Trăng tròn tròn đỉnh đầu non
Càng cao trăng lại càng tròn trăng ơi
Thâu đêm trăng tỏa sáng ngời
Đêm nay trăng dọi con người tự do
Trăng tròn tròn một chuyến đò
Bắc Nam thống nhất hẹn hò sang ngang
Trăng tròn tròn bóng cây bàng
Tròn thôn tròn xóm tròn làng với ta
Trăng tròn tròn khắp mọi nhà
Tròn đàn cháu dại mẹ già trông nom
Trăng tròn tròn cả sớm hôm
Bát canh tròn ngọt mâm cơm tròn đầy
Trăng tròn tròn khắp đông tây
Hòa bình trăng dọi đó đây đều tròn
Càng tròn trăng lại càng non
Trăng thu thuở ấy vẫn tròn ngàn thu.
Nói về trăng thì tôi luôn có một ký ức về đêm trăng sáng, đêm trăng tròn, đêm trăng thanh bình nơi làng quê yêu dấu, khi mà chưa có điện khí hóa, trăng là ngọn đèn vĩ đại treo cao trên bầu trời đem niềm vui cho thôn làng ban đêm: vui bao nhiêu khi người lớn đập lúa, giã gạo đêm trăng, trẻ em ríu rít rước đèn dưới ánh trăng trung thu… Và nhiều sinh hoạt khác như ăn cơm dưới ánh trăng, cả nhà đầm ấm vui vẻ vây quanh mâm cơm đạm bạc, hay khi có việc các cụ ngồi nhâm nhi chén rượu ngắm trăng, uống nước trà. Chẳng thế mà nhiều nhà văn, nhà thơ hay nhạc sĩ đưa vào tác phẩm của mình những điều được gợi hứng từ trăng: chị Hằng Nga kiều diễm, người mẹ dịu hiền, đêm trong sáng hay huyền ảo, đêm thanh bình, tượng trưng cho niềm hy vọng, tình yêu; trăng khuyết, trăng tròn, trăng đông, trăng hè, trăng thu diễn tả nỗi vui buồn, nhớ nhung, khao khát…
Với biến cố 30 tháng 4 lịch sử, tôi cũng sống trong niềm khao khát ngắm trăng suốt 11 năm trường. Thời gian đó, có lúc thấy ánh trăng chiếu xuống sân thềm qua song cửa, hoặc hiếm hoi được thấy trăng đang lên lấp ló sau bóng cây rừng qua cửa sổ, vì lẽ 6 giờ tối là tù nhân phải vào phòng để kiểm tra con số, rồi đóng khóa nghiêm ngặt. Mấy tháng nay, tôi được đưa về làm công nhân xí nghiệp gỗ ngay bên bờ sông Thương nước chảy đôi dòng, lán trại tôi ở dưới bờ đê kia, vài chục bước là leo lên mặt đê, ngồi trên thảm cỏ, thưởng thức không khí yên tĩnh, thoáng mát để nguyện kinh, đắm mình trong trăng.
Là người Công giáo khi ngắm trăng thì liên tưởng ngay tới Đức Mẹ, vì mặt trăng là âm so với mặt trời là dương. Chúa Giêsu là mặt trời công chính. Ánh sáng ân sủng của Chúa soi chiếu, con người phàm khó trực tiếp ngắm, song sẽ dễ dàng ngắm được qua trung gian Đức Mẹ. Bởi vì Mẹ là mặt trăng chiếu tỏa ân sủng xinh đẹp dịu hiền phản ánh từ nơi Chúa: “Tota pulchra es, o Maria…Kìa Bà nào đang tiến lên như rạng đông, đẹp như mặt trăng… Mẹ là trăng thanh đêm về chiếu sáng mênh mang”. Những câu hát đó trong thánh ca diễn tả về Mẹ mà người tín hữu chúng ta rất dễ cảm kích sốt sáng trước dung nhan Mẹ rất thánh. Đó là Đức Mẹ mà người con này đã khao khát khẩn nài Mẹ trong thời gian vừa qua.
Trong xà lim âm thầm chiếc bóng
Đêm dài đêm trông ngóng Mẹ ơi
Mẹ cho con Mẹ chút tình
Để con sưởi ấm thân mình côn đơn
Chim rừng khắc khoải đầu non
Càng khuya càng vắng càng mòn ngóng trông
Nai vàng khát suối mật ong
Bồ câu lạc cánh trông mong về đàn
Mẹ ơi khao khát trăng ngàn
Mùa Chay xin Mẹ xuống ban phúc lành
Cảm tạ Mẹ đã dìu dắt con qua một chặng đường đời gian khó, mà nay cảm thấy dễ chịu hơn, xin Mẹ tiếp dẫn đường con đi….
Con đường đang tới mở ra niềm hy vọng. Nếu trong đêm đen chỉ cần một que diêm bật lên có thể thắp hy vọng, huống hồ đêm đen có cả mặt trăng sáng, ắt phải hy vọng biết bao! Sở dĩ sau 30/4, hòa bình lặp lại, thống nhất đất nước. Lịch sử luôn là một dòng biến thiên không ngừng. Tôi có lý để hy vọng sẽ có những đổi thay tốt đẹp cho gia đình, cho Giáo Hội, cho đất nước. Một giai đoạn không còn chiến tranh, giai đoạn xây dựng cuộc sống tự do ấm no hạnh phúc.
Trước hết, hy vọng được gặp lại gia đình di cư vào Nam, sau 21 năm xa cách có gì thay đổi, thay đổi thế nào. Sau là hy vọng được trở về gia đình giáo phận. Một đàn chiên vất vưởng bơ vơ, cơ sở điêu tàn xơ xác! Giáo phận cùng chung cảnh với cả Giáo Hội Việt Nam. Cùng hy vọng đất nước ta có những đổi mới, tham gia vào cuộc sống chung toàn thế giới, để đúng như mong ước của toàn dân: nước giàu dân mạnh, đời sống ấm no tự do hạnh phúc.
Độc giả kiểm chứng sau 41 năm, đứng ở điểm mốc hôm nay mà nhìn lại, đã thấy có đổi mới, có mở cửa chưa? Tuy vẫn còn là vơi chưa đầy. Nhưng ai trong chúng ta cũng cảm thấy dễ chịu hơn nhiều: phần tôi, đã đi thăm gia đình nhiều lần và bây giờ về hưu lại có thể về gần gia đình, sống chết ở đây. Nhiều anh em Nhà Gioan kéo cả gia đình vào lập nghiệp tại phía Nam như ý. Và nhiều bà con phía Bắc cũng đã vào đây an cư. Về Giáo Hội Việt Nam, con đường bình thường hóa Việt Nam-Tòa Thánh, tuy còn dài, những đã có những kết quả nhất định. Về phía đất nước ta: kinh tế xã hội đang hội nhập thế giới, có lợi cho các bên. Hữu nghị Việt Nam-Hoa Kỳ đã khởi đầu. Tuổi trẻ hôm nay vui thích hát bài Nối vòng tay lớn của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn với nét nhạc xanh trẻ trung phấn khởi vui tươi: “rừng núi nối biển xa, sơn hà nối mặt đất bao la, Bắc nối với Nam, nối con tim đồng loại, thành thị nối nông thôn, người gìau nối người nghèo, người chết nối người sống… để chung tay xây cuộc đời mới”.
Ta đã cùng nhau sẻ chia niềm hy vọng những gì cuộc sống trần thế mà người Ki-tô hữu phải có trách nhiệm dựng xây thế giới ngày một hạnh phúc tốt đẹp hơn nhưng đồng thời còn phải xây dựng cuộc sống tâm linh, và hy vọng cho một cuộc sống vĩnh cửu.
Chúa Ki-tô là Mặt trời đến soi sáng trần gian bằng Lời Ngài. Ai nghe và tuân giữ Lời ấy thì đi trong ánh sáng và có sự sống thần linh. Mẹ của Người là Đức Maria, đã từng lắng nghe và lưu giữ trong lòng. Mẹ còn nói với chúng ta: Người bảo sao thì hãy làm như vậy. Là con cái Mẹ như tông đồ Gioan, chúng ta lắng nghe, thực hành Lời Chúa sống yêu thương, để có ánh sáng soi chiếu dẫn đường trần thế. Lạy Mẹ, Mẹ là Trăng tâm linh chiếu soi chúng con trong đêm tối trần gian, chúng con hy vọng Mẹ sẽ đưa chúng con về bến bình an.
Còn một vần thơ thả giữa trời
Lâng lâng hồn mộng cánh chơi vơi
Trải bao năm tháng về Quê Mẹ
Ánh nguyệt trần ai tỏa sáng ngời.
Linh mục Giuse Phạm Sĩ An
Thủ Đức, Mùa Hè 2016