ĐIỀU GÌ LÀM CHO CÁC SÁCH THÁNH TRỞ NÊN MỘT CUỐN KINH THÁNH DUY NHẤT?
Nữ tu Maria Trần Thị Diệu Huyền,
Dòng Mến Thánh Giá Vinh
Mọi hiện hữu trong vũ hoàn này đều
phản ảnh vinh quang Thiên Chúa. Tuy nhiên, con người mới chính là “tối linh ư vạn
vật”, là thụ sinh phản chiếu tròn đầy nhất dung mạo của Đấng Tạo Hóa với tư
cách là một hữu thể toàn vẹn bao gồm thể xác và tinh thần. Nhân thị tối thắng!
Trong khi sự vật không biết gì về Đấng Tạo Hóa, con người lại được Thiên Chúa
ban cho khả năng tiếp cận, nắm bắt và trao đổi thông tin với Người[1]; đồng thời, có thể nhận biết
Thiên Chúa là cùng đích tối hậu hiểu theo nghĩa raditus (xuất phát) và exitus
(đích điểm) [2] của mọi thụ tạo. Khả
năng đó hoạt động được là nhờ có đặc ân ngôn ngữ - dấu chỉ con người được chia
sẻ Trí Tuệ trác tuyệt và Đức Khôn Ngoan vĩ đại của Thiên Chúa. Qua đó, Thiên
Chúa “ngỏ Lời” với con người, và con người “tiếp nhận Lời” của
Thiên Chúa. Như vậy, để mặc khải chính mình cho nhân loại, Thiên Chúa đã đoái
thương dùng ngôn ngữ loài người mà nói với họ [3]
và chứa đựng kho tàng chân lý mặc khải của Người qua các Sách Thánh. Từ thuở
bình minh của nhân loại cho đến nay, Kinh Thánh được xem như là quyển sách
thánh thiêng và giá trị nhất bởi lẽ tất cả những cuốn sách trên thế giới này đều
là lời của con người, chỉ duy mình Kinh Thánh là Lời của Thiên Chúa hằng sống.
Dù được chia làm hai phần là Cựu Ước (46 cuốn) và Tân Ước (27 cuốn), nhưng những
cuốn Sách Thánh lại làm nên một cuốn Kinh Thánh duy nhất và một dòng chảy lịch
sử cứu độ duy nhất [4]. Có rất nhiều luận cứ để
minh định cho “duy nhất tính” của Kinh Thánh. Tuy nhiên, ở phạm vi bài viết ngắn
gọn này, người viết xin được dừng chân ở một vài khía cạnh chính để làm rõ tính
duy nhất nhiệm lạ của cuốn sách vô song này.
Trước tiên, thiết nghĩ, cần phải
có một cái nhìn thấu đáo về mặt từ nguyên của Kinh Thánh. Thuật ngữ Kinh Thánh
có xuất xứ từ tiếng Hy Lạp “βιβλίοv” (Biblia) nghĩa là những cuốn sách [5] , tên tiếng La Tinh
là Scriptura, nghĩa là “điều được viết ra, bản thảo”; tiếng Anh đầu tiên gọi
là Biblelh, về sau thống nhất gọi là The Bible, nghĩa là sách kinh điển
[6]. Còn trong chữ Hán, khi dịch
Cựu Ước và Tân Ước ra chữ Hán, người Trung Quốc gán cho hai cuốn sách này cái
tên “Thần thánh điển phạm” (Mẫu mực thiêng liêng) và “Thiên kinh địa nghĩa” (Đạo
nghĩa muôn thuở). Về sau, khi in gộp Cựu Ước và Tân Ước thành một bộ sách, người
Trung Quốc ghép hai chữ thứ hai lại thành “Thánh Kinh” hoặc “Kinh Thánh”, nghĩa
là sách viết những điều cao siêu về thần linh [7].
Thánh Augustinô đã nói rằng: “Thánh Kinh là bức thư tình mà Thiên Chúa gửi cho
chúng ta là bạn hữu của Người” (Augustino, Enarr in Ps 90). Nói đến thư
tình là nói đến những dòng chữ chất chứa tình thương, và qua những dòng chữ ấy,
Thiên Chúa mặc khải và tỏ lộ cho con người ý định cứu độ yêu thương của Người.
Quả vậy, Hiến Chế Mặc Khải của công đồng Vaticanô II đã khẳng định lại nhận định
đó và công bố rằng: “Thánh Kinh là Lời Thiên Chúa nói với loài người để mặc khải
cho họ về chính Thiên Chúa, về tình thương, ý định và chương trình cứu độ của
Người, nhờ đó con người có thể nhận biết Thiên Chúa và thông phần bản tính của
Người (Dei Verbum 25).
Chúng ta không tìm thấy từ “Thiên
Chúa Ba Ngôi” trong Thánh Kinh, thế nhưng mạc khải về mầu nhiệm Ba Ngôi được bắt
nguồn từ Thánh Kinh. Sách Sáng Thế vén mở cho ta về những bàn bạc nội bộ của
Thiên Chúa, nói theo số nhiều của các Ngôi vị qua các trình thuật St 1,26 (Tạo
dựng), St 11,7 (tháp Babel) hay ở St 18,2-3 (Ba sứ thần thăm viếng Abraham) [8]. Qua thời các tổ phụ, dân Do
Thái được miêu tả là bị bao quanh bởi những định chế đa thần, tuy vậy, họ vẫn luôn
trung thành với niềm tin vào một Giavê duy nhất (Đnl 6,4-5; Ds 6,24-27) [9]. Ngoài ra, những lời tiên
báo Thiên Chúa duy nhất được thể hiện qua các Thủ lãnh và ngôn sứ trong Cựu Ước
(Tl 6,4-5, Is 6,8; 45,22-24; 48,16; 61,1), đồng thời, việc có nhiều ngôi vị nơi
Thiên Chúa được chứa đựng trong thể loại văn chương Thánh Vịnh (Tv 2,7; Tv
7,14; Tv 98,27; Tv 109,1-3) và Khôn Ngoan (Kn 7,22-8,1; Kn 9,17). Qua các trình
thuật Cựu Ước, ta thấy tất cả Kinh Thánh Cựu Ước đều diễn tả Thiên Chúa là
Giavê duy nhất làm chủ muôn loài. Dù đôi chỗ có nhắc đến “Thần Khí” hoặc Đấng
Thiên Sai Mêsia; nhưng dĩ nhiên, Cựu Ước không cho rằng đó là Chúa Thánh Thần
hoặc Đức Giêsu, và dân Chúa trong Cựu Ước cũng không có kinh nghiệm về Thiên
Chúa Ba Ngôi. Tuy những vén mở về Một Thiên Chúa Ba Ngôi còn chưa rõ, nhưng tất
cả những hình ảnh và tư tưởng trên là nền tảng chuẩn bị cho sự mạc khải trọn vẹn
về mầu nhiệm một Thiên Chúa Ba Ngôi trong chặng đường kế tiếp là Tân ước.
Bước sang Tân Ước, Chúa Giêsu
mang đến cho chúng ta một sự hiểu biết chung cuộc và rõ ràng về một Thiên Chúa
có Ba Ngôi Vị: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Toàn bộ cuộc đời, sứ vụ
và các biến cố của Chúa Giêsu là mạc khải liên lỉ về dung mạo Thiên Chúa Ba
Ngôi, đặc biệt là qua biến cố Truyền Tin (Lc 1,34-35), Chịu Phép Rửa (Mt
3,13–17; Mc 1,9-11; Lc 3,21-22), Hiển dung (Lc 9,28–36) và trọng tâm là biến cố
Thương Khó và Phục Sinh, cùng với lệnh truyền của Đấng Phục Sinh dành cho các
Tông đồ: “Hãy đi loan báo Tin Mừng cho muôn dân nhân danh Ba Ngôi Thiên Chúa”
(x.Mt 28,19). Ngoài ra, chủ đề về Ba Ngôi còn được nhắc đến ở một số trích đoạn
của sách Công Vụ Tông Đồ, các thánh thư và sách Khải Huyền trong Tân Ước (Cv
3,13; 4,10; 1 Cr 6,13-14; 2 Cr 13,4; Rm 4,25; Kh 1,5-7)
Chương trình cứu độ nhiệm mầu của
Thiên Chúa là ý định thông ban chính mình Ngài [10]
và sự sống hạnh phúc vĩnh cửu cho loài người (x. Ep 1,4-10). Ý định này được thực
hiện trong một kế hoạch cứu độ duy nhất hay nói cách khác một lịch sử cứu độ, bắt
đầu từ khi Thiên Chúa tạo dựng trời đất, đạt tới đỉnh cao nơi biến cố Chúa
Giêsu và kéo dài cho đến ngày tận thế, khi Chúa Giêsu sẽ đến trong vinh quang để
phán xét mọi người (x. GLHTCG 280). Chương trình cứu độ ấy được khơi nguồn từ
chính Thiên Chúa là tình yêu và giàu lòng xót thương (Felipe Gomez). Chính
Thánh Kinh đã mặc khải cho ta biết rằng dù Thiên Chúa yêu thương con người vô bờ
bến nhưng con người đã bao phen bội tín bất trung với giao ước, nên tội lỗi và
đau khổ cứ đeo bám lấy thân phận con người. Suốt dọc dài lịch sử cứu độ, nhiều
lần nhiều cách Thiên Chúa đã dùng các ngôn sứ, để mặc khải ý định cứu độ của
Chúa và lôi kéo con người trở về, nhưng tất cả đều thất bại (x. Dt 1,1-2). Cuối
cùng, vào thời điểm mà Người đã định (x. St 3,15), Thiên Chúa đã sai Con Một
duy nhất của mình là Chúa Giêsu Kitô đến trần gian để cứu độ con người (x. Ga
3,16-17). Như vậy, mặc khải nơi biến cố Đức Giêsu đã hoàn tất “thiên ý nhiệm mầu
của Thiên Chúa” (Ep 1,9), đến nỗi khi con người sa ngã vì phạm tội chống lại
Thiên Chúa thì không vì thế mà làm hỏng đi kế hoạch đã có từ đời đời của Thiên
Chúa, bởi kế hoạch của Người luôn được thực hiện trong và nhờ Ngôi Lời, trở nên
trọn vẹn nơi Ngôi Lời là Đức Kitô.
Vì chỉ có một Thiên Chúa, một ý định
cứu độ nhân loại và một mặc khải duy nhất, nên cả hai giao ước thống nhất với
nhau: Tân Ước được Tiềm ẩn trong Cựu Ước, và Cựu Ước trở nên sáng tỏ trong Tân
Ước (Novum testamentum in vetere latet. Vetus testamentum in novo
patet) [11]. Cựu Ước “chuẩn bị và báo
trước ngày xuất hiện của Chúa Giêsu Kitô, Đấng Cứu Thế”, còn Tân Ước trao cho
chúng ta chính Chúa Kitô - Ngôi Lời (Logos), là “Dung mạo lòng thương xót của
Chúa Cha”, qua Ngài, Thiên Chúa nói hết về mình cho nhân loại. Như vậy, cả hai
phần soi sáng cho nhau [12] , cả hai làm nên một dòng
chảy lịch sử duy nhất, một Cuốn Sách duy nhất và một Lời cứu độ duy nhất là Đức
Kitô – Đấng trung gian cứu độ duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người (1Tm 2,5).
Chính ngôi vị Chúa Kitô đem lại sự thống nhất cho mọi “Sách Thánh”, làm chúng
nên một “Lời” [13] ; chính ngôi vị Chúa Kitô
làm nên nội dung của Thánh Kinh vì toàn bộ Thánh Kinh nói về Người và được hoàn
tất trong Người [14].
Hội Thánh luôn tin nhận rằng Chúa
Thánh Thần là tác giả duy nhất của Thánh Kinh theo nghĩa Người là Đấng linh hứng
và hành động trong các tác giả phàm nhân (DV 16); Vì thế, những điều Kinh Thánh
dạy ta là chắc chắn, trung thành và không sai lầm (2Tm 3,16; Ga 20,31; 2 Pr
1,21; 2 Pr 3,15-16; DV 11). Do Kinh Thánh được “linh hứng” bởi Chúa Thánh Thần
nên cũng phải được đọc và chú giải trong Chúa Thánh Thần (Haffner 2006, 91) [15] hay nói theo ngôn ngữ của
Ô-ri-gê-nê: “Điều gì phát sinh từ Thánh Thần chỉ hiểu được trọn vẹn nhờ Thánh
Thần”. Công Đồng Vaticanô II đưa ra ba tiêu chuẩn để giải thích Kinh Thánh đó
là: Trước hết phải chú ý hết sức đến nội dung và sự duy nhất của toàn bộ Kinh
Thánh; thứ hai phải đọc Kinh Thánh trong truyền thống sống động của Hội Thánh;
và thứ ba phải chú ý đến tính tương hợp của đức tin [16].
Khi nói đến tính tương hợp của đức tin thì người đọc phải ý thức đến ý nghĩa thực
thụ mà Kinh Thánh nhắm đến: “Nghĩa văn tự dạy về biến cố, nghĩa ẩn
dụ dạy điều phải tin, nghĩa luân lý dạy điều phải làm, nghĩa dẫn đường
dạy điều phải vươn tới” (Augustinô de Dacia). Và trên hết, đọc Kinh Thánh
phải được xem là một cuộc hội thoại thân tình với Thiên Chúa qua sự kết hợp với
Đức Kitô - Lời Hằng Sống, dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, bởi vì nếu
Thiên Chúa không mở trí thì con người không thể gặp được Thiên Chúa qua Thánh
Kinh (Lc 24,45).
Giáo Hội từ thời các Tông Đồ cho
đến hôm nay được sinh ra từ Lời Chúa, được xây dựng trên nền tảng Lời Chúa và sống
bởi Lời Chúa. Giáo Hội đang lớn lên từng ngày nhờ lắng nghe, cử hành và học hỏi
Lời Chúa trong Thánh Kinh (Verbum Domini 3). Qua Nhiệm Thể của Chúa Kitô là
Giáo Hội, Thiên Chúa đã ủy thác việc rao truyền Lời ban sự sống, những nguồn ân
sủng, con đường cứu độ cho muôn dân. Cho nên, sứ mạng loan báo Lời Chúa là sứ mạng
tiên phong và sống còn của Giáo Hội như khi xưa Ngôi Lời đã trút bỏ hết vinh
quang, trở thành xác phàm để đến với con người (x.Pl 2,6-8). Như vậy, việc mang
Kinh Thánh đến với con người cũng có nghĩa là mang Thiên Chúa đến với con người.
Nói tóm lại, dù Kinh Thánh được
chia làm nhiều cuốn; thế nhưng, chỉ có một Thiên Chúa duy nhất nói với con người
qua một cuốn sách duy nhất, một ngôn ngữ duy nhất là Đức Giêsu Kitô – Lời Tình
Yêu của Thiên Chúa. Con người là một huyền nhiệm, mỗi con người là độc nhất trước
mắt Thiên Chúa, có giá trị vô cùng cao quý trong công trình tạo dựng của Thiên
Chúa. Chính nhờ ánh sáng của Mạc Khải nơi Ngôi Lời Thiên Chúa mà mọi bí ẩn
trong thân phận con người được sáng tỏ trọn vẹn (VD 6). Ước gì các Kitô hữu,
cách riêng là những người sống đời thánh hiến luôn là biết thưởng thức hương
vị ngọt ngào của Thánh Kinh và hít thở sự sống từ Thánh Kinh một cách
mãnh liệt như ngôn sứ Giêrêmia đã thốt lên “gặp được Lời Chúa con đã nuốt
vào, Lời Chúa trở thành hoan lạc cho con thành niềm vui của lòng con vì con được
mang danh ngài” (Gr 15,16). Thật thế, không ai cho người khác những gì
mình không có, nếu những người được thánh hiến rời xa hay không sống Lời Chúa,
thì họ sẽ đem thứ “Tin Mừng” nào đến cho những người mình được trao phó. Nếu
không có sức mạnh của Lời Chúa trong cầu nguyện thì bản thân sẽ nâng đỡ được
ai, thắp sáng hy vọng và tạo niềm vui cho đối tượng nào được! Qua việc cầu nguyện,
ước gì có một cuộc nhập thể mới của Lời xảy ra trong tâm điền mỗi người, đến nỗi
nó sẽ tạo nên sức mạnh biến những cái bất nhất thành một tổng hòa duy nhất. Thật
tuyệt vời biết bao khi chúng ta vừa “cầm cuốn Kinh Thánh trên tay” vừa “mang
Ngôi Lời trong trái tim” và trở thành “những nhà tạm” nơi Lời của Thiên Chúa được
chào đón và được lưu giữ cách sống động cho thế giới này.
WHĐ (22.9.2022)
Tóm lược Học Thuyết Xã Hội Của Giáo Hội Công Giáo, số
109.
Thomas d’Aquin, Tổng Luận
Thần Học, I,II,q.7.a.1.
Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội 2018, số
101.
Phaolô Nguyễn
Thiện Tạo, Dẫn Nhập Kinh Thánh, 31.
Học Viện Đa Minh, Thuật Ngữ Thần Học,
Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội 2014, 50.
Clough, Daniel M., Sách Sáng Thế theo
các Thánh, 5.
J.B. Nguyễn Khắc Bá, giáo trình Lịch Sử Cứu
Độ, ĐCV thánh Phanxicô Xavier, 3.
Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội 2018, số
140.
JB. Nguyễn
Khắc Bá, Giáo Trình Thần Học Căn Bản, ĐCV
thánh Phanxicô Xavier, 356.
Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội 2018, số
134.
Haffner, P., 2006, New Testament theology: An
introduction, Millstream Production, Rome, 90.
Công đồng Vaticano II, Hiến chế tín lý Dei Verbum, số 9: ASS 58 (1966) 824.