Chúa nhật 7 Thường niên năm C (Lc 6,27-38)

Đức GiêSu Đã, Đang Và Mãi Mãi Yêu Chúng Ta Cho Đến Cùng

"Tình yêu Đức Kitô thúc bách chúng ta"

Chúa nhật 7 Thường niên năm C (Lc 6,27-38)

Chúa nhật 7 Thường niên năm C (Lc 6,27-38)

“Các con hãy tỏ lòng thương xót như Cha các con hay thương xót”.

BÀI ÐỌC I: 1 Sm 26, 2. 7-9. 12-13. 22-23

“Chúa trao đức vua trong tay tôi mà tôi không nỡ ra tay”.

Trích sách Samuel quyển thứ nhất.

Trong những ngày ấy, Saolê cùng với ba ngàn quân sĩ tinh nhuệ của Israel kéo xuống hoang địa Ziphô để vây bắt Ðavít. Ban đêm Ðavít và Abisai đến nơi quân sĩ (của vua) đóng, và thấy Saolê đang nằm ngủ trong lều, cây giáo của ông thì cắm xuống đất ở phía đầu. Abner và quân sĩ thì ngủ chung quanh ông.

Abisai liền nói với Ðavít rằng: “Hôm nay, Thiên Chúa đã trao kẻ thù trong tay ngài; vậy giờ đây xin cho tôi lấy giáo đâm ông ấy một phát thâu xuống đất, không cần đến phát thứ hai”. Nhưng Ðavít nói với Abisai rằng: “Chớ giết ngài, vì có ai đưa tay phạm đến Ðấng Chúa xức dầu mà vô tội đâu?” Rồi Ðavít lấy cây giáo và bình nước ở phía đầu của Saolê và cả hai ra đi. Không ai hay biết và không ai thức dậy, nhưng mọi người vẫn ngủ, vì Chúa khiến họ ngủ say.

Ðavít sang phía bên kia, đứng trên ngọn núi đàng xa, đôi bên cách xa nhau. Ngài hô lên rằng: “Ðây là ngọn giáo của nhà vua, một trong các cận vệ của vua hãy qua đây mà lấy, Chúa sẽ báo đáp cho mỗi người tuỳ theo sự công minh và thành tín cuả họ, vì hôm nay Chúa trao đức vua trong tay tôi mà tôi không nỡ ra tay giết đấng được Chúa xức dầu”.

Ðó là lời Chúa.

 

ÐÁP CA: Tv 102, 1-2. 3-4. 8 và 10. 12-13.

Ðáp: Chúa là Ðấng từ bi và hay thương xót. (c. 8a).

Xướng: Linh hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa, và toàn thể con người tôi, hãy chúc tụng danh Người. Linh hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa, và chớ khá quên mọi ân huệ của Người.

Xướng: Người đã tha thứ cho mọi điều sai lỗi, và chữa ngươi khỏi mọi tật nguyền. Người chuộc mạng ngươi khỏi chỗ vong thân, Người đội đầu ngươi bằng mão từ bi, ân sủng.

Xướng: Chúa là Ðấng từ bi và hay thương xót, chậm bất bình và hết sức khoan nhân. Người không xử với chúng tôi như chúng tôi đắc tội, và không trả đũa theo điều oan trái chúng tôi.

Xướng: Cũng như từ đông sang tây xa vời vợi, Người đã ném tội lỗi xa khỏi chúng tôi. Cũng như người cha yêu thương con cái, Chúa yêu thương những ai kính sợ Người.

 

BÀI ÐỌC II: 1 Cr 15, 45-49

“Như chúng ta đã mang hình ảnh của người thuộc địa giới, thì chúng ta cũng sẽ mang hình ảnh người thiên quốc như vậy”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

Anh em thân mến, Ađam cũ là người có sự sống, còn Ađam mới thì có thần trí ban sự sống. Những điều có trước, không phải thuộc linh giới, mà là thuộc thể giới, rồi mới đến cái thuộc về linh giới. Người thứ nhất bởi đất mà ra, thì thuộc về địa giới, còn người thứ hai bởi trời mà đến, thì thuộc thiên giới. Người thuộc địa giới đó thế nào, thì những người khác thuộc địa giới cũng vậy; và người thuộc thiên giới đó thế nào, thì những người khác thuộc thiên giới cũng vậy. Bởi thế, như chúng ta đã mang hình ảnh của người thuộc địa giới, thì chúng ta cũng sẽ mang hình ảnh người thiên quốc như vậy.

Ðó là lời Chúa.

 

Tin mừng: Lc 6, 27-38

27 Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Thầy bảo các con đang nghe Thầy đây: Các con hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn cho những kẻ ghét mình, 28 hãy chúc phúc cho những kẻ nguyền rủa mình, hãy cầu nguyện cho những kẻ vu khống mình.

29 Ai vả má con bên này, thì đưa cả má bên kia; ai lột áo ngoài của con, thì con cũng đừng cản nó lấy áo trong.

30 Ai xin, thì con hãy cho và ai lấy gì của con, thì đừng đòi lại.

31 Các con muốn người ta làm điều gì cho các con, thì hãy làm cho người ta như vậy.

32 Nếu các con yêu những kẻ yêu các con, thì còn ân nghĩa gì nữa? Vì cả những người tội lỗi cũng yêu những ai yêu họ.

33 Và nếu các con làm ơn cho những kẻ làm ơn cho các con, thì còn ân nghĩa gì? Cả những người tội lỗi cũng làm như vậy.

34 Và nếu các con cho ai vay mượn mà trông người ta trả lại, thì còn ân nghĩa gì? Cả những người tội lỗi cũng cho những kẻ tội lỗi vay mượn để rồi được trả lại sòng phẳng.

35 Vậy các con hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn, và cho vay mượn mà không trông báo đền. Phần thưởng của các con bấy giờ sẽ lớn lao, và các con sẽ là con cái Ðấng Tối Cao, vì Người nhân hậu với những kẻ bội bạc và những kẻ gian ác.

36 Vậy các con hãy ở nhân từ như Cha các con là Ðấng nhân từ.

37 Ðừng xét đoán, thì các con sẽ khỏi bị xét đoán; đừng kết án, thì các con khỏi bị kết án. Hãy tha thứ, thì các con sẽ được tha thứ.

38 Hãy cho, thì sẽ cho lại các con; người ta sẽ lấy đấu hảo hạng, đã dằn, đã lắc và đầy tràn mà đổ vào vạt áo các con. Vì các con đong đấu nào, thì cũng sẽ được đong trả lại bằng đấu ấy”.

 

1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)

Suy niệm: Ðức Giêsu đã dạy chúng ta về lòng yêu thương vô vị lợi, tha thứ vô điều kiện và không xét đoán người khác. Trên thập giá, Chúa Giêsu xin Ðức Chúa Cha tha tội cho những kẻ giết mình. Ðó là những việc thường trái với tính tự nhiên của con người. Nhưng Ðức Giêsu đã vượt thắng và muốn chúng ta đi trên con đường của Ngài là thương, và yêu thương tới cùng.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, với con người đầy ích kỷ và hẹp hòi của chúng con, chúng con cảm thấy mình như kẻ khờ khạo đối với người đời. Xin cho chúng con biết nhìn vào mẫu gương khôn ngoan đích thực của chính Chúa. Chúa đã trở nên như đồ chúc dữ chỉ vì yêu thương. Nhìn gương Chúa và nghe lời Chúa dạy. Xin cho chúng con biết chọn phần khôn ngoan đích thực là sống như Chúa và làm theo Chúa. Trở nên giống Chúa, chắc chắn chúng con sẽ được đón nhận hạnh phúc vĩnh cửu. Amen.

Ghi nhớ: “Các con hãy tỏ lòng thương xót như Cha các con hay thương xót”.

 

2. Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)

HÃY YÊU THƯƠNG KẺ THÙ
+++

A. TÌM HIỂU LỜI CHÚA

1. Bài đọc 1: 1Sm 26,2-7.9-12-13.22-23

Câu chuyện kể về tâm hồn cao thượng và lòng đại độ của Đavít đã tha chết cho đối phương. Một hôm Saulê dẫn 3000 quân đi lùng bắt Đavít. Đang đêm Saulê nằm ngủ mê mệt trong lều trại. Đavít đột nhập và có thể giết vua một cách dễ dàng. Người tùy tùng xin Đavít cho giết, nhưng Đavít đã can ngăn vì ông không dám ra tay giết Đấng đã được xức dầu tấn phong.

Ông chỉ lấy cây giáo của Saulê rồi sang phía bên kia hô lớn bảo Saulê thức dậy cho người sang lấy lại ngọn giáo. Việc này khiến Saulê cảm động và phải thừa nhận Đavít là người sau này sẽ hoàn thành nghiệp lớn. Đavít đã trở nên hình bóng của Đấng Thiên sai sẽ đến sau này.

2. Bài đọc 2: 1Cr 15,45-49

Thiên Chúa đã dựng nên ông Ađam từ bùn đất theo hình ảnh Ngài. Ngài lại hả hơi sự sống cho con người nguyên thuỷ ấy, và ban cho ông trí tuệ. Thánh Phaolô so sánh Ađam cũ với Đức Giêsu là Ađam mới: Ađam bởi đất mà ra, còn Đức Giêsu từ trời mà đến. Ađam mới này là Đấng đã chiến thắng tội lỗi cùng thông ban Thần khí của Ngài cho chúng ta, làm cho chúng ta trở nên con cái Chúa, thông phần vào sự sống Thiên Chúa, và mang trong mình mầm mống của sự sống lại.

3. Bài Tin mừng: Lc 6,27-38

Sau khi công bố Hiến chương Nước trời, Đức Giêsu đưa ra những đòi hỏi cụ thể: chúng ta phải thương yêu nhau. Đây là lề luật phải giữ, phải thực hiện. Để đi xa hơn, Đức Giêsu còn đòi hỏi các môn đệ Ngài phải yêu thương mọi người không trừ ai, kể cả kẻ thù của mình và bách hại mình. Chúng ta cũng được kêu gọi hãy tha thứ cho kẻ thù và đừng bao giờ lên án ai, đừng bao giờ dùng bạo lực, tốt nhất là làm cho tha nhân điều mà ta muốn tha nhân làm cho mình.

Lý do của tất cả cách cư xử trên là vì Cha trên trời: “Các con hãy ở nhân từ như Cha các con là Đấng nhân từ”. Cha chúng ta như thế nào, chúng ta cũng phải sống như vậy, vì thế chúng ta yêu thương, tha thứ, đừng xét đoán, biết cho đi…

B. THỰC HÀNH LỜI CHÚA: Hãy yêu thương kẻ thù

I. LỜI KHUYÊN DẠY CỦA ĐỨC GIÊSU

1. Trong Cựu ước, chúng ta chỉ có thấy luật căn bản là mến yêu Thiên Chúa hết lòng và thương yêu tha nhân như chính mình. Ngoài ra, không có luật nào buộc phải thương yêu kẻ thù bởi vì chúng ta thấy trong đó có luật báo oán: mắt đền mắt, răng đền răng. Đây là một lề luật xây trên luân lý tự nhiên, ai cũng có thể chấp nhận (x. Xh 21,23-25; Lv 24,17-21; Tl 19,18-21).

Trong đoạn Tin mừng hôm nay, Đức Giêsu đưa ra cho chúng ta một giáo lý tuyệt vời về đức bác ái: hãy yêu thương kẻ thù. Ngài dạy chúng ta cách sống, các cư xử đối với mọi người. Ngài dạy chúng ta yêu thương tha nhân như chính bản thân mình. Tha nhân có thể là người yêu thương chúng ta, nhưng cũng bao gồm cả những người không thương, ghét chúng ta, thậm chí cả những người làm hại chúng ta nữa. Đó là luật yêu thương kẻ thù. Đây là một luật có tính cách siêu việt.

Không có giới răn nào gây ra nhiều tranh cãi cho bằng giới răn dạy yêu thương kẻ thù. Trước khi có thể vâng giữ luật đó, chúng ta cần tìm hiểu ý nghĩa của nó. Ngôn ngữ Hy lạp có 3 tiếng để chỉ yêu thương:

a) EROS: ái tình, chỉ tình yêu thương về xác thịt, như nam nữ yêu nhau.

b) PHILO: yêu mến, tình yêu giữa người thân thuộc, có tính cách tự nhiên.

Cả hai từ này không được dùng ở đây.

C) AGAPE: bác ái, tình yêu không đến tự nhiên nhưng do cố gắng, được hướng dẫn của ý chí. Một lòng trắc ẩn đối với người khác, dù người đó có xử tệ, ăn ở xấu thế nào đi nữa, chỉ mong sao cho người ấy được hạnh phúc, được lợi ích, tình nguyện và quyết tâm hy sinh để ăn ở tốt với người ấy.

Điều này rất ý nghĩa, chúng ta không thể yêu kẻ thù như yêu những người thân của chúng ta, vì như thế là phản tự nhiên, không thể có được, nhưng chúng ta có thể nhận thấy rằng, bất kể người nào đó làm gì đối với chúng ta, dù họ làm nhục chúng ta, bạc đãi, làm tổn thương chúng ta, thì chúng ta cứ tìm điều lành cho họ. Điều khác biệt ở chỗ này là tình yêu của chúng ta đối với người thân thuộc là điều tất yếu tự nhiên không tránh được, tự nhiên lòng chúng ta hướng về đó, nhưng tình yêu đối với kẻ thù không những là một việc của trái tim, của tấm lòng, mà còn là việc của ý chí nữa. Đó là việc mà nhờ ơn Chúa giúp chúng ta sẽ thực hiện được.

Câu chuyện dưới đây đã minh hoạ cho tư tưởng trên: ngày 13/5/1981 cả thế giới đều sửng sốt kinh hoàng về tin Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II bị ám sát tại chính công trường thánh Phêrô. Ali Agca, một thanh niên Thổ Nhĩ Kỳ, thủ phạm bắn Ngài, lại được Ngài đến thăm, nói chuyện và tha thứ cho anh. Tình yêu nào đã khiến Đức Giáo hoàng thương yêu kẻ thù như bạn hữu của mình? Chỉ có tình yêu của Đức Giêsu đã thúc đẩy vị Đại diện của Ngài dưới trần gian này đã có lòng bác ái vô biên như vậy.

2. Một giáo lý tiêu cực hay tích cực

a) Giáo lý tiêu cực

Phải chăng Đức Giêsu dạy như thế có nghĩa là Ngài đề cao lối sống buông xuôi, đầu hàng, cam chịu? Yêu thương kẻ thù phải chăng là bao che cho cái ác, không phải là để kích thích họ tiếp tục làm điều ác? Phải chăng là loại bỏ những luật hình sự và khiến chúng ta trở thành bạc nhược? Tại sao chúng ta phải yêu kẻ thù? Yêu người mình yêu thì dễ, ai lại yêu kẻ làm hại mình bao giờ? Theo triết gia Nietzsche thì lời khuyên “Hãy yêu thương kẻ thù” chỉ dành cho những người bạc nhược, nhát đảm. Và Đức Giêsu chính là con người quá lý tưởng, thiếu thực tế.

Ông Nietzsche cho lời khuyên “thương yêu kẻ thù” của Chúa là quá viển vông, xa thực tế. Vậy ông trả lời thế nào được trường hợp của những người họ chưa hề biết Đức Giêsu, mà họ đã biết yêu thương kẻ thù, thay vì báo oán lại làm ơn cho họ.

Truyện: Lấy ơn đền oán

Người ta kể rằng: gần biên giới hai nước Lương và Sở, tức Hồ nam ngày nay, có hai người làm nghề trồng dưa: một người ở nước Lương, một người ở nước Sở. Nhờ sự chăm sóc và bón phân, vườn dưa của người nước Lương lên tốt, kết quả rất mỹ mãn và hàng năm mang lại một mối lợi đáng kể. Còn anh chàng của nước Sở, lười biếng, cỏ chẳng làm, dưa không tưới và bón phân, dĩ nhiên không kết quả bao nhiêu. Thấy vậy anh ta sinh ghen tương, đêm đêm lẻn sang vườn người phá hoại.

Vườn dưa đang tốt, song mỗi ngày cứ thấy lụi dần, tìm hiểu và biết được kẻ phá hoại, tức mình lắm, định trả đũa. Nhưng trước khi thi hành, ông đem việc đến trình quan huyện là Tống Tựu. Quan can và nói: “Làm như thế chỉ tổ gây hằn thù, tôi khuyên anh: thay vì trả đũa, mỗi đêm lẻn sang đó tưới và bón phân. Nhưng phải bí mật đừng cho nó trông thấy”. Thấy bên kia không trả đũa, lại nhận ra vườn của mình ngày một xanh tốt. Sau lâu ngày mới biết người kia đã không báo oán mà còn làm ơn, anh liền sang xin lỗi. Hai gia đình đã kết thân và cùng trở nên giàu có.

b) Giáo lý tích cực

Đức Giêsu dạy chúng ta giáo lý này không nhằm đưa ra những cạm bẫy, mà nói đến những việc phải làm.

Chúa phán: “Phúc cho các ngươi, nếu vì Con Người mà người ta thù ghét, trục xuất và phỉ báng các ngươi, và loại trừ tên các ngươi như kẻ bất lương”. Đứng trước thái độ thù nghịch trên đây, môn đệ Chúa phải có thái độ nào? Chúa dạy yêu thương kẻ thù, làm ơn cho kẻ ghét mình, chúc phúc cho kẻ nguyền rủa, cầu nguyện cho kẻ vu khống. Đây là hình thức hoàn hảo nhất trong tình bác ái đối với tha nhân, lấy thiện báo ác thay vì nuôi dưỡng hận thù.

Từ một nguyên tắc chung, Chúa đi đến những điều riêng như “Ai vả má con bên này, thì hãy đưa cả má kia. Ai lột áo ngoài của con thì cũng đừng cản nó lấy áo trong”… Khuyên từ bỏ báo oán, Đức Giêsu còn khuyên đừng chống lại bạo tàn, chịu nhịn mà không than trách, không đòi bồi thường.

Đây là một thái độ tích cực trái ngược hẳn với bản tính tự nhiên của con người, một thái độ đòi hỏi, một thái độ đòi hỏi có ánh sáng đức tin hướng dẫn với một ý chí mãnh liệt.

Luân lý Kitô giáo thật là tích cực, nó không bao gồm những việc cấm kỵ mà nói đến việc phải làm. Theo đó, Đức Giêsu ban cho chúng ta điều luật vàng này: “Chúng ta hãy làm cho kẻ khác y như chúng ta muốn người khác làm cho mình vậy”.

Luật vàng này, cũng tìm thấy, nơi dạy dỗ của nhiều bậc thầy, nhưng những lời khuyên răn ấy chỉ ở dưới hình thức tiêu cực. Chẳng hạn Hillel, một trong những rabbi nổi tiếng của Do thái, đã trả lời cho người xin ông dạy cho tất cả luật pháp chỉ trong thời gian anh đứng có một chân, ông bảo: “Điều chi đáng ghét cho ngươi thì ngươi đừng làm cho kẻ khác, đó là tất cả luật pháp, các sự khác chỉ là sự giải thích”.

- Philô, một vĩ nhân tại Alexandria đã nói: “Điều gì anh ghét chịu đựng thì đừng làm cho bất cứ ai”.

- Isocrates, một nhà hùng biện Hy lạp dạy: “Những gì khiến anh bực bội bởi tay kẻ khác gây ra, thì đừng làm những sự ấy cho kẻ khác”.

- Các triết gia của phái Khắc kỷ có một điều luật căn bản: “Điều gì anh không muốn cho kẻ khác làm cho anh thì anh đừng làm cho ai khác”.

- Đức Khổng Tử thì nói: “Kỷ sở bất dục vật thi ư nhân”: điều gì mình không muốn thì đừng làm cho kẻ khác.

Các lời khuyên dạy trên đây đều mang hình thức tiêu cực, vì khuyên người ta đừng làm những điều không tốt. Dù thế, thực hiện được những lời khuyên này là rất khó. Những lời khuyên của Đức Giêsu mang hình thức tích cực lại càng khó thực hiện hơn, bởi vì chúng ta phải ép mình để làm cho kẻ khác điều mà chúng ta muốn họ làm cho mình. Chính bản chất luân lý Kitô giáo là không phải chỉ tránh làm điều xấu, mà còn phải tích cực làm điều tốt.

II. THỰC HÀNH LỜI CHÚA DẠY

Trong bài Tin mừng hôm nay, Chúa dạy chúng ta hãy yêu thương kẻ thù. Thật là một giáo huấn khó thực hiện nhưng không phải là bất khả thi, tức là có thể thực hiện được, và dĩ nhiên để có thể thực hiện đòi hỏi người ta một tình yêu vượt trên tình yêu bình thường. Nhưng chỉ hiểu biết được giáo huấn của Chúa thì chưa đủ, cần chúng ta thực hiện lời giáo huấn bằng những hành động cụ thể. Theo đó, chúng ta có thể làm ba việc tiêu biểu: tha thứ, làm ơn lành và cầu nguyện cho kẻ thù.

1. Tha thứ cho kẻ thù

a) Chúa dạy ta tha thứ

Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta khó lòng mà chịu đựng được những người sỉ nhục, làm hại ta. Chúng ta có khuynh hướng trả thù, thích sống theo lối “ăn miếng trả miếng” hay “Hòn đất ném đi, hòn chì ném lại”, cho nên giáo huấn của Chúa khó am hợp với đời sống của ta. Tuy thế, Đức Giêsu vẫn dạy chúng ta phải tha thứ cho nhau theo gương Ngài: “Các con phải có lòng nhân từ, như Cha các con là Đấng nhân từ” và “Các con hãy tha thứ, thì sẽ được Thiên Chúa tha thứ” (Lc 6,4).

Chúng ta nói được rằng tha thứ là đặc tính của Thiên Chúa, và trong thực tế Thiên Chúa đã tha thứ cho con người khôn xiết kể. Chúng ta là con người chỉ biết lầm lỗi mong được ơn tha thứ và chúng ta cũng có cái vinh dự là được tham dự vào sự tha thứ của Thiên Chúa đối với anh em mình. Chính A. Pope đã xác định đặc tính trên đây khi ông nói: “Lầm lạc là của con người, tha thứ là của Thiên Chúa”.

Theo với luật yêu thương, ta còn luật tha thứ đi kèm, vì nếu không có luật tha thứ thì luật yêu thương sẽ bị giới hạn rất nhiều. Người ta thường nói: “Quá tam ba bận” nghĩa là chỉ tha ba lần thôi, quá ba lần thì không tha nữa. Thánh Phêrô cũng theo chủ trương đó nhưng có phần rộng rãi hơn. Ông tin rằng tha thứ 7 lần đã là quá nhiều, vì số 7 là số tối đa theo quan niệm Kinh thánh nói lên một tính chất dư dật đúng mức. Nhưng Đức Giêsu bảo ông tha 7 lần chưa đủ, mà phải tha 70 lần 7, tức là tha mãi không có giới hạn (x. Mt 18,22; Lc 17,4).

b) Theo quan niệm dân gian

Người đời chia con người thành hai loại xung khắc nhau: hiền nhân quân tử và tiểu nhân. Trong xã hội chịu ảnh hưởng Nho giáo thì con người hiền nhân quân tử được đề cao, coi là bậc thầy, mẫu mực của mọi người. Còn tiểu nhân là những người tầm thường, bê bối, và nếu hiểu trong tinh thần Kitô giáo, thì ta hiểu tiểu nhân là những kẻ tội lỗi. Những kẻ tiểu nhân, những kẻ vũ phu có những hành động vụt chạc, thiếu suy nghĩ, không cầm mình được, khi bị sỉ nhục là tuốt gươm xông đánh kẻ thù, giống như trường hợp anh chàng Tân Ti Tụ; còn người quân tử hiếu dũng không thèm chấp nhặt những sỉ nhục ấy, họ bình tĩnh đón nhận một cách vui vẻ như hiền triết Socrate. Vì thế, người đời coi tha thứ là đặc tính của người trượng phu, anh hùng:

Đấng trượng phu đừng thù mới đáng,
Đấng anh hùng đừng oán mới hay.

c) Chủ trương của hiền nhân quân tử

Các bậc hiền nhân quân tử đề cao sự tha thứ, đặc biệt các vị sáng lập tôn giáo, trong đó ta thấy có hai khuôn mặt dạy sự tha thứ nổi bật là Đức Phật Thích Ca và Đức Giêsu. Nhưng về phương diện thực hành thì Đức Giêsu là một tấm gương sáng chói.

- Ông Mahatma Gandhi nói: “Luật vàng của xử thế là sự tha thứ lẫn nhau”. Chính ông đã dùng thuyết bất bạo động để giải phóng dân tộc Ấn độ khỏi ách thống trị của người Anh.

- Ông Tertullien nói: “Kẻ bị nhục, dùng sỉ nhục để báo thù, có khác gì người sỉ nhục họ không? Chẳng qua là những kẻ cùng làm như nhau, nhưng chỉ kẻ trước người sau mà thôi”.

 

3. Suy niệm (Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.)

YÊU KẺ THÙ

Có nhiều hiểm nguy đe dọa con người trên trái đất.

Dịch bệnh như Covid đã giết chết gần sáu triệu người.

Thiên tai như hạn hán, lụt lội, động đất, nắng nóng,

cũng là những mối đe dọa thường xuyên.

Các khoa học gia sợ một ngày nào đó, có một thiên thạch

lao vào trái đất, và làm nó tan thành tro bụi.

Dầu sao đó không phải là những mối đe dọa đáng sợ nhất.

Hận thù mới là mối đe dọa tất cả loài người.

Con người nuôi hận thù từ thời Cain giết Aben,

từ thời ông Giuse suýt bị giết bởi chính anh em của mình.

Hận thù tiếp diễn trong dòng lịch sử giữa các tôn giáo,

các dân tộc và sắc tộc, giữa những ý thức hệ khác nhau,

và ngay trong gia đình, trong mọi tổ chức.

Tin Mừng của Đức Giêsu nói về cách thức loại bỏ hận thù,

cách thức đối xử với kẻ thù của mình.

Ngài kể ra một số kẻ thù quen thuộc của chúng ta:

kẻ ghét ta, nguyền rủa ta, hay vu khống cho ta,

kẻ tát vào mặt ta và đoạt áo ngoài của ta (Lc 6,27-29).

Ngài chỉ cho ta cách cư xử với những kẻ thù đó.

Không lấy hận thù đáp lại hận thù, nhưng lấy ân báo oán.

Giáo huấn quan trọng của Ngài là: hãy yêu kẻ thù.

Yêu ở đây không phải là chuyện tình cảm hay cảm xúc,

mà là chuyện thể hiện ra bằng hành động cụ thể.

Làm ơn cho kẻ ghét, chúc lành cho kẻ nguyền rủa,

cầu nguyện cho kẻ vu khống,

không dùng bạo lực với kẻ xúc phạm đến mình.

Những hành động như thế hiển nhiên là khó,

và có vẻ đi ngược với bản tính tự nhiên của con người.

Đức Giêsu mời chúng ta bước lên một trình độ cao hơn,

vượt xa phản ứng ăn miếng trả miếng bình thường,

để bước vào thế giới siêu nhiên của Thiên Chúa.

Đức Giêsu cũng đòi ta ra khỏi thái độ có qua có lại:

Yêu kẻ yêu mình, làm ơn cho kẻ làm ơn cho mình,

cho vay để được trả lại sòng phẳng (Lc 6,32-34).

Đối với Ngài, thái độ ấy, kẻ tội lỗi cũng làm được.

Người môn đệ của Ngài phải làm hơn thế nhiều:

yêu kẻ không yêu mình, làm ơn cho kẻ gây oán,

cho vay mà chẳng hy vọng sẽ được trả lại.

Sống như thế là sống theo kiểu của Đấng Tối Cao,

Đấng nhân hậu với cả những kẻ vô ân và gian ác.

Chỉ khi sống theo cung cách của Cha trên trời,

chúng ta mới thực sự trở nên con cái của Cha (Lc 6,35).

Cách cư xử của Cha trên trời là mẫu mực cho chúng ta.

Những kẻ xấu xa gian ác, Ngài vẫn coi họ là con,

vì Ngài có lòng thương xót, từ tâm với mọi người.

Kẻ xấu, người tốt đều có chỗ trong trái tim Ngài.

Ngài vui khi thấy chúng ta yêu thương và tha thứ cho nhau,

không xét đoán, kết án, hay loại trừ nhau (Lc 6,37).

Thiên Chúa Cha là Đấng thích cho cách quảng đại.

Khi ta cho và cho vay, Ngài không để ta chịu thiệt bao giờ.

Nếu người vay không trả, Ngài sẽ đứng ra lo liệu

để chúng ta được hưởng đấu đầy, dư tràn vạt áo.

Các tôn giáo thường dạy lấy ân báo oán.

Chỉ Đức Giêsu mới dạy cho biết tại sao phải làm như vậy.

Ngài đưa ta vào một tam giác của tương quan,

nơi đó có Thiên Chúa, có tôi và kẻ thù của tôi.

Tôi và kẻ thù là anh em của nhau, con của Cha trên trời.

Cha mong tôi bắt chước Cha khi đối xử với kẻ thù:

nhân hậu, tha thứ, cảm thông, độ lượng, cao thượng.

Như thế là xóa bỏ hận thù, biến kẻ thù nên bạn.

CẦU NGUYỆN

Lạy Thầy Giêsu,

thật là khó khi phải giữ thái độ khoan dung

đối với những ai đang gây ra bất công và đau khổ

cho bao người trên thế giới và cho Giáo Hội.

Chúng con muốn bứng gốc sự dữ ra khỏi địa cầu,

và làm cho Giáo Hội chỉ gồm những người thánh thiện.

Nhưng lạy Thầy Giêsu,

Thầy lại muốn chúng con để cỏ lùng sống chung với lúa,

và để cả hai cùng lớn lên cho đến mùa gặt.

Chúng con hiểu tại sao ác nhân vẫn tung hoành,

và Xatan dường như thắng thế trong cuộc chiến hiện tại.

Thầy cho chúng con thấy khuôn mặt của Chúa Cha,

Đấng kiên nhẫn chờ con người hối cải,

Đấng cho mặt trời sáng trên kẻ dữ,

và mưa rơi trên ác nhân.

Thầy cũng cho chúng con thấy khuôn mặt của Thầy,

Đấng không bẻ gãy cây lau bị giập,

không làm tắt tim đèn còn khói.

Xin Thầy dạy chúng con biết cách chấp nhận

cuộc xung đột kéo dài đến tận thế

giữa con cái ánh sáng và con cái tối tăm,

giữa lúa tốt và cỏ lùng.

Và xin cho chúng con tin rằng

chiến thắng cuối cùng

sẽ thuộc về ánh sáng và sự thiện,

công lý và tình yêu.

Tag:

2022-02-20