Ed 18,25-28; Pl 2,1-11 (hay Pl 2,1-5); Mt 21,28-32
SÁM HỐI VÀ TIN - ĐIỀU KIỆN ĐỂ ĐƯỢC VÀO NƯỚC THIÊN CHÚA
I. HỌC LỜI CHÚA
1. TIN MỪNG: Mt 21,28-32
(28) Các ông nghĩ sao ? Một người kia có hai con trai. Ông ta đến nói với người thứ nhất: “Này con, hôm nay con hãy đi làm vườn nho”. (29) Nó đáp: “Con không muốn đâu!” Nhưng sau đó, nó hối hận, nên lại đi. (30) Ông đến gặp người thứ hai, và cũng bảo như vậy. Nó đáp: “Thưa ngài, con đi!” nhưng rồi lại không đi. (31) Trong hai người con đó, ai đã thi hành ý muốn của người cha ?” Họ trả lời: “Người thứ nhất”. Đức Giê-su nói với họ: “Tôi bảo thật các ông: Những người thu thuế và những cô gái điếm vào Nước Thiên Chúa trước các ông. (32) Vì ông Gio-an đã đến chỉ đường công chính cho các ông mà các ông không tin ông ấy. Còn những người thu thuế và những cô gái điếm lại tin. Phần các ông, khi đã thấy vậy rồi, các ông vẫn không chịu hối hận mà tin ông ấy”.
2. Ý CHÍNH: DỤ NGÔN VỀ HAI NGƯỜI CON
Qua dụ ngôn “Hai người con”, Đức Giê-su muốn gián tiếp cảnh cáo thái độ giả hình của bọn đầu mục Do Thái, và kêu gọi họ hồi tâm sám hối để được ơn cứu độ. Dụ ngôn trình bày thái độ của hai đứa con: Người thứ nhất ám chỉ các người thu thuế và tội lỗi, tuy phạm tội, nhưng đã tin vào Đức Giê-su là Đấng Thiên Sai. Người con thứ hai ám chỉ các đầu mục dân Do Thái. Tuy họ tuân giữ Luật Mô-sê, nhưng lại không tin Gio-an Tẩy Giả, được Thiên Chúa sai đến để chỉ con đường công chính. Sau cùng Đức Giê-su khẳng định: “Những người thu thuế và những cô gái điếm sẽ vào Nước Thiên Chúa trước các ông”.
3. CHÚ THÍCH:
- C 28-29: + Các ông nghĩ sao ?: Đức Giê-su nói với các thượng tế và kỳ mục dân Do Thái tại Giê-ru-sa-lem (x. Mt 21,23-27). Họ đòi Đức Giê-su phải chứng minh nguồn gốc của Người do Thiên Chúa sai đến (23). Để trả lời, Người đòi họ xác định sứ mệnh của Gio-an Tẩy Giả: “Phép rửa của Gio-an do đâu mà có ? Do trời hay do người ta ?”. Nếu họ nhận là do trời, thì tại sao họ lại không tin lời của Gio-an làm chứng về Đức Giê-su là Đấng Thiên Sai ? + Một người kia có hai con trai: Người kia là cách nói trống ngôi, ám chỉ Thiên Chúa. Hai con trai tượng trưng cho hai thành phần của dân Do Thái là các người tội lỗi và các đầu mục Do thái tự cho mình là công chính. + Người con thứ nhất: ám chỉ các người thu thuế và cô gái điếm. Lúc đầu họ đã không tuân giữ Luật pháp của Thiên Chúa. Nhưng nhờ nghe và tin lời rao giảng của Đức Giê-su mà đã ăn năn sám hối trở thành con ngoan của Thiên Chúa. + Con hãy đi làm vườn nho: Đi làm vườn nho tức là thi hành ý muốn của Thiên Chúa. + Con không muốn đâu: Câu trả lời thể hiện thái độ cự tuyệt ý muốn của cha. Điều này cho thấy những kẻ tội lỗi đã sống trái với thánh ý Thiên Chúa. + Nhưng sau đó nó hối hận, nên lại đi: Ở đây không cho biết lý do tại sao người con thứ nhất hối hận. Chỉ biết rằng nó đã nhận ra lỗi lầm và hồi tâm sám hối để tuân theo ý muốn của cha.
-C 30-31: + Ông đến gặp người thứ hai: Người thứ hai là những kẻ tự hào mình công chính, ám chỉ các đầu mục gồm các thượng tế và kỳ mục dân Do Thái. + Thưa ngài, con đây!: Đây là câu trả lời lễ phép của một đứa con hiếu thảo, sẵn sàng vâng giữ lời cha. + Nhưng rồi lại không đi: Đứa con này mới chỉ vâng lời cha bằng mặt chứ không bằng lòng, nên sau đó nó đã không đi làm vườn nho như ý muốn của cha. Đây là thái độ “ngôn hành bất nhất”, “Nói mà không làm”. Đây cũng là thái độ đạo đức giả của các thượng tế và kỳ lão. Họ giữ Luật Mô-sê từng chi tiết nhưng lại không tin vào Đấng được Thiên Chúa sai đến là Đức Giê-su. + Trong hai người con đó, ai đã thi hành ý muốn của người Cha ?: Đặt ra câu hỏi này, Đức Giê-su muốn các đầu mục Do thái đặt mình trước mặt Thiên Chúa. + Những người thu thuế và những cô gái điếm: Đây là hai hạng người bị xã hội Do Thái khinh dể, vì họ không giữ Luật Mô-sê và có đời sống tội lỗi, gây gương xấu cho kẻ khác. + Vào nước Thiên Chúa trước các ông: Những người thu thuế và gái điếm vì biết hối cải mà tin theo Đức Giê-su nên họ sẽ có chỗ trong Nước Thiên Chúa mà Người sắp thiết lập, thay cho các đầu mục là các thượng tế và kỳ mục dân Do Thái.
- C 32: + Vì ông Gio-an đã đến chỉ đường công chính cho các ông: Gio-an Tẩy Giả nhờ có lối sống khổ hạnh và sự rao giảng phép rửa thống hối, đã cho dân Do thái biết phải chuẩn bị tâm hồn thế nào để đón Đấng Thiên Sai hầu được trở nên công chính trước mặt Thiên Chúa. + Mà các ông không tin ông ấy. Còn những người thu thuế và những cô gái điếm lại tin: Các thượng tế và kỳ mục Do Thái đã không tin lời Gio-an Tẩy Giả. Ngược lại, các người thu thuế và các cô gái điếm đã đến nghe lời Gio-an rao giảng và đã tin Đức Giê-su. + Còn các ông…: Các đầu mục Do Thái dù đã nhìn thấy lối sống khổ hạnh và được nghe lời Gio-an Tẩy Giả kêu gọi mọi người “ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng”, nhưng họ vẫn cứng lòng không tin lời Gio-an, do đó cũng không tin Đức Giê-su, nên họ sẽ không được vào Nước Thiên Chúa do Người thiết lập.
4. CÂU HỎI:
1) Hai con trai trong dụ ngôn ám chỉ hai hạng người nào trong dân Do thái ? 2) Thái độ đối với Thiên Chúa của hai hạng người này khác nhau thế nào ? 3) Tại sao người thu thuế và gái điếm lại bị dân Do thái khinh dể ? Do đâu mà họ sẽ được vào Nước Thiên Chúa trước các thượng tế và kỳ mục Do thái ? 4) Tại sao các đầu mục Do thái không được gia nhập vào Nước Thiên Chúa do Đức Giê-su thiết lập ?
II. SỐNG LỜI CHÚA
1. LỜI CHÚA: Đức Giê-su nói với họ: “Tôi bảo thật các ông: Những người thu thuế và những cô gái điếm vào Nước Thiên Chúa trước các ông” (21,23).
2. CÂU CHUYỆN:
1) AU-GÚT-TI-NÔ - MẪU GƯƠNG SÁM HỐI:
Thánh Au-gút-ti-nô, sinh năm 534, tại Tac-gat, xứ An-giê-ri, Phi Châu, trong một gia đình giàu có, nhưng thiếu đạo đức. Mẹ là bà thánh Mô-ni-ca, một mẫu gương cho các bà mẹ công giáo về việc sống đạo và giáo dục con cái bằng đời sống và bằng lời cầu nguyện nữa... Từ nhỏ, Au-gút-ti-nô có tư chất thông minh khác người, đã được theo học khoa hùng biện tại Cac-tha-ge ; nhưng tại đây ngài đã lây nhiễm các thói hư tật xấu ở đời. Lời dạy dỗ của Mẹ, giáo lý đã học được từ nhỏ, Au-gút-ti-nô đã bỏ ngoài tai. Au-gút-ti-nô hầu như đã mất đức tin, ngài còn tin theo lạc thuyết Ma-nê nữa. Ngài hầu như đã trả lời “không” khi được Chúa gọi vào làm vườn nho cho Chúa. Vì sống trong tội lỗi, nên tâm hồn của Au-gút-ti-nô không được bình an... Sau đó ngài được mời sang Rô-ma để làm giáo sư khoa hùng biện.
Đây cũng là ý Chúa, nhờ đó ngài được giao tiếp thường xuyên với thánh Giám mục Am-bro-si-ô, và cũng từ đây ngài đã trở lại với niềm tin công giáo và đã chấp nhận “đi làm vườn nho cho Chúa”, mặc dù một khoảng thời gian dài đã từ chối lời mời gọi của Chúa.
2) PHẢI GIỮ CHỮ TÍN TRONG LỜI NÓI KHI GIÁO DỤC CON CÁI:
Vợ thầy Tăng Tử từ nhà đi chợ thì đứa con khóc đòi đi theo, bà liền bảo con:
- Con cứ ở nhà đi, rồi về nhà mẹ sẽ làm thịt lợn cho con ăn!
Khi vợ đi chợ về, thầy Tăng Tử liền xuống chuồng bắt lợn làm thịt. Bà vợ liền nói với chồng: “Tôi chỉ nói đùa với nó thôi mà!”. Thầy Tăng Tử liền bảo: “Nói đùa thế nào được ? Đừng khinh trẻ thơ không biết gì. Cha mẹ làm gì nó thường hay bắt chước. Nay mình nói dối nó, chẳng là mình dạy con nói dối ư ?” Tăng Tử nói xong liền làm thịt lợn cho con ăn.
Chỉ vì một lời nói bông đùa của vợ, mà thầy Tăng Tử đã phải làm thịt lợn để cho con ăn. Người có nhân cách là như thế đó! Một lời nói mà không đi đôi với việc làm là một lời nói vô giá trị.
3) SỨC MẠNH CỦA MỘT CÔ GÁI ĐIẾM LÀ CÔNG MINH CHÍNH TRỰC
Một hôm nghe tin về một cô gái điếm tuy tội lỗi, nhưng lại có một quyền năng siêu phàm, vua A-đúc (Ashoka) đã triệu vời cô ta tới và yêu cầu cô hãy thi thố tài năng để xem thực hư tài năng ra sao. Trước mặt nhà vua, các quần thần, các đạo sĩ và đám đông dân chúng đang tụ tập hai bên bờ sông Hằng, cô gái điếm kia đã thi thố tài năng: cô đã ra lệnh cho dòng sông đang chảy cuồn cuộn phải chảy ngược dòng, gây ra những tiếng động ầm ầm long trời lở đất. Đang khi đó, các vị đạo sĩ tuy đã dày công tu luyện nhiều năm và rất am tường Phật pháp lại đành chịu bất lực trước nạn lụt hàng năm, nước sông dâng lên tràn bờ đê, gây ra cảnh lụt lội lớn lao, làm cho nhân dân dọc theo hai bên dòng sông bị lầm than đói khổ! Nhà vua không thể tin được là một cô gái điếm, được xếp vào hạng tiện dân và tội lỗi lại có sức mạnh siêu phàm như vậy. Bấy giờ vua hỏi cô gái rằng: “Do đâu mà một kẻ tội lỗi ti tiện như ngươi lại làm được việc lớn lao phi thường như thế ?” Cô gái đáp: “Tâu đức vua, đó là nhờ đức hạnh của tiện nữ!”. Đức vua liền cười khẩy và vặn hỏi: “Thế đức hạnh của ngươi ra sao ?”. Cô đáp: “Tâu đức vua, đức hạnh của tiện nữ chính là do cách cư xử công chính đối với mọi người. Khi tiếp chuyện với bất cứ ai, dù họ là bậc quân vương, quý tộc hay đám dân thường, tiện nữ đây cũng hết lòng tôn trọng và luôn đối xử vẹn tình trọn nghĩa. Tuyệt đối không dám khinh thường hoặc gian dối với bất cứ một người nào cả!”.
Theo lời cô gái trong câu chuyện trên: Muốn có sức mạnh làm được những việc phi thường, thì người ta phải ăn ở công chính, nghĩa là đối xử công minh chính trực với mọi người. Trong Tin Mừng hôm nay Đức Giê-su đã nêu tên Gio-an Tẩy Giả và đòi những ai muốn được cứu độ phải tin vào Gio-an và đi theo con đường công chính của ông. Người nói: “Vì ông Gio-an đã đến chỉ đường công chính cho các ông, mà các ông không tin ông ấy. Còn những người thu thuế và những cô gái điếm lại tin. Phần các ông, khi đã thấy vậy, các ông vẫn không chịu hối hận mà tin ông ấy”.
4) HẬU QUẢ TAI HẠI CỦA THÁI ĐỘ “NÓI MÀ KHÔNG LÀM”:
Trong cuốn tiểu thuyết “The Fall” của ALBERT CAMUS, có thuật lại câu chuyện về một chàng luật sư đáng kính đang đi trên đường phố tại thủ đô Amsterdam nước Hà Lan. Đột nhiên anh nghe thấy có tiếng la thất thanh giữa đêm tối “Cứu tôi với” và nhận ra đó là tiếng của một phụ nữ bị té ngã từ bờ đê rơi xuống sông. Một tư tưởng chợt lóe lên trong đầu anh luật sư: “Ta phải ra tay cứu giúp cho chị ta mới được. Nhưng ngay lúc đó anh lại suy nghĩ: Chẳng lẽ một luật sư nổi tiếng như ta mà lại can dự vào việc nhỏ mọn này sao ? Còn bao nhiêu người khác đâu cả rồi ?... Nếu ta ra tay giúp đỡ thì có gặp nguy hiểm không ? Có ai chứng kiến để làm nhân chứng về sau không ? Chính khi còn đang chần chờ suy tính thì đã quá trễ, bây giờ anh có muốn cứu nạn nhân cũng không còn làm gì được nữa. Rồi anh chàng luật sư tiếp tục bước đi, và suy nghĩ để tìm ra mọi lý lẽ để biện minh cho thái độ đã làm ngơ trước người gặp nạn. Cuối cùng tác giả CA-MUS, đã kết luận như sau: “Anh ta thực sự đã không đáp lại tiếng kêu cứu của người gặp nạn. Đó chính là bản chất con người của anh ta!”
3. SUY NIỆM:
Trong Tin Mừng hôm nay, Đức Giê-su đã tuyên bố một câu khiến các đầu mục dân Do Thái phải sững sờ: “Tôi bảo thật các ông: Những người thu thuế và những cô gái điếm sẽ vào Nước Thiên Chúa trước các ông”. Một số nhà chú giải Kinh Thánh đã giải thích từ “vào trước” không chỉ có nghĩa là vô “trước” so với vô “sau”, nhưng là sự “thay thế”. Vì các đầu mục Do Thái “đã không tin”, nên họ sẽ không đủ điều kiện để được vào Nước Thiên Chúa, chứ không phải sẽ “vào sau”. Như vậy câu này có thể được dịch như sau: “Những người thu thuế và gái điếm sẽ vào Nước Thiên Chúa thế chỗ cho các ông”. Và các đầu mục dân Do Thái sẽ bị loại ra ngoài Nước Thiên Chúa.
1) LÝ DO ĐẦU MỤC DO THÁI KHÔNG CÓ CHỖ TRONG NƯỚC THIÊN CHÚA:
Ngôn sứ Ê-dê-ki-en trong Bài Đọc Một đã nêu ra lý do thứ nhất khiến các đâu mục Do thái bị mất chỗ trong Nước Thiên Chúa như sau: “Khi người công chính từ bỏ lẽ công chính của mình và làm điều bất chính, thì chính điều bất chính nó đã làm mà nó phải chết” (Ed 18,26). Thực vậy, người ta thường nghĩ mình vẫn đang là người tốt trong khi thực sự đã trở nên xấu. Để rồi đến giờ chết, khi tưởng mình sẽ được vào Nước Thiên Chúa, nhưng thực sự mình lại không có chỗ trong đó! Bài Tin Mừng cho biết lý do như sau: Người cha đến nói với đứa con thứ: “Con hãy đi làm vườn nho cho cha”. Nó đáp: “Thưa vâng, con đi”. Nhưng rồi nó lại không đi (Mt 21,30).
Thực vậy, nhiều người thường tự lừa dối mình khi cho rằng chỉ cần nói: “Thưa vâng” với Chúa là đủ. Các đầu mục Do Thái đã “thưa vâng” nhiều lần khi tuân giữ Luật Mô-sê từng chi tiết. Chính chúng ta ngày nay cũng “thưa vâng” như thế khi năng dự lễ, đọc kinh… Nhưng như thế vẫn chưa đủ điều kiện để được vào Nước Thiên Chúa.
2) TẠI SAO NGƯỜI THU THUẾ VÀ GÁI ĐIẾM ĐƯỢC VÀO NƯỚC THIÊN CHÚA ?
Ngôn sứ Ê-dê-ki-en cũng cho biết lý do thứ nhất để các tội nhân được vào Nước Thiên Chúa như sau: “Nếu kẻ gian ác từ bỏ điều dữ nó đã làm, mà thi hành điều chính trực công minh, thì nó sẽ cứu được mạng sống mình” (Ed 18,27). Còn lý do thứ hai họ phải có là thái độ hoán cải giống như đứa con thứ nhất, lúc đầu từ chối, nhưng “sau đó nó hối hận nên lại đi” (Mt 21,29).
Thực ra, cả hai câu trên đều chung một lý do là: Phải biết hối hận về tội lỗi quá khứ của mình và hồi tâm hoán cải. Thực vậy, rất nhiều câu chuyện được diễn tả trong phim ảnh cũng như trong đời thường về những người có một quá khứ tội lỗi như trộm cướp, trùm Ma-phi-a… nhưng rồi họ đã được biến đổi để không những trở nên người tốt, mà còn trở thành người có lòng vị tha bác ái cách đặc biệt. Có những tú bà hay những cô gái điếm sau khi hoàn lương, đã bỏ được nếp sống nhơ nhớp trước kia, để sống đời sống mới đầy lòng mến Chúa yêu người như thánh nữ Ma-ri-a Mác-đa-la. Họ xứng đáng được Chúa cho vào Nước Thiên Chúa để thế chỗ những kẻ tuy đã từng có thời sống tốt, nhưng đã dần biến chất trở thành những kẻ đạo đức giả, như các đầu mục dân Do Thái thời Đức Giê-su.
3) ĐỨC TIN HÀNH ĐỘNG: ĐIỀU KIỆN ĐỂ ĐƯỢC VÀO NƯỚC THIÊN CHÚA:
Ki-tô giáo là một tôn giáo của lòng tin. Nhưng “Đức tin không có hành động thì quả là đức tin chết” (Gc 2,17). Lòng tin không phải chỉ là tuyên xưng đức tin ngoài môi miệng, nhưng phải được thể hiện bằng chính cuộc sống vâng theo ý Thiên Chúa như Đức Giê-su dạy: “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: “Lạy Chúa! Lạy Chúa! Là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi” (Mt 7,21).
Dòng đời luôn thay đổi, và con người cũng dễ đổi thay: Hôm nay có thể chúng ta đang là người tốt, nhưng ngày mai có thể chúng ta sẽ biến thành kẻ xấu và ngược lại. Do đó, chúng ta đừng vội hãnh diện về quá khứ đạo đức của mình, mà mất cảnh giác đến nỗi không nhận ra mình đang biến đổi trở thành người xấu.
Mỗi người chúng ta hãy năng tự kiểm vào mỗi buổi tối về những điều đã dốc quyết với Chúa. Vì dù ta có nói giỏi nói hay bao nhiêu, mà không giữ được điều đã dốc quyết, hoặc “ngôn hành bất nhất”, là ta đã tự đánh mất danh dự và uy tín, và điều ta nói sẽ không còn được ai tin. Mỗi ngày chúng ta hãy xin Chúa giúp từ bỏ tội lỗi và các thói hư để xứng đáng được Chúa cho vào Nước Trời sau này.
4) SỐNG ĐỨC TIN LÀ “XIN VÂNG” THÁNH Ý THIÊN CHÚA:
Một người đã luôn thưa vâng với Thiên Chúa từ đầu đến cuối, trong lời nói cũng như hành động, chính là Đức Giê-su Ki-tô. Người chính là một người hoàn hảo luôn làm hài lòng Thiên Chúa, như Chúa Cha đã giới thiệu sau khi Người chịu phép rửa của Gio-an như sau: “Đây là Con yêu dấu của Ta. Ta hài lòng về Người”. Thánh Phao-lô cũng đã diễn tả về Đức Giê-su trong thư gửi tín hữu Phi-lip-phê như sau: “Đức Giê-su Ki-tô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2,6-8).
Mỗi người chúng ta hãy nhìn vào Đức Giê-su để suy niệm và học tập theo Người như Người đã dạy: “Anh em hãy mang lấy ách của tôi và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường, và tâm hồn anh em sẽ gặp được bình an”.- “Anh em gọi Thầy là "Thầy", là "Chúa", điều đó phải lắm, vì quả thật, Thầy là Thầy, là Chúa. Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. - “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”.
Đức Giê-su cũng mời gọi chúng ta đi làm vườn nho là gia nhập Nước trời. Người cũng đòi chúng ta một sự lựa chọn dứt khoát: Hãy dâng cho Chúa tất cả lời nói và việc làm như lời thánh vịnh: “Này con xin đến để làm theo ý Chúa” (Tv 39,8a), và lời cầu nguyện của Đức Giê-su: “Lạy Cha, nếu được, xin cho chén này rời khỏi con. Nhưng xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha” (Mt 26,39).
4. THẢO LUẬN:
Đức Giê-su nói: ”Có đầy trong lòng mới trào ra ngoài cửa miệng - Lòng đầy thì miệng mới nói ra!” Hiện tại lời nói của bạn đang xây dựng hòa bình, gia tăng hiệp nhất hay đang gây bất hòa chia rẽ và ly tán ?
5. CẦU NGUYỆN:
LẠY CHÚA GIÊ-SU. Xin cho chúng con tránh thái độ của người con thứ trong Tin Mừng: “Thưa vâng” rồi không làm. Nhiều lần chúng con đã thưa vâng với Chúa khi đi xưng tội, đã quyết tâm đổi mới trong các buổi sám hối chung, rồi sau đó chúng con vẫn sống và phản ứng theo nếp cũ sai trái của mình! Xin cho chúng con biết năng tự kiểm về tư tưởng lời nói việc làm và những điều thiếu sót vào giờ kinh tối cuối ngày. Xin cho chúng con tránh những ảo tưởng về mình để khỏi trở thành những người Pha-ri-sêu đạo đức giả. Hy vọng sau khi được ơn tha thứ, chúng con sẽ yêu Chúa nhiều hơn, sẽ quảng đại hiến dâng cho Chúa tất cả, để được Chúa ban hồng ân cứu độ cho chúng con.
X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.
LM ĐAN VINH - HHTM