Ông Tornielli giải thích, theo chương trình dự kiến ban đầu, Đức Thánh Cha chỉ ở Lisbon cho Đại hội Giới trẻ Thế giới, việc dừng chân vài giờ ở Fatima được thêm vào sau này. Đức Thánh Cha đã đến đền thánh dịp kỷ niệm 100 năm Đức Mẹ hiện ra để phong thánh cho hai thị nhân Francisco và Jacinta Marto, vào tháng 5/2017. Việc Đức Thánh Cha quyết định một lần nữa đến dưới chân Đức Mẹ Fatima có ý nghĩa quan trọng, và theo ý ngài, điều này liên quan đến thảm kịch chiến tranh mà Ucraina đang phải hứng chịu từ phía quân đội Nga, nhưng cũng liên quan đến nhiều cuộc chiến bị lãng quên đang diễn ra trên thế giới.
Đó là một cử chỉ của Giám mục Roma, có thể được kết nối trực tiếp với một cử chỉ khác mà ngài đã thực hiện. Chỉ hơn một tháng sau khi chiến tranh bùng nổ, ngài đã thánh hiến nước Nga và Ucraina cho Trái tim Vô nhiễm Nguyên tội Đức Maria, được cử hành tại Đền thờ Thánh Phêrô vào ngày 25/3/2022. Thực tế, việc thánh hiến nước Nga đã được yêu cầu trong sứ điệp gửi cho các trẻ chăn cừu ở Fatima.
Các lần hiện ra ở Bồ Đào Nha được liên kết với lịch sử của các Giáo hoàng trong thế kỷ 20, và đan xen với đời sống cá nhân của các ngài. Đức Giáo Hoàng Biển Đức XV, trong thảm hoạ của Chiến tranh thế giới thứ nhất, vào ngày 05/5/1917 đã quyết định thêm lời cầu khẩn “Nữ Vương Hòa Bình, xin cầu cho chúng con” vào kinh cầu Đức Bà truyền thống. Vài ngày sau, ngày 13/5, Đức Mẹ hiện ra lần đầu tiên tại Fatima, một sự kiện trùng với ngày ngài tấn phong giám mục cho cha Eugenio Pacelli, sau này là Giáo hoàng Piô XII, tại Nhà nguyện Sistine. Ngày 31/10/1942, Đức Giáo Hoàng Piô XII đã thánh hiến cho Trái tim Vô nhiễm Nguyên tội Đức Maria “các dân tộc bị chia cắt bởi lỗi lầm hoặc bất hòa”.
Vào tháng 5/1967, Thánh Phaolô VI là vị Giáo hoàng đầu tiên hành hương đến Fatima, để cử hành 50 năm Đức Mẹ hiện ra. Vài ngày trước khi lên đường, ngài giải thích lý do viếng đền thánh là “trong khiêm tốn cầu nguyện cho hoà bình thế giới”.
Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã viếng thăm Fatima ba lần, vào năm 1982, năm 1991 và lần cuối cùng vào Năm Thánh 2000. Triều Giáo hoàng của ngài có mối liên hệ đặc biệt với Đức Mẹ, vì vậy ngài đã viếng Fatima một năm sau khi được Đức Mẹ cứu sống vào năm 1981 trong một vụ mưu sát.
Về phần Đức Biển Đức XVI, trong lần viếng thăm Fatima vào năm 2010, đã tuyên bố: “Ai nghĩ rằng sứ vụ ngôn sứ của Fatima đã kết thúc là người bị lừa dối”.