Chúa nhật 6 Phục sinh năm C (Ga 14,23-29)

Đức GiêSu Đã, Đang Và Mãi Mãi Yêu Chúng Ta Cho Đến Cùng

"Tình yêu Đức Kitô thúc bách chúng ta"

Chúa nhật 6 Phục sinh năm C (Ga 14,23-29)

Chúa nhật 6 Phục sinh năm C (Ga 14,23-29)

Thánh Thần sẽ làm cho anh em
nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em.

Bài đọc 1: Cv 15,1-2.22-29

Thánh Thần và chúng tôi quyết định: Không đặt lên vai anh em một gánh nặng nào khác ngoài những điều cần thiết.

Bài trích sách Công vụ Tông Đồ.

1 Hồi ấy, có những người từ miền Giu-đê đến An-ti-ô-khi-a dạy các anh em rằng: “Nếu anh em không chịu phép cắt bì theo tục lệ Mô-sê, thì anh em không thể được cứu độ.” 2 Ông Phao-lô và ông Ba-na-ba chống đối và tranh luận khá gay go với họ. Người ta bèn quyết định cử ông Phao-lô, ông Ba-na-ba và một vài người khác lên Giê-ru-sa-lem gặp các Tông Đồ và các kỳ mục, để bàn về vấn đề đang tranh luận này.

22 Bấy giờ các Tông Đồ và các kỳ mục, cùng với toàn thể Hội Thánh, quyết định chọn mấy người trong các ông, để phái đi An-ti-ô-khi-a với ông Phao-lô và ông Ba-na-ba. Đó là ông Giu-đa, biệt danh là Ba-sa-ba, và ông Xi-la, những người có uy tín trong Hội Thánh. 23 Các ông trao cho phái đoàn bức thư sau:

“Anh em Tông Đồ và kỳ mục chúng tôi gửi lời chào anh em gốc dân ngoại tại An-ti-ô-khi-a, tại miền Xy-ri và Ki-li-ki-a. 24 Chúng tôi nghe biết có một số người trong chúng tôi, không được chúng tôi uỷ nhiệm, mà lại đi nói những điều gây xáo trộn nơi anh em, làm anh em hoang mang. 25 Vì thế, chúng tôi đã đồng tâm nhất trí quyết định chọn một số đại biểu, và phái họ đến với anh em, cùng với những người anh em thân mến của chúng tôi là ông Ba-na-ba và ông Phao-lô, 26 những người đã cống hiến cuộc đời vì danh Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta. 27 Vậy chúng tôi cử ông Giu-đa và ông Xi-la đến trình bày trực tiếp những điều viết sau đây: 28 Thánh Thần và chúng tôi đã quyết định không đặt lên vai anh em một gánh nặng nào khác ngoài những điều cần thiết này: 29 là kiêng ăn đồ đã cúng cho ngẫu tượng, kiêng ăn tiết, ăn thịt loài vật không cắt tiết, và tránh gian dâm. Anh em cẩn thận tránh những điều đó là tốt rồi. Chúc anh em an mạnh.”

 

Đáp ca: Tv 66,2-3.5.6 và 8 (Đ. c.4)

Đ.Ước gì chư dân cảm tạ Ngài, lạy Thiên Chúa,
chư dân phải đồng thanh cảm tạ Ngài!

2Nguyện Chúa Trời dủ thương và chúc phúc,
xin toả ánh tôn nhan rạng ngời trên chúng con,
3cho cả hoàn cầu biết đường lối Chúa,
và muôn nước biết ơn cứu độ của Ngài.

Đ.Ước gì chư dân cảm tạ Ngài, lạy Thiên Chúa,
chư dân phải đồng thanh cảm tạ Ngài!

5Ước gì muôn nước reo hò mừng rỡ,
vì Chúa cai trị cả hoàn cầu theo lẽ công minh,
Người cai trị muôn nước theo đường chính trực
và lãnh đạo muôn dân trên mặt đất này.

Đ.Ước gì chư dân cảm tạ Ngài, lạy Thiên Chúa,
chư dân phải đồng thanh cảm tạ Ngài!

6Ước gì chư dân cảm tạ Ngài, lạy Thiên Chúa,
chư dân phải đồng thanh cảm tạ Ngài.
8Nguyện Chúa Trời ban phúc lộc cho ta!
Ước chi toàn cõi đất kính sợ Người!

Đ.Ước gì chư dân cảm tạ Ngài, lạy Thiên Chúa,
chư dân phải đồng thanh cảm tạ Ngài!

 

Bài đọc 2: Kh 21,10-14.22-23

Thiên Thần chỉ cho tôi thấy Thành Thánh từ trời mà xuống.

Bài trích sách Khải huyền của thánh Gio-an tông đồ.

10 Tôi là Gio-an, đang khi tôi xuất thần, thì một thiên thần đem tôi lên một ngọn núi cao hùng vĩ, và chỉ cho tôi thấy Thành Thánh, là Giê-ru-sa-lem, từ trời, từ nơi Thiên Chúa mà xuống, 11 chói lọi vinh quang Thiên Chúa. Thành rực sáng tựa đá quý tuyệt vời, như ngọc thạch trong suốt tựa pha lê. 12 Thành có tường rộng và cao, với mười hai cửa do mười hai thiên thần canh giữ, và trên các cửa có ghi tên mười hai chi tộc con cái Ít-ra-en. 13 Phía đông có ba cửa, phía bắc ba cửa, phía nam ba cửa và phía tây ba cửa. 14 Tường thành xây trên mười hai nền móng, trên đó có tên mười hai Tông Đồ của Con Chiên.

22 Trong thành, tôi không thấy có Đền Thờ, vì Đức Chúa, Thiên Chúa Toàn Năng, và Con Chiên là Đền Thờ của thành. 23 Thành chẳng cần mặt trời mặt trăng chiếu sáng, vì đã có vinh quang Thiên Chúa toả rạng, và Con Chiên là ngọn đèn chiếu soi.

 

Tin mừng: Ga 14, 23-29

23 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy.

24 Ai không yêu mến Thầy, thì không giữ lời Thầy. Và lời anh em nghe đây không phải là của Thầy, nhưng là của Chúa Cha, Đấng đã sai Thầy.

25 Các điều đó, Thầy đã nói với anh em, đang khi còn ở với anh em.

26 Nhưng Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em.

27 “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi.

28 Anh em đã nghe Thầy bảo: ‘Thầy ra đi và đến cùng anh em’. Nếu anh em yêu mến Thầy, thì hẳn anh em đã vui mừng vì Thầy đi về cùng Chúa Cha, bởi vì Chúa Cha cao trọng hơn Thầy.

29 Bây giờ, Thầy nói với anh em trước khi sự việc xảy ra, để khi xảy ra, anh em tin.”

 

1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)

Suy niệm: “Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ lời Thầy”. Ðức Giêsu muốn nhấn mạnh mối liên kết giữa lòng yêu mến và sự trung thành với giáo huấn của Ngài. Không thể nói yêu Ngài nếu không nghe lời Ngài. Không thể thi hành lời Ngài trọn vẹn nếu không vì yêu Ngài. Tình yêu được biểu hiện cụ thể qua hành động tuân giữ trong sự tự nguyện.

Ðiều khát mong của Ðức Giêsu được bày tỏ qua lời trăn trối: “hãy yêu thương nhau”. Yêu Chúa thật là yêu thật mọi người.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, xin ban Thánh Thần đến dạy dỗ chúng con, để chúng con biết yêu Chúa một cách chân tình, biết trung thành thực thi giáo huấn của Chúa vì tình yêu mến chứ không phải do sợ hãi bó buộc. Chỉ có một điều làm chúng con lo lắng băn khoăn là chúng con sợ làm buồn lòng Chúa mà thôi. Amen.

 

2. Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)

ĐỨC GIÊSU VẪN HIỆN DIỆN

A. DẪN NHẬP

Bài Tin mừng hôm nay là một đoạn trích trong bài diễn từ giã biệt của Đức Giêsu (Ga 13, 31; 14, 31). Việc Đức Giêsu ra đi đã làm cho các môn đệ buồn sầu lo lắng, không biết tương lai sẽ ra sao. Thấy vậy, Đức Giêsu đã trấn an các ông, Người khuyên các ông “đừng xao xuyến và buồn sầu” (Ga 14, 27), vì Người ra đi rồi sẽ trở lại với các ông bằng một cách thế khác

Đức Giêsu khuyên các ông hãy giữ mối tình thắm thiết với Người, đừng “cách mặt xa lòng”, và cách thế để tỏ lòng yêu mến đối với Người là hãy thực hiện những điều Người truyền dạy: “Nếu các con yêu mến Thầy, thì hãy tuân giữ các giới răn của Thầy” (Ga 14, 5). Và tuân giữ lời Người là thước đo cụ thể và chính xác nhất lòng yêu mến của các ông đối với Người.

Đức Giêsu còn cho các ông biết việc Người ra đi thì có lợi cho các ông hơn, vì Người có ra đi thì Thánh Thần mới được sai đến để dạy dỗ và nhắc nhở các ông, giúp các ông hiểu thấu đáo hơn những lời nói và việc làm của Người khi còn tại thế: “Thầy ra đi thì có lợi cho các con. Thật vậy, nếu Thầy không ra đi, Đấng Bảo Trợ sẽ không đến với các con; nhưng nếu Thầy đi, Thầy sẽ sai Đấng ấy đến với các con” (Ga 16, 7).

Sau cùng, Đức Giêsu còn hứa ban cho các môn đệ sự bình an riêng của Người. Đây là sự bình an đặc biệt, bình an nội tâm, một sự bình an tuyệt hảo mà chỉ Thiên Chúa mới có thể ban tặng cho chúng ta: “Thầy để lại bình an cho các con. Thầy ban cho các con bình an của Thầy, Thầy ban cho các con không như thế gian ban tặng” (Ga 14, 27).

B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA

+ Bài đọc 1: Cv 15, 1-2.22-29

Ngay từ ban đầu, Hội thánh cũng gặp một ít trục trặc, nhưng đã được Chúa Thánh Thần hướng dẫn. Số là đang khi Phaolô và Barnabê truyền giáo cho dân ngoại thì có những người Do thái từ Giêrusalem đến buộc dân ngoại tân tòng phải cắt bì và phải tuân giữ luật của Maisen. Hai vị truyền giáo không đồng ý nên trình vấn đề này lên Hội thánh.

Các Tông đồ đã họp hội nghị tại Giêrusalem và ra quyết nghị: những người ngoại tân tòng chỉ phải giữ những cái tối thiểu. Hội nghị đã cử Phaolô, Barnabê và mấy vị khác đến Antiochia với sứ mạng báo tin cho họ: chỉ cần giữ những điều cần thiết, đó là kiêng ăn đồ đã cúng cho ngẫu tượng, kiêng ăn tiết, ăn thịt loài vật không cắt tiết và tránh gian dâm.

+ Bài đọc 2: Kh 21, 10-23

Trong một thị kiến khác, thánh Gioan được trông thấy “kinh thành muôn thuở” lý tưởng trong tương lai. Đó là hình ảnh uy nghi của Giêrusalem mới được trình bày cho chúng ta:

Thành từ trên trời ngự xuống.

Rất xinh đẹp và tươi sáng.

Thành không có đền thờ vì chính Thiên Chúa là đền thờ của thành; thành cũng không có mặt trời mặt trăng, vì chính Thiên Chúa là ánh sáng của thành.

Đó là Hội thánh tương lai trên trời khi vương quốc của Thiên Chúa sẽ đến trong vinh quang trọn vẹn.

+ Bài Tin mừng: Ga 14, 23-29

Bài Tin mừng lấy từ bài diễn từ của Đức Giêsu trong bữa Tiệc Ly, và ý chính là sự ra đi sắp xảy ra của Người. Người bảo đảm cho các môn đệ rằng Người sẽ không để cho họ mồ côi. Dù Người ra đi, Người và họ sẽ không rời nhau. Nếu họ giữ lời Người, họ sẽ được đưa vào trong tình yêu của Chúa Cha và Chúa Con. Chính Thánh Thần sẽ nhắc họ lời Người.

Trong dịp này, Người trấn an các môn đệ trong cuộc ra đi của Người. Vì thế, Người hứa ban cho các ông sự bình an, một thứ bình an đặc biệt mà thế gian không thể ban cho các ông.

C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA: Những lời hứa của Đức Giêsu

I. SỰ HIỆN DIỆN MỚI CỦA ĐỨC GIÊSU

Sự ra đi của Đức Giêsu

Trong suốt thời gian rao giảng Tin mừng của Đức Giêsu, các môn đệ đã được Người rao giảng về Nước trời, được nghe những lời Người giảng, chứng kiến những việc Người làm, nhưng các ông chưa hiểu được ý Chúa. Các ông cứ tưởng Chúa mời gọi mình để được hưởng đặc quyền đặc lợi, được ăn trên ngồi trốc, được quyền lãnh đạo và được mọi người tôn trọng trong Nước Người sắp thành lập.

Nhưng không, trong bữa Tiệc Ly, Đức Giêsu nói về sự ra đi của Người: Người sẽ bị bắt, bị đánh đòn, bị giết chết, nhưng sau ba ngày sẽ sống lại. Thật là một tin sét đánh làm cho các ông chao đảo. Các ông chìm vào sự đau buồn trước viễn cảnh mất Người. Họ không muốn Người đi, họ muốn giữ Người lại vì “Ra đi là chết trong lòng một ít”.

Các ông cảm thấy lo sợ vì như sống trong cảnh rắn mất đầu, các ông sẽ phải cô đơn, phải gặp nhiều trắc trở và gian nan thử thách. Tương lai còn mù mịt, không biết số phận mình sẽ rao sao. Đức Giêsu hiểu rõ tâm trạng của các ông.

Những lời khích lệ của Đức Giêsu

Đức Giêsu nói với họ rằng Người không để cho họ mồ côi đâu. Người ra đi rồi sẽ trở lại với họ, để bắt đầu giữa họ và trong họ một cách hiện diện khác, mầu nhiệm, chỉ dành cho những ai trung tín với lời Người. Người không có ý đề cập đến sự trở lại với hình dạng thể lý, cũng không phải sự trở lại huy hoàng trong ngày thế mạt, nhưng, ngay từ bây giờ, là sự hiệp thông nghĩa thiết với Thiên Chúa trong mầu nhiệm Ba Ngôi: “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy, Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy, chúng ta sẽ đến và ở lại với người ấy” (Ga 14, 23).

Đức Giêsu còn cho biết việc ra đi của Người sẽ có lợi cho các ông hơn, vì như Người nói: “Các con sẽ buồn vì nghe nói Thầy phải rời xa các con. Lòng các con sẽ buồn sầu và sợ hãi, nhưng này Thầy bảo cho chúng con biết Thầy ra đi sẽ tốt cho các con hơn, vì khi ấy, Cha Thầy sẽ sai Thánh Thần đến giúp các con tăng trưởng theo một cách thức mới”.

Hay nói cách khác, Đức Giêsu nói cho các môn đệ biết đã đến giờ Người phải rời xa các ông ít lâu, đã đến giờ họ phải bắt đầu một giai đoạn mới trong việc phát triển tâm linh, đã đến giờ họ cần được phát triển theo một phương cách mới.

Đức Giêsu nhấn mạnh cho các ông tư tưởng này là hãy bình tĩnh: “Các con đừng xao xuyến và sợ hãi” (Ga 14, 27). Người không bỏ rơi các ông nhưng luôn hiện diện với các ông bằng một cách thức khác mà các ông không ngờ.

Truyện: Thầy đã vác con trên vai

Chúa Giêsu và một thanh niên cùng đồng hành trên một bãi cát dài trên biển. Bốn vết bàn chân hằn lên rõ trên mặt cát. Nhưng khi chàng thanh niên chẳng may gặp phải khó khăn thử thách, anh ta liền nhìn xuống mặt cát thì chỉ thấy còn lại hai dấu bàn chân. Anh kinh ngạc thất vọng kêu lên:

- Thưa Thầy, lúc nãy Thầy trốn đi đâu để con bước đi một mình?

Chúa Giêsu nhỏ nhẹ bảo anh ta:

- Con thử nhìn kỹ xem, coi đó là những vết chân của ai?

Nghe lời Chúa, anh thanh niên nhìn kỹ lại thì mới tỉnh ngộ ra, đó là những dấu chân của Chúa. Anh ta vội thắc mắc la lên:

- Vậy thưa Thầy, lúc đó con ở đâu?

Chúa âu yếm trả lời:

- Con ạ, những lúc con gặp khó khăn gian nan, chính khi đó Thầy biết con không đủ sức chịu đựng, nên Thầy đã vác con trên vai Thầy để cứu giúp con khỏi hoạn nạn đấy.

Dĩ nhiên đây là câu chuyện tưởng tượng, nhưng lại là một câu chuyện đầy ý nghĩa, vì nó nói lên được một sự thật mà có lẽ ngày xưa các Tông đồ cũng như ngày nay chúng ta đều không nhận ra hoặc chưa tìm hiểu cặn kẽ: đó là Chúa luôn luôn hiện diện bên ta để bênh vực giúp đỡ ta.

Một chân lý thật đơn giản và rõ ràng. Vì suốt trong thời gian truyền đạo, riêng tư cũng như công khai, Chúa Giêsu luôn nhắc đi nhắc lại câu nói: “Thầy ở với các con mọi ngày cho đến tận thế”. Thế thì tại sao trong cuộc sống hằng ngày, nhất là những lúc gặp gian nan khốn khó chúng ta hầu như quên sự hiện diện của Chúa, thậm chí đôi lúc có những người đối xử, ăn nói kiểu như không có Chúa nữa.

Những lời căn dặn của Đức Giêsu

Người ta thường nói: “Cách mặt xa lòng” (Tục ngữ) nghĩa là xa nhau thì dễ quên nhau. Đây là một kinh nghiệm rất phổ biến, vì nó thường xảy ra hằng ngày một cách rất tự nhiên. Đức Giêsu muốn đề phòng cho các môn đệ khỏi lâm vào cảnh đau lòng “cách mặt xa lòng”, nên trước khi về trời, về cùng Chúa Cha, Người đã đảm bảo với môn đệ rằng về phía Thiên Chúa không có chuyện xa mặt cách lòng, và về phía con người cần phải giữ lời Thầy để “cách mặt, nhưng gần lòng”.

Về phía Thiên Chúa

Đức Giêsu đảm bảo với các môn đệ rằng về phía Thiên Chúa không có cách mặt xa lòng đâu. Chúng ta có thể trưng ra những câu Đức Giêsu nói với các ông trong bữa Tiệc Ly:

- “Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở với các con (Ga 14, 23).

- “Cha Thầy phái đến nhân danh Thầy, Đấng bào chữa là Thánh Thần sẽ dạy các con mọi điều và sẽ làm cho các con nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với các con” (Ga 14, 26).

- Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế, chứ không để các con mồ côi đâu.

Như vậy, cả Ba Ngôi Thiên Chúa đều đến ở trong các con, các con được yêu mến, dạy dỗ, được bào chữa nâng đỡ và được ban phúc bình an, không còn phải xao xuyến, sợ hãi, mà còn được vui mừng về cùng Chúa Cha cao trọng hơn Thầy. Vậy, về phía Đức Giêsu, Người càng xa mặt về phần xác bao nhiêu, thì về phía thiêng liêng càng gắn bó kết hợp với các con ở khắp mọi nơi mọi lúc.

Về phía loài người

Để đề phòng khi xa mặt Chúa, mà lòng mình không xa Chúa, thì Đức Giêsu đã bảo: “Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ lời Thầy” (Ga 14, 23). Giữ lời Thầy là một trắc nghiệm rõ nhất, chính xác nhất về lòng mến Chúa.

Đức Giêsu đã nói: “Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ lời ThầyAi không yêu mến Thầy, thì không giữ lời Thầy”. Câu nói này đủ xác định thế nào là yêu mến Chúa, nghĩa là dấu hiệu, bằng chứng để chúng ta biết được hay người khác biết được chúng ta yêu mến Chúa là chúng ta tuân giữ lời Chúa. Vì đây cũng là thước đo lòng yêu mến của chúng ta đối với Chúa nhiều hay ít, đó là chúng ta giữ lời Chúa nhiều hay ít.

Chúa bảo chúng ta hãy tuân giữ lời Chúa, nhưng lời Chúa ở đâu? Nếu trả lời một cách ngắn gọn, chúng ta có thể nói: lời Chúa chứa đựng trong Sách thánh, tức là trong Kinh thánh. Nhưng nếu hiểu rộng ra, chúng ta có thể nói: lời Chúa còn chứa đựng trong Thánh truyền, tức là một phần mạc khải được lưu lại dưới hình thức truyền khẩu và trong giáo huấn của các giáo phụ. Lời Chúa còn chứa đựng trong Phụng vụ, tức là những gì Giáo hội sống và thể hiện trong sinh hoạt phụng tự. Và lời Chúa còn chứa đựng trong đời sống của Giáo hội, tức là giáo huấn của các công đồng, các Đức Giáo hoàng, các Giám mục…

Tóm lại, Kinh thánh, Thánh truyền, phụng vụ và giáo huấn của Giáo hội, đó là những kho tàng chứa đựng lời Chúa. Nhưng thông thường và cụ thể, mỗi khi nói đến lời Chúa, chúng ta thường hiểu là Thánh kinh, nhất là sách Tin mừng.

Ngoài ra, Đức Giêsu muốn cho các môn đệ và chúng ta khi xa mặt Chúa, phải có đức tin vững vàng trong cơn gian nan thử thách. Thiên Chúa xếp đặt cho chúng ta phải trải qua một thời kỳ gian khổ, để ta trưởng thành về tâm linh. Nhưng trong suốt thời gian chịu đựng thử thách đó, Thiên Chúa không bỏ rơi ta. Người luôn ở trong ta để động viên và giúp đỡ ta vượt qua gian khổ, để đức tin của ta ngày càng mạnh mẽ và trưởng thành.

Truyện: Con kén và con bướm

Ngày nọ, một chuyên gia sưu tầm các loài bướm vào một công viên, thấy một cái kén lạ treo lơ lửng trên cành cây, ông ta liền bứt lấy cành cây ấy và đem kén bướm về nhà nghiên cứu. Ít ngày sau, ông thấy có cái gì động đậy bên trong kén. Ông biết là sắp tới lúc con bướm nở. Hôm sau, cái kén lại nhúc nhích, nhưng cũng chẳng có gì khác xảy ra. Ngày thứ ba vẫn thấy kén nhúc nhích mà con bướm bên trong cũng không ra được. Nghĩ rằng tại cái kén mà bướm không ra được, ông lấy con dao sắc ra rạch vỏ kén giúp nó ra ngoài. Có điều sau một ngày mà con bướm vẫn không bay ra được, và cuối cùng nó chết.

Về sau, ông được một người bạn thân là nhà côn trùng học cho biết lý do con bướm không bay ra được, là do thiên nhiên đã xếp đặt cho nó phải tự phấn đấu để thoát ra khỏi cái kén. Ngày nào nó phát triển đến độ tự mình đạp bể cái kén chui ra ngoài, thì mới chứng tỏ nó phát triển đầy đủ và mới có khả năng sinh tồn được trong thiên nhiên. Muốn làm con bướm bay trên ngàn hoa rực rỡ, thì bướm phải trải qua thời kỳ làm con sâu lặng lẽ, rồi phải ẩn mình trong cái kén một thời gian, đợi ngày phát triển đầy đủ. Còn nếu ông rạch cái kén giúp nó ra ngoài trước thời hạn, là ông vô tình tiêu huỷ khả năng phát triển và sinh tồn của nó.

Chúng ta chẳng khác gì con bướm nọ: Thiên Chúa đã hoạch định cho chúng ta phải đấu tranh gian khổ, để nhờ đó chúng ta được tiến triển về mặt tâm linh. Chúa đã an bài mọi sự để vào một số thời điểm trong cuộc sống chiêm niệm của chúng ta, vào một số thời điểm trong cuộc sống tín trung của chúng ta, vào một số thời điểm trong cuộc sống thiêng liêng của chúng ta, chúng ta phải nỗ lực gian khổ. Vào những thời điểm ấy, Thiên Chúa ở rất gần chúng ta. Chúa biết rõ chúng ta cần phải chịu gian khổ một thời gian vì lợi ích riêng của chúng ta, vì nhờ những gian khổ này chúng ta mới được tăng triển về mặt thiêng liêng để trở thành những Kitô hữu vững mạnh (M. Link, Giảng lễ Chúa nhật năm C, tr 133).

II. ĐỨC GIÊSU BAN THÁNH THẦN CHO CÁC MÔN ĐỆ

Nay Đức Giêsu ra đi, sự lưu truyền của Thiên Chúa trong Giáo hội không phải là một sự tồn kho bất động, bởi vì chính Chúa Thánh Thần, Đấng mà Chúa Cha sai đến nhân danh Đức Giêsu, làm nên sự lưu truyền này bằng cách dạy dỗ và nhắc nhở cho Giáo hội tất cả những gì Đức Giêsu đã ban bố khi còn ở trần gian.

Đúng vậy, Lời của Đức Giêsu không phải là một “sự vật”, nhưng là một “con người nào đó”. Dù Đức Giêsu đã ra đi, nhưng vẫn có một “Đấng khác” đến để tiếp tục Lời của Chúa Cha, một thầy phụ đạo thần linh, một thầy nội tâm, được Chúa Cha sai đến nhân danh Đức Giêsu.

Một thời kỳ đã kết thúc, thời kỳ người ta thấy được bằng mắt, nghe được bằng tai. Với biến cố Phục sinh, một thời kỳ mới bắt đầu, một cách thể khác cho liên hệ giữa Người và các môn đệ. Thời kỳ Chúa Thánh Thần mà “Cha sai đến nhân danh Thầy”. Người sẽ dẫn các ông tới chỗ hiểu thấu đáo lời nói và cử chỉ của Đức Giêsu.

Léon Dufour giải thích rằng: “Tiếp theo thời kỳ mạc khải của Đức Giêsu Nazareth, là thời kỳ của Đấng bầu chữa. Người tỏ lộ cùng một mạc khải, nhưng đầy đủ, trọn vẹn. Sứ vụ của Đức Giêsu ở trần gian kết thúc, nhưng đối với các môn đệ, Chúa Thánh Thần còn rọi sáng những lời Đức Giêsu dạy rõ hơn khi các ông nghe lúc trước” (Lecture de l’Evangile selon Jean, Seuil, tr 120).

Nhiệm vụ của Chúa Thánh Thần là dạy dỗ và nhắc lại những điều Đức Giêsu đã dạy lúc tại thế. Khi nói nhắc lại thì không phải chỉ là ôn lại, nhưng theo cách nói của Thánh kinh, là khám phá ra ý nghĩa lời nói và cử chỉ của Đức Giêsu dưới ánh sáng của biến cố Phục sinh.

Về vấn đề này, Léon-Dufour chú giải: “Khi nhắc các môn đệ nhớ lời của Đức Giêsu, Chúa Thánh Thần không chỉ lặp lại giọng điệu của Thầy cho những trí nhớ quá tệ, nhưng Người còn giải nghĩa dưới ánh sáng Phục sinh cho các ông nắm bắt được ý nghĩa mà, cho đến lúc này, còn rất tối tăm đối với các ông… Nhiệm vụ giải thích của Chúa Thánh Thần liên quan tới sứ điệp của Ngôi Con, nhằm làm cho cộng đoàn nơi mạc khải luôn được tiếp tục và hiện thực một cách sáng tạo trong đời sống các tín hữu. Như thế, lời Đức Giêsu luôn sống động qua thời gian” (Sđd, tr 132).

III. ĐỨC GIÊSU BAN BÌNH AN CHO CÁC ÔNG

Đức Giêsu nói với các môn đệ: “Thầy để lại bình an cho các con, Thầy ban bình an của Thầy cho các con, Thầy ban cho các con không như thế gian ban tặng” (Ga 14, 27).

Theo phong tục Do thái, khi từ giã nhau, người ta thường chào nhau bằng “bình an” (shalom), nhưng ở đây sự bình an của Đức Giêsu để lại, không có ý nghĩa như lời chào từ biệt thông thường, vì thế gian chỉ có thể cầu chúc bình an chứ không thể tự mình ban bình an được, còn Đức Giêsu chính Người ban bình an riêng của Người.

Trong tiếng Hip-ri, bình an là Shalom, một chữ được dùng rộng rãi trong Thánh kinh. Nội dung từ ấy rất phong phú đến nỗi từ “bình an hay hoà bình” chỉ chuyển tải một phần ý nghĩa. Một cách tổng quát, nó có ý nghĩa một sự viên mãn phổ quát, một điều kiện trong đó không một vật gì được thiếu sót. Từ ấy diễn tả hạnh phúc hoàn hảo chỉ thuộc về Thiên Chúa. Khi người ta có bình an, người ta sống trong sự hiệp thông hoàn hảo với Thiên Chúa.

Vì vậy, bình an, đối với người quen thuộc Thánh kinh, không phải chỉ là vắng bóng bạo hành, tĩnh lặng tâm hồn, không có chiến tranh, mà chính là sức khoẻ, sự thịnh vượng, hạnh phúc sung mãn, ơn cứu độ. Và chỉ một mình Thiên Chúa mới có thể ban bình an này.

Theo cha Cantalamessa, Đức Giêsu không nói tới một sự bình an bên ngoài, chủ yếu là không có chiến tranh, xung đột giữa các dân tộc và quốc gia khác nhau. Người nói đến bình an đó trong những dịp khác, chẳng hạn khi nói: “Phúc thay ai xây dựng hoà bình vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa”.

Trong đoạn Tin mừng hôm nay, Người nói đến một sự bình an khác, bình an nội tâm của con tim, của con người với chính mình và với Thiên Chúa. Điều này thật rõ ràng nơi lời nói mà Đức Giêsu thêm vào liền theo đó trong đoạn văn này của thánh Gioan: “Các con đừng xao xuyến, cũng đừng sợ hãi”. Đây là sự bình an nền tảng nhất. Không có sự bình an này, thì không bình an nào khác có thể tồn tại. Từ mà Đức Giêsu sử dụng là “shalom”.

Người Do thái chào chúc lẫn nhau với lời này và vẫn còn làm thế; chính Đức Giêsu đã chào các môn đệ với lời này vào buổi chiều Phục sinh và truyền cho các môn đệ chào hỏi dân chúng cùng cách thức như thế: “Vào nhà nào, trước tiên các con hãy nói: Bình an cho nhà này” (Lc 10, 5-6).

Đức Giêsu có thể ban bình an cho các môn đệ bởi vì chính Người sở hữu sự bình an: “Thầy ban cho các con sự bình an của Thầy”. Bình an là sự hiệp thông với Thiên Chúa. Khi Đức Giêsu hiệp thông hoàn toàn với Thiên Chúa, Người có thể ban cho ta ơn bình an. Chúng ta có thể ban sự bình an nào nếu không phải là sự bình an của chúng ta? Người Kitô hữu có ơn gọi đem lại bình an. Nhưng khổ nỗi, thay vì chúng ta đem lại bình an cho người khác, chúng ta bắt họ chịu đựng sự bất an và bất hạnh của chúng ta.

Sự bình an thực sự chỉ có khi chúng ta tuân giữ lệnh truyền của Đức Giêsu là: “Các con hãy yêu thương nhau” (Ga 13, 34). Về vấn đề này, Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II nói: “Con đường của bình an chung cục phải đi qua trong tình thương và hướng tới việc tạo nên một nền văn minh tình thương. Giáo hội chăm chú nhìn về Đấng là Tình yêu của Chúa Cha và Chúa Con và bất chấp mọi đe doạ không ngớt gia tăng, Giáo hội không ngừng hy vọng, Giáo hội không ngừng kêu cầu và phục vụ hoà bình của nhân loại trên trái đất” (Dominum et Vivificantem đoạn 67).

Không thể có bình an nếu không có sự tha thứ. Hãy tuân giữ luật yêu thương, và tha thứ cho nhau, ngay cả kẻ thù của mình (Mt 5, 44), thay vì luật báo thù – luật rừng. Bạo lực sẽ dẫn đến bạo lực. Báo thù không dẫn đến hoà bình. Chỉ có tình thương mới đem lại bình an thực sự mà thôi, vì Thiên Chúa là Tình yêu cũng là nguồn bình an (Ga 4, 8, 16; Rm 16, 20).

 

3. Suy niệm (Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.)

LÀM CHỖ Ở NƠI NGƯỜI ẤY

Chúng ta thường đặt câu hỏi: Thiên Chúa ngự nơi đâu?

Và thường trả lời ngay: thiên đàng.

Thiên đàng là nơi Chúa Giêsu hứa cho anh trộm lành:

“Hôm nay anh sẽ được ở với tôi trên thiên đàng” (Lc 23, 43).

Khi nói đến thiên đàng, ai cũng ngước mắt lên (x. Ga 17, 1),

vì thiên đàng ở trên trời cao thẳm.

“Vinh quang Thiên Chúa trên tầng trời cao nhất” (Lc 2, 14).

Chúa Giêsu coi cái chết sắp đến là trở về nhà Cha trên trời.

Nhà này có nhiều chỗ ở cho các môn đệ (Ga 14, 2, monai).

Ngài ước mong được ở đó với họ mãi mãi (Ga 12, 26; 17, 24).

Chúa Giêsu phục sinh cũng nói đến việc Ngài lên cùng Cha:

“Thầy lên cùng Cha của Thầy, …

lên cùng Thiên Chúa của Thầy, …” (Ga 20, 17).

Quả thật, thiên đàng là đích đến của đời người tín hữu.

Trở về Nhà Cha, được vào Nước Trời, được lên thiên đàng:

đó là ước mơ của những ai đang hành trình vất vả.

Người Do-thái tin Thiên Chúa ngự trên trời,

và tin Đền Thờ dưới đất là nơi Ngài ngự.

Chúa Giêsu quý Đền Thờ và gọi đó là Nhà Cha (Ga 2, 16).

Như thế có Nhà Cha ở trên trời và Nhà Cha dưới đất.

Nhưng khi đuổi những người buôn bán ra khỏi Đền Thờ,

Ngài lại khẳng định một điều hết sức mới mẻ.

Đền Thờ đích thực không phải là Đền Thờ Giêrusalem,

mà là “chính thân thể của Ngài” (Ga 2, 21).

Đền Thờ này sẽ bị người ta phá hủy,

nhưng “nội trong ba ngày, tôi sẽ dựng lại” (Ga 2, 19).

Khi Con Một Thiên Chúa, làm người có thịt xương,

chính thân thể của Ngài trở nên nên Đền Thờ,

nơi có sự hiện diện của Thiên Chúa,

và là nơi con người có thể gặp gỡ Thiên Chúa.

Khi Chúa Giêsu trở về Nhà Cha,

khi Ngài không hiện diện bằng thân xác thể lý nữa,

Ngài vẫn muốn ở lại với các môn đệ của Ngài.

Trong bài Tin Mừng hôm nay,

Chúa Giêsu biết trước nỗi xao xuyến và sợ hãi của họ,

vì sự ra đi của Ngài sẽ tạo ra một khoảng trống lớn lao.

“Lòng anh em đừng xao xuyến, và đừng sợ hãi” (Ga 14, 27).

Thân mình Thầy sẽ bị người ta hành hạ và giết đi,

Đền Thờ là thân mình Thầy sẽ bị sụp đổ,

nhưng muôn ơn sẽ đến qua cái chết của Thầy.

Các môn đệ mất đi sự hiện diện thể lý của Thầy,

nhưng họ lại được dư tràn bao sự hiện diện khác.

Trước hết là sự hiện diện của Chúa Thánh Thần.

Ngôi vị thần linh này do Chúa Cha sai đến

để ở với, ở giữa và ở trong anh em (Ga 14, 16-17).

Đây là Đấng Bảo trợ khác, cũng là vị Thầy khác.

Đấng ấy sẽ làm họ nhớ lại những gì Thầy Giêsu đã dạy

và đem áp dụng trong hoàn cảnh hiện tại (Ga 14, 26).

Hơn nữa, Thầy Giêsu còn bất ngờ hứa cho các môn đệ

một thiên đàng rất gần, nhỏ bé, đơn sơ và thân thương.

Nó ở nơi lòng người yêu mến Thầy và giữ lời Thầy dạy:

“Cha Thầy và Thầy sẽ đến với người ấy

và sẽ làm chỗ ở của mình nơi người ấy” (Ga 14, 23).

Như thế tâm hồn của người tín hữu đạo đức

trở thành chỗ ở của Thiên Chúa, thành thiên đàng.

Thân thể Chúa Giêsu phục sinh là Đền Thờ mới

được xây dựng lại sau khi bị phá hủy.

Và tâm hồn mỗi tín hữu cũng là một đền thờ,

nơi có Chúa Ba Ngôi ngự trị, thường trú.

Khi cầu nguyện với Thiên Chúa,

chúng ta vẫn ngước mắt lên trời.

Nhưng cũng có khi ta nên quay vào trong lòng mình

để ý thức về sự hiện diện và hoạt động của từng Ngôi.

Kitô hữu là người mang thiên đàng nơi mình,

và muốn chia sẻ thiên đàng đó cho người khác.

CẦU NGUYỆN

Lạy Chúa,

Nếu con cứ mãi bực bội

vì một lời nói thiếu tế nhị,

nếu con cứ nuôi cơn giận

vì một hành vi khiếm nhã,

thì tim con chẳng được bình an.

Nếu con cứ dằn vặt mình

vì một điều mình va vấp,

nếu con không sao chịu nổi

những sai sót của bản thân,

thì tim con chẳng được bình an.

Nếu con ưu tư phiền muộn

vì những yếu đuối của mình,

nếu con cay đắng ghen tỵ

vì những thành công của người khác,

thì tim con mãi mãi chẳng được bình an.

Lạy Chúa,

bình an là một ơn rất lớn,

vậy mà con thường dễ dàng đánh mất

chỉ vì những chuyện không đâu.

Xin giải thoát con khỏi cái tôi nặng nề,                                                 

để lòng con nhẹ nhàng thanh thản.

Xin cho tim con vui trở lại

Và chữa con khỏi mọi tổn thương.

 

Tag:

2022-05-22