Vatican News
Đức Thánh Cha nhắc rằng thế giới kinh tế cần một sự thay đổi. Những người trẻ của “Nền kinh tế Phanxicô” sẽ không thay đổi thế giới kinh tế chỉ bằng cách trở thành bộ trưởng, người nhận giải Nobel hay những nhà kinh tế vĩ đại – tất nhiên tất cả những điều này là tốt đẹp-, nhưng trước hết, những người làm kinh tế theo tinh thần của Thánh Phanxicô sẽ thay đổi kinh tế bằng cách yêu mến, đưa những giá trị và sức mạnh của sự tốt lành, với tinh thần Tin Mừng của Phanxicô Assisi vào nền kinh tế.
Theo Đức Thánh Cha, không phải người vĩ đại và quyền thế thay đổi thế giới làm cho nó tốt đẹp hơn, nhưng chính tình yêu là yếu tố đầu tiên và vĩ đại nhất của sự thay đổi. Trích lời Chân phước Giuseppe Toniolo, một nhà kinh tế học, về đời sống thánh thiện, ngài nói rằng người thực sự cứu xã hội “sẽ không phải là một nhà ngoại giao, một học giả, một anh hùng, nhưng là một vị thánh, một xã hội của các thánh”. Đây là lý do tại sao Đức Thánh Cha muốn tập trung tất cả phong trào Kinh tế Phanxicô vào Thánh Phanxicô Assisi. Chỉ bằng cách từ bỏ tất cả vì tình yêu Chúa Giêsu và người nghèo, thánh nhân đã tạo ra một động lực mới cho sự phát triển của nền kinh tế.
Đức Thánh Cha tiếp tục bài nói chuyện, tập trung vào ba cụm từ: làm chứng, không lo sợ, hy vọng mà không mệt mỏi.
Trước hết: làm chứng. Ngài giải thích nếu các thành viên của Nền kinh tế Phanxicô muốn những người trẻ khác tiếp cận nền kinh tế với lý tưởng của họ, thì họ phải làm chứng. Chứng tá sẽ thu hút người trẻ, nhưng việc thu hút không phải là để cho phong trào ngày càng có nhiều thành viên và mạnh mẽ, nhưng để truyền đạt cho nhiều người những gì họ đã nhận được, đó là “tin vui” được linh hứng bởi Tin Mừng, ngay cả nền kinh tế cũng có thể thay đổi tốt hơn.
Đối với điểm thứ hai không lo sợ, Đức Thánh Cha lặp lại những gì ngài đã nói tại Ngày Giới trẻ Thế giới ở Lisbon: “Các con đừng là những người quản lý sự lo sợ, nhưng là những doanh nhân của những giấc mơ. Có nhiều điều mới phải làm, Kitô hữu không bao giờ sợ cái mới. Kitô hữu biết Thiên Chúa là Chúa của lịch sử và mặc dù có những thăng trầm, lịch sử luôn có Chúa Giêsu là mục tiêu”.
Cuối cùng, hy vọng không mệt mỏi. Đức Thánh Cha nói ngài biết không dễ đề xuất một nền kinh tế mới trong khi các cuộc chiến tiếp tục, ngành công nghiệp vũ khí phát triển mạnh lấy đi các nguồn lực từ người nghèo, nền dân chủ bị đe dọa, bất bình đẳng đang gia tăng, và hành tinh ngày càng bị tổn thương. Nhưng cần nhớ những gì Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ: “Đừng sợ”. Đức Thánh Cha nhấn mạnh: “Chúa sẽ giúp đỡ các con, và Giáo Hội sẽ không để các con một mình”.