ĐHY Fernández: Chúa Thánh Thần hoạt động trong kinh nghiệm thiêng liêng của tín hữu ở Mễ Du

Đức GiêSu Đã, Đang Và Mãi Mãi Yêu Chúng Ta Cho Đến Cùng

"Tình yêu Đức Kitô thúc bách chúng ta"

ĐHY Fernández: Chúa Thánh Thần hoạt động trong kinh nghiệm thiêng liêng của tín hữu ở Mễ Du

ĐHY Fernández: Chúa Thánh Thần hoạt động trong kinh nghiệm thiêng liêng của tín hữu ở Mễ Du

Vatican News

Đức Hồng Y Victor Manuel Fernández nói: “Việc cho phép thờ phượng công khai tại thánh địa Mễ Du có nghĩa là có một điều gì đó siêu nhiên, rằng Chúa Thánh Thần hoạt động ở nơi đó, như tại sự kiện Hoa hồng huyền nhiệm ở Montichiari, ngay cả khi tính xác thực siêu nhiên của những lần hiện ra không được tuyên bố. Một số thông điệp từ Đức Mẹ có thể có tính siêu nhiên, bị pha trộn với những thông điệp không có tính siêu nhiên. Chúng tôi không nói rằng Chúa Thánh Thần hoạt động ‘thông qua’, bởi vì điều đó có nghĩa là khẳng định tính siêu nhiên, nhưng ‘ở giữa’: và điều này có nghĩa là đã có một hành động đặc biệt của Chúa Thánh Thần ở nơi đó”.

Tại sao sự kiện Mễ Du không được tuyên bố là có tính siêu nhiên

Trong bài phát biểu, Đức Hồng Y Fernández muốn giải thích rõ một số điểm của hai văn kiện, bắt đầu từ những Quy tắc mới, có hiệu lực từ ngày 19/5. Ngài làm rõ ý nghĩa của sáu quyết định trong trường hợp được cho là hiện ra, từ Nihil obstat (không có gì ngăn trở) đến Declaratio de non supernaturalitate (tuyên bố về việc không có tính siêu nhiên), và muốn giải đáp thắc mắc của nhiều tín hữu Mễ Du, những người thắc mắc tại sao trong tài liệu “Nữ Vương hòa bình” đề xuất tuyên bố về tính siêu nhiên của “Ủy ban Ruini” lại không được thực hiện. Đức Hồng y giải thích rằng tuyên bố này “luôn luôn có thể được thực hiện”. Nhưng sau 45 năm, trong thời gian đó “các tín hữu không bao giờ nhận được lời giải thích rõ ràng về các thông điệp, những điều vẫn được đọc và suy ngẫm” trong khi chờ đợi lời tuyên bố về tính siêu nhiên, điều quan trọng là phải mang lại cho họ sự bình tâm khi ở trong Giáo hội, “một sự đồng hành và cho phép việc tôn kính công khai”. Điều này, ngày nay “đối với Đức Thánh Cha đã đủ”.

Công việc khó khăn của Bộ

Sau đó, Đức Hồng y Fernandéz nhấn mạnh rằng những lời trong Ghi chú, “Thiên Chúa hiện diện và hành động trong lịch sử của chúng ta”, mang lại ý nghĩa cho mọi điều tiếp theo, và do đó “có thể là Thiên Chúa hiện diện theo những cách phi thường” với những lần hiện ra và phép lạ. Đức Hồng y nhắc lại rằng để có được các quy luật này Bộ Giáo lý Đức tin đã làm việc “rất vất vả”: trong 45 năm này, ngài nhắc lại, “đã có 3.500 lễ phong chân phước, giả định có phép lạ, và chỉ có 3 hoặc 4 tuyên bố về tính siêu nhiên”. Tuy nhiên, ngài muốn xác định rằng cũng có những nghi ngờ về những điều này.

Lý do chúng ta không thể chờ đợi lâu hơn nữa

Theo Đức Hồng Y Tổng trưởng Bộ Giáo lý Đức tin, mối nguy của việc để chờ đợi quá lâu về tuyên bố chính thức về các cuộc hiện ra là “trong nhiều năm các tín hữu thực hiện lòng sùng kính mà không có sự hướng dẫn, và đi đến những nơi được cho là xảy ra các cuộc hiện ra mà không được phép, và điều này là không tốt”. Các vấn đề thường liên quan đến thực tế là “những người được cho là các thị nhân vẫn còn sống” và chúng ta không biết làm sao để yêu cầu họ chờ đợi, để tuyên bố những thị kiến mới, trước khi những thị kiến trước đó được đánh giá. Và rồi có sự nguy hiểm khi nói: “Đây là những thông điệp Thiên Chúa mong muốn và được truyền đạt qua Đức Mẹ”. Những điều này rất có ý nghĩa: “Vậy ai sẽ còn đi đọc [các tác phẩm của] các Giáo phụ – Đức Hồng y Fernández hỏi – những vị không nói rằng họ đã thấy những thị kiến?”.

Nhiều đền thánh Đức Mẹ không được tuyên bố về tính siêu nhiên

Vì vậy, vị đứng đầu Bộ Giáo lý Đức tin muốn làm sáng tỏ rằng lời tuyên bố về tính siêu nhiên “không phải là giáo huấn không thể sai lầm của Đức Thánh Cha, và các tín hữu không bị buộc phải tin vào điều đó. Vì vậy chúng tôi tin rằng nó không cần thiết”. Nhắc lại rằng đối với nhiều đền thánh trên thế giới, thậm chí cả những đền thánh quốc gia, chẳng hạn như đền thánh Đức Mẹ Lujan ở Argentina, chưa bao giờ có một tuyên bố về tính siêu nhiên, Đức Hồng y nhấn mạnh rằng việc “cho phép” đối với Mễ Du có ba ý nghĩa. Đầu tiên là sự bình tâm của các tín hữu khi biết rằng Giáo hội hiện đang đồng hành cùng tôi; thứ hai, cho phép việc phụng tự công khai, không chỉ các cuộc hành hương, và có nghĩa là giờ đây “một nhà thờ hoặc nhà nguyện với lòng sùng kính đó có thể được xây dựng” trên khắp thế giới. Và điều thứ ba, những lời giải thích hữu ích cho các tín hữu “để những người đọc các thông điệp được đồng hành và có những khía cạnh được giải thích một cách chính xác”. Đối với Đức Hồng Y, những thành quả thiêng liêng tại ngôi làng nhỏ Herzegovina rất quan trọng, và cả một số thông điệp cũng quan trọng. Ngài tâm sự rằng ngài rất ấn tượng trước lòng sùng kính Đức Mẹ Sầu Bi Chandavila ở Tây Ban Nha, “nơi mà người nhận được thị kiến ​​cảm nhận được nụ hôn và vòng tay ôm của Đức Mẹ”.

Cuộc gặp gỡ để giải quyết những hiểu lầm

Về phần Cha Stefano Cecchin, chủ tịch Học viện Giáo hoàng Quốc tế về Thánh Mẫu học, khi giới thiệu cuộc họp, đã nhắc lại rằng kể từ khi thành lập vào năm 1946, Học viện “đã đặc biệt chú ý đến chủ đề các cuộc hiện ra của Đức Mẹ, vốn đã đánh dấu một cách đáng kể lịch sử của Giáo hội”. Đức Maria, cũng hiện ra với những người không phải là Kitô hữu, là người mang đến cuộc đối thoại giữa các đức tin và là người hội nhập văn hóa Tin Mừng. Một ví dụ điển hình hơn là trường hợp của Đức Trinh Nữ Guadalupe. Cha Cecchin nói rõ là ngay cả ở Mễ Du, Đức Maria cũng đề cập đến Tin Mừng. Sau đó, cha nhấn mạnh những vấn đề nổi lên trong hơn 50 năm nghiên cứu, được nhấn mạnh trong Đại hội Thánh mẫu học Quốc tế năm 2020, và liên quan đến “sự thiếu hiểu biết thực sự về giáo lý Công giáo về Mẹ Thiên Chúa”, điều mà Thánh Phaolô VI đã xác định là chìa khóa “để hiểu chính xác mầu nhiệm Chúa Kitô và Giáo hội”. Thật vậy, Công đồng Vatican II dạy rằng Đức Maria “là mẫu mực của Giáo hội”.

Hãy cảnh giác với những người sử dụng hình ảnh Đức Maria cho mục đích riêng

Nhưng ngày nay, đối với Cha Cecchin, sự thiếu hiểu biết này dẫn đến sự rạn nứt giữa Thánh Mẫu học và tư tưởng của Giáo Hội và một lòng sùng kính Đức Maria một cách bình dân nào đó, của nhiều nhóm và hiệp hội, đặc biệt là ở Châu Mỹ, “sử dụng hình ảnh Đức Maria để truyền bá” các thông điệp và cách sử dụng không phù hợp với thông điệp của Phúc âm, hầu như luôn dựa trên những điều được cho là những mặc khải tư”. Và cha chỉ trích “sự gia tăng phổ biến các hiện tượng, thị kiến, những lời tiên tri sử dụng hình ảnh Đức Maria để tấn công Đức Giáo hoàng, Giáo hội, giáo quyền, huấn quyền, các tổ chức bằng các thông điệp mang tính khải huyền, không nhằm tạo ra niềm hy vọng về sự chiến thắng của Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội của Đức Maria nhưng lại khơi dậy nỗi sợ hãi”. Những hiện tượng mà ngài định nghĩa là “của mafia” và nhằm mục đích chia rẽ Giáo hội, phải bị chống lại bằng việc đào tạo đúng đắn về Thánh Mẫu học, bởi vì “người ta không thể thực sự sùng kính, thánh hiến, yêu mến Đức Maria nếu không biết về Mẹ để có thể theo gương”.

Các khía cạnh mục vụ của các cuộc hiện ra của Đức Mẹ

Nữ tu Daniela Del Gaudio, giám đốc Tổ chức quan sát quốc tế về các cuộc hiện ra, đã phát biểu và đào sâu các khía cạnh giáo hội học và mục vụ của các cuộc hiện ra của Đức Mẹ. Thần học về các đặc sủng đặt các cuộc hiện ra trong tính năng động của thân thể huyền nhiệm là Giáo hội”, với mục đích “xây dựng thân thể Chúa Kitô trong đức ái”. Vì lý do này, sự chú ý trong các Quy luật mới đã chuyển “từ việc tuyên bố về tính siêu nhiên sang những kết quả mà các cuộc hiện ra của Đức Mẹ tạo ra”. Đối với sơ, sự chú ý đến kết quả này “cho phép chúng ta tập trung nhiều hơn vào tác động mục vụ mà các cuộc hiện ra của Đức Mẹ mang lại trong một lãnh thổ cụ thể, trong một giáo hội địa phương và trong Giáo hội hoàn vũ, và do đó, trên toàn thế giới”. Thực ra, nhờ các phương tiện truyền thông đại chúng và truyền thông kỹ thuật số, “sự vang vọng của một thông điệp hoặc sự hiện ra của Đức Trinh Nữ Maria trở nên phổ quát, ngay cả đối với những người không có đức tin. Giáo hội phải thực hiện trách nhiệm đưa ra sự phán xét một cách khôn ngoan cũng như định hướng việc tôn kính Đức Mẹ”.

Sơ Del Gaudio kết luận rằng chính sự năng động của các cuộc hiện ra của Đức Maria “cho thấy Đức Trinh Nữ Maria đã hội nhập Tin Mừng vào văn hóa ở mọi nơi trên thế giới như thế nào. Và điều này khuyến khích, theo mong muốn của Đức Thánh Cha Phanxicô, một phong cách truyền giáo theo phong cách Thánh Mẫu” được đặc trưng “bởi đức tin, sự dịu dàng và lòng thương xót của Đức Maria, như một mẫu mực cho Giáo hội đi ra”.

Khóa học về các cuộc hiện ra của Đức Mẹ và các hiện tượng thần bí

Sơ Del Gaudio cũng giới thiệu Khóa đào tạo nâng cao về các cuộc hiện ra của Đức Mẹ và các hiện tượng thần bí do Học viện Giáo hoàng Quốc tế về Thánh Mẫu học tổ chức, với sự đóng góp của các chuyên gia thần học, Thánh Mẫu học, học giả Kinh thánh, nhà báo, nhà xã hội học, bác sĩ, nhà thần kinh học, bác sĩ tâm thần và cả một luật sư.

Sơ giải thích rằng khóa học “muốn đưa ra một cách tiếp cận đa ngành và khoa học, thông qua các giáo sư được đăng ký, về chủ đề các cuộc hiện ra và các hiện tượng khác nhau liên quan đến chúng”. Vì vậy, chủ đề sẽ được khám phá “dưới ánh sáng Thánh Kinh, thần học cũng như khoa học nhân văn, từ y học đến truyền thông, để khám phá ý nghĩa hành động của Thiên Chúa trong lịch sử qua Đức Trinh Nữ Maria”. Các bài học sẽ diễn ra trực tuyến từ ngày 18/10/2024 đến ngày 15/3/2025 trong bốn ngày cuối tuần.

Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.

Tag:

2024-09-24