GP.Bắc Ninh - Nét đẹp “Làng Công giáo”

Đức GiêSu Đã, Đang Và Mãi Mãi Yêu Chúng Ta Cho Đến Cùng

"Tình yêu Đức Kitô thúc bách chúng ta"

GP.Bắc Ninh - Nét đẹp “Làng Công giáo”

GP.Bắc Ninh - Nét đẹp “Làng Công giáo”

Nền văn hoá của một dân tộc được ví như những tấm vải muôn màu mà những sợi dọc là những cốt lõi văn hoá của chính dân tộc đó, trong khi những sợi ngang là những đón nhận qua nhiều thế hệ. Trong những sợi màu sắc tươi đẹp đó, Công giáo là một trong những tôn giáo đã dệt nên những sợi ngang muôn màu cho văn hoá Việt Nam, là một yếu tố mới làm giàu cho văn hoá Việt Nam ngàn năm truyền thống.

Tôi được sinh ra tại một ngôi làng Công giáo, được lớn lên cùng với tiếng chuông và những lời kinh, như câu hát quen thuộc của cố nhạc sĩ Văn Cao: “Làng tôi xanh bóng tre, từng tiếng chuông ban chiều, tiếng chuông nhà thờ ngân…”. Rồi tầm mắt của tôi được mở rộng khi tôi từ biệt lũy tre làng mình để đến với lũy tre của một số làng Công giáo khác của Việt Nam. Quả vậy, ở các làng Công giáo đều có tổ chức làng và nếp sinh hoạt rất đặc trưng so với các ngôi làng không Công giáo mà tôi đã từng đi qua.

Nét đặc trưng đầu tiên cần nhắc đến đó là việc tổ chức làng Công giáo. Theo đó, văn hóa làng xã đã tồn tại một cách có hệ thống qua nhiều thế kỉ tại Việt Nam, nếp văn hóa ấy đã ăn sâu vào suy nghĩ và lối sống của người Việt tạo thành một tổ chức xã hội rất đặc trưng. Vì vậy, kể từ khi đạo Công giáo được loan báo trên đất Việt (1533), các thừa sai đã mau mắn mời gọi các tín hữu nhiệt thành cộng tác trong việc xây dựng họ đạo, bằng cách bầu ra ban hành giáo gồm các ông trùm, bà quản, tư mệnh,…nhằm giúp Cha xứ điều hành và xây dựng họ đạo.

Các chức danh được bầu nhờ sự tín nhiệm của dân làng giống như các chức sắc trong các ngôi làng không Công giáo. Tuy nhiên, họ lại mang những công việc rất đặc thù, theo đó các ông trùm được giao nhiệm vụ xây dựng, chăm nom nhà thờ, các bà quản có nhiệm vụ dạy kinh cho trẻ nhỏ, quét dọn, trang trí nhà thờ,…ông tư mệnh lo việc phần hồn cho kẻ liệt hay người đã qua đời. Đồng thời, “với đặc tính của người nông dân Việt Nam rất thích lập phường, hội, các vị thừa sai đã tập họp giáo dân theo lứa tuổi và khả năng vào các hội đoàn như các chị phụ nữ vào Hội Rosario – Mân Côi, các bà vào Dòng Ba, các thanh niên nam nữ vào ca đoàn, đoàn trống trắc, Đoàn Nghĩa Binh Thánh Thể…” Ngày nay, các hội đoàn tại các xứ họ ngày càng trở nên đa dạng và quy củ hơn, giúp cho mọi thành phần trong họ đạo đều được tham gia vào đời sống tôn giáo chung của làng mình và làm tăng thêm tình gắn bó làng xóm.

Bên cạnh đó, việc tổ chức làng Công giáo cũng gắn với nhiều quy tắc, lệ làng, như quy định về việc lấy vợ lấy chồng ngoại đạo, quy định về việc nhập tịch vào làng,… Những thiết chế này là sự tiếp nối của bản “hương ước” của các làng xã Việt Nam, góp phần duy trì sự gắn kết hài hòa giữa các tín hữu trong đời sống đức tin và văn hóa của làng.

Chính nhờ việc tổ chức và xây dựng họ đạo rất hệ thống và quy củ nên các sinh hoạt trong làng Công giáo cũng diễn ra rất sôi động. Nếu như tại các làng lương dân, việc sinh hoạt tín ngưỡng mang nặng tính mùa vụ, tự trị và phụ thuộc vào thiên nhiên, thì đối với người Công giáo nếp sinh hoạt tôn giáo lại gắn với việc cử hành phụng vụ chung của cả Giáo Hội hoàn cầu. Nếp sinh hoạt đó được khởi đi từ mùa Vọng, đến Mùa Giáng sinh, Mùa Chay, Phục Sinh, Thường niên với những ngày lễ được ấn định chung trong lịch phụng vụ của giáo hội; hay qua các tháng được ấn định trong năm như tháng năm kính Đức Mẹ, kính Trái Tim Chúa, tháng 11 cầu cho các linh hồn đã qua đời,…Các sinh hoạt Công giáo đã dần dần trở thành nếp sống của người Công Giáo Việt Nam:

“Tháng Giêng ăn Tết ở nhà

Tháng hai ngắm đứng, tháng ba ra mùa

Tháng tư tập trống, rước hoa

Dựng đèn làm tạm, chầu giờ tháng năm…”

Trong đời sống sinh hoạt đức tin, bên cạnh việc cử hành phụng vụ của Giáo Hội, các tín hữu Việt Nam còn có rất nhiều hình thức đạo đức để biểu lộ niềm tin, lòng yêu mến của mình với Chúa, Đức Mẹ và các Thánh. Có thể kể đến ngắm các sự thương khó Chúa vào mùa Chay, dâng hoa kính Đức Mẹ vào tháng năm, Dâng hoa kính trái tim vào tháng sáu,… Đặc biệt, trong các sinh hoạt đạo đức này luôn được diễn tả rất sinh động bằng màu sắc truyền thống của người Việt, như qua cung điệu, âm giọng, trang phục,…nhờ đó truyền tải mầu nhiệm đức tin bằng chính nét văn hóa bản địa đặc trưng và giàu bản sắc dân tộc.

Trải qua hơn 500 năm, kể từ khi đạo Công giáo được đón nhận tại Việt Nam, những ngôi làng Công giáo cũng đã được hình thành và lớn mạnh cùng với sự phát triển của đất nước. Quả vậy, khi hạt giống đức tin được gieo vãi trên đất Việt, hạt giống ấy đã không trở nên trơ trọi một mình nhưng đã lớn mạnh nhờ có sự thích nghi, đón nhận cách chọn lọc những nét văn hóa tốt đẹp. Nhờ đó, những làng Công giáo vừa khoác trên mình vẻ đẹp của đức tin, đồng thời cũng khoác trên mình nét đẹp văn hóa của hơn 4000 năm lịch sử. Cả hai tạo nên một tấm áo “văn hóa Công giáo Việt Nam” hài hòa và sinh động. Điều đó, không chỉ giúp cho người tín hữu Việt Nam “sống phúc âm giữa lòng dân tộc” mà còn góp phần bảo tồn và làm phong phú thêm nét đẹp văn hóa của cha ông.

Ngày nay, cùng với sự phát triển của xã hội, văn hóa làng xã đã có phần mờ nhạt và những ngôi làng Công giáo cũng không nằm ngoài quy luật đó. Tuy nhiên, ở giữa những làng quê xứ đạo, hay giữa nơi phố thị, tiếng chuông nhà thờ vẫn tiếp tục vọng ngân và nếp sống đạo với những nét đẹp truyền thống đặc trưng vẫn ngày ngày được duy trì và phát triển. Tiếng chuông ngân cho các cụ, các bà, các ông chăm chỉ đi thờ. Chuông ngân lên báo hiệu những Thánh lễ trang nghiêm cho giới trẻ. Tiếng chuông ngân cho các em chăm ngoan học hành, giáo lý thông suốt, bền vững đời đời…

Cho đến nay đạo Công giáo của chúng ta đã có được một nền móng tương đối vững chắc nhờ từng bước hội nhập vào trong văn hoá Việt Nam. Và chúng ta, những người con sinh ra từ làng, có trách nhiệm làm giàu thêm nét đẹp văn hóa Công giáo trên chính quê hương thân yêu của mình, để góp phần gìn giữ nét đẹp ấy đến muôn đời sau.

Giuse Bảo Duy

Xem thêm tại: “Giáo phận Bắc Ninh 1993”_  Đinh Đồng Phương

Tính tự trị của Làng xã Việt Nam qua hương ước_ Vũ Duy Mền

Nét tương đồng giữa văn hòa Công giáo và văn hóa Việt Nam; Huy Thông, in trong tập Tọa đàm một số vấn đề văn hóa Công giáo Việt Nam… Tòa TGM Huế, 2000.

Thư chung HĐGM Việt Nam 2010

Tag: