Hiệp sống Tin mừng: Chúa nhật 14 Thường niên năm B

Đức GiêSu Đã, Đang Và Mãi Mãi Yêu Chúng Ta Cho Đến Cùng

"Tình yêu Đức Kitô thúc bách chúng ta"

Hiệp sống Tin mừng: Chúa nhật 14 Thường niên năm B

Hiệp sống Tin mừng: Chúa nhật 14 Thường niên năm B

Lời Chúa: Is 66, 10-14c; Gl 6, 14-18; Lc 10, 1-12.17-20

MỤC LỤC
1. Vào nhà, vào thành phố
2. Anh em hãy ra đi
3. Truyền giáo
4. Chúa sai tôi đi
5. Thiên Chúa cần đến những con người
6. Ai là công nhân mùa gặt của Chúa?
7. Hãy đi giảng dạy
8. Người rao giảng

 


1. Vào nhà, vào thành phố

Suy Niệm

Dân số Châu Á chiếm gần hai phần ba thế giới nhưng số người nhận biết Chúa chưa tới 3%. Cánh đồng lúa chín mênh mông đang cần thợ gặt.

Đức Giêsu hôm nay vẫn có nhiều nơi Ngài muốn đến, nhiều căn nhà, nhiều thành phố Ngài muốn đặt chân. Ngài cần những người đi trước để chuẩn bị cuộc gặp gỡ giữa Ngài với con người.

Khoa học càng tiến bộ, cuộc sống càng văn minh thì càng có nhiều lãnh vực mới Đức Giêsu cần vào.

Đưa Ngài vào thật là một thách đố cho chúng ta.

Ngài phải vào cả những nơi tưởng như bị cấm. Nhưng nếu chúng ta được Ngài sai vào trước, thì thế nào cuối cùng Ngài cũng vào được.

Nếp sống cao ở thành thị vừa gây cản trở, vừa cung ứng cho ta nhiều phương tiện để đưa Ngài vào. Hãy chuẩn bị cho Ngài vào thành phố của bạn, vào trường học, sân vận động, vào xí nghiệp, công ty... Hãy chuẩn bị để Ngài vào từng nhà, gặp từng người.

Mọi Kitô hữu đều được mời gọi để làm việc đó.

Đâu là khuôn mặt của người được sai hôm xưa? Hiền lành như chiên giữa bầy sói. Khó nghèo thanh bạch, không túi tiền, giầy dép, bao bị. Khiêm tốn đón nhận sự giúp đỡ về nhà ở cơm ăn. Tôn trọng tự do tha nhân, chấp nhận bị từ chối.

Người Châu Á hôm nay dễ đón nhận người tông đồ sống khổ hạnh, thoát tục, sống thư thái, trầm tư, sống nhân từ, phục vụ.

Cuộc sống của họ phải tỏa hương thơm của thế giới mai sau, phải có khả năng nâng con người lên Đấng Tuyệt Đối.

Đâu là đóng góp của người được sai hôm xưa? Vừa chữa người đau yếu và trừ quỷ, vừa loan báo về triều đại Thiên Chúa gần đến. Việc làm chứng thực lời giảng, lời giảng soi sáng việc làm. Cả hai đều đem lại niềm vui, bình an và hạnh phúc.

Thế giới hôm nay vẫn là một thế giới bệnh tật, một thế giới thèm khát tự do, thèm được là mình. Chúng ta sẽ rao giảng gì cho 97% dân Châu Á mà phần đông đã tin vào một Đấng Cứu Độ?

Đức Giêsu đem đến cho nhân loại quà tặng đặc biệt nào? Chúng ta phải tập trình bày sứ điệp Kitô giáo, nên cũng phải học nhiều nơi các tôn giáo Á Châu. Các giám mục Malaysia, Singapore và Brunei đã liệt kê những gì có thể học được nơi họ.

Học cầu nguyện, ăn chay, bố thí nơi người Hồi giáo. Học suy niệm và chiêm niệm nơi người Ấn giáo. Học từ bỏ của cải và trọng sự sống nơi người Phật tử. Học thái độ thảo hiếu, tôn lão kính trưởng nơi đạo Khổng. Học sự đơn sơ, khiêm tốn nơi người theo đạo Lão.

Càng học, ta càng dễ giới thiệu Đức Giêsu, và càng thấy Ngài đang ẩn mình nơi những tôn giáo khác.

Cầu Nguyện

Lạy Chúa Giêsu, xin sai chúng con lên đường nhẹ nhàng và thanh thoát, không chút cậy dựa vào khả năng bản thân hay vào những phương tiện trần thế.

Xin cho chúng con làm được những gì Chúa đã làm: rao giảng Tin Mừng, trừ quỷ, chữa lành những người ốm đau.

Xin cho chúng con biết chia sẻ Tin Mừng với niềm vui của người tìm được viên ngọc quý, biết nói về Ngài như nói về một người bạn thân.

Xin ban cho chúng con khả năng đẩy lui bóng tối của sự dữ, bất công và sa đọa.

Xin giúp chúng con lau khô những giọt lệ của bao người đau khổ thể xác tinh thần.

Lạy Chúa Giêsu, thế giới thật bao la mà vòng tay chúng con quá nhỏ. Xin dạy chúng con biết nắm lấy tay nhau mà tin tưởng lên đường, nhẹ nhàng và thanh thoát.

2. Anh em hãy ra đi

Suy Niệm

Ai được mời gọi gặt lúa? Không phải chỉ là nhóm Mười Hai tông đồ, mà là 72 môn đệ; Không phải chỉ là 12 chi tộc Israel, mà là mọi người thuộc mọi dân nước.
Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít. Mọi Kitô hữu đều được mời làm thợ gặt. Cả linh mục, tu sĩ, giáo dân đều được sai đến với cánh đồng hôm nay.

Một lời rao giảng làm rộn lên niềm vui: Nước Thiên Chúa đã đến gần anh chị em.
Một lời chào thân thiện: Bình an cho nhà này.
Một thứ hành trang nhẹ tênh: không túi tiền, bao bị, giày dép.
Một việc phải làm: chữa lành những người ốm đau.
Một thái độ phải có: khiêm tốn và siêu thoát, đón nhận những gì người ta cung cấp cho, không tìm kiếm tiện nghi, dễ chịu.

Nếu hôm nay Đức Giêsu sai chúng ta đi, Ngài sẽ dặn chúng ta điều gì? Chắc Ngài sẽ dặn khác, vì cánh đồng con người đã đổi khác.

Chúng ta phải hiểu thấu nỗi khát vọng của bạn bè, phải biết nói sao để họ hiểu được, nhạy cảm để thấy điều họ thực sự đang cần, và sống hài hòa với lời mình giảng.

Có thể chúng ta sẽ đi giày, và có ba, bốn áo, sẽ có ví tiền và máy vi tính xách tay, sẽ có văn phòng, máy fax và điện thoại. Nhưng những thứ đó không làm chúng ta nặng nề.
Hành trang không được trở thành những cản trở khiến ta mất sự tín thác vào Thiên Chúa và xa lạ với con người, nhất là những người nghèo khổ.

Hôm nay Chúa sai chúng ta làm chứng giữa đời, đôi khi ta thấy mình như chiên non giữa bầy sói. Chúng ta cứ phải trăn trở hoài để Tin Mừng chúng ta rao giảng cho bạn bè, thực sự đáp ứng những khát khao thầm kín của họ: khát khao an bình, tự do, niềm tin và hạnh phúc, khát khao tình huynh đệ, sự chia sẻ, tha thứ, cảm thông; để những việc chúng ta làm cho họ xoa dịu được nỗi đau nhức nhối, và giải phóng họ khỏi xiềng xích của ác thần, đang nô lệ hoá con người dưới muôn vàn hình thức.

Các môn đệ hớn hở mừng vui khi lần đầu tiên họ trừ được quỷ nhân danh Thầy. Vương quốc của Satan bị đẩy lui bởi những con người bình thường và yếu đuối.

Hôm nay, khi xây dựng một thế giới công bằng và yêu thương chúng ta tiếp tục đẩy lui Satan, để Nước Chúa lớn lên trên mặt đất này, và trở nên viên mãn trong ngày sau hết.

Cầu Nguyện

Lạy Chúa Giêsu, xin sai chúng con lên đường nhẹ nhàng và thanh thoát, không chút cậy dựa vào khả năng bản thân hay vào những phương tiện trần thế.

Xin cho chúng con làm được những gì Chúa đã làm: rao giảng Tin Mừng, trừ quỷ, chữa lành những người ốm đau.

Xin cho chúng con biết nói Tin Mừng với niềm vui, như người tìm được viên ngọc quý, biết nói về Ngài như nói về một người bạn thân.

Xin ban cho chúng con khả năng đẩy lui bóng tối của sự dữ, bất công và sa đọa.

Xin giúp chúng con lau khô những giọt lệ của bao người đau khổ thể xác tinh thần.

Lạy Chúa Giêsu, thế giới thật bao la mà vòng tay chúng con quá nhỏ. Xin dạy chúng con biết nắm lấy tay nhau mà tin tưởng lên đường, nhẹ nhàng và thanh thoát.

3. Truyền giáo

Có một linh mục người Mỹ thuộc dòng Tên, giảng dạy tại một trường đại học Công giáo nổi tiếng tại Phi Luật Tân. Ngày kia, tình cờ vị linh mục này đi vào một khu xóm lao động nghèo nàn và gặp một tu sĩ Tiểu đệ người Bỉ. Sau một hồi trao đổi, linh mục người Mỹ đã hỏi tu sĩ người Bỉ như sau: Anh ở đây làm gì vậy. Tu sĩ người Bỉ trả lời: Tôi đi chợ, nấu ăn, giặt giũ quần áo, tôi sống với những người anh em nghèo trong khu xóm lao động này. Nghe thế vị giáo sư người Mỹ có lẽ như tiếc rẻ cho sự hy sinh lãng phí ấy, nên mới nói về mình như sau: Tôi sang đây là để dạy học và thuyết trình, tôi đi đây đi đó, tôi đào ạo những con người hữu ích cho xã hội.

Qua cuộc đối thoại này, có lẽ chúng ta thấy được những khía cạnh khác nhau của việc truyền giáo trong Hội Thánh. Vị linh mục người Mỹ trên đây là điển hình cho một đội ngũ đông đảo các nhà truyền giáo của Hội Thánh trên khắp thế giới, từ thành thị đến nông thôn, từ học đường đến công sở. Nếu có những nhà truyền giáo hăng say hoạt động rao gảing thì cũng có những nhà truyền giáo âm thầm, sống như những chứng nhân. Tựu trung, hoạt động hay sống âm thầm, cả hai hình thức đều có chung một sứ mạng, đó là làm chứng cho Đức Kitô và nước của Ngài. Cả hai đều được sai đi, cả hai đều bị ràng buộc bởi một đòi hỏi giống nhau, đó là làm chứng cho Nước Trời bằng cuộc sống siêu thoát.

Đây là đòi hỏi cơ bản nhất mà Chúa Giêsu đã đề ra cho các môn đệ khi Ngài sai các ông lên đường rao giảng Tin Mừng. Ngài nói với các ông: Các con đừng mant theo túi tiền, bao bị, áo xống, giày dép và đừng chào hỏi ai dọc đường. Một cuộc sống siêu thoát, không lệ thuộc vào của cải trân gian, đó là biểu hiện tiên quyết cho chứng nhân Nước Trời.

Ra đi không hẳn là rời bỏ quê hương của mình để đến những miền đất xa lạ, nhưng chủ yếu là ra khỏi chính mình, ra khỏi con người ích kỷ của mình để đến với tha nhân trong tinh thần hoà giải, yêu thương và phục vụ. Đó là ý nghĩa của mệnh lệnh Chúa truyền: Vào nhà nào trước tiên các con hãy nói: bình an cho nhà này. Hiện diện giữa tha nhân, hiện diện với tha nhân bằng tinh thần chia sẻ, cảm thông và tha thứ, đó chính là sự ra đi đích thực của nhà truyền giáo. Giáo Hội tự bản chất là truyền giáo.

Là thành phần của Giáo Hội, mỗi người tín hữu, tự bản chất cũng là một nhà truyền giáo. Điều đó có nghĩa là những giá trị của Nước Trời cần phải được thể hiện trong chính cuộc sống giữa chúng ta. Chúng ta phải sống thế nào để những người chung quanh nhìn vào sẽ phải thốt lên sự bỡ ngỡ như những người Do Thái ngày xưa nhìn vào các tín hữu tiên khởi đã phải kêu lên: Kìa xem họ yêu thương nhau dường nào.

Bằng lời nói và nhất là bằng cuộc sống dạt dào yêu thương, chúng ta hãy trở nên là những chứng nhân sống động cho Đức Kitô giữa lòng cuộc đời.

4. Chúa sai tôi đi - ĐTGM. Ngô Quang Kiệt

Ta thường nghĩ rằng: Việc truyền giáo là dành cho các Giám mục, các Linh mục, Tu sĩ. Giáo dân không được học hỏi gì nhiều làm sao có thể truyền giáo được? Truyền giáo phải có nhiều phương tiện vật chất. Thiếu phương tiện không có thể làm gì được. Đó là những quan niệm sai lầm mà Chúa vạch cho ta thấy trong bài Tin Mừng hôm nay.

Chúa Giêsu cho ta thấy truyền giáo là công việc của mọi người khi Người sai 72 môn đệ lên đường. Mười hai Tông đồ có tên tuổi rõ ràng. Đó là thành phần ưu tuyển. Đó là các Giám mục, Linh mục, Tu sĩ. Còn 72 môn đệ không có tên tuổi rõ ràng. Đó là một đám đông không xác định. Đó là tất cả mọi người giáo dân. Khi sai 72 môn đệ, Chúa Giêsu muốn huy động tất cả mọi người thuộc đủ mọi thành phần tham gia vào việc truyền giáo.

Giáo dân tham gia vào việc truyền giáo bằng cách nào? Trước hết phải ý thức sự cấp thiết của việc truyền giáo: “Lúa chín đầy đồng mà thiếu thợ gặt”. Lúa đã chín vàng, phải nhanh chóng gặt về không được chậm trễ, nếu không lúa sẽ hư hỏng. Biết bao anh em đang chờ đợi được nghe Lời Chúa. Biết bao anh em đang tìm kiếm Chúa. Biết bao tâm hồn đang mở cửa đón Chúa. Ta phải mau mắn để khỏi lở mất cơ hội.

Thứ đến ta phải cầu nguyện. Sau khi đã chỉ cho thấy đồng lúa chín vàng, Chúa Giêsu không bảo lên đường ngay, nhưng Người dạy phải cầu nguyện trước. Cầu nguyện là nền tảng của việc truyền giáo. Vì truyền giáo phát xuất từ ý định của Thiên chúa. Ơn hoán cải tâm hồn là ơn Chúa ban. Nên cầu nguyện chính là truyền giáo và kết quả của việc truyền giáo bằng cầu nguyện sẽ rất sâu xa. Ta hãy noi gươngThánh nữ Têrêxa Hài đồng Giêsu. Vị Thánh sống âm thầm, suốt đời chôn vùi trong 4 bức tường Dòng Kín. Thế mà nhờ lời cầu nguyện, Thánh nữ đã đem được nhiều linh hồn về với Chúa không kém thánh Phanxicô Xaviê, người suốt đời bôn ba khắp nơi để rao giảng Lời Chúa.

Khi đi truyền giáo, hãy trông cậy vào sức mạnh của Chúa. Chúa dạy ta: “Đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép” để ta biết sống khó nghèo. Để ta đừng cậy dựa vào tài sức riêng mình. Để ta đừng cậy dựa vào những phương tiện vật chất. Biết mình nghèo hèn yếu kém, biết những phương tiện vật chất chỉ có giá trị tương đối, ta sẽ biết trông cậy vào sức mạnh của Chúa. Chính Chúa sẽ làm cho việc truyền giáo có kết quả.

Sau cùng, truyền giáo là đem bình an đến cho mọi người. Niềm bình an đến từ thái độ quên mình, sống chan hoà với những người chung quanh. Niềm bình an đến từ sự hiệp thông, có cho đi, có nhận lãnh. Và nhất là, niềm bình an vì được làm con cái Chúa, luôn sống dưới ánh mắt yêu thương của Chúa.

Như thế việc truyền giáo hoàn toàn nằm trong tầm tay của mọi người giáo dân. Mọi người đều có thể ý thức việc truyền giáo. Mọi người đều có thể cầu nguyện. Mọi người đều có thể trông cậy vào Thiên chúa. Và mọi người đều có khả năng cho đi, nhận lãnh, sống chan hoà với người khác

Như thế mọi người, từ người già tới em bé, từ người bình dân ít học đến những bậc trí thức tài cao học rộng, từ người khoẻ mạnh đến những người đau yếu bệnh tật, tất cả đều có thể làm việc truyền giáo theo ý Chúa muốn.

Hôm nay, Chúa đang than thở với mọi người chúng ta: “Lúa chín đầy đồng mà thiếu thợ gặt”. Chúng ta hãy bắt chước tiên tri Isaia thưa với Chúa: “Lạy Chúa, này con đây, xin hãy sai con đi”.

5. Thiên Chúa cần đến những con người - A. Degeest

Tuần tự theo sát bài đọc, chúng ta nhấn thêm vào mấy khía cạnh bản văn. Sứ mạng truyền giáo là khẩn thiết, vì lúa chín cần có những thợ gặt. Phải xin Chủ mùa sai thợ gặt đến. Sự truyền bá sứ điệp Phúc Âm giữa nhân loại gặp phải sức chống đối thù nghịch. Sứ giả Phúc Âm phải dốc toàn sức vào công việc tông đồ, không để bị vướng mắc bởi những quyền lợi vật chất và những quy ước xã giao (lời chào hỏi nói đến trong bài Phúc Âm ám chỉ nghi thức đông phương rườm rà làm mất thời giờ). Sứ điệp mang đến cho thế giới tin mừng bình an vì Nước Trời gần tới. Phúc thật cho nhà nào tiếp đón tông đồ của Phúc Âm. Vô phúc cho nhà nào từ chối sứ điệp vì trí óc và tâm hồn nhiễm khuynh hướng xấu.

Bài đọc gợi ý một số câu hỏi.

1) Chúa sai họ, từng toán hai người một, đi trước Người đến mọi thành thị nơi chốn Người định đến. Tại sao Chúa muốn cần đến những sứ giả? Tại sao Thiên Chúa không tỏ mình ra cho người ta? Dễ lắm, nếu được thế nhiều sự việc sẽ trở nên giản dị. Việc thiết lập Giáo Hội sẽ chẳng còn cần thiết, mỗi lương tâm sẽ đặt trước một sự lựa chọn rõ rệt và có trách nhiệm. Sở dĩ Thiên Chúa mặc lấy tính nhân loại trong con người Đức Giêsu và nói với con người qua Giáo Hội, vì Thiên Chúa tôn trọng quyền tự do của con người. Đức Giêsu Người-Chúa đã trở nên Thiên Chúa mà không xâm phạm bất cứ quyền tự do nào Người gặp thấy. Giáo Hội, một định chế vừa nhân bản vừa thần linh, phải có thần tính mà không xâm phạm bất cứ quyền tự do nhân loại nào trong thế giới mà Giáo Hội có sứ mạng cứu rỗi. Chúa muốn cần có những sứ giả bên cạnh nhân loại, bởi vì điều Giáo Hội đòi hỏi ở người ta là tự do đón nhận đức tin.
Sứ giả đức tin phải ý thức sáng suốt về vai trò mình. Đối với bản thân cũng như đối với người khác, phải tránh ràng buộc Phúc Âm vào những quyền lợi thế tục. Sứ giả đức tin không tìm kiếm trong Phúc Âm những quyền lợi thế tục, không rao giảng Phúc Âm như một giá trị hay một hệ thống văn minh. Điều ấy là phụ, tự nó sẽ đến. Những gì là thế tục, tài chính, kinh tế, đều không phải là công việc của người tông đồ.

2) Hãy chữa lành những bệnh nhân. Đã có một thời gian ngắn các tông đồ làm những việc chữa lành bệnh nhân như là những dấu chỉ, những điều lạ, để hậu thuẫn cho công việc rao giảng. Tuy nhiên sự chữa lành Phúc Âm đề nghị với mọi người ở một tầm cao khác. Sự rao giảng Phúc Âm phải gây ra trong người ta một ý thức có hai mặt: ý thức mình đau ốm, nghĩa là có tội – và ý thức mình được cứu rỗi nhờ niềm tin vào Đức Giêsu Kitô. Từ quan điểm kép, Phúc Âm làm phát sinh mâu thuẫn bởi lẽ con người khó mà nhìn nhận rằng mình tội lỗi – và ơn cứu độ Phúc Âm đề nghị là sự chữa lành bằng thập giá, phương thức ấy khiến con người vấp phạm. Hạnh phúc thay kẻ nào đón nhận Phúc Âm.

6. Ai là công nhân mùa gặt của Chúa? - Charles E. Miller

Ngày kia có một người nhận xét, ông ta nghe thấy từ”ơn gọi” trên bục giảng có vẻ như ám chỉ”ơn gọi” đến từ Thiên Chúa chứ không phải chỉ dành cho chức linh mục hoặc tu sĩ. Đây là lúc: Mọi người Công Giáo đều có một ơn gọi đến từ Thiên Chúa.

Phúc Âm ngày hôm nay thường được cắt nghĩa theo ý nghĩa hẹp, khi Chúa Giêsu hướng dẫn chúng ta xin với chủ ruộng sai nhiều thợ gặt đến để gặt lúa, nhiều người đã suy nghĩ rằng Người muốn chúng ta cầu nguyện cho có nhiều vị linh mục. Thật sự ra chủ ý của Chúa không giới hạn trong ơn gọi đó.

Công đồng Vatican II nói rằng: “Tất cả những người Công Giáo đều tham dự đầy đủ và tích cực trong phụng vụ và trong sứ vụ của Giáo Hội. Đó là một ơn gọi”. Trong Thánh Lễ được cử hành trước Công đồng, vị linh mục đã tự mình làm hết mọi sự, vị linh mục được trợ giúp bởi một cậu trai nhỏ như là một cậu giúp lễ. Và tất cả cộng đoàn hiện diện trong một vai trò thụ động. Linh mục đã đọc tất cả mọi lời nguyện, tất cả các bài thánh thư và Phúc Âm trong Thánh Lễ, và tất cả cộng đoàn im lặng lắng nghe ngay cả việc rước lễ cũng được trao ban bởi chính ngài hoặc đươc giúp đỡ bởi các vị linh mục khác. Chỉ có cậu bé giúp lễ mới được đáp lại những lời nguyện của vị linh mục, còn cộng đoàn thì giữ im lặng. Những người đời không được phép đọc Thánh Kinh hoặc đọc những lời nguyện nào hoặc trợ giúp trong việc rước lễ. Nhiều người ngạc nhiên khi không quen với sách lễ trước đây hoặc quên đi thời hiệu của nó, sự thật chỉ một mình vị linh mục được đọc kinh”Lạy Cha”. Thật vậy, người giáo dân thì không được phép đọc kinh”Lạy Cha”. Vai trò thụ động của người giáo dân là một khoảng trống lớn, phản ánh sự thiếu toàn tâm toàn ý trong sứ vụ của Giáo Hội. Vì một công việc xem ra là của người giáo dân thì vị linh mục đã phải làm tất cả.

Công đồng Vatican II đã ra quyết định phục hồi và đề xướng phụng vụ thánh với mục đích giúp cho mọi người đều tham dự một cách đầy đủ, sinh động và ý thức bởi tất cả mọi người (x. Hiến chế về Phụng vụ số 14). Nhưng việc tham dự vào phụng vụ thì cũng bất toàn cho đến khi dẫn đến việc tham dự đầy đủ vào sứ vụ của Giáo Hội.

Chức linh mục thừa tác là nền tảng cho Giáo Hội. Điều đó không thể thay đổi. Nhưng Thánh Thần qua Công đồng đã kêu gọi tất cả những người Công Giáo đều phải trở thành những phần tử có trách nhiệm của Giáo Hội. Không để mọi sự cho vị linh mục nữa. Cũng không trốn tránh những ai thách đố về đức tin của chúng ta bằng việc nói với họ là chúng ta sẽ nói cho linh mục. Không sợ tỏ ra đức tin của người Công Giáo trong việc làm ở bất cứ nơi nào. Không miễn cho đức tin của chúng ta là cá nhân và riêng biêt và sẽ không ảnh hưởng đến chúng ta là cá nhân và riêng biệt và sẽ không ảnh hưởng đến chúng ta trong chính trị. Sự thật là tất cả mọi người chúng ta đều được kêu gọi đặc biệt, qua bí tích Thêm sức, để hoạt động, liên hệ và trở thành những người Công Giáo có trách nhiệm.

Giáo Hội làm viên mãn hình ảnh của Giêrusalem như là một người mẹ (x.bài đọc I). Giáo Hội qua sự hợp nhất với Đức Kitô đã sản sinh ra những người con và nuôi dưỡng chúng bằng Lời và các bí tích. Giống như những người cha mẹ tốt, Giáo Hội cũng là thầy dạy và là người hướng dẫn. Từ hình ảnh này và thực tại của Giáo Hội mà mọi người chúng ta phải rút ra sự hướng dẫn và sức mạnh để trở thành những người Công Giáo năng nổ nhiệt tình.

Chúa Giêsu nói với chúng ta rằng;”Tên của chúng ta đã được viết ở trên trời rồi”. Vì thế mà chúng ta phải vui mừng. Nhưng cho đến khi Chúa lại đến trong vinh quang để mang chúng ta về trời, chúng ta phải nhớ rằng công việc của Thiên Chúa trên trái đất này qua Giáo Hội của Người phải thật sự là của chính chúng ta.

7. Hãy đi giảng dạy (Trích trong ‘Niềm Vui Chia Sẻ’)

“Hãy đi giảng dạy!”. Đó là câu châm ngôn của Đức Tổng Giám Mục Phaolô Nguyễn Văn Bình mà Giáo Hội Việt Nam nói chung và Tổng Giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng đã cử hành đại tang lễ. Ngay từ ngày thụ phong giám mục, Đức Tổng Giám Mục đã chọn cho mình câu châm ngôn “Hãy đi giảng dạy” cũng là mệnh lệnh truyền giáo của chính Chúa Giêsu. Đức Tổng Giám mục là một Giám mục truyền giáo. Quả thật, 40 năm kể từ ngày thụ phong Giám mục cho đến lúc từ trầ, Ngài đã thể hiện câu châm ngôn sống: “Hãy đi giảng dạy”. 40 năm, con đường thật dài và khúc khuỷu. Khúc khuỷu vì những biến động của thời đợi, khúc khuỷu vì những đổi thay của thể chế xã hội, chính trị và kinh tế. Và khúc khuỷu của lòng người vốn khó thăm dò. Nhưng dẫu khó khăn và khúc khuỷu đến đâu, Ngài vẫn Đi. Đi trong suy tư và cầu nguyện. Đi bằng thái độ hiền hòa, khiêm tốn và kiên nhẫn. Đi trong tin tưởng và phó thác. Và Đi để Giảng dạy. Vì xác tín rằng, ẩn bên trong những khúc khuỷu của thời đại và lòng người, vẫn là khát vọng được sống, sống mãnh liệt và phong phú. Và cũng xác tín rằng chỉ có Đức Kitô mới là Đấng đáp trả và đong đầy khát võng sống mãnh liệt ấy, nên Ngài không ngừng nỗ lực giới thiệu Đức Kitô cho mọi người.
Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II cũng là một Giáo hoàng truyền giáo. Ngài đã ra khỏi giáo triều ở Rôma nhiều nhất để đi đến với muôn dân trên khắp năm châu. Đến đâu Ngài cũng luôn rao giảng Tin Mừng Đức Kitô cho mọi người. Những chuyến công du mục vụ ấy đã cho Ngài thấy rằng: Mệnh lệnh “Hãy đi rao giảng Tin Mừng” của Chúa Giêsu chưa được các Kitô hữu thi hành. Đối với Đức Thánh Cha, vấn đề cấp bách là: phải đem Tin Mừng đến cho những vùng đất mênh mông chưa biết Chúa. Phải tái Phúc Âm hóa những vùng đất xa xưa đã một lòng tôn thờ Chúa nhưng nay đã lơ là, bỏ Chúa. Phải đem Tin Mừng thấm nhập các sinh hoạt xã hội loài người.

“Lúa chín đầy đồng, thợ gặt quá ít”. Một nhận định vừa hân hoan vừa báo động. Đối với chúng ta hôm nay là một lời báo động, vì nếu lúc chín vàng đồng mà gặt không kịp, lúa sẽ rụng hết. Một thực tế bi đát vì tình trạng thiếu thợ gặt so với cánh đồng lúa chín vàng bát ngát. Mười hai Tông đồ được sai đi, rồi lại thêm 72 môn đệ nữa, cũng chưa đáp ứng đủ yêu cầu. Các Giám mục, các linh mục, rồi các tu sĩ nam nữ cũng còn quá ít, cần phải có sự tiếp tay của các giáo dân nữa.

Vào tháng 10 năm 1987, Thượng Hội Đồng Giám mục thế giới đã khai mạc tại Rôma. 232 Giám mục từ khắp năm châu kéo về Rôma để cùng nhau nghiên cứu vấn đề “ơn gọi và sứ mạng của người giáo dân trong Giáo Hội và trong thế giới ngày nay”. Vì là vấn đề liên quan đến giáo dân, nên bên cạnh các Giám mục, người ta còn thấy có 53 giáo dân: 27 nam và 26 nữ. Nếu chúng ta đối chiếu 12 Tông đồ với các Giám mục thì sự hiện diện của 27 ông và 26 bà trong Thượng Hội Đồng Giám mục thế giới ở Rôma là một sự kiện mới mẻ, như trong Tin Mừng hôm nay: “Chúa Giêsu chọn thêm 72 môn đệ nữa”. Từ Thượng Hội Đồng nầy, một tông huấn mang tựa đề: “Ngừoi Kitô hữu giáo dân” đã được công bố. Trong đó, Đức Thánh Cha nói: “Giáo dân, vì là thành phần của Giáo Hội, nên mang ơn gọi và sứ mạng loan báo Tin Mừng. Các bí tích khai tâm kitô giáo và các ân huệ của Chúa Thánh Thần đã trang bị khả năng và thúc giục họ thi hành sứ vụ của mình” (số 33). Đức Thánh Cha còn nói: “Chắc chắn rằbg: mệnh lệnh của Chúa Giêsu ‘Hãy đi loan báo Tin Mừng’ vẫn mang giá trị trường tồn và đặt ra một cách cấp bách. Tuy nhiên, tình trạng hiện nay trong thế giới, đang đòi hỏi tuyệt đối phải thực thi mệnh lệnh của Chúa một cách khẩn trương và quảng đại hơn. Một người môn đệ đích thực của Chúa Kitô không có quyền từ chối lời đáp trả của riêng mình: “Khốn thân tôi, nếu tôi không rao giảng Tin Mừng” (1Cr 9,16). Cho hay, cái mới mẻ trong việc thực thi cuộc loan báo Tin Mừng là tất cả toàn dân Chúa, không phân biệt nam nữ, già trẻ, giàu nghèo, mạnh yếu. Tất cả đều được sung vào việc tông đồ truyền giáo.

Trước tình trạng khẩn trương ngày nay, chúng ta đâu có quyền trông đợi những vị truyền giáo ở các nước ngoài đến giảng đạo cho chúng ta như ngày xưa đã đến giảng đạo cho ông bà chúng ta. Giờ đây, chính những linh mục đã được chọn giữa chúng ta cũng chưa bù đắp được gì cho số người đông đúc và đa dạng ngày nay. Vì thế, Đức Thánh Cha hô hào: “Giá dân ngày nay phải dấn thân vào công tác truyền giáo của Giáo Hội”. Thượng Hội Đồng Giám Mục đã định nghĩa vị thế độc đáo của người giáo dân giữa lòng Giáo Hội và giữa thế giới bằng hai mệnh đề như sau: “Giáo dân là ‘người của Giáo Hội’ trong lòng thế giới”. “giáo dân là ‘người của thế giới’ trong lòng Giáo Hội”. Là người của Giáo Hội, người giáo dân phải đem Giáo Hội và Chúa Giêsu vào trong thế giới. Và là người của thế giới, giáo dân phải đem thế giới đến cùng Giáo Hội và Chúa Kitô.

Tông huấn “người Kitô hữu Giáo Dân” vẫn nhắc lại sắc lệnh Tông Đồ Giáo Dân của Công Đồng Vatican II để kêu gọi giáo dân ý thức nhiệm vụ làm tông đồ trong môi trường của mình. Chính người tín-hữu-thương-gia, tín-hữu-công-nhân phải đem Chúa đến và làm gương sáng cho anh em mình nơi đồng ruộng, ngoài thị trường, trong cơ quan xí nghiệp của mình. Hãy coi nơi mình đang ở, chỗ mình đang làm việc là những nơi Chúa sai mình đến “như chiên ở giữa đàn sói”, không phải để bị sói vồ chụp cắn xé, nhưng để biến sói thành chiên; không phải lấy sức mạnh đọ lại với sức mạnh, không phải dùng mưu mô đối lại với mưu mô, nhưng khí giới của chúng ta là khí cụ bình an và hiên hòa, theo gương cuộc sống của Đức Cố Tổng Giám Mục của chúng ta. Bởi vì Chúa không cho những người được sai đi mang theo gì cả, không được dự trữ tiền của hoặc võ trang tối thiểu để đối phó với mọi tình huốc trắc trở. Chúa muốn chúng ta phải đến với những người anh em mình một cách đơn sơ chân thành, không băn khoăn bối rối, không rào trước đón sau. Hơn nữa, còn phải loan báo Nước Thiên Chúa và chữa lành bệnh tật, nghĩa là phải lo cho anh em phần hồn, phần xác. Đi đến với người mạnh cũng như kẻ yếu; quan tâm đến tinh thần và cả đến đời sống vật chất nữa. Như vậy tức là để ý đến con người toàn diện và tất cả mọi người. Các người chung quanh chúng ta, bà con hàng xóm láng giềng, các bạn đồng nghiệp của chúng ta trong cơ quan, xí nghiệp nhất định sẽ tin vào Chúa Kitô, nếu chúng ta loan báo Chúa Kitô với tinh thần dịu hiền, vô vụ lợi, hoàn toàn phục vụ, phó thác vào bàn tay quan phòng của Thiên Chúa. Mọi người sẽ tin vào chứng ta của chúng ta khi thấy chúng ta sống yêu thương nhau, cộng tác với nhau cách chân tình, không ganh tị và định kiến, biết tôn trong chân lý và công bình, sẵn sàng phục vụ lợi ích chung của đồng bào và đất nước. Nhờ sự hiện diện và hoạt động tích cực giữa đời như vậy, anh chị em sẽ làm sáng danh Chúa và góp phần hữu hiệu vào việc xây dựng Nước Trời. Sống như thế, anh chị em mới có lý do chính đáng để hân hoan vui mừng, vì như Chúa đã bảo đảm: “Anh chị em hãy vui mừng vì tên tuổi anh chị em sẽ được ghi đậm nét ở trên trời”.

8. Người rao giảng - Lm GB. Nguyễn Văn Hiếu

Phân tích

Chúa Giêsu dặn các môn đệ lên đường truyền giáo: "Vào bất cứ nhà nào, trước tiên hãy nói : Chúc nhà này được bình an!"(Lc 10,5). Không phải chỉ con người mới khát mong bình an, nhưng trước hết, chính Thiên Chúa đã muốn ban cho con người được an khang hạnh phúc, tràn đầy tình thân hữu -với Thiên Chúa và mọi người.
  -Lạy Chúa, Chúa đã yêu thương và "tuôn đổ hoà bình xuống Thành Đô Giêrusalem" (bđ1 Is 66,12). Xin Chúa thương xót chúng con.
  -Lạy Chúa, Thánh Giá của Chúa chính là Nguồn bình an của các Thánh Chúa (bđ2 Gl 6,14). Xin Chúa Kitô thương xót chúng con.
  -Lạy Chúa, Chúa sai các môn đệ đem bình an đến cho mọi người (Lc 10,5). Xin Chúa thương xót chúng con.

Suy niệm

Một tờ báo nước ngoài ghi một câu chuyện: Có người, đậu xe ngoài một cửa hàng lớn. Khi trở ra lấy xe, thì thấy trước mặt một mẩu giấy ghi: "Thưa ông hoặc bà quý mến ! Tôi đã tính ăn cắp chiếc xe này, nhưng tình cờ đọc được tấm biển gắn trên xe có lời chúc 'Bình an cho quý bạn'. Câu này đã đánh động, làm tôi suy nghĩ. Nếu tôi lấy cắp chiếc xe này, thì hẳn ông hay bà sẽ không còn được bình an, và chính tôi cũng chẳng được bình an. Nên thôi. Hãy lái xe cẩn thận và lần sau nhớ khoá xe cho kỹ !" Ký tên: "Người đáng lẽ đã là một kẻ trộm".

Câu chuyện có lẽ hơi lạ thường, nhưng có thật này, đã minh hoạ lời giáo huấn của Chúa Giêsu: "Vào bất cứ nhà nào, trước tiên hãy nói : Chúc nhà này được bình an ! Nếu ở đó, có ai đáng hưởng bình an, thì lời bình an anh em đã cầu chúc, sẽ ở lại với người ấy; bằng không, sự bình an đó sẽ trở về với anh em" (Lc 10,5-6). Câu chúc "Bình an cho quý bạn" đã đem lại bình an thật sự cho người chủ xe, nhưng đồng thời cũng là câu nhắc nhở đem lại bình an cho "người đáng lẽ là một kẻ trộm" -như anh ta tự nhận thế- bởi vì anh đã biết sống thế nào, biết phải làm gì để lấy được bình an của Chúa Kitô.

Bình an của Chúa Kitô là gì ? Thông thường người ta hiểu 'bình an' là tình trạng không có chiến tranh, không vướng phải nỗi hiềm khích với người này người khác và thanh thản trong tâm hồn vì được hoà hợp trong cuộc sống. Nhưng nhiều khi, con người không sống trong cảnh chiến tranh, không xích mích bất hoà với ai, thế mà vẫn không cảm nhận được bình an; bởi vì sâu xa nhất, 'bình an' không phải chỉ là tình trạng yên ổn con người sống với nhau, nhưng là tương giao hoà hợp với Thiên Chúa trong tâm hồn. Cho dù có phải sống trong cảnh bất ổn, nhưng có tương quan hoà hợp với Thiên Chúa, người ta vẫn cảm nhận được bình an. Đây chính là 'bình an' mà trong các Thánh Lễ chúng ta cử hành, Giáo Hội luôn luôn lập lại lời hứa của Chúa Giêsu, để cổ võ cuộc sống chúng ta: "Thầy để lại bình an cho các con. Thầy ban bình an của Thầy cho các con" (Ga 14,27). Cũng trong Thánh Lễ, vị chủ tế và cộng đoàn vẫn luôn chúc cho nhau: "Bình an của Chúa hằng ở cùng anh chị em -- Và ở cùng Cha". 'Bình an' của Chúa Kitô, chính là mối tương quan thân thiết Chúa muốn con người sống với Thiên Chúa. Chúa sai các môn đệ lên đường truyền giáo, cũng chỉ muốn các ngài đem mối tương quan thân thiết với Thiên Chúa như thế đến cho mọi người: "Vào bất cứ nhà nào, trước tiên hãy nói: Chúc nhà này được bình an !"(Lc 10,5). Chúa Giêsu muốn con người tin nhận Chúa, để sống hoà hợp với Thiên Chúa. Giêrusalem tin nhận quyền lực của Thiên Chúa (xbđ1 Is 66,14), nên mới được "hưởng nguồn an ủi, thoả thích nếm mùi sung mãn vinh quang, như trẻ thơ bú no bầu sữa mẹ" và được Thiên Chúa "đổ hoà bình tuôn xuống Thành Đô khác nào sông cả" (Is 66,11.12).

Tin nhận Thiên Chúa là đón nhận những gì Thiên Chúa đã thực hiện. Thánh Phaolô gọi đó là hãnh diện vào Thập Giá Đức Giêsu Kitô (x.bđ2 Gl 6,14). Vì tội lỗi của chính mình, con người đã phải mất bình an và phải chết. Nhưng qua Thập Giá, Đức Giêsu đã đem lại bình an và sự sống cho nhân loại. Như vậy, sống tương quan thân thiết với Thiên Chúa qua con đường Thập Giá, là tìm trở lại Nguồn bình an và hạnh phúc của chính mình : "Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo" (Mt 16,24). Chúa Giêsu sai đi truyền giáo là sai đi loan tin công cuộc cứu độ của Chúa Giêsu trên Thập Giá, là giới thiệu cho người khác đón nhận và sống theo Thập Giá của Chúa. Thập giá trên con đường truyền giáo của người Kitô hữu có thể là không "mang theo túi tiền, bao bị, giày dép" (TM Lc 10,4), có thể là "người ta không tiếp đón" (10,10), nhưng nếu biết chấp nhận, sống phó thác trong tình thân thiết với Thiên Chúa, thì sẽ được bình an và vui mừng, vì "tên của anh em đã được ghi trên trời" (10,20).

Tag:

2021-07-04