Hiệp sống Tin mừng: Chúa nhật 3 mùa Vọng năm C

Đức GiêSu Đã, Đang Và Mãi Mãi Yêu Chúng Ta Cho Đến Cùng

"Tình yêu Đức Kitô thúc bách chúng ta"

Hiệp sống Tin mừng: Chúa nhật 3 mùa Vọng năm C

Hiệp sống Tin mừng: Chúa nhật 3 mùa Vọng năm C

Các bài suy niệm CHÚA NHẬT 3 MÙA VỌNG C

Lời Chúa: Xp 3,14-18; Pl 4,4-7; Lc 3,10-18

Mục Lục
1. Dọn đường
2. Chúng tôi phải làm gì?
3. Hãy chia sẽ phần ăn
4. Sám hối

 

1. Dọn đường

Phân tích

Khi “dọn đường” tâm hồn cho các thính giả nghe Gioan giảng, ông đã nói “Hãy sám hối”. Người ta hỏi lại “Vậy chúng tôi phải làm gì?”. Và Gioan đã chỉ cho họ những việc cụ thể phù hợp với tình trạng cuộc sống của họ:
  - Người có thì hãy chia sớt cho kẻ không có.
  - Người đang sống bằng những thu nhập bất công thì hãy cố gắng sống công bình.
  - Kẻ đang áp bức người khác thì chấm dứt những việc làm hà hiếp của mình.

Gioan còn khiêm tốn phủ nhận những dư luận coi ông là chính Đấng Messia, và giới thiệu Đấng Messia thật cho họ biết.

Suy gẫm

1. “Chúng tôi phải làm gì đây?”, đó là câu hỏi của các thính giả của Gioan ngày xưa. Câu hỏi của mỗi người chúng ta ngày này cũng phải là “Tôi phải làm gì đây?”. Sống Mùa Vọng không phải chỉ là thụ động chờ đợi, mà phải tích cực làm một điều gì đó cụ thể. Điều cụ thể đó cũng phải có liên hệ tới cách sống hiện tại: nó thiếu sót chỗ nào thì phải sửa đổi chỗ đó.

2. Những thiếu sót của các thính giả Gioan cũng là những thiếu sót của tôi: ích kỷ không chia sẻ, lỗi đức công bình, hà hiếp người khác…

3. Gương khiêm tốn của Gioan: nhìn nhận đúng như mình là. Người ta tưởng mình là gì đi nữa, cho dù những tưởng tượng ấy làm cho mình có một hình ảnh tốt đẹp và khiến mình hãnh diện sung sướng thì mình cũng không nhận.

4. Lần kia, khi nói chuyện với một nhóm nhỏ, Alexander White đã làm cho họ ngạc nhiên khi nói: “Ở trong thành phố Edinburgh này, tôi biết có một người xấu xa nhất. Tôi còn biết cả tên người đó.” Rồi cúi mình thật sâu, ông nói nhỏ: “Người đó tên là A. White.” Ông nói câu đó với tất cả lòng thành thực, không chút giả tạo, màu mè. Nên lời nói của ông ngày đó có tác động sâu xa. (Góp nhặt)

2. Chúng tôi phải làm gì?

Khi nghe thánh Gioan Tẩy Giả rao giảng, hàng đoàn người lũ lượt kéo đến xin chịu phép rửa ăn năn sám hối. Hơn thế nữa, họ còn muốn thay đổi cuộc đời nên ai cũng hỏi thánh nhân: “Chúng tôi phải làm gì?”. Thái độ của họ thành khẩn, đơn sơ, hiểu biết và đầy quyết tâm. Để trả lời, thánh nhân đưa ra những hướng dẫn thật cụ thể. Đó là:

Phải làm những việc cụ thể. Hai thái độ cơ bản phải có là công bình bác ái. Bác ái là chia sẻ: “Ai có hai áo, thì chia cho người không có, ai có gì ăn, thì cũng làm như vậy”. Như thế, bác ái không phải là bố thí những gì dư thừa, nhưng phải là chia sẻ trong tinh thần “nhường cơm sẻ áo” “hạt gạo cắn đôi”. Chia cả những gì mình đang cần thiết. Trong tinh thần huynh đệ. Trong tinh thần yêu người khác như chính mình. Cơm ăn áo mắc là những gì rất cụ thể thiết thực và vừa tầm tay mọi người. Ai cũng có thể chia sẻ được. Chỉ cần muốn là có thể làm được. Công bình cũng không phải là điều gì quá phức tạp. Chỉ đơn sơ giữ đúng luật pháp: nhân viên thu thuế “Đừng đòi hỏi quá mức ấn định”. Và khi thi hành luật pháp binh lính phải có lòng nhân ái chứ đừng cậy quyền thế áp bức và nhất là bóc lột người khác: “Chớ dùng vũ lực, cũng đừng vu khống mà tống tiền người ta”. Tuy đơn sơ, thiết thực nhưng lại rất quan trọng để được ơn cứu độ.

Phải làm trong đời sống cụ thể. Những việc cụ thể đó không phải tìm những nơi xa xôi mới thực hiện được. Mỗi người hãy thực hiện công bình bác ái trong đời sống thường ngày của mình, với những người sống chung quanh mình. Thánh nhân không kêu gọi người ta phải ra khỏi môi trường cũ. Ngài chỉ kêu gọi người ta từ bỏ nếp sống cũ. Người thu thuế cứ thu thuế. Binh lính cứ làm nhiệm vụ của binh lính. Nhưng làm với tinh thần mới. Điều quan trọng không phải là đổi mới nơi ở, nhưng là đổi mới chính mình, đổi mới ý nghĩ, đổi mới lời ăn tiếng nói, đổi mới việc làm. Tục ngữ có nói: “Dù có đi xa vạn dặm mà không chịu thay đổi thì bạn vẫn chỉ là con người cũ”. Cứ ở nhà mà dám đổi mới là ta đã đi những bước rất xa, sẵn sàng gặp được Chúa và lãnh nhận được ơn cứu độ.

Những người Do Thái thời Thánh Gioan Tẩy Gỉa thực lòng mong chờ Chúa đến. Nên đã hỏi ngay những việc cụ thể để làm. Và khi nhận được lời khuyên của thánh nhân, họ đã thực hành ngay tức khắc. Vì thế họ đã gặp được Chúa. Hôm nay ta cũng tích cực sửa chữa đời sống theo tinh thần công bình và nhất là theo tinh thần bác ái. Biết sống tinh thần chia sẻ. Dám cho đi cả những gì cần thiết. Mẹ Têrêsa Calcutta dạy ta: hãy cho đi cho đến khi cảm thấy đau đớn xót xa, thì sự cho đi mới thực sự có ý nghĩa. Biết cho đi như thế, chắc chắn ta sẽ gặp được Chúa.

Ta luôn bất bình với thế giới chung quanh. Ta mong ước đổi mới thế giới. Hãy nghe lời Thánh Gioan Tẩy Giả, đừng đòi hỏi người khác đổi mới nếu chính mình không đổi mới. Hãy đổi mới chính mình trước, rồi mọi người sẽ đổi mới. Khi mọi người đổi mới, thế giới sẽ đổi mới. Hãy bắt đầu sống tốt. Rồi mọi sự và mọi người quanh ta sẽ trở nên tốt. Sống tốt chính là bắt đầu thay đổi thế giới. Sống tốt chính là góp phần vào công cuộc cứu chuộc của Chúa.

Lạy Chúa, xin cho con bắt đầu cuộc đời mới ngay từ ngày hôm nay, để con được gặp Chúa. Amen.

3. Hãy chia sẽ phần ăn

Có hai gia đình cắm trại trên bờ hồ ở Wisconsin họ rất vui vẻ, tắm, bơi thuyền, ăn uống thỏa thuê, vui hưởng cái vui sống ngoài trời. Ngày Chúa nhật đến, vì quá xa nhà thờ. Bẩy em nhỏ quyết định cử hành phụng vụ lời Chúa riêng. Các em cột hai cây gỗ làm thánh giá các em vây quanh ca hát Thánh ca, đọc kinh thánh và sau cùng chia nhau bánh nhân trái cây.

Trong buổi phụng vụ lời Chúa, các em quyên góp được một số tiền nhỏ, các em quyết định gởi số tiền đó cho cơ quan cứu trợ, một tổ chức lương thực cho những người đói trên khắp thế giới.

Các em nhỏ này đã có tinh thần của bài Tin Mừng hôm nay; tinh thần của Chúa Kitô Đấng đã truyền cho chúng ta hôm nay rằng: “Ai có của ăn... Hãy chia cho người không có”.

Chúng ta thường nghe nói có hàng triệu người trên thế giới đang đói. Nếu có ai đến gõ cửa, chắc hẳn mỗi người chúng ta sẽ chia phần ăn với họ. Vấn đề khó là phần lớn chúng ta chưa bao giờ gặp một người thật sự đang chết đói, nhưng chúng ta biết rằng một phần ba thế giới mang bụng đói đi ngủ. Chúng ta có thể làm được gì?

Quả thật hàng năm chúng ta cũng có một vài lần lạc quyên, nhưng không phải là để cứu đói. Vậy trong mùa Giáng sinh sắp tới chúng ta hãy chia sẻ phúc lành của chúng ta cho nhiều anh em khác: nhất là trong phần ăn của chúng ta.

Cụ thể là chúng ta có thể quyên góp để giúp đỡ những gia đình nghèo trong xứ đạo. Những người già yếu, bệnh tật không ai chăm sóc, chúng ta hãy viếng thăm và tặng quà Giáng sinh cho họ.

Đó là tinh thần của lễ Giáng sinh, tinh thần kinh nguyện của Chúa Giêsu đã dậy chúng ta: “Xin cho chúng con cương thực hàng ngày” hãy chú ý lời “chúng con” nó bao gồm mọi người đang cần đồ ăn vật chất và tinh thần.

Hãy chuẩn bị mừng lễ Giáng sinh ở đây và lúc này bằng quyết tâm làm sao thực hành lệnh truyền của Chúa Kitô: “Ai có đồ ăn... Hãy chia sẽ cho người không có”. Amen.

4. Sám hối

Suy Niệm

Màu tím bao trùm mùa Vọng. Các Kitô hữu lo sám hối để lãnh nhận bí tích Hòa giải. Nhiều người ngại xưng tội, ngại đào bới lại quá khứ. Xưng tội mang dáng dấp của một cái gì buồn thảm! Thật ra bí tích Hòa giải là một điều tươi tắn hơn nhiều. Sám hối không phải chỉ là quay về quá khứ, mà còn là hướng đến tương lai với rất nhiều hy vọng.

Sám hối còn có màu hồng như màu áo lễ hôm nay. Khi dân chúng đến với Gioan, nhận phép rửa sám hối, họ đã hỏi ông: Chúng tôi phải làm gì đây? Cả những người thu thuế và binh lính cũng hỏi những câu tương tự.

Chúng tôi: sám hối mang tính tập thể, tính liên đới. Hội Thánh chúng tôi cùng chịu trách nhiệm về sự dữ.

Phải: một thúc bách của trái tim hoán cải thực sự.

Làm gì đây: sám hối không phải chỉ là một cảm xúc, tuy thánh thiện, nhưng lại mông lung, xa rời thực tế. Sám hối đích thực đưa đến một hành động cụ thể. Gioan đã cho ta những câu trả lời còn nguyên giá trị.
  • Sám hối là sống bác ái, có hai chia một. Nhường cơm sẻ áo là ra khỏi nỗi bận tâm về mình.
  • Sám hối là sống công bằng, không tham lam vơ vét, không dùng quyền lực để cưỡng đoạt, áp bức ai.
  • Sám hối là hết nô lệ cho của cải, tiền bạc, quyền lực. Như thế dọn đường cho Chúa đến bằng sám hối đòi ta chỉnh đốn lại con đường đến với tha nhân.

Trở về với Chúa diễn tả qua việc trở về với anh em.

Gioan không bắt những người thu thuế bỏ cái nghề ô nhục, cũng không đòi những người lính Do thái bỏ phục vụ Hêrôđê. Ông cũng không bảo họ lên Đền Thờ dâng lễ đền tội, hay vào hoang địa sống nhiệm nhặt như mình. Họ cứ làm nghề của họ, nhưng với một tinh thần mới. Sám hối thực sự thì đụng đến bàn tay, một bàn tay chứa đựng cả con tim và khối óc.

Trong mùa Vọng này, chúng ta phải hỏi nhau: mình phải làm gì? Giới trẻ hôm nay muốn cảm thấy mình có ích, và muốn dùng thời giờ của mình sao cho có ý nghĩa. Hãy gặp nhau, chấp nhận nhau và làm việc với nhau. Hãy cùng nhau làm một điều tốt nào đó cho đồng bào. Hãy cho thấy mình là người có đức tin. Đức tin được diễn tả qua hành động yêu thương cụ thể, và yêu thương lại làm cho đức tin lớn lên.

Xưng tội cần dốc lòng chừa. Dốc lòng chừa đòi đổi lối nghĩ và lối sống. Đứa con thứ cần sống khác, sau khi trở về nhà Cha. Chúng ta đã được chịu phép rửa trong Thánh Thần, nhưng chúng ta vẫn cần được Thánh Thần thanh tẩy mỗi ngày. Chúng ta không thể tự sức mình canh tân cuộc sống. Trở lại với tình yêu là hồng ân của Thánh Thần. Ước gì chúng ta mềm mại để cho Ngài uốn nắn và dạy ta biết làm gì để bày tỏ lòng hoán cải.

Cầu Nguyện

Lạy Chúa Giêsu, con đường dài nhất là con đường từ tai đến tay. Chúng con thường xây nhà trên cát, vì chỉ biết thích thú nghe Lời Chúa dạy, nhưng lại không dám đem ra thực hành. Chính vì thế Lời Chúa chẳng kết trái nơi chúng con. Xin cho chúng con đừng hời hợt khi nghe Lời Chúa, đừng để nỗi đam mê làm Lời Chúa trở nên xa lạ.Xin giúp chúng con dọn dẹp mảnh đất đời mình, để hạt giống Lời Chúa được tự do tăng trưởng.

Ước gì ngôi nhà đời chúng con được xây trên nền tảng vững chắc, đó là Lời Chúa, Lời chi phối toàn bộ cuộc sống chúng con.

Tag: