WGPHH - Sáng thứ Ba, ngày 09.08.2022, giáo họ Bản Nguyên (xã Bản Nguyên, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ) thuộc giáo xứ Sơn Vi đã long trọng tổ chức Thánh lễ tạ ơn khánh thành và làm phép nhà thờ giáo họ. Đức Giám mục Giáo phận Đaminh Hoàng Minh Tiến đã chủ sự Thánh lễ.
Ngay từ 06g30, cha quản xứ Giuse Nguyễn Văn Hạnh, Hội đồng giáo xứ, Ban hành giáo, bà con giáo dân sở tại đã vui mừng đón tiếp các đoàn đại biểu các giáo xứ, giáo họ, đại diện Chính quyền, Mặt trận tổ quốc, Đoàn thể của tỉnh Phú Thọ, huyện Lâm thao và địa phương, các tôn giáo bạn, các ân nhân tới tặng hoa, quà và chia sẻ niềm vui nhân sự kiện trọng đại này. Nhà thờ Bản Nguyên được khởi công xây dựng ngày 18 tháng 02 năm 2019. Nhà thờ giáo họ nhận Thánh Antôn Pađôva làm quan thầy. Với sự quan tâm, hướng dẫn của Bề trên Giáo phận và cha quản xứ giáo xứ Nỗ Lực (thời điểm đó chưa thành lập giáo xứ Sơn Vi), sự cố gắng, quyết tâm của Ban hành giáo, đặc biệt là sự giúp đỡ tận tình của các ân nhân trong nam, ngoài bắc, người giúp của, người giúp công nên chỉ trong vòng hơn một năm, công trình đã được hoàn thiện cơ bản cả bên ngoài và bên trong nhà thờ. Đây thực sự là một dấu mốc quan trọng trong lịch sử của một giáo họ đã trải qua nhiều bước thăng trầm do hoàn cảnh khách quan và chủ quan đem lại. Theo sử sách để lại, giáo họ Bản Nguyên được thành lập vào những năm đầu của thế kỷ 20 (lúc đó thuộc Giáo họ Quỳnh Lâm - trích tài liệu “Lược sử giáo xứ Nỗ Lực 1599 - 2009”). Lúc mới thành lập, nhà thờ giáo họ chỉ đơn sơ là ngôi nhà tranh tre, nứa lá nằm bên bờ sông Hồng. Bên kia sông chính là Tòa Giám mục Giáo phận Hưng Hóa (thị trấn Hưng Hóa, huyện Tam Nông bây giờ). Cơ sở vật chất ban đầu tuy đơn sơ nhỏ bé nhưng tiếng gọi của Chúa cũng quy tụ được tới hơn 100 nhân danh - một con số cũng rất đáng tự hào vào buổi sơ khai ấy. Nhưng thật không may, ngọn lửa chiến tranh và lũ lụt sông Hồng năm 1945 - 1946, đã biến toàn bộ những cơ ngơi này thành đống tro tàn, đổ nát hoặc bị cuốn trôi. Tài sản duy nhất còn sót lại do bà con giáo dân gìn giữ được là một chiếc ghế sơn son thếp vàng mà theo các cụ cao tuổi truyền lại là Đức cha Lộc, Đức cha Kim – Giám mục Giáo phận thời đó đã từng ngồi khi về đây dâng Thánh lễ. Các bậc tiền bối thời đó cũng đã đôi ba lần dựng lại nhà thờ song không tồn tại được lâu dài. Sớm tối, bà con giáo dân không còn có nơi đọc kinh cầu nguyện chung nữa mà phải nhờ vào sự giúp đỡ của một vài hộ gia đình hảo tâm cho nhờ địa điểm. Do hoàn cảnh lịch sử, Đức tin cũng từ đó có phần mai một dần... Cho đến những năm 80 của thế kỷ trước, họ giáo tuy có trên danh nghĩa nhưng mọi hoạt động hầu như vẫn chưa được khôi phục. Tuy nhiên, với sự quan phòng của Chúa, sự quan tâm của Bề trên Giáo phận, các cha quản xứ, lời cầu nguyện chung của cộng đoàn và sự giúp đỡ của chính quyền các cấp, ước mong của bà con giáo dân trong giáo họ dần dần được thực hiện. Năm 1989, cha Phêrô Phùng Văn Tôn (lúc đó là chánh xứ Nỗ Lực) đã tái khôi phục hoạt động của giáo họ với việc thương lượng với một gia đình giáo dân nhường lại đất và ngôi nhà tư để tạm thời làm nơi cầu nguyện và dâng lễ. Tuy nhiên ngôi nhà này cũng không “trụ” được lâu vì đã bị xuống cấp nhiều không đảm bảo an toàn cho bà con, nên một lần nữa lại phải nhờ đến một gia đình giáo dân để làm giáo điểm hoạt động. Trong thời gian hàng chục năm, các cha quản xứ và Ban hành giáo các khóa đã kiên trì làm việc với các cấp, các ban ngành chức năng và cuối năm 2018 vừa qua, các thủ tục hành chính đã được hoàn thiện và tiến hành xây dựng (18/02/2019). Sau khi cha Giuse Nguyễn Văn Hạnh về nhận chính xứ Sơn Vi, ngài tiếp tục hướng dẫn việc hoàn tất công trình. Và hôm nay, trên nền đất hơn 300 m2 (một diện tích khiêm tốn, chưa thật sự đáp ứng ước nguyện chung), cả giáo họ tưng bừng chào đón Đức cha, quý cha, quý thầy, quý đại biểu và cộng đoàn về dự Thánh lễ tạ ơn khánh thành ngôi nhà Chúa sau hơn nửa thế kỷ vắng bóng trên mảnh đất này. Ai nấy đều xúc động, có cụ già không cầm được nước mắt... Đúng 8g15, đoàn kèn đồng, ca đoàn của hai giáo xứ: Nỗ Lực và Sơn Vi cùng các đại biểu giáo dân đã long trọng rước đoàn chủ tế ra nhà thờ cắt băng khánh thành, làm phép và hiệp dâng Thánh lễ. Trước khi cắt băng khánh thành, Đức cha Đaminh đã ngỏ lời chúc mừng ngày khánh thành Nhà Chúa của giáo họ, đồng thời ngài cũng bày tỏ lời cảm ơn tới các cấp chính quyền của tỉnh Phú Thọ, huyện Lâm Thao và địa phương sở tại đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi về thủ tục hành chính trong việc xây dựng nhà thờ. Ngài ghi nhận và biểu dương tinh thần đoàn kết, đồng thuận và sự nhiệt tâm, vượt khó khăn của bà con giáo dân, nhất là các ân nhân đã đóng góp tiền của, công sức để có công trình hoàn thiện ngày hôm nay. Trong làn pháo hoa rực rỡ và những tràng vỗ tay không ngớt, Đức cha Đaminh, cha quản xứ Giuse và các vị đại diện Hội đồng giáo xứ, Ban hành giáo, Ban xây dựng, chính quyền địa phương đã long trọng cắt băng khánh thành. Tiếp đó, đoàn đồng tế tiến vào nhà thờ. Đức giám mục long trọng làm phép bàn thờ và rảy nước thánh lên dân chúng cũng như rảy trên các tường nhà thờ như dấu chỉ thanh tẩy, làm trở nên đền thờ Thiên Chúa ngự. Chia sẻ trong bài giảng, Đức Giám mục đã nhấn mạnh ý nghĩa của việc xây cất Thánh đường – ngôi nhà đón Chúa tới ngự và để thần dân thờ phượng Người. Ngài đã nhắc lại đôi nét về lịch sử xây dựng Đền Thánh Giêrusalem của người Do Thái xưa và nhấn mạnh: Đền thờ Thiên Chúa không phải ở chỗ to hay nhỏ, đơn sơ hay nguy nga tráng lệ mà chính là tấm lòng hiếu nghĩa của con người, cũng ví như việc xây dựng nhà tổ đường của con cháu để thờ cúng ông bà, tổ tiên vậy. Hình thức là quan trọng nhưng không phải là yếu tố quyết định tất cả. Chúng ta đừng bắt chước những kinh sư, những người Pharisêu xưa chỉ muốn phô trương hình thức, coi trọng và tự mãn cá nhân mà quên đi những lời dạy của Thiên Chúa về đức bác ái và khiêm nhường. Với giáo họ Bản Nguyên hôm nay - một giáo họ chỉ hơn 100 nhân danh, trên ba chục hộ gia đình, ngôi nhà thờ được dựng lên trên mảnh đất nhỏ hẹp này có thể nhỏ bé hơn những ngôi nhà thờ khác trong xứ, trong Giáo phận nhưng vẫn chứa đựng giá trị cao quý và giàu ý nghĩa nhân văn không kém bất cứ một Thánh đường nào, vì với Thiên Chúa, Người chỉ muốn luôn ở cùng chúng ta, yêu thương và nâng đỡ chúng ta mà thôi. Với niềm vui, cảm mến và tin tưởng, cha mời gọi mọi người, không phân biệt lương giáo, hãy cùng nhiệt tâm ủng hộ, chung tay góp sức trên mọi phương diện để gìn giữ và phát huy tác dụng ngôi Thánh đường trong đời sống Đức tin, Đức cậy và Đức mến. Đức giám mục đã phân tích sâu sắc một số nội dung gắn bó mật thiết với việc xây dựng và sử dụng ngôi nhà Chúa trong đời sống Đức tin người công giáo cũng như ảnh hưởng của Thánh đường với xã hội nói chung. Ngài chỉ rõ: ngôi nhà Chúa trước hết là Ngôi nhà Đức tin trong tâm hồn người tín hữu, nhưng Đức tin ấy - sự thờ phượng, nghe lời rao giảng của Đấng tối cao phải được thực thi ở một địa điểm mang tính tập trung nhất định: nơi ấy chính là Thánh đường mà chúng ta đang hiện diện. Dẫn Lời Chúa trong Tin Mừng thuật lại việc Chúa Giêsu lên thành Giêrusalem: “Nhà Cha ta là Nhà cầu nguyện, không phải là nơi buôn bán, trộm cắp”, ngài nhắc lại định nghĩa mà Công đồng Vaticano II đã chỉ ra: Nhà thờ chính là nơi quy tụ cộng đoàn dân Chúa để làm nơi phụng tự và mục vụ, vì thế phải được tôn kính, gìn giữ sự trang nghiêm, sạch sẽ. Đức Giám mục còn phân tích kỹ hơn điều này khi ngài chia sẻ về mối liên hệ giữa nhà thờ và người tín hữu mang truyền thống về “Đạo Hiếu” Á Đông. Đó là Nhà thờ còn là nơi để người tín hữu “báo hiếu với Chúa” vì Chúa còn là Đấng sinh ra các bậc tổ tiên, ông, bà, cha mẹ, các bậc tiền bối của mỗi chúng ta nữa! Vì thế, bàn thờ người công giáo bao giờ cũng có 2 “cấp”: trên là thờ Thiên Chúa, dưới thờ tổ tiên. Điều này cũng là điều khác biệt với một số tôn giáo cũng như một số thành phần khác trong xã hội. Đây cũng là chân lý mà Chúa đã dạy người tín hữu luôn luôn phải “Kính Chúa và yêu người”. Tới Nhà thờ, người tín hữu không chỉ làm việc phụng sự Chúa, cầu nguyện cho tổ tiên, cho bản thân mà còn phải cầu nguyện cho tất cả mọi người, dù cho người đó thuộc thành phần xã hội nào. Vì thế, Nhà thờ phải trở thành một “công trình phúc lợi” cho người công giáo cũng như toàn xã hội. Thực tế đã có nhiều ngôi Thánh đường nhận được sự đóng góp của các tổ chức, đoàn thể, cá nhân trong cộng đồng xã hội vì họ ít nhiều có lòng tin vào Đấng tối cao và thể hiện tâm linh của mình. Tuy nhiên, công việc gìn giữ và phát huy tác dụng mạnh mẽ của nhà thờ Chúa trong phụng tự, duy trì, củng cố, tỏa sáng Đức tin vẫn chủ yếu là nhiệm vụ người công giáo chúng ta. Vì thế, mỗi tín hữu cần phải chuyên tâm để làm cho Thánh đường trở thành “ngôi nhà Đức tin lớn” và tỏa rạng ánh sáng ra mọi nơi, để nhiều người biết đến Chúa và nghe tiếng gọi nhân lành của Chúa. Cuối bài giảng, ngài nhắc lại một điều mà trong lịch sử Giáo hội, Giáo phận đã xảy ra: Đó là do hoàn cảnh chủ quan hoặc khách quan, nhiều ngôi Thánh đường đã bị hủy hoại, nhưng Đức tin trong tâm hồn người tín hữu thì vẫn tồn tại mãi mãi vì có ơn Chúa quan phòng. Vì thế, khi có điều kiện thuận lợi, những ngôi nhà Chúa lại tiếp tục được dựng lên mà còn khang trang, đẹp đẽ hơn trước. Vì thế, mỗi người tín hữu cần phải có niềm tin sâu sắc này: dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng phải giữ vững Đức tin – ngôi nhà Chúa ngự trị trong ta. Giờ đây, với ngọn tháp có Thánh giá vươn cao trên bầu trời, khi tiếng chuông ngân nga trong bình minh đón chào ngày mới, lúc hoàng hôn nhẹ buông mỗi buổi chiều tà trên dòng sông Hồng xuôi trôi về biển cả, sẽ là dấu chỉ cho mọi người qua lại, dù đường bộ hay đường thủy biết rằng: nơi đây đang hiện diện một đơn vị cư dân của Nhà Chúa. Ở một phương diện khác, ngôi nhà có Chúa ngự chắc chắn sẽ tăng thêm sự thanh bình, êm ả, tình thương, lòng nhân ái, ánh sáng và vẻ đẹp thánh thiện trong tâm hồn những ai đang sinh sống trên mảnh đất này! Bài giảng của Đức Giám mục Giáo phận tuy giản dị, mộc mạc song chứa đựng nhiều ý nghĩa sâu xa và gắn bó mật thiết với đời sống thường nhật của cộng đoàn. Cuối buổi lễ, vị đại diện Ban hành giáo thay mặt bà con giáo họ chân thành cảm ơn Đức cha, quý cha, quý thầy, quý dì, quý đại biểu, ân nhân cùng toàn thể cộng đoàn và dâng tặng Đức cha bó hoa tươi thắm trong những tràng pháo tay nồng nhiệt. Thánh lễ tạ ơn khánh thành nhà thờ đã diễn ra trang trọng, sốt sắng, tràn đầy hồng ân Thiên Chúa và niềm vui phấn khởi của mọi người. Sau Thánh lễ, Đức Giám mục, quý cha và các đại biểu cùng chụp hình lưu niệm, trò chuyện và dự tiệc mừng chia sẻ niềm hạnh phúc mà Chúa đã ban cho giáo họ, giáo xứ. Một số hình ảnh:
Tag:
2022-08-11