THÔNG TIN CHI TIẾT
Một xứ thanh bình giữa núi sông
Vui sống quanh năm với ruộng đồng
Nam Viên miền đất thấm tình Chúa
Nhân chứng ngàn đời vẫn tín trung.
Hạt giống Tin mừng được gieo vào mảnh đất Nam Viên từ những năm 1917 và là một trong những giáo xứ truyền thống của giáo phận Bắc Ninh. Nam Viên cách Tòa Giám mục Bắc Ninh 10km về hướng Nam. Địa giới hành chính của giáo xứ bao gồm 7 xã: Hạp Lĩnh, Hiên Vân, Việt Đoàn, Tân Chi, Lạc Vệ (thuộc huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh), Hán Quảng và Chi Lăng thuộc huyện Quế Võ. Hiện nay, giáo xứ có khoảng 1160 nhân danh sinh hoạt đức tin trong 4 giáo họ: Nam Viên, Hộ Vệ, Văn Trung và Quảng Lãm. Sau hơn 100 năm hình thành và phát triển, giáo xứ Nam Viên đã để lại một lịch sử hào hùng và một truyền thống đức tin vững mạnh.
I. HỌ NHÀ XỨ NAM VIÊN
1. Các thông tin cơ bản
Tên gọi: Giáo họ nhà xứ Nam Viên.
Địa chỉ: Nam Viên, Lạc Vệ, Tiên Du, Bắc Ninh.
Năm thành lập: 01/10/2007.
Quan thầy: Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội (08/12).
Linh mục quản xứ đương nhiệm: cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thắng.
Các dòng tu, tu hội, hội đoàn đang hiện diện và hoạt động: huynh đoàn giáo dân Đaminh, hội Trưởng gia đình, hội Mân Côi, hội Lòng Chúa thương xót, bác ái xã hội, nhóm cầu nguyện, phong trào Thiếu Nhi Thánh Thể, ca đoàn và đoàn kim nhạc.
Giáo dân: Giáo họ có 989 nhân danh (2022) sống tập trung trong thôn Nam Viên, xã Lạc Vệ, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Giáo dân trong giáo họ chủ yếu làm nông nghiệp. Một số người trẻ làm công nhân trong các khu công nghiệp và lao động ở nước ngoài.
Nhà thờ: Nhà thờ Nam Viên được xây dựng năm 1994, qua nhiều lần sửa chữa và được cung hiến ngày 13/12/2008 với tước hiệu Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội. Nhà thờ được trùng tu 2 lần (năm 2006 và 2014). Hiện nay, nhà thờ có diện tích 360m2, dài 30m, rộng 12m. Trần vòm bên trong nhà thờ được thiết kế cao ráo bằng chất liệu tôn hợp kim. Gian cung thánh được đôn lên cao, với bậc tam cấp, tạo nên vẻ uy nghi thánh thiện. Nhà thờ có một tháp chuông cao 33m và ngay giữa tháp đặt một bức tượng Đức Mẹ Vô Nhiễm bằng đá nguyên khối.
2. Lịch sử hình thành và phát triển
Giáo họ Nam Viên được hình thành khoảng năm 1917. Khi ấy, giáo họ chỉ có khoảng 25 gia đình với gần 100 nhân danh, hầu hết trong số họ là người vùng Cổ Ra, Bùi Chu lên làm ăn sinh sống. Vào khoảng những năm đầu của thế kỉ 20, cụ Đỗ Đình Thuật, tự là cụ Đỗ Thống, cho con trai mình là ông Vũ Đình Tiến quản lý vùng đất Nội Viên (Nam Viên ngày nay). Ông Tiến cần thêm nhân lực nên đã sai người quản ấp là ông Vũ Đình Tuần về quê hương Nam Định tìm nhân công lên làm ăn. Ông Tuần là người ở họ Cầu Chanh, giáo xứ Cổ Ra, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định. Với lời kêu gọi của ông Tuần, nhiều người ở Nam Định dần dần lên làm ăn và định cư tại vùng đất Nam Viên. Đến năm 1920, ấp Nội Viên đã có tất cả 30 gia đình Công giáo. Trong thời gian đầu, mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng bà con giáo dân vẫn ý thức việc gìn giữ và thực hành đức tin. Trong suốt 17 năm (từ năm 1917-1934), giáo dân nơi đây đã quy tụ đọc kinh, cầu nguyện tại nhà ông bà chủ ấp. Trong thời gian này, số giáo dân ít nhưng đời sống đức tin của bà con vẫn được duy trì và phát triển không ngừng. Ngoài việc đọc kinh hằng ngày, bà con giáo dân còn lập được đoàn dâng hoa kính Đức Mẹ, hội trống, thanh la, não bạt, tiêu cổ và đội bát âm tham gia phục vụ các ngày lễ trọng.
Đến năm 1934, ngôi nhà nguyện đầu tiên đã được xây dựng để làm nơi cho dân họ đọc kinh, cầu nguyện sớm tối. Năm 1949, nhà nguyện đã bị phá hủy. Không còn nơi đọc kinh sớm tối, dân họ đã sử dụng kho thóc của cụ Tiến để làm nơi cầu nguyện. Năm 1955, Nam Viên trở thành họ lẻ của giáo xứ chính tòa Bắc Ninh. Năm 1960, cha Đaminh Đinh Huy Quảng đã cho xây dựng ngôi nhà thờ mới trên đất nhà thờ hiện nay để giáo dân có nơi tham dự Thánh lễ và đọc kinh mỗi ngày. Năm 1994, giáo họ Nam Viên đã khởi công xây dựng lại ngôi nhà thờ mới. Năm 2006, các cha quản nhiệm cùng dân họ tiếp tục hoàn thiện phần gian cung thánh nhà thờ và một số hạng mục vẫn chưa được làm xong.
Năm 2007, Đức Tổng Giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt, giám quản giáo phận Bắc Ninh đã nâng giáo họ Nam Viên lên hàng giáo xứ với các họ đạo: họ nhà xứ Nam Viên, họ Hộ Vệ, họ Văn Trung và họ Quảng Lãm. Ngày 23/4/2011, cha Đaminh Bùi Văn sáu được bổ nhiệm là cha xứ tiên khởi giáo xứ Nam Viên. Năm 2012, cha xứ Đaminh phải vào nhà hưu Thủ Đức dưỡng bệnh, cha phụ tá Phanxicô Nguyễn Văn Thắng tạm thời chăm sóc mục vụ giáo xứ. Năm 2015, cha xứ Đaminh được Đức cha giáo phận chấp thuận cho nghỉ hưu, đồng thời cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thắng được bổ nhiệm là quản nhiệm giáo xứ.
Trước đó, vào ngày 13/12/2008, Đức Cha Cosma Hoàng Văn Đạt SJ, giám mục giáo phận Bắc Ninh đã cung hiến nhà thờ giáo họ Nam Viên với tước hiệu Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội. Năm 2014, ngôi nhà thờ bị xuống cấp nên cha xứ Đaminh Bùi Văn Sáu cùng với cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thắng và dân họ đã chung sức trùng tu lại ngôi thánh đường (vẫn giữ những nét kiến trúc của ngôi nhà thờ trước).
Năm 2017 đánh dấu 100 năm mảnh đất Nam Viên đón nhận Tin Mừng. Sau 100 năm tồn tại và phát triển, biết bao thăng trầm thời cuộc cũng ảnh hưởng nhiều đến đời sống đức đạo. Nhưng giáo họ Nam Viên đã để lại một lịch sử hào hùng, một truyền thống đức tin vững mạnh. Nam Viên được xem là “khu vườn phía Nam” của Toà Giám Mục, nơi linh thiêng và giàu tiềm năng phát triển đời sống đức tin, một mảnh đất màu mỡ để hạt giống Tin Mừng nảy mầm và không ngừng trổ sinh hoa trái. Thật vậy, hạt giống Tin Mừng ở Nam Viên đã trổ sinh nhiều hoa thơm trái ngọt. Đến nay, giáo họ Nam Viên có 4 nữ tu đang phục vụ trong và ngoài giáo phận. Đặc biệt, giáo họ đã có 2 người con được lãnh nhận thánh chức linh mục. Năm 2018, thầy phó tế Stephanô Nguyễn Văn Bảy, thuộc dòng Xitô nhặt phép (O.C.S.O), được thụ phong linh mục tại Hoa Kỳ. Mới đây, ngày 02/6/2022, thầy phó tế Đaminh Hoàng Văn Quỳnh, thuộc dòng Truyền Giáo Thánh Carôlô – Scalabrini (C.S), được thụ phong linh mục tại nhà thờ Chính Tòa Bắc Ninh.
3. Đời sống đức tin
Hiện nay, họ nhà xứ Nam Viên có 989 nhân danh. Hàng tuần, giáo họ có cha quản nhiệm Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thắng và một số cha ở Tòa Giám mục về dâng lễ (tối thứ Tư, thứ Bảy và sáng Chúa Nhật). Ngoài ra, với lòng đạo đức sốt sắng, bà con giáo dân tổ chức đọc kinh cầu nguyện hàng ngày. Tiếng chuông nhà thờ vẫn đều đặn vang lên để nhắc nhở bà con đến nhà thờ vào mỗi 4 giờ sáng, 12 giờ trưa, 3 giờ chiều và 7 giờ tối. Các tối thứ Ba, thứ Năm và thứ Sáu đầu tháng, giáo dân nơi đây dành giờ để cầu nguyện trước Thánh Thể Chúa. Giáo họ cũng có các hội đoàn đang hoạt động tích cực như: hội Mân Côi, huynh đoàn giáo dân Đaminh, hội Trưởng gia đình, hội Lòng Chúa thương xót, nhóm cầu nguyện .….. Thiếu nhi được học giáo lý hàng tuần, vào các ngày Chúa nhật có thánh lễ riêng cho thiếu nhi và sinh hoạt phong trào Thiêu Nhi Thánh Thể. Các hội đoàn sinh hoạt đều đặn, chia sẻ và nâng đỡ nhau trong đời sống đức tin. Điểm đặc biệt trong sinh hoạt của giáo họ mà không dễ tìm thấy ở những nơi khác là việc xin khấn. Bất kể ngày hay đêm, nắng hay mưa, khi nghe “hồi trống xin khấn” là bà con cùng nhau tiến về nhà thờ đọc kinh, hiệp thông cầu nguyện cho người muốn xin cầu nguyện.
Nam Viên là một giáo họ giàu tiềm năng phát triển về đức tin. Với truyền thống đạo đức lâu đời, Nam Viên trở thành nơi thuận tiện cho việc tổ chức các hoạt động sinh hoạt giáo xứ và mở các khóa cầu nguyện, chia sẻ Tin Mừng nhằm đào luyện chiều sâu đức tin. Bên cạnh đó, giáo họ có đội ngũ người trẻ đông, đóng góp nhân lực và sáng kiến cho các hoạt động của giáo phận cũng như dấn thân trong đời sống dâng hiến và tông đồ.
II. GIÁO HỌ HỘ VỆ
1. Các thông tin cơ bản
Tên gọi: Giáo họ Hộ Vệ.
Địa chỉ: Hộ Vệ, Lạc Vệ, Tiên Du, Bắc Ninh.
Năm thành lập: Khoảng đầu thế kỷ XX.
Quan thầy: Thánh Giuse (19/3).
Các dòng tu, tu hội, hội đoàn đang hiện diện và hoạt động: hội Trưởng gia đình, hội Mân Côi.
Giáo dân: Giáo họ có 113 nhân danh (2022) sống tập trung trong thôn Hộ Vệ, xã Lạc Vệ, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Giáo dân trong giáo họ chủ yếu làm nông nghiệp. Một số giáo dân làm công nhân trong các khu công nghiệp.
Nhà nguyện: Giáo họ đã xây được ngôi nhà nguyện nhỏ (dài 11m, rộng 5m) vào năm 2009.
2. Lịch sử hình thành và phát triển
Được thành lập từ đầu thế kỷ XX, Hộ Vệ là một ngôi làng nhỏ nằm cách tòa giám mục Bắc Ninh 9 km về phía nam. Trước năm 1954, Hộ Vệ đã là một họ đạo sầm uất có nhà thờ, nhà xứ và có nhiều sinh hoạt đức tin như những họ đạo lớn khác trong địa bàn tỉnh Bắc Ninh. Trải qua dòng thời gian với nhiều biến cố thăng trầm, nhất là cuộc chiến tranh Đông Dương 1945- 1954. Hiện nay Hộ Vệ là họ đạo nhỏ của giáo xứ Nam Viên, số người Công giáo của Hộ Vệ chỉ con lại vỏn vẹn 123 người. Mặc dù vậy, Hộ Vệ vẫn duy trì được nhiều sinh hoạt đạo đức và phát triển đời sống Đức tin vững chắc.
Vào những năm đầu của thế kỷ XX, ấp Hộ Vệ và ấp Nam Viên là hai ấp gần nhau thuộc tổng Nội Viên, phủ Tiên Du, Tỉnh Bắc Ninh. Ngày ấy, cụ Đỗ Đình Thuật, tự là cụ Đô Thống, cho con trai thứ năm của mình là ông Đỗ Đình Biên sở hữu vùng đất thuộc ấp Hộ Vệ; còn ông Đỗ Đình Tiến sở hữu ấp Nam Viên. Ông Đỗ Đình Biên đã cải tạo vùng đất Hộ Vệ trở thành vùng đất trù phú và kêu gọi nhân công từ nhiều nơi khác nhau đến lập ấp. Trong đó phải kể đến ông Chuẩn ở Hạ Lôi – Mê Linh làm quản lý ấp, ông Tự là con cụ trùm Mỹ người Nam Định, ông Giai và nhiều người khác từ vùng Thái Bình, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Hưng Yên. Ông chủ ấp Đỗ Đình Biên đã giao đất cho những gia đình làm công, vì vậy đời sống của những người làm ấp no đủ và phát triển. Nhờ vào lòng đạo đức và sự quan tâm của ông chủ nên ngày càng có nhiều người theo Chúa và có nhiều người Công giáo ở vùng xuôi đến định cư ở ấp Hộ Vệ.
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống đức tin Công giáo, cụ Đỗ Đình Biên đã sử dụng chính nhà kho của gia đình làm nơi đọc kinh cầu nguyện sớm tối cho những người có đạo để gìn giữ và phát triển đức tin.
Được sự khích lệ của Đức cha Eugenio Artaraz Chỉnh, cha Tân đang coi xứ Phượng Mao cũng thường xuyên đến ấp Hộ Vệ dâng lễ ở nhà kho của cụ Đỗ Đình Biên. Vào thập niên 1930, cha Tân cùng với ông chủ ấp Đỗ Đình Biên đã thành lập giáo họ Hộ Vệ, xây dựng được nhà thờ và nhà xứ trong thửa đất rộng khoảng hơn 3 nghìn m2. Sinh hoạt của giáo họ Hộ Vệ lúc này phát triển nhanh chóng, hàng ngày bà con giáo dân đến đọc kinh sáng, trưa và tối. Đời sống đức tin được phát triển như vậy chắc chắn có công lao rất lớn của cha Tân, và cũng không thể phủ nhận công lao to lớn của ông chủ ấp Đỗ Đình Biên.
Trong chiến dịch “tiêu thổ kháng chiến” (1946-1954), toàn bộ nhà thờ và các cơ sở vật chất của giáo họ Hộ Vệ bị phá hủy vào năm 1949. Cha Tân, các thầy, các dì phước và hầu hết giáo dân đã phải sơ tán đến khu vực khác. Khi Việt Minh tiếp quản miền Bắc, cơ quan xã đã đổi “ấp” thành “thôn.” Lúc này nhà thờ không còn, bà con giáo dân Hộ Vệ cũng tản mát khắp nơi, gia đình ông chủ ấp Đỗ Đình Biên cũng sơ tán sang Hà Nội. Đặc biệt biến cố chia đôi đất nước năm 1954, hầu hết giáo dân Hộ Vệ di cư vào miền Nam, ở lại giáo họ chỉ còn lại duy nhất 2 gia đình Công giáo là gia đình ông Nguyễn Gia Trực và gia đình ông Nguyễn Văn Chuẩn, với 23 nhân danh và một gia đình lương dân.
Nhà thờ cũng như cơ sở thờ tự không còn gì, cùng với khó khăn của thời cuộc sau năm 1954, hai gia đình còn sót lại tập trung con cái đọc kinh tại gia đình của ông Chuẩn (nhà ông Chuẩn nằm trên chính nhà và đất của ông chủ ấp Đỗ Đình Biên xưa) vào các tối thứ Tư, thứ Sáu và Chúa Nhật để giữ gìn đức tin. Vào các ngày lễ trọng, các gia đình dìu dắt nhau đi bộ đến nhà thờ chính tòa Bắc Ninh để lãnh nhận các Bí tích như Rửa tội, Thêm sức, Hôn phối, Xưng tội, Xức dầu và tham dự Thánh lễ.
Đến năm 2007, bà cố Anna Tạ Thị Tư ở Hoa Kỳ quê gốc Long Khám liên hệ với cha Đaminh Nguyễn Văn Kinh để giúp Hộ Vệ mua được một mảnh đất 200 m2 và có ngôi nhà ngói 3 gian (khoảng 50 m2) làm nơi đọc kinh cầu nguyện. Hàng năm, cứ vào dịp lễ quan thầy họ đạo, đều có các cha trên Tòa giám mục đến dâng lễ.
Năm 2009, cha Giuse Nguyễn Đức Hiểu là cha xứ nhà thờ Chính tòa và cha phụ tá Phanxicô Xaviê Bùi Quang Thuận đã bàn bạc với giáo dân Hộ Vệ đổi đất nhà nguyện sang chỗ nhà nguyện hiện nay vì ngôi nhà lúc đó quá nhỏ lại ở sát kề ngay ngôi chùa lớn của làng Hộ Vệ. Sau khi được sự thống nhất của anh chị em giáo dân, và nhất trí của gia đình đang ở trên đất nhà nguyện hiện nay. Để chờ trong tương lai có điều kiện xây dựng được ngôi nhà nguyện làm nơi sớm tối đọc kinh, cha Giuse Hiểu đã cho xây một ngôi nhà nguyện tạm làm nơi đọc kinh hàng ngày và làm nơi dâng lễ khi các cha về. Như một sự trùng lặp kỳ diệu, ngôi nhà nguyện tạm này lại nằm trên chính nhà kho để đồ ngày xưa mà cụ Đỗ Đình Biên đã sử dụng cho người Công Giáo đọc kinh cầu nguyện sớm tối.
Năm 2011, giáo phận cử cha Đaminh Bùi Văn Sáu về làm cha xứ Nam Viên, lúc này Hộ Vệ là họ lẻ của giáo xứ Nam Viên. Cũng nên biết, ấp Nội Viên xưa là Nam Viên bây giờ và là ấp của cụ Đỗ Đình Tiến, cụ Tiến là anh ruột của cụ Đỗ Đình Biên. Năm 2012, cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thắng được cử về phụ giúp cha Đaminh Bùi Văn Sáu, ngài đều đặn về dâng lễ các tối thứ Bảy hoặc tối Chúa Nhật tại họ Hộ Vệ. Bà con giáo dân đều đặn đọc kinh vào các buổi tối hàng ngày trong ngôi nhà nguyện tạm. Còn ngôi nhà ngói 3 gian được làm trên chính phần nền nhà của cụ Biên xưa tạm thời làm nơi cha mặc áo lễ, dạy kinh bản giáo lý cho các em thiếu nhi, hoặc làm nơi tiếp các cha, các thầy hay các sơ mỗi khi các ngài về dâng lễ và dạy kinh bổn cho các em.
3. Đời sống đức tin
Hiện nay, giáo họ có 29 gia đình Công giáo với 123 nhân danh. Trước kia, giáo họ Hộ Vệ sinh hoạt đức tin chung với họ nhà xứ Nam Viên. Kể từ khi có nhà nguyện riêng, hầu hết các sinh hoạt của giáo họ đều diễn ra tại nhà thờ của giáo họ. Mỗi tối, những lời kinh nguyện lại ngân vang trong ngôi nhà thờ nhỏ bé của giáo họ. Hàng tuần hay các dịp lễ trọng, cha quản nhiệm đều đến dâng Thánh lễ cho giáo họ. Ngài cũng động viên và khích lệ bà con giáo dân trong giáo họ kiên trì sống đức tin với sự vui tươi, lòng mến và hy vọng. Nhờ đó, đời sống đức tin của dân họ mỗi ngày thêm vững mạnh.
III. GIÁO HỌ VĂN TRUNG
1. Các thông tin cơ bản
Tên gọi: Giáo họ Văn Trung.
Địa chỉ: Văn Trung, Tân Chi, Tiên Du, Bắc Ninh.
Năm thành lập: Khoảng đầu thế kỷ XX.
Quan thầy: Thánh Gioakim và Anna (26/7).
Giáo dân: Giáo họ có 54 nhân danh (2021). Giáo dân sống tập trung trong xã Tân Chi, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh.
Nhà nguyện: Ngôi nhà nguyện được xây dựng vào năm 2.000 với chiều dài 10m, rộng 5m và được trung tu lại năm 2021.
2. Lịch sử hình thành và phát triển
Giáo họ Văn Trung thuộc giáo xứ Nam Viên, cách Tòa Giám mục Bắc Ninh 12km về hướng Nam. Giáo họ nằm trên địa bàn hành chính thôn Văn Trung, xã Tân Chi, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh.
Giáo họ Văn Trung được hình thành vào khoảng thập niên 30 của thế kỷ trước. Khởi đầu, cha Tân ở Phượng Mao thường đến thôn Văn Trung rửa tội cho gia đình hai anh em ông Vicentê Hà Quang Hành và ông Vicentê Hà Quang Can. Khởi sự từ hai gia đình, số giáo dân trong giáo họ ngày một tăng thêm. Trước năm 1954, giáo họ Văn Trung đã xây dựng được ngôi nhà thờ cột lim, mái tranh, có nhà phòng khang trang, đất đai nhà thờ rộng rãi. Tuy nhiên, đến năm 1954, bà con giáo dân đã di cư vào Nam lập nghiệp. Giáo họ chỉ còn lại gia đình cụ Vicentê Hà Quang Sự (6 người) kiên trì ở lại giữ gìn và sống đức tin, nhà thờ bị phá, toàn bộ đất đai bị trưng thu. Năm 2.000, giáo họ đã mua được mảnh đất gần 200 mét vuông và xây dựng được ngôi nhà lấy chỗ đọc kinh. Đến năm 2021, ngôi nhà đươc tu bổ lại.
3. Đời sống đức tin
Hiện nay, giáo họ Văn Trung có 54 nhân danh. Trước kia, giáo họ Văn Trung tham dự Thánh lễ tại họ nhà xứ Nam Viên. Kể từ khi có nhà nguyện, hầu hết các sinh hoạt của giáo họ đều diễn ra tại nhà nguyện của giáo họ. Bà con giáo dân vẫn đến nhà đến nhà nguyện vào các buổi tối. Và hàng tuần, các cha đến dâng lễ cho giáo họ vào tối thứ Ba và tối thứ Bẩy.
IV. GIÁO HỌ QUẢNG LÃM
1. Các thông tin cơ bản
Tên gọi: Giáo họ Quảng Lãm.
Địa chỉ: Quảng Lãm, Hán Quảng, Quế Võ, Bắc Ninh.
Năm thành lập: Khoảng thập niên 40 của thế kỉ trước.
Quan thầy: Thánh Giuse thợ (01/5).
Giáo dân: Giáo họ có 21 nhân danh (2021) sống rải rác trong thôn Quảng Lãm, xã Hán Quảng, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh. Bà con giáo dân trong giáo họ chủ yếu làm nông ngiệp.
Nhà thờ: chưa có đất để xây dựng nhà thờ.
2. Lịch sử hình thành và phát triển
Giáo họ Quảng Lãm thuộc giáo xứ Nam Viên, nằm ở bên tả ngạn sông Đuống, cách Tòa Giám mục Bắc Ninh 13 km về hướng Nam. Giáo họ nằm trên địa bàn hành chính thôn Quảng Lãm, xã Hán Quảng, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh.
Khoảng năm 1943, sau khi học về đạo Chúa tại giáo xứ Ngăm, cụ Giuse Nguyễn Mạnh Thạch trở về quê quán Quảng Lãm. Với sự hướng dẫn của cha xứ giáo xứ Ngăm, cụ Thạch đã mua được rất nhiều ruộng để lập nghiệp. Với số ruộng này, cụ Thạch mời gọi các gia đình khác cùng nhau cày cấy. Từ đó, Quảng Lãm đã có hơn 40 gia đình với khoảng hơn 100 người cùng nhau sinh sống và gia nhập đạo Chúa. Đến năm 1945, do hoàn cảnh lịch sử, nhiều gia đình ở Quảng Lãm phải di tản đến nơi khác để lập nghiệp. Một số giáo dân ở lại nhưng không còn sống đức tin. Thôn Quảng Lãm chỉ còn Cụ Thạch và các con cháu giữ và sống đức tin cho tới ngày nay.
3. Đời sống đức tin
Hiện tại, Quảng Lãm có 22 nhân danh. Giáo họ vẫn chưa đất để làm nhà nguyện. Vì vậy, các sinh hoạt đức tin của bà con giáo dân nơi đây gặp nhiều khó khăn và vẫn phụ thuộc ở họ nhà xứ Nam Viên. Đời sống đức tin của thế hệ các con cháu của cụ Thạch có phần khô khan. Mỗi khi có cơ hội thì cha quản nhiệm mới có thể đến dâng Thánh lễ cho bà con giáo dân tại nhà ông trùm Đền. Cha quản nhiệm vẫn luôn động viên và khích lệ bà con giáo dân Quảng Lãm kiên trì giữ vững và sống đức tin. Không những vậy, các vị ban hành giáo ở họ nhà xứ Nam Viên, Văn Trung cùng với nhóm Loan báo Tin mừng thỉnh thoảng đến đọc kinh cùng với dân họ vào các dịp đặc biệt.
Biên soạn: Ban TTGP Bắc Ninh