Hôm nay, trong bầu khí se lạnh của tiết thời mùa đông Miền Bắc, đông đảo ông bà anh chị em quy tụ bên nhau, trong Chúa, nơi nhà thờ thân thương của giáo họ Nỷ, để cử hành thánh lễ, cầu nguyện cho hai cháu sẽ được Rửa Tội là (Gio-an) Nguyễn Vũ Hoàng Anh và (Anna) Nguyễn Vũ Hoài An, các con của anh chị: Gio-an Nguyễn Anh Đức và Anna vũ Thị Diệu Hương thuộc giáo họ Nỷ; và cầu nguyện, tạ ơn với 4 gia đình kỷ niệm Hồng Ân Hôn Phối: Ông Gioan Nguyễn Văn Sơn & bà Margarita Maria Nguyễn Thị Hậu, kỷ Niệm 40 năm Hôn Phối; Ông Giu-se Dương Hữu Tiến & bà Maria Nguyễn Thị Tú Uyên, Kỷ Niệm 35 năm Hôn Phối; Ông Giu-se Nguyễn Thế Thanh & bà Maria Nguyễn Thị Lý, kỷ niệm 25 năm Hôn Phối; và gia đình Ông Gio-an Nguyễn Văn Điệp & bà Anna Nguyễn Thị Tuyết Kỷ, niệm 25 năm Hôn Phối.
Đức Kitô đã nâng hôn nhân lên hàng bí tích và như thế, hôn nhân gia đình là dấu chỉ tình của Ngài và Hội Thánh. Đức Kitô không chỉ yêu thương Hội Thánh một lần là đủ, mà còn yêu thương mãi và yêu thương cho đến hy sinh thân mình. Như thế, kỷ niệm ngày hôn phối chính là việc làm mới lại lời “đồng ý” và lời “cam kết” giữa hai người đã thề hứa với Thiên Chúa khi trước. Nhờ sức mạnh của ân sủng bí tích, gia đình sẽ lớn lên trong tình yêu của Thiên Chúa giống gia đình Nagiarét: bố Giu-se, mẹ Maria và con là Giê-su.
Năm 1996, 1986 và 1981 cách nay đúng 25, 36 và 40 năm : “Tạ ơn Chúa đã cho con lấy ông đây làm vợ.” (hic)… ah lấy ông đây làm chồng. Và hôm nay kỉ niệm ngày ấy. 25, 35 hay thậm chí 40 năm – khoảng thời gian vừa dài, vừa không đủ dài lắm để có thể quên đi những nồng ấm buổi ban đầu của cuộc sống lứa đôi. Nhưng thời gian đã làm bạc đi màu hồng của ngày cưới. – khoảng thời gian không quá ngắn để cảm nhận những khác biệt, nhiều khi đối chọi, giữa hai người để phải chiến đấu, suy tư nên tóc bạc đi mỗi ngày. Khoảng thời gian đó không phải là những mùa xuân bất tận mà còn có những mùa hạ oi nồng, mùa thu ảm đạm và mùa đông giá băng, nên ngày tháng nhiều khi nhạt nhòa, bàng bạc, phải phấn đấu để vượt qua.
Các gia đình tạ ơn Chúa trong ngày kỉ niệm hôn phối
Con đường mà gia đình đã bước đi, đương nhiên đầy sỏi đá. Các ông bà đã đi trên bùn đất nhầy nhụa của cuộc đời, và loạng choạng trên những trơn trượt của cuộc sống, của con cái cháu chắt, của cơm áo gạo tiền, và đọng lại sau tất cả là một sự ngạc nhiên lớn. Nhìn lại vẫn thấy được tình yêu của nhau và tình Chúa vẫn đong đầy nơi vợ nơi chồng, nơi con cái, nơi ánh mắt, nụ cười, nơi tấm lòng của mỗi thành viên trong gia đình.
Tình chỉ đẹp khi còn dang dở
Đời hết vui khi đã vẹn câu thề.
Phải chăng Hôn nhân-Bí tích Hôn Phối chỉ là một trói buộc tàn nhẫn làm mất đi cái tươi đẹp, hạnh phúc và tự do của con người ? Không, Hôn nhân của “gia đình” đã 25, 35, 40 năm “vẹn câu thề” rồi mà, hôm nay vẫn tươi vui, vẫn đẹp đẽ, vẫn thắm nồng.
Qua cuộc đời thầm lặng hy sinh của gia đình Kitô hữu, qua cuộc sống trung tín thủy chung của vợ chồng, qua lòng nhiệt thành quảng đại xây dựng Hội thánh, qua lời chứng sống động về việc thực thi Lời Chúa và sống trọn vẹn Bí tích hôn Phối… gia đình ông bà xứng đáng được Chúa thưởng công ngay ở đời này, được muôn thế hệ con cháu yêu thương, kính trọng.
Sau 40 năm chung sống, hai ông bà vẫn còn giữ được nụ cười tỏa nắng thủa ban đầu
Và qua lời chứng sống động của cuộc sống vợ chồng, chúng ta một lần nữa xác tín rằng : Bí tích Hôn Phối do Đức Kitô thiết lập là một phương thế tối hảo để thăng tiến và bảo vệ hạnh phúc lứa đôi ; ân sủng của Bí Tích Hôn Nhân đã theo suốt cuộc đời truân chuyên khổ ải của biết bao đôi vợ chồng kitô hữu sinh hoa kết trái dồi dào, phong phú. Quả thật, nếu không có ơn Chúa qua bí tích hôn nhân thì làm sao có thể sống bên nhau, giữ gìn nhau, vui buồn với nhau trong suốt thời gian qua, sinh hạ và nuôi dưỡng giáo dục con cái, chăm lo cho từng đứa một.
Con cái là hồng ân Chúa ban cho gia đình.
Cảm ơn Chúa vì hồng ân Hôn Phối. Gia đình biết ơn nhau, vợ cảm ơn chồng, chồng cảm ơn vợ, cha mẹ cảm ơn con cháu, con cháu biết ơn cha mẹ, ông bà. Thật là đẹp – Tình Gia Đình, Tình phu thê, tình mẫu tử. Trong gia đình, có hạnh phúc và có vết thương… không thể tránh được.
Con cháu sum vầy chúc mừng ông bà trong ngày kỉ niệm hôn phối
“Các vết thương có thể do gia đình gây ra, nhưng cũng chính gia đình lại có thể là suối nguồn an ủi và chữa lành”.
Bernard Lonergan nói: “Ngày nay sứ mệnh cứu độ của Đức Giêsu cần phải được biểu lộ trong một Hội Thánh gồm những môn đệ đích thực biết xả thân vì tình yêu. Vì một cộng đoàn như thế mới có thể giữ cho con người khỏi bị tha hóa, cô đơn, và bị thương tổn thêm nữa. Cần phải có một tình yêu biết quên mình và hy sinh.”
Tiến trình chữa lành nếu có, theo Joseph Kelly, mỗi người cần:
1/ Gắn bó khắng khít với Đức Giêsu, vị Lương Y chủ đạo. Chúng ta phải khiêm tốn. Chúng ta đâu có thể chữa trị duy bằng nỗ lực của riêng chúng ta, dù là bằng những kỹ năng tư vấn tâm lý đi nữa. Chúng ta tất cả đều phải chạy đến với Chúa Giêsu.
2/ Nhận thức được những vết thương của chính mình. Trực diện với vết thương của chính mình sẽ khiến chúng ta biết cảm thương và thông cảm với những ai đang bị thương tổn.
3/ Đừng sợ hãi bóng tối khi chữa trị vết thương, bệnh tật. Các vết thương và bệnh tật chẳng bao giờ sạch sẽ cả. Chúng có thể đầm đìa máu mủ, tan nát, trông ghê sợ. Chúng ta cần phải sẵn sàng đi vào thế giới đầy bóng tối đó.
4/ Phải chấp nhận Hội Thánh là một bệnh viện dã chiến. Chúng ta phải sẵn sàng đáp ứng trong những trường hợp khẩn cấp. Chúng ta phải mau lẹ có những giải pháp đầy sáng tạo. Chúng ta phải khéo léo và uyển chuyển.
5/ Phải truyền cho cả bệnh viện niềm hy vọng. Chúng ta không thể nào là lương y nếu chúng ta mang bộ mặt tuyệt vọng. Tôi chẳng biết làm thế nào để cho những người có bộ mặt ủ rũ như khi đi đưa tang lại có thể vực dậy niềm tin tưởng và chữa lành. Vậy xin hãy tươi tỉnh lên.
6/ Thường khi chữa trị, hay đúng hơn, phụ giúp Chúa Giêsu chữa trị cho ai, chúng ta bắt buộc cần phải yên lặng, kín tiếng. Không một lời nói, không một giải pháp nào cả. Chúng ta chỉ cống hiến một sự hiện diện đầy yêu thương. Sự khôn ngoan phân định là cần thiết.
(trích từ:
Chúc mừng các ông bà và đại gia đình của ông bà kỷ niệm thành hôn hôm nay. 25, 35, hay 40 năm làm Một Dòng Sông Tình Yêu. Dòng sông vẫn chảy, và sẽ đong đầy nhiều điều thú vị. Cần phải có một tình yêu biết quên mình và hy sinh. Cần giữ lời cam kết, hứa yêu nhau, lúc thuận lợi cũng như lúc gian nan, khi mạnh khỏe cũng như lúc đau yếu, để yêu thương và tôn trọng nhau MỖI NGÀY, và SUỐT ĐỜI nhau.
Linh Nguyễn – Giáo xứ Nỉ