THÔNG TIN CHI TIẾT
Nguyệt Đức là một giáo xứ mới được thành lập ngày 13 tháng 9 năm 2009. Giáo xứ có địa giới hành chính trải dài từ phía Tây thành phố Bắc Ninh tới một số xã phía Đông của huyện Yên Phong, dọc theo sông Cầu. Hiện nay, giáo xứ có tổng số 1340 nhân danh với 3 giáo họ trực thuộc là Nguyệt Đức, Đông Tảo và Hữu Chấp.
I. GIÁO HỌ NHÀ XỨ NGUYỆT ĐỨC
1. Các thông tin cơ bản
Địa chỉ: Khu Vạn Phúc, phường Vạn An, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh.
Năm thành lập: Khoảng cuối thế kỉ XIX
Quan thầy: Thánh Phêrô (29/06)
Cha xứ đương nhiệm: cha quản xứ Đaminh Nguyễn Xuân Trường
Dòng tu, tu hội, hội đoàn đang hiện diện và hoạt động: Huynh đoàn giáo dân Đaminh, hội Trưởng gia đình, hội Mân Côi, Caritas – Bác ái xã hội, phong trào Thiếu Nhi Thánh Thể.
Giáo dân: Giáo họ có 1.270 nhân danh (2021) trong đó khoảng 50 gia đình có nhà trên đất liền, còn lại các gia đình vẫn phải sống lênh đênh trên thuyền. Giáo dân Nguyệt Đức chủ yếu sống bằng các nghề đánh cá và vận tải đường thủy. Nhìn chung, đời sống kinh tế của giáo dân nơi đây còn khó khăn.
Nhà thờ: Nhà thờ được khởi công xây dựng năm 1926 và được hoàn thiện năm 1931. Sau nhiều lần trùng tu, nhà thờ khang trang như hiện nay. Nhà thờ rộng 7m, dài 20m, mái cao 5,7m, tháp chuông cao 23,5m với 1 quả chuông bằng đồng nặng chừng 70kg. Tổng diện tích đất nhà thờ rộng 1.058m2.
2. Lịch sử hình thành và phát triển
Giáo họ Nguyệt Đức nằm bên hữu ngạn sông Cầu thơ mộng, cách Tòa Giám mục Bắc Ninh 5km về hướng Tây. Giáo họ nằm trên địa bàn hành chính khu Vạn Phúc, phường Vạn An, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh. Tuy nhiên, đa phần bà con giáo dân vẫn còn ở trên thuyền và cư trú theo địa chỉ thôn Nguyệt Đức, xã Vân Hà, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang.
Khoảng năm 1861, vua Tự Đức ra sắc dụ phân sáp người Công giáo vào các làng lương dân. Một số gia đình Công giáo từ Trà Lũ, Nội Hoàng (thuộc tỉnh Nam Định) di cư tới Cống Trúc lập nghiệp. Người dân sinh sống bằng nghề chở đò ngang và đánh bắt cá. Để giữ đạo cho gia đình và con cháu nên họ đã qui tụ nhau lại, cùng nhau đọc kinh, cầu nguyện và xây dựng ngôi nhà nguyện tại bến Gầm Hạ (thuộc xã Dũng Liệt, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh). Từ đó, giáo họ Nguyệt Đức được hình thành. Sau một thời gian, ngôi nhà nguyện của giáo họ bị sập nên các cụ quyết định mua ngôi nhà tranh ở làng Thổ Hà, giáp với làng Vân để làm nhà nguyện. Tuy nhiên, một thời gian ngắn, nhà nguyện này bị đổ. Để có chỗ đọc kinh, dân họ đã góp tiền mua một ngôi nhà ngói, 4 gian gỗ lim tại ngõ gốc Thị, Thổ Hà để làm nhà nguyện. Trong một lần cha già Phêrô Nguyễn Minh Tuấn về dâng lễ Quan thầy cho giáo họ, vì thấy nhà nguyện và đất đai quá chật hẹp nên cha Phêrô Tuấn đã bàn với dân họ mua mảnh đất rộng hơn để xây dựng nhà thờ mới. Sau một thời gian tìm kiếm, cha và dân họ đã quyết định mua 3 cái ao tại thôn Yên Ninh, Vạn Phúc, Vạn An, Bắc Ninh (tức là mảnh đất có nhà thờ hiện nay). Nhờ ơn Chúa và sự cố gắng của dân họ, nhà thờ được khởi công xây dựng năm 1926 và được hoàn thiện năm 1931. Tuy nhiên, vào thời tiêu thổ kháng chiến nhà thờ bị dỡ bỏ mái năm 1946. Đến năm 1972, nhà thờ được trùng tu lại. Năm 2006, nhân dịp mừng nhà thờ 75 năm tuổi, giáo dân tiếp tục trùng tu nhà thờ lần 2, lợp lại mái ngói và sửa lại tháp chuông như hiện nay.
Trước đó vào năm 1954, phần lớn (khoảng 80%) giáo dân Nguyệt Đức di cư vào Nam lập nghiệp ở: Thọ Lâm, Định Quán, La Ngà (thuộc giáo phận Xuân Lộc) và Gò Công (quanh khu vực nhà thờ Thánh Cẩm , thuộc tổng giáo phận Sài Gòn). Một số ít giáo dân kiên trì ở lại giữ đức tin và bảo vệ nhà thờ. Năm 1955, Đức cha Đaminh Hoàng Văn Đoàn về dâng lễ Quan thầy cho giáo họ và ban bí tích Thêm sức. Đức cha quyết định chuyển giáo họ Nguyệt Đức trực thuộc giáo xứ Chính Tòa (trước đây Nguyệt Đức thuộc giáo xứ Đạo Ngạn). Năm 2007, Đức Tổng Giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt về dâng lễ Quan thầy cho giáo họ. Cũng trong năm đó, Đức tổng giám quản Giuse quyết định nâng giáo họ Nguyệt Đức lên giáo xứ và đặt cha Giuse Nguyễn Đức Hiểủ làm quản nhiệm. Kế đến, từ năm 2011 – 2017, cha Phanxicô Xaviê Bùi Quang Thuận là cha quản nhiệm. Sau đó, cha Đaminh Nguyễn Xuân Trường quản nhiệm giáo họ Nguyệt Đức từ năm 2018 đến nay. Dưới sự coi sóc của quý cha quản nhiệm, đời sống đức tin của giáo họ Nguyệt Đức ngày càng vững mạnh.
3. Đời sống đức tin
Trước đây, đa số giáo dân trong giáo họ sinh sống trên thuyền. Hiện nay, giáo họ có khoảng 50 gia đình định cư trên bờ. Vì giáo dân chủ yếu sinh sống trên sông nước, con thuyền vừa là nhà vừa là phương tiện sinh sống nên việc đọc kinh cầu nguyện chủ yếu được thực hiện trong các gia đình. Mỗi con thuyền trở thành một ngôi nhà nguyện di động. Những năm gần đây, đời sống kinh tế của bà con giáo dân gặp nhiều khó khăn. Một số không nhỏ phải đi đến những nơi xa không thuộc lưu vực sông Cầu để làm ăn. Nghề chủ yếu vẫn là khai thác cát. Những chuyến đi xa theo công trình khiến cho nhiều gia đình ít có dịp ở quê hương nên đời sống đạo phần nào bị khô khan, nhất là việc tham dự Thánh lễ, học giáo lý và lãnh nhận các bí tích. Việc sinh hoạt các hội đoàn cũng như những đóng góp xây dựng cộng đoàn bị hạn chế, đồng thời việc giáo dục toàn diện cho thế hệ trẻ cũng gặp nhiều khó khăn. Các bậc cha mẹ thường phải làm ăn xa nên ít có thời gian quan tâm tới việc học hành và giáo dục con cái, nhất là đời sống đức tin. Vì sống chủ yếu dựa vào sông nước, mỗi năm giáo dân Nguyệt Đức chỉ có thể tập chung đông đủ về nhà thờ vào 2 dịp đó là dịp tết âm lịch và lễ bổn mạng thánh Phêrô (29/6).
Đứng trước hoàn cảnh đó, giáo họ đã đưa ra định hướng sống cho mỗi người giáo dân nhằm phát triển đời sống đức tin của giáo họ. Thứ nhất là mạnh dạn thay đổi nếp nghĩ và lối sống để có thể định cư trên đất liền và quan tâm hơn đến việc hướng nghiệp cho con cháu. Thứ hai là làm gương sáng và động viên thế hệ trẻ sống đạo đức, hăng say lao động và thực hành tiết kiệm trong chi tiêu và mua sắm. Thứ ba là tạo mọi điều kiện cho thế hệ trẻ được đi học văn hóa và học giáo lý để các em can đảm chọn lựa một lối sống lành mạnh, phù hợp hơn với lối sống Tin Mừng mà Chúa Giêsu đã thực hành và loan báo.
II. GIÁO HỌ HỮU CHẤP
1. Các thông tin cơ bản
Địa chỉ: Hữu Chấp, Hòa Long, Tp. Bắc Ninh, Bắc Ninh.
Năm thành lập: 2009
Quan thầy: Thánh Giuse (19/3)
Giáo dân: Giáo họ có 39 nhân danh (2021) sống tập trung trong thôn Hữu Chấp, xã Hòa Long, tp. Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh. Giáo dân trong giáo họ chủ yếu làm nông nghiệp. Ngoài ra, một số ít giáo dân tham gia vào các ngành công nghiệp, thương mại – dịch vụ. Nhìn chung, đời sống kinh tế của giáo dân nơi đây tương đối khá giả.
Nhà nguyện: Năm 2015, giáo họ tu sửa ngôi nhà của con trai cụ Mỹ để làm nhà nguyện. Tổng diện tích nhà nguyện rộn khoảng 70m2.
2. Lịch sử hình thành và phát triển
Giáo họ Hữu Chấp nằm trên địa bàn hành chính thôn Hữu Chấp, xã Hòa Long, tp. Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh. Giáo họ nằm sát bên dòng sông Cầu, bên cạnh làng Diềm là nơi phát sinh ra những làn điệu Quan họ, kế bên làng phong Quả Cảm và cách TGM Bắc Ninh 6km về hướng Tây Bắc.
Giáo họ Hữu Chấp được hình thành từ một gia đình Công giáo, là gia đình bà Anna Nguyễn Thị Mỹ. Trước đây, thôn Hữu Chấp chưa biết đến Đạo Chúa. Bà Anna Mỹ là người Công giáo, quê gốc ở họ Xuân Dục. Sau đó, bà theo cha mẹ về sống tại Sen Hồ. Khi đến tuổi kết hôn, cô thôn nữ xinh đẹp, hiền lành đã kết duyên cùng một chàng trai ngoại đạo ở thôn Hữu Chấp. Từ đó, hạt giống Tin Mừng được gieo vào mảnh đất Hữu Chấp. Nơi đây trở thành mảnh đất tốt để hạt giống Tin Mừng nảy mầm và trổ sinh hoa trái.
Trải qua nhiều khó khăn và thử thách, bà Mỹ vẫn hết mực trung kiên giữ vững đức tin. Dù không thể đến nhà thờ nhưng bà ở nhà đọc kinh, cầu nguyện. Bà còn dạy kinh cho các con cháu. Chồng của bà Mỹ là một người chăm chỉ, hiền lành, kiệm lời và hết lòng thương yêu vợ con. Trước khi kết hôn với bà Mỹ, ông cũng đã học hiểu nhiều về Đạo Chúa nên ông không những không ngăn cản mà còn khuyến khích vợ con đọc kinh, cầu nguyện. Ông ý thức được rằng mình cũng là người có đạo nên cần đọc kinh, cầu nguyện.
Bà Mỹ có 6 người con, trong đó 2 người con gái lấy chồng ở Lạng Sơn. Còn lại 4 người con xây dựng gia đình và làm nhà ở thôn Hữu Chấp. Gia đình bà Mỹ tụ họp lại với nhau hình thành nên giáo họ Hữu Chấp.
3. Đời sống đức tin
Hiện nay, Hữu Chấp có chừng 39 nhân danh (đa phần là con cháu của bà Mỹ). Bà con giáo dân ở đây chủ yếu làm nông nghiệp. Một số người buôn bán và làm nghề phụ để kiếm thêm thu nhập. Hàng tháng, cha quản nhiệm đến giáo họ dâng Thánh lễ. Ngài động viên bà con giáo dân nơi đây tích cực cầu nguyện và cố gắng giữ vững đức tin. Nhờ sự quan tâm và coi sóc của các cha quản nhiệm, giáo họ Hữu Chấp đang từng ngày phát triển về đời sống đức tin. Hạt giống Tin Mừng nơi đây hứa hẹn sẽ trổ sinh nhiều hoa trái.
III. GIÁO HỌ ĐÔNG TẢO
1. Các thông tin cơ bản
Địa chỉ: Đông Tảo, Thụy Hòa, Yên Phong, Bắc Ninh.
Năm thành lập: khoảng thập niên 30 của thế kỉ trước
Quan thầy: Thánh Antôn Padôva (13/06)
Giáo dân: Giáo họ có 30 nhân danh (2021) sống rải rác trong hai xã Thị Hòa và Yên Trung của huyện Yên Phong. Bà con giáo dân chủ yếu làm nông nghiệp. Ngoài ra, một số giáo dân làm việc trong các nhà máy, xí nghiệp và tham gia vào ngành thương mại – dịch vụ.
Nhà thờ: Chưa có
2. Lịch sử hình thành và phát triển
Giáo họ Đông Tảo thuộc giáo xứ Nguyệt Đức, nằm trên địa bàn hành chính thôn Đông Tảo, xã Thụy Hòa, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh. Giáo họ nằm gần bên bờ sông Cầu và cách Tòa Giám mục Bắc Ninh 7km về hướng Tây.
Người dân Đông Tảo không rõ hạt giống đức tin được reo vào mảnh đất này từ khi nào và ai là người đón nhận (có thể cùng thời giàn với Ngô Khê). Trước năm 1954, Đông Tảo là một họ đạo khá phát triển với hàng trăm nhân danh. Sau năm 1954, vì hoàn cảnh thời cuộc mà giáo dân nơi đây bị cô lập và ảnh hưởng bởi não trạng vô thần. Vì thế, nhiều giáo dân ở Đông Tảo “sợ” mà “quên” đạo Chúa và đời sống đức tin bị mai một. Chỉ còn một số ít giáo dân âm thầm giữ đạo. Ngôi nhà thờ khang trang của giáo họ bị phá hủy trong thời tiêu thổ kháng chiến. Năm 1978, tháp nhà thờ bị phá đổ hoàn toàn nhằm xóa bỏ mọi dấu tích của đạo Chúa trên mảnh đất này. Khuôn viên đất nhà thờ cũng bị các hộ dân chiếm dụng và xây dựng nhà ở. Đến nay, nhà thờ vẫn chưa được phục dựng.
Tuy nhiên, việc Thiên Chúa làm khác xa với tính toán của con người. Đến năm 2006, một số gia đình trở lại Đạo Chúa và giáo họ Đông Tảo được phục hồi. Dù gặp nhiều gian nan, bách hại và có một thời gian dài bị lãng quên, nhưng hiện nay, cây mầm đức tin ở Đông Tảo đang vươn lên đâm cành trổ lá và sinh hoa kết trái. Hàng tháng, cha quản nhiệm đến dâng lễ cho bà con giáo dân Đông Tảo tại gia đình ông Giuse Nguyễn Hữu Quế và bà Rosa Nguyễn Thị Nga. Đây là một gia đình Công Giáo đặc biệt. Bà Nga là bổn đạo gốc nhưng vì thời cuộc, bà đã kết hôn với ông Quế là lương dân mà không có phép đạo. Sau này, khi bà Nga trở lại đạo thì cả chồng và con cái của bà cũng đều xin theo đạo và được Đức Cha rửa tội. Từ đó, gia đình ông Quế bà Nga trở thành trụ cột trong quá trình phục hồi và phát triển giáo họ Đông Tảo.
3. Đời sống đức tin
Hiện nay, Đông Tảo có 30 nhân danh sống rải rác trong hai xã Thị Hòa và Yên Trung, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh. Hàng tháng, cha quản nhiệm đến dâng Thánh lễ và động viên bà con giáo dân nơi đây tích cực cầu nguyện, cố gắng giữ vững và phát triển đời sống đức tin. Nhờ sự quan tâm và coi sóc của các cha quản nhiệm, nhiều giáo dân hồi tâm sám hối và trở về với Chúa. Đời sống đức tin nơi đây đang dần được hồi sinh và phát triển.
Biên soạn: Ban TTGP Bắc Ninh