Chúa nhật 6 Thường niên năm C (Lc 6,17.20-26)

Đức GiêSu Đã, Đang Và Mãi Mãi Yêu Chúng Ta Cho Đến Cùng

"Tình yêu Đức Kitô thúc bách chúng ta"

Chúa nhật 6 Thường niên năm C (Lc 6,17.20-26)

Chúa nhật 6 Thường niên năm C (Lc 6,17.20-26)

BÀI ÐỌC I: Gr 17, 5-8

“Khốn thay cho kẻ tin tưởng người đời; phúc thay cho người tin tưởng vào Thiên Chúa”.

Trích sách Tiên tri Giêrêmia.

Ðây Chúa phán: “Khốn thay cho kẻ tin tưởng người đời, họ nương tựa vào sức mạnh con người, còn tâm hồn họ thì sống xa Chúa. Họ như cây cỏ trong hoang địa, không cảm thấy khi được hạnh phúc; họ ở những nơi khô cháy trong hoang địa, vùng đất mặn không người ở. Phúc thay cho người tin tưởng vào Thiên Chúa, và Chúa sẽ là niềm cậy trông của họ. Họ sẽ như cây trồng nơi bờ suối, cây đó đâm rễ vào nơi ẩm ướt, không sợ gì khi mùa hè đến, lá vẫn xanh tươi, không lo ngại gì khi nắng hạn mà vẫn sinh hoa kết quả luôn.

Ðó là lời Chúa.

 

ÐÁP CA: Tv 1, 1-2. 3. 4 và 6

Ðáp: Phúc thay người đặt niềm tin cậy vào Chúa (Tv 39, 5c).

Xướng: Phúc cho ai không theo mưu toan kẻ gian ác, không đứng trong đường lối những tội nhân, không ngồi chung với những quân nhạo báng, nhưng vui thoả trong lề luật Chúa, và suy ngắm luật Chúa đêm ngày.

Xướng: Họ như cây trồng bên suối nước, trổ sinh hoa trái đúng mùa; lá cây không bao giờ tàn úa. Tất cả công việc họ làm đều thịnh đạt.

Xướng: Kẻ gian ác không được như vậy; họ như vỏ trấu bị gió cuốn đi, vì Chúa canh giữ đường người công chính, và đường kẻ gian ác dẫn tới diệt vong.

 

BÀI ÐỌC II: 1 Cr 15, 12. 16-20

“Nếu Ðức Kitô đã không sống lại, thì lòng tin của anh em cũng là hão huyền”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

Anh em thân mến, nếu Ðức Kitô được rao giảng rằng Người đã từ cõi chết sống lại, thì làm sao có người trong anh em cho rằng không có sự sống lại từ cõi chết? Vì nếu kẻ chết không sống lại, Ðức Kitô cũng đã không sống lại. Nếu Ðức Kitô đã không sống lại, thì lòng tin của anh em cũng là hão huyền, và hiện anh em vẫn còn ở trong tội lỗi của anh em. Như thế ai đã chết trong Ðức Kitô, cũng bị tiêu huỷ cả. Nếu chúng ta chỉ hy vọng vào Ðức Kitô trong cuộc đời này mà thôi, thì chúng ta là những người vô phúc nhất trong thiên hạ.

Nhưng không, Ðức Kitô đã từ cõi chết sống lại, là hoa quả đầu mùa của những người đã yên giấc.

Ðó là lời Chúa.

 

Tin mừng:  Lc 6, 17.20-26

17 Đức Giêsu đi xuống cùng với các ông, Người dừng lại ở một chỗ đất bằng. Tại đó, đông đảo môn đệ của Người, và đoàn lũ dân chúng từ khắp miền Giuđê, Giêrusalem cũng như từ miền duyên hải Tia và Xiđôn.

20 Đức Giêsu ngước mắt lên nhìn các môn đệ và nói:

Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó,

vì Nước Thiên Chúa là của anh em.

21 Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải đói,

vì Thiên Chúa sẽ cho anh em được no lòng.

Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải khóc,

vì anh em sẽ được vui cười.

22 Phúc cho anh em khi vì Con Người mà bị người ta oán ghét, khai trừ, sỉ vả

và bị xoá tên như đồ xấu xa.

23 Ngày đó, anh em hãy vui mừng nhảy múa, vì này đây phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao. Bởi lẽ các ngôn sứ cũng đã từng bị cha ông họ đối xử như thế.

24 Nhưng khốn cho các ngươi là những kẻ giàu có, vì các ngươi đã được phần an ủi của mình rồi.

25 Khốn cho các ngươi, hỡi những kẻ bây giờ đang được no nê, vì các ngươi sẽ phải đói.

Khốn cho các ngươi, hỡi những kẻ bây giờ đang được vui cười, vì các ngươi sẽ phải sầu khổ khóc than.

26 Khốn cho các ngươi khi được mọi người ca tụng, vì các ngôn sứ giả cũng đã từng được cha ông họ đối xử như thế.

 

1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)

Suy niệm: Mở đầu bài giảng trên núi, Ðức Giêsu tuyên bố những điều kỳ lạ. Những điều người đời cho là mối hại thì Ngài lại bảo là mối phúc. Nghèo khó, ưu phiền, bị bách hại... Những điều người đời trốn tránh thì Ðức Giêsu lại ca tụng. Ðức Giêsu loan báo một số điều mà người đời khó chấp nhận. Phải chăng Ðức Giêsu chủ trương phản tiến bộ ? Phải chăng giáo thuyết của Ðức Giêsu đề cao thụ động, an phận ? Chúng ta hãy xin Thánh Thần của Ðức Giêsu giúp chúng ta hiểu được ý nghĩa của sứ điệp.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đến soi sáng cho chúng con hiểu được giáo huấn của Ðức Giêsu trong đoạn Tin Mừng này. Ðức Giêsu, Ngài là Thiên Chúa với tất cả uy quyền tuyệt đối. Tại sao Ngài lại trở nên nghèo hèn như chúng con ? Ðức Giêsu suốt một đời chỉ biết dạy dỗ, giúp đỡ những người đau khổ, bệnh tật. Ngài có tội gì mà tại sao bị kết án tử hình ?

Nhưng chính nhờ cái chết của Ðức Giêsu mà chúng con được ơn cứu độ. Vâng, lạy Chúa, giờ đây chúng con hiểu được phần nào ý nghĩa của cái nghèo, cái khổ. Nghèo khổ tự nó không phải là mối phúc, nhưng nếu là dấu chứng của một tình yêu vị tha, thì nó sáng chói và trở nên vô giá. Lạy Ðức Giêsu, xin hãy dạy con biết yêu như Chúa yêu. Amen.

Ghi nhớ: “Phúc cho những kẻ nghèo khó. Khốn cho các ngươi là kẻ giàu có”.

2. Suy niệm (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)

Giữa lúc mọi nơi trong xã hội đang đẩy mạnh chương trình “Xoá đói giảm nghèo,” đồng thời báo chí không ngớt ca ngợi những tấm lòng của những nhà hảo tâm, giàu có đã rộng tay giúp đỡ cho những người khổ đau bệnh tật, nghèo khó bất hạnh. Thế mà Tin Mừng lại đưa ra một điều dường như nghịch lý: “Phúc cho kẻ đói khát, phúc cho kẻ nghèo khổ,… và khốn cho kẻ giàu có, no đủ…” Vậy, phải chăng những người nghèo là người hạnh phúc, còn những người giàu có sẽ là người bất hạnh? Thế thì, vấn đề được đặt ra ở đây là: ai mới thật là người hạnh phúc, và phải sống thế nào để được hạnh phúc?

Những cơ nguy của người giàu có

Với những lời có vẻ như lời nguyền rủa: khốn cho các ngươi là những người giàu có, no đủ… Chúng ta cần hiểu, đây là một lối văn thường gặp trong Cựu Ước, các lời này không phải là những lời nguyền rủa hay lên án nhưng là những lời có ý ngăn đe thương hại.

Tại sao Chúa Giêsu lại ngăn đe thương hại những người giàu có, no đủ?

Ai cũng đi tìm hạnh phúc, đó là vấn đề cơ bản của cuộc sống con người. Thế nhưng, bi kịch của con người mọi thời khi cho rằng càng có nhiều tiền của, tiện nghi, quyền lực, danh vọng thì càng được hạnh phúc. Đây cũng là bi kịch của xã hội thời Chúa Giêsu, và cũng là bi kịch cho thời đại chúng ta.

Thật vậy, trong xã hội tiêu thụ ngày nay, nghệ thuật quảng cáo đạt đến mức thặng thừa đã đẩy người tiêu thụ từ trẻ em cho đến người lớn đến với những nhu cầu vật chất giả tạo. Người ta thi nhau mua sắm, càng mua càng thấy thiếu, càng sắm càng thấy chưa đủ. Người ta trở thành nô lệ cho nhu cầu tiêu dùng của mình, nô lệ cho tiện nghi máy móc, hưởng thụ. Thử hỏi như thế thì làm sao mà có được sự tự do và hạnh phúc thật?

Cũng trong xã hội tiêu thụ này, có không ít người xem sự giàu có, thành đạt, nổi tiếng, là cứu cánh duy nhất của cuộc đời, đến nỗi họ sẵn sàng chà đạp lên tất cả đạo đức luân lý, để đạt cho kỳ được điều họ muốn. Biết bao người đã ngã gục trước đồng tiền, tiền của kiếm được cách bất chính thì cũng được sử dụng một cách bất hảo, đem đổ vào các cuộc vui chơi sa đoạ trác táng… Họ phè phỡn ăn chơi, no nê, vui thú, trong khi có biết bao người vì họ mà phải tán gia bại sản. Và bên cạnh họ, còn biết bao người đói khổ, chỉ cần một lần tiêu xài của họ cũng có thể nuôi sống biết bao người trong nhiều tháng.

Bởi đó, Chúa Giêsu đã ngăn đe những người giàu có khi họ lấy của cải vật chất làm cứu cánh thay vì chỉ là phương tiện sử dụng trong cuộc sống hằng ngày. Họ chỉ cậy dựa vào quyền lực trần thế như lời ngôn sứ Giêrêmia trong bài đọc I đã cảnh báo: “Khốn cho kẻ tin tưởng vào người đời, họ nương tựa vào sức mạnh con người, còn tâm hồn họ xa Chúa.”

Những cơ may của người nghèo khó

Đối với những người nghèo khó, đói khát, thái độ của Chúa Giêsu đối với họ như thế nào? Phải chăng Chúa Giêsu đã rao giảng một điều nghịch lý khi cho đói, nghèo… là phúc?

Khi tuyên bố: phúc cho kẻ nghèo khó, đói khát, khóc lóc, bị bách hại… Chúa Giêsu không giảng dạy một điều nghịch lý, và Ngài cũng không chủ trương bần cùng hoá thế giới này. Khi tuyên bố: phúc cho kẻ nghèo khó, đói khát, khóc lóc, bị bách hại; Chúa Giêsu đã xác định cho con người một bậc thang giá trị đích thực trong cuộc sống.

Chính mối phúc cuối cùng cho thấy chìa khoá của câu trả lời: nghèo đói, khóc lóc, bị ganh ghét, xỉ vả vì Con Người, và cũng câu này cho biết chính các ngôn sứ cũng từng bị đối xử như thế. Vậy, có thể hiểu những người nghèo đói, khóc lóc được Thiên Chúa chúc phúc ở đây chính là những người mà tiên tri Giêrêmia đã loan báo: “Phúc thay cho những người tin tưởng vào Thiên Chúa, và Chúa sẽ là niềm cậy trông của họ.”

Bởi đó, những người nghèo khó mà Tin Mừng nhắc đến hôm nay không chỉ thuần tuý là những người thiếu cơm ăn áo mặc, nhưng là những người nghèo theo nghĩa biết tín thác cuộc đời mình trong tay Thiên Chúa, biết cậy dựa vào Chúa, lấy Chúa làm cứu cánh của cuộc đời mình. Như thế, họ sẽ trở thành những người có Thiên Chúa làm gia nghiệp, và họ sẽ là những người hạnh phúc thực sự, cho dẫu họ có là người nghèo đích thực.

Những cơ hội cho con người hôm nay

Trong cuộc sống thực tại hôm nay, mỗi người đều phải vất vả với việc làm ra của cải để nuôi sống bản thân và gia đình. Nhưng Lời Chúa hôm nay, đòi hỏi mỗi người làm sao một đàng vừa chu toàn trách nhiệm với gia đình, nhưng đàng khác vẫn sống niềm cậy trông vào Thiên Chúa.

Khi sống trọn vẹn niềm cậy trông vào Thiên Chúa, khi càng lệ thuộc vào Ngài, chúng ta càng cảm thấy tự do đối với của cải, vật chất nơi thế trần này. Khi đó, dù phải vất vả với cuộc sống, chúng ta sẽ sẵn sàng quan tâm đến những người chung quanh, nhất là những người nghèo thật sự, những người nghèo vật chất, nghèo tinh thần, nghèo học vấn… nhằm chia sẻ, những gì có thể được cho những người anh chị em cùng con một Cha trên trời.

Trong những năm qua, chúng ta thường nghe nói đến mẹ Têrêxa Calcutta, một người chỉ biết sống cho người khác: Khi còn tại thế, mẹ không thiếu tiền của, nhưng mẹ vẫn sống như một “người nghèo khó của Thiên Chúa.” Với chiếc xe hơi Đức Giáo Hoàng Phaolô VI tặng ở Bombay, mẹ đã bán để lấy tiền xây dựng một trung tâm lớn cho bệnh nhân phong. Với số tiền nhận từ giải Hoà Bình Gioan XXIII của Vatican, mẹ đã thiết lập một trung tâm phục hồi chức năng cho người cùi. Với số tiền nhận từ giải Nobel Hoà Bình mẹ đã xây nhà cho những người nghèo.

Mẹ Têrêxa đã tận hiến cuộc đời mình cho những người nghèo và tất cả những gì của mẹ đều thuộc về những người nghèo đói, khổ đau, vì mẹ luôn gắn kết cuộc đời mình với Đức Kitô, tín thác cuộc đời mẹ trong bàn tay yêu thương của Thiên Chúa. Mẹ đã lấy Thiên Chúa làm cứu cánh và cùng đích của cuộc đời mẹ.

Tóm lại, cho dù là người giàu sang hay người đói khổ, vẫn có thể trở thành “người nghèo của Thiên Chúa,” thành “người không vật sở hữu,” cho đi tất cả vì yêu mến và tín thác cuộc đời mình cho Thiên Chúa, lấy Chúa làm niềm cậy trông là niềm hạnh phúc. Xin cho mỗi chúng ta cho dẫu có là người nghèo khó, vất vả, khổ đau hay là người giàu có, biết lấy Chúa là niềm cậy trông, là niềm hạnh phúc.

 

3. Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)

NHỮNG MỐI PHÚC THẬT

A. DẪN NHẬP

Con người khi vừa mới sinh ra đã “cất tiếng khóc chào đời” như thi sĩ Cao Bá Quát đã nói: “Vừa sinh ra sao đà khóc chóe, đời có vui sao chẳng cười khì?” Thật là một nghịch lý: sao không chào người ta bằng tiếng cười mà lại chào bằng tiếng khóc? Vậy phải chăng “Đời là bể khổ” như Đức Phật dạy? Chúng ta phải công nhận rằng cuộc sống ở trần gian có nhiều gian nan thử thách, nhiều đau khổ, do đó, con người mới đi tìm hạnh phúc. Nhà tư tưởng Blaise Pascal nói: “Bất cứ ai cũng đi tìm hạnh phúc, kể cả những người thắt cổ tự tử”.

Trong các bài đọc hôm nay, Chúa đã vạch ra cho chúng ta con đường đi tìm hạnh phúc trong bài giảng về Hiến chương Nước trời. Điều làm cho chúng ta khó hiểu và khó chấp nhận là điều nghịch lý trong Hiến chương đó. Nhưng chính cái nghịch lý ấy lại được giải quyết trong lãnh vực thiêng liêng bằng con mắt đức tin. Theo đó, người ta không thể dựa vào mình hay vào người khác mà đạt tới hạnh phúc thật mà chỉ có những người biết cậy dựa vào Chúa, biết đặt hết tin tưởng vào Ngài với lòng yêu mến và biết ơn.

Trong bài Tin mừng, Đức Giêsu còn nói đến sự đối nghịch giữa giàu và nghèo. Sự giàu có và nghèo khó là tốt hay xấu? Vậy hạnh phúc nằm ở trong sự giàu có hay khó nghèo? Thực ra, hạnh phúc không nằm trong sự giàu có hay khó nghèo, mà nó chỉ là phương tiện để con người đạt tới hạnh phúc. Có đạt tới hạnh phúc hay không tuỳ ở thái độ của mỗi người, nghĩa là phải dùng các phương tiện ấy cho xứng đáng, cho đúng với thánh ý Thiên Chúa.

B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA

+ Bài đọc 1: Gr 17,5-8

Có lẽ một môn đệ của tiên tri Giêrêmia đã chen vào sách của thầy mình đoạn văn viết theo kiểu sách Khôn ngoan. Theo đó, tiên tri Giêrêmia đưa ra hai con đường cho người ta chọn: hạnh phúc hay bất hạnh.

Người chọn con đường hạnh phúc là người biết đặt tin tưởng nơi Chúa. Họ giống như cây bên bờ suối sinh hoa kết quả đúng mùa. Còn người chọn con đường bất hạnh chỉ biết đặt tin tưởng nơi mình hay nơi người khác. Họ không khác gì cây trồng trong sa mạc hay trong vùng nước mặn, cằn cỗi, không sinh hoa kết quả gì.

Mỗi người phải chọn cho mình một hướng sống, và số phận vĩnh viễn sẽ tuỳ thuộc vào sự lựa chọn ấy.

+ Bài đọc 2: 1Cr 15,12.16-20

Việc phục sinh thân xác tạo nên nỗi khó khăn cho tín hữu Côrintô. Có lẽ họ không nghi ngờ việc phục sinh của Đức Kitô, nhưng họ không tin sự phục sinh của Ngài sẽ dẫn đến sự phục sinh của thân xác chúng ta.

Nhưng với niềm tin, chúng ta quả quyết rằng chúng ta đã liên kết với Đức Kitô trong sự chết, thì chúng ta cũng liên đới với Ngài trong sự sống lại. Kitô giáo là niềm tin vào sự phục sinh của Đức Kitô, nguyên uỷ phục sinh cho mỗi người chúng ta.

+ Bài Tin mừng: Lc 6,17-18.20-26

Các mối phúc do Đức Giêsu dạy, có lẽ là những câu sấm ngôn do tiên tri Isaia loan báo về việc Nước Chúa trị đến và ông thấy nơi những người nghèo khó, đói khát và đau khổ là những kẻ được hưởng ơn cứu độ. Thiên Chúa đã đến thật và đến một cách vô điều kiện.

Theo thánh Luca (khác với Mátthêu) chỉ có 4 mối phúc và 4 mối họa với lời chúc dữ.

- Những người được chúc phúc là những kẻ nghèo, đói khát, đang phải khóc lóc, đang bách hại.

- Những người bị chúc dữ là những người đang giàu có, no đầy, vui cười, mọi người được tâng bốc.

Điều nên chú ý là: không phải tự thân sự nghèo nàn khổ sở là hạnh phúc, thực ra chúng mang lại hạnh phúc, vì giúp người ta không dính bén với trần gian để hướng lòng về Chúa. Cũng không phải tự thân sự giàu có sung sướng là xấu, nhưng chúng có thể trở thành nguồn bất hạnh khi chúng trói buộc lòng con người vào thế giới vật chất này.

B. THỰC HÀNH LỜI CHÚA: Muốn có hạnh phúc thật

I. MỌI NGƯỜI ĐỀU TÌM HẠNH PHÚC

Hạnh phúc! Một điều mơ ước muôn thuở của con người. Tuy người ta chưa đồng ý với nhau về một định nghĩa của hạnh phúc, nhưng mọi người đều nỗ lực tìm đến hạnh phúc bằng mọi phương tiện và bằng bất cứ giá nào. Giấc mơ lớn nhất của mỗi người là hạnh phúc. Từ xa xưa, triết gia Aristote đã cảm nghiệm được điều này khi ông nói: “Hạnh phúc là một cái mà tất cả mọi người đều tìm kiếm”. Còn triết gia Blaise Pascal bảo rằng: “Ai cũng đi tìm hạnh phúc, kể cả người thắt cổ tự tử”.

Nói đến hạnh phúc là đề cập đến một vấn đề sống còn của con người, vì đã là người đúng nghĩa thì không thể sống mà không tìm kiếm hạnh phúc cho mình. Vì thế, cho dù có sử dụng phương tiện khác nhau bao nhiêu đi nữa, thì mọi người đều nhằm tới cái đích duy nhất ấy, cho dù bất cứ cử động nhỏ nhặt nào của con người cũng không ngoài mục tiêu hướng tới cái đối tượng ấy. Vậy đã rõ hạnh phúc là động cơ thúc đẩy con người hành động, là hy vọng quyến rũ con người cố gắng phấn đấu.

Thế nhưng từ ngàn xưa cho đến ngày nay, đã có biết bao nhiêu thánh nhân, quân tử, hiền triết, bác học cố gắng tìm cách giải đáp cách thức để nhận ra đâu là hạnh phúc và làm thế nào để chiếm đoạt được nó. Nhưng kết quả chẳng đi đến đâu, vì không đáp ứng nổi khát vọng thâm sâu của con người.

Có những người đi tìm hạnh phúc mà không đạt được, phải chăng hướng đi của cuộc tìm kiếm không đúng? Phải chăng phương cách của họ dùng không thích hợp nên không tới đích? Họ đành phải chịu bó tay mặc dầu họ giàu sang phú quý không thiếu gì để tiến tới.

Truyện: Quốc vương Abdurahman III

Quốc vương Thổ Nhĩ Kỳ là Abdurahman III cai trị một vương quốc giàu có nhất thế giới trong suốt 49 năm vào khoảng thế kỷ thứ 10. Lợi tức của nhà vua lên tới 336 triệu Mỹ kim. Nhà vua có 6321 bà vợ được tuyển chọn trong số những thiếu nữ xinh đẹp nhất của vương quốc và sinh được 618 đứa con. Tài sản của nhà vua trị giá 3 tỷ Mỹ kim. Ấy thế mà sau khi chết người ta đọc thấy trong cuốn nhật ký của nhà vua một đoạn như sau: “Trong suốt cuộc đời dài và đầy danh vọng này, tôi đã đếm được những ngày tôi hoàn toàn hạnh phúc chỉ vỏn vẹn có 14 ngày mà thôi”.

Nhưng có những người sống trong những hoàn cảnh rất khắc nghiệt, xem ra họ là những người đau khổ, thiếu mọi phương tiện để đạt tới hạnh phúc, nhưng trong thực tế, họ vẫn hạnh phúc, họ còn hạnh phúc hơn cả những người có đủ điều kiện để đạt tới hạnh phúc.

Đây là bằng chứng: vào những năm cuối thế kỷ 20, viện Gallup đã làm một cuộc thăm dò 18 quốc gia để tìm xem quốc gia nào là đất nước hạnh phúc nhất. Kết quả thâu lượm được làm người ta phải ngạc nhiên! Quốc gia hạnh phúc nhất là Iceland, một quốc gia nằm ở Bắc cực với dân số 240.000 người, pha trộn giữa người Na Uy và Đan Mạch. Một số người thắc mắc rằng: “Làm thế nào những người Icelander lại có thể sống hạnh phúc được, khi họ hoàn toàn bị cô lập trong giá lạnh của Bắc cực, chịu đựng 24 giờ đêm tối mỗi ngày vào mùa đông, và còn hơn thế nữa, nhiều người còn phải sống tùy thuộc vào sự bấp bênh của kỹ nghệ đánh cá?”

Một nhà xã hội học của Iceland đã giải thích như sau: “Văn hoá của chúng tôi được dệt bởi sự cực nhọc vất vả do thiên nhiên tạo ra. Đó là lý do tại sao người Icelander có một thái độ khoan dung đối với những vấn đề của cuộc sống”. Sự cô lập của quốc gia làm cho người Icelander có một cảm giác mãnh liệt về cộng đồng, một yếu tố có thể giúp giải thích tại sao họ có một đời sống trường thọ cao nhất trên thế giới. Trong khi đó Hoa Kỳ chỉ được xếp vào hạng thứ 5 trong số 18 nước được thăm dò (Nguyễn Văn Thái, Sống lời Chúa giữa dòng đời, năm C, tr 85).

II. TÌM HẠNH PHÚC Ở ĐÂU?

1. Bài giảng về mối phúc

Theo Tin mừng của thánh Luca, sau khi xác định là người được Thiên Chúa sai đến như lời tiên tri Isaia (Lc 4,18-19), sau khi làm nhiều phép lạ tại Galilê và Capharnaum, và sau khi chọn 12 Tông đồ, Đức Giêsu đã công bố Hiến chương Nước trời, còn gọi là Bài giảng trên núi hay Bài giảng khai mạc.

Mátthêu khởi đầu sứ điệp của Đức Giêsu bằng một bài giảng trên núi (5-6), Ngài là một Maisen mới công bố Hiến chương Nước trời. Luca lại đặt khung cảnh giảng dạy “trên một khoảng đất trống”, chú trọng đến sự phổ cập của Tin mừng vừa tầm dân chúng. Đức Giêsu đã long trọng tuyên bố: “Phúc cho các ngươi là những người nghèo khó, vì Nước Thiên Chúa là của các ngươi” (Lc 6,20)…

2. So sánh các mối phúc của Mátthêu và Luca

Theo Mátthêu, đây là Bài giảng trên núi, bao gồm 9 mối phúc thật, nhấn mạnh đến sự “nghèo khó tâm linh”, sự đói khát công lý, sự đau khổ nội tâm: “Phúc cho ai có tinh thần nghèo khó…” Theo Luca, đây là bài giảng ở chỗ đất bằng, trình bày 4 lời chúc phúc kèm theo 4 lời nguyền rủa, như những phản đề đối chiếu dành cho người nghèo và kẻ giàu, người đói khát và kẻ no đầy. Đó là hai thành phần xã hội, hai giai cấp đối chọi nhau, mà Tin mừng muốn mô tả và để cho người tín hữu lựa chọn.

Hai bản văn này có sự khác nhau: Mátthêu đã tâm linh hoá khi diễn tả: “Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó!” Còn Luca thì nói về những người nghèo thực sự, đói khát thực sự, đau khổ thực sự trong thân xác.

3. Nên theo bản văn nào?

Linh mục Nguyễn Văn Thái kể: Khi dọn bài giảng về Những Mối phúc thật theo thánh Luca, tôi đã hỏi một người Mỹ khá giàu rằng giữa những mối phúc thật theo thánh Mátthêu và thánh Luca, ông thích bài nào hơn? Ông trả lời: “Tôi rất thích bài của thánh Mátthêu”. Tôi hỏi ông: “Còn thánh Luca thì sao?” Ông trả lời: “Không, tôi không thích Luca, vì bài của Luca có vẻ chống lại người giàu, khi thánh Mátthêu nói: ‘Phúc cho kẻ có tinh thần khó nghèo’ (Mt 5,3), ngài đã khích lệ người giàu. Còn Luca thì nói: ‘Phúc cho các người là những kẻ nghèo khó’ (Lc 6,20). Điều này có nghĩa là chỉ những người nghèo mới được chúc phúc và hưởng Nước trời mà thôi, còn người giàu có bị nguyền rủa: ‘Khốn cho các ngươi là kẻ giàu có’”.

Cũng câu hỏi này, tôi hỏi một phụ nữ Mỹ không giàu, có vẻ hơi nghèo. Bà trả lời: “Tôi thích thánh Luca hơn, vì thánh Luca nói rõ người nghèo sẽ được hưởng nước Thiên đàng. Còn thánh Mátthêu nói phúc cho người nghèo khó trong tinh thần, điều này không rõ ràng. Thật khó hiểu Ngài muốn nói gì”!

Chúng ta thấy người giàu là ủng hộ viên của những Mối phúc thật theo thánh Mátthêu, và người nghèo là ủng hộ viên của những Mối phúc thật theo thánh Luca. Nhưng thực ra, ý nghĩa của hai bài tường thuật như nhau. Cả hai đều kêu gọi chống lại tất cả mọi tình thế xấu (Nguyễn Văn Thái, op, cit, tr 86-87).

4. Hiểu thế nào về giàu nghèo?

Bài đọc 1 so sánh hai thái độ của con người đối với Thiên Chúa: Những người tin tưởng vào con người như cây gai cằn cỗi trong sa mạc, trong khi những người tin tưởng vào Thiên Chúa giống như cây sai trái trồng gần suối nước. Bài Tin mừng hướng chúng ta về người xấu số bất hạnh và mang lại cho họ niềm hy vọng hạnh phúc tương lai. Tin mừng không lên án người giàu chỉ vì họ giàu, nhưng vì họ không biết dùng của cải, để cho của cải thành chướng ngại vật chặn đường lối vào Nước trời.

Khi Đức Giêsu nói: “Phúc cho những ai khó nghèo”, Ngài đã không chúc phúc cho sự đói khát và cùng khốn. Đói khát và khốn cùng là điều xấu. Điều được chúc phúc là lòng trông cậy, tín nhiệm Thiên Chúa. Những người đặt tín nhiệm của họ vào con người sẽ thất vọng; những người đặt tín nhiệm vào Thiên Chúa sẽ không bị thất vọng. Chỉ Thiên Chúa mới có thể lấp đầy sự trống rỗng của chúng ta; chỉ Thiên Chúa mới có thể thỏa mãn khát vọng của tâm hồn chúng ta. Nhưng thường chúng ta chạy đến Thiên Chúa sau cùng, thay vì chạy đến Thiên Chúa trước tiên.

Những người giàu thì có xu hướng dựa vào của cải họ có. Đối với họ, chính thế gian này mới quan trọng. Thiên Chúa không ít thì nhiều cũng thừa thãi, và đời sau thì xa vời và mơ hồ. Trái lại, Những người nghèo có xu hướng tự nhiên quay về với Thiên Chúa. Đối với họ, mọi nguy cơ và khó khăn của đời sống làm cho Thiên Chúa và đời sau gần gũi và hiện thực.

Sự nghèo khó ấy tự nó không phải là điều tốt. Nhưng khi đời sống trở nên khó khăn hơn và luôn bị đe doạ, nó cũng trở nên phong phú hơn, bởi lẽ khi chúng ta càng ít mong đợi thì những điều tốt lành của đời sống càng trở thành những ân huệ bất ngờ mà chúng ta đón nhận với lòng biết ơn. Đó là lý do Đức Giêsu nói: “Phúc cho những kẻ khó nghèo, vì Nước Trời là của họ” (McCarthy).

Chúng ta cần hiểu đúng từ “nghèo khó” ở đây. Theo thánh Luca, người nghèo khó đây là: người thiếu thốn của cải vật chất, người không có quyền lực cũng như ảnh hưởng, người bị bóc lột. Và vì không có của cải, sống bơ vơ, không được che chở nên họ chỉ còn biết đặt trọn niềm tín thác vào Chúa. Và vì thế, cuối cùng “người nghèo khó là người đặt trọn niềm tín thác vào Chúa”. Họ là những người được chúc phúc.

Với câu: “Phúc cho các ngươi là những kẻ nghèo khó, vì Nước trời là của các ngươi”, chúng ta phải hiểu rằng Đức Giêsu đang ám chỉ đến những người thiếu thốn, người thấp cổ bé miệng, những người không ai che chở, vì thế họ chỉ còn biết tin cậy vào Chúa. Như thế, người nghèo khó được chúc phúc mà Đức Giêsu muốn nói, chính là những người nhận thức được rằng họ không thể tìm được hạnh phúc cậy dựa vào của cải vật chất đời này. Và từ đó họ sẽ tìm kiếm hạnh phúc chỉ ở nơi Chúa. Chúa là tất cả đối với họ. Đối với họ của cải vật chất gần như chả là gì cả. Theo lời Đức Giêsu những người này thực sự là kẻ được chúc phúc. Vậy, để hiểu được lời Đức Giêsu: “Phúc cho các người là những kẻ nghèo khó”, chúng ta cần đọc lại lời tuyên bố trên theo cách thức sau: “Phúc cho các ngươi là những kẻ nhận thức được rằng không thể tìm được hạnh phúc bằng cách cậy dựa vào của cải thế gian, mà bằng cách đặt trọn niềm tín thác vào Chúa” (Mark Link).

III. MUỐN CÓ HẠNH PHÚC THẬT

1. Phải có tinh thần siêu thoát

Chúa phán: “Phúc cho ai có tinh thần nghèo khó”. Nghèo chỉ những người không có của. Sự thiếu thốn này chỉ có thể là một sự kiện. Muốn nghèo mà được chúc phúc thì sự kiện đó phải trở thành một nhân đức. Và nghèo chỉ trở thành nhân đức khi nó kèm theo tinh thần cởi bỏ sự dính bén vì lòng mến Chúa, hay nói cách khác, là tinh thần siêu thoát. Mà hậu quả tinh thần siêu thoát, đó là tin cậy ở Chúa là Cha quan phòng. Người nghèo sống theo tinh thần nói trên, thì dễ dàng ước muốn những của siêu nhiên hơn.

Hiểu như vậy, thánh Augustinô đã cắt nghĩa chữ “nghèo” này theo nghĩa khiêm nhường: Vì thường tình, lòng cởi bỏ mọi dính bén làm phát sinh lòng khiêm tốn, trong khi của cải thường phát sinh sự kiêu ngạo. Đức Mẹ cũng đã quan niệm như thế trong kinh Magnificat: Chúa đã nâng người mọn hèn lên …  người giàu có đã trở về tay không”.

Đức Khổng Tử đã từ chức quan đại thần sống thật thanh bần: “Ăn cơm thô, uống nước lã, co cánh tay gối đầu, lòng đầy hoan lạc. Bất nghĩa mà giàu sang, ta coi như phù vân… Ta thường trọn ngày quên ăn, trọn đêm quên ngủ vì suy tư… lo đạt đạo” (Luận ngữ 7,15 và 15,30-31).

Đức Phật không thể chịu nổi cảnh giàu sang, danh vọng của hoàng cung, đã trốn lên rừng tìm đạo để cứu nhân độ thế, thoát khỏi cảnh khổ của hoàng cung phàm trần này mà nhân loại đang trầm luân trong đó. Các vị đó thật giống với cuộc đời thanh bần trong sáng của Đức Kitô: “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con người không có chỗ tựa đầu” (Lc 9,58). Vậy hạnh phúc muôn thuở của các ngài không phải giàu sang, quyền quý, mà là siêu thoát để truyền dạy chân lý không mệt.

Tiền của tự nó là tốt vì Chúa đã dựng nên tất cả cho con người tiêu dùng, nó chỉ trở nên xấu, nếu con người không biết sử dụng nó, thay vì coi nó là đứa tôi tớ trung thành, lại biến nó thành ông chủ khắc nghiệt, thành thần Mammon quyền uy. Người ta thường ca tụng tiền của:

Đồng tiền: - là tiên là Phật, - là sức bật của con người, - là nụ cười của tuổi trẻ, - là sức khoẻ của tuổi già, - là cái đà danh vọng, - là cái lọng che thân, - là cái cân công lý…

Người có tiền của mà không có hạnh phúc vì không hiểu câu: “Hữu lộc bất khả hưởng tận”. Biết tận hưởng cũng là một điều khó vì thần Mammon đã mê hoặc con người làm cho con người mất sáng suốt như người ta nói: “Hoàng kim hắc thế tâm nhân”: đồng tiền đổi trắng thay đen lòng người.

2. Phải có tinh thần bác ái

Ngoài ra muốn tận hưởng hạnh phúc, con người còn phải biết cho đi. Có nhiều người lẫn lộn giữa hạnh phúc và cái bóng của hạnh phúc; họ mải mê chạy theo cái bóng này, để rồi mau chóng thất vọng khi nó vỡ tan như bóng xà phòng. Hạnh phúc đích thực không nằm trong của cải hay trong những gì mình đã chiếm hữu, nhưng chỉ là sự mãn nguyện với những gì mình đã trao ban. Nên thánh Phaolô viết: “Nhớ lời Chúa Giêsu: cho thì có phúc hơn là nhận”.

Thánh Grêgôriô Cả khuyên những người giàu hãy giúp đỡ người nghèo để được Chúa chúc phúc: “Khi cho những người nghèo những sự vật cần thiết, chúng ta không tỏ lòng quảng đại cá nhân đâu, nhưng chúng ta trả cho họ những gì là của họ. Đúng ra chúng ta đã làm bổn phận của đức công bằng, hơn là đã thực hiện một hành vi bác ái” (Giáo lý công giáo số 2445). Hãy giúp người rồi người sẽ giúp lại: “Nợ tang bồng vay trả trả vay” (Nguyễn Công Trứ):                         

Thương người như thể thương thân
Một mai rồi cũng đến lần ta đây.

3. Tìm hạnh phúc thật nơi Chúa

Lời Chúa hôm nay đã trình bày một nguyên tắc căn bản cho hạnh phúc thực sự mà con người đang tìm kiếm. Không thể có hạnh phúc đích thực nếu không có Thiên Chúa và không bước đi trong đường lối ngay chính của Ngài.

Vậy, theo lời Chúa dạy, thì hạnh phúc chính là tình trạng của con người dù biết mình nghèo, thiếu thốn, khổ đau mà vẫn cố gắng làm việc vui vẻ, trong sáng, chăm chỉ vì luôn tín thác vào sự quan phòng nhân ái của Chúa; là tình trạng của người dù có gặp gian nan thử thách vẫn kiên trung luôn ý thức mình là con Chúa.

Nói khác đi, điều làm cho con người dễ dàng đón nhận hạnh phúc Thiên đàng, chính là sự tự do của người nghèo khó: nghĩa là khi chịu đựng các thăng trầm bấp bênh đầy va chạm của cuộc sống, người nghèo khó ý thức rằng chỉ có cuộc sống đời sau mới thoả mãn mọi thiếu thốn và khát vọng hạnh phúc của tâm hồn con người. Và cả những ai sẵn sàng chấp nhận mọi đau khổ, vì tình yêu Chúa thì Ngài sẽ đền bù cho họ niềm hoan lạc đích thực đời này lẫn đời sau.

Tóm lại, hạnh phúc không gì khác là luôn có Chúa ở cùng vì chỉ có Ngài mới đáp ứng được nỗi khát vọng sâu xa của con người. Và khi cảm nhận được tình yêu lớn lao của Ngài đổ tràn trong tâm hồn thì mọi sự khác đều trở nên vô nghĩa.                                             

Truyện: Hoàng đế Napoléon

Khi hoàng đế Napoléon, người hùng chinh phục cả Âu châu của Pháp, bị đày sang đảo Sainte Hélène, người viết tiểu sử của ông vẫn theo ông sát cánh. Đối với anh chàng viết tiểu sử này, mỗi một chi tiết trong cuộc đời của Napoléon đều đáng ghi nhớ, không một biến cố nào là nhỏ cả, và không ngày nào là không được lưu ý.

Một hôm, biết rằng ngày tận cùng của Napoléon sắp đến, chọn một giây phút Napoléon cảm thấy thoải mái nhất, người viết tiểu sử hỏi Hoàng đế: “Thưa ngài, xin ngài cho biết trong suốt cuộc đời của ngài, ngày nào là ngày hạnh phúc nhất?” Napoléon không trả lời ngay, quay đầu ra cửa sổ, nhìn biển xanh thăm thẳm phía xa một hồi, đoạn thở dài và quay lại chậm rãi nói với người viết tiểu sử của ông: “Tôi nhớ, tôi nhớ rất rõ, ngày hạnh phúc nhất trong đời của tôi đã xảy ra cách đây lâu lắm rồi, khi tôi còn bé, đó là ngày tôi Rước Lễ Lần Đầu”.

Trước kinh nghiệm của Napoléon, chúng ta nhìn thấy mặc dù có danh vọng, giàu sang, và tình yêu đến tuyệt đỉnh cũng không mang lại hạnh phúc đích thực cho con người, nếu vắng bóng Thiên Chúa (Nguyễn Văn Thái, Sống Lời Chúa giữa dòng đời, năm C, tr 91).

Hạnh phúc đích thực không nằm trong lời ca tụng hay trong chức tước quyền uy, nhưng chính là sự an bình vui tươi của một lương tâm thanh thản với Chúa, với anh em và với chính mình, như lời thánh Phaolô nói: “Lương tâm tôi không trách cứ tôi điều gì”.

Một tác giả có viết: “Trong hạnh phúc có mầm đau khổ”. Quả thật, hạnh phúc bao giờ cũng trộn lẫn với mồ hôi và nước mắt. Có hạnh phúc đích thực nào mà không phải trả giá bằng đau khổ? Có ai sống trên đời này mà được hạnh phúc trọn vẹn đâu?

Điều này giải thích tại sao những gì chúng ta coi là bất hạnh, thì Đức Giêsu lại cho là hạnh phúc.

Chỉ khi nào chúng ta cảm nghiệm được cái nghịch lý của Lời Chúa, thì chúng ta mới có được hạnh phúc đích thực.

Chỉ khi nào chúng ta dám nghèo vì thanh liêm, đói vì ngay thẳng, khóc vì đại nghĩa, bị ghét vì nói sự thực, bị sỉ vả vì danh Chúa, chúng ta mới sống trọn vẹn các mối phúc thật.

Chỉ khi nào chúng ta thấy mình giàu lên khi chịu nghèo, no thoả lúc đói khát, vui cười khi lệ rơi, và hân hoan lúc bị bách hại, chúng ta mới thực sự nếm cảm niềm hạnh phúc của Nước trời.

Truyện vui: Giàu có

Một chàng nghèo mạt rệp đến hỏi một vị linh mục:

- Con thấy giáo lý trong đạo chẳng thực tế chút nào. Trong khi ngày Tết đến, mọi người chúc cho nhau có nhiều Tài, Phúc, Lộc, Thọ, thì Chúa Giêsu dạy: “Phúc cho các ngươi là những người nghèo khó”. Như vậy, theo Chúa thì được lợi ích gì?

Vị linh mục trả lời:

- Ngài sẽ làm cho anh có nhiều hơn.

Anh chàng hỏi lại:

- Nhiều hơn thế nào được?

Linh mục bình tĩnh trả lời:       

- Khi dạy anh ham muốn ít hơn.

Thực ra, nếu chỉ nghĩ tới hạnh phúc ngay ở trần gian này, thì Lời Chúa hôm nay khó hiểu và khó chấp nhận, vì người ta không thấy hạnh phúc ngay trước mắt. Nhưng với con mắt đức tin, chúng ta còn hy vọng vào đời sống mai hậu, nơi đó mới có hạnh phúc hoàn toàn. Cuộc sống ở trần gian này chỉ là một cuộc hành trình còn nhiều gian khổ, là cuộc chuẩn bị cho ngày vinh quang đó. Thánh vịnh sau đây đã diễn tả tư tưởng đó:

Ai nghẹn ngào ra đi gieo giống
Mùa gặt mai sau khấp khởi mừng.
Họ ra đi, đi mà nức nở, mang hạt giống vãi gieo;
Lúc trở về, về reo hớn hở, vai nặng gánh lúa vàng (Tv 126, 5-6).

 

4. Suy niệm (Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.)

VUI MỪNG NHẢY MÚA

Người ta thường gọi nhiều con là phúc,

làm quan là lộc, sống lâu là thọ.

Phúc lộc thọ là mơ ước của nhiều người thời xưa.

Có thể nói, chữ phúc gói được cả hai chữ lộc và thọ.

Người có phúc thì có những điều tốt lành

như sống lâu, phú quý, giàu sang, con đàn cháu đống.

Bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu nhắc đến người có phúc.

Ngài nói với các môn đệ, với cả đám đông dân chúng

đang chăm chú lắng nghe Ngài giảng trên mảnh đất bằng.

Ngài có gây sốc không khi Ngài nói thẳng với thính giả:

Phúc cho anh em là người nghèo, người đang đói,

đang khóc, đang chịu bách hại vì Thầy.

Đức Giêsu giảng trước một đám đông người nghèo.

Họ kéo đến từ khắp nơi trong và ngoài nước Ítraen.

Họ nghèo về của cải, về địa vị, về sức khỏe (Lc 6,18).

Họ đến với Đức Giêsu để mong được ơn chữa lành,

mong được ơn bình an thoát khỏi quỷ ma quấy nhiễu.

Vào thời Đức Giêsu, có nhiều người đói.

Chỉ một cơn hạn hán dài cũng đủ làm đồng ruộng cháy khô,

gia súc hết sạch, nhiều người bỗng thấy mình tay trắng.

có người phải ăn xin hay ra nước ngoài kiếm ăn.

Đức Giêsu giảng cho những người bây giờ đang khóc.

Khóc vì mất người thân, khóc vì bị đối xử bất công,

khóc vì đất nước chịu cảnh loạn lạc lưu đày, gia đình ly tán.

Sau thời Đức Giêsu, còn có nhiều kitô hữu chịu bách hại.

Đứng trước những người nghèo đói, khóc than, buồn phiền,

Đức Giêsu đã long trọng loan báo tin mừng cho họ.

Họ không phải là những người bất hạnh hay bị Chúa phạt.

Trái lại họ là những người có phúc,

vì Thiên Chúa thấy và thương tình trạng khổ đau của họ.

và Ngài muốn đảo ngược hoàn cảnh họ đang gánh chịu.

Thiên Chúa sẽ cho họ giàu vì được hưởng Nước của Ngài,

cho họ được no nê, được tươi nét mặt, mừng vui nhảy múa.

Đức Giêsu không nói suông.

Ngài làm phép lạ bánh hóa nhiều để nuôi đám đông,

sợ họ bị xỉu vì đói sau ba ngày nghe Ngài giảng (Mc 8,2).

Ngài không chịu được những giọt nước mắt của con người,

của bà góa thành Nain khóc đứa con trai duy nhất,

của nhà ông trưởng hội đường khóc cô con gái mới qua đời,

của chị Maria Mácđala khóc vì xác Thầy bị ai lấy mất.

Bao nhiêu giọt nước mắt đã được Đức Giêsu lau khô.

Bao nhiêu niềm vui Ngài đã đem lại cho người đau khổ.

Đức Giêsu không chỉ rao giảng Tin Mừng cho người nghèo,

Ngài còn làm họ được mừng vui, khi đến với họ.

Tội nhân, dân ngoại, trẻ em, phụ nữ, cũng là người nghèo.

Việc Ngài cúi xuống trên những người bị xã hội coi khinh

là dấu hiệu cho thấy họ có chỗ trong trái tim Thiên Chúa.

Đức Giêsu cũng đã nói về những mối họa.

Giàu sang, no đủ dư dật, vui vẻ hạnh phúc, được ngợi ca,

tự nó, không phải là điều xấu.

Nó chỉ trở nên xấu khi nó khiến lòng con người khép lại,

khép lại trước Thiên Chúa và đóng lại trước tha nhân.

Nếu biết sử dụng, những điều có thể trở nên mối họa

lại trở nên mối phúc cho chính mình và tha nhân.

Khi tôi chia sẻ cho người khác sự giàu có no đủ của tôi,

khi tôi trao cho người khác nụ cười bình an của tôi,

khi tôi dùng sự nổi tiếng của mình để phục vụ,

lúc ấy họa thành phúc, cho tôi và cho người khác.

Thế giới sẽ còn nghèo đói, còn nước mắt, khổ đau.

Nhưng những mối phúc và mối họa trong Tin Mừng Luca

là một lời mời gọi chúng ta cộng tác với Chúa Giêsu

để làm cho thế giới này vui hơn, no đủ hơn, chia sẻ hơn.

Nhờ đó người nghèo thấy Nước Thiên Chúa đang ở bên họ.

LỜI NGUYỆN

Lạy Chúa là Cha của gia đình nhân loại,

Chúa đã sáng tạo mọi người bình đẳng về nhân phẩm.

Xin hãy đổ vào lòng chúng con tình huynh đệ,

và gợi lên nơi chúng con ước mơ làm mới lại

các cuộc gặp gỡ, đối thoại, công lý và hòa bình.

Xin hãy thúc đẩy chúng con tạo ra

những cộng đồng lành mạnh hơn,

và một thế giới cao quý hơn,

thế giới không có đói nghèo, chiến tranh hay bạo lực.

Xin cho trái tim của chúng con mở ra

trước mọi dân tộc và quốc gia trên mặt đất.

Xin giúp chúng con nhận ra sự thiện mỹ

mà Chúa đã gieo nơi lòng từng người chúng con,

nhờ đó chúng con rèn đúc mối dây hiệp nhất,

chia sẻ những dự án và những giấc mơ chung. Amen.

Đức Thánh Cha Phanxicô

Tag:

2022-02-13