Hồng Thủy - Vatican News
Cuộc họp được tổ chức bởi Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống có chủ đề “Thách đố của tính hiệp hành đối với sứ vụ”. Có 117 hiệp hội quốc tế của các tín hữu, cả tư lẫn công, và các thực thể khác có tư cách pháp nhân, thuộc thẩm quyền trực tiếp của Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống được mời tham dự.
Suy nghĩ theo Thiên Chúa
Trước hết, nhắc lại việc Thánh Phêrô đã can ngăn Chúa Giêsu khi Chúa thông báo về cuộc Thương Khó của Người, Đức Thánh Cha nói rằng sự thay đổi nội tâm đầu tiên mà chúng ta cần phải có là “suy nghĩ theo Thiên Chúa”, nghĩa là chuyển từ “tư tưởng của con người” sang “tư tưởng của Thiên Chúa”. Ngài nói: “Trong Giáo hội, trước khi đưa ra mọi quyết định, trước khi bắt đầu mọi chương trình, mọi hoạt động tông đồ, mọi sứ mạng, chúng ta phải luôn tự hỏi: Thiên Chúa muốn gì nơi tôi, nơi chúng ta, trong lúc này, trong hoàn cảnh này? Có phải điều tôi đang nghĩ, điều mà nhóm chúng tôi đang nghĩ đến, có thực sự là ‘tư tưởng của Chúa’ không?” Ngài nhắc rằng “nhân vật chính của con đường hiệp hành là Chúa Thánh Thần: Chỉ có Người dạy chúng ta lắng nghe tiếng nói của Thiên Chúa, trong tư cách cá nhân cũng như Giáo hội”.
Vượt qua mọi sự khép kín
Thái độ thứ hai trong việc hoán cải thiêng liêng là vượt qua mọi sự khép kín. Đức Thánh Cha cảnh giác các tín hữu trước cám dỗ của “vòng tròn khép kín”. Như Nhóm Mười Hai Tông đồ muốn bảo vệ những hồng ân nhận được từ Chúa Giêsu như thể là những đặc ân, Đức Thánh Cha lưu ý đây cũng là một thách thức đối với chúng ta: không vượt qua được những gì “nhóm” của chúng ta nghĩ, khi tin chắc rằng điều chúng ta làm là tốt cho mọi người, bảo vệ các vị trí, đặc quyền hoặc uy tín “của nhóm”. Hoặc để bản thân bị chặn lại bởi nỗi sợ mất đi cảm giác thân thuộc và bản sắc của mình.
Ngược lại, theo Đức Thánh Cha, “tính hiệp hành đòi chúng ta, với tâm hồn cao cả, nhìn vượt trên những rào cản, để thấy sự hiện diện của Thiên Chúa và hành động của Người ngay cả nơi những người mà chúng ta không quen biết, trong những phương pháp mục vụ mới, trong những lĩnh vực truyền giáo mà trước đây chúng ta chưa từng dấn thân”.
Trau dồi sự khiêm tốn
Thái độ cuối cùng là trau dồi sự khiêm tốn. Đức Thánh Cha nói rằng sự hoán cải thiêng liêng phải bắt đầu từ sự khiêm nhường. Nếu chúng ta nhận ra rằng mình có một chút kiêu ngạo thì hãy cầu xin ơn hoán cải để trở nên khiêm nhường. Bởi vì “chỉ những người khiêm nhường mới thực hiện được những điều lớn lao trong Giáo Hội, bởi vì những người khiêm nhường mới có những nền tảng vững chắc, đặt nền tảng trên tình yêu Thiên Chúa, không bao giờ thất bại, và do đó không tìm kiếm sự công nhận khác”.
Ngài nói thêm: “Khiêm nhường cũng là nền tảng để xây dựng một Giáo hội hiệp hành. Chính người khiêm tốn là người bảo vệ sự hiệp thông trong Giáo hội, tránh chia rẽ, vượt qua căng thẳng, biết cách gạt sang một bên ngay cả những sáng kiến của riêng mình để đóng góp cho các dự án chung, và điều này là do họ tìm thấy niềm vui khi phục vụ chứ không phải thất vọng hay oán giận”.
Ngài nhấn mạnh vai trò của các phong trào trong giáo hội là để phục vụ. Ngài nói: "Thật buồn khi bạn nghe thấy rằng 'tôi thuộc về cái này, cái kia, cái nọ', như thể nó là một thứ gì đó cao siêu hơn. Các phong trào trong Giáo hội là để phục vụ Giáo hội, bản thân chúng không phải là một thông điệp, một trung tâm của Giáo hội".