Vatican News
Căn tính chung trong Chúa Kitô
Trong bài giảng lễ hai Thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô, Đức Hồng y Quốc vụ khanh Tòa Thánh nhận xét rằng mặc dù “khác nhau về trình độ học vấn và tính khí cá nhân”, hai vị đại thánh đã có thể phát triển “một cách mới mẻ và sâu sắc để trở thành anh em, nhờ vào căn tính chung của họ trong Chúa Kitô”. Với lời rao giảng và chứng tá đức tin, các ngài đã “mang lại sức sống cho Giáo hội mới thành lập tại Roma, ngày nay là Giáo hội mẹ của tất cả các cộng đồng Công giáo trên khắp thế giới, hướng dẫn các Giáo hội trong đức ái và củng cố họ trong đức tin”.
Đức tin và lòng nhiệt thành của hai Thánh Phêrô và Phaolô
Đức Hồng y Parolin cũng giải thích rằng quyền tối thượng của Thánh Phêrô luôn được hiểu “theo nghĩa phục vụ, chứ không phải thống trị”. Còn Thánh Phaolô, ngài “không khoe khoang về bản thân, nhưng tôn vinh Chúa Kitô, Đấng thực sự hoạt động trong ngài, bất chấp sự yếu đuối của con người ngài”. Đây là cách mà ngài thực hiện “cuộc hành trình cá nhân đặc biệt”, “hoàn toàn phục vụ thân mình Chúa Kitô, tức Giáo hội, để rao giảng Tin Mừng, Giáo hội mà ngài đã dành cả cuộc đời mình”. Đức tin không lay chuyển của Thánh Phêrô và lòng nhiệt thành của Thánh Phaolô trong việc rao giảng vẫn nâng đỡ cộng đoàn tín hữu.
Làm chứng về tính đặc thù và tính phổ quát của Giáo hội
Thánh Phêrô, theo Đức Hồng y, “nhắc lại sự hiệp nhất của đức tin”, điều giúp mọi người trong Giáo hội “vượt qua tính đặc thù của riêng mình, cùng nhau hướng về một Thiên Chúa chân thật duy nhất”. Do đó, chúng ta được mời gọi “hãy cẩn thận gìn giữ món quà hiệp nhất, giữa chúng ta và với người kế vị Thánh Phêrô”. Còn Thánh Phaolô nhắc lại tính công giáo của Giáo hội, “tính phổ quát của Giáo hội như một gia đình duy nhất mà trong đó tất cả chúng ta đều là con cái Thiên Chúa”. Do đó, Đức Hồng y Parolin định nghĩa sự hiện diện của ngài tại Nhật Bản là “hình ảnh hùng hồn về tính phổ quát của Giáo hội”. Đây là một đặc tính mà “có lẽ hơn bất cứ nơi nào khác”, cộng đồng tín hữu Nhật Bản được kêu gọi làm chứng.