Vatican News
Học viện Công giáo về Bất Bạo động được thành lập bởi tổ chức quốc tế Pax Christi (Hòa bình Chúa Kitô), một phong trào cổ võ hòa bình và có 120 tổ chức trên khắp thế giới. Học viện có trụ sở cơ sở tại Roma, nhắm thúc đẩy chủ nghĩa bất bạo động như một giáo lý cốt lõi của Giáo hội Công giáo, với sứ mạng làm cho việc nghiên cứu, các nguồn lực và kinh nghiệm về chủ nghĩa bất bạo động dễ tiếp cận hơn đối với cả các nhà lãnh đạo Giáo hội và các tổ chức toàn cầu.
Lễ khai mạc được tổ chức tại tu viện của dòng Maria Bambina, với sự tham dự của Đức Hồng y Charles Maung Bo, Tổng Giám mục Yangon, Myanmar, và Đức Hồng y Robert McElroy, Giám mục của San Diego, Sơ Teresia Wachira thuộc dòng Đức Trinh Nữ Maria, và nhà nghiên cứu nổi tiếng Tiến sĩ Maria Stephan, người điều hành sự kiện và cuộc hội thảo.
Sứ điệp của Đức Thánh Cha
Mở đầu hội thảo, Đức Tổng Giám mục Giovanni Ricchiuti, chủ tịch tổ chức Pax Christi tại Ý, đã chuyển lời chào của Đức Thánh Cha đến những người hiện diện. Ngài cho biết Đức Thánh Cha “rất vui mừng với sáng kiến đáng khen ngợi này” và mong muốn những người tham gia sự kiện canh tân sự gắn bó của họ đối với các giá trị hòa bình và tình huynh đệ.
Đức Tổng Giám mục nói rằng Đức Thánh Cha đã thúc giục mọi người cùng nhau làm việc “để đảm bảo bảo vệ quyền của mọi thụ tạo”, cũng như tìm cách trở thành “những người xây dựng một xã hội được thành lập trên tình yêu thương lẫn nhau”.
Đức Thánh Cha nói trong sứ điệp: “Xin cho lòng bác ái và bất bạo động hướng dẫn thế giới và cách chúng ta đối xử với nhau”.
Chúa Giêsu từ chối bạo lực không phải là vì yếu đuối
Trong bài phát biểu, Đức Hồng y Bo đã trình bày về Chúa Giêsu, “Hoàng tử Hòa Bình”, cũng như về những “tông đồ hòa bình” khác như: Mahatma Gandhi và Martin Luther King.
Đức Hồng y nói: Họ thúc giục chúng ta “tiến lên với lòng dũng cảm, hướng đến một vùng đất hứa, nơi mọi anh chị em đều sống trong phẩm giá, hòa bình và thịnh vượng”. Đức Hồng y đã nhắc lại những đau khổ của người dân Israel, Palestine và Ucraina, cũng như những người dân ở quê hương Myanmar của ngài.
Ngài nói: “Chúng ta được kêu gọi dừng lại và suy tư: Liệu chúng ta có thể tiếp tục con đường hủy diệt này không? Hay chúng ta, với tư cách là một gia đình nhân loại, phải thay đổi sâu sắc từ mô hình chiến tranh và bạo lực sang mô hình hòa bình và bất bạo động?”
Đức Hồng y nói tiếp rằng “việc Chúa Giêsu từ chối bạo lực không phải là yếu đuối; Người tuyên bố rằng tình yêu mạnh hơn lòng căm thù, rằng hòa bình tồn tại lâu hơn chiến tranh và rằng công lý, khi được xây dựng trên nền tảng bất bạo động, thì không thể lay chuyển”.
Do đó, việc thành lập Học viện “sẽ giúp chúng ta khôi phục lại chủ nghĩa bất bạo động của Chúa Giêsu, rút ra từ sự khôn ngoan của suy tư thần học, các chiến lược thực tế để giải quyết bạo lực và quan trọng nhất là những trải nghiệm sống của các cộng đồng thiểu số hiện thân cho lời kêu gọi hòa bình triệt để này”.