Vatican News
Đức Thánh Cha nhắc lại rằng các Giáo hội Công giáo Đông Phương có vai trò quan trọng trong việc bảo tồn các truyền thống thiêng liêng và khôn ngoan. Hơn nữa, các Giáo hội này có rất nhiều điều để nói với chúng ta về đời sống Kitô, tính hiệp hành, phụng vụ. Nhưng hiện nay, các Giáo hội ở đây đang bị tổn thương, phải mang thập giá nặng nề và trở thành các “Giáo hội tử đạo”, mang trong mình cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu. Thực vậy, nhiều cộng đoàn ở Đông Phương bị thương tích và chảy máu vì những cuộc xung đột và bạo lực.
Trước thực trạng bi thương này, Đức Thánh Cha mời gọi các thành viên của ROACO không được dửng dưng, trái lại cố gắng tìm ra những cách tốt nhất để đến gần anh chị em đau khổ, giúp họ nhẹ bớt gánh nặng đang phải chịu đựng.
Ngài nói: “Tôi xin anh chị em, trong thời điểm bi thảm này, với đôi tay và con tim tiếp tục hỗ trợ các Giáo hội Công giáo Đông Phương bén rễ mạnh mẽ trong Tin Mừng. Hy vọng sự giúp đỡ của anh chị em có thể giúp bù đắp những gì mà quyền lực dân sự phải đảm bảo cho những người yếu đuối, nhưng họ không thể, không biết, hoặc không muốn. Anh chị em hãy là một sự khích lệ để các giáo sĩ, tu sĩ luôn lắng nghe tiếng kêu của người dân, chọn Tin Mừng trước những bất đồng hoặc lợi ích cá nhân, hiệp nhất thúc đẩy điều tốt đẹp, để mọi người trong Giáo hội đều thuộc về Chúa Kitô và Chúa Kitô thuộc về Thiên Chúa”.
Trong buổi gặp gỡ, Đức Thánh Cha còn bày tỏ lòng biết ơn vì tất cả những gì ROACO đã làm nhằm tham gia vào sứ vụ của Giáo hội đó là mang tình yêu Chúa đến cho mọi người. Khi làm như vậy các thành viên của các Tổ chức đang gieo hy vọng trong vùng đất bị ô nhiễm bởi hận thù và chiến tranh. Và ngài tin chắc những hạt giống này sẽ nảy mầm cho một thế giới khác, một thế giới không tin vào luật của kẻ mạnh hơn nhưng tin vào sức mạnh của hoà bình và không vũ trang.
Kết thúc bài nói chuyện, Đức Thánh Cha còn nhắc đến các Kitô hữu do chiến tranh phải rời bỏ quê hương, đang thiếu sự chăm sóc mục vụ. Ngài mời gọi ROACO quan tâm đến hiện trạng này để kho tàng của các Giáo hội Phương Đông không bị mai một nhưng được bảo tồn.