Hình ảnh người đàn ông có dáng người mảnh khảnh, mái tóc dài hoa râm, mặc bộ quần áo bạc màu đang cặm cụi với cọ bút và màu nước đã không còn xa lạ với giáo dân vùng Kinh Bắc. Đó là cha Giuse Trần Bá Hạnh, vị linh mục sinh ra, lớn lên và phục vụ trong giai đoạn hết sức khó khăn của giáo phận Bắc Ninh. Tuy nhiên, cuộc đời của cha vẫn toát lên vẻ đẹp của một tâm hồn yêu nghệ thuật, yêu cái đẹp trong sự bình dị của cuộc sống.
Vào năm 1945, cậu bé Giuse Trần Bá Hạnh cất tiếng khóc chào đời giữa thời kỳ khỏi lửa chiến tranh, tại mảnh đất Kinh Bắc giàu truyền thống. Vào năm 12 tuổi cậu bước theo tiếng gọi của Chúa và nhập tiểu chủng viện Bắc Ninh. Đời tu của ngài phải trải qua vô vàn khó khăn, chịu đánh đập, tù đày nhưng nhờ ơn Chúa nâng đỡ, vào ngày 19 tháng 6 năm 1974, cùng với 7 thầy khác, Đức Hồng Y Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng đã đặt tay truyền chức cho ngài tại căn phòng U8 – TGM Bắc Ninh. Sau đó, ngài thi hành sứ vụ linh mục tại nhiều giáo xứ, giáo họ khác nhau trong giáo phận. Ở mỗi nơi ngài được sai đến, ngài đều làm việc hết mình và nêu gương sáng cho đoàn chiên.
Tuy trải qua nhiều gian khổ, nhưng sự vất vả, khó khăn không làm khô cằn trái tim và tâm hồn của ngài; trái lại, nó mang đến sự trải nghiệm để tạo nên chất liệu cho những sáng tác nghệ thuật. Quả vậy, ngay từ khi còn trẻ ngài đã bắt đầu thích vẽ, thích làm thơ và sáng tác nhạc. Những bức họa của ngài là sự phản chiếu của lòng mộ đạo và trải nghiệm đức tin như bức họa “Hãy thả lưới bên phải mạn thuyền” vẽ năm 1965 hay “Thánh Phaolô” vẽ năm 1964. Những nét cọ của ngài thường mang màu sắc tươi sáng, nhẹ nhàng thể hiện lòng thành kính và mến yêu sâu sắc. Bên cạnh đó, ngài cũng rất thích vẽ chủ đề phong cảnh. Những họa phẩm của ngài mô tả chân thực hình ảnh quang cảnh hằng ngày như bức “Nhà chung” vẽ năm 1961 với tượng Đức Mẹ cổ kính, giếng nước, vườn cây thân thuộc, hay bức vẽ căn nhà U8 thân thương với đường nét chi tiết và chân thực. Khi ngắm nhìn những bức họa của ngài ta không chỉ chiêm ngưỡng một tác phẩm nghệ thuật với sự hài hòa về hình khối và màu sắc mà còn là sự cảm nghiệm về một thời kỳ lịch sử của giáo phận.
Bên cạnh việc sáng tác hội họa, âm nhạc cũng là một trong những lĩnh vực mà ngài yêu thích và đam mê. Những sáng tác âm nhạc của ngài thường mang sắc thái nhẹ nhàng tươi sáng, ca ngợi tình yêu, tình gia đình. Nổi bật là Abum “Tình yêu cho đi” với một chuỗi các ca khúc ca ngợi tình yêu, sự tha thứ như một lời tâm sự của ngài về những năm tháng đã qua với bách hại, khó khăn nhưng trên hết ngài luôn sống tinh thần của thánh Phaolô: “Đức Mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả”(1Cr 13, 6). Ngoài ra, ngài cũng sáng tác nhiều bài hát về mẹ, trong đó có bài “Tình Mẹ”, được rất nhiều người yêu thích.
Nhìn lại hành trình 78 năm cuộc đời, ngài đã chứng kiến, trải qua nhiều bước thăng trầm của lịch sử đất nước, giáo phận. Hiện nay, khi tuổi đã cao, ngài được nghỉ hưu tại Nhà hưu dưỡng Từ Phong. Nơi đây, ngài có thời gian thinh lặng cầu nguyện và tiếp tục niềm vui sáng tác của mình. Ước mong sao ngài sẽ tiếp tục có những sáng tác ý nghĩa để truyền tải gương mặt của Thiên Chúa nhân hậu đến với mọi người, góp phần bồi đắp nền văn minh “Tình thương và sự sống” (G 10, 12) trên miền quan họ thân yêu.
Giuse Bảo Duy