GP.Bắc Ninh - “Kính ngữ” trong nhà Đạo

Đức GiêSu Đã, Đang Và Mãi Mãi Yêu Chúng Ta Cho Đến Cùng

"Tình yêu Đức Kitô thúc bách chúng ta"

GP.Bắc Ninh - “Kính ngữ” trong nhà Đạo

GP.Bắc Ninh - “Kính ngữ” trong nhà Đạo
Kính ngữ là gì?
Kính ngữ là cách diễn đạt lịch sự, tôn trọng và biểu thị địa vị xã hội trong ngôn ngữ. Kính ngữ trong giao tiếp thể hiện sự tôn kính, thứ bậc trên dưới trong xã hội.
1/ Kính ngữ biểu hiện sự lịch sự và tôn kính người trên.
Đối người Việt, kính ngữ được thể hiện bởi hai chữ “dạ/ thưa”.
Dạ thưa xứ Huế bây giờ
                    Vẫn còn núi Ngự bên bờ sông Hương” (Bùi Giáng)
Hai chữ “dạ/thưa” – được đặt trước ở mỗi câu như là một cách thể hiện sự lễ phép, kính trên nhường dưới, sự trọng thị, lẽ nhún nhường, giữ sao cho lời ăn, tiếng nói của mình “dễ nghe”. Và chắc chắn khi vẫn còn nói hoặc nghe những tiếng “dạ/thưa” thì cuộc trò chuyện ấy hiếm khi nào dẫn đến cãi cọ, miệt thị, gây hấn… bởi khi đã biết cất lên những tiếng “dạ/thưa/ạ…” thì người trong cuộc dường như đã biết “tự răn mình” qua câu chữ.
2/ Kính ngữ thể hiện sự tôn kính, thứ bậc trên dưới trong xã hội.
Trong tiếng Việt, có nhiều loại kính ngữ khác nhau, bao gồm kính ngữ giao tiếp trong gia đình và công việc, kính ngữ dành cho người lớn tuổi và người trẻ, cuối cùng là kính ngữ trong miệng người nói và người nghe. Mỗi loại kính ngữ có cách sử dụng và ngữ cảnh riêng biệt.
Đối với người có địa vị thì người nói hay viết đều phải dùng kính ngữ biểu hiện sự tôn kính, trân trọng do chức tước như: ngài X, đấng Y, vị C,… Đối với người lớn tuổi thì là ông/bà, cô/chú, anh/chị…
Khi sử dụng kính ngữ phù hợp, chúng ta thể hiện sự lịch sự, tôn trọng và quan tâm đến người nghe. Điều này giúp xây dựng mối quan hệ tốt hơn và đảm bảo thông tin được truyền đạt một cách chính xác và hiệu quả.
3/ Kính ngữ trong nhà Đạo
Người Công giáo Việt Nam chúng ta luôn dành cho Thiên Chúa mức độ kính trọng cao nhất, qua việc xưng hô Ngài bằng kính ngữ: “Đức Chúa Trời”, “Đức Chúa”, “Đức Chúa Kitô”, “Đức Giêsu Nadarét”…
Chữ “Đức Chúa” chỉ dành để xưng hô cho Danh Thánh Chúa nên khi Dòng Chúa Giêsu (Societas Jesu viết tắc là: SJ) đến Việt Nam truyền giáo đã bị người Việt nhắc nhở không được dùng Danh Chúa cho bất kỳ phàm nhân nào, gọi như thế là phạm thượng. Từ đó Dòng Chúa Giêsu đã được đổi thành Dòng Tên.
Kế đến, với những người có địa vị trong Giáo hội, người Việt sẽ thêm chữ “Đức” trước chức vụ của họ để tỏ lòng tôn kính cũng như sự yêu mến như:  “Đức Giáo hoàng”, “Đức Thánh Cha”, “Đức Hồng y”, “Đức Giám mục”, “Đức Cha”… Thiếu đi chữ “Đức” nghe có phần giảm đi sự tôn trọng và sự yêu mến dành cho các ngài.
Tiếc thay, nhiều nơi trong Hội Thánh Việt Nam đang có xu hướng xưng hô lược bỏ kính ngữ, nếu không muốn nói là phạm thượng đến Danh Thánh Thiên Chúa. Điều này dễ nhận thấy trong những sự kiện liên quan đến thiếu nhi hay giới trẻ, họ chỉ dùng chữ “Giêsu” với các câu khẩu hiệu kiểu như: Học cùng Giêsu, Vui cùng Giêsu, Vui trung thu cùng Giêsu, Hiệp hành cùng Giêsu, Con đường Giêsu…
Và trong nhiều bài hát phụng vụ cũng thiếu kính ngữ dành cho Thiên Chúa như: Giêsu Chúa con ơi, Giêsu Ngài có biết, Maria ngày xa xưa ấy, Giuse trong xóm nhỏ khó nghèo… Tất cả đã không dùng kính ngữ trước các Đấng?
Kinh Thánh viết: “Ngươi không được dùng danh ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của ngươi, một cách bất xứng, vì ĐỨC CHÚA không dung tha kẻ dùng danh Ngài một cách bất xứng” (Xuất hành 20, 7).
Bổn phận của chúng ta là chu toàn địa vị làm con, biết yêu thương kính trọng Cha mình, mà việc dùng xưng hô kính ngữ là một yếu tố nằm trong bổn phận đó. Ngay cả việc các tín hữu xưng hô khi nói với cha xứ chỉ dùng “anh T, ông X” thì cũng bị người đời chê cười, coi là bất kính, huống hồ là làm như vậy với Thiên Chúa chí tôn.
Những sai sót đã qua, không cần đào bới nơi này nơi kia để chỉ trích thêm, nhưng là dịp để rút kinh nghiệm. Mong rằng từ nay, khắp nơi trong Hội Thánh Việt Nam duy trì việc sử dụng kính ngữ với Danh Thánh Thiên Chúa.
CHUYỆN CŨ ĐÃ QUA NHƯNG ĐÃ SAI THÌ ĐỪNG THÊM SAI NỮA MÀ CẦN CHẤN CHỈNH CHO PHÙ HỢP.
THÊM MỘT CHỮ CHÚA VÀO BIỂU NGỮ “VUI CÙNG CHÚA GIÊSU – CHÚA GIÊSU VUI TRUNG THU CÙNG THIẾU NHI” cũng không làm giảm đi sự gần gũi của Đấng Emmanuel mà còn nói lên sự tôn kính dành cho Đấng chúng ta tôn thờ.

Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền

BTT GP Bắc Ninh
Tag: