Ngọc Yến - Vatican News
Sứ điệp của Đức Thánh Cha được Đức Hồng y Lazzaro You Heung-sik, Tổng trưởng Bộ Giáo sĩ, đọc trong Thánh lễ cầu nguyện cho hoà bình, được cử hành tại Nhà thờ Chính toà Đức Mẹ Vô Nhiễm ở Seoul ngày 27/7. Tại ngôi thánh đường này, gần 30 năm qua, hàng tuần đều có buổi cầu nguyện cho sự hoà giải.
Đức Thánh Cha viết cho người Công giáo Hàn Quốc: “Tôi gần gũi trong tinh thần với anh chị em. Ước gì dịp kỷ niệm này là cơ hội để các giám mục, linh mục, tu sĩ và giáo dân của đất nước anh chị em lập lại sự dấn thân xây dựng Vương quốc Thiên Chúa Toàn năng, tràn đầy 'công chính, bình an và hoan lạc trong Thánh Thần' (Rm 14,17)".
Đức Thánh Cha nói thêm: “Nhiều cuộc chiến tranh và xung đột vũ trang ngày nay, gây đau khổ cho gia đình nhân loại và đặc biệt những anh chị em dễ bị tổn thương của chúng ta, nhắc nhở chúng ta về sự cần thiết phải luôn tỉnh thức để bảo vệ và thúc đẩy công lý cũng như sự hợp tác thân thiện trong các cộng đoàn và giữa các dân tộc. Theo nghĩa này, tôi muốn khuyến khích tất cả người dân Hàn Quốc trở thành những ngôn sứ của hòa bình”.
Đức Thánh Cha giải thích, đó là một nền hòa bình luôn dựa trên sự tôn trọng mọi người, tôn trọng luật pháp và công ích, tôn trọng thụ tạo được giao phó cho chúng ta và sự giàu có về mặt đạo đức được truyền lại từ các thế hệ trước.
Cùng với sứ điệp của Đức Thánh Cha, giảng trong Thánh lễ, Đức cha Peter Lee Ki-heon của Giáo phận Uijeongbu, Chủ tịch Ủy ban Đặc biệt của Hội đồng Giám mục Hàn Quốc về Hòa giải Dân tộc Triều Tiên, đã nói đến trải nghiệm cá nhân khi gia đình bị ly tán do sự phân chia Nam Bắc. Ngài nhắc đến quá trình hàn gắn tưởng chừng đã được thực hiện vào năm 2018, nhưng rồi do thiếu đối thoại và việc các cường quốc xung quanh sử dụng vấn đề Bán đảo Triều Tiên cho lợi ích cá nhân, đã cản trở sự hàn gắn. Ngài nhấn mạnh: “Chính chúng ta, không phải Hoa Kỳ hay Trung Quốc, chúng ta phải đấu tránh cho hoà bình trên Bán đảo. Và để đạt được điều này, Bắc và Nam phải cùng làm việc”.
Đức cha Peter mời gọi các tín hữu cầu nguyện và trước hết cố gắng trở thành những Kitô hữu sống và rao giảng “tình huynh đệ” trong các giáo xứ, cùng chia sẻ nỗi đau và niềm vui với người khác.