HÃY MẶC LẤY CHÚA GIÊ-SU KI-TÔ (Rm 13,14)
L.M. Giu-se Nguyễn Công Đoan, S.J.
Giê-ru-sa-lem, lễ thánh Ma-ri-a Ma-đa-lê-na 2020
WHĐ (22.07.2020) - Đoàn dân xưa, sau khi
thoát ách nô lệ và được vào trong Giao Ước làm dân Thiên Chúa, phải đi 40 năm
qua hoang địa để tới Đất Hứa. Cuộc hành trình đầy gian khổ khiến nhiều khi họ
chán nản kêu trách người dẫn đường là ông Mô-sê, dĩ chí họ toan giết chết ông
rồi đặt người khác lên dẫn đường, đưa họ quay trở lại nơi họ đã bỏ ra đi, với
khẩu hiệu “nô lệ bụng no, hơn tự do bụng
đói” (Ds 14,1-4). Chính người dẫn
đường cũng có lúc khổ tâm chán nản đến nỗi xin Thiên Chúa cho được chết đi
(11,15).
Đời sống Ki-tô hữu khởi đầu với lời tuyên
xưng đức tin mà các Tông đồ đã truyền lại cho chúng ta trong Hội Thánh “duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông
truyền”, lãnh nhận một Phép Rửa để
được ơn tha tội và hướng về niềm hy vọng cuối cùng, là “sự sống lại và cuộc sống đời đời” do
Chúa Giê-su Ki-tô, Con Thiên Chúa làm người đã đem cho chúng ta. Giữa bước khởi
đầu và đích tới là hành trình dài một đời trong bước đi từng ngày.
Cuộc giải thoát khỏi ách nô lệ tội lỗi là
bước khởi đầu, cái ách tội lỗi đã rơi xuống vẫn đeo đuổi chúng ta và nhiều khi
chúng ta muốn mang lại vào cổ nhằm thỏa mãn những thèm khát, như dân của Giao
Ước Xi-nai, thèm thúng bánh, nồi thịt, con cá, củ hành, củ tỏi, quả dưa … (Ds 11,4); hoặc vì sợ chết, muốn được an toàn
(14,2).
Thánh Phao-lô đã tóm tắt bài học rút từ Cựu
Ước cho chúng ta:
1Thưa anh em, tôi không muốn để anh em chẳng hay
biết gì về việc này: là tất cả cha ông chúng ta đều được ở dưới cột mây, tất
cả đều vượt qua Biển Đỏ. 2Tất cả cùng được
chịu phép rửa dưới đám mây và trong lòng biển, để theo ông Mô-sê. 3Tất cả cùng ăn một thức ăn linh thiêng, 4tất cả cùng uống một thức uống linh thiêng, vì
họ cùng uống nước chảy ra từ tảng đá linh thiêng vẫn đi theo họ. Tảng đá ấy
chính là Đức Ki-tô. 5Nhưng phần đông họ không đẹp lòng Thiên Chúa, bằng
chứng là họ
đã quỵ ngã trong sa mạc.6Những sự việc ấy xảy ra để làm bài học, răn dạy
chúng ta đừng chiều theo những dục vọng xấu xa như cha ông chúng ta. 7Anh em đừng trở thành những kẻ thờ ngẫu tượng,
như một số trong nhóm họ, theo lời đã chép: dân đã ngồi xuống để ăn uống, rồi lại đứng lên
chơi đùa. 8Ta đừng gian dâm, như một số trong nhóm họ
đã gian dâm: nội một ngày, hai mươi ba ngàn người đã ngã gục. 9Ta đừng thử thách Chúa, như một số trong
nhóm họ đã thử thách Người và đã bị rắn cắn chết. 10Anh em đừng lẩm bẩm kêu trách, như một số trong
nhóm họ đã lẩm bẩm kêu trách: họ đã chết bởi tay Thần Tru Diệt. 11Những sự việc này xảy ra cho họ để làm bài học,
và đã được chép lại để răn dạy chúng ta, là những người đang sống
trong thời sau hết này. 12Bởi vậy, ai tưởng
mình đang đứng vững, thì hãy coi chừng kẻo ngã. 13Không một thử thách nào đã xảy ra cho anh
em mà lại vượt quá sức loài người. Thiên Chúa là Đấng trung tín: Người sẽ không để anh em bị thử thách quá sức; nhưng khi để anh em bị thử
thách, Người sẽ cho kết thúc tốt đẹp, để anh em có sức chịu đựng. (1Cr 10,1-13)
Mặc lấy Chúa Ki-tô Giê-su
Trong
thư gởi tín hữu Ga-lát, thánh Phao-lô
đã tóm tắt ý nghĩa của Phép Rửa:
Quả thế, bất cứ ai trong anh em được thanh
tẩy để thuộc về Đức Ki-tô, đều mặc lấy Đức Ki-tô.
(Gl 3,27)
Trong thư Rô-ma,
Thánh Phao-lô lại nói về tính năng động của việc “mặc lấy Đức Ki-tô”:
Chúng ta hãy ăn ở cho đứng đắn như người đang
sống giữa ban ngày: không chè chén say sưa, không chơi bời dâm đãng, cũng không
cãi cọ ghen tuông. 14Nhưng anh em hãy mặc lấy Chúa Giê-su Ki-tô, và đừng chiều theo tính
xác thịt mà thoả mãn các dục vọng. (Rm 13,13-14)
Cuộc
hành trình của Ki-tô-hữu suốt đời là một ngày sống dưới ánh sáng của Chúa Ki-tô,
để loại bỏ những gì thuộc về đêm tối và “mặc
lấy Chúa Giê-su Ki-tô”. Mặc lấy
là kiểu nói quen thuộc trong Cựu Ước: mặc lấy sự công chính (Tv 131/132,9), mặc lấy ơn cứu độ (Is 61,10) … nhưng không phải là đội lốt,
hóa trang để lên sân khấu; mặc lấy sự công chính nghĩa là trở nên người công
chính, sống làm một người công chính trong tư tưởng, lời nói, việc làm.
Mặc lấy
Chúa Giê-su Ki-tô là biến đổi nên giống, nên đồng hình đồng dạng với Đức Ki-tô:
Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh lợi ích cho
những ai yêu mến Người, tức là cho những kẻ được Người kêu gọi theo như ý
Người định. 29Vì những ai Người đã biết từ trước, thì Người đã tiền định
cho họ nên đồng hình đồng dạng với
Con của Người , để Con của Người làm trưởng tử giữa một đàn em
đông đúc. (Rm 8,28-29)
Là con cùng cha cùng mẹ thì anh em phải giống
nhau, không nhiều thì ít về khuôn mặt, dáng đi, dáng đứng, giọng nói. Anh em,
chị em sinh đôi do cùng một trứng tách ra thì “giống nhau như đúc”, người ngoài
khó mà nhận ra ai là ai, giả như hai người tráo giấy tờ đi thi giùm nhau cũng
không bị phát hiện. Chúa Giê-su là Con Thiên Chúa đã sinh làm người giống chúng
ta, chịu thử thách mọi bề giống chúng ta, chỉ khác ở chỗ Người không phạm tội.
Người đã chết và sống lại để ban cho chúng ta được tái sinh làm con Thiên Chúa,
để Chúa Giê-su trở nên trưởng tử giữa một
đàn em đông đúc.
Thiên Chúa nhận chúng ta làm con không phải
bằng giấy tờ nhưng bằng Thánh Thần:
Để chứng thực anh em là con cái, Thiên Chúa đã
sai Thần Khí của Con mình đến ngự trong lòng anh em mà kêu lên: “Áp-ba, Cha
ơi!” Vậy anh
em không còn phải là nô lệ nữa, nhưng là con, mà đã là con thì cũng là
người thừa kế, nhờ Thiên Chúa. (Gl 4,6-7)
Thánh Thần đã làm cho Con Thiên Chúa trở
thành người phàm trong lòng Trinh Nữ Maria, dẫn dắt Chúa Giê-su suốt cuộc sống
làm người và trong sứ mạng loan báo Tin Mừng, làm cho Chúa Giê-su sống lại từ
cõi chết, cũng là Thánh Thần được gởi vào lòng chúng ta để chúng ta được trở
thành con Thiên Chúa. Vì thế không
phải tự sức chúng ta có thể sống làm con Thiên Chúa nhưng là nhờ Thánh Thần dẫn dắt. “Nếu chúng ta
sống nhờ Thần Khí, thì cũng hãy nhờ Thần Khí mà tiến bước” (Gl 5,25). Thánh Thần uốn nắn chúng ta nên đồng hình đồng dạng với
Chúa Giê-su, trưởng tử của Thiên Chúa, anh Cả của chúng ta.
Cuộc biến đổi này bắt đầu từ những tâm
tình thái độ bên trong:
Giữa anh em với nhau, anh em hãy có những tâm tình như chính Đức Ki-tô Giê-su.
6Đức Giê-su Ki-tô vốn dĩ là
Thiên Chúa
mà
không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa,
7nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang,
mặc lấy
thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế.
8Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi
bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự.
(Pl 2,5-8)
Những
tâm tình, thái độ bên trong phải thể hiện ra thành lời nói, việc làm, cách hành
xử của chúng ta. Tất cả đều
nhờ quyền năng Thánh Thần mà ta đã lãnh nhận trong Phép Rửa. Trong thư gởi tín hữu Ga-lát, Thánh Phao-lô liệt kê cho chúng
ta một loạt những hành vi của con người xác thịt, đối chọi với những hoa trái
của Thần Khí:
Tôi xin nói với anh em là hãy sống theo
Thần Khí, và như vậy, anh em sẽ không còn thoả mãn đam mê của tính xác thịt
nữa. 17Vì tính xác thịt thì ước muốn những
điều trái ngược với Thần Khí, còn Thần Khí lại ước muốn những điều trái ngược
với tính xác thịt, đôi bên kình địch nhau, khiến anh em không làm được điều anh
em muốn…9Những việc do tính xác thịt gây ra thì ai
cũng rõ, đó là: dâm bôn, ô uế, phóng đãng, 20thờ quấy, phù phép, hận thù, bất hoà, ghen
tuông, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè phái, 21ganh tị, say sưa, chè chén, và những điều
khác giống như vậy. Tôi bảo trước cho mà biết, như tôi đã từng bảo: những kẻ
làm các điều đó sẽ không được thừa hưởng Nước Thiên Chúa. 22Còn hoa quả của Thần Khí là: bác ái, hoan
lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, 23hiền hoà, tiết độ. Không có luật
nào chống lại những điều như thế. 24Những
ai thuộc về Đức Ki-tô Giê-su thì đã đóng đinh tính xác thịt vào
thập giá cùng với các dục vọng và đam mê.
25Nếu
chúng ta sống nhờ Thần Khí, thì cũng hãy nhờ Thần Khí mà tiến bước. 26Chúng
ta đừng có tìm hư danh, đừng khiêu khích nhau, đừng ganh tị nhau. (Gl 5,16-25).
Đó là
một cuộc chiến dai dẳng suốt đời, Thánh Phao-lô dùng ngôn ngữ chiến tranh thời người, vạch mặt chỉ tên kẻ thù, phe địch của chúng ta, đồng thời
người cho chúng ta “bí kíp” với bộ binh giáp bảo đảm chiến thắng cuối cùng, và
phương pháp luyện nội công để có thể sử dụng binh giáp của Thiên Chúa.
Sau cùng, anh em hãy tìm sức mạnh
trong Chúa và trong uy lực toàn năng của Người. 11Hãy mang toàn bộ binh giáp vũ khí của
Thiên Chúa, để có
thể đứng vững trước những mưu chước của ma quỷ. 12Vì chúng ta chiến đấu không phải với phàm
nhân, nhưng là với những quyền lực thần thiêng, với những bậc thống trị
thế giới tối tăm này, với những thần linh quái ác chốn trời cao. 13Bởi đó, anh em hãy nhận lấy toàn
bộ binh giáp vũ khí của Thiên Chúa; như thế, anh em có thể vận dụng toàn
lực để đối phó và đứng vững trong ngày đen tối.
14Vậy hãy đứng vững lưng thắt đai là
chân lý, mình mặc áo giáp là sự công chính, 15chân đi
giày là lòng hăng say loan báo tin mừng bình an; 16hãy luôn cầm khiên mộc là đức tin,
nhờ đó anh em sẽ có thể dập tắt mọi tên lửa của ác thần. 17Sau cùng, hãy đội mũ chiến là ơn cứu độ và cầm gươm của
Thần Khí ban cho, tức là Lời
Thiên Chúa.
18Theo Thần Khí hướng dẫn, anh em hãy dùng mọi
lời kinh và mọi tiếng van nài mà cầu nguyện luôn mãi. Để được như vậy, anh
em hãy chuyên cần tỉnh thức và cầu xin cho toàn thể dân thánh. (Ep 6,10-19).
Để tiến
lên trong cuộc chiến dài cả đời ấy, chúng ta phải không ngừng rèn tập và luyện
nội công. Thánh Phao-lô dùng hình ảnh đấu trường thời người để giải thích cho chúng ta:
Anh em chẳng biết sao:
trong cuộc chạy đua trên thao trường, tất cả mọi người đều chạy, nhưng chỉ
có một người đoạt giải. Anh em hãy chạy thế nào để chiếm cho được phần
thưởng. 25Phàm là tay đua, thì phải kiêng kỵ đủ
điều, song họ làm như vậy là để đoạt phần thưởng chóng hư; trái lại chúng
ta nhằm phần thưởng không bao giờ hư nát. 26Vậy tôi đây cũng chạy như thế, chứ
không chạy mà không xác tín; tôi đấm như thế, chứ không phải đấm vào không
khí. 27Tôi bắt thân thể phải chịu cực và phục
tùng, kẻo sau khi rao giảng cho người khác, chính tôi lại bị loại. (1Cr
9,24-27).
Trong
thư thứ hai gởi tín hữu Cô-rin-tô, thánh
Phao-lô tâm sự ba lần (4,8-10; 6,4-10; 11,23-32) về những gian lao, vất vả, khó
nhọc, đau khổ người phải chịu trên đường rao giảng Tin Mừng. Như không lấy
thế làm đủ người còn ăn chay, thức đêm (6,5;
11,27). Chúa còn thêm cho người một cái gì
đau đớn nhục nhã lắm mà người gọi là cái “dằm
trong da thịt” - chúng ta chờ khi gặp người trên trời hỏi xem nó là cái gì thế!
Trong
những lời tâm sự này, thánh Phao-lô cho chúng ta thấy cuộc chiến đấu, những sự
kiêng khem, tập luyện của người Ki-tô hữu, diễn ra trong cách chúng ta sống
những vất vả, đau khổ, gian lao gắn liền với đời sống hàng ngày của chúng ta:
trong gia đình, trong công việc, trong tương giao, trong những “cái không mời
mà đến”, nhiều khi làm chúng ta choáng váng. Đó là vác thập giá của mình hàng
ngày mà đi theo đàng sau Chúa Giê-su, tất cả có ý nghĩa nhờ “đi đàng sau Chúa Giê-su”; Thánh giá của
Chúa mới biến đổi thập giá của chúng ta, cho nó giá trị cứu độ.
Đạo đức Khổng Tử: tu thân, tề gia, trị quốc,
bình thiên hạ.
Đạo đức
truyền thống của chúng ta phù hợp với giáo lý Tin Mừng. Khởi đi từ truyền thống
dân tộc, chúng ta sẽ biết vận dụng cả hai mà tiến bước.
Tu thân là điều căn bản. Không tu dưỡng bản thân, không
giữ được cho bản thân mình có kỷ luật, biết ứng xử cho đúng mọi tương quan
trong cuộc sống gia đình, xã hội thì chẳng giúp ích gì cho ai được.
Tu thân là tu tâm dưỡng tính, tu thân tích đức. Có giữ
được cái tâm của mình an bình phẳng lặng như mặt nước mùa thu trong mọi hoàn
cảnh, «thắng không kiêu bại không nản», «dù ai nói ngả nói nghiêng thì ta vẫn
vững như kiềng ba chân», không cần gồng mình, không cần cắn răng mà chịu, thì
mới biết ứng xử thích hợp trong mọi hoàn cảnh. Gồng mình không nổi thì sẽ xìu
hoặc sẽ nổ; cắn răng hết nổi thì sẽ nhe răng…
Lý tưởng của Ki-tô hữu là có được cái TÂM của Chúa Giê-su,
«mặc lấy những tâm tình đã có nơi Chúa
Giê-su Ki-tô». Chúa bộc lộ hết cái tâm của Chúa trong cuộc thương khó, tới
mức để cho người ta đâm thủng xem còn gì bên trong. Hãy chiêm ngắm trái tim bị
đâm thâu này sẽ thấy mẫu gương tuyệt vời.
Châm ngôn
Việt Nam: thứ nhất là tu tại gia, thứ nhì tu chợ, thứ ba
tu chùa
Gia đình là nơi chúng ta bắt đầu tu thân từ đầu. «Bé không vin cả lớn gãy cành». «Dạy con từ thuở còn thơ». Cha mẹ dạy
chúng ta từ khi còn đeo vú mẹ. Cuộc sống này đòi rất nhiều kiên nhẫn, yêu
thương để chịu đựng nhau và nâng đỡ nhau. Nhiều gia đình tan vỡ chỉ vì tình yêu
thiếu chiều sâu. Khi mới quen nhau, nắm tay đi dạo phố, ngồi thủ thỉ trong công
viên thì em hiền, em đẹp, em ngọt ngào; anh đáng yêu, anh cao thượng… ngày cưới thì tuyệt vời. Nhưng
cất đồ cưới vào tủ (hay trả lại tiệm cho mướn), cùng nhau chạm trán với cuộc
sống hàng ngày, những bất đồng nho nhỏ nổi lên, lúc còn nồng ấm thì chín bỏ làm
mười, cau bảy bổ ba… đến khi nguội rồi chín thành số không, cau bảy bổ ra làm
mười, hay chẳng thèm bổ nữa, quăng luôn cả cau cả dao. Kết thúc cuộc tình thơ mộng:
“Anh đi
đường anh tôi đi đường tôi, tình nghĩa đôi ta có thế thôi”. Anh em chị em tập chấp nhận nhau, nhường nhịn nhau từ
nhỏ thì sẽ giữ được tình anh em chị em đằm thắm, nếu không thì sẽ tới lúc tan
đàn xẻ nghé. Cái thử thách lớn thường đến khi có con dâu con rể, vốn là người
ngoại tộc. Thử thách lớn nhất là khi đụng tới việc chia gia tài…
Thánh Phao-lô đã có những lời khuyên rất thiết thực về
đời sống gia đình, tương quan vợ chồng, cha mẹ con cái, chủ tớ (Ep 5, 21 - 6,9 ; Cl 3,18 - 4,1). Mọi sự chay tịnh kiêng khem tự ý, phải rèn luyện ta
biết tự chủ, quên mình để nghĩ đến người khác, vợ vì chồng, chồng vì vợ, cha mẹ
vì con cái, con cái vì cha mẹ.
Thứ nhì tu
chợ
Chợ là tiêu biểu cho cái cảnh xô bồ nhất của xã hội, cũng
là nơi lợi nhuận trở nên quan trọng nhất. Giữa chợ mà giữ được lòng thanh thản,
mua bán thật thà, giá đúng, đong đủ, tiền bạc sòng phẳng, không tham của người…
Không kèn cựa, gièm chê người khác như người ta nói «hàng thịt nguýt hàng cá».
Tu chợ khó hơn, bởi vì nó là nơi vô danh, nhiều cái bất ngờ. Giữ được tư cách
của mình giữa chợ, nơi chẳng ai biết mình là ai mới chứng tỏ mình đã tu thân
tới đâu. Chợ ở đây không chỉ nói về nơi mua bán, nhưng còn là chợ đời, trường
đời. «Con đi trường học mẹ đi trường đời».
Thứ ba tu
chùa
Người xưa có vẻ xếp thứ tự theo tính cách khó khăn. Coi
như vào chùa tu là có điều kiện thuận lợi để tu tâm dưỡng tính, tu thân tích
đức.
Tôi chưa bao giờ tu chùa nên không có gì để nói, nhưng tu
trong các «DÒNG TU CÔNG GIÁO» thì tôi có kinh nghiệm bản thân, lại đã từng và
vẫn đang giúp đỡ nhiều tu sĩ nam nữ khắp bốn phương (làm việc tại nhà với phương
tiện truyền thông điện tử), nên tôi có thể nói nhiều hơn.
Chúa Giê-su mời gọi mọi người : «Từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hàng
ngày mà theo Thầy» (Lc
9,23-25 ; 14,26-33).
Người Ki-tô hữu nào cũng là người đi theo và tập sống làm
môn đệ của Chúa Giê-su, với các
điều kiện Chúa đã nói với mọi người như trên đây, tại gia hay tại chợ cũng thế.
Tin Mừng theo thánh Lu-ca
thoáng cho thấy có nhiều cách theo làm môn đệ Chúa Giê-su:
Nhóm Mười Hai là những người bỏ mọi sự
để đi theo Chúa, ở luôn với Chúa, được sai đi thực tập, rồi khi Chúa đã phục
sinh thì sai họ đi tới tận cùng thế giới.
Nhóm phụ nữ đã được Chúa chữa lành, đem tài sản đi theo
mà giúp đỡ Chúa Giê-su và nhóm Mười Hai (Lc 8,1-3).
Hai chị em Mác-ta và Ma-ri-a ở nhà, sẵn sàng đón Chúa Giê-su và các
môn đệ vào trú ngụ, nuôi ăn (10,38-42).
Ông Giu-se A-ri-ma-thê giàu sang, quyền thế đến mức có
thể một mình đi gặp Tổng Trấn Phi-la-tô xin xác Chúa Giê-su về mai táng.
Trong Hội Thánh sơ khai, ta thấy nhiều thành phần khác nhau góp phần tổ
chức các cộng đoàn. Đọc sách Công Vụ
và thư các tông đồ, nhất là thư Rô-ma 16,1-16 chúng ta hình dung được
những cộng đoàn và những gia đình, những cá nhân tích cực như thế nào trong
việc phục vụ Hội Thánh.
Sau khi Đế quốc Rô-ma chấm dứt việc cấm đạo vào đầu thế
kỷ thứ tư, xuất hiện nếp sống mới, từ bỏ mọi sự, lui vào hoang địa, rừng núi để
làm môn đệ Chúa cách triệt để. Ngày nay trong Hội Thánh có rất nhiều nếp sống
tu khác nhau. Chủ yếu vẫn là bỏ mọi sự đi theo làm môn đệ Chúa cách triệt để
hơn: từ bỏ của cải (khó nghèo) từ bỏ đời sống hôn nhân (trinh khiết vì Nước
Trời), và từ bỏ chính mình (vâng phục).
Đây là ơn riêng Chúa ban, Chúa «gọi ai nấy dạ», mỗi người phải cầu
nguyện, suy nghĩ, tìm hiểu với ý hướng ngay lành, coi Chúa gọi mình đi con
đường nào. Dấu hiệu rõ ràng là niềm vui và sự bình an, sự triển nở tâm hồn, cả
về tâm lý lẫn đời sống theo các lời khấn.
Mọi động lực xuất phát từ sự tìm kiếm bản thân, tìm đường
tiến thân, tìm đường đi nước ngoái, áp lực gia đình, hoặc ngược lại là muốn
thoát khỏi sự nặng nề trong gia đình, thoát khỏi những chấn thương tâm lý đã bị
trong gia đình… đều là động lực nguy hại cho chính bản thân và cho người khác.
Nếp sống tu nào cũng có kỷ luật, những phương thế để giúp
rèn luyện sự từ bỏ mà Chúa mời gọi và người vào tu đã chấp nhận, để được trở
nên môn đệ chân chính.
Nhưng những sự tập luyện «có kế hoạch» cũng ví như những bài
tập khi luyện võ hay những buổi tập dượt bóng đá. Mục đích của các bài tập theo
«kế hoạch» là để tập cho người luyện võ, người đá banh có phản xạ nhanh, để khi vào
sân đấu hay sân banh thì tự ứng biến, không có giờ suy nghĩ, chậm 1/10 giây
đồng hồ là có thể bị đo ván hay thua một bàn.
Tập luyện trong đời tu cũng vậy thôi, tập cho mình biết
tự ý từ bỏ chính mình hàng ngày, trong cuộc sống tông đồ hay cộng đoàn. Những
gì chợt đến như từ trời rơi xuống, bị hiểu lầm, bị la rầy đúng hay oan, bị một
lời nói, một cử chỉ, một thái độ, một cái nhìn chạm tự ái… là những trắc nghiệm
cho thấy tu đến đâu rồi. Trong đời tu, «đời
sống cộng đoàn là việc đền tội lớn nhất». Những viên sỏi nhẵn nhụi trên bãi
biển là kết quả hàng triệu năm được mài giũa nhờ cọ sát vào nhau do sóng nước
đẩy lên kéo xuống. Sự cọ sát hàng ngày là không thể tránh. Chúa Giê-su chọn 12
người thân tín để ở với Người, toàn là những ông có cá tính mạnh mẽ và có nhiều lý do
để mâu thuẫn với nhau.
Hãy nhìn thử sáu ông mà chúng ta biết chi tiết trong
ba sách Tin Mừng Nhất lãm: bốn ông dân chài, gồm hai cặp anh em, mà anh em nhà
Dê-bê-đê có vẻ lúc nào cũng toan tính đè đầu đè cổ người khác, thích làm môn đệ
Ê-li-a, lấy lửa từ trời xuống đốt cả một làng vì không đón tiếp thầy trò các
ông ; một ông thu thuế, ngồi thu thuế của dân chài, làm việc cho đế quốc;
một ông thuộc phe nhiệt thành sẵn sàng xé xác quân thống trị. Nội bấy nhiêu đã
là trái bom nổ chậm đặt trong lòng nhóm mười hai. Trong bữa ăn cuối cùng, các
ông còn cãi nhau sôi nổi tranh giành địa vị với nhau (Lc 22,24-27). Rồi một ông bán Chúa, một ông chối Chúa, mười ông bỏ
chạy. Tất cả rớt đài. Huề.
Chúa Phục Sinh cho đứng dậy, ông nào cũng thấy cái mặt thật của mình,
hết vỗ ngực vênh vang. Chúa cho tất cả bắt đầu lại, ngoan ngoãn lên đường đi
loan báo Tin Mừng.
Người tu sĩ có đạt tới sự bỏ mình để theo Chúa, mặc lấy
tâm tình hiền lành khiêm nhường của Chúa thì mới hạnh phúc và có thể góp phần
loan báo Tin Mừng, giãi tỏa bình an, niềm vui từ trong nhà ra ngoài ngõ và suốt
dọc đường. Tin Mừng của Chúa là vui mừng và bình an. Tôi nghe kể rằng Mẹ Tê-rê-sa
Côn-cát-ta, buổi sáng khi các chị chào để ra đi viếng người nghèo, Mẹ thấy chị
nào có «bộ mặt đám ma» thì bảo chị đó ở lại nhà, «người nghèo đã có đủ nỗi buồn rồi…»
Người đời nói: «Bỏ con săn sắt bắt con cá rô»,
còn người tu «chưa chín» thì bỏ con cá rô bắt con săn sắt. Bỏ con cá rô là cuộc
sống gia đình, con đường sự nghiệp công danh ngoài đời… Nhưng lại tìm bắt con
săn sắt. Tìm những sự bù trừ trong nhà, ngoài nhà, trong công việc, trong tương
giao với người ngoài. Có khi bao nhiêu ngọt ngào dành cho người ngoài khiến ai
gặp cũng «tắc lưỡi» khen hiền, khen giỏi, khen lịch thiệp, nhưng về lại nhà
Dòng thì xả bã trà, bã cà-phê, khiến mọi người «tắc họng» nuốt không trôi, mặt
như bánh bao chiều, «trông thấy ai ai
chẳng dám ho».
«Chín chưa kỹ» cũng có thể «sống lại». Khi có danh giá,
quyền hành trong cộng đoàn thì lại trở thành kiêu căng, tham quyền cố vị.
Ít lâu nay tôi hay nhớ cái roi đánh tội mà khi vào nhà tập tôi đã nhận. Nó
là cái roi tua bằng giây gai, gồm ba hay năm tua, mỗi tua có năm nút thắt. Tôi
nhớ tới nó không phải nhớ «củ hành củ tỏi Ai-cập», nhưng nó cho tôi một hình ảnh
để giải thích một hiện tượng quen thuộc, nhất là trong các dòng nữ, đó là những
«cây roi đánh tội sống», một người chị em nào đó trong hội dòng, mà đi đâu cũng
thành… cây roi đánh tội cho mọi người trong nhà. Roi đánh tội ở nhà tập thì chỉ
dùng tự đánh trên lưng hay trên mông mình, vào những ngày quy định và theo số
roi cha giáo tập cho phép thôi. Còn cái roi đánh tội sống thì nó tự động đánh bất
cứ lúc nào, ngày thường cũng như ngày lễ, mùa Chay cũng như mùa Phục Sinh… và đánh bất kể
vào đâu, vào tận tim tận óc (sốc óc), không đếm số! Tôi cũng biết một vài linh
mục mà giám mục sai đi xứ nào người ta cũng sợ, nên không ở đâu lâu. Ngày xưa
các cha còn nằm cáng (võng) cho người ta khiêng. Có chuyện rằng ban đêm ban chức
việc đem cáng xin cha đi xức dầu cho kẻ liệt (người bệnh nặng). Cha lên cáng nằm.
Đi mãi không thấy tới. Cha sốt ruột hỏi: «Sao kẻ
liệt ở xa thế ?» - Thưa cha, sắp tới rồi ạ. Khi họ dừng cáng, mở tấm che,
thì hóa ra là tới… tòa giám mục !
Thật tội nghiệp
cho giám mục, cho bề trên, băn khoăn như mấy người anh trong sách Diễm Ca: «Em gái chúng ta còn nhỏ… chúng ta không biết
làm gì cho em gái chúng ta?» (8,8). Giám mục thì cuối cùng phải đem
về tòa giám mục nuôi «báo cô». Bề trên Dòng thì có giải pháp tiết kiệm, cho mỗi cộng đoàn mượn một thời gian !
Những lời khấn
trong Dòng là để giúp ta bỏ tất cả mà «yêu
mến Chúa bằng tất cả trái tim, bằng cả mạng sống và hết cả những gì mình có»
(Đnl 6,5 ; Mc 12,28-34). Muốn được
thanh thoát để mang niềm vui của Tin Mừng bình an trong lòng mà trao cho mọi
người, thì phải bỏ cho trọn, cho trót theo gương bà góa nghèo (Mc 12,41-44)
Bà goá nghèo chỉ có một xu,
Đem mua bánh thòm thèm một
bữa,
Nhưng nhịn bụng để dành tất
cả,
cúng đền thờ hết cả một xu.
Bạn ơi, tình yêu không đo
bằng độ lớn con tim,
Vì chẳng lẽ người bệnh to
tim là yêu nhiều hơn cả,
Nhưng tình yêu được đo bằng
tất cả,
Cả tấm lòng và cả chút của
riêng.
(Cảm hứng khi ở trại cải
tạo Z30A, 1987)
Thánh Phao-lô diễn tả mức lý tưởng của sự «mặc lấy Đức Giê-su Ki-tô» đối với mọi
Ki-tô-hữu là:
Tất cả chúng ta, mặt không màn che,
chúng ta phản chiếu vinh quang của Chúa như một bức gương; như vậy,
chúng ta được biến đổi nên giống cũng một hình ảnh đó, ngày càng trở nên
rực rỡ hơn, như do bởi tác động của Chúa là Thần Khí. (2Cr 3,18).
«Nguyện Danh Cha Cả Sáng».
Amen.