Chúa nhật 6 Phục sinh năm B (Ga 15,9-17) - Bạn hữu của Thầy

Đức GiêSu Đã, Đang Và Mãi Mãi Yêu Chúng Ta Cho Đến Cùng

"Tình yêu Đức Kitô thúc bách chúng ta"

Chúa nhật 6 Phục sinh năm B (Ga 15,9-17) - Bạn hữu của Thầy

Chúa nhật 6 Phục sinh năm B (Ga 15,9-17) - Bạn hữu của Thầy

“Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy,
Thầy đã cho anh em biết”. (Ga 15,15)

BÀI ĐỌC I: Cv 10, 25-26. 34-35. 44-48

“Ơn Thánh Thần cũng đã tuôn đổ xuống trên các dân tộc”.

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Xảy ra là khi Phêrô vừa vào nhà, thì Cornêliô ra đón ngài, và sấp mình dưới chân ngài mà lạy. Phêrô liền đỡ ông dậy và nói rằng: “Xin ông chỗi dậy, vì chính tôi cũng chỉ là người”.

Phêrô lên tiếng nói rằng: “Quả thật, tôi nghiệm biết rằng Thiên Chúa không thiên tư tây vị, nhưng ở bất cứ xứ nào, ai kính sợ Người và thực hành sự công chính, đều được Người đón nhận!”

Phêrô đang nói các lời đó, thì Thánh Thần đã ngự xuống trên mọi kẻ đang nghe lời. Các tín hữu đã chịu cắt bì, những người đã đến cùng Phêrô, đều sửng sốt, khi thấy ơn Thánh Thần cũng đã tuôn đổ xuống trên các dân tộc; vả lại họ nghe các người ấy nói nhiều thứ tiếng và ngợi khen Thiên Chúa. Bấy giờ Phêrô lên tiếng nói rằng: “Ai có thể ngăn cản ta lấy nước mà rửa cho những kẻ này, khi họ đã nhận lãnh Thánh Thần như chúng ta?” Và ngài truyền rửa tội cho họ nhân danh Chúa Giêsu Kitô. Bấy giờ họ xin ngài ở lại với họ ít ngày.

Đó là lời Chúa.

 

ĐÁP CA: Tv 97, 1. 2-3ab. 3cd-4

Đáp: Chúa đã công bố ơn cứu độ của Người trước mặt chư dân (x. c. 2b).

Hoặc đọc: Alleluia.

Xướng: 1) Hãy ca mừng Chúa một bài ca mới, vì Người đã làm nên những điều huyền diệu. Tay hữu Người đã tạo cho Người cuộc chiến thắng, cùng với cánh tay thánh thiện của Người. - Đáp.

2) Chúa đã công bố ơn cứu độ của Người, trước mặt chư dân, Người tỏ rõ đức công minh. Người đã nhớ lại lòng nhân hậu và trung thành để sủng ái nhà Israel. - Đáp.

3) Khắp nơi bờ cõi địa cầu đã nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta. Toàn thể địa cầu hãy reo mừng Chúa, hãy hoan hỉ, mừng vui và đàn ca. - Đáp.

 

BÀI ĐỌC II: 1 Ga 4, 7-10

“Thiên Chúa là Tình Yêu”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Gioan Tông đồ.

Các con thân mến, chúng ta phải thương yêu nhau, vì tình yêu bởi Thiên Chúa mà ra. Vì lẽ hễ ai thương yêu, thì đã sinh bởi Thiên Chúa, và nhận biết Thiên Chúa. Còn ai không yêu thương, thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là Tình Yêu. Điều này biểu lộ tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta là Thiên Chúa chúng ta đã sai Con Một Người đến trong thế gian, để nhờ Ngài mà chúng ta được sống. Tình yêu ấy là thế này: Không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã thương yêu chúng ta trước, và đã sai Con Một Người đến hy sinh, đền thay vì tội lỗi chúng ta”.

Đó là lời Chúa.

 

Tin mừng: Ga 15,9-17

9Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy. 10Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy, như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình thương của Người. 

11Các điều ấy, Thầy đã nói với anh em để anh em được hưởng niềm vui của Thầy, và niềm vui của anh em được nên trọn vẹn.

12Đây là điều răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. 13Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình.

14Anh em là bạn hữu của Thầy, nếu anh em thực hiện những điều Thầy truyền dạy. 15Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết.

16Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em, và cắt cử anh em để anh em ra đi, sinh được hoa trái, và hoa trái của anh em tồn tại, hầu tất cả những gì anh em xin cùng Chúa Cha nhân danh Thầy, thì Người ban cho anh em.

17Điều Thầy truyền dạy anh em là hãy yêu thương nhau.

 

Giáo lý cho bài giảng Chúa nhật 6 Phục Sinh năm B:

WHĐ (03.05.2024) - Để hỗ trợ các nhà giảng thuyết thuận tiện hơn trong việc thêm giáo lý vào bài giảng, Ban Biên tập xin được trích dẫn những điểm giáo lý phù hợp với các bài đọc Kinh Thánh của lễ Chúa nhật 6 Phục Sinh năm B theo sự theo hướng dẫn của Bộ Phụng tự và Kỷ luật các Bí tích.

Số 2746-2751: Lời cầu nguyện của Đức Kitô trong Bữa Tiệc Ly

Số 214, 218-221, 231, 257, 733, 2331, 2577: Thiên Chúa là Tình Yêu

Số 1789, 1822-1829, 2067, 2069: Yêu Chúa và yêu tha nhân là chu toàn các Điều Răn

Số 2347, 2709: Tình bằng hữu với Đức Kitô

Bài Ðọc I: Cv 10, 25-26. 34-35. 44-48

Bài Ðọc II: 1Ga 4, 7-10

Phúc Âm: Ga 15,9-17

Số 2746-2751: Lời cầu nguyện của Đức Kitô trong Bữa Tiệc Ly

2746. Khi đến Giờ của Người, Chúa Giêsu cầu nguyện cùng Chúa Cha[1]. Lời cầu nguyện của Người, lời dài nhất được sách Tin Mừng lưu truyền, bao gồm toàn bộ Nhiệm cục tạo dựng và cứu độ, cũng như cả cái Chết và sự Phục sinh của Người. Lời cầu nguyện trong Giờ của Chúa Giêsu vẫn luôn còn là lời cầu nguyện của Người, cũng như cuộc Vượt Qua của Người, đã diễn ra “một lần cho mãi mãi”, vẫn luôn hiện diện trong phụng vụ của Hội Thánh Người.

2747. Truyền thống Kitô giáo gọi lời nguyện này một cách xác đáng là “lời nguyện tư tế” của Chúa Giêsu. Đây chính là lời cầu nguyện của Vị Thượng Tế của chúng ta, lời cầu nguyện này không thể tách rời khỏi cuộc hiến tế của Người, khỏi cuộc Vượt Qua của Người để về cùng Chúa Cha, trong đó chính Người “được thánh hiến”[2] trọn vẹn cho Chúa Cha.

2748. Trong lời cầu nguyện của cuộc Vượt Qua, của cuộc hiến tế này, mọi sự “được quy tụ”[3] trong Người: Thiên Chúa và thế gian, Ngôi Lời và xác phàm, sự sống vĩnh cửu và thời gian, tình yêu tự trao nộp và tội phản bội lại tình yêu, các môn đệ đang có mặt và những người sẽ tin vào Người nhờ lời của các ông, sự hạ mình và vinh quang. Đó là lời cầu nguyện của sự Hợp nhất.

2749. Chúa Giêsu đã hoàn thành toàn bộ công trình của Chúa Cha và lời cầu nguyện cũng như hy lễ của Người trải rộng tới lúc hoàn tất thời gian. Lời cầu nguyện trong Giờ của Người hoàn thành những thời buổi cuối cùng và dẫn đưa chúng đến chỗ hoàn tất. Chúa Giêsu, Người Con đã được Chúa Cha trao cho mọi sự, đã trao hiến trọn vẹn cho Chúa Cha và đồng thời Người tỏ ra mình hoàn toàn tự do[4], nhờ quyền năng Chúa Cha ban cho Người trên mọi xác phàm. Người Con, Đấng đã trở thành Người Tôi Tớ, là Chúa, là Đấng Toàn Năng (Pantocrator). Vị Thượng Tế cao cả của chúng ta, Đấng cầu nguyện cho chúng ta, cũng là Đấng cầu nguyện trong chúng ta, và là Thiên Chúa, Đấng nhận lời chúng ta cầu nguyện.

2750. Khi đã thuộc về Danh thánh của Chúa Giêsu, chúng ta có thể đón nhận, từ bên trong, lời cầu nguyện chính Người dạy chúng ta: “Lạy Cha chúng con”. Lời cầu nguyện tư tế của Người, từ bên trong, gợi hứng cho những lời cầu xin quan trọng của kinh Lạy Cha: quan tâm đến Danh Cha[5], nhiệt tình với Nước Cha (vinh quang[6]), chu toàn Ý Cha, kế hoạch cứu độ của Ngài[7] và sự giải thoát khỏi sự dữ[8].

2751. Cuối cùng, trong lời cầu nguyện này, Chúa Giêsu mạc khải và dạy chúng ta sự “hiểu biết” bất khả phân ly về Chúa Cha và Chúa Con[9]. Sự hiểu biết ấy chính là mầu nhiệm của đời sống cầu nguyện.

 

Số 214, 218-221, 231, 257, 733, 2331, 2577: Thiên Chúa là Tình Yêu

214. Thiên Chúa, “Đấng Hiện Hữu”, đã tự mạc khải cho Israel như Đấng “giàu nhân nghĩa và thành tín” (Xh 34,6). Hai từ ngữ ấy diễn tả một cách cô đọng những sự phong phú của Danh Thiên Chúa. Trong mọi công trình của Ngài, Thiên Chúa biểu lộ lòng quảng đại, sự tốt lành, an sủng và tình yêu của Ngài; Ngài cũng cho thấy Ngài là Đấng đáng được tin tưởng, là Đấng bền vững, trung tín, chân thật: “Xin cảm tạ danh Chúa, vì Ngài vẫn thành tín yêu thương” (Tv 138,2)[10]. Ngài là Chân Lý, vì “Thiên Chúa là Ánh Sáng, nơi Ngài không có một chút bóng tối nào” (1 Ga 1,5); Ngài là “Tình Yêu” (1 Ga 4,8), như thánh Tông Đồ Gioan dạy.

218. Theo dòng lịch sử của mình, Israel đã có thể khám phá ra rằng Thiên Chúa chỉ có một động lực duy nhất khiến Ngài tự mạc khải cho họ và chọn họ giữa mọi dân để họ là dân của Ngài: đó là tình yêu nhưng không của Ngài[11]. Nhờ các Tiên tri, Israel hiểu rằng, cũng vì tình yêu mà Thiên Chúa đã không ngừng giải cứu họ[12] và tha thứ cho sự bất trung và tội lỗi của họ[13].

219. Tình yêu của Thiên Chúa đối với Israel được so sánh với tình yêu của một người cha đối với con mình[14]. Tình yêu đó còn mạnh hơn tình yêu của một người mẹ dành cho con cái mình[15]. Thiên Chúa yêu dân Ngài hơn người chồng yêu người vợ yêu dấu của mình[16]. Tình yêu đó cũng sẽ chiến thắng những bất trung thậm chí tồi tệ nhất[17], và sẽ đi đến chỗ ban tặng hồng ân quý giá nhất: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một Ngài” (Ga 3,16).

220. Tình yêu của Thiên Chúa “tồn tại muôn đời” (Is 54,8): “Núi có dời có đổi, đồi có chuyển có lay, tình nghĩa của Ta đối với ngươi vẫn không thay đổi” (Is 54,l0). “Ta đã yêu ngươi bằng mối tình muôn thuở, nên Ta vẫn dành cho ngươi lòng xót thương” (Gr 31,3).

221. Thánh Gioan còn đi xa hơn nữa khi làm chứng rằng: “Thiên Chúa là tình yêu” (1 Ga 4,8.16): Chính Hữu Thể của Thiên Chúa là tình yêu. Khi sai Con Một của Ngài và Thánh Thần Tình Yêu lúc thời gian đến hồi viên mãn, Thiên Chúa mạc khải điều bí ẩn thâm sâu nhất của Ngài[18]: chính Ngài là sự trao đổi tình yêu vĩnh cửu: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, và Ngài đã tiền định cho chúng ta được dự phần vào sự trao đổi tình yêu đó.

231. Thiên Chúa của đức tin chúng ta đã tự mạc khải là Đấng Hiện Hữu; Ngài cho chúng ta biết Ngài là Đấng “giàu nhân nghĩa và thành tín” (Xh 34,6). Bản thể của Ngài là chân lý và tình yêu.

257. “Ôi nguồn sáng, Ba Ngôi diễm phúc, là Căn Nguyên Độc Nhất vũ hoàn!”[19] Thiên Chúa là hạnh phúc vĩnh cửu, là sự sống bất tử, là ánh sáng không tàn lụi. Thiên Chúa là tình yêu: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Thiên Chúa tự ý muốn truyền thông vinh quang của sự sống hạnh phúc của Ngài. Đó là “kế hoạch yêu thương” (Ep 1,9) mà Ngài đã cưu mang từ trước khi tạo dựng trần gian trong Con yêu dấu của Ngài, và quả thật “Ngài đã tiền định cho ta làm nghĩa tử nhờ Chúa Giêsu Kitô” (Ep 1,5), nghĩa là, Ngài đã tiền định cho chúng ta “nên đồng hình đồng dạng với Con của Ngài” (Rm 8,29) nhờ “Thần Khí làm cho anh em nên nghĩa tử” (Rm 8,15). Kế hoạch này là ân sủng “Ngài đã ban cho chúng ta từ muôn thuở” (2 Tm 1,9), xuất phát trực tiếp từ tình yêu của Chúa Ba Ngôi. Kế hoạch đó được thể hiện trong công trình tạo dựng, và sau khi con người sa ngã, trong toàn bộ lịch sử cứu độ, trong các sứ vụ của Chúa Con và Chúa Thánh Thần, được tiếp nối trong sứ vụ của Hội Thánh[20].

733. “Thiên Chúa là Tình Yêu” (1 Ga 4,8.16) và tình yêu là hồng ân đầu tiên, chứa đựng tất cả mọi sự khác. Tình yêu này “Thiên Chúa đã đổ vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Ngài ban cho chúng ta” (Rm 5,5).

2331. “Thiên Chúa là tình yêu và nơi Ngài, Ngài sống mầu nhiệm của sự hiệp thông ngôi vị trong tình yêu. Khi tạo dựng bản tính con người theo hình ảnh mình, có nam có nữ, Thiên Chúa khắc ghi vào bản tính ấy ơn gọi, cùng với khả năng và trách nhiệm sống trong tình yêu và sự hiệp thông”[21].

“Thiên Chúa tạo dựng con người theo hình ảnh mình…. Thiên Chúa tạo dựng con người có nam có nữ” (St 1,27). “Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều” (St 1,28). “Ngày Thiên Chúa tạo dựng con người, Thiên Chúa làm ra con người giống như Thiên Chúa. Chúa tạo dựng con người có nam có nữ, Chúa ban phúc lành cho họ và đặt tên cho họ là ‘người’, ngày họ được tạo dựng” (St 5,1-2).

2577. Nhờ sống thân mật với Thiên Chúa thành tín, chậm giận và giàu lòng thương xót[22], ông Môisen đã kín múc được sức mạnh và sự kiên trì để chuyển cầu cho dân. Ông không cầu xin cho bản thân, nhưng cho dân mà Thiên Chúa đã thủ đắc làm dân riêng của Ngài. Ông Môisen đã chuyển cầu trong cuộc chiến với người Amalec[23], và đã chuyển cầu cho cô Myriam được chữa lành[24]. Nhưng nhất là sau khi dân bội giáo, ông đã “đem thân cản lối” trước nhan Thiên Chúa (Tv 106,23) để cứu dân[25]. Các lý lẽ trong lời cầu nguyện của ông Môisen (lời chuyển cầu cũng là một cuộc chiến nhiệm mầu) sẽ gợi hứng cho sự bạo dạn của những người cầu nguyện thời danh trong dân Do Thái cũng như trong Hội Thánh: Thiên Chúa là tình yêu, nên Ngài cũng công bằng và thành tín. Ngài không thể mâu thuẫn với chính mình, nên Ngài phải nhớ lại các kỳ công của Ngài; vì vinh quang của Ngài, Ngài không thể bỏ rơi dân tộc mang Danh của Ngài.

 

Số 1789, 1822-1829, 2067, 2069: Yêu Chúa và yêu tha nhân là chu toàn các Điều Răn

1789. Một số quy tắc được áp dụng trong mọi trường hợp:

– Không bao giờ được làm điều xấu để đạt tới điều tốt.

– “Khuôn vàng thước ngọc”: “Tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta” (Mt 7,12)[26].

– Đức mến luôn đòi hỏi tôn trọng người lân cận và lương tâm của họ. “Như vậy, phạm đến anh em và làm thương tổn lương tâm yếu đuối của họ là phạm đến Đức Kitô” (1 Cr 8,12). “Tốt nhất là … tránh những gì có thể gây cớ cho anh em mình vấp ngã” (Rm 14,21).

1822. Đức mến là nhân đức đối thần, nhờ đó chúng ta yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự vì chính Ngài, và vì yêu mến Thiên Chúa, chúng ta yêu mến người lân cận như chính mình.

1823. Chúa Giêsu lấy đức mến làm điều răn mới[27]. Khi yêu thương những kẻ thuộc về Người “đến cùng” (Ga 13,1), Người biểu lộ tình yêu của Chúa Cha mà Người đã đón nhận. Khi yêu mến nhau, các môn đệ bắt chước tình yêu của Chúa Giêsu mà họ cũng đã đón nhận. Vì vậy, Chúa Giêsu nói: “Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy” (Ga 15,9). Và Người còn nói: “Đây là điều răn của Thầy: Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15,12).

1824. Là hoa trái của Thần Khí và là sự viên mãn của Lề luật, đức mến giữ các điều răn của Thiên Chúa và của Đức Kitô của Ngài: “Hãy ở lại trong tình thương của Thầy. Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy” (Ga 15,9-10)[28].

1825. Đức Kitô đã chịu chết vì yêu mến chúng ta, khi chúng ta còn là “thù nghịch” (Rm 5,10). Chúa đòi chúng ta rằng, cũng như Người, chúng ta phải yêu mến cả kẻ thù của chúng ta[29], rằng chúng ta phải trở thành người lân cận cho những kẻ ở xa nhất[30], rằng chúng ta phải yêu thương trẻ em[31] và người nghèo như chính Người[32].

Thánh Tông Đồ Phaolô đã mô tả một cách tuyệt vời về đức mến: “Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả” (1 Cr 13,4-7).

1826. Thánh Tông Đồ còn nói: không có đức mến, “tôi chẳng là gì”. Và bất cứ điều gì là đặc ân, công việc phục vụ, thậm chí nhân đức… nếu tôi không có đức mến, thì cũng “chẳng ích gì cho tôi”[33]. Đức mến cao trọng hơn mọi nhân đức. Đức mến đứng đầu các nhân đức đối thần: “Hiện nay đức tin, đức cậy, đức mến, cả ba đều tồn tại, nhưng cao trọng hơn cả là đức mến” (1 Cr 13,13).

1827. Việc thực thi tất cả các nhân đức được nên sinh động và được gợi hứng bởi đức mến. Nhân đức này là “mối dây liên kết tuyệt hảo” (Cl 3,14); là mô thể của các nhân đức; liên kết và phối hợp các nhân đức; là nguồn mạch và cùng đích của việc thực hành các nhân đức Kitô giáo. Đức mến củng cố và thanh luyện khả năng yêu thương của con người. Đức mến nâng khả năng này lên mức trọn hảo siêu nhiên của tình yêu của Thiên Chúa.

1828. Việc thực hành đời sống luân lý, được sinh động nhờ đức mến, đem lại cho Kitô hữu sự tự do thiêng liêng của con cái Thiên Chúa. Người đó đứng trước Thiên Chúa, không còn như một kẻ nô lệ, trong sự sợ hãi tôi đòi, hay như người làm công ăn lương, nhưng như là người con đáp lại tình yêu của “Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta trước” (1 Ga 4,19):

“Nếu chúng ta xa lánh điều xấu vì sợ hình phạt, chúng ta sẽ sống trong tâm trạng của người nô lệ; nếu chạy theo sự cám dỗ của phần thưởng, … chúng ta sẽ giống như người làm thuê; nhưng nếu vì chính sự đáng kính và vì tình yêu của Đấng ban hành lề luật…, chúng ta mới thật sự sống trong tâm tình của con cái”[34].

1829. Niềm vui, sự bình an và lòng thương xót là như hoa trái của đức mến. Đức mến đòi hỏi phải làm điều tốt và sửa lỗi cho nhau trong tình huynh đệ; đức mến thì nhân hậu; nó khơi dậy sự tương thân tương ái, không tìm tư lợi, và quảng đại; đức mến là tình bằng hữu và sự hiệp thông:

“Yêu thương là sự hoàn tất của mọi công việc của chúng ta. Đó là mục đích: chúng ta chạy vì đó, chúng ta chạy đến đó; và khi tới đó, chúng ta sẽ yên nghỉ”[35].

2067. Mười Điều Răn nêu ra các đòi hỏi của lòng mến Chúa yêu người. Ba điều răn đầu đề cập đến tình yêu đối với Thiên Chúa, và bảy điều răn sau, đến tình yêu đối với người lân cận.

“Cũng như Chúa đã đúc kết tất cả Lề Luật và các Tiên tri vào trong hai điều răn của lòng yêu mến..., thì cũng vậy, Mười Điều Răn được ban trong hai bảng. Ba điều được khắc trên một bảng, và bảy điều trên bảng kia”[36].

2069. Mười Điều Răn tạo thành một tổng thể thống nhất không thể tách biệt. Mỗi “lời” quy chiếu về từng lời và về tất cả các lời khác; các lời tương thuộc lẫn nhau. Hai Bảng Luật soi sáng cho nhau, hợp thành một tổng thể thống nhất hữu cơ. Vi phạm một điều răn là vi phạm tất cả các điều răn khác[37]. Không thể tôn trọng người khác mà không chúc tụng Thiên Chúa, Đấng Tạo Hoá của họ. Không thể tôn thờ Thiên Chúa mà không yêu thương tất cả mọi người là thụ tạo của Ngài. Mười Điều Răn thống nhất đời sống đối thần với đời sống xã hội của con người.

 

Số 2347, 2709: Tình bằng hữu với Đức Kitô

2347. Đức khiết tịnh nảy nở trong tình bằng hữu. Nhân đức này chỉ cho người môn đệ biết làm thế nào để bước theo và bắt chước Đấng đã chọn chúng ta như bạn hữu riêng của Người[38], đã tự hiến trọn vẹn cho chúng ta và cho chúng ta tham dự vào thần tính của Người. Đức khiết tịnh là lời hứa của sự bất tử.

Đức khiết tịnh được biểu lộ cách đặc biệt trong tình bằng hữu đối với người lân cận. Tình bằng hữu, được triển nở giữa những người cùng phái hoặc khác phái, là điều thiện hảo lớn lao cho mọi người. Tình bằng hữu dẫn đến sự hiệp thông tinh thần.

2709. Cầu nguyện chiêm niệm là gì? Thánh nữ Têrêsa trả lời: “Theo tôi, tâm nguyện không gì khác hơn là cuộc trao đổi thân tình giữa bạn hữu, trong đó chúng ta năng dành thời gian để một mình ở bên Thiên Chúa, Đấng mà chúng ta biết là Ngài yêu thương chúng ta”[39].

Việc cầu nguyện chiêm niệm tìm kiếm “Đấng lòng ta yêu mến” (Dc 1,7)[40]. Chúng ta tìm kiếm Chúa Giêsu, và Chúa Cha hiện diện trong Người, bởi vì khao khát Người luôn là khởi đầu cho sự yêu mến Người. Và chúng ta tìm kiếm Người trong đức tin tinh tuyền, một đức tin khiến chúng ta được sinh ra bởi Người và được sống trong Người. Chúng ta cũng có thể suy niệm khi cầu nguyện chiêm niệm, nhưng cái nhìn luôn hướng về Chúa.

 

1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)

Suy niệm: Ðức Giêsu chính thức tuyên bố lệnh truyền của Ngài: “Hãy yêu thương nhau” - một tình yêu vô vị lợi vì yêu như chính mình. Yêu vô vị lợi nghĩa là yêu thương mà không đòi phải đáp trả, như Ðức Giêsu đã không nói: “Hãy yêu Thầy như Thầy đã yêu anh em” mà Ngài nói: “Hãy yêu nhau như Thầy yêu anh em”. Yêu như chính mình là tình yêu cao trọng nhất, là dám hy sinh mạng sống mình như Ðức Giêsu đã tự hiến vì chúng ta. Ðó là tình yêu đích thực mà Ðức Giêsu và mỗi người môn đệ của Ngài đều thực thi.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã yêu thương chúng con bằng tình yêu lớn lao nhất và Chúa cũng dạy chúng con phải biết yêu nhau như Chúa vậy. Tình yêu Chúa ban cho chúng con nhưng không; còn tình yêu của chúng con còn nhiều tính toán, nhỏ nhen, giả tạo. Chúng con chỉ dám cho đi những gì là dư thừa chứ chưa biết chia sẻ cả những điều mình quý trọng. Xin Chúa giúp chúng con sửa đổi lối sống của mình. Chúa đã Phục Sinh rồi, mỗi người chúng con cũng phải đổi mới chính mình để cũng được sống lại thật với Chúa trong tâm hồn. Amen.

Ghi nhớ: “Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người thí mạng vì bạn hữu mình”.

 

2. Suy niệm (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)

Điểm chính yếu của cả Tin Mừng hôm nay là Chúa Giêsu muốn các môn đệ biết chính Ngài đã chọn họ. Không phải chúng ta đã chọn Thiên Chúa, nhưng bởi ân sủng và tình thương, Thiên Chúa đã đến kêu gọi và tuyển chọn chúng ta. Chúng ta có thể liệt kê những điều kì diệu khi được tuyển chọn và được gọi đến:

Chúng ta được chọn để vui mừng.

Dầu đường đi của Kitô hữu có khó khăn đến đâu, trong cả hành trình lẫn mục đích, vẫn là con đường vui tươi. Trong việc phải làm, làm đúng, bao giờ cũng có niềm vui. Kitô hữu là người vui mừng, là kị sỹ luôn luôn vui cười của Chúa Giêsu. Kitô hữu u sầu là một điều mâu thuẫn. Thật sự Kitô hữu là một tội nhân, nhưng là tội nhân đã được tha thứ và cứu chuộc. Niềm vui nằm trong sự kiện đó, làm sao không vui mừng khi chúng ta đang đi trên con đường sống với Chúa Giêsu.

Chúng ta được chọn để yêu thương.

Chúng ta được sai đi vào thế gian để yêu thương nhau. Lắm khi chúng ta sống như được sai đến để thế gian tranh đua, cãi lẫy và đánh đấm nhau. Nhưng Kitô hữu đã được sai vào thế gian, để vừa sống vừa chứng minh cho người khác thấy ý nghĩa của tình yêu đối với nhau. Ở đây, Chúa Giêsu nêu ra một điều tự xưng quan trọng khác. Nếu chúng ta hỏi Ngài “Thầy lấy quyền gì mà đòi hỏi chúng tôi phải yêu thương nhau ?” Ngài sẽ đáp “chẳng có tình thương nào lớn hơn là phó mạng sống vì bạn mình, và Ta đã làm như thế”. Nhiều người dạy người ta yêu mến lẫn nhau, nhưng cả cuộc đời họ cho thấy việc đó họ làm sau cùng. Chúa Giêsu ban bố một mệnh lệnh mà chính Ngài đã làm trước nhất.

Chúng ta được gọi để trở thành bạn hữu của Chúa Giêsu.

Chúa bảo Ngài không gọi các môn đệ là tôi tớ nữa, mà gọi họ là bạn hữu. Câu này có ý nghĩa cho người ta nghe lần đầu hơn là cho chúng ta ngày nay. Danh hiệu “doulos” (nô lệ, tôi tớ, đầy tớ) của Thiên Chúa không phải là một danh hiệu đáng xấu hổ, nhưng là một vinh dự lớn. Môisê là một tôi tớ của Chúa (Tl 34,5), Đavít cũng thế (88,20), Phaolô kể danh hiệu này là một vinh dự (Tt 1,1), Giacôbê cũng vậy(1,1). Những nhân vật lỗi lạc nhất trong quá khứ hãnh diện được gọi là tôi tớ của Thiên Chúa. Chúa Giêsu phán: “Ta còn một điều cao trọng hơn cho các ngươi, các ngươi không còn là tôi tớ nữa mà là bạn thân của Ta”. Chúa Cứu Thế ban tặng chúng ta một địa vị thân thiết với Ngài, mà ngay các nhân vật lỗi lạc nhất cũng không biết, cho tới khi Ngài đến thế gian.

Nhưng ý niệm làm bạn của Thiên Chúa có một bối cảnh lịch sử. Abraham là bạn của Thiên Chúa (Is 41,8), sách Khôn ngoan cho biết, sự khôn ngoan làm cho người ta trở thành bạn của Thiên Chúa. Nhưng từ ngữ này còn được minh hoạ bằng một tập tục vốn có trong triều đình các hoàng đế Lamã lẫn các vua Đông phương. Trong các triều đình ấy, có một nhóm người được chọn lọc, được gọi là bạn của vua hay hoàng đế. Họ được quyền diện kiến nhà vua bất cứ lúc nào, họ được cả quyền vào phòng ngủ của nhà vua lúc sáng sớm. Nhà vua thảo luận với họ trước khi vào bàn họp với các tướng lĩnh, các quan cai trị, các chính khách. Các bạn của nhà vua là những nhân vật có liên hệ gần gũi, thân thiết với nhà vua.

Chúng ta được gọi để làm bạn với Chúa Giêsu và với Thiên Chúa, đó là một đặc ân kì diệu. Chúng ta không còn phải đứng từ xa, nhìn chăm chú về phía Ngài và chờ đợi. Chúng ta không còn là những nô lệ ra mắt chủ, không như đám đông chỉ đứng xa nhìn thoáng bóng nhà vua đi ngang qua nhân cơ hội hết sức hiếm hoi. Chúa Giêsu đã làm một việc lạ lùng: Ngài cho phép chúng ta được sống gần gũi, thân mật với Thiên Chúa, Chúa không phải là người lạ cách biệt chúng ta, nhưng là bạn thân của chúng ta.

Chúng ta được gọi để làm bạn cộng tác với Ngài.

Chúa Giêsu không chỉ gọi và chọn chúng ta cho một loạt những đặc ân kì diệu, mà muốn chúng ta trở thành bạn cộng tác với Ngài. Theo luật Hylạp, nô lệ được định nghĩa là một dụng cụ sống, chủ chẳng bao giờ trao đổi ý kiến với nô lệ, nô lệ bị sai bảo làm việc mà không bao giờ được biết lý do. Nhưng Chúa Giêsu bảo chúng ta: “Các bạn không phải là nô lệ mà là bạn cùng cộng tác với tôi. Tôi đã nói cho các bạn biết mọi việc, Tôi đã nói cho các bạn biết tôi đang muốn gì, và tại sao tôi lại làm như thế. Tôi đã nói cho các bạn biết những gì Thiên Chúa đã nói với tôi”. Chúa Giêsu đã dành cho chúng ta vinh dự làm bạn cộng tác với Ngài, Ngài đã chia sẻ tâm sự với chúng ta, cho chúng ta biết kế hoạch, mục tiêu và kỳ vọng của Ngài. một sự lựa chọn quan trọng đang đặt ra trước mắt chúng ta. Chúng ta có thể chấp nhận, hay khước từ công việc với Chúa Cứu Thế trong công tác đưa thế gian trở về với Thiên Chúa.

Chúa chọn chúng ta để là đại sứ.

Ngài phán: “Ta đã chọn các ngươi để phái các ngươi ra đi”. Ngài không chỉ muốn tất cả ta trốn tránh thế gian, Ngài chọn chúng ta để đại diện cho Ngài trong thế gian. Khi một hiệp sỹ đến chầu vua, người ấy không muốn cả đời chỉ yến ẩm tiệc tùng và bầu bạn với nhà vua. Người ấy tâu vua rằng: “Xin hãy phái hạ thần đi làm nhiệm vụ để nhà vua và toàn dân được ích lợi”. Chúa Giêsu đã chọn chúng ta, trước hết để chúng ta đến với Ngài, sau đó là để ra đi, đến với người thế gian. Đấy là mẫu mực và nhịp điệu hằng ngày của đời sống chúng ta.

Chúng ta được chọn để làm người quảng bá.

Ngài chọn chúng ta để ra đi và đem lại kết quả, những kết quả vững bền qua mọi thời gian. Phương pháp truyền bá Kitô giáo là sống đời Kitô hữu. Phương pháp đưa người ta đến với niềm tin Kitô là chỉ cho họ thấy kết quả đời sống Kitô. Chúa Giêsu không sai chúng ta đi tranh luận để bắt thiên hạ theo Kitô giáo. Cũng không phải đe doạ để họ theo đạo, nhưng thu hút họ đến với Chúa. Chúng ta phải sống sao cho đời sống đạt kết quả kì diệu, đến nỗi người khác cũng ao ước được như thế.

 

3. Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)

THIÊN CHÚA LÀ TÌNH YÊU

+++

A. DẪN NHẬP.

Phụng vụ Chúa nhật hôm nay nhấn mạnh đến một giới răn quan trọng nhất trong đạo: đó là giới răn yêu thương. Giới răn này đã có trong Cựu ước, nhưng một lần nữa, trước khi đi vào cuộc tử nạn, Đức Giêsu nhấn mạnh đến giới răn này dưới khía cạnh tình yêu huynh đệ.

Thánh Gioan Tông đồ khẳng định: “Thiên Chúa là Tình yêu” (1Ga 4, 7). Ngài yêu thương chúng ta trước nên đã dựng nên ta, nhất là ban Con Một của Ngài cho thế gian để mọi người được cứu chuộc. Đáp lại, chúng ta cũng phải yêu mến Ngài và yêu thương nhau.

Nhưng yêu thương bằng cách nào? Hay nói cách khác, làm thế nào mà biết được tình yêu của chúng ta đối với Thiên Chúa là chân thật? Qua các bài đọc của thánh lễ hôm nay, chúng ta có thể khẳng định mà không sợ sai lầm: đó là chúng ta trung thành giữ các giới răn của Chúa và yêu thương nhau bằng những việc làm cụ thể, chứ không chỉ yêu thương nhau trên đầu môi chót lưỡi.

B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA

+ Bài đọc 1: Cv 10, 25-48

Trong Giáo hội sơ khai, có một vấn đề gai góc cần phải được giải quyết: đó là có thể chấp nhận cho những lương dân chịu phép rửa mà không đòi buộc họ giữ các Lề luật Do thái không? Nhiều người không chấp nhận. Nhưng thánh Phêrô được Chúa Thánh Thần soi sáng đã tuyên bố: “Thiên Chúa yêu thương mọi người không thiên vị ai, tất cả mọi người được chấp nhận tham dự vào nguồn mạch sự sống của Thiên Chúa”. Vì thế, ngài đã rửa tội cho viên sĩ quan Rôma tên là Cornêliô và nhận ông vào Hội thánh Chúa.

Trước biến cố này, thánh Luca tin rằng đó là một biến cố quyết định đối với tương lai Kitô giáo, nên trong dịp này, ngài không ngại cho chúng ta chứng kiến lễ Thánh Thần hiện xuống lần nữa, lần này trên các dân ngoại. Những ơn khi Đức Chúa Thánh Thần hiện xuống lần đầu tiên cũng được ban cho họ, ngày cả trước khi họ chưa chịu phép Rửa.

+ Bài đọc 2: 1Ga 4, 7-10

Thánh Gioan khẳng định: “Thiên Chúa là Tình yêu” (1Ga 4, 7) và mọi tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa. Không phải chúng ta đã yêu Ngài nhưng Ngài đã yêu chúng ta trước. Tình yêu của Thiên Chúa được biểu lộ cho chúng ta trong việc này: “Thiên Chúa đã sai Con Một đến thế gian để nhờ Con Một của Người mà chúng ta được sống... và sai Con Một Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta”.

Từ đó sinh ra những hệ luận:

- Chúng ta phải yêu thương nhau.

- Ai yêu thương thì biết Thiên Chúa, còn ai không yêu thương thì không biết Thiên Chúa.

+ Bài Tin mừng: Ga 15, 9-17

Tiếp tục dụ ngôn cây nho và cành nho, trong bài diễn từ ở nhà Tiệc ly trước giờ phút chịu tử nạn, Đức Giêsu khuyên các Tông đồ hãy kết hợp với Ngài: “Hãy ở lại trong tình yêu của Thầy”. Đồng thời Ngài cũng đưa ra một điều răn quan trọng để các ông thực hiện: “Đây là giới răn của Thầy: các con hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương các con” (Ga 15, 12)

Tình yêu mà Đức Giêsu muốn cho các ông thực hành có những đặc tính này:

- Yêu như Chúa yêu: “Các con hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương các con”.

- Yêu đến tận cùng: “Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người thí mạng vì bạn hữu mình”.

- Tình yêu phải được thể hiện trong việc làm:”Nếu như các con giữ điều răn của Thầy”.

C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA: Các con hãy yêu thương nhau

Bài Tin mừng hôm nay tiếp nối bài Tin mừng tuần trước nói về cây nho và cành nho, nhắc cho chúng ta hãy sống kết hợp với Chúa như cây nho và cành nho. Hôm nay Đức Giêsu lại đưa ra cho chúng ta một bài học nữa về sự liên kết giữa các cành nho. Đó là đức bác ái mà các Kitô hữu phải thi hành đối với nhau: “Đây là giới răn của Thầy: các con hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con”.

I. TÌNH YÊU CỦA THIÊN CHÚA

1. Thiên Chúa là Tình yêu (1Ga 4, 7)

Con người từ bản tính ai cũng biết yêu, tuy mức độ và sắc thái có khác nhau. Nhưng làm sao con người lại biết yêu? Trong bài đọc 2, thánh Gioan Tông đồ đã trả lời cho chúng ta: “Vì tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa” (1Ga 4, 7). Thiên Chúa là nguồn gốc tình yêu, Ngài ban cho chúng ta tình yêu ấy để chúng ta yêu Ngài và chúng ta yêu nhau.

a) Tình yêu trong tạo dựng

Chúng ta được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa, cho nên ngay từ bẩm sinh, mỗi người chúng ta đều có khả năng biết yêu thương.

Khi Thiên Chúa dựng nên Evà, thì Adong nói: “Này là xương tự xương tôi, thịt là thịt tôi” (St 2, 23). Tình yêu đồng loại chớm nở từ đó. Từ lúc Thiên Chúa dựng nên hai người, hai người đã chân thành thương yêu nhau như chính mình, coi nhau như một xương một thịt. Ngày nay chúng ta thường nói “đồng bào ruột thịt”. Đồng bào có nghĩa là chung một bào thai sinh ra, đồng một nguồn gốc, một máu mủ, ruột thịt.

b) Tình yêu cứu chuộc

Ban đầu, Thiên Chúa trao ban tình yêu của Ngài trực tiếp cho con người, nhưng đã thất bại. Loài người không yêu Thiên Chúa, lại cũng không biết thương yêu nhau như Thiên Chúa yêu thương con người.

Lại một lần nữa, Thiên Chúa tỏ lòng yêu thương con người trong việc cứu chuộc. Tình yêu ấy đã được thánh Gioan Tông đồ diễn tả: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết nhưng được sống muôn đời. Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người mà được cứu độ” (Ga 3, 16-17).

Thiên Chúa không những yêu thương con người, đã dựng nên con người giống hình ảnh Ngài, lại còn ban ơn cứu độ, nâng con người sa ngã lên, một việc làm còn lớn lao hơn việc tạo dựng.

2. Tình yêu của Thiên Chúa Cha qua Đức Giêsu

Chúng ta không thể nào ban tặng tình yêu, trừ phi chúng ta đã đón nhận tình yêu từ trước đó. Một lò sưởi không thể nào toả ra sức nóng, trừ phi nó đã được đón nhận sức nóng từ trước đó. Điều này cũng đúng cả đối với Đức Giêsu. Ngài nói với các môn đệ của Ngài: “Như Cha đã yêu mến Thầy, nên Thầy cũng yêu mến các con”. Tình yêu mà Ngài chia sẻ một cách quảng đại cho các môn đệ của Ngài, và cho mọi người nói chung, chính là tình yêu mà Ngài đã đón nhận từ Thiên Chúa Cha.

Tình yêu đã được lãnh nhận ấy thật là tuyệt vời. Tình yêu chia sẻ ấy đã được thánh Gioan tông đồ mô tả: “Căn cứ vào điều này chúng ta biết tình yêu là gì: đó là Đức Kitô đã phó mạng vì chúng ta” (1Ga 3, 16). Ngài đã dám gánh tội chúng ta, đã chịu chết để đền tội cho ta. Ngài không trút tội lỗi của chúng ta lên đầu chúng ta. Đây là thứ tình yêu rộng lượng tha thứ, vô cùng lớn lao, quảng đại: “Không có tình yêu nào lớn lao hơn tình yêu của người thí mạng vì người yêu” (Ga 15, 13).

Ngoài ra, Ngài cũng còn tỏ lòng thương yêu chúng ta bằng cách tôn chúng ta lên làm bạn hữu của Ngài: “Thầy không gọi chúng con là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Còn các con, Thầy gọi các con là bạn hữu”. Thực sự, chúng ta không xứng đáng được gọi là tôi tớ Thiên Chúa, vì chúng ta là vật thọ tạo đã dám xúc phạm đến Ngài, đến Đấng đã tạo dựng nên mình. Đây là một vinh dự quá lớn lao mà Ngài dành cho chúng ta.

II. TÌNH YÊU CỦA CHÚNG TA

1. Lệnh truyền của Đức Giêsu

Đức Giêsu có những lời tâm huyết muốn truyền lại cho các Tông đồ trong bữa Tiệc ly. Một trong những lời tâm huyết ấy là: “Đây là điều răn của Thầy: các con hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con” (Ga 15, 12). Đức Giêsu có ý nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc yêu thương nhau, vì yêu thương là một lệnh truyền duy nhất gồm tóm mọi lệnh truyền khác (x. Mc 12, 28-34). Lệnh truyền này là chúng ta yêu thương nhau như chính Đức Giêsu đã yêu thương chúng ta. Và khuôn mẫu của tình yêu thương là Đức Giêsu yêu thương chúng ta. Tình yêu này có rất nhiều đặc tính mà chúng ta cùng tìm hiểu để áp dụng vào đời sống thường ngày của chúng ta.

2. Những đặc tính của tình yêu

a) Yêu không giới hạn

Trong bài Tin mừng này, Đức Giêsu nói: “Các con hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con”. Chúng ta nên lưu ý đến chữ nhau và chữ như, hai chữ ấy nói lên mức độ của tình yêu cả chiều rộng lẫn chiều sâu.

* Chữ NHAU. Nói lên chiều rộng của tình yêu. Chúa bảo chúng ta phải yêu thương nhau. Chữ “nhau” giả thiết phải có hai người trở lên. Vậy phải yêu ai và yêu bao nhiêu người? Chúa không bảo hai vợ chồng hay hai tình nhân yêu nhau, mà bảo phải yêu thương tất cả mọi người vì tất cả mọi người đều là con Thiên Chúa. Vì thế, ta không nên hiểu chữ “nhau” này theo nghĩa hẹp, chỉ nhằm đến lòng yêu thương đối với một ít người thân thiết với ta mà thôi, mà phải hiểu theo nghĩa rộng, chúng ta phải yêu thương tất cả mọi người.

Cha Zosima nói trong cuốn sách “Anh em nhà Karamazov” của Dostoevsky: “Bạn phải yêu thương tất cả những gì mà Thiên Chúa đã tạo dựng nên, toàn bộ thế giới của Người, và mọi hạt cát trong đó. Nếu bạn yêu thương tất cả mọi sự, thì bạn cũng sẽ nắm bắt được mầu nhiệm có trong tất cả mọi sự” (Flor McCarthy).

Thánh Augustinô khi nói về mức độ của tình yêu thì ngài nói rất chí lý: “Mức độ của tình yêu là không có mức độ nào”. Câu nói của Đức Khổng Tử cũng tương tự: “Tứ hải giai huynh đệ” : bốn bể là anh em.

* Chữ NHƯ. Nói lên chiều sâu của tình yêu. Phải yêu thương mọi người không trừ ai, lại còn phải yêu thương với một tình yêu sâu đậm như Đức Giêsu đã yêu thương chúng ta.

Trong Thông điệp “Ánh sáng rạng ngời”, Đức Gioan Phaolô 2 đã viết: “Chữ ‘như’ này đòi hỏi phải bắt chước Đức Giêsu, tình yêu của Người, mà rửa chân cho các môn đệ là một dấu chỉ cụ thể... Chữ “như”cũng chỉ mức độ mà Đức Giêsu đã yêu thương các môn đệ của mình, và các môn đệ của Người cũng phải yêu thương nhau bằng mức độ ấy” (Số 20).

b) Yêu thương là trao ban

Một trong các đặc tính của tình yêu là “trao ban”, là cho đi. Yêu là không muốn giữ lại cho mình mà muốn chia sẻ cho người khác.

Chính trong việc cho đi mà người ta tìm được hạnh phúc trong tình yêu như Paul Bourget nói: “Không khi nào người ta yêu như người ta đã được yêu, vì vậy, muốn đạt được hạnh phúc trong tình ái, chúng ta phải cho tất cả mà không đòi hỏi gì cả”.

Nếu tu viện trưởng Saint-Pierre quả quyết rằng: “Yếu tính của mọi tôn giáo, nền tảng của mọi chân lý, vương miện của mọi nhân đức căn cứ trên sự CHO và tha thứ”, thì thánh nữ Têrêsa Hài đồng đã thực hiện trong tình yêu đối với Chúa Giêsu trong mấy vần thơ mà thánh nữ sáng tác:

Sống yêu đương chính là cho tất cả,

Trên đời này không đòi hỏi công lao.

Không tính toán, không kể cho là bao,

Vì đã yêu có khi nào suy tính.

Truyện: Hai biển hồ

Palestine có hai biển hồ... Hai biển hồ này hoàn toàn khác nhau. Một biển hồ thường được gọi là biển hồ Galilêa. Đây là một biển hồ rộng lớn với nước trong xanh mà người ta có thể uống và cá cũng có thể sống trong đó. Chung quanh hồ là những vườn cây và thảm cỏ xanh tươi.

Biển hồ thứ hai tại Palestine là Biển Chết. Đúng như tên gọi của nó, không có sự sống nào ở trong cũng như chung quanh biển hồ này. Nước mặn đến nỗi cá không thể sống nổi, mà người cũng có thể trở nên bệnh hoạn nếu uống phải. Mùi hôi thối từ Biển Chết xông lên, khiến không ai muốn sống gần đó.

Có điều kỳ lạ là hai biển hồ này đều nhận nước từ cùng một nguồn là sông Jordan. Nước sông Jordan chảy vào Biển hồ Galilêa rồi từ đó tràn qua các hồ nhỏ và sông lạch khác. Hồ Galilêa nhận lãnh để rồi chia sẻ cho những hồ nhỏ khác, nhờ đó nước của nó luôn trong sạch và mang lại sức sống cho cây cỏ, muông thú cũng như con người.

Biển Chết cũng nhận nước từ sông Jordan, nhưng nó giữ lấy riêng cho mình, do đó nước của nó trở thành mặn chát và hôi thối.

Cho thì có phúc hơn nhận”. Càng trao ban, càng được nhận lãnh. Chúa đã yêu thương chúng ta vô bờ bến, và Ngài không muốn cho chúng ta giữ lại cho riêng mình, nhưng là chia sẻ tình yêu ấy cho mọi người chung quanh. (Cử hành Phụng vụ Chúa nhật, năm B, tr 154)

c) Yêu là hy sinh.

Tục ngữ Tây phương có câu: “Partir, c’est mourir un peu”: ra đi là chết trong lòng một ít. Lìa xa nhau là một hy sinh, hy sinh làm ta đau khổ và đau khổ được coi như chết trong lòng một ít. Tình yêu chân thật đòi phải hy sinh, mà hy sinh càng lớn thì tình yêu càng sâu đậm, càng tha thiết: “Nếu biết tình yêu có chân thật hay không, hãy bỏ tình yêu vào máy ép, nếu nó tiết ra chất nước hy sinh vô vị lợi, đó là tình yêu thật” (Pierre l’Ermite).

Yêu là hy sinh và hy sinh lớn nhất là cho đi chính mạng sống của mình như Đức Giêsu đã nói: “Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của kẻ hy sinh mạng sống vì bạn hữu mình(Ga 15, 13).

Nếu đọc cuốn tiểu thuyết “Anh phải sống” của nhà văn Khái Hưng, ta thấy cũng có một nhân vật dám thực hiện lời khuyên trên của Đức Giêsu. Câu truyện ấy gồm tóm như sau: Hai vợ chồng nghèo đi kiếm củi trên ngàn để bán lấy tiền nuôi con. Hôm đó trời giông bão, họ bị nước cuốn trôi. Chỉ có một khúc cây đủ sức cho một người bám. Người chồng bảo vợ hãy bám vào khúc cây, vì “em phải sống để lo cho các con”. Người vợ cũng bảo chồng “Anh phải sống”. Cuối cùng người vợ buông tay, tự tìm lấy cái chết cho mình, để nhường sự sống lại cho chồng và các con.

Tình yêu có cái giá của nó. Yêu là chấp nhận rằng chúng ta có thể phải chết đi bằng một cái chết khác, trước khi chúng ta chết thật. Con đường yêu thương là con đường của thập giá, và chỉ thông qua con đường thập giá, mà chúng ta mới đến được với sự sống lại. Nếu nỗi đau khổ dạy chúng ta về cách thức yêu thương, thì không có gì là khủng khiếp, khi phải chịu đôi chút đau khổ trên trái đất này.

d) Yêu đòi sự thành thật

Thánh Gioan Tông đồ luôn khuyên nhủ tín hữu hãy yêu thương nhau. Yêu thì có năm bảy đường yêu, nhưng tình yêu đòi hỏi sự chân thật. Ngài khuyên: “Hỡi anh em là những người con bé nhỏ, chúng ta đừng yêu nhau nơi đầu môi chót lưỡi, nhưng phải yêu thương cách chân thật và bằng việc làm; căn cứ vào điều đó chúng ta biết rằng chúng ta đứng về phía sự thật, và chúng ta sẽ được an lòng trước mặt Thiên Chúa” (1Ga 3, 16-18).

Nhiều người chỉ yêu thương hời hợt bên ngoài, lòng họ chẳng yêu gì, đúng là họ chỉ yêu trên đầu môi chót lưỡi như thánh Gioan đã nói ở trên. Vì thế người ta nói:

Tôi yêu anh vạn

Tôi mến anh nghìn.

Anh có ăn thuốc đưa tiền tôi mua.

Những người này bị người ta liệt vào loại:

Thương miệng thương môi

Thương miếng xôi miếng thịt.            

Truyện vui: Cớ sao ông lại chết?

Trong một bãi tha ma tối đen như mực, có một người đàn ông đã 5 ngày liền ngồi buồn rầu trên một nấm mồ và luôn miệng nói một câu thảm thiết “Cớ sao ông lại chết? Cớ sao ông lại chết để tôi khổ thế này?”

Người hầu tìm thấy ông ta, muốn an ủi, bèn hỏi:

- Người quá cố là cha hay anh ông vậy?

Con người khốn khổ rên rỉ:

- Không phải cha, không phải anh. Đó là người chồng trước của vợ tôi đấy !!!

3. Đức Giêsu, khuôn mẫu của tình yêu

Giới trẻ ngày nay thích đi chọn thần tượng cho mình để học đòi bắt chước. Đối với họ, thần tượng của họ là lý tưởng của đời mình, họ ra công học đòi bắt chước để trở nên giống thần tượng của họ trong cách ăn mặc, nói năng, đi đứng... Vì thế, họ đi tìm thần tượng của họ nơi các ca sĩ nhạc trẻ, nơi các cầu thủ bóng đá, nơi người trí thức, nơi các nhà chính trị xuất sắc...

Nhưng có một người mà suốt 2000 năm nay đã rất nổi tiếng, đã được người ta suy tôn là thần tượng tuyệt vời mà họ không biết, đó là Đức Giêsu Kitô. Thần tượng này đã dám khuyên mọi người hãy bắt chước cách sống của mình để trở nên giống mình: “Các con hãy học cùng Ta, vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng”(Mt 11, 29). Biết bao người đã say mê thần tượng đó, người ta đã tin theo và bảo vệ thần tượng đó mặc dầu phải hy sinh mạng sống mình.

Thần tượng ấy đã làm gương và khuyên nhủ chúng ta một điều mà mọi người cần phải thực hiện: “Đây là điều răn của Thầy: các con hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con” (Ga 15, 13). Rất nhiều người đã thực hành lời khuyên đó bằng cách thể hiện ra trong những việc làm cụ thể hằng ngày.

Truyện: Ngôi Nhà thờ

Trong một ngôi làng tại dãy núi Alpes ở Thụy sĩ, có một Nhà thờ nhỏ bé đã được sử dụng để làm nơi thờ tự, từ thế hệ này qua thế hệ khác. Mặc dù không có một tác phẩm nghệ thuật nào, nhưng người dân địa phương luôn luôn dùng một tình cảm đặc biệt cho ngôi Nhà thờ này. Điều này khiến cho nơi đây mang vẻ rất tươi đẹp trong đôi mắt của cư dân. Đó chính là nhờ câu chuyện ngôi Nhà thờ được xây dựng trên mảnh đất đặc biệt này như thế nào. Câu chuyện đó như sau:

Có hai anh em tạo dựng một nông trại gia đình, cùng chia sẻ sản phẩm và lợi nhuận cho nhau. Người anh đã kết hôn, người em còn độc thân. Khí hậu khắc nghiệt đưa đến hậu quả là đôi khi, huê lợi trở nên hiếm hoi.

Ngày kia, người em tự nhủ “Thật không công bình khi chia sản phẩm bằng nhau. Mình còn độc thân, nhưng anh mình còn phải nuôi cả một gia đình”. Vì thế, thỉnh thoảng, người em lại đi ra ngoài vào ban đêm, mang theo một túi hạt từ trong kho thóc của riêng mình, lặng lẽ băng qua cánh đồng nằm giữa hai ngôi nhà của hai anh em, và đổ vào thùng của người anh.

Đồng thời, người anh cũng có đồng một ý tưởng đó và tự nhủ “Thật không công bình khi chia sản phẩm bằng nhau. Mình có cả gia đình nâng đỡ mình, nhưng em mình vẫn độc thân”. Vì thế, thỉnh thoảng, người anh lại đi ra ngoài vào ban đêm, mang theo một túi hạt từ trong kho thóc của riêng mình, âm thầm đổ vào thùng của người em.

Việc này tiếp diễn trong nhiều năm, mỗi người đều thắc mắc không hiểu sao kho lúa của họ không bao giờ hao hụt đi. Thế rồi vào một đêm kia, họ đụng chạm với nhau trong bóng đêm. Sau khi nhận ra sự việc, họ bỏ túi hạt xuống, và ôm nhau. Đột nhiên, có một giọng nói xuất phát từ trên trời “Tại nơi đây, Ta sẽ xây dựng một ngôi Nhà thờ. Bởi vì ở đâu con người gặp gỡ nhau trong lòng yêu thương, thì ở đó, có sự hiện diện của Ta” (Flor McCarthy, Phụng vụ Chúa nhật, năm B, tr 271-272).

 

4. Suy niệm (Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ.)

RA ĐI SINH HOA TRÁI

Có người cho rằng Tin Mừng Gioan có tính cục bộ

vì Đức Giêsu chỉ đòi các môn đệ rửa chân cho nhau,

hay yêu thương nhau (Ga 13, 14; 15, 12).

Không thấy Ngài nói đến việc yêu thương dân ngoại,

hay yêu thương kẻ thù (Mt 5, 44).

Có vẻ cộng đoàn của Gioan là một cộng đoàn khép kín,

Thầy trò chỉ biết lo cho nhau, ở lại trong nhau (Ga 15, 4).

 

Thật ra Tin Mừng Gioan là một Tin Mừng mở ra với thế giới.

Đức Giêsu đã đến với người phụ nữ Samaria bên bờ giếng,

và đã ở lại với thành phố ngoại giáo Xy-kha hai ngày (Ga 4, 40).

Ngài không chỉ quan tâm đến những con chiên trong ràn,

mà còn muốn đưa về những con chiên ngoài ràn nữa (Ga 10, 16).

Ngài đòi các môn đệ phải đi rao giảng,

phải dùng lời của mình mà làm cho người ta tin (Ga 17, 20).

Biết bao lần Đức Giêsu sai phái họ vào trong thế gian (Ga 17, 18),

dù đó là thế gian thù ghét và toan tính hãm hại Ngài (Ga 15, 18).

 

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Thầy Giêsu đã gọi môn đệ là bạn.

Bạn là người được Thầy yêu đến cùng,

yêu đến độ dám hy sinh mạng sống (Ga 15, 9.12).

Bạn là người được Thầy thổ lộ tương quan giữa Thầy với Cha,

những mặc khải mà chỉ mình Thầy mới có thể vén mở (Ga 15, 15),

vì Thầy hằng ở trong cung lòng Cha (Ga 1, 18).

Bạn là người đã thi hành những điều Thầy truyền,

đã tuân giữ nghiêm cẩn điều răn Thầy dạy (Ga 15, 14),

mà điều răn quan trọng và mới mẻ là hãy yêu mến nhau.

Bạn của Thầy là người có khả năng yêu mến anh em mình,

yêu như Thầy đã yêu, yêu bằng tình yêu lớn nhất,

tình yêu dám hiến mạng cho anh em (Ga 15, 12)

Bạn là người được hưởng niềm vui trọn vẹn,

vì luôn ở lại trong tình yêu của Thầy (Ga 15, 10-11).

 

Bạn hữu của Thầy Giêsu là những cành nho của cùng một cây,

Thầy chính là cây nho trao ban sự sống.

Thầy và từng người bạn nối kết với nhau như cành với cây.

Từ đó Thầy tạo ra sự liên kết giữa các cành.

Các cành không phải là những đơn vị rời rạc,

nhưng là những người được nuôi bằng cùng một dòng nhựa.

Họ gắn bó với nhau vì cùng gắn bó với Thầy Giêsu,

cùng được cắt tỉa và cùng sinh trái ngọt.

Một cành bị sâu cũng ảnh hưởng trên các cành khác.

Cành sinh trái nhiều là niềm vinh dự cho Chúa Cha (Ga 15, 8),

và là niềm vui cho cả cây nho lẫn các cành (Ga 15, 11).

Các môn đệ sinh trái khi họ ở lại trong Thầy Giêsu,

và sống yêu thương nhau như Thầy đã yêu.

Nhưng tình Thầy trò lại không dẫn vào một thế giới khép,

vì chính Thầy đã chủ động chọn các môn đệ,

và đã cắt đặt để họ ra đi và sinh trái (Ga 15, 16).

“Ở lại trong” Thầy không chỉ là để hưởng thụ một tình bạn,

nhưng còn là được sai vào thế giới những người chưa tin.

Chỉ ai “ở lại trong” mới được sai vào thế giới.

Có cả một thế giới mênh mông, một đồng lúa chín vàng đang chờ.

Người môn đệ phải sinh trái vừa nhiều, vừa bền vững,

ngay giữa lòng một thế giới đầy hận thù, ích kỷ, đói nghèo,

một thế giới bệnh tật cần được chữa lành, cần được yêu thương.

 

Cộng đoàn các kitô hữu là cộng đoàn của những người bạn,

bạn của Thầy Giêsu và bạn của nhau,

ở lại trong Thầy và ở lại trong nhau.

Từ đó họ cũng là cộng đoàn được sai vào thế giới,

để gặp gỡ và tạo nên những tình bạn mới trong Giêsu.

Chỉ mong ở đâu họ cũng sinh trái xum xuê.

 

LỜI NGUYỆN

 

Lạy Cha,

Cha muốn cho mọi người được cứu độ

và nhận biết chân lý,

chân lý mà Cha đã bày tỏ nơi Đức Giêsu, Con Cha.

 

Xin Cha nhìn đến hàng tỷ người

chưa nhận biết Đức Giêsu,

họ cũng là những người được cứu chuộc.

 

Xin Cha thôi thúc nơi chúng con

khát vọng truyền giáo,

khát vọng muốn chia sẻ niềm tin và hạnh phúc,

niềm vui và bình an của mình cho tha nhân,

và khát vọng muốn giới thiệu Đức Giêsu cho thế giới.

 

Chúng con thấy mình nhỏ bé và bất lực

trước sứ mạng đi đến tận cùng trái đất

để loan báo Tin Mừng.

Chúng con chỉ xin đến

với những người bạn gần bên,

giúp họ quen biết Đức Giê su và tin vào Ngài,

qua đời sống yêu thương cụ thể của chúng con.

 

Chúng con cũng cầu nguyện

cho tất cả những ai đang xả thân lo việc truyền giáo.

Xin Cha cho những cố gắng của chúng con

sinh nhiều hoa trái. Amen.

 

5. Suy niệm (Maria Nguyễn Nguyệt)

HÃY YÊU MẾN NHAU

Phụng vụ Lời Chúa ngày hôm nay nối tiếp phụng vụ Lời Chúa của Chúa Nhật tuần trước. Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy “ở lại” trong tình yêu của Ngài. Ngài đã chỉ cho chúng ta phương cách để có thể “ở lại” với Ngài cách hữu hiệu và thiết thực nhất, đó là Tuân giữ giới răn Yêu Thương của Ngài.

Yêu và được yêu là nhu cầu của tất cả mọi người. Nó là giá trị tinh thần cao nhất mà con người có thể lưu giữ và trao tặng cho nhau. Tình yêu là thứ không thể cân đo đong đếm, không thể đụng chạm nhưng chỉ có thể cảm nhận bằng trái tim mà thôi. Chỉ có con tim mới có thể cảm nhận và trắc nghiệm được mình yêu ai và người khác có yêu mình hay không.

Chúa Giêsu thể hiện tình yêu với những người cùng thời rất thiết thực: Ngài yêu và chăm lo cho mọi người cả về của ăn thiêng liêng lẫn thể xác. Ngài dạy họ hiểu biết về Nước Trời và Lề luật. Ngài chữa lành bệnh tật cho họ và giải thoát họ khỏi sự kìm kẹp của luật cũ. Sau cùng, Ngài đã chết trên thánh giá để cứu chuộc con người chúng ta, giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi và ban lại tự do cho chúng ta. Chúa Giêsu đã nêu gương Yêu cho đến cùng để dạy chúng ta bài học yêu thương

Thế giới đang phải đối diện với sự biến chủng phức tạp của Coronavirus khiến cho nhiều người rơi vào tuyệt vọng. Tuy nhiên, vẫn còn đó biết bao y bác , các linh mục, tu và những người thiện nguyện sẵn sàng hy sinh bản thân mình để cứu chữa và nâng đỡ các bệnh nhân. Sự hiến thân của họ đã chứng minh rằng tình yêu mạnh hơn sự chết.

Tình yêu chính là vũ khí mạnh mẽ nhất tồn tại trong trái tim họ, thôi thúc họ bỏ mình, bỏ sự an toàn cá nhân và đi đến những nơi đang cần giúp đỡ. Họ chính là những người đang sống mệnh lệnh mà Chúa Giêsu truyền dạy: Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Yêu thương chính là con đường ngắn nhất để chúng ta được ở lại trong tình yêu của Chúa. Chúng ta hãy noi gương Chúa Giêsu trong việc thực thi Thánh ý của Chúa Cha. Chúng ta hãy mến Chúa Giêsu, năng gắn kết đời sống của mình với Thánh Thể để Chúa Giêsu ở trong ta và làm cho con tim chúng ta biết yêu như Ngài đã yêu.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho mỗi người chúng con luôn biết mau mắn và vui vẻ tuân giữ giới luật Yêu thương của Chúa. Xin Chúa giúp chúng con biết yêu thương người khác như Chúa đã yêu chúng con. Xin Chúa ở lại và làm cho con tim của chúng con trở nên mềm dẻo hơn, hầu chúng con biết yêu và thể hiện tình yêu ấy với mọi anh chị em xung quanh chúng con. Amen.

Tag:

2024-05-05