GP.Bắc Ninh - Đôi nét về xứ Dũng Vi

Đức GiêSu Đã, Đang Và Mãi Mãi Yêu Chúng Ta Cho Đến Cùng

"Tình yêu Đức Kitô thúc bách chúng ta"

GP.Bắc Ninh - Đôi nét về xứ Dũng Vi

GP.Bắc Ninh - Đôi nét về xứ Dũng Vi

Giáo xứ Dũng Vi được thiết lập từ thời kỳ Đức cha Đaminh Hoàng Văn Đoàn, với địa giới hành chính rộng lớn, số giáo dân ít ỏi lại sống giữa vùng đất của Phật Giáo. Giáo xứ gồm có 2 giáo họ là Dũng Vi và Vĩnh Phú. Tổng số nhân danh trong giáo xứ là 1011 tín hữu (theo số liệu năm 2021).

HỌ NHÀ XỨ DŨNG VI

Địa chỉ: Giáo, Tri Phương, Tiên Du, Bắc Ninh.

Năm thành lập: 1887.

Bổn mạng: Thánh Giuse thợ (01/5).

Cha chính xứ: Giuse Nguyễn Hoàng Ân.

Giáo dân: Họ nhà xứ Dũng Vi hiện có 811 nhân danh, sống tập trung toàn bộ trong thôn Giáo (dân số của xã Tri Phương là gần 9000 người). Đời sống bà con giáo dân chủ yếu dựa vào canh tác nông nghiệp. Giáo xứ cũng ở gần khu công nghiệp nên có nhiều bạn trẻ đi làm công nhân trong các nhà máy. Vì thế, đời sống kinh tế của Dũng Vi đang ngày càng phát triển và ổn định hơn.

Dòng tu, hội đoàn đang hiện diện và hoạt động: Huynh đoàn giáo dân Đaminh, hội Mân Côi, hội Trưởng gia đình, phong trào Thiếu nhi Thánh Thể.

Nhà thờ: Nhà thờ Dũng Vi được xây dựng năm 1939 theo kiến trúc Barốc và được tu sửa nhiều lần, mới đây nhất là năm 2013. Nhà thờ rộng 11m, dài 40m, mái cao 11m, tháp cao 28m với một quả chuông nặng 150kg.

Lịch sử hình thành và phát triển

Mảnh đất Dũng Vi đón nhận đức tin vào năm 1887 do thầy Đaminh Tín truyền thụ. Năm 1885 – 1886, dân làng có xảy ra sự bất đồng, đó là vụ kiện về ông chánh Bật (Đinh Phú Sơn) làm chánh tổng. Dân chúng bị đàn áp, tình hình phức tạp, xảy ra chia rẽ giữa 2 thôn là thôn Giáo (người theo đạo Thiên Chúa) và thôn Lương (không theo đạo Thiên Chúa).

Các cụ ở dải xóm ngoài đã đứng lên và đưa đơn kiện lên tỉnh Bắc Ninh, xin giải quyết về mặt xã hội và đưa đơn xin tòng giáo. Các cụ nhờ vào ông quan Thượng là ông Trần Phủ Bắc Ninh. Thầy Đaminh Tín là chú ruột của ông Trần Phủ lo liệu giải quyết, và từ đấy dân họ được êm xuôi mọi bề.

Sang năm 1887, cậy nhờ vào thầy Đaminh Tín, ngài đỡ đầu lo liệu việc tòng giáo, khi đó có 12 cụ đại diện cho dân làng đứng ra xin tòng giáo. Thầy Đaminh Tín ngày đêm tận tâm lo liệu, dạy kinh bổn, dạy giáo lý cùng các nghi thức kinh lễ Kitô Giáo để tôn thờ Thiên Chúa. Dân làng từ đó lấy tên gọi là Dũng Vi. Sau 2 năm, vào năm 1889, nhờ ơn Chúa ban, cùng với thỉnh trình của thầy Đaminh Tín, Đức cha Antonio Colomer Lễ – chủ chăn của giáo phận Bắc Ninh, đã phê chuẩn cho Dũng Vi được nhận thánh Giuse làm thánh bổn mạng.

Những ngày đầu mới đón nhận đức tin, dân làng họp nhau để nghe giảng giải và học kinh bổn trong một ngôi nhà nhỏ, tiếp đến là ba ngôi nhà thờ làm bằng tre, mái lợp bằng rơm… Đến năm 1920, ngôi nhà thờ Quan Cư được xây dựng theo hướng Đông – Tây. Cho đến năm 1936, cha Giuse Nguyễn Khắc Mẫn và thầy già Huệ lo liệu vật chất, đá sỏi, cát, gạch, gỗ, để xây dựng nên ngôi thánh đường hiện nay (khánh thành năm 1939).

Khu nhà chung của giáo xứ được xây dựng vào năm 1952. Năm 1954, Dũng Vi có khoảng 600 nhân danh. Trong biến cố di cư, có khoảng ba phần tư giáo dân di cư vào Nam, sống tập trung tại giáo xứ An Hòa (giáo phận Đà Lạt) và sau năm 1975 có một số giáo dân tản cư sang Hoa Kỳ sinh sống. Số giáo dân ít ỏi còn lại ở quê hương cố gắng để giữ vững đức tin và các tài sản cho giáo hội trong những năm tháng khó khăn thử thách.

Đến năm 1992, cụ Maria Nguyễn Thị Nhường (tức cụ Riêng) công đức giúp đỡ tiền để sửa chữa trần của gian cung thánh. Năm 1998, được sự quan tâm giúp đỡ của quý vị ân nhân từ hải ngoại (đặc biệt là Hoa Kỳ), từ miền Nam và tại quê hương, nhà thờ Dũng Vi đã được tu tạo sửa chữa với hai đợt trùng tu vào năm 1999 và năm 2001. Nhà thờ được lát đá 2 gian cung thánh, các bộ cửa được thay thế mới bằng gỗ lim, làm mới 14 đàng thánh giá, tu sửa gác đàn.

Đến năm 2003, với ước mong làm cho ngôi thánh đường được khang trang hơn, những người con xa quê cùng với bà con giáo dân trong giáo xứ đã góp công góp của để xây dựng phần tháp thánh đường. Đến tháng 4 năm 2008, giáo xứ làm trần nhà thờ (cha xứ Giuse Phạm Đức Hậu làm cha xứ Cẩm Giang và Dũng Vi). Năm 2009, tu tạo khu sân, tường, cổng và xây dựng nhà chứa vật liệu ở khu sân phía cuối nhà thờ. Năm 2011, tu tạo khu sân, tường, cổng nhà chung (cha Giuse Trần Bá Hạnh làm cha xứ). Với tổng diện tích khu đất thánh đường là 6.200m2, phía Nam là đường giao thông liên xã, phía Đông là vườn cây, ao cá, có tượng đài Đức Mẹ (được xây dựng năm 1995), phía Tây là khu đông giáo dân nhất, phía Bắc là khu phòng có vườn cây, ao cá, ngoài là cánh đồng lúa. 

Đời sống đức tin

Nhìn lại chặng đường đức tin của giáo xứ, từ ngày đầu lãnh nhận Tin Mừng chỉ là một con số rất nhỏ, đến nay đã nảy sinh và phát triển rộng rãi, tại quê hương Dũng Vi đã có hơn 1000 nhân danh, miền Nam có giáo xứ An Hoà – Đà Lạt, trong đó người Dũng Vi cũng có tới gần 1000 nhân danh, còn các nơi khác như khu Sài Gòn xóm mới và các khu Biên Hòa, Vũng Tàu, cũng có những người con của giáo xứ đang sinh sống và làm việc.

Người Dũng Vi có lòng đạo đức, tôn thờ Thiên Chúa, sùng kính Đức Mẹ Maria và Thánh cả Giuse cách đặc biệt nên đã trổ sinh nhiều hoa trái thiêng liêng. Trong số những hoa trái ấy có cha Giuse Đinh Quốc Trụ (dòng Phanxicô) – Sài Gòn, cha Giuse Đinh Tấn Hoài làm việc mục vụ tại giáo phận Đà Lạt (nay đang du học Hoa Kỳ), cha Đinh Tuấn Việt (dòng Đức Mẹ núi Camêlô) nay đang du học tại Pháp, cùng các cha, quí sơ đang phục vụ và tu học tại các nhà dòng.

Với sự chăm lo của cha xứ, cùng sự nhiệt tình của quý vị ban hành giáo và bà con giáo dân, giáo xứ đã có những đoàn thể như: huynh đoàn giáo dân Đaminh, hội Mân Côi, hội Trưởng gia đình, phong trào Thiếu nhi Thánh Thể, ca đoàn giới trẻ, đoàn hoa các giới, đoàn kèn, đoàn trống trắc, đoàn lễ sinh. Đây là những đoàn hội nòng cốt tạo nên sự phát triển vững chắc và tiến bước trong tinh thần đức tin và sự hiệp nhất của giáo xứ.

GIÁO HỌ VĨNH PHÚ

Địa chỉ: Vĩnh Phú, Phật Tích, Tiên Du, Bắc Ninh.

Năm thành lập: 1927.

Bổn mạng: Thánh Antôn Pađôva (13/6).

Giáo dân: Giáo họ hiện có 200 nhân danh sống rải rác trong 5 thôn thuộc xã Phật Tích với tổng số trên 7000 dân. Giáo dân chủ yếu làm nông nghiệp nhưng đang dần chuyển dịch sang các nghề phụ, nên đời sống kinh tế tương đối phát triển.

Dòng tu, hội đoàn đang hiện diện và hoạt động: Huynh đoàn giáo dân Đaminh, hội Mân Côi, hội Trưởng gia đình.

Nhà thờ: Ngôi nhà thờ của giáo họ nằm sát ngay bên chùa Phật Tích – ngôi chùa gắn liền với sự hình thành và phát triển của Phật Giáo Việt Nam. Nhà thờ Vĩnh Phú có chiều dài 27m, chiều rộng 10m, mái cao 6,6m, 2 tháp cao 21m với 1 quả chuông nặng 100kg. Tổng diện tích khuôn viên rộng 1100m2.

Lịch sử hình thành và phát triển

Vĩnh Phú đón nhận hạt giống đức tin vào năm 1927. Năm 1943, giáo dân Vĩnh Phú bắt tay vào xây dựng nhà thờ nhưng vì chiến tranh nên dang dở, mới xây được phần tường nhà thờ. Năm 1954, điều đặc biệt là không có gia đình nào di cư vào Nam. Tới năm 1961, giáo họ tiếp tục hoàn thiện nhà thờ bằng những vật liệu có sẵn. Trong những năm chiến tranh về sau, chính quyền mượn nhà thờ làm trường học. Một thời gian sau, nhà thờ bị sập đổ không có chỗ cho giáo dân đến cầu nguyện. Năm 1991, giáo họ nỗ lực làm nhà thờ tạm để lấy nơi đọc kinh cầu nguyện. Tới năm 2007, cha Giuse Phạm Đức Hậu cùng bà con giáo dân xây dựng ngôi nhà thờ hiện đang sử dụng trên nền đất nhà thờ cũ. Tới năm 2011, 2 ngọn tháp nhà thờ mới được hoàn thiện.

Đời sống đức tin

Tuy là một giáo họ nhỏ nhưng Vĩnh Phú cũng có những hội đoàn nòng cốt như huynh đoàn giáo dân Đaminh, hội Mân Côi, hội Trưởng gia đình đang hoạt động. Tuy còn gặp nhiều khó khăn, nhất là về nhân sự, nhưng hi vọng, nhờ ơn Chúa và sự cố gắng nỗ lực của bà con giáo dân, giáo họ Vĩnh Phú sẽ ngày càng lớn mạnh và trổ sinh nhiều hoa trái thiêng liêng.

BTT GP Bắc Ninh

Tag: