Hiệp sống Tin mừng: Chúa nhật 4 Thường niên năm C

Đức GiêSu Đã, Đang Và Mãi Mãi Yêu Chúng Ta Cho Đến Cùng

"Tình yêu Đức Kitô thúc bách chúng ta"

Hiệp sống Tin mừng: Chúa nhật 4 Thường niên năm C

Hiệp sống Tin mừng: Chúa nhật 4 Thường niên năm C

Lc 4,21-30

"Họ kéo Người lên tận đỉnh núi,
để xô Người xuống vực.
Nhưng Người băng qua giữa họ mà đi."

(Lc 4,29-30)

Anh chị em thân mến.

Khung cảnh của bài Tin Mừng hôm nay cũng giống như bài Tin Mừng tuần trước: trong Hội đường của người Do thái ở Nazatreh, quê hương của Chúa Giêsu. Khán giả nghe Chúa nói hôm nay cũng là những người quen thuộc với Chúa. Điều khác biệt mà bài Tin Mừng hôm nay muốn cho chúng ta thấy không phải là những lời do Chúa dậy mà là thái độ của những người nghe Chúa hôm đó. Thái độ đó như thế nào? Lúc đầuthiện cảm và thán phục. Sau đóbất mãn và căm phẫncuối cùng là muốn thủ tiêu Chúa. Câu hỏi chúng ta đặt ra ở đây là tại sao thái độ ấy lại có thể thay đổi mau chóng và quyết liệt đến như thế? Chúng ta sẽ tìm hiểu lý do.

I. Như Tin Mừng Matthêô, Marco và Luca thuật lại thì trước khi về Nazareth Chúa đã làm hai Phép lạ tại Carphanaum: Một là phép lạ Chúa chữa người đàn bà loạn huyết; hai là Chúa phục sinh đứa con gái của ông hội trưởng hội đường ở đó. Chắc chắn những điều ấy đã đến tai những người ở Nazareth vì Nazareth và Carphanaum cách nhau không bao xa.

+ Một Chúa Giêsu được đã nổi tiếng như thế bây giờ trở về quê hương của mình thì làm sao mà những người đồng hương cùng sống với Chúa bao nhiêu năm trời… lại không cảm thấy tự hào? Chắc chắn là phải có.

Tin Mừng cho chúng ta thấy tất cả những người có mặt trong hội đường hôm đó đều cảm thấy tràn ngập sự thán phục trước những lời đầy vẻ duyên dáng của Chúa. Họ ngỡ ngàng trước con người mà họ đã từng quen biết từ bao nhiêu năm nay… ngỡ ngàng đến nỗi họ phải thốt lên: "Người này không phải là con của ông Giuse đó sao? (Mc 6,2-4). Bởi đâu ông ấy được như thế? - Tại sao mà ông ta được khôn ngoan như vậy? - Ông ấy không phải là con bác thợ mộc, mẹ của ông ta không phải là bà Maria và anh em của ông ta không phải là Giacôbê, Giuđa và Simon đó sao.v.v... và .v.v...

+ Nhưng rồi đàng sau sự tự hào đó là một cái gì khác hơn. Luca không nói trắng ra những gì họ mong ước nơi Chúa nhưng Luca cho chúng ta thấy chính Chúa đã thấy rõ ý đồ của họ nên Chúa đã vạch mặt chỉ tên những gì mà họ mới chỉ mong ước ở trong lòng: "Hẳn các ngươi sắp nói cho ta nghe câu ngạn ngữ này: Hỡi thầy thuốc hãy tự cứu lấy chính mình. Những gì chúng tôi nghe đã xảy ra ở Capharnaum, ông hãy làm như vậy tại quê hương ông đi" Không biết anh chị em nghĩ sao chứ riêng tôi tôi tưởng những người ở Nazareth mong ước như thế cũng là lẽ rất thường tình. Thế nhưng ở đây Chúa lại từ chối. Không những Chúa không đáp ứng những gì người đồng hương của Ngài mong mỏi mà ngược lại thái độ của Chúa xem ra có vẻ khiêu khíchthách thức đối với họ cho nên từ thái độ cảm phục tự hào lúc ban đầu, những người Nazareth đã chuyển qua thái độ bất mãn và thậm chí còn muốn giết cả Chúa.

II. Tại sao Chúa lại đối xử với họ như thế? Một số nhà chú giải Thánh Kinh cho rằng:

+ Những mong ước của họ quá ích kỷ.

Họ tưởng họ là người đồng hương với Chúa và họ có quyền đòi hỏi Chúa phải ưu tiên làm cho họ những gì họ mong muốn.

Còn Chúa thì rõ rệt là Ngài không muốn như thế. Ngài là Thiên Chúa của mọi người. Con người không có quyền đòi hỏi bất cứ điều gì từ Thiên Chúa. Thiên Chúa hoàn toàn tự do.

Những người ở Nazareth cay cú không phải là vì Chúa vung vãi những phép lạ trong những thành khác và từ chối không làm ở quê hương, nhưng họ cay cú vì Chúa đã dùng hai thí dụ thời ngôn sứ Êlia và Êlisê để nói thẳng cho họ biết rằng Ngài có quyền làm Phép lạ cho cả dân ngoại, coi dân ngoại ngang hàng và nhiều khi còn có vẻ ưu tiên hơn cả dân Do thái. Điều đó đối với họ thật là quá đáng và chính vì thế mà họ tỏ ra phẫn nộ mặc dầu họ rất cảm phục trước những lời từ môi miệng Ngài nói ra.

+ Lý do thứ hai theo Charde R. Erdman: Tại họ chưa đủ niềm tin nơi Chúa. Sở dĩ như thế là vì họ quá quen với Chúa. Ông nói:"Những kẻ quá quen thuộc với những bậc vĩ nhân thường lại không thể nhận ra hết sự vĩ đại của họ và nhiều khi người ta không hiểu được những kẻ mà họ tưởng là quen biết hơn hết"

Xin được minh họa bằng một chứng từ có thật:

Một hôm cậu bé Tagore làm thơ và đưa lên cho cha cậu xem. Ông thân sinh chê:

- Dở lắm!

Hôm sau, cậu bé lại đem cho cha một sáng tác mới. Ông thân sinh cũng bĩu môi:

- Thơ này là thơ thẩn!

Tagore mới nghĩ ra một kế. Cậu đem bài thơ của mình mới làm, chép lại thật kỹ và ghi xuất xứ là trích sao trong một tập thơ cổ. Cậu lại đề tên cuốn thơ cổ ấy cẩn thận. Lần này ông thân sinh đọc xong, mắt sáng rực lên, vỗ đùi khen:

- Tuyệt! Tuyệt! - Rồi đem khoe tíu tít với con trai lớn của ông hiện đang làm chủ nhiệm một tờ báo văn học:

- Ba đã đọc rất nhiều thơ cổ, nhưng chưa thấy bài nào hay như bài này!

Ông con trai chủ nhiệm đọc xong, cũng hết mình đồng ý, xoa tay khen ngợi là hay đáo để và muốn trích đăng lên tờ báo của ông...  Bấy giờ ông anh cũng như ông thân sinh đòi Tagore phải đem cuốn thơ cổ kia để đối chiếu chứng minh và cũng để dễ bề ghi xuất xứ khi đăng.

Đến đây câu chuyện mới vỡ lẽ ra: Có ai ngờ trên đây là một cuộc dàn cảnh bịa đặt của thằng bé Tagore. Ông thân sinh giận sôi máu lên. Nhưng rồi cũng phải nhìn con với cặp mắt thán phục và hối hận cho thái độ mâu thuẫn của mình trước đó.

Ngạn ngữ của chúng ta có câu: Quen quá hóa nhàm.

Hay câu khác: Gần chùa gọi Bụt bằng anh.

Con người thường hay phán đoán người khác theo những tiêu chuẩn nhiều khi rất giả dối, có khi chỉ theo những giáng vẻ bên ngoài thậm chí nhiều khi còn chụp lên họ những hình ảnh hoàn toàn méo mó theo cách nhìn và cách phán đoán rất chủ quan của mình.

Nhưng người Nazareth trong bài Tin Mừng hôm nay cũng vậy. Họ tưởng được gần gũi với Chúa bao nhiêu năm trời là họ đã hiểu được Chúa. Thật là sai lầm. Đối với họ Chúa dù có thế nào đi nữa thì cũng chỉ là con bác thợ mộc... Trong trường hợp như thế nếu Chúa có làm được phép lạ thì phép lạ của Chúa cũng chẳng có được một giá trị nào ngoài việc thỏa mãn sự tò mò của họ. Và chính vì thế mà Chúa đã không làm được phép lạ nào. Ngược lại Chúa còn phải buồn mà nói cho họ biết một sự thực này: "Không một tiên tri nào mà được nổi tiếng tại quê hương mình"

Thế là những người đồng hương với Chúa đã để mật một cơ hội bằng vàng để được hưởng những hồng ân Chúa ban cho.

Còn chúng ta thì sao? Trên đời có những cơ may chỉ đến có một lần. Hãy biết quí trọng những hồng ân Chúa ban cho chúng ta hằng ngày.

Hạnh phúc chỉ đến với những ai biết rơi lệ khi tổn thương, biết đau đớn khi mất mát, biết khát khao và nuôi dưỡng những giấc mơ, biết cố gắng làm lại khi thất bại, bởi vì chỉ có như vậy, mọi người mới biết trân trọng những gì đã và đang đến trong cuộc đời mình.

THỨ HAI TUẦN 4 THƯỜNG NIÊN
Mc 5,1-20

Thật vậy, Đức Giêsu đã bảo nó:
"Thần ô uế kia, xuất khỏi người này!"

(Mc 5,8)

Tin Mừng thứ bảy tuần trước cho chúng ta thấy uy quyền của Chúa trên sức mạnh của thiên nhiên: Chúa dẹp yên sóng gió bão táp.

Phép lạ trong Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy uy quyền của Chúa Giêsu trên ma quỉ: Chúa chiến thắng ma quỷ.

Khi được Chúa giải thoát thì kết quả hết sức tốt đẹp:

1. Chúa Giêsu đã bày tỏ quyền năng của Người. Sức mạnh của Người là sức mạnh vô địch. Chẳng những Người trừ thần ô uế, mà còn tiêu diệt chúng để giải thoát con người khỏi tình trạng tha hóa thiêng liêng và tâm tình sợ hãi.

Chúa Giêsu có một quyền năng vô địch.

Một bé trai hỏi bố:

- Quỉ lớn hơn con không?

- Lớn hơn.

- Quỉ lớn hơn bố không?

- Lớn hơn.

- Quỉ lớn hơn Chúa Giêsu không?

- Không con ạ. Chúa Giêsu lớn hơn quỉ.

Chú bé thinh lặng, rồi mỉm cười:

- Vậy con không sợ quỉ.

Để chứng tỏ Chúa Giêsu có một sức mạnh vô song, trước tiên Marcô nhấn mạnh đến tính cách trầm trọng của cơn bệnh mà người bị quỷ ám đã phải chịu. Rõ ràng là bệnh tật, sự ác càng trầm trọng thì người chữa trị càng phải cao tay. Tên quỉ đã bẻ cong được gông cùm và xiềng xích, thì Đấng chế ngự được nó nhất định là phải mạnh hơn. Chúa đã trừ khử được tên quỉ đó, chứng tỏ sức mạnh của Chúa là sức mạnh vô địch.

Hơn nữa việc xua đuổi cả một bầy quỉ cho nó nhập vào đàn heo, làm cho đàn heo chừng hai ngàn con nhảy xô xuống biển và chết ngộp dưới đó, thì đó là dấu chỉ một người được ơn giải thoát đã có ảnh hưởng tới người xung quanh. Vì đối với người Do Thái, heo là con vật biểu tượng của sự ô uế. Sự chết chìm bi thảm của cả bầy heo cũng ngụ ý sự chấm dứt quyền lực của sự ác vốn ngự trị trên miền đất này và càng làm sáng tỏ hơn ảnh hưởng phấn khởi của ơn giải thoát do Chúa Kitô mang lại vậy.

2. Việc Chúa Giêsu làm phép lạ này ở miền đất của dân ngoại, chứng tỏ sứ mạng của Chúa Giêsu không còn đóng khung trong miền đất của người Do Thái nữa. Ngài đến để cứu vớt tất cả mọi người. Và sau khi Phục Sinh, Chúa còn sai các Tông Đồ đi rao giảng cho muôn dân. Rồi khi các người Kitô hữu đầu tiên ở Jêrusalem bị bắt bớ thì họ đã chạy sang tận bên kia bờ Địa Trung Hải. Tại đây họ cũng đã bắt đầu rao giảng về Chúa cho những cư dân ở đó. Rồi từ đó, Tin Mừng được loan đến cho những nơi khác.

Tin Mừng được loan báo cũng có nghĩa là quyền lực của Satan bị đẩy lui.

Có một người đàn ông ở Scotland. Người này bị ngã gãy lưng vào năm 15 tuổi. Suốt 40 nằm trên giường bệnh, nỗi đau của ông không thể nào tả xiết. Nhưng ơn Chúa đã giúp ông luôn bình tâm chấp nhận. Có lần ông được hỏi:

- Có bao giờ ma quỉ cám dỗ ông không, chẳng hạn nó bảo ông Thiên Chúa là quan án nghiêm khắc để ông nghi ngờ tình Ngài.

Ông đáp: "Có chứ, nhiều lần lắm. Khi thấy người khác giàu có, Satan bảo: nếu Chúa tốt lành, hẳn Ngài đã cho anh khỏe mạnh giàu sang, chứ đâu anh phải khốn khổ như vậy.

- Thế ông làm gì khi Satan cám dỗ?

- À, con dẫn Satan đến núi Calvê, chỉ cho nó thấy Đức Giêsu với các dấu đinh và nói: "Ngài không yêu tôi đó sao? Thế là nó cút, để tôi yên."

3. Sau khi được chữa lành, người trước kia đã bị quỷ ám nài xin Chúa cho được ở với Người. Nhưng Người đã không đồng ý và bảo anh trở về nhà loan truyền và làm chứng cho tình yêu của Thiên Chúa giữa những người thân yêu của mình.

Chúa Giêsu đã làm ơn cho anh nhưng không muốn giữ anh lại với Người để kẻ chịu ơn phải suốt đời đền ơn đáp nghĩa. Người chỉ muốn ơn ban chảy tràn đến mọi người, qua trung gian của những kẻ đã một lần được yêu thương và chữa lành.

Con đường dẫn ta đến với Chúa chẳng bao giờ là đường cùng hay ngõ cụt nhưng luôn dẫn ta đến với mọi người, trước hết là những người thân cận, rồi đến những người đáng thương hay đang cần được yêu thương và giúp đỡ.

Chúa ơi! Đường của con là Chúa. Tình yêu của con là Chúa. Và quê hương của con cũng là Chúa. (Epphata)

Lạy Chúa Giêsu,
xin sai chúng con lên đường
nhẹ nhàng và thanh thoát,
không chút cậy dựa vào khả năng bản thân
hay vào những phương tiện trần thế.

Xin cho chúng con làm được những gì Chúa đã làm
Xin cho chúng con biết chia sẻ Tin Mừng
với niềm vui của người tìm được viên ngọc quý,
biết nói về Ngài như nói về một người bạn thân.

Xin ban cho chúng con khả năng
đẩy lui bóng tối của sự dữ, bất công và sa đọa. Xin giúp chúng con lau khô những giọt lệ của bao người đau khổ thể xác tinh thần.

Lạy Chúa Giêsu, thế giới thật bao la
mà vòng tay chúng con quá nhỏ.
Xin dạy chúng con biết nắm lấy tay nhau
mà tin tưởng lên đường,
nhẹ nhàng và thanh thoát. (Rabboni)

THỨ BA TUẦN 4 THƯỜNG NIÊN
Mc 5,21-43

"'Này bé, Thầy truyền cho con: chỗi dậy đi!'
Lập tức con bé đứng dậy và đi lại được,
vì nó đã mười hai tuổi."
(Mc 5,41-42)

Chúa Giêsu tỏ uy quyền trên sự sống và sự chết:

1. Sống, nhất là sống đời đời là một điều vô cùng quí giá, không có một giá trị nào trên trần gian này có thể mua được. Chúng ta vẫn tin rằng, đằng sau cuộc sống này là cuộc sống vĩnh cửu nhưng không biết niềm tin của chúng ta như thế nào?

Một bà cụ năng đến nhà thờ cầu nguyện. Một cậu bé lấy làm ngạc nhiên liền theo dõi. Cậu nấp sau bàn thờ nghe bà cầu nguyện lớn tiếng:

- Lạy Chúa, con đã già và sống đủ. Bất cứ lúc nào Ngài gọi, con sẵn sàng.

Bà cầu nguyện suốt ba ngày cũng vẫn những lời ấy. Ngày thứ tư, sau khi bà cầu nguyện, cậu bé giả giọng nói vọng ra ngay sau bàn thờ:

- Ta đã nghe lời cầu xin của con, Ta sẽ đến đón con lúc chín giờ sáng mai.

Bà về nhà, không sao ngủ được vì lo lắng về điều đã nghe. Bà không chấp nhận nổi những gì bà đã cầu nguyện. (Góp nhặt)

Có lẽ chúng ta cũng như thế. Chúng ta mới chỉ tin vào sự sống thật mai sau trên môi miệng nhưng trong thực tế có lẽ chúng ta còn coi trọng sự sống đời này hơn.

2. Đối với Chúa, chết chỉ là một giấc ngủ, mở mắt thức dậy là một cuộc sống thật, cuộc sống vĩnh cửu.

Khi Lazarô chết, Chúa Giêsu nói: "Lazarô, bạn của Ta đang yên giấc. Thầy đi đánh thức anh ấy dậy" (Ga 11,11).

Hôm nay, khi đứng trước một đứa bé đã chết, Chúa Giêsu nói:

- Đứa bé có chết đâu. Nó ngủ đấy thôi (Mc 5,39).

Vậy có hai việc phải làm.

* Phải tin vào cuộc sống mai sau.

Nếu không tin vào cuộc sống mai sau thì làm sao con người có thể đủ can đảm sống cho cuộc sống đó.

Một vị Giám Mục nổi tiếng hiền hòa, dễ mến. Khi được hỏi bí quyết để được an tâm bước vào đời sau, Ngài đáp là:

Thứ nhất, tôi nhìn lên trời để bảo tôi là đời tôi phải tới đó.

Thứ hai, tôi nhìn xuống đất để thấy phần mộ tôi sau này thật nhỏ hẹp.

Thứ ba, tôi nhìn chung quanh tôi để thấy bao người nghèo khổ mà đáng kính trọng hơn tôi.

Thứ bốn, tôi phải luôn học để biết hạnh phúc thật ở đâu, mọi nỗ lực của tôi sẽ chấm dứt như thế nào và những than thở của tôi thật vô cớ biết bao! (Góp nhặt)               

* Thứ đến là phải tin vào Thiên Chúa.

Cả hai phép lạ thánh Marcô kể lại, đều là kết quả của lòng tin:

- Chúa đã nói với người đàn bà bị bệnh loạn huyết: "Đức tin con đã chữa lành con" (Mc 5,34).

Băng huyết là bệnh nan y trong thời Chúa Giêsu. Người mắc bệnh này thường tuyệt vọng. Nhưng người phụ nữ trong Tin Mừng đã không giam mình trong nỗi thất vọng. Bà đã tìm đến với Chúa và hết lòng tin vào Người. Bà tin rằng, Người có thể lấp đầy những khát vọng của mình. Dù cách biểu lộ niềm tin của bà còn thô thiển nhưng lòng của bà rất chân thành. Bà đã tìm cách sờ vào áo của Chúa và chỉ cần như vậy thôi cũng đủ để Chúa Giêsu nhận ra lòng tin mãnh liệt của bà, lòng tin mà, theo Chúa, đã cứu chữa bà và đem lại cho bà sự bình an.

- Còn đối với ông trưởng hội đường, Chúa bảo: "Đừng sợ, hãy cứ tin" (Mc 5,36).

Trường hợp này là trường hợp hết sức đặc biệt. Ai cũng biết ông ta là một nhân vật quan trọng: Vừa là chủ tịch ban quản trị nhà hội, vừa là chủ tịch hội đồng trưởng lão có trách nhiệm thu xếp mọi việc trong nhà hội nhưng khi con gái ông ngã bệnh, ông đã nghĩ ngay đến Chúa Giêsu. Không những thế ông còn đến gieo mình dưới chân Chúa Giêsu, là một ông thầy giảng đạo lang thang mà trước đó có thể ông đã xem Ngài như một kẻ xa lạ, một người giảng tà giáo nguy hiểm, một người bị các nhà hội cấm kỵ, một kẻ mà bất luận một người nào coi trọng chính đạo cũng phải xa lánh.

Ở đây chúng ta thấy, ông đã đủ khôn ngoan để biết từ bỏ các thành kiến của mình vào lúc cần thiết nhất.

Lúc này và ở đây chỉ có một điều quan trọng đối với ông: con ông phải được sống và ông thấy chỉ có Chúa Giêsu mới cứu được con mình. Chính vì thế mà ông đã đến với Chúa bằng tất cả một niềm tin chân thành và quả thực Chúa đã không phụ lòng ông.

Lạy Chúa Giêsu,
có những ngày con cảm thấy
đời sống thật nặng nề;
có những lúc con muốn buông trôi,
để mặc cho dòng đời đưa đẩy;
có những khoảng thời gian dài,
con như mảnh đất khô khan cằn cỗi.

Xin cho con ánh sáng của Chúa
để con biết lối mà đi.

Xin cho con tấm bánh của Chúa
để con có sức mà dấn bước.

Xin cho con Lời của Chúa
để con vững một niềm tin.

Xin cho con sự sống của Chúa
để con lấy lại niềm hăng say và sự tươi tắn,
niềm vui và sáng tạo.

Lạy Chúa Giêsu,
con thấy mình cần Chúa
trong mỗi giây phút của cuộc đời.
Ước gì ai gặp con
cũng gặp được sự hiện diện của Chúa. Amen.

ĐỨC MẸ DÂNG CON VÀO ĐỀN THÁNH
Lc 2,22-40

"Mọi con trai đầu lòng
phải được gọi là của thánh, dành cho Chúa."

(Lc 2,23)

Câu chuyện chúng ta vừa nghe trong bài Tin Mừng hôm nay là một trong những câu chuyện rất đẹp về cuộc đời thơ ấu của Chúa Giêsu Kitô. Qua câu chuyện này, một lần nữa, chúng ta lại có dịp hiểu thêm về một vài khía cạnh đặc biệt trong cuộc đời của Ngài.

1. Qua câu chuyện hôm nay rõ ràng chúng ta thấy Chúa Giêsu muốn được trở nên một con người hoàn toàn giống chúng ta. Trong thư gửi Tín hữu Do Thái, Thánh Phaolô đã viết rất hay về vấn đề này. Ngài viết như sau: "Vì những kẻ được Người giúp đỡ không phải là các Thiên Thần, nhưng là con cháu Apraham. Bởi thế Người đã phải nên giống anh em mình về mọi phương diện để trở thành một vị Thương Tế nhân từ và trung tín trong việc thờ phượng Thiên Chúa để đền tội cho dân." (Dt 2,16-17)

Chúng ta khó có thể tìm thấy một diễn tả nào về Chúa Giêsu-làm-người hay hơn thế.

Như anh chị em đã biết Chúa đến với loài người chúng ta là để cứu chuộc con người chúng ta. Chúa đã không muốn thực hiện công việc cứu chuộc này từ xa. Để làm công việc này, Chúa đã làm người. Thánh Gioan đã viết: "Ngài đã hóa thành nhục thể và cư ngụ giữa chúng ta." (Ga 1,14)

Một Thiên Chúa cao cả, linh thiêng, đã nhận lấy một thân xác như mọi người chúng ta. Nguyên việc này thôi thì tôi tưởng cũng đã là một việc kỳ diệu rồi. Thế nhưng Chúa chưa muốn dừng lại ở đó. Nhận lấy một thân xác để được ở giữa loài người như một người, Chúa Giêsu vẫn chưa lấy làm đủ. Người còn muốn đi xa hơn như lời Thánh Phaolô nói, Người muốn trở nên giống mọi người trong mọi sự... "chỉ trừ tội lỗi."

Bài Tin Mừng hôm nay nói Chúa Giêsu được dâng tiến lên Thiên Chúa theo luật của Môise. Thực ra thì việc này là bổn phận của Đức Maria và thánh Giuse. Theo nghĩa vụ thì Thánh Giuse và Đức Mẹ phải làm như thế. Theo luật Môise cũng là tục lệ của người Do thái, thì những người con trai được sinh ra, nhất là con đầu lòng, sau 40 ngày, phải đưa đến Đền thờ, trước là dâng con cho Chúa, sau là bà mẹ phải làm lễ tẩy uế: Khi ấy, đủ ngày thanh tẩy theo luật Môisê, cha mẹ Chúa Giêsu liền đem Người lên Giêrusalem để hiến dâng cho Chúa (Lc 2,22). Dù Đức Maria và thánh Giuse biết rằng trẻ Giêsu là Con Thiên Chúa, nhưng các ngài cũng vẫn chu toàn mọi lề luật: Như đã chép trong Lề luật Chúa rằng: "Mọi con trai đầu lòng sẽ được gọi là người thánh thuộc về Chúa" (Lc 2,23). Dâng con trong đền thờ là để thánh hiến người con cho Thiên Chúa và cha mẹ có thể chuộc lại bằng cách dâng cúng của lễ như luật định.

2. Bên cạnh đó bài Tin Mừng hôm nay còn cho chúng thấy những bài học khác cũng không kém quan trọng. Tôi muốn nói đến sự vâng phục và lòng khiêm nhường, đặc biệt của Đức Maria.

Sự vâng phục thánh ý Chúa là một trong nét đẹp trong đời sống của Đức Maria và Thánh Giuse. Các Ngài đã thể hiện sự vâng phục này ngay từ khi các ngài được Chúa trao cho trách nhiệm cộng tác với Thiên Chúa trong việc thực hiện công cuộc cứu chuộc loài người. Thánh Giuse đã vâng phục thế nào thì mọi người chúng ta đã biết.

Còn với Đức mẹ Maria thì chúng ta thấy: Mẹ Maria đẹp đẽ hơn mặt trời, trong sáng hơn mặt trăng và rực rỡ hơn rạng đông, nhưng Mẹ đã tuân hành giữ luật của Thiên Chúa một cách thật hoàn hảo. Mẹ giữ luật vì lòng yêu mến Thiên Chúa. Mẹ đã lên đền làm lễ dâng con và thanh tẩy. Thánh Phanxicô Salêsiô nói: "Rất Thánh Trinh Nữ tự ý tuân giữ luật thanh tẩy vì Mẹ yêu mến và kính trọng Thiên Chúa. Mẹ hay Con Mẹ không buộc phải vâng phục, nhưng vì tình mến làm cho Mẹ tuân giữ. Mẹ tuân giữ luật để làm gương cho những người khác".

Thêm vào đó chúng ta còn thấy được nơi Đức Mẹ một tấm gương khác về lòng khiêm tốn

Chúng ta biết, dù được mọi đặc ân vượt mức trên mọi thụ tạo, Mẹ Maria vẫn hạ mình thẳm sâu dưới mọi tạo vật: Mẹ xao xuyến bối rối trước lời chào tán tụng của Thiên sứ Gabriel (Lc 1,29), và nhận mình là phận nữ tỳ thấp hèn của Chúa (Lc 1,48). Cả cuộc sống Mẹ Maria được dệt bằng đức khiêm tốn, nhất là từ ngày thiên sứ truyền tin qua ngày Mẹ thăm viếng thánh Elizabeth tới ngày Mẹ dâng Con trong đền thờ. Thánh Phanxicô Salesiô nói: "Cao sâu biết bao sự khiêm tốn mà Chúa chúng ta và Mẹ Maria đã thi hành khi lên đền thờ: Chúa đến đền thờ để được hiến dâng như tất cả các con trẻ của những người tội lỗi. Mẹ Maria đến để làm lễ thanh tẩy như tất cả các bà mẹ phàm trần. Cần gì mà Mẹ phải thanh tẩy, vì Mẹ đã không bị ô nhiễm do đặc ân tuyệt diệu từ lúc đầu thai mà các thần Cherubim và các Seraphim không tài nào sánh ví". Vậy mà Chúa Giêsu và Đức Mẹ vẫn làm như thế.

Mẹ đã làm thế bởi vì Mẹ thực sự nhận biết được Thiên Chúa là Đấng cao cả và biết mình chỉ là một thụ tạo thấp hèn.

Chúng ta hãy tập sống khiêm tốn như Đức Mẹ để được luôn xứng đáng với tình thương của Chúa.

Đức cố Giáo Hoàng Gio-an 23 kể lại một kinh nghiệm độc đáo của đời mình như sau: “Lúc tôi mới được bầu làm Giáo Hoàng để lãnh đạo Giáo Hội hoàn vũ, tôi rất lo lắng và sợ hãi trước một trách nhiệm quá lớn lao và nặng nề. Nhưng một đêm kia, trong giấc ngủ chập chờn không yên, tôi nghe có một tiếng nói phán bảo tôi: “Kìa Gio-an, đừng tự xem mình là quan trọng!”

Tôi choàng tỉnh dậy, ngẫm nghĩ thấm thía về ý nghĩa giấc chiêm bao. Và kể từ dạo ấy, tôi đã cố gắng áp dụng câu nói này trong đời tôi, trong mọi công việc của Giáo Hội mà tôi phải giải quyết mỗi ngày. Đừng tự xem mình là quan trọng! Và thật sự, tôi đã ăn ngon ngủ yên như trước khi được chọn làm Giáo Hoàng!

Khiêm nhường là một đức tính được Thiên Chúa yêu mến. Khác hẳn với tính tự cao, tự đại có thể được so sánh với những ngọn núi, triền đồi. Đức khiêm nhường giúp chúng ta đào sâu những trũng thấp, để đón nhận được những Hồng Ân của Thiên Chúa đã không dừng lại trên đỉnh núi hay triền đồi, những chảy tràn xuống và đọng lại chan chứa ở những nơi thấp nhất dưới chân đồi...

Có người hỏi Thánh Phanxicô thành Assidi (1182-1226) tại sao và bằng cách nào ngài làm được nhiều sự trọng đại, Ngài vui vẻ trả lời:

- Cũng dễ thôi, Chúa từ trời cao nhìn xuống và nói: “Ta kiếm đâu được một người yếu đuối nhất, bé mọn nhất, vô nghĩa nhất ở trần gian này!”

Ngài nhìn thấy tôi, Ngài nói:

- Đây là người Ta tìm được và Ta muốn hành động qua người này. Người ấy sẽ thấy rằng Ta dùng nó chỉ vì nó là con người hèn mọn nhất, khiêm hạ nhất.

Lạy Mẹ Maria đầy lòng khiêm nhu, xin uốn lòng mỗi người chúng con nên giống Mẹ. Amen.

THỨ TƯ TUẦN 4 THƯỜNG NIÊN
Mc 6,1-6

"Ngôn sứ có bị rẻ rúng,
thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình."

(Mc 6,4)

Chúa Giêsu bị người đồng hương chống đối.

1. Thông thường ta dễ ngưỡng mộ tài năng và đức độ của những "người dưng" và coi thường những "người nhà". Thánh Gioan Tiền Hô nói với dân Do Thái "Có một vị giữa các ông mà các ông không biết" (Ga 1,26).

"Gần chùa gọi bụt bằng anh". Phải chăng vì Chúa quá gần và quá dễ dãi mà người ta đã coi thường Chúa?

Tin vào một Chúa Giêsu đang làm những phép lạ hiển hách ở Capharnaum thì dễ hơn là tin vào một Chúa Giêsu là con bác thợ mộc, là anh chị em với mình.

Qua bài Tin Mừng hôm nay, Chúa muốn nói với chúng ta, hãy biết tin vào Chúa Giêsu trong đời thường, trong công việc, trong anh chị em… hơn là tin vào một Chúa Giêsu ở ngoài cuộc sống của chúng ta.

2. Chúa Giêsu đã phải đau xót mà nhắc lại một câu ngạn ngữ: "Ngôn sứ có bị rẻ rúng thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình hay giữa đám bà con thân thuộc trong gia đình mình mà thôi." (Mc 6,4)

Đi đâu Chúa Giêsu cũng được ca tụng tôn vinh, nhưng khi trở về quê hương mình thì lại bị coi thường.

Tại sao thế?

Con người thường có thói để cho những thành kiến chi phối mình.

Những người ở Nazareth đã làm cho Chúa Giêsu không làm được một phép lạ nào. Một sự thiệt thòi không đáng xảy ra nhưng nó đã xảy ra vì sự suy nghĩ hẹp hòi của họ.

Nếu chúng ta cũng như thế thì chúng ta sẽ làm mất đi rất nhiều niềm vui trong cuộc sống của chúng ta. Hãy biết đón nhận cuộc sống đang sống với tất cả lòng yêu thương và quảng đại. Lúc đó chúng ta sẽ thấy được cuộc sống quả là một hồng ân.

Trong kho tàng những câu chuyện cổ của người Đức, người ta đọc được câu chuyện này:

Có một nhà hiền triết nọ, chuyên cố vấn giúp đỡ những ai gặp buồn phiền, chán nản trong cuộc sống. Bất cứ ai đến xin chỉ bảo cũng đều nhận được từ ông những lời khuyên thiết thực…

Một hôm, có một người thợ may mặt mày thiểu não chạy đến xin ông giúp đỡ. Gia đình ông gồm có ông, vợ ông và 7 đứa con trai nhỏ. Tất cả chen chúc nhau trong một căn nhà gần như đổ nát. Người vợ phải la hét suốt ngày vì sự quấy phá của 7 đứa con. Xưởng may của ông lúc nào cũng lộn xộn, bẩn thỉu vì những nghịch ngợm của lũ trẻ. Thêm vào đó là những tiếng la hét, khóc nhè suốt ngày, khiến người thợ may không thể chú tâm làm việc được.

Nghe xong câu chuyện, nhà hiền triết mới đề nghị với người thợ may như sau:

- Anh hãy ra chợ mua cho kỳ được một con dê, rồi dắt nó về cột ngay trong xưởng may của anh.

Người đàn ông đáng thương không đoán được ẩn ý của nhà hiền triết, nhưng vẫn đặt tất cả tin tưởng vào ông, cho nên anh về thu góp hết tiền của trong nhà để ra chợ mua cho kỳ được con dê.

Chúng ta hãy thử tưởng tượng: sự hiện diện của con dê trong xưởng may sẽ giúp được gì cho anh ta? Con vật hôi hám ấy không những không giúp được gì mà còn phóng uế nhơ bẩn kêu la be be om xòm suốt ngày. Cái xưởng may của anh ta vốn đã ồn ào nay lại biến thành một chuồng súc vật bẩn thỉu không thể chịu được…

Người thợ may lại đến than phiền với nhà hiền triết vì sự hiện diện của con dê. Lúc bấy giờ, nhà hiền triết mới bảo anh:

- Anh hãy tức khắc mang nó ra chợ và bán lại cho người khác.

Người đàn ông cảm thấy như nhẹ nhõm cả người. Anh dắt con vật ra chợ. Trong khi đó, ở nhà, vợ anh mang nước vào tẩy uế cái xưởng may. Bảy đứa nhóc con của anh bắt đầu trở lại xưởng may và hò hét trở lại. Khi về đến nhà, người đàn ông nhìn xuống sàn nhà của xưởng may rồi mỉm cười nhìn những đứa con trai của anh đang chạy nhảy la hét. Anh tự nhủ: dù sao, tiếng la hét của mấy đứa con của mình, so với tiếng kêu của con vật dơ bẩn vẫn dễ chịu hơn nhiều. Anh nở một nụ cười thật tươi vì chưa bao giờ anh cảm thấy hạnh phúc bằng ngày hôm đó.

Theo tâm lý thông thường, thì chúng ta dễ có thái độ "đứng núi này nhìn núi nọ". Những cái quen thuộc, những cái trước mặt, những cái thường ngày, những cái nhỏ bé thường dễ bị khinh thường…

Không ai trong chúng ta được chọn lựa cha mẹ để sinh ra làm người. Mỗi người chúng ta đều vào đời với một hành trang có sẵn. Chúa mời gọi chúng ta đón nhận cuộc đời như một hồng ân của Chúa. Ngài mời gọi chúng ta đón nhận từng phút giây của cuộc sống như một ân huệ… Nói như thánh Phaolô: "Tất cả đều là ân sủng của Chúa". Tất cả đều phải được đón nhận với lòng biết ơn và tín thác. Có như thế, chúng ta mới có thể thấy niềm vui cho cuộc sống mình, bằng không thì suốt đời sẽ chỉ là những bất mãn, những chán nản, những thất vọng và cuộc đời như thế sẽ chẳng được chúc phúc như những người Nazareth trong bài Tin Mừng hôm nay.

THỨ NĂM TUẦN 4 THƯỜNG NIÊN
Mc 6,7-13

"Các ông đi rao giảng,
kêu gọi người ta ăn năn sám hối."
(Mc 6,12)

Chúa Giêsu đã chọn 12 tông đồ, mục đích là "để họ ở với Ngài và để Ngài sai họ đi rao giảng".

Họ phải giảng điều gì và giảng thế nào?

- Về nội dung lời giảng, Thánh Marcô tóm lược trong công thức rất gọn: "Các ông đi rao giảng, kêu gọi người ta ăn năn sám hối"(Mc 6,12).

- Về cách giảng: họ không chỉ giảng bằng lời kêu gọi, mà còn bằng những việc làm cụ thể.

- Tác phong của người rao giảng: Biết sống nghèo và tin tưởng vào Chúa quan phòng.

Cách giảng hữu hiệu nhất là làm chứng, và cách làm chứng hữu hiệu nhất là một cuộc sống nghèo, không cần gì khác ngoài ơn Chúa.

Đức Thánh cha Phaolô VI: "Con người thời đại chúng ta thích nghe các chứng nhân hơn là các bậc thầy, hoặc nếu có nghe các bậc thầy thì vì những vị thầy này là những chứng nhân".

Đã có lần Lênin nói về thánh Phanxicô Assisi như thế này: "Để có thể làm thay đổi bộ mặt thế giới, có lẽ chỉ cần 10 con người như vậy." (Trích "Mỗi ngày một tin vui")

Ngày kia, Thánh Phanxicô Assisi nói với một thầy dòng:

- Nào chúng ta cùng đi phố và giảng đạo.

Hai người ra đi, hết con đường trước mặt, quẹo sang đường khác rồi về nhà. Thầy dòng thắc mắc hỏi:

- Con nghe cha nói là mình đi phố và giảng đạo cơ mà!

Thánh Phanxicô đáp:

- Chúng ta đã giảng đạo rồi đó! Khi chúng ta đi đường. Mọi người nhìn ta, thấy phong cách của ta, nghĩ về đời sống của ta và rồi họ sẽ thắc mắc về nguồn sống nơi linh hồn của họ. Như thế, chẳng phải là ta đã giảng đạo cho họ rồi sao?

Câu nói của thánh nhân quả là khôn ngoan. Người Kitô hữu không có cách truyền giáo nào hay hơn là chính đời sống chứng tá của họ. (Góp nhặt)

Người rao giảng Tin Mừng phải thực sự là người cảm nghiệm được một cách sâu xa niềm vui của một cuộc sống siêu thoát. Có như vậy, họ mới có thể thanh thản sống cuộc đời làm chứng cho Tin Mừng.

Một ngày nọ, người cha giàu có dẫn con trai đến vùng quê để thằng bé thấy những người nghèo ở đây sống như thế nào. Họ tìm đến nông trại của một gia đình nghèo nhất nhì vùng.

Đây là một cách để dạy con biết quí trọng những người có cuộc sống cơ cực hơn mình – Người cha nghĩ đó là bài học thực tế tốt cho đứa con bé bỏng của mình.

Sau khi ở lại và tìm hiểu đời sống tại đây, họ lại trở về nhà. Trên đường về, người cha nhìn con trai mỉm cười:

- Chuyến đi như thế nào hả con?

- Thật tuyệt vời bố ạ!

- Con đã thấy người nghèo sống như thế nào rồi đấy!

- Ô, vâng rất tuyệt!

- Thế con rút ra được điều gì từ chuyến đi này?

Đứa bé không ngần ngại:

- Con thấy chúng ta có một con chó, họ có tới bốn con. Nhà mình có một hồ bơi dài đến giữa sân, còn họ thì có cả một con sông dài bất tận. Chúng ta phải đưa những chiếc đèn lồng vào trong vườn, còn họ thì có cả một bầu trời sao lấp lánh suốt đêm. Mái hiên nhà mình chỉ đến trước sân, còn họ thì nhà cửa rộng tít đến cả chân trời. Chúng ta có một miếng đất để sinh sống, còn họ thì có cả những cánh đồng trải dài. Chúng ta phải có người phục vụ, còn họ lại phục vụ người khác. Chúng ta phải mua thực phẩm, còn họ lại trồng ra những thứ ấy. Chúng ta có những bức tường bảo vệ xung quanh, còn họ có những người bạn láng giềng che chở nhau…

Đến đây người cha không nói gì cả.

- Bố ơi, con đã biết chúng ta nghèo như thế nào rồi. Cậu bé nói thêm.

Rất nhiều khi chúng ta đã quên mất những gì mình đang có và chỉ luôn đòi hỏi những gì mình chưa có hay không có. Có những thứ không giá trị với người này nhưng lại là mong mỏi của người khác, điều đó còn phụ thuộc vào cách nhìn và cách đánh giá của mỗi người. Xin Chúa cho chúng ta đừng quá lo lắng, chờ đợi vào những gì chúng ta không có hay sẽ có, mà bỏ quên những điều chúng ta đang có, dù chúng là những gì rất nhỏ nhoi. Có như thế chúng ta mới thấy cuộc đời có nhiều niềm vui và mới hăng say trong sứ mạng tông đồ.

W. Goethe nói: "Sự chiếm hữu có ý nghĩa gì đâu. Sự ưng thuận mới là tất cả".

Giữa một thế giới
chạy theo tiện nghi, hưởng thụ,
xin cho con biết bằng lòng với cuộc sống đơn sơ.

Giữa một thế giới còn nhiều người đói nghèo,
xin cho con đừng thu tích của cải.

Giữa một thế giới mà sự sống bị chà đạp,
xin cho con biết quý trọng phẩm giá từng người.

Giữa một thế giới không tìm thấy hướng sống,
xin cho con biết xây lại niềm tin.

Lạy Chúa Giêsu,
xin cho con cảm được
cơn đói đang giày vò bao người,
xin cho con nghe được lời mời của Chúa:
"Các con hãy cho họ ăn đi."

Ước gì chúng con dám trao
tất cả những gì chúng con có cho Chúa,
để Chúa trao tất cả những gì Chúa có
cho chúng con và cho cả nhân loại. Amen.

THỨ SÁU TUẦN 4 THƯỜNG NIÊN
Mc 6,14-29

Cô gái đi ra hỏi mẹ: "Con nên xin gì đây?"
Mẹ cô nói: "Đầu Gioan Tẩy Giả."
(Mc 6,24)

Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại câu chuyện Gioan Tẩy giả bị trảm quyết.

Trong câu chuyện này chúng ta thấy có ba loại nhân vật: Gioan Tẩy Giả, tượng trưng cho lớp người công chính. Hêrôđê tượng trưng cho những con người yếu đuối và Hêrôđia, tượng trưng cho những người sống theo sự dữ.  

1. Gioan Tẩy Giả tượng trưng cho những người công chính

Vâng! Đúng như thế. Ông là hình ảnh của lớp người công chính. Người công chính là người luôn thi hành ý Chúa, bất chấp mọi khó khăn. Ông đã thi hành trách nhiệm của một vị ngôn sứ một cách can đảm, không sợ vua chúa quan quyền. Và cũng như các ngôn sứ trong Cựu ước, Gioan đã bị bắt bớ vì Lời Chúa và đã bị lên án tử. Ông là người được Chúa Giêsu khen ngợi là người cao trọng nhất trong các con cái loài người do người nữ sinh ra, nhưng ông lại chết cách nhục nhã, về tay một người phụ nữ lăng loàn. Cũng như bao người công chính khác, ông là hình ảnh của Đức Kitô, Đấng Công Chính sẽ bị bắt bớ và cuối cùng bị chết nhục nhã trên Thánh Giá.

Muốn theo Chúa hôm nay tôi cũng không có con đường nào khác. Và càng chịu khổ, chịu bắt bớ thì tôi lại càng phải vui mừng vì được nên giống Chúa Kitô hơn.

Xin gửi đến anh chị em một bài thơ. Bài thơ nhỏ nhưng rất hay:

Nếu Đức Kitô là người
Và chỉ là một con người,
Tôi sẽ trung thành với Ngài
Và sẽ trung thành luôn mãi.

Nhưng nếu Đức Kitô là người
Và là Chúa Trời duy nhất,
Tôi sẽ bước đi theo Ngài
Đến tận chân trời góc biển.

2. Hêrôđê tượng trưng cho những người yếu đuối

Ông là hình ảnh của những con người yếu đuối, hướng chiều theo tội lỗi. Sở dĩ ông tống ngục ông Gioan Tẩy Giả là cũng vì nghe lời Hêrôđia xúi giục, chứ riêng ông thì ông kính sợ Gioan Tẩy Giả vì biết Gioan là người công chính thánh thiện. Máccô viết: "Ông che chở người. Khi nghe ông nói, nhà vua rất phân vân nhưng lại thích nghe". Hêrôđê đúng là mẫu người yếu đuối, buông theo sự dễ dãi đến khi muốn trở lại thì đã quá trễ, không thể làm lại được nữa.

Một chú vịt trời theo đàn bay về phương Bắc. Một buổi chiều khi đáp xuống một nông trại, chú vịt trời thấy đàn vịt nhà đang ăn bắp, liền nhảy lên để được ăn. Bữa ăn ngon làm nó không muốn bay theo đàn nữa, nó tự nhủ: để mai mốt mình bay theo cũng không muộn.

Nhưng rồi ngày qua ngày nó vẫn ở với đàn vịt nhà để được nuôi ăn. Mùa thu đến, đàn vịt trời bay từ hướng Bắc xuống hướng Nam: các bạn cũ kêu nó trở về khi bay qua nông trại. Chú vịt trời ráng sức đập cánh bay lên, nhưng đôi cánh bây giờ quá yếu, nó chỉ bay được lên nóc nhà rồi lại rơi xuống đất. Đời sống dễ dãi ở đây đã làm nó không thể bay được như xưa. Nó đành đứng nhìn đàn vịt trời bay xa dần.

Từ đó mỗi mùa xuân và mùa thu, chú vịt trời đều thấy các bạn cũ bay qua hướng Bắc rồi trở về hướng Nam.

Mới đầu nó còn thèm thuồng số phận đó, nhưng dần dần ước vọng mờ tan, nó yên lòng sống dưới đất với đàn vịt nhà trong trang trại!

3. Hêrôđia tượng trưng những người sống theo sự dữ.

Bà là mẫu người sống theo sự dữ. Đã phạm tội loạn luân, lấy em chồng của mình thì chớ, lại còn "căm thù ông Gioan và muốn giết ông". Và như chúng ta biết, dịp may đã đến để bà đạt được mục tiêu gian ác của mình. Bà đã giết Gioan, người đã dám chỉ trích tội lỗi của bà.

Người gian ác là người không biết đến hai tiếng lương thiện. Lối sống lương thiện của người công chính như luôn tố cáo họ, nên họ căm thù và muốn tiêu diệt cho bằng được. Họ trở thành nô lệ cho sự gian ác.

Thế nhưng, thử hỏi cuộc sống như vậy có hạnh phúc không thì không ai dám trả lời là có.

Đây là cuộc đối thoại của hai đứa trẻ.

Em bé A hỏi: Sao ba tao chỉ có một vợ mà ông kia lại có hai vợ?

Em bé B nói: Là tại vì ông ta thích lấy nhiều vợ.

Em bé A lại hỏi: Vậy thì ông ta không sợ Chúa phạt sao?

Em bé B nói: "Thì Chúa phạt rồi đó, hai bà vợ ngày nào cũng chửi nhau, con cái của họ thì đi bụi, còn ông thì ngày nào cũng ra quán uống rượu đến say mèm..."

Lạy Chúa Giêsu,

Chúa đã bị kết án bất công,
xin cho chúng con can đảm bênh vực sự thật.
Chúa đã bị làm nhục và nhạo báng,
xin cho phụ nữ và trẻ em được tôn trọng.

Chúa đã phải vác Thập Giá nặng nề,
xin cho những người bệnh tật được đỡ nâng.

Chúa đã bị lột áo và bị đóng đinh,
xin cho sự hiền hòa thắng được bạo lực.

Chúa đã chịu dang tay chết trên Thập Giá,
xin cho đất được nối lại với trời,
con người nối lại mối dây liên đới với nhau.

Chúa đã phục sinh trong niềm vui òa vỡ,
xin cho chúng con biết đón lấy đời thường
với tâm hồn thanh thản bình an. Amen.

THỨ BẢY TUẦN 4 THƯỜNG NIÊN
Mc 6,30-34

"Ra khỏi thuyền,
Đức Giêsu thấy một đám người rất đông
thì chạnh lòng thương,
vì họ như bầy chiên không người chăn dắt.
Và Người bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều."
(Mc 6,34)

Bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe cho chúng ta thấy Chúa Giêsu rất quan tâm đến những người khác.

a/ Trước hết, Chúa Giêsu quan tâm đến các môn đệ của Ngài.

b/ Thứ đến là Chúa Giêsu quan tâm đến đám đông.

"Ra khỏi thuyền, Chúa Giêsu thấy một đám người rất đông thì chạnh lòng thương vì họ như bầy chiên không người chăn dắt"(Mc 6,34).

1. Trước hết, Chúa Giêsu quan tâm đến các môn đệ của Ngài. Có thể nói: Môn đệ là ưu tiên số một đối với Chúa. Chính vì thế mà sau những ngày làm việc mệt nhọc, Chúa đã bảo các môn đệ hãy tìm một chỗ yên tĩnh để nghỉ ngơi.

Nghỉ ngơi để lấy lại sức, để có giờ trở lại với chính lòng mình, để kiểm điểm lại xem mình có đi đúng đường hay không.

Trong một buổi diễn thuyết về vấn đề thư giãn trong cuộc sống, người dẫn chương trình giơ cao một ly nước lên và hỏi khán giả:

- Quý vị thử đoán xem ly nước này nặng bao nhiêu?

- Điều đó còn tuỳ thuộc vào chuyện anh cầm nó trong bao lâu chứ? – Một khán giả nói.

- Đúng vậy – Người dẫn chương trình trả lời – Nếu tôi cầm nó trong một phút thì không có gì đáng nói. Nhưng nếu tôi cầm nó trong một tiếng đồng hồ thì tay tôi sẽ mỏi. Còn nếu tôi cầm nó cả một ngày, quý vị sẽ phải gọi xe cấp cứu cho tôi. Cùng một khối lượng, nhưng mang nó càng lâu thì nó càng trở nên nặng hơn.

Trong cuộc sống cũng vậy. Nếu chúng ta cứ liên tục chịu đựng gánh nặng, nó sẽ càng ngày càng trở nên trầm trọng. Không sớm thì muộn chúng ta gục ngã. "Điều quý vị phải làm là đặt ly nước xuống nghỉ một lát, rồi lại tiếp tục cầm nó lên".

Thỉnh thoảng, chúng ta phải biết đặt gánh nặng cuộc sống xuống, nghỉ ngơi lấy sức để còn tiếp tục mang nó trong quãng đời tiếp theo. Mỗi ngày, chúng ta đều cần phải có giây phút nghỉ ngơi, không bận tâm đến bất kỳ một gánh nặng nào!

2. Thứ đến là Chúa Giêsu quan tâm đến đám đông.

Chúng ta thử hỏi, thương dân Chúa làm gì? Có nhiều việc nhưng việc trước tiên Ngài làm không phải là chữa bệnh, mà là "dạy dỗ họ nhiều điều"(Mc 6,34). Chúa thương những người đau khổ, nhưng Chúa càng thương hơn những người chưa biết Tin Mừng. Nói cho người ta một lời đem lại sức sống còn có ích hơn là chữa cho người ta khỏi các bệnh tật về phần xác. Chúng ta hãy bắt chước Chúa để cũng biết làm như vậy.

Cha Badinger Germain người Pháp kể lại rằng: "Một buổi sáng nọ, tôi có hẹn với một thiếu nữ trong một quán cà phê vào lúc 6 giờ sáng. Cô ta thất vọng về cuộc đời. Tôi gắng hết sức để thuyết phục khuyên bảo cô, nhưng vô ích. Sau đó, đến 7 giờ 30 phút, cô phải đến sở làm. Đến 9 giờ cô điện thoại lại cho tôi. Giọng của cô thật vui tươi.

Ngạc nhiên, tôi hỏi lý do thì cô giải thích rằng:

- Chính người bán vé xe điện ngầm đã làm cô thay đổi. Và cô nói thêm: "Thực ra, lúc đầu con chỉ có ý gặp cha để than van chứ chẳng muốn nghe cha khuyên giải điều gì. Sau khi rời quán cà phê đi đến trạm xe điện ngầm, con đã gặp bà bán vé xe điện thật dễ thương. Bà đã cười thật tươi và nói:

- Chà, cô mặc áo đẹp quá. Màu thật là hợp với màu tóc của cô.

Ngạc nhiên, con hỏi lại:

- Tại sao bà lại khen tôi như thế?

Bà ta giải thích:

- Cô coi, trong nghề của tôi, không có gì nhàm chán bằng cả ngày chỉ có một động tác đổi những vé xe điện ngầm này để lấy tiền. Vì thế, để tạo cho cuộc đời và công việc nhàm chán này một ý nghĩa, tôi cố gắng nhìn xem trong đám những khách hàng của tôi có điều gì để khuyến khích họ không, nhất là khi tôi thấy họ có vẻ buồn bực hoặc cáu kỉnh. Thí dụ, đối với ông nọ tôi nói: "Chà ông hai có cà vạt đẹp quá". Ông ta bèn chỉnh lại cà vạt rồi mỉm cười.

Vừa rồi khi thấy cô bước đến, đôi mắt đỏ hoe, tôi nghĩ: "Cô chắc có điều gì đau khổ đây, mình phải nói một câu gì đó dễ thương với cô. Cô thấy không, làm như thế là đem lại cho cuộc sống một ý nghĩa. Nếu tôi không làm như thế, thì trong nghề của tôi thực không có gì là thích thú."

Đúng là người phụ nữ bán vé xe điện ngầm này đã biết quan tâm đến người khác và sự quan tâm ấy đã đem đến một niềm vui thanh thản cho chị.

Lạy Chúa Giêsu,
xin cho con một tâm hồn
theo hình ảnh Tấm Bánh Thánh

Một tâm hồn biết quan tâm đến những người nghèo khó,
hơn là chỉ biết nghĩ đến mình
Một tâm hồn luôn biết hướng về tha nhân,
quan tâm đến những nhu cầu và ước muốn của họ.

Một tâm hồn luôn kết hiệp với Chúa,
và múc lấy nguồn sống từ nơi Chúa,
Để rồi đem nguồn sống đó chia sẻ cho mọi người,
để tất cả được hưởng niềm vui của Chúa. Amen.

Tag:

2022-01-17