Vatican News
Đức Hồng Y nói: “Tại thời điểm đặc biệt này, Tòa Thánh rất quan ngại, chúng ta đang chứng kiến sự gia tăng đáng lo ngại về số lượng các cuộc xung đột trên thế giới và mức độ nghiêm trọng của tình trạng bạo lực”. Vì thế, theo ngài, để tái khởi động cam kết chung phục vụ hòa bình, Liên Hiệp Quốc cần khôi phục các giá trị đã tạo nên tổ chức này, đồng thời tính đến bối cảnh đã thay đổi.
Nhắc lại nhu cầu cấp thiết về việc cải tổ tổ chức để giải quyết các xung đột đang diễn ra trên khắp thế giới vào thời điểm quan trọng này, Quốc vụ khanh Toà Thánh lưu ý cải tổ quan trọng nhất là quay trở lại đối thoại chân thành và cởi mở, đồng thời lưu ý tình hình thế giới hiện nay cũng là kết quả của sự suy yếu của các cơ cấu ngoại giao đa phương phát sinh sau Thế chiến II.
Cho rằng các cuộc xung đột ngày càng trở nên dữ dội, gây ra sự tàn phá trên diện rộng, Đức Hồng Y Parolin than phiền: “Các tác nhân bạo lực phi nhà nước kiểm soát những khu vực có 195 triệu người sinh sống, trong đó 64 triệu người sống ở những khu vực hoàn toàn nằm dưới sự kiểm soát của các nhóm này”.
Ngài nói thêm: cùng với những xung đột này là thách đố trong việc đánh giá chính xác thiệt hại đối với cơ sở hạ tầng dân sự, bao gồm các địa điểm thờ phượng, trường học, bệnh viện và môi trường.
Lên án tình trạng vi phạm thường xuyên luật nhân đạo quốc tế, đặc biệt Công ước Genève, nhằm mục đích bảo vệ những người không tham chiến trong thời chiến, Đức Hồng Y nhắc lại lập trường rõ ràng của Đức Thánh Cha Phanxicô rằng hành vi vi phạm luật pháp quốc tế là tội ác chiến tranh và phải bị ngăn chặn chứ không chỉ lên án.
Đức Hồng Y Parolin cũng lên tiếng phản đối xu hướng tăng chi tiêu quân sự của các chính phủ trong khi cố gắng thực hiện các cam kết thúc đẩy phát triển bền vững, cho rằng điều này thể hiện sự thiếu tin tưởng giữa các quốc gia.
Nhắc lại năm nay đánh dấu kỷ niệm 60 năm Tòa Thánh hiện diện tại Liên Hiệp Quốc với tư cách là Quan sát viên, Đức Hồng Y tái khẳng định cam kết vững chắc của Giáo hội đối với phẩm giá của mọi con người, chủ quyền của các quốc gia, hòa bình và giải trừ quân bị, cũng như chăm sóc môi trường.
Một lần nữa ngài nhấn mạnh rằng hòa bình, phát triển bền vững và nhân phẩm phải được theo đuổi một cách tập thể vì lợi ích của các thế hệ hiện tại và tương lai. Ngài nói: “Hòa bình là một khái niệm không thể chia cắt và để nó vừa công bằng vừa lâu dài, nó phải có phạm vi phổ quát”.