Năm 1993 – 1995 khi con còn là một tập sinh, hình ảnh một linh mục nghèo khó mà cả nhà gọi với cái tên thân quen “Chú Năm” đã khiến con không khỏi ngạc nhiên và thắc mắc về ngài. Nhưng rồi ngày tháng trôi qua khi “Chú Năm” đến chia sẻ với lớp tập của chúng con về đời sống cầu nguyện và Thần học đời tu, ngài cũng giải thích tại sao mọi người gọi ngài là “Chú Năm”? Thoạt nghe thấy hay hay, thích thích…thế là cả lớp tập chúng con cũng đơn sơ gọi “Chú Năm” rất thân thiện và dễ thương. “Chú Năm” luôn nhắc nhở các tập sinh phải chăm ngoan tập luyện các nhân đức và siêng năng cầu nguyện để sau này trở thành những nữ tu thánh thiện.
Năm tháng qua đi, con cũng trở thành một nữ tu, nhưng hình ảnh “Chú Năm” yêu mến các tu sĩ và những người bệnh phong vẫn luôn là một hình ảnh đẹp với mọi người và còn rất đẹp với Chúa. “Chú Năm” thật giản dị, khó nghèo và khiêm tốn đã được Chúa chọn làm giám mục Chính tòa giáo phận Bắc Ninh ngày 04/8/2008. Năm đó ngài tròn 60 tuổi trọn.
Nhìn lại hành trình 15 năm thi hành sứ vụ người mục tử tại giáo phận Bắc Ninh và trong tuần cửu nhật cầu nguyện đặc biệt cho Đức cha, con đọc lại những dòng tâm sự của ngài về câu khẩu hiệu giám mục “Tình thương và sự sống” con càng hiểu và càng xác tín hơn về sứ vụ người mục tử như Chúa Giêsu “Tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào” (Ga10, 10). Chắc hẳn, điều đó đã giúp Đức cha ý thức hơn khi thi hành nhiệm vụ giám mục: công bố, cổ vũ, chia sẻ tình thương và sự sống Thiên Chúa ban cho con người, đồng thời cũng giúp ngài tìm được thái độ sống phải có: hạnh phúc vì Thiên Chúa ban tình thương và sự sống, chăm lo từng hơi thở đời mình; còn ý định thâm sâu thì không hiểu được, nhưng phải phó thác cho Người. Chúa đã ban cho Đức cha tình thương và sự sống và cho ngài nhìn thấy thế giới ngày nay với những biểu hiện của sự thiếu vắng tình thương khá rõ rệt và nhiều lúc trở thành nỗi băn khoăn của cả nhân loại: hận thù, vô cảm…, những biểu hiện của sức mạnh phá hủy sự sống cũng không phải là ít: bạo lực, ma túy, phá thai, lối sống bừa bãi… trong khi ấy, Chúa Giêsu đã đến để “chiên được sống và được sống dồi dào”(Ga 10, 10). Đức cha đã muốn cùng cả giáo phận Bắc Ninh góp phần bồi đắp nền văn minh tình thương và sự sống: ủng hộ những nhân tố tích cực và loại trừ những nhân tố tiêu cực đối với nền văn minh mới. Ngài đã cầu xin Chúa biến giáo phận thành địa chỉ của tình thương và sự sống, ngài đã cầu xin Chúa Cha và Chúa Con ban Thánh Thần là chính “Tình thương và sự sống” của Thiên Chúa cho giáo phận, để toàn thể Dân Thiên Chúa vùng Kinh Bắc bồi đắp nền văn minh và sự sống, tức là đón nhận và chia sẻ tình thương và sự sống cho mọi người. Với ước nguyện đó, ngài lưu tâm đến nhóm nhân tố đầu tiên phải là các linh mục và tu sĩ, chính ngài đã thành lập gia đình thánh hiến của giáo phận và tổ chức họp hằng quý tại ngôi nhà chung Tòa Giám mục, do ngài chủ sự chia sẻ và mời gọi các hội dòng chia sẻ và cùng nhau thực hiện kế hoạch của Chúa.
1. Hình ảnh người mục tử nơi Đức cha với các tu sĩ
Đức cha đã chia sẻ rất dí dỏm về hình ảnh của người mục tử, cùng vai trò dẫn dắt, bảo vệ và hướng dẫn đoàn chiên. Qua đó, ngài nhắn nhủ từng người tu sĩ trong vai trò của mình, cũng hãy trở nên những người mục tử như lòng Chúa mong ước, để trong sứ vụ được trao, Thiên Chúa luôn mời gọi từng anh chị em đồng lòng dấn bước góp phần xây dựng Hội dòng ngày thêm trưởng thành và đáp lại lời mời gọi ra đi loan báo Tin Mừng của Mẹ giáo phận. Đức cha cũng rất vui vì trong giáo phận, có các nữ tu dòng Đức Mẹ Hiệp Nhất chăm sóc các cháu khuyết tật tại Nhà tình thương Hương La; dòng Mến Thánh Giá phục vụ cho người khiếm thị; Hiệp hội Đức Maria Mẹ Sự Sống thì giúp đỡ những bà mẹ cơ nhỡ để bảo vệ sự sống con người; dòng Phaolô thì giúp cho người bị nhiễm HIV-AID, và tu hội Thánh Tâm thì giúp người bệnh phong; dòng Don Bosco giáo dục các thanh niếu niên; dòng Chúa Cứu Thế phục vụ những người nghèo khổ; dòng Đaminh lo việc giảng dạy và đồng hành với Huynh đoàn giáo dân Đaminh trong giáo phận; dòng Mẹ Chúa Cứu Chuộc luôn hy sinh vì phần rỗi các linh hồn nơi các giáo xứ. Bên cạnh đó, phải kể đến là Dòng Tên, sứ vụ của các tu sĩ Dòng Tên tại giáo phận Bắc Ninh được ví như là điểm gặp gỡ ân sủng với mọi người trong cuộc sống hằng ngày. Các phép Bí tích đóng vai trò then chốt trong công tác này. Vì là những phương thế được ân ban, là nơi Chúa Giêsu gặp gỡ dân Ngài và đụng chạm đến họ, mang sự sống Phục Sinh và sức mạnh cứu độ của Ngài đến cho họ. Cuối cùng là các đan sĩ dòng Xitô thì luôn làm chứng tá tình yêu Thiên Chúa giữa nhân loại bằng sự thông hiệp với Chúa Giêsu Cứu Thế, trong hy sinh thầm lặng và lời cầu nguyện tha thiết để cứu giúp những người chưa nhận biết Chúa…
2. Lời mời gọi cùng nhau nên thánh nơi các tu sĩ
Vẫn là tâm tình của một người cha đầy lòng nhân ái, bằng những câu chuyện Kinh Thánh bình dị, Đức cha luôn mời gọi các tu sĩ cùng nhau nên thánh trong tinh thần vui tươi, không an phận, không lừng khừng, nhưng mạnh mẽ, quyết liệt, qua con đường thực thi Tám Mối Phúc Thật và các lời khuyên Phúc Âm. Ngài cũng nhắc nhớ anh chị em tu sĩ “Hãy để Thiên Chúa viết lịch sử đời mình”. Phần mình, mỗi người được mời gọi kiểm điểm bản thân xem mình cần chỉnh những gì, cần bỏ những gì, cần thêm những gì và xin Đức Mẹ giúp chúng ta thực thi lời mời gọi, và cũng là mệnh lệnh phải nên thánh của Thiên Chúa.
3. Lời mời gọi các tu sĩ phải trở nên ánh sáng cho trần gian
Đức cha mời gọi anh chị em gia đình thánh hiến hãy tạ ơn Chúa, vì Ngài đã ban ánh sáng cho chúng ta là chính Đức Giêsu, vậy mỗi người chúng ta hãy trở nên ánh sáng để chiếu soi vào thế gian tối tăm tội lỗi này. Đặc biệt anh chị em sống đời thánh hiến, là những người được Chúa chọn, phải trở nên ánh sáng cho trần gian qua chính cuộc sống của mình, để nói cho người khác biết và nhận ra ánh sáng thật là chính Đức Giêsu.
4. Lời mời gọi các tu sĩ phải trở thành những nhà truyền giáo chuyên nghiệp giống Chúa
Với sứ vụ truyền giáo của Giáo hội mà mỗi người luôn ý thức, Đức cha tha thiết mời gọi các tu sĩ phải trở thành những nhà truyền giáo chuyên nghiệp giống Chúa nơi giáo phận Bắc Ninh thân yêu. Ngài luôn lưu ý mỗi tu sĩ cần khơi dậy ý thức truyền giáo của mình cũng như khơi dậy lửa truyền giáo nơi mỗi kitô hữu. Ngài nhắc lại việc mỗi tín hữu là những người đã đón nhận ngọn nến ngày chịu phép Thánh tẩy đều có nhiệm vụ mang ánh sáng ấy đến với muôn dân.
5. Đức cha cám ơn sự hiện diện của các tu sĩ nơi giáo phận Bắc Ninh
Đức cha khiêm tốn cám ơn sự hiện diện quý báu của các dòng tu, những đóng góp rất lớn lao của các tu sĩ đối với Giáo Phận. Ngài rất quan tâm và cầu nguyện cho gia đình thánh hiến trong giáo phận. Ngài khuyến khích mỗi người tu sĩ hãy viết tiếp trang sử thánh của giáo phận Bắc Ninh hôm qua và ngày mai. Đức cha cám ơn tất cả những người đã dâng mình cho Chúa để góp phần vào việc truyền giáo của giáo phận. Ngài cũng cám ơn những anh chị em sống đời thánh hiến từ các nơi khác, đã đến đóng góp những con người mà giáo phận Bắc Ninh không phải có công sinh dưỡng. Nhưng Hội Thánh là Mẹ chúng ta, chúng ta cùng nhau lo cho gia đình của Chúa là giáo phận và Hội Thánh. Chúng ta vững tin là tất cả những mồ hôi, nước mắt không một giọt mồ hôi, giọt nước mắt nào của chúng ta trở nên vô ích, vì tất cả những điều ấy chúng ta hòa với máu của Chúa Giêsu, hòa với máu của các vị Tử Đạo. Chúng ta đang tưới trên cánh đồng giáo phận của chúng ta và chúng ta vững tin Chúa sẽ cho đất của giáo phận Bắc Ninh trổ sinh hoa trái. Chắc chắn đó là ước nguyện của toàn thể giáo phận, của các bậc tiền nhân và của mỗi người chúng ta nữa. Xin Chúa chúc lành cho chúng ta và cho giáo phận thân yêu của chúng ta. Phần chúng ta, hãy lồng bàn tay mình vào bàn tay Chúa Giêsu, đặt trái tim mình vào trong trái tim Chúa với sự kết hợp mật thiết, sâu xa để cảm nghiệm như thánh Phaolô “Tôi sống nhưng không còn phải là tôi sống mà là Đức Kitô sống trong tôi”(Gl 2, 20). Và cũng nói được như Chúa Giêsu “Tôi chính là người mục tử nhân lành. Người mục tử nhân lành hy sinh mạnh sống cho đoàn chiên”(Ga 10,11).
Như tấm lòng con thảo của những người con cùng một cha, chúng con xin chân thành cảm ơn và khắc ghi những tâm tình của Đức cha với anh chị em tu sĩ, chúng con tiếp tục cầu nguyện cho Đức cha luôn vui khỏe mỗi ngày.
Nt. Anna Emmanuel Vũ Hiên