Chúa nhật 3 Phục sinh năm C (Ga 21,1-14) - Chính Chúa đó

Đức GiêSu Đã, Đang Và Mãi Mãi Yêu Chúng Ta Cho Đến Cùng

"Tình yêu Đức Kitô thúc bách chúng ta"

Chúa nhật 3 Phục sinh năm C (Ga 21,1-14) - Chính Chúa đó

Chúa nhật 3 Phục sinh năm C (Ga 21,1-14) - Chính Chúa đó

Đức Giê-su đến, cầm lấy bánh trao cho môn đệ;
rồi cá, Người cũng làm như vậy.

Bài đọc 1: Cv 5,27b-32.40b-41

Về những sự kiện đó, chúng tôi xin làm chứng, cùng với Thánh Thần.

Bài trích sách Công vụ Tông Đồ.

27b Bấy giờ, vị thượng tế hỏi các Tông Đồ rằng: 28 “Chúng tôi đã nghiêm cấm các ông không được giảng dạy về danh ấy nữa, thế mà các ông đã làm cho Giê-ru-sa-lem ngập đầy giáo lý của các ông, lại còn muốn cho máu người ấy đổ trên đầu chúng tôi!” 29 Bấy giờ ông Phê-rô và các Tông Đồ khác đáp lại rằng: “Phải vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người phàm. 30 Đức Giê-su đã bị các ông treo lên cây gỗ mà giết đi; nhưng Thiên Chúa của cha ông chúng ta đã làm cho Người trỗi dậy, 31 và Thiên Chúa đã ra tay uy quyền nâng Người lên, đặt làm thủ lãnh và Đấng Cứu Độ, hầu đem lại cho Ít-ra-en ơn sám hối và ơn tha tội. 32 Về những sự kiện đó, chúng tôi xin làm chứng, cùng với Thánh Thần, Đấng mà Thiên Chúa đã ban cho những ai vâng lời Người.”

40b Bấy giờ, họ cho gọi các Tông Đồ lại và cấm các ông không được nói đến danh Đức Giê-su, rồi thả các ông ra. 41 Các Tông Đồ ra khỏi Thượng Hội Đồng, lòng hân hoan bởi được coi là xứng đáng chịu khổ nhục vì danh Đức Giê-su.

 

Đáp ca: Tv 29,2 và 4.5-6.11-12a và 13b (Đ. c.2a)

Đ.Lạy Chúa, con xin tán dương Ngài,
vì đã thương cứu vớt.

2Lạy Chúa, con xin tán dương Ngài,
vì đã thương cứu vớt,
không để quân thù đắc chí nhạo cười con.
4Lạy Chúa, từ âm phủ Ngài đã kéo con lên,
tưởng đã xuống mồ mà Ngài thương cứu sống.

Đ.Lạy Chúa, con xin tán dương Ngài,
vì đã thương cứu vớt.

5Hỡi những kẻ tín trung, hãy đàn ca mừng Chúa,
cảm tạ thánh danh Người.
6Người nổi giận, giận trong giây lát,
nhưng yêu thương, thương suốt cả đời.
Lệ có rơi khi màn đêm buông xuống,
hừng đông về đã vọng tiếng hò reo.

Đ.Lạy Chúa, con xin tán dương Ngài,
vì đã thương cứu vớt.

11Lạy Chúa, xin lắng nghe và xót thương con,
lạy Chúa, xin phù trì nâng đỡ.
12aKhúc ai ca, Chúa đổi thành vũ điệu.13bLạy Chúa là Thiên Chúa con thờ,
xin tạ ơn Ngài mãi mãi ngàn thu.

Đ.Lạy Chúa, con xin tán dương Ngài,
vì đã thương cứu vớt.

 

Bài đọc 2: Kh 5,11-14

Con Chiên đã bị giết nay xứng đáng lãnh nhận phú quý và uy quyền.

Bài trích sách Khải huyền của thánh Gio-an tông đồ.

11 Tôi là Gio-an, tôi thấy, và tôi nghe tiếng muôn vàn thiên thần ở chung quanh ngai, các Con Vật và các Kỳ Mục. Số các thiên thần có tới ức ức triệu triệu. 12 Các vị lớn tiếng hô:

“Con Chiên đã bị giết nay xứng đáng lãnh nhận

phú quý và uy quyền, khôn ngoan cùng sức mạnh,

danh dự với vinh quang, và muôn lời cung chúc.”

13 Tôi lại nghe mọi loài thụ tạo trên trời, dưới đất, trong lòng đất, ngoài biển khơi và vạn vật ở các nơi đó, tất cả đều tung hô:

“Xin kính dâng Đấng ngự trên ngai và Con Chiên

lời chúc tụng cùng danh dự, vinh quang và quyền năng

đến muôn thuở muôn đời!”

14 Bốn Con Vật thưa: “A-men.” Và các Kỳ Mục phủ phục xuống thờ lạy.

 

Tin mừng: Ga 21,1-19

1 Khi ấy, Đức Giê-su lại tỏ mình ra cho các môn đệ ở Biển Hồ Ti-bê-ri-a. Người tỏ mình ra như thế này.

2 Ông Si-môn Phê-rô, ông Tô-ma gọi là Đi-đy-mô, ông Na-tha-na-en người Ca-na miền Ga-li-lê, các người con ông Dê-bê-đê và hai môn đệ khác nữa, tất cả đang ở với nhau.

3 Ông Si-môn Phê-rô nói với các ông: “Tôi đi đánh cá đây.” Các ông đáp: “Chúng tôi cùng đi với anh.” Rồi mọi người ra đi, lên thuyền, nhưng đêm ấy họ không bắt được gì cả.

4 Khi trời đã sáng, Đức Giê-su đứng trên bãi biển, nhưng các môn đệ không nhận ra đó chính là Đức Giê-su.

5 Người nói với các ông: “Này các chú, không có gì ăn ư ?” Các ông trả lời: “Thưa không.”

6 Người bảo các ông: “Cứ thả lưới xuống bên phải mạn thuyền đi, thì sẽ bắt được cá.” Các ông thả lưới xuống, nhưng không sao kéo lên nổi, vì lưới đầy những cá.

7 Người môn đệ được Đức Giê-su thương mến nói với ông Phê-rô: “Chúa đó!” Vừa nghe nói “Chúa đó!”, ông Si-môn Phê-rô vội khoác áo vào vì đang ở trần, rồi nhảy xuống biển.

8 Các môn đệ khác chèo thuyền vào bờ kéo theo lưới đầy cá, vì các ông không xa bờ lắm, chỉ cách vào khoảng gần một trăm thước.

9 Bước lên bờ, các ông nhìn thấy có sẵn than hồng với cá đặt ở trên, và có cả bánh nữa.

10 Đức Giê-su bảo các ông: “Đem ít cá mới bắt được tới đây!”

11 Ông Si-môn Phê-rô lên thuyền, rồi kéo lưới vào bờ. Lưới đầy những cá lớn, đếm được một trăm năm mươi ba con. Cá nhiều như vậy mà lưới không bị rách.

12 Đức Giê-su nói: “Anh em đến mà ăn!” Không ai trong các môn đệ dám hỏi “Ông là ai ?”, vì các ông biết rằng đó là Chúa.

13 Đức Giê-su đến, cầm lấy bánh trao cho các ông; rồi cá, Người cũng làm như vậy.

14 Đó là lần thứ ba Đức Giê-su tỏ mình ra cho các môn đệ, sau khi trỗi dậy từ cõi chết.

15 Khi các môn đệ ăn xong, Đức Giê-su hỏi ông Si-môn Phê-rô: “Này anh Si-môn, con ông Gio-an, anh có yêu mến Thầy hơn các anh em này không ?” Ông đáp: “Thưa Thầy có, Thầy biết con thương mến Thầy.” Đức Giê-su nói với ông: “Hãy chăm sóc chiên con của Thầy.”

16 Người lại hỏi: “Này anh Si-môn, con ông Gio-an, anh có yêu mến Thầy không ?” Ông đáp: “Thưa Thầy có, Thầy biết con thương mến Thầy.” Người nói: “Hãy chăn dắt chiên của Thầy.”

17 Người hỏi lần thứ ba: “Này anh Si-môn, con ông Gio-an, anh có thương mến Thầy không ?” Ông Phê-rô buồn vì Người hỏi tới ba lần: “Anh có thương mến Thầy không ?” Ông đáp: “Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự; Thầy biết con thương mến Thầy.” Đức Giê-su bảo: “Hãy chăm sóc chiên của Thầy.

18 Thật, Thầy bảo thật cho anh biết: lúc còn trẻ, anh tự mình thắt lưng lấy, và đi đâu tuỳ ý. Nhưng khi đã về già, anh sẽ phải dang tay ra cho người khác thắt lưng và dẫn anh đến nơi anh chẳng muốn.”

19 Người nói vậy, có ý ám chỉ ông sẽ phải chết cách nào để tôn vinh Thiên Chúa. Thế rồi, Người bảo ông: “Hãy theo Thầy.”

 

1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)

Suy niệm: Chúa Giêsu Phục Sinh hiện đến và cho các tông đồ kéo được một mẻ lưới đầy cá. Sức sống Chúa Phục Sinh được ban cho các tông đồ để biến đổi các ông từ chỗ làm việc không mấy kết quả đến có kết quả ngoài sức tưởng tượng.

Ngày nay Ðức Giêsu Phục Sinh cũng vẫn đang hiện diện và đồng hành giữa chúng ta. Ngài vẫn tiếp tục can thiệp vào từng công việc, từng cảnh huống trong cuộc đời của chúng ta. Trong niềm tin phó thác hoàn toàn theo sự hướng dẫn của Ngài, cuộc đời chúng ta sẽ được hạnh phúc tràn đầy.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, xin thánh hóa cuộc sống của chúng con. Xin thánh hóa từng công việc của chúng con. Mỗi khi chúng con bắt tay làm việc xin Chúa giúp sức, để từ khởi sự đến khi hoàn thành, chúng con đều cậy nhờ ân sủng của Chúa. Amen.

Ghi nhớ: “Chúa Giêsu lại gần, lấy bánh trao cho các môn đệ”

 

2. Suy niệm (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)

I. DẪN VÀO THÁNH LỄ

Anh chị em thân mến

Bài Tin Mừng hôm nay kể chuyện Chúa Giêsu phục sinh hiện ra với các môn đệ trên Biển Hồ. Chúa chỉ cho các môn đệ bắt được nhiều cá, Chúa còn nướng cá và bánh cho các ông ăn. Khung cảnh thật ấm cúng.

Khung cảnh Thánh lễ cũng ấm cúng như vậy: chúng ta đang ngồi quanh bàn tiệc của Chúa. Chính Chúa dọn tiệc cho chúng ta và đang ở giữa chúng ta.

Xin cho bữa tiệc thánh này giúp chúng ta tin Chúa vững vàng hơn và yêu mến Ngài nồng nàn hơn.

II. GỢI Ý SÁM HỐI

  • Rất nhiều lần chúng ta dự Thánh lễ mà không ý thức sự hiện diện thân mật gần gũi của Chúa.
  • Rất nhiều lần chúng ta rước lễ mà không ý thức mình đang hưởng dùng lương thực do chính Chúa dọn cho chúng ta.
  • Rất nhiều lần chúng ta họp nhau trong Thánh lễ mà không chút tâm tình liên kết với những anh chị em cùng dự tiệc thánh với mình.
  • III. LỜI CHÚA

    1. Bài đọc I (Cv 5, 27b-32.40b-41)

    Trích đoạn này từ sách Công vụ nhấn mạnh đến Danh Chúa Giêsu phục sinh:

  • Vì rao giảng Danh Chúa Giêsu nên các tông đồ bị Thượng Hội Đồng Do Thái bắt.
  • Dù vậy, ngay giữa Thượng Hội Đồng, các ông lại rao giảng Danh Chúa Giêsu.
  • Sau khi được thả ra, các ông sung sướng vì đã có dịp chịu khổ vì Danh Chúa Giêsu, và tiếp tục rao giảng Danh Ngài.
  • 2. Tin Mừng (Ga 21, 1-9)

    Phần cuối của Tin Mừng Gioan (có lẽ không do Gioan viết, mà do các đồ đệ của Gioan), tường thuật cuộc hiện ra cho các tông đồ trên biển hồ Tibêria:

  • Theo gợi ý của Phêrô, người số tông đồ khác trở lại nghề cũ là đi đánh cá.
  • Khi đó xảy ra lại một tình huống giống y lần đầu tiên Phêrô gặp Chúa Giêsu và được Ngài gọi: các ông không đánh được cá, nhưng nhờ Chúa Giêsu nên sau đó đánh được rất nhiều cá (x. Lc 5, 4-11)
  • Các tông đồ nhận ra Chúa Giêsu: đầu tiên là Gioan, kế đến là các ông khác.
  • Bữa ăn thân mật bên bờ hồ sau khi Thầy trò nhận ra nhau.
  • 3. Bài đọc II (Kh 5, 11-14)

    Trong một thị kiến, Thánh Gioan nhìn thấy Chúa Giêsu trong hình dáng của Con Chiên:

  • Con Chiên đã bị giết, nhưng đã sống lại và xứng đáng được hưởng mọi quyền lực và vinh quang.
  • Tất cả các thụ tạo trên trời, dưới đất, trong lòng đất và ngoài biển khơi đều tôn thờ và tung hô Con Chiên.
  • IV. GỢI Ý GIẢNG

    1. Sức khám phá của tình yêu

    Một giọt nước nếu nhìn bằng mắt thường thì cũng chỉ là một giọt nước, nhưng nếu nhìn bằng kính hiển vi thì lại là cả một thế giới sống động. Một cái hồ nếu được nhìn bởi một người nông dân thì cũng chỉ là một cái hồ, nhưng dưới mắt của một nghệ sĩ thì lại là cả một cảnh đẹp thiên nhiên tuyệt vời không thể nào tả xiết.

    Như thế nghĩa là gì? Nghĩa là cùng một sự việc nhưng có thể mang nhiều ý nghĩa khác nhau tùy những cách nhìn khác nhau. Sự việc đã xảy ra trên hồ Tibêria cũng thế: lúc ấy trời còn tờ mờ tối, Chúa Giêsu phục sinh hiện đến với các tông đồ đang lúc các ông thả lưới đánh cá. Các ông tưởng là ma nên run sợ và định chạy trốn. Riêng có Gioan là nhận ngay ra ấy là Thầy. Do đâu mà Gioan đã nhận định sắc sảo được như thế? Thưa vì Gioan là tông đồ yêu mến Chúa nhiều nhất. Chính Tình yêu đã mở mắt cho Gioan và giúp Gioan thấy được cái mà người khác không thấy. Người ta nói rằng Tình yêu là một năng lực diệu kỳ, làm cho người ta mạnh thêm, có thêm nhiều nghị lực để vượt qua những chướng ngại, chịu đựng những hy sinh và cuộc sống thêm lạc quan.

    Điều này thật ra rất bình thường chẳng có gì khó hiểu. Chúng ta thử điểm lại một số kinh nghiệm trong cuộc sống của mình xem. Tại sao khi yêu, người ta thích tặng quà cho nhau? thích chở nhau đi chơi? thích lặn lội mưa nắng đến tìm nhau? Nếu không yêu thì đem số tiền dành dụm để mua một món đồ đưa cho người khác thì quả là dại! Nếu không yêu thì gò lưng đạp xe chở người ta đi chơi thì quả là ngu! Nếu không yêu mà lặn lội mưa nắng đi tìm người ta thì quả là khờ! Phải không? Nhưng khi đã yêu thì tất cả đều đổi khác: Tặng quà là một niềm vui, được chở người ta là một sự sung sướng, lặn lội mưa nắng tìm đến nhau là bằng chứng của cả một tấm lòng thiết tha! Cho nên Thánh Augustinô đã nói rất đúng: “Ubi amatur, non laboratur”: khi đã yêu thì không còn biết cực nhọc.

    Đối với Chúa cũng thế. Nếu ta không yêu mến Chúa hay yêu mến quá ít thì cầu nguyện là việc chán ngán, đến nhà thờ là một gánh nặng, vác thánh giá là một cực hình. Còn nếu ta yêu Chúa nhiều thì đương nhiên ta thích cầu nguyện, thì đương nhiên ta ham đến nhà thờ, đương nhiên ta sẵn sàng vác những thánh giá hy sinh Chúa gởi đến hàng ngày. Cho nên muốn sống đạo tốt thì cần thiết phải có lòng yêu mến chúa. Yêu mến Chúa nhiều thì hăng say sống đạo tích cực, yêu mến Chúa ít thì ít hăng hái tích cực hơn, và nếu không yêu mến Chúa thì đạo trở thành gánh nặng, làm những bổn phận trong đạo không khác nào con trâu kéo cày.

    2. Thủ lãnh giáo hội

    Câu chuyện truyền kỳ về những ngày sau cùng của một con người đã hết lòng yêu mến Chúa, và đã cảm nghiệm sâu xa ơn thứ tha của Người, được kể lại như sau:

    Ông đến Rôma giữa lúc Nêrông đang bắt bớ đạo thánh. Một số người đã chịu tử đạo. Tình thế nguy kịch, nên các tín hữu khuyên ông hãy chạy trốn ra khỏi thành, để còn người duy trì và giữ vững đạo thánh.

    Khi ra khỏi cổng, ông gặp một người đang vác thập giá đi vào thành Rôma. Ông lên tiếng hỏi: “Quo vadis?” nghĩa là “Người đi đâu đó?” Người ấy trả lời: “Thầy đi vào Rôma để cho người ta đóng đinh một lần nữa”. Ông chợt hiểu, vội vàng quay lại Rôma. Ông nhập vào hàng ngũ các tín hữu sắp chịu cực hình để an ủi họ và giúp họ giữ vững niềm tin. Sau khi chứng kiến các tín hữu bị làm mồi cho thú dữ ăn thịt, bị hoả thiêu trên một rừng thập giá, thì chính ông cũng bị đóng đinh ngược, đầu quay xuống đất, theo lời ông xin, vì nghĩ mình không xứng đáng được đóng đinh như Thầy.

    Con người ấy chính là Phêrô, và cái chết ấy đã được Chúa Giêsu tiên báo trong bài Tin Mừng hôm nay: “Thầy bảo thật cho anh biết: lúc còn trẻ, anh tự mình thắt lưng lấy, và đi đâu tuỳ ý. Nhưng khi đã về già, anh sẽ phải giương tay ra cho người khác thắt lưng và dẫn anh đến nơi anh chẳng muốn. Người nói vậy, có ý ám chỉ ông sẽ phải chết cách nào để tôn vinh Thiên Chúa” (Ga 21, 18-19).

    Vâng, Phêrô một con người rất bộc trực, nóng nảy, hay sa ngã và sa ngã thậm tệ. Có lần Chúa đã gọi ông là Satan, và mới đây nhất, ông đã chối Chúa tới ba lần. Nhưng con người đầy khuyết điểm ấy Chúa đã chọn làm “Đá tảng”, thủ lãnh của Giáo Hội. Vai trò lãnh đạo của Phêrô được tỏ rõ trong bài Tin Mừng hôm nay:

    Sau biến cố Phục Sinh, các tông đồ trở về đời sống thuyền chài. Phêrô vẫn là người quyết định: “Tôi đi đánh cá đây”. Các môn đệ khác cũng đồng tình: “Chúng tôi cùng đi với anh”. Đêm ấy, không bắt được con cá nào. Trời sáng, theo lời người khách lạ, thả lưới bên phải mạn thuyền, một mẻ cá bất ngờ. Khi vừa nghe Gioan nói: “Chúa đó!” Phêrô liền nhảy xuống biển, đến với Người. Ông rất nồng nhiệt, năng nổ, hăng hái.

    Sau khi Thầy trò đã ăn điểm tâm xong, Người bắt đầu phỏng vấn thủ lãnh Phêrô để trao cho ông sứ vụ mới: “Này anh Simon, con ông Giona, anh có mến Thầy hơn các anh em nầy không?”. Thật tình, ông rất ngượng ngùng vì ông mới chối Thầy tới ba lần, mà giờ đây Người lại hỏi ông có yêu mến Thầy không? Mới phản bội mà giờ lại nói yêu thương, quả là rất khó khăn; hơn nữa, Người lại hỏi tới ba lần! Có lẽ Phêrô đang nhớ lại lời Chúa nói trước đây: “Kẻ nào được tha nhiều thì sẽ yêu nhiều hơn” (x. Lc 7, 47). Vâng, Chúa đã tha thứ cho Phêrô ngay lúc Người quay xuống nhìn Ông từ trên dinh thượng tế, khiến nước mắt ông tuôn trào.

    Ba lần chối Chúa thì ba lần Người cho ông cơ hội để nói lời yêu thương, để tuyên xưng lại niềm tin. Ông đã không bỏ lỡ cơ hội: “Thưa Thầy có, Thầy biết rõ mọi sự, Thầy biết con yêu mến Thầy”. Và cũng ba lần, Người trao cho ông sứ mạng cai quản Hội thánh của Người: “Hãy chăn dắt chiên của Thầy” (Ga 21, 17).

    Từ đấy, Phêrô đích thực trở nên thủ lãnh của Giáo hội, chăm sóc đoàn chiên của Thầy, và cuối cùng đã hiến mạng sống vì đoàn chiên. Phêrô đã chịu đóng đinh trên thập giá, để giữ vững niềm tin cho đoàn chiên, và để yêu thương đoàn chiên cho đến cùng, yêu “Như Thầy Đã Yêu”.

    *

    Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã tha thứ cho thánh Phêrô thật nhiều, và thánh nhân cũng đã yêu mến Người thiết tha.

    Xin cho chúng con luôn cảm nghiệm được ơn tha thứ của Chúa, cảm nghiệm được tình Chúa yêu thương, để như thánh Phêrô, chúng con sẽ đi bất cứ nơi nào Chúa muốn đưa chúng con đi, cho dù nơi đó là thập giá, là cái chết thương đau.

    Như thánh Phêrô, xin cho chúng con xác tín rằng: Hiến thân vì Chúa là lãnh nhận, nô lệ cho Chúa là tự do, và chết với Chúa là sống mãi muôn đời Amen. (TP)

    3. Tình yêu và lý luận

    Bài Tin Mừng tuần trước thuật lại cách mà Tôma đã nhận ra Chúa Giêsu phục sinh: Tôma đã tuyên bố “nếu tôi không nhìn thấy vết đinh ở bàn tay Người, nếu tôi không thọc ngón tay vào lỗ đinh, nếu tôi không thọc bàn tay vào cạnh sườn Người, thì tôi không tin”. Đây là kiểu tin bằng lý luận, nghĩa là chỉ tin khi nào đã có đủ bằng cứng rõ ràng hiển nhiên. Còn bài Tin Mừng tuần này thuật lại cách mà Gioan đã nhận ra Chúa: một bóng người mờ mờ đi trên mặt biển, mọi người khác đều tưởng là ma, chỉ có Gioan là tức khắc nhận ra đó là Thầy mình. và Tin Mừng ghi chú “Gioan là người môn đệ Chúa yêu”. Chính Tình Yêu đã mở mắt cho Gioan nhận ra điều mà mọi người khác không nhận ra.

    Như thế có hai con đường dẫn tới đức tin: Con đường thứ nhất là bằng lý luận để chỉ tin sau khi có đủ bằng chứng rõ ràng hiển nhiên; và con đường thứ hai là bằng tình yêu, nghĩa là vì yêu thương nên tin ngay không cần thắc mắc lý luận.

    Trong vở tuồng “Tiếng hò Sông Hậu” có hai anh em sinh đôi tên Chơn và Chất, giống hệt nhau từ nét mặt, tướng đi đến giọng nói. Trong một cuộc tranh đấu với địa chủ, Chơn bị bắt đày đi Côn Đảo. Nhưng một thời gian sau anh vượt ngục trở về thăm mẹ già khi ấy đã mù lòa cả hai mắt. Trong lúc Chơn đang ở nhà thì tên Hương Quản đến, Chơn nhanh trí giả làm Chất nên không bị lộ, nhưng ngay sau khi tên Hương Quản đi thì bà mẹ mù lòa ấy nói ngay: “Phải mày là thằng Chơn đó không?” Chơn chưa muốn cho mẹ biết nên trả lời “Không, con là thằng Chất đây mà, anh Chơn con còn đang ngồi tù mà”. Nhưng bà mẹ nói “thôi mà, con gạt ai được chứ gạt mẹ làm sao được, con chính là thằng Chơn của mẹ mà”. Chính tình yêu đã giúp cho người mẹ mù lòa ấy nhận ra con mình trong khi mọi người đều không nhận ra. Trường hợp của Thánh Gioan cũng vậy: trong khi mọi người đều không nhận ra Chúa Giê-su thì chỉ mình Gioan đã nhận ra, vì Gioan yêu thương Chúa nhiều.

    Có lẽ vì thường nghe những luận điệu bôi bác niềm tin tôn giáo cho nên chúng ta bị ảnh hưởng và cũng nghĩ rằng chỉ có con đường nhận thức bằng lý luận, với những bằng chứng rõ ràng hiển nhiên là con đường độc nhất đúng. Nhưng chúng ta hãy bình tĩnh suy nghĩ lại xem, trong cuộc sống có bao nhiêu điều chúng ta tin tưởng mà đủ bằng chứng rõ ràng hiển nhiên đâu? Rất ít, hầu hết những điều ta tin tưởng là do người khác dạy lại, nói lại cho ta biết, và vì yêu thương những người đó mà ta tin. Chẳng hạn những gì cha mẹ dạy ta khi ta còn nhỏ, những gì thầy cô dạy ta khi ta còn học ở trường. Vốn liếng kiến thức của chúng ta hầu hết là từ hai nguồn đó. Nhưng xét xem những điều ấy ta có được thấy tận mắt, sờ tận tay hay không, hay là khi được dạy thì ta tin ngay, vì ta yêu thương cha mẹ, yêu thương thầy cô mà tin vào lời nói của các đấng ấy. Cho nên xét cho cùng, chỉ trích những người có đạo đã tin không có đủ bằng chứng mà chỉ vì yêu thương mà tin thì là lời chỉ trích không đứng vững. Tác giả vở tuồng “Tiếng hò Sông Hậu” nói trên cũng đâu phải là người có đạo, thế mà tác giả đã đề cao cách nhận thức rất cảm động của một người mẹ nhận ngay ra con mình nhờ vào tình mẫu tử thiêng liêng. Nghĩa là: ai cũng vậy, dù có đạo hay không có đạo, ai cũng có những nhận thức, những niềm tin không hẳn dựa vào những lý luận hiển nhiên mà chỉ dựa vào tình yêu.

    Mà xem ra con đường tình yêu lại nhanh chóng hơn, nhẹ nhàng hơn, thoải mái hơn. Khi các Tông đồ nói cho Tôma hay là Chúa Giê-su đã sống lại, Tôma đã không tin ngay, ông đòi phải thấy tận mắt, sờ tận tay, thậm chí còn đòi thọc cả bàn tay vào vết thương cạnh sườn Chúa. và rồi đang khi các Tông đồ kia vui mừng vì Thầy đã sống lại thì Tôma vẫn còn hoài nghi, ray rứt. Đến 8 ngày sau khi Chúa Giê-su hiện đến một lần nữa thì Tôma mới tin và mới được vui mừng như các ông kia. Còn đối với Gioan, vì yêu Chúa nhiều, nên chỉ vừa thấy bóng dáng lờ mờ của Chúa là Gioan đã nhận ra ngay và đã tin, một niềm tin rất nhanh chóng, rất nhẹ nhàng mà cũng không kém phần vững chắc.

    Các bạn trẻ còn ở lứa tuổi hay thắc mắc về đức tin và cũng dễ bị lung lạc bởi những luận điệu bài bác đức tin. Hôm nay, chúng ta đã thấy có hai con đường dẫn tới đức tin, một con đường bằng lý luận với những bằng chứng rõ ràng, và con đường thứ hai là dựa vào tình yêu thoạt xem có vẻ tầm thường nhưng thực ra lại nhanh chóng, nhẹ nhàng và cũng không kém phần vững chắc. Chúng ta hãy cũng cố đức tin của mình bằng cả hai con đường đó. Nghĩa là một mặt chúng ta phải có những suy nghĩ lý luận thật vững chắc về Chúa, mặt khác chúng ta cũng hãy cố gắng yêu mến Chúa ngày càng nhiều hơn, bởi vì nếu có thêm sức mạnh của tình yêu, chúng ta sẽ được mở mắt rộng thêm để nhận biết thêm được những gì mà người không yêu Chúa không nhận biết được, như thánh Gioan trong bài Tin Mừng hôm nay vậy!

    4. Sự hiện diện của Đấng phục sinh

    Các bài tường thuật về việc Chúa Giêsu phục sinh hiện ra muốn giúp cho chúng ta hiểu biết về cách thức hiện diện của Ngài:

  • Chúa đã hiện ra lúc các môn đệ đang làm công việc thường ngày là chài lưới à Người không ở đâu xa nhưng vẫn hiện diện bên cạnh chúng ta và trong những công việc bình thường của chúng ta.
  • Người đầu tiên nhận ra Chúa Giêsu là Gioan, vị tông đồ yêu mến Chúa đặc biệt à Tuy Chúa Giêsu luôn hiện diện bên cạnh chúng ta, nhưng thường thì chúng ta không nhận ra Ngài. Muốn nhận ra Ngài thì cần có lòng yêu mến, như Thánh Gioan tông đồ.
  • Chúa Giêsu đã nướng cá và bánh cho các môn đệ và sau đó cùng ngồi với họ quanh bếp lửa hồng để ăn bánh và cá nướng à Chúa Giêsu phục sinh không chỉ hiện diện bên cạnh chúng ta, mà còn chăm sóc chúng ta.
  • Mặc dù Thánh Phêrô đã 3 lần chối Chúa, nhưng Chúa tha thứ cho ông và vẫn trao cho ông nhiệm vụ chăm sóc đàn chiên của Ngài à Chúa hiện diện bên cạnh chúng ta không phải để bắt lỗi chúng ta, mà để trao cho chúng ta sứ mạng làm chứng về Ngài.
  • 5. Đừng xóa sổ người ta

    Một nhà độc tài kia không chấp nhận thuộc cấp của mình phạm sai lầm. Hễ lỡ phạm sai lầm, dù chỉ một lần, thì lập tức bị “xóa sổ”. Đôi khi chúng ta cũng cư xử như thế, nghĩa là xoá sổ người khác. Thế nhưng ai trong chúng ta lại muốn bị phán xét chỉ vì một lần lầm lỡ trong đời?

    Sau khi Phêrô chối Thầy, lẽ ra Chúa Giêsu có thể xóa sổ ông vì tội yếu đuối, hèn nhát. Nhưng Ngài đã không làm như vậy. Ngài không giáng cấp ông. Thậm chí Ngài còn không nhắc lại lỗi lầm của ông. Việc Giuđa phản Thầy là một việc có dự mưu và được thi hành một cách lạnh lùng theo đúng tính toán. Còn việc Phêrô chối Thầy không phải là có dự mưu. Nó là hậu quả của tính yếu đuối chứ không phải do tính xấu. Chúa Giêsu hiểu điều đó, bởi Ngài là kẻ thấu suốt lòng mọi người.

    Sau bữa ăn sáng, Chúa Giêsu quay nhìn Phêrô và hỏi: “Phêrô, con có mến Thầy hơn những người khác không?” Một câu hỏi lạ. Phải chăng Ngài còn chưa biết rằng ông rất yêu mến Ngài? Dù vậy Chúa Giêsu vẫn hỏi. Và Phêrô thưa: “Thưa Thầy, Thầy biết con yêu mến Thầy”. Phêrô đã nói thật, vì thực sự ông rất yêu mến Chúa Giêsu.

    Mặc dù Phêrô có lỗi, nhưng Chúa Giêsu biết nơi ông cũng còn một phương diện khác, tốt hơn. Mạnh mẽ và yếu đuối cùng tồn tại trong cùng một con người. Chúa Giêsu khuyến khích Phêrô tiến lên. Ngài muốn ông bày tỏ công khai lòng yêu mến của ông đối với Ngài, bởi vì trước đó ông đã công khai chối Ngài.

    Chúa Giêsu không ghi sổ tội của Phêrô, nhưng Ngài muốn ông làm một cái gì đó vì Ngài: chăm sóc đàn chiên của Ngài, nghĩa là yêu thương và phục vụ anh chị em trong cộng đoàn. Có thể coi đây là việc đền tội cũng được, vì đây là cách đền tội tốt nhất, như sau này Phêrô viết: “Tình yêu che phủ muôn vàn tội lỗi” (1 Pr 4, 8).

    Tôi dám chắc rằng Phêrô không bao giờ quên tội ông đã chối Thầy. Nhưng tôi không chắc rằng tội đó ám ảnh ông như cách nhiều người khác bị tội lỗi họ ám ảnh. Từ lần sa ngã ấy Phêrô đã học được một bài học lớn. Ông đã biết rằng ông không mạnh mẽ như ông nghĩ. Học được một điều gì từ kinh nghiệm thì tốt hơn rất nhiều so với học bằng lý thuyết. Điều chúng ta học được từ một lần sa ngã, mỗi khi nhớ lại sẽ khơi lên trong lòng chúng ta sự biết ơn hơn là sự dằn vật cắn rứt.

    Phêrô còn học biết một sự thật tuyệt vời về Chúa Giêsu. Ông học được rằng mặc dù ông đã chối Ngài nhưng Ngài vẫn yêu thương ông. Chính tình thương của Ngài đã mang ông trở về cuộc sống. Cái cảm nghiệm được yêu thương trong chính sự yếu đuối và tội lỗi của mình đúng là một cảm nghiệm sửng sốt. Được yêu trong cái tốt của mình thì là chuyện bình thường. Được yêu ngay trong cái xấu của mình, đó mới là sửng sốt. Chính đó là ân sủng.

    Phêrô có cơ sở để đứng dậy sau khi sa ngã. Chúng ta có thể hình dung rằng Phêrô trở thành một người lãnh đạo tốt. Người lãnh đạo tốt là người biết tự cảnh giác về sự yếu đuối của mình. Kinh nghiệm sa ngã đã giúp Phêrô thoát khỏi tính tự phụ và tin tưởng mù quáng vào khả năng của mình, đồng thời giúp ông thông cảm với yếu đuối của người khác. Đọc sách Công vụ Tông đồ, chúng ta thấy Phêrô đứng vững trước Thượng Hội Đồng để làm chứng cho Chúa Giêsu.

    Chuyện của Phêrô là một an ủi lớn cho chúng ta. Xét cho cùng, chúng ta đều là những người tội lỗi, không kiên trì sống theo những điều chúng ta tin tưởng. Nhìn gương thánh Phêrô, chúng ta phải học biết tha thứ cho chính mình vì những yếu đuối và sa ngã nhất thời. Chúng ta không nên xét đoán bản thân mình hay xét đoán người khác dựa trên những sa ngã nhất thời ấy, mà phải xét đoán dựa trên cam kết sống suốt đời theo những điều mình tin tưởng. (FM)

    6. Ơn gọi thứ hai

    Ngày xưa có một người làm nghề đốt lửa. Một buổi chiều mùa đông khi anh đang trên đường về nhà thì trời đổ tuyết. Muốn tới nhà sớm, anh đi tắt qua một cánh đồng. Bỗng anh thấy một nhúm lửa, một nhúm lửa nhỏ thôi, chỉ cháy âm ỉ nhờ một vài que củi nhỏ. Quanh nhúm lửa ấy có một nhóm người vừa run lập cập vừa cố đứng sát nhúm lửa ấy để sưởi ấm. Nhưng nào có thấm tháp vào đâu. Anh dừng lại, nói vài lời ngắn ngủi với họ về giá trị của lửa, rồi vội vã đi tiếp.

    Nhưng mới đi được một chút thì anh cảm thấy hối hận. Lẽ ra anh phải nán lại lâu hơn để giúp đám người ấy khơi to ngọn lửa. Nhưng mà nếu làm thế thì phải mất thêm giờ, có thể bị viêm phổi nữa. Vả lại chắc gì người ta sẽ biết ơn anh. Những suy nghĩ trái ngược nhau ấy khiến anh chần chừ. Nhưng sau cùng anh quay lại. Vừa thấy anh, mọi người đều vui mừng reo lên: “Tới đây, tới đây”. Không chờ mời lần thứ hai, người thợ đốt lửa ngồi xuống và khơi ngọn lửa to lên. Thế là mọi người đều được sưởi ấm. Ai nấy đều đồng thanh “Xin cám ơn anh đã dừng lại giúp chúng tôi”.

    Về đến nhà, người thợ nhóm lửa lên giường ngủ ngay. Đêm đó anh mơ thấy Chúa hiện ra nói: “Ta đã chọn con làm người thợ nhóm lửa, nhưng con đã làm Ta thất vọng”. Anh giật mình thức dậy và không tài nào ngủ tiếp. Anh nhớ lại thời gian đầu làm nghề nhóm lửa anh đã coi việc đem lửa sưởi ấm cho mọi người là một nhiệm vụ cao đẹp thế nào; khi đó anh đã nhiệt tình giúp đỡ mọi người thế nào. Vậy mà với năm tháng dần trôi, anh trở nên lười biếng, tính toán, sợ mất giờ, sợ người ta không biết ơn anh. Tình yêu của anh đối với lửa đã lạnh nhạt. Ơn gọi của anh đã đông cứng.

    Nhưng đêm nay Chúa đã hiện ra với anh. Ngài đã gọi anh lần thứ hai. Từ đó trở đi người thợ nhóm lửa hăng say trong nhiệm vụ, không sợ mất giờ, không ngại cực khổ nữa.

    Trong Tin Mừng, có hai lần Chúa gọi Phêrô. Lần thứ nhất là lúc Chúa Giêsu mới bắt đầu sứ vụ (Mc 1, 16-18). Lần thứ hai là sau khi Ngài sống lại, và được ghi lại trong bài Tin Mừng hôm nay. Hai lần cách nhau 3 năm. Trong 3 năm ấy, nhiều sự việc đã xảy ra, Phêrô đã khám phá thêm nhiều điều về Đấng đã kêu gọi mình, về nhiệm vụ mà Ngài muốn ông làm, và nhất là về chính bản thân của ông. Khi Chúa gọi Phêrô lần thứ hai, ông đã khôn ngoan hơn và khiêm tốn hơn. Vì thế, tiếng “Vâng” thứ hai của ông chín chắn và sáng suốt hơn nhiều so với tiếng “vâng” lần thứ nhất.

    Câu chuyện của Phêrô là chuyện kêu gọi - sa ngã - và kêu gọi lại. Ơn gọi không phải là một lần Chúa gọi, một lần con người đáp trả, rồi xong. Tiếng Chúa gọi phải được ta nghe nhiều lần và đáp trả nhiều lần. Mỗi ngày Chúa mở ra một đoạn đường mời ta tiến bước, ngày hôm sau Chúa mở thêm một đoạn khác nữa. Ta càng bước theo, tiếng gọi của Ngài càng rõ hơn và lời đáp trả của ta càng sâu xa hơn và xác tín hơn.

    Mọi ơn gọi đều là ơn gọi yêu thương: yêu thương Chúa, và yêu thương những chiên con chiên mẹ của Ngài, tức là yêu thương các anh chị em trong cộng đoàn của ta. (FM)

    7. Chịu khổ vì Chúa

    Bài trích sách Công vụ kể chuyện các tông đồ gặp sự chống đối của các nhà cầm quyền Do Thái. Nhưng khi các ông được thả ra, thì uy tín của các ông tăng thêm, đặc biệt là Phêrô. Thật khó mà tin được rằng cùng một con người ấy chỉ trước đó không bao lâu đã từng chối Chúa 3 lần. Bây giờ ông đứng giữa quãng trường mạnh dạn lớn tiếng làm chứng cho Chúa. Hơn nữa ông còn chịu khổ vì đã làm chứng như thế. Phêrô cùng các bạn đã bị nhốt vào tù, bị đánh đòn. Nhưng các ông lại hãnh diện vì đã chịu khổ vì Chúa. Bởi đâu Phêrô có lại sự can đảm như thế? Thưa bởi Chúa Thánh Thần, Đấng phù trợ các tông đồ.

    Từ thời các tông đồ trở đi, vẫn luôn có nhiều kitô hữu, nhờ ơn Chúa giúp, đã vượt thắng sự sợ hãi để luôn can đảm làm chứng cho Chúa dù giữa muôn vàn khó khăn.

    Rất dễ tin Chúa khi bạn quỳ gối nhắm mắt cầu nguyện trong nhà thờ. Rất dễ tin Chúa khi bạn sống an toàn xa cách những xáo trộn khó khăn. Nhưng tin Chúa như thế đó là một thứ tín ngưỡng quá nghèo nàn. Chúa mà bạn tin trong những lúc như thế đó là một Thiên Chúa bị giam hãm trong một cái khung chật hẹp.

    Chúng ta là môn đệ Chúa Giêsu. Ngài cần chúng ta làm chứng cho Ngài trong thế giới hôm nay. Mặc dù chúng ta không phải chịu nhiều gian truân bắt bớ như các tông đồ xưa, nhưng chúng ta phải can đảm được đầu với những loại khó khăn khác, đó là đương đầu với sự xấu, đương đầu với khuynh hướng thờ ơ tôn giáo của nhiều người thời nay.

    Chúng ta không thể biết trước ơn gọi làm kitô hữu sẽ dẫn chúng ta đi đến đâu và sẽ đòi hỏi chúng ta những gì. Nếu chúng ta mà biết trước những nơi đó và những khó khăn đó thì có lẽ chúng ta rất sợ hãi. Về điều này thì chúng ta giống như Phêrô. Lần đầu tiên Chúa gọi ông thì ông chưa biết rốt cuộc ông sẽ chịu tử đạo. Nhưng chúng ta hãy cố gắng sống như Phêrô. Chúa dẫn ta đi đâu thì ta đi đấy. Chúa muốn ta chịu gì thì chúng ta chịu nấy. Và chúng ta tin tưởng rằng những gian truân chúng ta phải chịu vì Chúa sẽ được thưởng gấp trăm. (FM)

     

    3. Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)

    'HÃY CHĂN DẮT CHIÊN CỦA THẦY

    +++

    A. DẪN NHẬP

    Sau khi sống lại, Đức Giêsu tiếp tục hiện ra với các môn đệ. Việc hiện ra với các môn đệ đều nhằm một mục đích nào đó chứ không phải cứ hiện ra khơi khơi, thích hiện ra thì hiện. Theo bài Tin mừng hôm nay, đây là lần thứ ba Đức Giêsu hiện ra với các môn đệ sau ngày Phục sinh. Trong khi các môn đệ còn ở trong tâm trạng hoang mang, vui buồn lẫn lộn thì Chúa hiện ra để củng cố niềm tin cho các ông, trao ban cho các ông một sứ vụ mới: trao quyền lãnh đạo cho Phêrô và trao cho các ông sứ mạng đi truyền giáo.

    Qua phép lạ mẻ lưới lạ lùng, Đức Giêsu muốn báo cho các ông biết trước Giáo hội của Ngài sẽ được phổ biến khắp nơi dưới quyền lãnh đạo của Phêrô và không quyền lực nào có thể làm cho tan rã, vì Giáo hội của Ngài được xây trên nền tảng vững chắc. Vì danh Chúa, các ông phải mạnh dạn tuyên xưng đức tin và bảo vệ Giáo hội: “Phải vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người phàm” (Cv 5, 29).

    Bài học mà Chúa dạy các môn đệ hôm nay là các ông phải tùy thuộc vào ơn Chúa và quyền năng của Ngài, chứ không dựa vào khả năng chuyên môn của mình. Trong việc thi hành chương trình cứu độ, Chúa dùng các ông như những dụng cụ tầm thường nhưng dụng cụ ấy lại hữu hiệu khi biết vâng theo ý Chúa và nhiệt tình cộng tác dưới sự hướng dẫn của Ngài.

    Ngoài ra, qua bí tích rửa tội, chúng ta đã trở nên những thành viên trong Giáo hội, mỗi người đều được gọi để sống và làm chứng cho đức tin trong gia đình, xóm làng và cộng đồng, tùy theo khả năng và hoàn cảnh của từng người. Hôm nay chúng ta cầu xin Chúa cho chúng ta cảm nghiệm được sự hiện diện của Chúa và được nhận thức rằng Chúa hiện diện với chúng ta trong mọi hoàn cảnh của cuộc đời mặc dù chúng ta không cảm thấy.

    B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA

    + Bài đọc 1: Cv 5, 27-32.40-41

    Sau khi chữa lành một số bệnh nhân, các Tông đồ bị các vị thượng tế và hội đồng cố vấn bắt giam, nhưng được giải thoát một cách lạ lùng. Phêrô cùng các Tông đồ khác lại xuất hiện và rao giảng cho dân chúng trong Đền thờ. Các ngài lại bị điệu đến Thượng hội đồng để hạch hỏi và xét xử. Phêrô trả lời cách quả quyết: “Phải vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người phàm” (Cv 5, 29). Lời biện hộ của Phêrô  có thể làm cho ngài bị kết án tử hình, nhưng Gamaliel, một tiến sĩ luật, đã can thiệp và các ngài được tha sau khi bị đánh đòn.

    Nhưng vị thủ lãnh các Tông đồ luôn kiên quyết bảo vệ quyền tự do của các Kitô hữu đối với quyền bính đời này, không gì có thể ngăn cản các ngài giảng dạy và loan báo Tin mừng về Đức Giêsu; các ngài vui mừng vì được coi là xứng đáng bị khổ nhục vì danh Đức Kitô, xác tín về đời sống chứng nhân của mình và trở nên mạnh mẽ vì Chúa Thánh Thần luôn ở với các ngài.

    + Bài đọc 2: Kh 5, 11-14

    Thánh Gioan kết thúc thị kiến thứ nhất về Con Chiên Thiên Chúa, tượng trưng cho Đức Giêsu, bằng một nghi lễ phụng vụ, trong đó vũ trụ hiệp cùng các thiên thần ngợi khen tung hô quyền năng vô hạn của Con Chiên đã bị sát tế. Hình ảnh Con Chiên cũng gợi lên con chiên bị đem đi làm thịt, như cừu câm nín khi bị xén lông. Bị sát tế, nhưng từ nay đã trỗi dậy, Con Chiên được vô số các thiên thần tung hô như vị vua và Thiên Chúa: “Xin chúc tụng, ngợi khen, tôn vinh và bái phục Đấng ngự trên ngai và Con Chiên đến muôn thuở muôn đời”.

    + Bài Tin mừng: Ga 21, 1-19

    Đoạn cuối của Tin mừng Gioan tập trung kể lại câu chuyện thánh Phêrô nhận lãnh chức vụ thủ lãnh tối cao của các Tông đồ. Lúc đó các môn đệ gồm 7 người sinh sống tại Galilê, nơi lao động thường xuyên của các ông… Sau mẻ cá lạ lùng, Đức Giêsu Phục sinh trao cho thánh Phêrô chức vụ chủ chăn. Vì thánh Phêrô đã ba lần chối Thầy nên Đức Giêsu cũng ba lần đòi ông tuyên xưng lòng yêu thương. Ba lần hỏi như thế để khẳng định một tình yêu mạnh mẽ, dứt khoát (bù lại ba lần chối), để Đức Giêsu trao cho Phêrô trách nhiệm thật cao quý và cũng thật nặng nề: “Lãnh đạo toàn thể Giáo hội” mà vị lãnh tụ tiên khởi về sau đã phải trả giá bằng cuộc tử đạo (+ 64) thời Néron để nên giống Thầy mình.

    Địa vị tối thượng trao cho Phêrô là một thể chế chứng tỏ tình yêu của Đức Kitô đối với loài người, và nếu vị chủ chăn thật sự yêu thương đoàn chiên của mình thì dấu chỉ tình yêu của Đức Kitô đối với nhân loại sẽ được bày tỏ cho thế giới.

    C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA: Sứ mệnh làm chứng cho Chúa

    I. MỘT MẺ LƯỚI LẠ LÙNG

    1. Tâm trạng của các môn đệ

    Sau khi Đức Giêsu chịu tử nạn, các môn đệ tỏ ra hoang mang lúng túng, có ông tỏ ra thất vọng trước ý đồ của mình như hai môn đệ đi làng Emmau. Nhưng sau khi Đức Giêsu hiện ra với họ thì tâm trạng của họ lúc này trở nên khó tả: buồn vì cuộc tử nạn của Thầy mình, vui vì thấy Thầy mình đã sống lại, nhưng vẫn còn hoang mang vì sự hiện diện của Thầy sống lại không còn thường xuyên như xưa nữa, mà có lúc ẩn lúc hiện. Trong cái tâm trạng vui buồn và hoang mang lẫn lộn đó, các ông bèn rủ nhau đi đánh cá cho khuây khoả và để kiếm gì để ăn chứ! Các ông theo Phêrô, xuống thuyền đánh cá, nhưng suốt đêm mà chẳng bắt được con cá nào. Kinh nghiệm đánh cá của Phêrô cũng chẳng giải quyết được gì.

    2. Đức Giêsu hiện ra lần thứ ba

    Trong lúc hiện ra lần thứ nhất với các môn đệ (Ga 19, 23) các ông đều nhận lấy từ nơi Thầy những ơn là: sự bình an, sứ mạng, ơn Thánh Thần, ơn “tha tội cho ai thì kẻ ấy được tha” (Ga 19, 23). Phêrô và Gioan không có vai trò gì trổi vượt. Lần hiện ra thứ hai với các môn đệ (Ga 19, 24-29), Tôma chứ không phải là Phêrô hoặc Gioan nhận được sự chú ý của Thầy. Chính Tôma, tuyên xưng: “Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa của con!” mà Thầy Giêsu đã chúc lành cho những người “không thấy mà tin” (Ga 19, 29). Rồi đến lần hiện ra thứ ba với các môn đệ (Ga 21, 1-19), xem ra hai ông Phêrô và Gioan tìm kiếm điều hai ông đã đạt được. Các ông được thấy Thầy các ông trong sự sống và hoạt động hoàn toàn mới: tất cả quy về tập thể mà các ông là thành viên và các ông chính là người đứng đầu điều khiển mọi sự trong hậu trường.

    3. Một mẻ lưới kỷ lục

    Sáng sớm, Đức Giêsu đứng trên bãi biển, các ông từ thuyền trông thấy, nhưng không nhận ra Ngài. Ngài hỏi các ông câu hỏi thường thức như người ta quen hỏi các người đi đánh cá: Có kiếm được gì ăn không? Các ông đồng thanh trả lời: “Thưa không”. Ngài bảo họ: “Cứ thả lưới bên phải thuyền thì sẽ có cá đấy”. Họ thả lưới, và kết quả là mẻ lưới của các ông đầy cá. Lúc đó các ông mới nhận ra Ngài. Và do đó, các ông nhận thức rằng mẻ lưới đầy cá là do quyền năng của Chúa, chứ không do sự chuyên nghiệp của các ông, vì các ông đã thất bại suốt một đêm trắng.

    Các ông kéo lưới vào bờ và đếm được 153 con cá lớn mà lưới vẫn không rách. Lưới không rách là hình ảnh Giáo hội, sự hiệp nhất không bị phá vỡ do số nhiều (Mt 13, 47-50), những con cá là hình ảnh giáo hữu đã chinh phục cho Chúa bằng lời giảng dạy của các Tông đồ.

    Còn về vấn đề 153 con cá lớn, theo thánh Giêrônimô, một học giả Thánh kinh, thì con số 153 có nghĩa là các nhà chuyên khảo cứu về cá lúc bấy giờ biết được 153 loại cá khác nhau. Như vậy thì 153 có nghĩa là các Tông đồ bắt được rất nhiều cá, chứ không nhất thiết là 153 con. Nếu con số 153 mang ý nghĩ như vậy, thì Chúa muốn các Tông đồ phải đi rao giảng Tin mừng cứu độ cho cả thế giới và như vậy con số 153 là biểu tượng con số đông đảo những tân tòng, những người lãnh nhận đức tin sau này.

    II. PHÊRÔ LÀM THỦ LÃNH GIÁO HỘI

    1. Đức Giêsu chọn Phêrô làm thủ lãnh

    Để quy tụ mọi dân tộc, mọi giống nòi về một Giáo hội duy nhất, điều Đức Giêsu muốn là phải có một người dẫn dắt đoàn chiên như lòng Chúa ước mong, người đó không ai khác, lại chính là Phêrô – vị Tông đồ có không ít những lỗi lầm. Chúng ta thấy là, để được Đấng Phục sinh long trọng xác nhận tư cách là thủ lãnh để lãnh nhận sứ mệnh tông đồ đặc biệt thì tiên quyết không phải là “văn hay chữ tốt”, “tài đức vẹn toàn” mà chỉ được gói gọn trong hai chữ “yêu mến” mà thôi: “Phêrô, con có yêu mến Thầy không?

    Thật ra đây chính là điều kiện nền tảng để có thể chu toàn sứ mệnh mà Chúa trao phó, bởi không có lòng yêu mến, công việc của người mục tử cũng như của tất cả chúng ta dù thành công cũng chỉ điểm tô, đánh bóng cho cá nhân của mình; trái lại, với lòng yêu mến, chúng ta sẽ thấy bất cứ công việc nào cũng mang đến một giá trị cao cả không chỉ cho chính đương sự mà còn mưu ích cho nhiều người.

    Chính vì thế, Đức Giêsu đã phải hỏi Phêrô đến ba lần – có thể là sự gợi nhớ ba lần ông chối Thầy mà cũng có thể theo thói quen thời đó, để chính thức uỷ thác cho ông nhiệm vụ chăm sóc đoàn chiên. Với nhiệm vụ này, Phêrô đã chu toàn. Phêrô đã đi theo Thầy của mình trong quãng đời còn lại và đã lấy cái chết của mình để làm chứng về Thầy. Phêrô đã tham dự vào sứ mệnh của Thầy tức là tham dự vào cái chết và sự Phục sinh của Chúa, đồng thời hiến dâng mạng sống mình cho anh em, cho đoàn chiên mà hôm nay chính Đức Giêsu - Đấng Phục sinh, đã trao phó cho ngài.

    2. Con người thủ lãnh Phêrô

    * Yêu Chúa tận tình

    Ai cũng biết tính tình của Phêrô là nóng nảy, vụt chạc, nghĩ sao nói vậy. Liên hệ đến tính tình nóng nảy của ông là sự cứng đầu của ông. Trong bài đọc 1 trích từ sách Công vụ tông đồ, chúng ta thấy rõ một hình ảnh khác của Phêrô, không phải chỉ là một Phêrô đã ăn năn hối cải, nhưng còn là một con người mới, một tạo vật mới, rất can trường.

    Ông rất cứng đầu vì tình yêu Chúa Kitô. Khi Phêrô bị điệu ra trước thầy cả thượng phẩm để bị tra hỏi vì đã rao giảng nhân danh Đức Giêsu, Phêrô không chút sợ hãi mà tuyên xưng rằng: “Phải vâng lời Thiên Chúa hơn là vâng lời người phàm” (Cv 5, 29). Sau này Phêrô đã xin được đóng đinh vào thập giá, nhưng để khác với Thầy vì cảm thấy mình không xứng đáng, Phêrô đã xin treo ngược đầu xuống. Có tình yêu nào sánh được với ngọn lửa tình yêu của Phêrô dành cho Đức Giêsu không?

    * Yếu đuối và gan dạ

    Chúng ta thấy trong con người Phêrô có pha trộn sự yếu đuối và can đảm, gan dạ. Ông yếu đuối vì đã chối Chúa nhưng ông trở nên gan dạ sau khi đã trỗi dậy. Tôi tin chắc rằng Phêrô không bao giờ quên sự kiện ông đã chối Đức Giêsu. Tuy nhiên, tôi hồ nghi không biết lỗi lầm này có ảnh hưởng đến ông hay không, giống như một số người đã bị ám ảnh vì những tội lỗi của họ. Ông đã học được một bài học vĩ đại từ sự vấp ngã của mình. Ông nhận ra rằng ông không được can đảm giống như ông đã nghĩ về mình. Khi học được một bài học, thì đó là một điều tốt đẹp và bổ ích hơn, so với khi được dạy một bài học. Một khi chúng ta rút ra được kinh nghiệm từ một lần vấp ngã, thì lúc nhắc lại sự vấp ngã này, thì chắc chắn càng khơi gợi lòng biết ơn, hơn là tự buộc tội bản thân mình.

    Và Phêrô cũng học hỏi được một sự thật tuyệt vời về Đức Giêsu. Ông nhận ra rằng bất chấp những lần ông chối Ngài, Ngài vẫn cứ yêu thương ông. Chính tình yêu đó đã dẫn đưa Phêrô quay trở lại với cuộc đời. Thật là một kinh nghiệm tuyệt vời, khi vẫn được yêu thương ngay trong tình trạng yếu đuối và tội lỗi. Khi người ta được yêu thương vì sự tốt lành của mình, thì điều đó không có gì là vĩ đại cả. Nhưng khi được yêu thương trong tình trạng xấu xa, đó mới quả thật là một tình yêu bao la. Và đó là một ân sủng.

    Phêrô có sự gan dạ, để lại trỗi dậy sau khi vấp ngã. Chúng ta có thể hình dung ra rằng ông là một nhà lãnh đạo rất tốt, một nhà lãnh đạo có ý thức về sự yếu đuối của bản thân mình. Kinh nghiệm này đã loại trừ nơi ông thói tự hào và tin tưởng một cách mù quáng vào những năng lực riêng của bản thân, đồng thời, làm cho ông có khả năng thấu hiểu được sự yếu đuối của người khác (McCarthy).

    3. Phêrô can đảm thi hành sứ mệnh

    Sau khi Đức Giêsu về trời, Phêrô sang Rôma lãnh đạo giáo đoàn và thiết lập toà thánh ở đó. Phêrô đến Rôma giữa lúc hoàng đế Néron đang ra tay bách hại các tín hữu Chúa Kitô. Ông vua này sai thủ hạ đi đốt nhà dân chúng sống trong các khu ổ chuột tồi tàn để xây dựng nhà mới cho khang trang hơn. Khi dân chúng nổi lên chống đối, thì Néron đổ tội đốt nhà ấy cho các Kitô hữu và ra lệnh bắt bớ những ai theo đạo, kết án tử hình và xử tử tại khu hí trường ở thủ đô Rôma. Một số khá đông tín hữu đã trở thành miếng mồi ngon cho lũ sư tử đói khát vồ xé, một số khác thì bị chết trong các cuộc thi giác đấu, số còn lại thì bị lên giàn hoả thiêu hay bị đóng đinh chân tay vào thập giá… Trước tình thế nguy hiểm ấy, cộng đoàn ở Rôma đã khuyên Phêrô cấp thời cải trang chạy trốn khỏi thành.

    Nhưng khi ra được ngoài thành, Phêrô gặp thấy một người mặc áo trắng đang đi ngược chiều vào thành. Ông nhận ra đó là Đức Giêsu, ông lên tiếng hỏi: “Thầy đi đâu” (Quo vadis?) Đức Giêsu đáp: “Thầy đi vào thành Rôma để chịu đóng đinh thêm một lần nữa”. Sau đó, Ngài biến mất. Phêrô hiểu ý Chúa muốn ông quay vào thành để chịu chết vì danh Chúa, và ông đã làm theo lời Chúa. Ông bị bắt, bị kết án tử hình và bị giam chung với các tín hữu sắp bị hành hình. Ông đã động viên an ủi họ và giúp họ giữ vững đức tin. Sau cùng, ông đã lãnh nhận lấy cái chết trên thập giá theo gương Thầy mình.

    III. SỨ MỆNH LÀM CHỨNG CHO CHÚA

    1. Phải biết nhận ra Chúa

    Thật là mâu thuẫn đến độ khó hiểu vì cùng một Con Người Giêsu đã đến trong thế gian, đã sinh sống trên đất Galilê, đã chịu khổ hình đến chết và nay đã sống lại, hiện ra nhiều lần với nhiều người đương thời, thế thì tại sao xưa cũng như nay có kẻ tin người không, kẻ phục người chối bỏ? Dĩ nhiên, có sự trái ngược này không do Chúa không hiện diện khắp mọi nơi, nhưng do nơi cách thức mà con người sử dụng để tìm kiếm sự hiện hữu của Thiên Chúa.

    Nói khác đi, ai biết tìm Chúa đúng cách thì dù Ngài có khuất dạng họ vẫn nhận ra, trái lại kẻ không biết cách tìm Chúa dù Ngài có hiện ra một bên cũng chẳng thấy được Ngài…

    Muốn nhận ra được Chúa hiện diện trong đời mình, phải có một quả tim nhạy cảm trong tình yêu, một tâm hồn muốn thao thức tìm Chúa. Nhưng trong thực tế, rất nhiều người rất hững hờ với sự hiện diện của Chúa. Họ không tìm thấy sự hiện diện của Chúa là vì họ hững hờ, không muốn tìm ra Chúa.

    Truyện: Chỉ vì vô tình

    Một bề trên tu viện Công giáo đến tìm một ẩn sĩ Ấn giáo tại chân núi Hy mã lạp sơn và trình bày về tình trạng bi đát của tu viện ông: Trước kia tu viện này là một trung tâm thu hút nhiều khách hành hương. Nhà thờ lúc nào cũng vang tiếng hát của giáo dân từ khắp nơi đến. Trong tu viện không còn chỗ nhận thêm người vào tu hằng ngày đến gõ cửa nữa. Thế mà bây giờ tu viện chẳng khác nào một ngôi chùa hoang phế. Nhà thờ vắng lặng, tu sĩ lèo tèo mấy người, cuộc sống thật là buồn tẻ. Vị bề trên hỏi ẩn sĩ Ấn giáo cho biết nguyên do nào hay lỗi lầm nào đã đưa tu viện tới tình trạng hiện nay. Tu sĩ Ấn giáo ôn tồn bảo: “Các tội đã và đang xảy ra trong cộng đoàn đó là tội vô tình”. Và ông giải thích: “Đấng Cứu Thế đã cải trang thành một người trong quý vị, nhưng quý vị không nhận ra Ngài”.

    Nhận được lời giải đáp, vị bề trên hớn hở trở về tu viện. Ông tập họp mọi người lại và loan báo cho họ biết Đấng Cứu Thế đang cải trang thành một người trong nhà. Các tu sĩ đều mở to đôi mắt và quan sát nhau. Ai là Đấng Cứu Thế cải trang vậy? Nhưng có điều chắc là một khi Ngài đã cải trang, thì không ai có thể nhận ra Ngài được. Mỗi người trong họ đều có thể là Đấng Cứu Thế.

    Vậy là từ đó mọi người đều đối xử với nhau như với Đấng Cứu Thế. Chẳng bao lâu, bầu khí yêu thương huynh đệ, sức sống và niềm vui đã trở lại với tu viện. Từ khắp nơi người ta lại tìm đến tu viện để tĩnh tâm và cầu nguyện. Nhiều người trẻ cũng đến xin gia nhập cộng đoàn (Trích trong Món quà Giáng sinh).

    2. Làm cho nhiều người trở lại với Chúa

    Chính trong ngày Chúa Thánh Thần hiện xuống, Phêrô đứng lên cùng với mười một Tông đồ giảng cho dân chúng một bài rất hùng hồn (x. Cv 2, 14t). Nghe xong bài đó, dân chúng bị cảm kích đến cực độ nhao nhao hỏi: “Chúng tôi phải làm gì?” Phêrô bảo: “Hãy hối cải và mỗi người hãy chịu thanh tẩy nhân danh Đức Giêsu Kitô để được tha thứ tội lỗi, và các ngươi sẽ được ơn Chúa Thánh Thần”.

    Qua bí tích rửa tội, mỗi người công giáo được gọi để sống và làm chứng cho đức tin trong gia đình, hàng xóm và cộng đồng. Có nhiều hình thức để làm chứng cho đức tin bằng lời cầu nguyện, bằng gương sáng, bằng cách sống đức tin, bằng việc từ thiện bác ái, bằng việc rao giảng Tin mừng…

    Thiên Chúa hằng hiện diện giữa chúng ta. Chính những khi các Tông đồ cảm thấy thất đảm sợ hãi sau cuộc tử nạn của Thầy mình, thì Chúa ở giữa họ: Chúa đồng hành với họ trên đường đi Emmau, Chúa hiện ra với họ khi họ không bắt được cá. Chúng ta cầu xin Chúa cho ta cảm nghiệm được sự hiện diện của Chúa và được nhận thức rằng Chúa hiện diện với ta trong mọi hoàn cảnh của cuộc đời mặc dù ta không cảm thấy.

    Truyện: Gương bày lôi kéo

    Một cô xướng ngôn viên đài phát thanh ở tỉnh kia tự nhiên đến xin học đạo với một linh mục. Nguyên nhân thúc đẩy cô theo đạo, như cô kể, là nhờ sống gần gia đình công giáo tốt mà cô thấy hấp dẫn và đánh động: họ sống đầm ấm yên vui, giữ đạo chân thành, thân thiện với hàng xóm. Gia đình này không những đã tìm được hạnh phúc cho chính họ, cho vợ chồng con cái an vui, mà còn làm chan hoà hạnh phúc đó sang người lối xóm. Không giảng đạo mà cụ thể đã lôi kéo người khác đến với Chúa.

    3. Phải dựa vào quyền năng Chúa

    Bài học mà Chúa muốn dạy các Tông đồ hôm nay là các ông phải tùy thuộc vào ơn Chúa và quyền năng của Ngài. Các ông phải nhận thức rằng dù mình là thuyền chài chuyên nghiệp cũng không nhất thiết bắt được cá. Cái dụng cụ mà Chúa dùng để thi hành công cuộc cứu độ không tùy thuộc vào tài năng và sự hiểu biết của con người, nhưng tuỳ thuộc vào sự cộng tác của loài người với ơn Chúa. Quyền năng Chúa Phục sinh đã biến đổi các Tông đồ. Trước đó các ông còn sợ hãi trốn tránh.

    Bài trích sách Công vụ tông đồ hôm nay ghi lại việc các ông trả lời công nghị: “Phải vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người phàm(Cv 5, 29). Là chứng nhân, các Tông đồ phải nói lên sứ điệp đã lãnh nhận dù sứ điệp đó không được hưởng ứng, mà còn bị đe doạ đến tính mạng.

    Trong việc chọn Phêrô làm thủ lãnh các Tông đồ, thủ lãnh Giáo hội, Đức Giêsu không dựa vào những điều kiện như “văn hay chữ tốt” hoặc “tài đức vẹn toàn” mà chỉ dựa theo con người biết “yêu mến” và tuân theo ý Chúa như những dụng cụ hữu hiệu. Do đó, trong khi tham gia vào trong công cuộc rao giảng Tin mừng, chúng ta đừng cậy dựa vào sức mình mà chỉ cậy dựa vào ơn Chúa như những dụng cụ trung thành.

    Trong toán học, chúng ta biết tầm quan trọng của vị trí con số “không” trong tương quan với dấu chấm thập phân: số “một” càng bị nhiều số “không” ngăn cách nó xa dấu chấm thập phân thì giá trị của nó càng thấp. Thí dụ: 000.0001.

    Tuy nhiên nếu số một đứng đầu thì sau đó càng có nhiều số “không” chừng nào thì giá trị của nó càng cao chừng nấy. Thí dụ: 1.000.000.

    Chúa chính là số một. Khi ta đặt Chúa hàng đầu trước những công việc của ta thì ta càng làm nhiều chừng nào, giá trị chúng càng cao chừng nấy. Ngược lại, Chúa càng xa tâm trí ta chừng nào thì công việc ta làm càng ít giá trị chừng nấy (Frank Mihalic).

     

    4. Suy niệm (Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.)

    HÃY CHĂN DẮT CHIÊN CỦA THẦY

    Từ chương 13 trong Tin Mừng thứ tư, bỗng nhiên xuất hiện

    một nhân vật bí ẩn mang tên “người môn đệ Chúa yêu.”

    Có vẻ người môn đệ này trội hơn Simôn Phêrô.

    Trong bữa tiệc ly, anh này nằm gần Chúa hơn Simôn.

    Anh nằm bên lòng Chúa, sát bên ngực Chúa (Ga 13,23-25).

    Simôn nằm xa hơn, nên phải làm hiệu, nhờ anh hỏi dùm

    xem Thầy muốn nói ai là kẻ sẽ nộp Thầy.

    Trong khi Simôn chối Thầy ba lần trong dinh vị thượng tế,

    dù trước đó ông đã chém đứt tai tên đầy tớ của vị này,

    thì người môn đệ Chúa yêu lại là người đứng bên thập giá,

    đứng bên cạnh thân mẫu của Thầy (Ga 19,26-27).

    Chính anh được làm con của Bà và đưa Bà về nhà mình.

    Buổi sáng Phục sinh, Simon Phêrô và anh cùng chạy ra mộ,

    nhưng người môn đệ Chúa yêu chạy nhanh hơn,

    và có vẻ anh cũng tin nhanh hơn Phêrô (Ga 20,4.8).

    Khi Chúa phục sinh tỏ mình cho bảy môn đệ

    ở biển hồ Tibêria, ta thấy có sự hiện diện của anh.

    Sau khi mẻ cá lạ xảy ra, một lần nữa,

    anh lại là người nhạy bén hơn Phêrô,

    khi nhận ra người đàn ông đứng trên bãi biển là ai.

    Anh nói với Phêrô: “Chúa đó!” (Ga 21,7).

    Người môn đệ Chúa yêu thật là mẫu mực lý tưởng

    về sự gần gũi, thân thiết với Thầy.

    Anh có mặt trong những lúc quan trọng của đời Thầy.

    Anh đồng hành với Phêrô gần như hình với bóng.

    Chúa ban cho anh nhiều ơn đặc biệt,

    anh đã khiêm tốn đón nhận và sử dụng cho anh em.

    Không hề có sự tranh giành quyền lực giữa anh với Phêrô.

    Anh tôn trọng vị thế của Phêrô trong nhóm.

    Phêrô có thể không nhạy bén bằng người môn đệ Chúa yêu,

    nhưng ông được chọn đứng đầu nhóm môn đệ.

    Trong bài Tin Mừng hôm nay, Phêrô đưa ra một đề nghị,

    cũng là một lời mời kín đáo: “Tôi đi đánh cá đây!”

    Lời mời này được tán thành: “Chúng tôi cùng đi với anh.”

    Thế là bảy môn đệ xuống thuyền đi đánh cá.

    Chuyến ra khơi này là hình ảnh tượng trưng cho Giáo hội,

    Một Giáo hội có người lãnh đạo, có sự đồng tâm nhất trí,

    một Giáo hội cùng đi với nhau, cùng làm việc với nhau,

    cùng chia sẻ một thất bại hay một thành công.

    Có khi cả đêm không được con cá nào.

    Có khi gặp mẻ cá đầy những cá lớn mà lưới không rách.

    Lúc vui, lúc buồn, lúc nào họ cũng “ở với nhau” (Ga 21,2).

    Phêrô có thể không nhạy bén bằng người môn đệ Chúa yêu,

    nhưng ông là người đầu tiên lên bờ để gặp Chúa.

    Ông bơi nhanh hơn con thuyền đang kéo lê lưới đầy cá,

    vì ông muốn gặp Chúa càng sớm càng tốt.

    Ông là người xuống thuyền để kéo lưới cá vào bờ (Ga 21,11).

    Sau bữa ăn sáng, Chúa đã muốn nói chuyện riêng với Phêrô.

    Bên đống lửa, Chúa cho thấy Ngài đã tha thứ cho ông,

    và cho ông có cơ hội bày tỏ tình yêu, xóa đi các vấp ngã.

    Những điệp khúc được nhắc đi nhắc lại:

    “Con có yêu Thầy không?” “Thầy biết con mến Thầy.”

    Tất cả dẫn đến việc trao cho Phêrô sứ mạng chăn dắt chiên.

    Đây là đàn chiên của Thầy, đàn chiên Thầy yêu quý.

    Theo truyền thống, người môn đệ Chúa yêu không chịu tử đạo,

    nhưng đối với Phêrô, Chúa đã tiên báo cái chết của ông.

    Khi về già, ông không được đi đâu tùy ý,

    và sẽ bị dẫn đến nơi ông chẳng muốn (Ga 21,18-19).

    Giáo hội luôn cần có Phêrô và người môn đệ Chúa yêu.

    Hai khuôn mặt có vẻ tương phản, nhưng lại bổ sung cho nhau.

    Cả hai phải đi với nhau, dựa vào nhau, lắng nghe nhau.

    Giáo hội hôm nay đa dạng về suy nghĩ, cách nhìn, hướng đi.

    Ước gì chúng ta vẫn hiệp hành, vẫn chờ nhau,

    không buông tay nhau trong lúc khó khăn nhất.

    LỜI NGUYỆN

    Lạy Chúa,

    Con tự hào mình biết phân định,

    xin cho con biết để ý đến sự phân định của người khác.

    Con sống có nguyên tắc hẳn hoi,

    xin cho con biết người khác cũng có nguyên tắc của họ.

    Con có tri thức và kinh nghiệm,

    xin cho con đừng khép lại và tự mãn,

    vì tri thức thì vô tận,

    và kinh nghiệm thì bao giờ cũng mới.

    Con có bản lãnh và lập trường vững chắc,

    xin cho con biết mở ra

    để đón lấy những gì làm lập trường đó bị lung lay,

    và vui sướng khi thấy mình đã đổi lập trường.

    Lạy Chúa,

    Xin cho con mềm mại hơn, nhẹ nhàng hơn, hiền lành hơn,

    biết nhận ra và nâng niu những cố gắng nhỏ bé của anh em,

    nhờ biết đặt mình trong hoàn cảnh của người khác.

    Xin cho con tìm kiếm chân lý với trọn cả tâm hồn,

    để chân lý làm con được tự do.

    Tag:

    2022-05-01