Vatican News
Mở đầu, Đức Thánh Cha nói khi cầm cuốn sách trong tay với tựa đề “Nhớ về tương lai” làm cho ngài cảm nhận như là một dấu hiệu đến từ một quá khứ tự do trong Tương lai của Chúa. Và nhắc lại cuộc gặp gỡ đầu tiên với Đức cha John Zizioulas, vào năm 2013, dịp lễ hai Thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô, Đức Thánh Cha xác tín rằng người Công giáo còn phải học nhiều từ các anh chị em Chính thống về đoàn thể tính của giám mục và truyền thống hiệp hành.
Đề cập đến sự hiệp nhất giữa hai Giáo hội, Đức Thánh Cha viết: “Khi chúng tôi cùng cầu nguyện và suy tư về sự hiệp nhất của các Kitô hữu, thần học gia Zizioulas đã nói rằng điều này sẽ chỉ đạt được khi thời gian kết thúc. Nhưng trong lúc này chúng ta sẽ phải làm mọi thứ có thể để cùng tìm kiếm sự hiệp nhất”.
Đức Thánh Cha tiếp tục nhắc lại những lời cảnh báo của Giám mục Chính thống: Việc nhìn lại quá khứ có thể làm cho chúng ta trở thành tù nhân của những sai lầm đã mắc phải, những nỗ lực thất bại, làm mất tin tưởng. Giá trị các truyền thống của chúng ta là mở ra con đường, nhưng nếu nó đóng lại, cản trở chúng ta, điều đó có nghĩa là chúng ta đang hiểu sai về truyền thống, những tù nhân của sợ hãi, bị ràng buộc bởi những điều chắc chắn của chúng ta, có nguy cơ biến đức tin thành hệ tư tưởng và ướp xác sự thật trong Chúa Kitô luôn là sự sống và đường (Ga 14, 6), con đường hòa bình, bánh hiệp thông, nguồn hiệp nhất.
Theo Đức Thánh Cha, cánh chung học gõ cửa cuộc sống hàng ngày của chúng ta, thúc giục sự hợp tác của chúng ta, tháo cởi xiềng xích, giải phóng quá trình chuyển đổi sang một cuộc sống tốt đẹp. Và chính ở trung tâm Thánh Thể mà đối với thần học gia Zizioulas, Giáo hội “nhớ đến tương lai”, được Đức cha hoàn thành trong các chương của cuốn sách này một vinh tụng ca “Đấng đến”, một thần học mà Đức cha đã quỳ gối viết, trong sự mong đợi.
Tôi muốn đánh thức bình minh (Tv 108, 3). Câu thánh vịnh kêu gọi tất cả các nhạc cụ và tiếng nói của nhân loại kêu lên nhu cầu của chúng ta về Tương lai của Chúa. Chúng ta hãy đánh thức Bình Minh trong chính mình, chúng ta hãy đánh thức niềm hy vọng. Thật vậy, “bản chất của những gì hy vọng” (Dt 11,1), cử chỉ làm nên Kitô giáo, là đưa ra một dấu hiệu, một dấu hiệu hữu hình và hàng ngày, khiêm tốn và vô tư, về “Đấng hiện có, đã có và đang đến” (Kh 1, 8).