Tại buổi tiếp kiến chung sáng thứ Tư 8/11/2022, Đức Thánh Cha nhắc lại những khoảnh khắc quan trọng nhất trong chuyến viếng thăm Bahrain. Ngài tóm tắt lý do của chuyến tông du trong ba từ: đối thoại, gặp gỡ và bước đi. Nghĩ đến nhiều cuộc chiến đang diễn ra, Đức Thánh Cha nói: Chúng ta cần gặp gỡ nhau biết bao; xung đột không được giải quyết bằng logic của vũ khí.
Đức Thánh Cha vừa kết thúc chuyến viếng thăm kéo dài 4 ngày tại Bahrain, từ ngày 3 đến 6/11/2022. Do đó, trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ Tư 8/11/2022, ngài đã chia sẻ về chuyến tông du này.
Hãy luôn đến gần Chúa, với sự tự do
Tuy nhiên, trước khi bắt đầu bài giáo lý, Đức Thánh Cha nói đến hai em bé, đã tự động đi đến với ngài mà không sợ hãi, và ngài khuyến khích các tín hữu: “Chúng ta phải ở với Chúa: cách trực tiếp. Các em đã cho chúng ta một ví dụ về cách thế chúng ta phải có với Thiên Chúa, với Chúa: hãy tiến lên! Người luôn chờ đợi chúng ta. Tôi cảm thấy vui khi thấy được sự tin tưởng của hai đứa trẻ này: đó là một tấm gương cho tất cả chúng ta. Vì vậy, chúng ta phải luôn luôn đến gần Chúa: với sự tự do.
Chuyến viếng thăm Bahrain
Chia sẻ về chuyến viếng thăm Vương quốc Bahrain mà ngài vừa kết thúc cách đây ba ngày, nơi mà ngài không quen biết, không biết rõ, trước hết Đức Thánh Cha cảm ơn tất cả những người đã đồng hành với ngài trong chuyến viếng thăm này bằng sự hỗ trợ qua lời cầu nguyện. Ngài cũng lặp lại lòng biết ơn đối với Quốc vương của Bahrain, chính quyền các cấp, Giáo hội địa phương và người dân vì sự chào đón nồng nhiệt họ đã dành cho ngài.
Đức Thánh Cha cũng cảm ơn những người đã tổ chức chuyến viếng thăm. Ngài cho biết: “Để thực hiện chuyến viếng thăm này cần có các hoạt động của nhiều người; Phủ Quốc vụ khanh làm việc tích cực để chuẩn bị các bài phát biểu, chuẩn bị hậu cần, mọi thứ... rồi những người phiên dịch... và đội hiến binh Vatican, đội Vệ binh Thụy Sĩ... Đó là một công việc rất lớn! Tôi muốn công khai cảm ơn quý vị, tất cả mọi người, vì tất cả những gì quý vị đã làm để chuyến đi của Giáo hoàng diễn ra tốt đẹp.
Tại sao Đức Thánh Cha lại muốn đến thăm đất nước nhỏ bé với đa số dân là người Hồi giáo này? Có nhiều nước Kitô giáo, tại sao ngài không đi những nước này trước? Đức Thánh Cha trả lời bằng ba từ: đối thoại, gặp gỡ và bước đi. Đức Thánh Cha nói:
Đối thoại
Đối thoại: cơ hội của chuyến viếng thăm, được mong muốn từ lâu, đã đến nhờ lời Đức vua mời tham dự Diễn đàn về đối thoại giữa Đông và Tây. Đối thoại nhắm khám phá sự phong phú của những người thuộc các dân tộc khác, các truyền thống khác, các tín ngưỡng khác.
Đối thoại là “dưỡng khí của hòa bình”
Bahrain, một quần đảo được tạo thành từ nhiều hòn đảo, đã giúp chúng ta hiểu rằng không nên sống cô lập nhưng hãy xích lại gần nhau hơn. Nguyên nhân của hòa bình đòi hỏi điều đó, và đối thoại là “dưỡng khí của hòa bình”. Anh chị em đừng quên điều này: đối thoại là dưỡng khí của hòa bình. Ngay cả hòa bình trong gia đình. Nếu có chiến tranh ở đó, giữa vợ và chồng, thì bằng cách đối thoại, chúng ta sẽ tiến bước với hòa bình. Trong gia đình, cũng hãy đối thoại: đối thoại, bởi vì với đối thoại, hòa bình được gìn giữ.
Tâm hồn và tinh thần rộng mở vượt qua các biên giới
Gần sáu mươi năm trước, Công đồng Vatican II, khi nói về việc xây dựng hòa bình, đã tuyên bố rằng “công việc này đòi hỏi [con người] phải có tâm hồn và tinh thần rộng mở vượt khỏi biên giới quốc gia, gạt bỏ mọi chủ nghĩa cá nhân quốc gia và mọi tham vọng thống trị các quốc gia khác, và ngược lại, phải nuôi dưỡng sự tôn trọng sâu sắc đối với toàn thể nhân loại, giờ đây đang vất vả tiến tới một sự thống nhất hoàn hảo hơn” (Gaudium et spes, 82).
Tại Bahrain, tôi cảm thấy nhu cầu này và tôi hy vọng rằng, trên khắp thế giới, các nhà lãnh đạo tôn giáo và dân sự sẽ biết cách nhìn vượt khỏi biên giới của họ, cộng đồng của họ, để chăm sóc tất cả. Chỉ bằng cách này, chúng ta mới có thể đối mặt với một số chủ đề phổ quát, ví dụ như sự lãng quên Thiên Chúa, thảm kịch của nạn đói, việc gìn giữ bảo vệ thụ tạo, hòa bình. Chúng ta hãy cùng nhau suy nghĩ điều này.
Chọn gặp gỡ và từ chối xung đột
Theo nghĩa này, Diễn đàn Đối thoại, mang tên “Đông và Tây vì sự chung sống của con người”, đã thúc giục chúng ta chọn con đường gặp gỡ và từ chối con đường đối đầu. Chúng ta cần nó biết bao nhiêu! Chúng ta cần gặp gỡ nhau biết bao! Tôi đang nghĩ đến cuộc chiến tranh điên cuồng mà nạn nhân là nước Ucraina đang bị giày xéo, và nhiều cuộc xung đột khác, những điều sẽ không bao giờ được giải quyết thông qua logic ngây ngô về vũ khí, nhưng chỉ bằng một sức mạnh đối thoại nhẹ nhàng.
Xung đột không thể được giải quyết bằng chiến tranh
Nhưng ngoài Ucraina, nơi đang bị giày xéo, chúng ta hãy nghĩ đến các cuộc chiến tranh [đã kéo dài] trong nhiều năm, và hãy nghĩ về Syria - hơn 10 năm! - chúng ta hãy nghĩ đến Syria, hãy nghĩ đến những đứa trẻ của Yemen, hãy nghĩ đến Myanmar: ở khắp mọi nơi! Bây giờ, gần chúng ta hơn là Ucraina, chiến tranh làm gì? Chúng phá hủy, hủy diệt nhân loại, tàn phá mọi thứ. Xung đột không thể được giải quyết bằng chiến tranh.
Gặp gỡ
Tiếp tục bài chia sẻ, Đức Thánh Cha nói: Nhưng chúng ta không thể đối thoại nếu không có - từ thứ hai - gặp gỡ. Tại Bahrain, chúng tôi đã gặp nhau, và nhiều lần tôi cảm thấy được mong muốn là những cuộc gặp gỡ giữa các Kitô hữu và người Hồi giáo sẽ gia tăng, các mối quan hệ vững chắc hơn được thiết lập và chúng ta yêu quý nhau hơn. Ở Bahrain - cũng như phong tục ở phương Đông - mọi người đặt tay lên tim khi họ chào hỏi ai đó. Tôi cũng đã làm vậy, để dành chỗ trong lòng tôi cho những người tôi đã gặp gỡ. Bởi vì, nếu không đón tiếp, cuộc đối thoại vẫn trống rỗng, bề ngoài, nó vẫn là một câu hỏi về ý tưởng chứ không phải thực tế.
Giữa Kitô hữu và tín đồ Hồi giáo
Trong số rất nhiều cuộc gặp gỡ, tôi nghĩ lại cuộc gặp gỡ với người Anh em thân mến của tôi, Đại giáo trưởng Hồi giáo của Al-Azhar; và cuộc gặp gỡ với những người trẻ của Trường Thánh Tâm, những học sinh đã mang đến cho chúng ta một giáo huấn tuyệt vời: họ học cùng với nhau, những Kitô hữu và những người theo Hồi giáo. Từ khi còn trẻ, khi còn là thiếu niên, khi còn là các trẻ em, chúng cần phải biết lẫn nhau để cuộc gặp gỡ huynh đệ ngăn ngừa sự chia rẽ ý thức hệ. Và ở đây tôi muốn cảm ơn Trường Thánh Tâm, cảm ơn Sơ Rosalyn, người đã giúp ngôi trường này phát triển rất nhiều, và các thiếu niên đã tham gia với các bài diễn văn, cầu nguyện, nhảy múa, ca hát: Tôi nhớ các em rất rõ! Cảm ơn rất nhiều. Nhưng những người già cũng đưa ra một chứng tá về sự khôn ngoan của tình huynh đệ: tôi nghĩ lại cuộc gặp gỡ với Hội đồng Bô lão Hồi giáo, một tổ chức quốc tế ra đời cách đây vài năm, nhằm cổ võ mối quan hệ tốt đẹp giữa các cộng đồng Hồi giáo, nhân danh sự tôn trọng, sự trung dung và hòa bình, phản đối chủ nghĩa cực đoan và bạo lực.
Bước đi
Và chúng ta đi đến từ thứ ba: bước đi. Chuyến đi đến Bahrain không nên được coi là một chặng biệt lập, nhưng nó là một phần của cuộc hành trình, được khởi đầu bởi Thánh Gioan Phaolô II khi ngài đến Marốc. Do đó, chuyến thăm đầu tiên của một vị Giáo hoàng đến Bahrain là một bước tiến mới trong cuộc hành trình giữa các Kitô hữu và tín đồ Hồi giáo: không phải để làm chúng ta nhầm lẫn hoặc hạ thấp đức tin, nhưng để xây dựng các liên minh huynh đệ nhân danh Tổ phụ Abraham, người đã lữ hành trên trái đất này theo cái nhìn của lòng thương xót của Thiên Chúa duy nhất, Thiên Chúa của hòa bình. Vì lý do này, khẩu hiệu của chuyến viếng thăm là: “Bình an dưới thế cho người thiện tâm”.
Và tại sao tôi nói rằng đối thoại không làm phai loãng đức tin? Bởi vì để đối thoại người ta cần [phải] có căn tính riêng của mình, người ta phải bắt đầu từ căn tính của chính mình. Nếu bạn không có căn tính, bạn không thể đối thoại, bởi vì bạn sẽ là điều gì đó mà chính bạn cũng không hiểu bạn là gì. Để một cuộc đối thoại trở nên tốt đẹp, chúng ta phải luôn luôn bắt đầu từ căn tính của chính mình, nhận thức được căn tính của chính mình, và như vậy người ta có thể đối thoại.
Đối thoại, gặp gỡ và bước đi giữa các Kitô hữu
Đối thoại, gặp gỡ và bước đi tại Bahrain cũng đã diễn ra giữa các Kitô hữu: cuộc gặp gỡ đầu tiên, trên thực tế, là cuộc gặp gỡ đại kết, cầu nguyện cho hòa bình, với Đức Thượng phụ Batôlômêô quý mến và với các anh chị em của nhiều hệ phái và nghi lễ khác nhau. Cuộc gặp gỡ diễn ra trong Nhà thờ dâng kính Đức Mẹ Ả Rập; cấu trúc của nhà thờ gợi lên hình ảnh một cái lều, mà theo Kinh thánh, trong đó Thiên Chúa đã gặp ông Môsê trong sa mạc, trên đường đi.
Những anh chị em trong đức tin, mà tôi gặp ở Bahrain, thực sự sống “trên hành trình”: phần lớn họ là những người lao động nhập cư sống xa quê hương, tìm lại cội nguồn của họ trong Dân Chúa và gia đình của họ trong đại gia đình của Giáo hội. Thật tuyệt vời khi thấy những người di cư này, người Philippines, người Ấn Độ và những người từ các nơi khác, những Kitô hữu đang tụ họp và giữ vững đức tin của mình. Và họ vui mừng tiến bước, với niềm tin chắc rằng niềm hy vọng của Thiên Chúa sẽ không làm họ thất vọng (x. Rm 5, 5). Khi gặp gỡ các Mục tử, những người nam nữ thánh hiến, những người làm công tác mục vụ, và trong Thánh lễ vui mừng và xúc động được cử hành tại sân vận động, nhiều tín hữu, cũng đến từ các quốc gia vùng Vịnh khác, tôi đã mang đến cho họ tình cảm của toàn thể Giáo hội.
Mở rộng tầm nhìn
Và hôm nay tôi muốn chuyển cho các bạn niềm vui chân thật, giản dị và đẹp đẽ của họ. Gặp gỡ và cầu nguyện cùng nhau, chúng tôi cảm thấy mình có cùng một trái tim và một tâm hồn. Nghĩ về hành trình của họ, về trải nghiệm đối thoại hàng ngày của họ, chúng ta hãy cảm thấy được mời gọi để mở rộng tầm nhìn: xin hãy có những trái tim cởi mở, không phải những trái tim đóng kín, chai cứng nà... Hãy mở rộng trái tim của anh chị em, bởi vì tất cả chúng ta đều là anh chị em và để tình huynh đệ này của con người có thể phát triển. Hãy mở rộng tầm nhìn, mở rộng sở thích và dấn thân hết mình để quen biết những người khác. Nếu bạn dấn thân để biết người khác, bạn sẽ không bao giờ bị đe dọa. Nhưng nếu bạn sợ người khác, thì chính bạn sẽ là tạo ra mối đe dọa. Hành trình của tình huynh đệ và hòa bình, để tiến tới, cần tất cả mọi người và mỗi người. Xin Đức Mẹ giúp chúng ta trong việc này!
Hồng Thủy