Vatican News
Ưu tiên hòa bình
Đức Hồng y Parolin nhắc lại rằng quan hệ ngoại giao giữa Tòa Thánh và Nhật Bản, được thiết lập cách đây hơn 80 năm, ngày nay dựa trên nhiều giá trị chung và sự hợp tác hiệu quả, đặc biệt là trong các lĩnh vực giáo dục, y tế và hỗ trợ xã hội. Ngài giải thích rằng ngoài ra những ưu tiên chung khác cả hai bên đều coi trọng là hòa bình, sự ổn định và những nỗ lực chung nhằm hạn chế tình trạng phổ biến vũ khí không được kiểm soát. Nhân dịp kỷ niệm 80 năm vụ ném bom nguyên tử bi thảm xuống Hiroshima và Nagasaki, ngài nhắc rằng đây là một sự kiện đã đánh dấu lịch sử của Nhật Bản và củng cố cam kết không lay chuyển của đất nước này đối với hoà bình.
Tương quan được thử thách bởi thời gian
Quốc vụ khanh Tòa Thánh đã lược lại lịch sử lâu dài trong quan hệ giữa Tòa Thánh và Nhật Bản, như sự kiện sắp tới kỷ niệm 470 năm buổi tiếp kiến đầu tiên của một Giáo hoàng dành cho một người Công giáo Nhật Bản: vào năm 1555, Đức Phaolô IV đã tiếp Bernardo xứ Kagoshima. Tháng 3 vừa qua đã kỷ niệm 440 năm phái bộ Nhật Bản đầu tiên tại châu Âu - Sứ quán Tensho - đã đến Roma và được gặp Giáo hoàng Gregorio III, và kỷ niệm 410 năm Sứ quán Keicho được Giáo hoàng Phaolô V tiếp vào năm 1615. Ngài nhấn mạnh: “Những cuộc tiếp xúc lịch sử đầu tiên này đánh dấu sự khởi đầu của một mối quan hệ vượt qua thử thách của thời gian và chúng tôi hy vọng sẽ ngày càng sâu sắc hơn trong tương lai”.
Vẻ đẹp và hy vọng
Sau đó, Đức Hồng y Parolin đã suy tư về các khái niệm “vẻ đẹp” và “hy vọng”, là chủ đề của gian hàng của Tòa Thánh tại Triển lãm Thế giới Expo 2025 Osaka – “Vẻ Đẹp mang lại Hy vọng”. Ngài nhấn mạnh rằng đây là những giá trị nền tảng đối với người Công giáo chúng ta, bởi vì nơi chúng, chúng ta nhận thấy sự phản chiếu của Chúa Kitô và hành động của Người trong lịch sử. Đối với chúng ta, Người là biểu hiện cao cả nhất của vẻ đẹp thần linh: một vẻ đẹp vượt trên hình thức bề ngoài đơn thuần để chạm đến trái tim và tâm hồn con người. Chúa Kitô cũng là niềm hy vọng của con người, bởi vì bằng cuộc sống và cái chết của Người, Người đã mở ra một con đường cứu rỗi và đổi mới cho toàn thể nhân loại”.
Vẻ đẹp xã hội
Về chủ đề vẻ đẹp, Đức Hồng y Parolin kêu gọi mọi người hướng ánh nhìn đến vẻ đẹp hiện diện trong cộng đồng nhân loại - nơi nảy sinh nhiều sáng kiến xã hội, các dự án thiện nguyện và những hành động liên đới. Ngài nhấn mạnh rằng đây chính là “những hạt giống màu mỡ mà từ đó xã hội và chính sách của chúng ta có thể tìm thấy sức mạnh để đổi mới các dự án và soi sáng lại cho nhiều nơi tối tăm trong thế giới hiện đại của chúng ta”.
Hy vọng, lời kêu gọi đối thoại và hợp tác
Đức Hồng y Parolin cũng giải thích rằng chủ đề hy vọng gắn liền với niềm tin tưởng vào Thiên Chúa, với cam kết cụ thể vì lợi ích chung và nuôi dưỡng ý thức cộng đồng và trách nhiệm chung. Ngài nói thêm: “Nhân đức này dường như cần thiết hơn bao giờ hết. Trong thời đại đánh dấu bởi vô số xung đột và những thách thức toàn cầu to lớn, tương lai đôi khi đáng sợ hơn mong đợi: chỉ trong hy vọng, chúng ta mới tìm thấy thuốc giải cho nỗi sợ hãi và sự khuyến khích dấn thân và hành động”. Hy vọng thực sự là động lực để làm điều tốt cho cộng đồng và ở cấp độ quốc tế, “nó trở thành lời kêu gọi cam kết không ngừng đối thoại và hợp tác, đặc biệt là khi căng thẳng và xung đột dường như không thể vượt qua”. Cuối cùng, Đức Hồng y nhắc lại lời của Đức Thánh Cha vào ngày ngài được bầu, mời gọi xây dựng những cây cầu, đan dệt các cuộc đối thoại, cùng nắm tay thúc đẩy một “nền hoà bình khiêm nhường và bền bỉ”.
Theo lời mời của chính quyền Nhật Bản, Đức Hồng y Pietro Parolin thăm Nhật Bản từ ngày 28/6 đến 1/7, nhân Ngày Tòa Thánh tại Triển lãm thế giới Expo 2025 ở Osaka.
Trong những ngày này, Đức Hồng y Parolin cử hành Thánh lễ với các Giám mục Nhật Bản và Thánh lễ tại Nhà thờ chính tòa Tokyo. Ngài cũng có cuộc gặp gỡ với Thủ tướng Ishiba Shigeru và một số vị trong hoàng gia.