đọc I) ;

- Các kitô hữu cũng được dẫn dắt qua một cuộc Xuất hành như dân do thái xưa. Tuy nhiên chúng ta đừng có thái độ như họ : chìu theo dục vọng và luôn kêu ca trách móc Thiên Chúa (Bài đọc II) ;

- Thái độ phải có là sám hối (Bài Tin Mừng)

I. DẪN VÀO THÁNH LỄ

Anh chị em thân mến

Lời Chúa hôm nay rất khẩn thiết : "Nếu các ngươi không sám hối, các ngươi sẽ phải chết". Phụng vụ dành cho chúng ta một thời gian dài 40 ngày của Mùa Chay để chúng ta nhận thức tình trạng tội lỗi của mình mà ăn năn sám hối. Đây đúng là lúc thuận tiện, đây đúng là thời cứu độ. Chúng ta đừng phí phạm cơ hội Chúa ban, đừng làm ngơ trước lời kêu gọi của Chúa.

II. GỢI Ý SÁM HỐI

- Chúng con thiếu sót rất nhiều trong bổn phận kính mến và thờ phượng Chúa. Xin Chúa thương xót chúng con.

- Chúng con lỗi phạm rất nhiều trong tương quan với tha nhân. Xin Chúa thương xót chúng con.

- Chúng con còn làm nô lệ cho tiền bạc, của cải, tiện nghi. Xin Chúa thương xót chúng con.

III. LỜI CHÚA

1. Bài đọc I (Xh 3,1-15)

Tuần vừa qua, chúng ta được kể về chặng thứ nhất trong Lịch sử cứu độ : Thiên Chúa chọn Abraham để thành lập một dân mới. Tuần này chúng ta được nghe kể tiếp chặng thứ hai : Thiên Chúa chọn Ông Môsê để giải phóng dân ấy khỏi ách nô lệ Ai cập.

Lúc bấy giờ Môsê đang trốn trong sa mạc vì sợ Pharao lùng bắt. Ông làm nghề chăn chiên. Một hôm đang khi Môsê chăn chiên thì Thiên Chúa hiện ra với ông.

- Thiên Chúa hiện ra trong một bụi gai rực lửa nhưng bụi gai ấy không bị cháy rụi : Thiên Chúa là Đấng rất hùng mạnh, nhưng sức mạnh của Ngài không phải dể tiêu diệt mà để giải thoát.

- Thiên Chúa gọi đích danh Môsê : Ngài biết rõ từng người.

- Thiên Chúa nói với Môsê "Ta đã thấy rõ cảnh khổ của dân Ta… Ta xuống giải thoát chúng…" : Thiên Chúa là Đấng giải thoát.

- Khi Môsê hỏi Tên Thiên Chúa thì Ngài đáp bằng một câu nói bí ẩn "Ta là điều Ta là". Có nhiều lối giải thích kiểu nói này : (1) Thiên Chúa từ chối không nói tên mình, bởi vì không ai có thể hiểu được Thiên Chúa ; (2) Ta là thế nào thì các ngươi sẽ hiểu khi thấy các việc Ta sẽ làm (sau này khi thấy Thiên Chúa giải thoát dân do thái : người ta se hiểu Ngài là Đấng giải thoát) ; (3) Câu nói đó có thể dịch là "Ta là Đấng hằng hữu" ; (4) Cũng có thể dịch là "Ta là Đấng là" : ngược với các thần Ai cập chỉ là hư vô giả trả, chỉ có một mình Thiên Chúa là có thật.

Điều quan trọng nhất của tường thuật này là Thiên Chúa thương dân Ngài và muốn giải thoát họ khỏi cảnh khổ.

2. Đáp ca (Tv 102)

Thánh vịnh 102 triển khai ý chính của bài đọc I : ca tụng những công trình giải thoát của Thiên Chúa.

3. Tin Mừng (Lc 13,1-9)

Ý chính của đoạn Tin Mừng này là kêu gọi sám hối :

- cc 1-5 : người do thái thời Chúa Giêsu quen nghĩ "ác giả ác báo". Trước hai tai nạn đột ngột làm chết nhiều người, họ kết luận ngay rằng những nạn nhân ấy là "ác giả" cho nên bị "ác báo". Chúa Giêsu khuyên đừng hồ đồ suy đoán về người khác những mỗi người hãy coi các tai nạn đó là tiếng nhắc nhở hãy xét lại lương tâm mình để lo sám hối.

- cc 6-9 : Qua dụ ngôn cây vả không sinh trái, Chúa Giêsu bảo mỗi người hãy tận dùng thời gian gia hạn mà Thiên Chúa đã ban cho mình để sớm lo sám hối.

4. Bài đọc II (1 Cr 10,1-6.10-12)

Thánh Phaolô giải thích ý nghĩa các biến cố trong cuộc Xuất hành :

- Việc vượt qua Biển Đỏ là tượng trưng cho Phép Rửa.

- Tảng đá đã phun ra nước cho dân do thái uống tượng trưng cho Chúa Giêsu.

- Kitô hữu chúng ta cũng xuất hành như dân do thái xưa. Nhưng đừng bắt chước họ chìu theo dục vọng xấu xa, đừng kêu ca trách móc, trái lại ngoan ngoãn hành trình theo sự hướng dẫn của Thiên Chúa.

IV. GỢI Ý GIẢNG

1. Hãy ăn năn sám hối

Lời Chúa hôm nay kêu gọi chúng ta hãy ăn năn sám hối. Lời kêu gọi này không chỉ nhắm đến những kẻ tội lỗi mà nhắm đến mọi người không trừ ai. Thế nhưng có người sẽ thắc mắc : người tốt cũng cần phải sám hối sao ?

Trong trường hợp những người được gọi là tốt, họ vẫn phải sám hối vì những việc tốt lẽ ra họ có thể làm mà lại không làm. Họ giống như cây vả trong bài Tin Mừng này. Ông chủ muốn đốn nó không phải vì nó đã sinh ra những trái xấu, mà vì nó không sinh ra những trái vả như nó phải sinh ra. Một cây vả mà không sinh trai vả thì đâu còn là cây vả nữa.

Các kitô hữu ít khi tự đặt cho mình câu hỏi này : Điều gì lẽ ra tôi phải làm mà lại không làm ? Tiếng gọi sám hối không chỉ kêu gọi ta thôi đừng làm điều xấu nữa, mà còn kêu gọi ta hãy "sinh trái" bằng những việc tốt. Chính vì thế mà lời kêu gọi này nhắm đến mọi người. (FM)

2. Cơ hội thứ hai

Có một câu chuyện về một cây vĩ cầm như sau :

Cây vĩ cầm bị rạn nứt, người ta dán lại và đem ra bán đấu giá. Người bán đấu giá nghĩ rằng chẳng nên phí thời giờ chăm chút nó làm gì. Nhưng ông vẫn tươi cười cầm nó lên và rao bán :

- Thưa quí vị ai sẽ bắt đầu trả giá đầu tiên đây ?

Một đồng, rồi hai đồng. Chỉ có hai đồng thôi sao ? Ai sẽ trả nó ba đồng đây. Vâng, một người trả ba đồng. Không ai trả hơn sao ?

Bỗng từ cuối phòng, một người đàn ông tóc hoa râm bước lên cầm lấy cây đàn, ông lau sạch bụi chiếc đàn cũ kỹ, rồi lên dây lại. Sau đó, ông tấu lên một bản nhạc êm dịu, ngọt ngào, du dương như bài ca của các thiên thần. Tiếng nhạc dừng lại, người bán đấu giá chậm rãi, hỏi :

- Tôi sẽ ra giá bao nhiêu cho chiếc vĩ cầm này đây ?

Đoạn ông vừa cầm đàn lên vừa nói :

- Một ngàn đồng, và ai sẽ tăng lên hai ngàn ? Hai ngàn rồi, có ai chịu tăng lên ba ngàn không ? Một người chịu giá ba ngàn, còn nữa không ?

Đám đông hồ hởi reo vui, nhưng có vài người trong họ la lên :

- Chúng tôi hoàn toàn chẳng hiểu cái gì đã làm thay đổi giá trị cây vĩ cầm đó ?

Lập tức có tiếng đáp lại :

- Chính nhờ đôi tay người nghệ sĩ chạm vào đấy !

*

Đứng trước những biến cố đem lại tai hoạ và chết chóc cho con người, Chúa Giêsu không bình luận theo quan điểm của người Do Thái thời đó : Tin Mừng hôm nay kể lại việc quan tổng trấn Philalô tàn sát mấy người Galilê và việc tháp Siloê đổ xuống đè chết 18 nạn nhân. Người Do Thái cho rằng những người bị tai hoạ đó là do tội lỗi của chính họ, nên bị Thiên Chúa giáng phạt. Còn những người khác thấy vẫn bình yên vô sự, thì cho rằng mình vô tội, nên dễ tự hào về sự thánh thiện của mình. Chúa Giêsu không nghĩ thế, Người không cho rằng những người bị nạn đó tội lỗi hơn đồng hương của họ. Người muốn nhấn mạnh rằng mọi người đều là tội nhân, đều bị Thiên Chúa phán xét, đều đáng chịu án phạt của Người, nên cần phải ăn năn sám hối, để tránh hình phạt của Thiên Chúa.

Tính cấp bách phải sám hối ăn năn được Chúa Giêsu nói rõ trong dụ ngôn cây vả : Thiên Chúa là người trồng cây, Chúa Giêsu là người làm vườn, và dân Ítraen là cây vả không sinh trái. Thiên Chúa đã tuyển chọn dân Ítraen làm dân riêng của Người, và ban cho nhiều đặc ân, nhưng họ lại không sinh hoa kết trái, là trung thành với lề luật, sống công chính, và phụng thờ một mình Người.

Thiên Chúa đã chấp thuận đề nghị của Chúa Giêsu, là cho họ một cơ hội thứ hai, một thời gian để chăm bón thêm, với các lời giảng dạy của Chúa Giêsu và các phép lạ kèm theo. Nhưng họ vẫn cố chấp, không hoán cải để sinh hoa trái. Vì thế, họ đã bị Thiên Chúa loại bỏ : Điều đó đã được chứng thực vào năm 7O sau Công Nguyên khi đền thánh Giêrusalem bị tàn phá.

Thiên Chúa cũng đã tuyển chọn chúng ta trong kế hoạch nhiệm mầu của Người và yêu thương chăm sóc chúng ta cách đặc biệt. Người chờ mong chúng ta sinh ra hoa trái tốt tươi. Nhưng nếu chúng ta chưa thực hiện được những mơ ước của Người, thì cũng như cây đàn vĩ cầm rạn nứt trong câu chuyện trên đây, Người cũng cho chúng ta một cơ hội, là đôi tay kỳ diệu của người nghệ sĩ đã chạm vào cây đàn, chính là Đức Glêsu, để chúng ta tấu lên những khúc nhạc du dương, là bài ca của những tâm hồn biết ăn năn, là hoa trái của những tấm lòng sám hối.

Chúng ta hãy cảm tạ tri ân Chúa Giêsu đã cho chúng ta cơ hội thứ hai này, và tận dụng tối đa cơ may ấy để sinh nhiều hoa trái trong mùa Chay thánh.

3. Kiên nhẫn Cây vả được trồng 3 năm thì tới lúc có trái. Nếu đến khi đó mà nó vẫn chưa có trái thì hầu như sẽ chẳng bao giờ có trái nữa. Đây là trường hợp của cây vả trong bài Tin Mừng hôm nay. Bởi vậy ông chủ ra lệnh đốn bỏ nó, để khỏi chật đất, để khỏi tốn công chăm sóc, để danh chỗ trồng cây khác hữu ích hơn. Nhưng người làm vườn vẫn chưa nản lòng. Người này vẫn còn hy vọng nơi cây vả, nên xin ông chủ cho thêm thời hạn một năm nữa. Trong thời gian này ông sẽ tích cực bồi dưỡng và chăm sóc cho nó. Sau đó nếu nó vẫn không trái thì mới bị chặt đi.

Dụ ngôn không cho ta biết kết quả cuối cùng thế nào. Nhưng bấy nhiêu cũng đủ nói lên điều Chúa Giêsu muốn nói : cũng như người làm vườn kiên nhẫn chờ đợi cây vả ra trái, Thiên Chúa luôn kiên nhẫn chờ đợi kẻ tội lỗi ăn năn sám hối.

Lịch sử đầy dẫy những thí dụ về những người nhờ được người khác kiên nhẫn cho thêm cơ hội nên về sau trở thành những vĩ nhân. (1) Ngay trong bài đọc I hôm nay đã có một tấm gương : Môsê khi còn trẻ đã phạm tội giết người. Chúa không phạt ông, mà còn sử dụng tính khí nhiệt tình của ông để giải phóng dân do thái khỏi ách nô lệ Ai cập. (2) Einstein mãi đến hai tuổi mới bắt đầu biết nói bập bẹ. Khi Einstein đến trường, các giáo viên cũng ngã lòng vì sự chậm chạp của ông. Vậy mà Einstein đã trở thành nhà bác học được đánh giá là nổi bật nhất của thế kỷ.

Có nhiều người phát triển rất chậm và muộn màng, nhưng lại là những nhân tài. Những người như thế cần có ai đó tin tưởng họ, kiên nhẫn chờ đợi họ và tạo cơ hội cho họ. Nếu không thì kho tàng tài năng của họ sẽ bị vùi dập và mai một đi.

Chúng ta biết cho chính bản thân mình thêm cơ hội. Tại sao chúng ta không làm như thế đối với người khác ? (FM)

4. Đất thánh

Chúa phán với Môsê : "Nơi ngươi đang đứng là đất thánh".

Mọi nơi trên mặt đất này mà Chúa ban cho ta đều là đất thánh và đáng được chúng ta kính trọng. Nhưng mảnh đất thánh thiện nhất nằm ngay trong chúng ta.

Trước hết, thân xác chúng ta là thánh. Thân xác là thánh vì nó là công trình tạo dựng của Thiên Chúa. Thánh Phaolô còn đưa ra lý do thứ hai : "Thân xác anh em là đền thờ của Chúa Thánh Thần". Vậy chúng ta phải tôn trọng và chăm sóc thân xác chúng ta.

Tâm trí chúng ta cũng là thánh. Nhiều người hằng ngày cứ nhồi vào tâm trí mình đủ thứ điều xấu xa từ tivi, radio, sách báo v.v. Chúng ta hãy nghe lời Thánh Phaolô : "Anh em hãy đong đầy tâm trí những gì chân thật, cao quý, những gì là chính trực, tinh tuyền, những gì là đáng mến và đem lại danh thơm tiếng tốt những gì là đức hạnh đáng khen" (Pl 4,8)

Nhưng thánh nhất là tâm hồn chúng ta. Ngày nay người ta rất quan tâm đến sự sạch sẽ bên ngoài nhưng lại quên đi sự sạch sẽ bên trong, tức là sự sạch sẽ của tâm hồn. Từ tâm hồn sinh ra tư tưởng, lời nói, việc làm như dòng nước phát sinh từ mạch nước. Nếu mạch nước mà sạch thì nước chảy ra cũng sạch. Vậy chúng ta hãy giữ cho tâm hồn trong sạch và tinh tuyền. Chúa Giêsu nói "Phúc cho những ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Chúa". (FM)

5. Tản mạn suy tư

a/ Trong bài đọc I kể chuyện Chúa hiện ra với Môsê, điều đáng ngạc nhiên là Chúa không hiện ra cho ông trong Đền thờ mà là trong sa mạc ; và Chúa hiện ra không phải khi Môsê đang cầu nguyện mà trong lúc ông chăn cừu. Chúa hiện ra cho Môsê ở một nơi phàm trần và trong một sinh hoạt phàm trần.

Ngày nay thế giới đã trở thành một nơi phàm trần. Thật khó mà giữ được một ý thức thiêng thánh trong một thế giới như thế. Tuy nhiên, nếu không có thiêng thánh và ý thức hướng thượng, thì cuộc đời sẽ nghèo nàn và thấp hèn biết bao.

Trong cuộc gặp gỡ giữa Môsê với Thiên Chúa, cảm xúc lấn át nhất xem ra là sợ hãi. Nhưng thực ra không phải thế. Khi Thánh Kinh nói về sự sợ đối với Thiên Chúa thì không phải là sợ hãi mà là kính sợ. Sợ hãi là một cảm xúc tiêu cực, nó khiến ta co rúm lại và muốn chạy trốn ; còn kính sợ là một cảm xúc tích cực, nó khuyến khích ta tiến đến gần đối tượng đang tác động lên mình, ta không cảm thấy bị hạ xuống, mà được nâng lên.

Tín ngưỡng bắt đầu bằng cảm xúc kính sợ, kính sợ vì nhận biết sự cao cả của Thiên Chúa và giới hạn thấp hèn của con người. Kính sợ đi trước, và đức tin đến sau.

Mà kính sợ thì bắt đầu bằng sự ngỡ ngàng. Môsê đã ngỡ ngàng khi thấy bụi gai cháy rực mà không rụi tàn.

b/ Tuy nhiên rất dễ ngỡ ngàng trước một sự kiện bất thường như thế. Ngay cả người khùng cũng biết ngỡ ngàng trước sự bất thường. Còn người khôn thì biết ngỡ ngàng trước những sự bình thường. Đây mới là vấn đề. Chúng ta ước ao được ngỡ ngàng trước một phép lạ, nhưng chúng ta không ngỡ ngàng khi ngắm cảnh hoàng hôn. Hầu hết chúng ta cảm thấy khó mà nhận ra nét cao cả và đáng ngỡ ngàng nơi những sự việc bình thường trong cuộc sống ; chúng ta không nhận ra những "phép lạ" vẫn diễn ra hằng ngày chung quanh chúng ta.

Tâm tình tôn thờ bắt nguồn từ ý thức về những phép lạ như thế. Kính sợ và ngỡ ngàng có thể được khơi lên bởi những sự việc rất nhỏ bé, chẳng hạn một hạt cát, một chiếc lá hay một giọt mưa.

Một đức tin cần được củng cố bằng phép lạ là một đức tin nghèo nàn. Những ai đã gắn bó với Chúa thì không cần phép lạ nữa, vì họ đã ý thức mình đang sống trong một thế giới được quyền năng Chúa bao bọc, họ nhìn đâu cũng thấy Chúa.

Người nào có khả năng nuôi dưỡng đức tin của mình bằng những phép lạ đời thường thì giống như người đang ngồi nơi bàn tiệc.

c/ Dù Môsê đang đứng tại một nơi phàm trần giữa hoang địa, nhưng Chúa bảo ông rằng đó là nơi thánh. Điều gì đã khiến nơi đó thành nơi thánh ? Thưa chính là sự hiện diện của Chúa. Nếu thế thì nhà thờ cũng là nơi thánh, vì có Chúa hiện diện trong nhà thờ. (FM)

6. Tại sao Chúa chọn Môsê ?

Trích đoạn của bài đọc I không cho ta biết tại sao Chúa chọn Môsê. Nhưng trước trích đoạn này có ba đoạn khác có thể giúp chúng ta trả lời được câu hỏi này.

- Một lần kia Môsê thấy một người Ai cập hà hiếp một người do thái, ông chịu không được nên đã ra tay can thiệp.

- Một lần khác ông thấy hai người do thái đánh nhau, ông chịu không nổi nên cũng ra tay can thiệp.

- Và một lần nữa, ông thấy những người chăn chiên xứ Mađian ngăn cản không cho các con gái của Ông Yêthro múc nước, ông không chịu nổi nên lại ra tay can thiệp.

Cả ba chuyện trên đều cho thấy Môsê là người không thể khoanh tay đứng nhìn trước cảnh bất công. Bởi thế khi Thiên Chúa "thấy cảnh khổ cực của dân Ta… Ta xuống giải thoát chúng…" thì Ngài chọn Môsê.

7. Chuyện minh họa

a/ Ăn năn

Satan phàn nàn với Chúa : "Ngài không công bằng. Nhiều tội nhân làm điều sai trái và Ngài lại đón nhận họ. Thật ra, có người trở lại sáu bảy lần và Ngài vẫn nhận. Tôi chỉ phạm một lỗi lớn mà Ngài kết án tôi đời đời. "Chúa nói : "Đã bao giờ ngươi xin tha thứ hoặc ăn năn chưa ?".

b/ Cơ hội cuối cùng

Sau khi đánh tan một cuộc nổi loạn, nhà vua bắt những kẻ phản loạn về. Ông ra lệnh thắp lên một cây nến, rồi nói với họ : "Ai chịu đầu hàng và thề trung thành với ta thì sẽ được tha, bằng không sẽ bị giết Các ngươi hãy suy nghĩ. Khi cây nến tắt thì cuộc hành quyết sẽ bắt đầu". Thiên Chúa cũng đối xử với tội nhân như vậy : Ngài cho họ một thời gian gia hạn. Tuy nhiên có một khác biệt quan trọng : không ai biết cây nến của đời mình còn dài hay ngắn. (Tonne).

V. LỜI NGUYỆN CHO MỌI NGƯỜI

Chủ tế: Anh chị em thân mến, để có thể hiệp thông với Thiên Chúa là Đấng vô cùng thánh thiện, con người cần phải thanh tẩy tâm hồn khỏi mọi vết nhơ tội lỗi. Với tâm tình sám hối và quyết tâm đổi mới đời sống, chúng ta cùng dâng lời cầu xin:

1. Hội thánh luôn mời gọi người Kitô hữu thành tâm sám hối vì những lỗi lầm đã phạm / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho mọi thành phần Dân Chúa / biết tích cực sống tinh thần cầu nguyện và sám hối của Mùa Chay.

2. Trong đời sống thường ngày / vẫn còn biết bao người đói khổ vì quá nghèo túng / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho những người giàu có / biết rộng rãi chia sẻ cơm áo cho những ai khó nghèo.

3. Hãy thay đổi đời sống / vì Nước Trời đã tới gần bên / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho các Kitô hữu / biết nỗ lực hoán cải con tim / thay đổi tính hạnh / để ngày càng nên giống Chúa Giêsu hơn.

4. Sám hối trước tiên là lãnh nhận bí tích Hòa Giải / rồi thực hành bác ái yêu thương / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho cộng đoàn giáo xứ chúng ta / biết chân thành xưng thú tội lỗi / và yêu thương hết thảy mọi người.

Chủ tế: Lạy Chúa, biết bao lần chúng con đã sám hối tội lỗi và quyết tâm đổi mới đời sống cho đẹp lòng Chúa, nhưng chúng con chưa thực hiện được những gì muốn quyết tâm sửa đổi vì yếu đuối. Vậy xin Chúa ban thêm sức mạnh cho chúng con. Chúng con cầu xin

VI. TRONG THÁNH LỄ

- Trước kinh Lạy Cha: Trong tâm tình sám hối, khi đọc kinh Lạy Cha, chúng ta hãy đặc biệt đọc cách rất thức lời nguyện "và tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con"

VII. GIẢI TÁN

Như người làm vườn kiên nhẫn chờ đợi cho cây vả sinh ra, Thiên Chúa cũng đang kiên nhẫn chờ đợi chúng ta sám hối và sinh ra hoa trái những việc lành. Chúng ta đừng làm cho Chúa phải thất vọng.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể,

Xin cho con biết rằng sám hối không chỉ là việc quyết tâm từ bỏ điều xấu, nhưng còn phải đi đôi với việc thực hành những điều tốt lành nữa. Xin giúp con biết dùng thời gian này để suy nghĩ về chính mình và đáp lại lời Chúa mời gọi con: “Hãy sinh hoa quả xứng với lòng sám hối” (Lc 3,8).

Chúa luôn cho con cơ hội để khởi sự lại từ đầu “Xin cứ để nó lại năm nay nữa. Tôi sẽ vun xới chung quanh, và bón phân cho nó” (Lc 13, 8). Phần mình, con có dám hứa với Chúa điều ấy không ?

Xin giúp con đừng trở nên chai lì trong tội, đừng lạm dụng lòng kiên nhẫn của Chúa mà không mau hoán cải; nhưng xin giúp con thức tỉnh và nhận ra rằng Mùa Chay này dành cho con, để con sám hối và thay đổi cuộc đời. Amen.

 

3. Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)

HÃY SÁM HỐI

A. DẪN NHẬP

Hai tuần I và II Mùa Chay cho ta hiểu ý nghĩa về thử thách, cám dỗ và sau cám dỗ là vinh quang của Đức Kitô. Với Chúa nhật III này, các bài đọc của Lời Chúa chú trọng vào một trọng tâm là phải ăn năn sám hối và sinh hoa kết quả bằng những việc làm cụ thể trong cuộc sống hằng ngày của Kitô hữu.

Chúng ta đã khởi đầu Mùa Chay bằng nghi thức xức tro trên đầu, một nghi thức thật cụ thể để diễn tả một trong những mục tiêu của Mùa Chay, đó là sám hối và trở về. Trong tâm tình đó, hôm nay vào giữa Mùa Chay, một lần nữa, Mẹ Giáo hội mời gọi chúng ta tin tưởng vào lòng nhân từ hay tha thứ của Thiên Chúa để can đảm đứng dậy, sám hối về tất cả những yếu đuối lỡ lầm của chúng ta trong cuộc sống.

Trong bài Tin mừng hôm nay, khi dùng hai biến cố gây ra chết người làm bối cảnh cho giáo huấn của Ngài – Trước hết Đức Giêsu đã đánh đổ quan niệm cũ sai lầm trong Do thái giáo, coi những người chết vì bệnh tật, tai nạn, bị đàn áp… là những người tội lỗi – Rồi Ngài khẳng định rằng nếu không sám hối và sinh hoa kết quả – mà cứ chai lì ra, thì sẽ chịu hậu quả khốc liệt hơn những người chết trong hai biến cố trên – vì họ sẽ bị chính ÔNG CHỦ LOẠI BỎ VĨNH VIỄN. Ông chủ đây là ai ngoài Thiên Chúa và cây vả là ai ngoài Kitô hữu, những người mà Đức Kitô đã tái sinh và vun trồng bằng chính Thịt Máu Ngài.

Mùa Chay là cơ may Chúa ban cho để chúng ta hối cải như thánh Phaolô đã nói với tín hữu Côrintô: “Đây là lúc thuận tiện, đây là ngày cứu độ” (2Cr 6,2b). Ngay cả cuộc sống của chúng ta cũng chỉ là thời gian gia hạn Chúa ban do lòng thương xót của Ngài. Sau khi cánh cửa thời gian khép lại, chúng ta sẽ không còn cơ hội để hối cải và sinh hoa kết quả nữa.

B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA

+ Bài đọc 1: Xh 3,1-15

Dân Do thái là mối quan tâm đặc biệt của Thiên Chúa. Tuần vừa qua, qua bài đọc 1, chúng ta được biết Thiên Chúa muốn chọn ông Abraham để thành lập một dân mới, dân riêng của Ngài. Tuần này, chúng ta được biết Thiên Chúa muốn nhờ ông Maisen để cứu dân ấy ra khỏi ách nô lệ của Ai cập và đưa họ vào Đất Hứa.

Khi ấy, ông Maisen đang trốn trong sa mạc vì sợ vua Pharaon lùng bắt. Ông trông thấy bụi gai đang cháy bừng bừng mà không bị cháy rụi. Ông đến gần xem sao. Thiên Chúa hiện ra và gọi rõ tên ông và trao cho ông sứ mạng đưa dân ra khỏi Ai cập. Ông muốn hỏi tên Ngài, nhưng Thiên Chúa chỉ trả lời cho ông: “Ta là Đấng Hằng Hữu”.

Thiên Chúa là Đấng Hằng Hữu. Có nhiều lối giải thích kiểu nói này:

- Thiên Chúa từ chối không nói tên mình, bởi vì không ai có thể hiểu được Thiên Chúa.

- Ta là thế nào thì các ngươi sẽ hiểu, khi thấy các việc Ta sẽ làm (sau này khi thấy Thiên Chúa giải thoát dân Do thái: người ta sẽ hiểu Ngài là Đấng Giải thoát).

- Câu nói đó có thể dịch là “Ta là Đấng Hằng Hữu”.

- Cũng có thể dịch là “Ta là Đấng là”: ngược lại với các thần Ai cập chỉ là hư vô giả trá, chỉ có một mình Thiên Chúa là có thật.

+ Bài đọc 2: 1Cr 10,1-6.10-12

Tín hữu Côrintô đã được rửa tội và thông hiệp Bí tích Thánh Thể, nên tưởng rằng mình đã được giải thoát khỏi mọi cám dỗ. Phải luôn đề phòng kẻo bị sa ngã. Thánh Phaolô so sánh cuộc xuất hành về trời của tín hữu ngày nay với cuộc xuất hành về Đất Hứa của dân Do thái ngày xưa: mặc dầu được Chúa che chở, nhiều người đã gục ngã trước những thử thách ở sa mạc. Kitô hữu chúng ta cũng xuất hành như dân Do thái xưa, nhưng đừng bắt chước họ chiều theo dục vọng xấu xa, đừng kêu ca trách móc, trái lại, hãy tin tưởng phó thác cho Chúa và ngoan ngoãn theo sự hướng dẫn của Ngài.

+ Bài Tin mừng: Lc 13,1-9

Người ta báo cho Đức Giêsu biết nguồn tin sốt dẻo: quan tổng trấn Philatô giết một số người Galilê đang khi họ dâng lễ trong đền thờ. Đức Giêsu không muốn bày tỏ ý kiến về luân lý, chính trị hay xã hội, mà nhân cơ hội này nhắc nhở cho mọi người: đứng trước những biến cố lớn nhỏ của cuộc sống, hãy nhìn ra những tín hiệu nhắc nhở hãy sám hối để được sống.

Trong dụ ngôn cây vả không sinh trái, Đức Giêsu nhấn mạnh đến những tai vạ sẽ đè lên trên dân tộc bất trung (Mc 11,13). Vậy là Chúa mời gọi mọi người hãy sinh hoa trái của lòng sám hối. Phải biết rằng cuộc sống của chúng ta chỉ là một thời gian được gia hạn, nên phải lợi dụng thời gian này mà sám hối.

C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA: Sám hối để được sống

I. HAI SỰ KIỆN, MỘT Ý NGHĨA

1. Hai sự kiện

Đang lúc Đức Giêsu khuyên giục các thính giả ăn năn sám hối, thì có người thuật lại với Đức Giêsu câu chuyện rùng rợn về vụ quan tổng trấn Philatô giết hại những người Galilê đang khi họ dâng lễ trong đền thờ. Có lẽ đây là một cuộc biểu tình của nhóm người quá khích đang cố dấy lên một phong trào nổi dậy để cứu dân, chống lại chính quyền Rôma đang chiếm đóng. Giữa lúc đang cử hành phụng vụ, đang dâng lễ vật cầu xin Thiên Chúa trợ giúp, họ đã bị cảnh sát của tổng trấn Philatô tàn sát.

Đưa ra tin sốt dẻo này, chắc người ta tưởng Đức Giêsu sẽ đồng tình tuyên bố số phận của những người bị tàn sát và bị tháp đè bẹp ấy là đúng lắm và Ngài cũng rơi vào lối ngụy biện thường tình, là người nào bị hành hạ nhiều chứng tỏ họ đã phạm tội nặng. Nhưng Đức Giêsu trả lời cho họ rằng người ta tạm thời chưa bị đau khổ là dấu ân huệ đặc biệt của Thiên Chúa.

2. Một ý nghĩa

Người Do thái thường cho rằng những thử thách xảy đến cho một người là như một sự trừng phạt kẻ đó. Nói cách khác, đau khổ là hình phạt của tội. Đối với Đức Giêsu, không có sự liên hệ nào giữa tai hoạ và tội lỗi. Trong phép lạ chữa cho người mù từ mới sinh, người ta hỏi Đức Giêsu: anh mù ấy do tội của anh hay của cha mẹ anh, thì Đức Giêsu trả lời rằng: “Không phải anh ta, cũng không phải cha mẹ anh ta đã phạm tội. Nhưng chuyện đó xảy ra là để các việc Thiên Chúa tỏ hiện nơi anh”.

Nhân cơ hội này, Đức Giêsu nhắc lại một sự kiện khác: 18 người bị tháp Siloe đổ xuống đè chết. Ngài khẳng định rằng đau khổ không phải do Thiên Chúa gửi đến. Sự thử thách không phải là một sự trừng phạt. Sự dữ xảy đến cho ta thường chỉ là hậu quả tự nhiên của quy luật vạn vật… Thay vì buộc tội Thiên Chúa là “nguyên nhân đệ nhất” như các triết gia thường nói, chúng ta phải để ý đến những “nguyên nhân đệ nhị”, mà chúng ta có toàn quyền trên chúng. Đức Giêsu đã chiến đấu chống lại sự dữ. Ngài yêu cầu chúng ta đến lượt mình cũng phải chiến đấu, nhưng trước tiên trong chính bản thân chúng ta.

Như vậy là Đức Giêsu không muốn trả lời thẳng vào câu hỏi mà họ muốn đặt ra: những người bị giết và bị đè chết là do tội mà ra. Nhân dịp này Đức Giêsu muốn dạy cho họ một bài học không phải thuộc lãnh vực luân lý, chính trị hay xã hội mà là thuộc lãnh vực tôn giáo. Đức Giêsu phán: “Nếu các ông không chịu sám hối, thì các ông cũng sẽ chết y như vậy”. Lời nói của Ngài có tính cách răn đe: nếu các ông không thay đổi cách sống. Ngài không có ý nói đến cái chết thể lý, mà chúng ta thấy hằng ngày chung quanh mình, mà là cái chết khác có tính cách mầu nhiệm do tội lỗi gây ra: một sự hư mất đời đời. Như vậy, qua sự kiện một số người Galilê bị giết, Đức Giêsu muốn nhắc nhở cho người Do thái và chúng ta là phải sám hối kẻo phải hư mất đời đời.

II. DỤ NGÔN CÂY VẢ

1. Cây vả tại Palestine

Đức Giêsu dùng hình ảnh cây vả để khích lệ người Do thái ăn năn hối cải. Quả vả là thức ăn quen thuộc đối với người Do thái. Ở Palestine, người ta thường thấy cây vả, cây gai và cây táo trong những vườn nho. Đất mỏng và cằn cỗi đến nỗi bất kỳ ở đâu có đất, người ta cũng trồng cây. Nhưng thực tế là cây vả này được đặc ân hơn, nhưng nó lại tỏ ra không xứng đáng với đặc ân đó. Đức Giêsu đã nhiều lần trực tiếp hay gián tiếp nhắc nhở dân chúng rằng họ sẽ bị xét đoán tuỳ theo những cơ hội may mắn mà họ đã có. Trong dụ ngôn cây vả chúng ta thấy có những ẩn dụ:

- Người trồng cây vả là Thiên Chúa.

- Cây vả là dân Do thái.

- Người làm vườn là Đức Giêsu.

2. Cây vả không sinh trái

Thế giới này phải đi trên con đường tiến hoá, tất cả cuộc tiến hoá nhằm sản sinh ra những cái gì có ích lợi, điều gì có ích sẽ cứ mạnh mẽ phát triển trên đường tiến hoá, trong khi những gì vô ích sẽ bị tiêu diệt. Cây vả kia cứ rút lấy sức lực của đất mà không sản sinh ra gì cả thì để làm gì cho nó ăn hại đất?

Cũng thế, cây vả Israel phải sinh hoa kết quả, nếu không sẽ bị chặt đi. Thiên Chúa đã tuyển chọn dân Israel, trong quá khứ dân đã nhận được nhiều ơn. Chúa trông đợi nơi họ sinh nhiều hoa trái, tức là sự trung thành với lề luật, sự phụng thờ sốt sắng và trong sạch… Kết quả không như Chúa mong muốn. Chúa có quyền bỏ dân Chúa đã kén chọn.

Nhưng Thiên Chúa chấp nhận đề nghị của Đức Giêsu cho khoan giãn một thời gian, để Đức Giêsu sẽ chăm bón thêm bằng cách ban thêm nhiều ơn nhờ việc giáo huấn và các phép lạ… Nhưng Israel vẫn cố chấp không hoán cải để sinh hoa trái. Vì vậy, họ đã bị Thiên Chúa loại bỏ. Chính việc tàn phá đền thờ Giêrusalem năm 70 là sự việc chứng thực điều đó.

3. Cơ may cuối cùng

Một cây vả thường phải 3 năm mới trưởng thành, nếu lúc đó nó không sinh trái, chắc không bao giờ sinh trái nữa. Nhưng cây vả này được ban cho một cơ may nữa để sinh hoa quả nếu không sẽ bị chặt đi.

Dụ ngôn này muốn diễn tả Thiên Chúa chờ đợi dân Ngài những hoa quả của lòng thống hối. Họ phải khẩn trương lợi dụng những lời mời gọi ăn năn sám hối của Đức Giêsu, Đấng trung gian giàu lòng thương xót, nhưng nếu họ cứ cố chấp mà khoan giãn không chịu sám hối, thì họ sẽ bị số phận như cây vả không trái.

Như vậy, đối với chúng ta, nếu chúng ta từ chối hết cơ may này đến cơ may khác, nếu tiếng kêu mời của Thiên Chúa cứ trở đi trở lại với chúng ta cách vô ích thì đến một ngày, không phải Thiên Chúa đóng cửa lại, nhưng chính chúng ta tự ý đóng cửa lòng mình với Thiên Chúa.

III. CHÚNG TA PHẢI KHẨN TRƯƠNG SÁM HỐI

1. Mọi người phải sám hối

Lời Chúa hôm nay kêu gọi mọi người phải sám hối, không trừ ai. Đối tượng của lời kêu gọi sám hối không phải chỉ là những người tội lỗi, người thu thuế, gái điếm, trộm cắp, nhưng trong dụ ngôn cây vả trong bài Tin mừng hôm nay (Lc 13,1-9), lại là những người được coi là đạo đức, ngay chính, được mọi người kính trọng: những người biệt phái.

Vậy người tốt cũng phải sám hối sao? Trong trường hợp những người được gọi là tốt, họ vẫn phải sám hối vì những việc tốt lẽ ra họ có thể làm mà lại không làm. Họ giống như cây vả trong bài Tin mừng này. Ông chủ muốn đốn nó không phải vì nó đã sinh ra những trái xấu, mà vì nó không sinh ra những trái vả như nó phải sinh ra. Một cây vả mà không sinh trái vả thì đâu còn là cây vả nữa, nó hoàn toàn trở nên vô ích.

Các Kitô hữu ít khi đặt cho mình câu hỏi sau đây: Điều gì lẽ ra tôi phải làm mà lại không làm? Tiếng gọi sám hối không chỉ kêu gọi ta thôi đừng làm điều xấu nữa, mà còn kêu gọi ta hãy “sinh trái” bằng những việc tốt. Chính vì thế mà lời kêu gọi này nhăm đến mọi người (McCarthy).

2. Khác biệt giữa thánh thiện và tội lỗi

Người ta thường nói: “Nhân vô thập toàn”, không ai là con người hoàn hảo đến nỗi không còn điều gì phải sửa đổi.

Đức Khổng Tử đã đưa ra một chương trình tổng quát để đào tạo con người, biến con người thành những hiền nhân quân tử và cao nhất là bậc thánh nhân, đó là TU THÂN.

Tu thân có nghĩa là sửa mình. Phải sửa mình cho nên tốt hơn theo phương châm của vua Thành Thang: Nhật nhật tân, hựu nhật tân”: ngày ngày mới, lại ngày mới hơn. Muốn sửa mình, cần phải xét mình để biết rõ con người mình.

Ông Trình Tử đã thực hiện việc xét mình hằng ngày khi ông nói: “Nhất nhật tam tỉnh ngô thân”: mỗi ngày ta phải xét mình ba lần.

Thánh Phaolô cũng nhắc nhở cho tín hữu Côrintô là phải lột bỏ con người cũ mà mặc lấy con người mới. Con người mới đây là con người đã được tu thân, đã qua một quá trình biến đổi cho nên tốt hơn.

Đức cố Hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn văn Thuận có lần đã nói: “Vị thánh nào cũng có một quá khứ, và người tội lỗi nào cũng có một tương lai. Quá khứ là dĩ vãng yếu đuối. Tương lai là ngày mai tốt hơn, thánh thiện. Nhưng sự khác biệt giữa thánh nhân và người tội lỗi chính là sự sám hối, lòng ăn năn”.

Truyện: Hối cải hay không

Chuyện cổ dân gian kể về hai người anh em nọ sống trong một ngôi làng miền Trung nước Mỹ đã bị bắt quả tang ăn trộm cừu của dân làng. Hình phạt cho họ là bị khắc hai chữ “ST” trên trán. “ST” có nghĩa là Sheep Thief: Kẻ ăn trộm cừu. Dấu khắc này là dấu sẹo trên trán phải mang suốt đời.

Đối với người em hình phạt này là tiêu huỷ cuộc đời còn lại của chú. Chú càng phạm thêm nhiều tội ác hơn. Và cuối cùng chú đã bị chết trong tù! Trái lại, người anh đã ăn năn hối cải và hoàn toàn thay đổi cuộc sống, từ tên tội phạm đã trở nên người hoàn lương, và sau cùng trở nên thánh thiện. Anh giúp đỡ mọi người, trong làng ai cũng thương mến. Năm tháng trôi qua, những người lớn tuổi thuộc thế hệ của anh chết gần hết. Một ngày nọ những người du khách vào làng nhìn thấy chữ “ST” trên trán ông lão bèn thắc mắc. Họ hỏi những người trẻ trong làng, nhưng chẳng ai biết thực sự nó có nghĩa là gì. Ai cũng trả lời rằng: “Điều đó đã xảy ra bao nhiêu năm về trước rồi! Nhưng theo họ nghĩ, chữ “ST” trên trán ông lão là một chữ viết tắt của chữ “Saint” = “Thánh”.

3. Tiêu cực và tích cực

Lời kêu gọi sám hối của Đức Giêsu hôm nay không phải chỉ là lời kêu gọi trở về từ tội lỗi, nhưng là một lời kêu gọi phải làm điều lành, điều tốt như bổn phận. Kitô giáo không phải là một tôn giáo chỉ cấm những điều xấu như không được giết hại người khác. Giáo lý của Chúa Kitô còn đòi buộc cả những điều tích cực: phải giúp đỡ tha nhân, yêu thương người nghèo khó. Thánh Giacôbê nói: “Kẻ nào biết làm điều tốt mà không chịu làm thì mắc tội”(Gc 4,17)

Sám hối hay hối cải không chỉ là từ bỏ con đường xấu xa tội lỗi, trái lại sám hối cũng còn có nghĩa là không được như cũ mà phải tốt hơn, tấn tới hơn, nhân đức hơn và sinh nhiều hoa trái thiêng liêng hơn. Do đó, một người sống cứ lừng khừng, tầm thường cũng đáng bị lên án như kẻ có tội vậy. Trái lại, một kẻ được gọi là sám hối thực sự không những xa lánh tội lỗi mà còn là con người có ích, trưởng thành.

Khi đọc dụ ngôn cây vả không sinh trái, chúng ta phải luôn theo nghĩa tích cực, nghĩa là không phải điều xấu điều ác đã không làm, nhưng là điều tốt, việc thiện đã bỏ qua. Người chủ vườn thất vọng không phải vì cây vả đã cho trái xấu xí hay độc hại, nhưng vì nó đã không sinh sản. Nó đã bị xét xử vì nó không sinh hoa trái. Bởi vậy, người sám hối là người phải đổi mới để mỗi ngày một nên tốt hơn: “Phải tiến bước trên con đường sám hối và của đổi mới, và phải qua cửa hẹp của thập giá, để thông ban hoa trái của ơn cứu độ cho người ta” (GLCG số 853; Lumen gentium, 8).

4. Hãy tìm đến với Chúa

Thiên Chúa đã dựng nên vũ trụ vạn vật, trong đó có loài người chúng ta (x. St 2,4-8). Ngài là chủ của vũ trụ. Đã là chủ, Thiên Chúa có toàn quyền kiểm điểm mọi vật từ vô tri vô giác cho đến giống có sự sống như loài người, loài vật hay cây cối. Giống vật nào không vừa ý Ngài, hay đi sai đường hướng Ngài đã chỉ định, thì Ngài sẽ huỷ bỏ đi. Phải tìm đến với Ngài để Ngài chỉ bảo cho biết phải sống như thế nào mới đẹp lòng Ngài. Ngài ở gần chúng ta chứ không xa xôi gì, Ngài ở sát cạnh chúng ta, luôn hiện diện bên chúng ta. Tiên sinh Chư Cát Võ Hầu viết:

Thiên tính tuyệt vô âm,
Thương thương hà xứ tầm,
Phi cao diệc phi viễn,
Đó chi tại nhân tâm.

Thiên Chúa vô hình vô tượng,
Ngự trời xanh mà chẳng thể tìm ra.
Tuy cao mà vẫn không xa,
Tìm Ngài không gặp đó là tại tâm.

Chúa đã trồng chúng ta là cây vả trong lòng Giáo hội, Ngài luôn săn sóc cây vả này, Ngài mong cho nó sinh hoa kết quả. Vì vậy, sám hối là một việc khẩn trương, chúng ta phải làm ngay, không được chần chừ hay chậm trễ. Chúng ta đừng bao giờ có ý nghĩ “đâm lao theo lao”, lỡ yếu đuối sa ngã phạm tội rồi, cho lỡ luôn, cứ kéo lê cuộc sống lầm lỡ đó. Hoặc chúng ta lại ru ngủ mình bằng ý tưởng “Đời còn dài, lo gì, đến lúc già, ăn năn đền tội còn kịp chán. Tên ăn trộm kia còn kịp ăn năn, huống chi là mình” !!!

Nhưng cuộc đời chúng ta kéo dài được bao nhiêu? Người ta thường nói: “Sinh hữu hạn, tử bất kỳ”, chết bất cứ lúc nào, ai biết được. Cái chết luôn gần kề, phải chuẩn bị cho kịp. Thiết tưởng dụ ngôn cây vả không sinh trái trong bài Tin mừng là một lời cảnh cáo cho tất cả Kitô hữu ngày nay. Thiên Chúa đang chờ đợi thêm một thời gian nữa, trước khi ra tay trừng phạt chúng ta. Ngài chờ đợi chúng ta sinh hoa trái yêu thương, nhưng cho đến nay, phải nói rằng người Kitô hữu chúng ta đã sống với nhau thiếu tình thương một cách trầm trọng. Chúng ta không ý thức được tình trạng nguy hiểm đang chờ chúng ta: “Cái rìu đã đặt sát gốc cây, bất cứ cây nào không sinh quả đều bị chặt đi và quăng vào lửa” (Mt 3,10; Lc 3,9).

Truyện: Cơ may cuối cùng

Sau khi đánh tan một cuộc nổi loạn, nhà vua bắt những kẻ phản loạn về. Ông ra lệnh thắp lên một cây nến, rồi nói với họ: “Ai chịu đầu hàng và thề trung thành với ta thì sẽ được tha, bằng không sẽ bị giết. Các ngươi hãy suy nghĩ. Khi cây nến tắt thì cuộc hành quyết sẽ bắt đầu”.

Thiên Chúa cũng đối xử với tội nhân như vậy. Ngài cho họ một thời gian gia hạn. Tuy nhiên có một khác biệt quan trọng: không ai biết cây nến của đời mình còn dài hay ngắn (Gm Arthur Tonne).

Nếu có người đặt câu hỏi: Hiện nay trong Giáo hội còn nhiều người tội lỗi mà Chúa không diệt hết đi? Để giải đáp thắc mắc này, chúng ta cần nhớ đến lời người làm vườn thưa với ông chủ: “Thưa ông, xin để thêm một năm nữa, nếu nó không sinh trái, chúng ta sẽ chặt đi”. Vẫn biết trong Giáo hội có nhiều người tội lỗi, nhưng Chúa nhân lành vô cùng còn đợi chờ và hy vọng, họ sẽ ăn năn hối cải như người coi vườn cố để cây nọ cây kia một thời gian nữa với hy vọng nó sẽ sinh trái để bỏ công vun trồng.

Đối với người thực tình sám hối thì không có gì là quá muộn. Chúa sẽ tạo điều kiện cho họ. Một cây vả sau 3 năm mà không sinh trái, thì hầu như chẳng bao giờ sinh trái nữa. Nhưng cây vả này được ban cho một cơ may nữa. Thiên Chúa bao giờ cũng ban cho người ta hết những cơ may này đến cơ may khác. Phêrô, Marcô, Phaolô hoan hỉ làm chứng về điều đó. Thiên Chúa vô cùng nhân từ với kẻ sa ngã trỗi dậy. Thiên Chúa chỉ cần con người có thiện chí muốn hối cải tùy theo sức của mình, còn bao nhiêu chúng ta hãy trao trọn cho Chúa để Ngài cải hoá và hoàn thiện con người chúng ta để cho con người chúng ta sẽ trở nên có giá trị gấp trăm ngàn lần.

Để kết thúc, tôi xin mượn lời và câu chuyện cha Mark Link để diễn tả tư tưởng ấy trong những dòng sau đây: Có một bài thơ nói về một chiếc vĩ cầm cũ kỹ. Giống như chúng ta, nó cũng có một cơ may thứ hai. Hơn nữa, nó còn là hình ảnh câu chuyện của bạn, của tôi và của tình yêu Chúa dành cho chúng ta nữa. Hy vọng bài thơ ấy sẽ tác động đến tâm hồn các bạn và sẽ thôi thúc các bạn tham dự thánh lễ hôm nay với niềm tri ân và lòng yêu mến nhiều hơn thường lệ.

Truyện: Cây vĩ cầm đáng giá

Cây vĩ cầm bị nứt bể rồi lại được dán lại. Người bán đấu giá nghĩ rằng chẳng nên phí thời giờ chăm chút cho nó làm gì. Nhưng ông ta vẫn tươi cười cầm nó lên và rao bán:

- Nào, thưa quý vị, ai sẽ bắt đầu trả giá đầu tiên đây? Một đồng, một đồng, rồi tới hai đồng, chỉ có hai đồng thôi sao? Ai sẽ trả nó ba đồng đây? À, một người trả ba đồng, rồi hai người trả ba đồng, không còn ai nữa sao?

Bỗng nhiên từ cuối phòng, một người đàn ông tóc hoa râm bước lên cầm lấy cây đàn, ông lau bụi chiếc đàn cũ kỹ rồi siết lại những sợi dây lỏng. Sau đó ông tấu lên một bản nhạc êm dịu, ngọt ngào, y như những bài ca của các thiên thần. Tiếng nhạc dừng lại, người bán đấu giá chậm rãi nói:

- Tôi sẽ ra giá bao nhiêu cho chiếc vĩ cầm cũ kỹ này đây?

Đoạn ông vừa cầm cây đàn lên vừa nói:

- Một ngàn đồng, và ai sẽ tăng lên 2000? Hai ngàn rồi! Có ai chịu tăng lên ba ngàn không? Một người chịu giá 3000, hai người chịu giá 3000, và còn nữa !!!

Đám đông hồ hởi reo vui nhưng có vài người trong họ la lên:

- Chúng tôi hoàn toàn chẳng hiểu cái gì đã làm thay đổi giá trị cây vĩ cầm ấy!

Lập tức có tiếng đáp lại:

- Chính nhờ đôi tay ông nhạc sĩ chạm vào đấy.

Quả thế nhiều người trong chúng ta đừng đi sai đường lạc lối, bị bầm dập vì tội lỗi và bị đám đông vô tâm rẻ rúng, khác nào cây vĩ cầm cũ mèm kia. Chỉ một tô cháo, một ly rượu, một cuộc chơi là đã đưa chúng ta sa chân hết lần này đến lần khác, và cuối cùng chúng ta hầu như bị hư hoại luôn. Nhưng vị Minh Sư đã đến, và lũ dân chúng khờ khạo hoàn toàn không thể hiểu nổi giá trị của linh hồn và sự đổi thay của nó, sau khi linh hồn đã được đôi tay của vị Minh Sư chạm đến (Tác giả vô danh) (Mark Link, Giảng lễ Chúa nhật, năm C, tr 75-76).

 

4. Suy niệm (Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.)

TÔI SẼ VUN XỚI

Giáo Hội cho đọc Bài Tin Mừng này trong Mùa Chay

vì qua bài đọc này, Đức Giêsu khẩn thiết mời ta hối cải.

Ai cũng biết hối cải, hoán cải hay sám hối là quan trọng.

Nhưng chúng ta vẫn thường nghĩ

hối cải không phải là chuyện của mình

nhưng là chuyện của người khác, của những kẻ tội lỗi.

Khi Đức Giêsu đang giảng về hoán cải (Lc 12,57-59),

có mấy người đến kể cho Ngài nghe một chuyện kinh khủng.

Đó là chuyện quan Philatô giết một số người vùng Galilê,

lấy máu của họ hòa với máu của các con vật họ đang dâng.

Mà chuyện ấy lại xảy ra ngay trong khuôn viên Đền thờ.

Không rõ mấy người kể chuyện có mục đích gì.

Họ có muốn Đức Giêsu lên tiếng chống lại Philatô không?

Họ có coi những ai bị giết là tội nhân, bị Chúa phạt không?

Đức Giêsu không muốn giải thích tại sao có tai họa đó.

Ngài chỉ mạnh mẽ loại bỏ lối suy nghĩ cho rằng

những người Galilê đã chết bi thảm là những kẻ có tội

nặng hơn những người Galilê còn đang sống (Lc 13,2).

Hơn nữa, Ngài muốn qua biến cố đau thương này

đưa người ta ra khỏi sự tự mãn và bình an giả tạo,

để thay vì quay ra các nạn nhân, thì quay vào lòng mình.

Mọi thảm kịch xảy ra đều là lời mời gọi để tôi hoán cải.

Đức Giê su còn kể thêm chuyện một tai nạn lao động.

Tháp Si-lô-ác đè chết mười tám người ở Giêrusalem.

Những tai nạn chết chóc vẫn cứ xảy ra hàng ngày quanh ta.

Nếu ta còn được an toàn, thì không phải vì ta thánh hơn,

nhưng vì Chúa còn cho ta thời giờ để hối cải.

Dụ ngôn cây vả sau đây minh họa cho ta thấy điều đó.

Ông chủ đã trồng một cây vả trong vườn nho của mình.

Ông biết rõ chỗ đứng của cây vả trong vườn.

Nó cũng có chỗ đứng trong lòng của ông.

Ông phải chờ nhiều năm mới được phép ăn trái của nó:

chờ ba năm sau khi nó bói những trái đầu tiên,

chờ thêm một năm để dành trái dâng cho Chúa (Lv 19,23-25).

Tiếc thay, khi ông được phép ăn trái thì lại không có.

Năm nào, vào mùa vả, ông cũng đến, tìm trái mà không thấy.

Ông tiếp tục chờ, kiên nhẫn chờ đủ ba năm.

Chẳng ai dám bảo là ông nóng nảy hay độc ác

khi ông nói với người làm vườn: “Anh chặt nó đi!”

Chặt đi cây vả mà ông quan tâm và yêu mến

là một quyết định khó khăn, nhưng hợp lý.

Ông đã hy vọng, đã chờ và đã thất vọng nhiều lần.

Ông đành phải ra lệnh chặt đi khi thất vọng thành tuyệt vọng.

Chặt đi để dành đất màu cho các cây khác, vậy thôi.

Không ai có thể ngờ được một mệnh lệnh như thế

lại có thể bị can ngăn bởi sự can thiệp của người làm vườn.

Anh này lịch sự xin ông chủ đừng chặt ngay.

Anh xin cho cây vả được sống thêm một năm nữa.

Chẳng những thế anh còn hứa sẽ chăm chút cho cây.

“Tôi sẽ vun xới chung quanh và bón phân cho nó.”

Anh còn niềm hy vọng tuy nhỏ nhoi, nhưng chưa bao giờ tắt.

Anh hy vọng sang năm nó sẽ có trái.

Nếu không, chặt đi cũng chẳng muộn (Lc 13,8-9).

Dụ ngôn cây vả không ra trái đã kết thúc ở đó.

Không thấy ông chủ nói gì, chắc ông đồng ý với anh.

Cũng không rõ cây vả năm sau có ra trái không.

Có thể coi ông chủ của cây vả là hình ảnh của Thiên Chúa.

Một Thiên Chúa sáng tạo, quan tâm và hy vọng nơi con người.

Một Thiên Chúa chờ đợi và thất vọng vì con người.

Một Thiên Chúa có tình yêu bị từ chối, nên đành đoạn tuyệt.

Tuy nhiên, đây cũng là một Thiên Chúa mềm mại,

có thể đổi ý, chứ không máy móc.

Có thể coi người làm vườn là hình ảnh của Đức Giêsu.

Một Đấng xin Cha trì hoãn để cây vả được sống thêm.

Một Đấng tận tâm tạo điều kiện tốt để cây vả sinh trái.

Cuối cùng chỉ còn chuyện của cây vả, của chúng ta.

Chúng ta là cây vả có trách nhiệm sinh trái nhiều và ngon.

Cả ông chủ và người làm vườn đều đang chờ, một năm nữa…

LỜI NGUYỆN

Lạy Chúa, con cám ơn Chúa

về tất cả những điều Chúa đòi hỏi nơi con trong suốt cuộc đời.

Chúc tụng Chúa về thời đại con đang sống.

Chúc tụng Chúa về những giờ phút sướng vui

và những ngày tủi thân buồn bã.

Chúc tụng Chúa về cả những gì

Chúa đã không cho con được hưởng.

Lạy Chúa, xin đừng sa thải

người tôi tớ bất xứng và lười biếng của Chúa đây.

Ôi lạy Chúa khôn ngoan, nhân hậu và yêu thương,

xin đừng đuổi con xa Chúa.

Xin giữ con để con luôn phụng sự Chúa trong suốt đời con.

Xin giữ con để con phục vụ bất cứ điều gì Chúa muốn.

Dù khi mỏi mệt, dù khi chán chường,

con xin Chúa vẫn luôn kiên nhẫn,

để không bao giờ mỏi mệt về con,

và giữ con luôn luôn phụng sự Chúa.

Xin Chúa đến giúp con,

ban cho con ơn bắt đầu và lại bắt đầu,

cho con biết cậy trông

cả những khi cùng đường tuyệt vọng,

cho con tin chắc rằng Chúa sẽ thắng,

một chiến thắng huy hoàng nơi con.

Karl Rahner

Tag:

2022-03-20