GP.Hưng Hóa - Lễ Giỗ Lần Thứ 75 Của Cha Cựu Chính Xứ Sapa Jean-Pierre Idiart Alhor (Gioan-Phêrô Thịnh)

Đức GiêSu Đã, Đang Và Mãi Mãi Yêu Chúng Ta Cho Đến Cùng

"Tình yêu Đức Kitô thúc bách chúng ta"

GP.Hưng Hóa - Lễ Giỗ Lần Thứ 75 Của Cha Cựu Chính Xứ Sapa Jean-Pierre Idiart Alhor (Gioan-Phêrô Thịnh)

GP.Hưng Hóa - Lễ Giỗ Lần Thứ 75 Của Cha Cựu Chính Xứ Sapa Jean-Pierre Idiart Alhor (Gioan-Phêrô Thịnh)
 
Vào lúc 19g00 thứ Năm ngày 18.05.2023, tại nhà thờ đá giáo xứ Sapa, diễn ra thánh lễ trọng “Chúa Giêsu Lên Trời - Cầu nguyện cho cha cựu chính xứ Sapa Jean-Pierre Idiart Alhor (Gioan- Phêrô Thịnh) nhân ngày giỗ 75 năm. Chủ tế thánh lễ là cha Quản xứ Phêrô Phạm Thanh Bình. Ngoài quý cha phó Sapa đồng tế còn có cha Vinh Sơn Nguyễn Mạnh Cường, quản hạt Tân Mai và một số quý cha thuộc giáo phận Xuân Lộc, đặc biệt có cha Giuse Má A Cả, vị linh mục người H’mông đầu tiên của Giáo Hội Việt Nam, là người con của Sapa, cũng về dâng lễ để tưởng nhớ đến một người cha đã hết lòng yêu mến người dân tộc H'mông lúc sinh thời. Thánh lễ diễn sốt sáng với sự hiện diện của quý thầy, quý dì đang phục vụ trong vùng Sapa và đông đảo các thành phần dân Chúa trong giáo xứ.
Tâm tình “uống nước nhớ nguồn” đó là điều mà cha Quản xứ Phêrô ngỏ lời với cộng đoàn trước khi bước vào thánh lễ. Trong tâm tình đó, cha Phêrô mời gọi mọi thành phần trong giáo xứ Sapa dâng lên Thiên Chúa tình yêu lời tạ ơn vì muôn hồng ân, cách riêng là ân sủng đức tin mà Chúa thương ban trên từng người, từng gia đình, giáo họ, giáo xứ Sapa. Hồng ân đức tin đó tồn tại và phát triển được như ngày hôm nay, là nhờ sự quan phòng của Thiên Chúa khi Ngài sai đến cho mảnh đất Sapa vị mục tử tốt lành, hy sinh phục vụ đoàn chiên đến đổ máu ra, đó chính là cha Jean-Pierre Idiart Alhor (Gioan-Phêrô Thịnh). Chính vì thế, trong dịp lễ giỗ 75 năm của cha Gioan-Phêrô Thịnh, cha xứ Phêrô cũng bày tỏ lòng biết ơn đối với ngài và nhắn nhủ mọi người hãy biết ơn ngài bằng cách đừng để cho sự hy sinh của ngài trở nên vô ích nhưng hãy sinh sôi nảy nở bằng đời sống chứng tá của mình. Và sự biết ơn được thể hiện cách cụ thể trong thánh lễ cầu nguyện cho cha Gioan-Phêrô hôm nay.
Niềm vui, hy vọng đó là điểm thứ nhất mà cha Vinh Sơn quản hạt Tân Mai chia sẻ trong Thánh lễ. Ngài mời gọi mỗi người chúng ta hãy sống niềm vui, niềm hy vọng của Chúa Phục sinh. Niềm vui và niềm hy vọng đích thực của chúng ta chính là Chúa. Điểm thứ hai mà Cha Vinh Sơn chia sẻ đó là mỗi người được mời gọi trở nên Chứng nhân của Chúa như lời Ngài dạy: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ...”(Mt 28,19). Trở nên chứng nhân đích thực của Chúa chính là sống mầu nhiệm Nước Trời ngay thực tại đời sống qua mến Chúa, yêu người, hy sinh phục vụ và sống những giá trị tốt đẹp theo gương cha Gioan-Phêrô Thịnh.
Sau Thánh lễ, tất cả mọi người quy tụ bên phần mộ của cha Gioan-Phêrô Thịnh để dâng lên Thiên Chúa lời kinh và những nén hương bày tỏ lòng tri ân với ngài và xin cha thương bầu cử cùng Chúa cho quý cha, quý thầy, quý dì và mọi người, đặc biệt cho cộng đoàn giáo xứ Sapa, nơi mà cha đã hiến dâng cả mạng sống mình trong tình yêu thương phục vụ.
Paul.Viện

Một số hình ảnh:


















 
NHÂN NGÀY NÀY, XIN ĐĂNG LẠI MỘT SỐ BÀI VIẾT VÀO THỜI ĐIỂM CHA THỊNH BỊ SÁT HẠI TẠI NHÀ THỜ SAPA ĐỂ TƯỞNG NHỚ ĐẾN NGÀI.

*********
I.
TƯỞNG NIỆM
CHA JEAN-PIERRE IDIART ALHOR (1904 - 1948)
NHÀ TRUYỀN GIÁO TẠI HƯNG HÓA
Sinh ngày 28 tháng 10 năm 1904 tại Bunus, giáo phận Bayonne (Pyrénées hạ), vào Đại chủng viện Thừa sai ngày 10/09/1926, thụ phong Linh mục ngày 17 tháng 12 năm 1932, lên đường đi Hưng Hóa ngày 21 tháng 4 năm 1933, từ trần tại Sapa ngày 18 tháng 5 năm 1948.

******
Cha Idiart-Alhor được sai đi truyền giáo tại Hưng Hóa năm 1933 – Từ khi thành lập Giáo phận tông tòa năm 1895, đây là vị Thừa sai thứ 44. Đức Cha Ramond vui mừng đón nhận cha đến tăng cường cho hàng ngũ các tông đồ tại miền thượng du Bắc Việt. Bản thân Ngài đã từng biết người anh em linh mục của Hội Thừa sai là cậu của Cha, từ trần tại Sơn Tây năm 1893, sau chỉ 8 năm truyền giáo nhưng chừng ấy năm cũng đủ cho các đấng Bề trên đánh giá cha rất cao. Vị Đại diện Tông tòa cho rằng người cháu cũng lão luyện như cậu mình và quả niềm hy vọng này đã không bị thất vọng. Cha Idiart-Alhor vừa học ngôn ngữ bản địa tại Tòa Giám mục vừa làm thư ký Tòa Giám mục suốt 4 năm.
Năm 1937, Đức Cha Ramond đưa cha Idiart-Alhor lên Sapa, nơi Đức Cha có thói quen đến nghỉ hè để tránh cái nóng dữ dội của miền châu thổ. Miền núi cao này làm người anh em linh mục xứ Basque của chúng ta nhớ về quê nhà, nơi đó cha có thể gặp lại nhiều anh em và trải nghiệm được câu “Hạnh phúc biết bao khi được sống giữa những người anh em”. Nhưng lần này Đức Cha để Cha thư ký ở lại Sapa. Và nhà truyền giáo trẻ tuổi này đã thực sự sung sướng với nhiệm sở mới. Cha bắt đầu học tiếng H’Mông ngay, thứ thổ ngữ mà sau đó cha nói rất thông thạo. Cha có được 2 giáo lý viên người kinh rất tận tụy. Một trong 2 người này xem ra có thiên hướng trở thành linh mục giữa người H’Mông, nhưng Chúa đã gọi Thầy về một năm trước khi đến chức linh mục. Cha Idiart-Alhor nhanh chóng làm quen với giáo dân của mình. Cha rất yêu thương họ. Với sức khỏe cường tráng, ý chí mạnh mẽ, Cha di chuyển liên tục. Mùa hè cũng không thiếu việc vì Sapa trở thành trung tâm nghỉ hè và nhà thờ trở thành quá chật hẹp trong mùa này. Cha Idiart-Alhor quyết định nới rộng và tôn tạo cho nhà thờ đẹp đẽ hơn bằng việc xây thêm tháp chuông. Nhưng phải mất nhiều năm mới thể hiện được dự án.
Mỗi năm, một số gia đình người H’Mông, do tấm lòng bác ái của vị thừa sai hấp dẫn, xin đăng ký vào sổ dự tòng. Cha cho dựng thêm 2 nhà nguyện tại các vùng có nhiều nhóm dự tòng hơn. Những người bên kia đồi núi Sapa cũng biết đến Cha và những ai đến với Ngài đều tin chắc rằng mình sẽ được ưu ái đón nhận.
Năm 1942, khi cuộc chiến ở Thái Bình Dương bắt đầu bùng nổ, 10 đan tu nữ người Pháp rời Nhật bản di tản tới Đông Dương. Chính quyền Pháp tạo sự dễ dàng cho các nữ tu này: đưa đến định cư tại 1 địa điểm cách Sapa độ 8km. Vị linh mục chính xứ rất nhiệt tình này cũng đã tiêu tốn không tính toán trong 2 năm để xây dựng Đan viện mới. Cha mời những thợ giỏi từ miền châu thổ lên đảm trách việc xây dựng. Rồi đến những ngày của tháng 5/1945 tăm tối. Cha Idiart-Alhor bị Việt Minh giam giữ chung với những người Âu châu khác tại Sapa trong những biệt thự Sĩ quan - Cha còn được dâng lễ Chúa nhật cho giáo dân trong nhà thờ. Nhưng vài tháng sau đó, tất cả những người bị giam giữ được chuyển về Hà nội, còn Sapa trước đó vốn phồn thịnh, trở nên một thành phố chết: trước bị cướp bóc sau bị quét sạch.
Tại Hà nội, Cha Idiart-Alhor tới giúp giáo xứ các vị Tử đạo cho tới khi cha được về lại Sapa. Bề trên của cha lúc đó là Đức Cha Mazé (Kim) đề nghị Cha tận dụng thời buổi lộn xộn này để về thăm lại xứ Basque của Cha. Nhưng Cha trả lời: “Xin cho con trước hết được về thăm lại giáo dân ở Sapa, ổn định trật tự. Sau đó, con mới nhận đi nghỉ”. Để có thể trở lại giáo xứ một cách nhanh nhất, Cha Idiart-Alhor đã chấp nhận lên đường với vai trò làm tuyên úy cho quân đội vùng Tây bắc đang chuẩn bị tới Sapa. Và như thế cha phục vụ trong quân đội từ 8 tháng 7 năm 1946 đến 15 tháng 11 năm 1947, Cha rảo khắp vùng núi, có nơi dân chúng chưa từng thấy vị Thừa sai bao giờ. Mỗi khi một nhóm người H’mông gặp được Cha là họ rất đỗi vui mừng. Họ muốn giữ Cha ở lại, nhưng Ngài nói: “Hãy để Cha đi và khi chiến tranh chấm dứt, Cha sẽ trở lại ở với anh chị em”.
Mãi tới lễ Các Thánh năm 1947, vị tuyên úy mới gặp lại giáo xứ Sapa của mình. Nhưng hỡi ôi, quả là một cảnh tượng buồn thảm! Nhà thờ đẹp đẽ còn nguyên vẹn, các dãy nhà vẫn được lưu giữ. Ở đó có hai giáo lý viên, ba tập sinh nữ đan viện, hai gia đình người Kinh đang ẩn trốn để khỏi bị bỏ xứ. Những người H’Mông rất đỗi sung sướng gặp lại Cha. Đội quân Việt Nam và Trung Quốc đã rời đi trước khi lính Pháp tới; đường xá vắng tanh, nhà cửa bỏ hoang, chỉ còn duy nhất một biệt thự Âu Châu là không bị phá hủy vì được dùng làm văn phòng cho Việt Minh. Vị truyền giáo cố nén nỗi đau buồn thấm thía để có thể bắt đầu rảo bộ đến các bản làng người H’Mông, khích lệ họ kiên vững, hy vọng.
Được biết Đức cha Mazé sắp đi Roma và Pháp vào mùa xuân, Cha viết thư đề nghị Đức cha ghé thăm người mẹ già ở Bonus, xứ Basque. Đó là lá thư cuối cùng của Cha, vì vừa khi Đức cha tới Bretagne ngày 24 tháng 5 thì nhận được tin của Chủng viện Paris cho biết, Cha Idiart-Alhor đã bị ám sát hôm 18 tháng 5 tại Sapa. Vài ngày sau đó, Ngài đọc bài viết của báo Entente do ông Alexandre Esculier. Bài viết nói rằng một nỗi đau thương thấm thía cho tất cả những người Pháp từng quen biết Cha. Người anh em yêu dấu của chúng ta đã bị ngã gục tại ghế quỳ vào lúc 6 giờ sáng khi chuẩn bị lên bàn thờ dâng lễ. Sau đó kẻ sát nhân chặt đứt đầu ngài.
Thi thể của vị truyền giáo được an nghỉ ngay cạnh đó, giữa nhà thờ và mộ Đức cha Paul Ramond. Đức cha Mazé hành hương tới quê nhà của người đã tắm gội đàn chiên bằng chính máu của mình. Ở đó Đức Cha đã gặp một người mẹ xứng đáng với đứa con trai của mình: Người mẹ can đảm này, trong bình an tin tưởng, thanh thản trong niềm tin chờ đợi Đức Mẹ trên đồi Calve trả lại cho mình người con trai yêu dấu. Vị Giám mục sẽ không bao giờ quên cuộc thăm viếng nơi sinh trưởng của vị truyền giáo yêu quý của mình.

******************************************************************
II.
BÁO LA CROIX NGÀY 2/7/1948
Tưởng niệm một vị thừa sai người Pháp
CHA IDIART ALHOR
vừa bị sát hại tại Việt Nam
Chúng tôi đăng nguyên văn bức thư của ông Alexandre Esculser, chủ tịch danh dự những người Pháp gặp nạn ở Bắc Việt, gửi cho Đức Cha Mazé Giám mục Giáo phận Hưng Hóa vừa từ Bắc Việt tới Pháp.

******
Cha Idiart Alhor không còn nữa: ngài vừa bị ám sát trong nhà thờ Sapa của mình, bị chặt đầu ngay dưới chân bàn thờ ngày 18 tháng 5 vào quãng 05 giờ sáng. Một thánh lễ cầu cho ngài đã được cử hành hôm thứ 3, ngày 25 tháng 3 tại nhà thờ kính các vị Tử đạo Hà Nội, nơi Cha đã từng phục vụ với tư cách Cha phó sau những biến cố đau thương ngày 9 tháng 3 năm 1945. Một Cha Thừa sai thuộc Giáo phận Hưng Hóa chủ sự thánh lễ, tham dự có Đức Cha Choise, Giám mục Hà Nội, các Cha Tuyên úy sở tại và nhiều Cha Thừa sai, hàng ngàn giáo dân của Sapa và Lào Cai còn lưu lại Hà Nội.
Cha Idiart là người gốc Basque, mới 44 tuổi, là người cao thượng, tích cực truyền giáo với một lòng tin mạnh mẽ và một tinh thần bác ái cao cả. Cha đã chết như những vị tử đạo tiền bối tại Bắc Việt. Đây quả là một mất mát rất to lớn cho Hội truyền giáo Hưng Hóa mà ngài là thành viên, cũng như rất nhiều bạn hữu và trong thời điểm này là không có ai có thể thay thế ở Phanxipăng, ở Sapa và ở lũng Mường Bo giữa những người H’Mông mà người biết rất thành thạo ngôn ngữ.
Công trình của ngài giữa những người vùng núi miền Thượng du Bắc Việt sẽ còn mãi. Tất cả là hy sinh, là từ bỏ và bác ái từng ngày đổi mới. Là lương y tâm hồn, ngài cũng là lương y phần xác: chúng ta vẫn nhớ đến sự tin cậy mà ngài đã gây dựng nơi những người H’Mông, mỗi lần Cha đi vắng về lại nhà xứ thì có cả một hàng dài những người miền núi ấy tại nhà xứ Sapa, vợ chồng con cái: kẻ thì xin săn sóc 1 vết thương, người thì mang một cục bướu to tướng, người này bị bong gân hoặc gẫy tay, người nọ cần một viên quinine cho người thân đang bị cảm ở nhà hoặc người bạn bị rét rừng ở một nơi xa khuất nào đó trong rừng rậm. Bao nhiêu lần Cha được khuyến cáo phải bảo trọng và lo săn sóc chính mình, nhưng Cha chỉ trả lời bằng một nụ cười to và chỉ nghe theo con tim của mình: ngài lại ra đi vững niềm tin, thi hành nhiệm vụ của người Thừa sai và của người Pháp, mang theo mình sự vui vẻ cho khổ đau, sự thanh thản cho tâm hồn xao xuyến, sự cậy trông. Rất thông thạo ngôn ngữ của người H’Mông, Cha am tường phong tục tập quán của tộc người miền núi này, Cha làm trường cho họ hoặc với sự trợ giúp của các giáo lý viên do chính mình đào tạo, Cha dạy tiếng Pháp cho người H’Mông, kèm theo một xưởng dạy nghề: thợ mộc, canh cửi, đan thêu, may giày,... Cha cung ứng vô số dịch vụ cho binh sĩ đồn trú tại Lào Cai, Phố Lu, Phong Thổ. Tưởng không cần phải nói, nhưng chúng ta rất tự hào nhìn nhận rằng người H’Mông rất thiện cảm với nước Pháp và các nhóm quân Pháp nhận được sự trợ giúp quý báu, chân thành từ họ.
Lúc xây dựng nhà thờ mới cho Sapa, Cha thường lặp đi lặp lại rằng: “Tôi sẽ rất mãn nguyện nếu được sống đến tuổi già ở Sapa và chết giữa những người H’Mông”. Cha đã chết ở đó, còn trẻ, cái chết của những người anh hùng trong vinh quang của linh mục Thừa sai. Tôi xin bày tỏ với Đức Cha Mazé, giám mục Hưng Hóa vừa đi Pháp là bề trên của Cha và bạn của chúng tôi, cũng như với Hội Thừa sai Paris, nỗi niềm thương cảm sâu đậm.

******
Như chúng tôi có nói, trên báo Croix ngày 23 tháng 5 vừa qua rằng: Cha Idiart Alhor là vị thừa sai thứ 19 nằm xuống một cách vinh quang tại Đông Dương từ tháng 3 năm 1945 – Xin nói thêm rằng, Cha là người thứ 30 của Hội Thừa sai Paris mà Cha là thành viên đã chết cách bi thảm từ khi chiến trận ở Viễn Đông bùng nổ. Máu của các vị Tử đạo từng là hạt giống nảy sinh người tín hữu. Như thế, Cha chuẩn bị cho những vụ gặt bội thu người tín hữu, và chúng ta hy vọng số đông những người tín hữu đó sẽ vào những Hội Thừa sai Á Châu đầy hứa hẹn dù hiện nay đang bị thử thách nặng nề.

(Tư liệu này và còn nhiều tư liệu khác nữa hiện lưu trữ tại thư viện của Hội Thừa Sai Paris - MEP)

 
Nguồn:
Tag: