Máu các vị tử đạo là hạt giống sinh ra các Kitô hữu. Những hạt giống ấy đã phát triển trên khắp đất nước Việt Nam nói chung, giáo phận Bắc Ninh nói riêng. Thánh Phêrô Nguyễn Văn Tự, chứng nhân đã tử đạo trong thời kỳ vua Minh Mạng từ năm 1820 đến năm 1840 đã sinh ra biết bao nhiêu tín hữu, trong số đó phải kể đến các tín hữu giáo xứ Trung Lai, nơi đang lưu giữ linh cốt của Ngài. Cũng nhờ đó, nơi đây được nâng lên đền thánh Phêrô Tự Trung Lai.
Thánh Phêrô Nguyễn Văn Tự, sinh năm 1796 tại Ninh Cường, huyện Nam Chân, phủ Thiên Trường, nay thuộc xã Trực Phú, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định. Được sinh ra trong một gia đình đạo đức, cậu bé Tự đã muốn đi tu dâng mình cho Chúa ngay từ nhỏ. Cậu rất siêng năng, cần mẫn trong việc tu học, vì thế các cha rất yêu thương và tín nhiệm cậu.
Sau nhiều năm tu học, năm 1826, thầy Phêrô Tự được thụ phong linh mục. Sau đó cha Phêrô Tự xin vào dòng Đaminh và được khấn ngày 04/01/1827. Cha Phêrô Tự là một linh mục gương mẫu và là nhà truyền giáo nhiệt thành, hết lòng phục vụ anh chị em giáo hữu. Cha luôn tận tuỵ với công việc, không quản ngại khó khăn, luôn đối xử hoà nhã và rất mực yêu thương mọi người.
Ðầu năm 1838, Bề trên cử cha quản xứ Đức Trai còn gọi là Kẻ Mốt. Lúc này, cuộc bách hại của vua Minh Mạng khá gay cấn, nên cha phải thi hành tác vụ của mình cách lén lút. Sau nhiều lần truy tìm, quan quân đã bắt cha và thày giảng Đaminh Uý, dòng ba Đaminh, một trợ tá đắc lực của ngài.
Tại nhà giam huyện Lương Tài, cha đã nhai và nuốt quyển sổ ghi tên giáo dân, để khỏi ai bị bắt giam và tra tấn. Cha không hề sợ hãi trước những đau khổ, tù ngục, trái lại, khi có cơ hội, cha đã giải thích cho các quan hiểu hơn về Đạo Công Giáo. Ngài gọi Chúa là Thượng Phụ, vua là trung phụ, cha là hạ phụ nên không thể vì cha mà phản bội vua, cũng không thể vì vua mà phản bội Chúa. Giữa trăm bề thử thách, ngài vẫn trung kiên và trở thành điểm các tín hữu.
Trên đường ra pháp trường, cha vui mừng cầm thánh giá trên tay, không ngừng đọc kinh cầu nguyện. Cha lãnh phúc tử đạo tại pháp trường Cổ Mễ, Bắc Ninh vào ngày 5/9/1938, ở tuổi 43. Cha đã theo gương Đức Giêsu hy sinh mạng sống mình, như hạt lúa mì được gieo xuống đất, phải mục nát đi mới sinh nhiều hoa trái.
Ngày 27/5/1900, Đức Giáo Hoàng Lê-ô XIII đã tôn phong cha Phêrô Nguyễn Văn Tự lên bậc Chân Phước. Ngày 19/6/1988, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tôn phong ngài lên bậc Hiển Thánh.
Hiện nay, linh cốt cha Thánh Tự đang được đặt tại nhà thờ giáo xứ Trung Lai.
Trung Lai trở thành vùng đất hồng phúc vì có cha Thánh Phêrô Tự. Ngài vẫn luôn cầu bầu cùng Chúa cho tất cả mọi người thành tâm thiện chí dù lương hay giáo. Quả thật, đã có nhiều người cả lương lẫn giáo đến cầu khấn, và được Chúa ban ơn qua lời cầu bầu của cha Thánh Tự.
Chính vì những lẽ đó, ngày 5/9/2022, Đức Giám Mục Cosma Hoàng Văn Đạt đã chính thức ban sắc phong và cung hiến nhà thờ Trung Lai trở thành “Đền Thánh Phêrô Tự Trung Lai”.
Với việc sắc phong này, chiếu theo “sổ bộ ân xá” ấn bản thứ tư (Enchiridion indulgentiarum) được Thánh Bộ Xá giải công bố năm 1999 (số 33, 4°), mọi tín hữu kính viếng Đền Thánh Phêrô Tự Trung Lai đều được hưởng nhờ ơn toàn xá trong những dịp sau:
- Thứ nhất, vào ngày lễ kính tước hiệu Đền thánh.
- Thứ hai, mỗi năm một lần, vào ngày các Kitô hữu đã chọn.
- Thứ ba, mỗi lần các tín hữu tham dự một cuộc hành hương nhóm kính viếng Đền thánh.
Đền Thánh Phêrô Tự Trung Lai chính là điểm hành hương và kín múc nguồn ơn thánh cho mọi người khắp mọi miền tổ quốc. Nhờ lời chuyển cầu của thánh tử đạo Phêrô Nguyễn Văn Tự, người hành hương sẽ lãnh nhận muôn ơn lành hồn xác trong hành trình đức tin. Đặc biệt vào thứ Ba ngày mùng 5 tháng 9 năm 2023 sắp tới là dịp kỷ niệm 185 năm phúc tử đạo của Cha thánh Tự, đồng thời kỷ niệm 1 năm nhà thờ Giáo xứ Trung Lai được sắc phong lên đền thánh. Kính mời mọi người ở mọi nơi cùng đến hành hương Cha Thánh Tự, tham dự thánh lễ do Đức Cha Giuse chủ sự vào lúc 8h30 để lãnh nhận ơn toàn xá.
Lạy Thánh Phêrô Nguyễn Văn Tự là chứng nhân đức tin kiên cường cho muôn thế hệ, xin cho chúng con luôn trung thành và can đảm sống đức tin, nhiệt thành loan báo Tin Mừng về Thiên Chúa là tình yêu, cho mọi người, trong mọi nơi mọi lúc. Amen.
BTT Đền Thánh Phêrô Tự Trung Lai