Hiệp sống Tin mừng: Chúa nhật 6 Thường niên năm B

Đức GiêSu Đã, Đang Và Mãi Mãi Yêu Chúng Ta Cho Đến Cùng

"Tình yêu Đức Kitô thúc bách chúng ta"

Hiệp sống Tin mừng: Chúa nhật 6 Thường niên năm B

Hiệp sống Tin mừng: Chúa nhật 6 Thường niên năm B

Lv 13,1-2.45-46; 1 Cr 10,31-11,1; Mc 1,40-45
XIN ƠN CHỮA LÀNH BỆNH CÙI THẾ XÁC VÀ TÂM HỒN

I. HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG: Mc 1,40-45.

(40) Có người bị phong hủi đến gặp Người. Anh ta quì xuống van xin rằng: “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch”. (41) Người chạnh lòng thương, giơ tay đụng vào anh ta và bảo: “Tôi muốn, anh sạch đi!”. (42) Lập tức chứng phong hủi biến khỏi anh, và anh được sạch. (43) Nhưng Người nghiêm giọng đuổi anh đi ngay (44) và bảo anh: “Coi chừng, đừng nói gì với ai cả, nhưng hãy đi trình diện tư tế, và vì anh đã được lành sạch, thì hãy dâng những gì ông Mô-sê đã truyền, để làm chứng cho người ta biết”. (45) Nhưng vừa ra khỏi đó, anh đã bắt đầu rao truyền và tung tin ấy khắp nơi, đến nỗi Người không thể công khai vào thành nào được, mà phải ở lại những nơi hoang vắng ngoài thành. Và dân chúng từ khắp nơi kéo đến với Người.

 

2. Ý CHÍNH: CHỮA LÀNH PHONG HỦI, DẤU CHỈ TRIỀU ĐẠI THIÊN SAI.

Với tư cách là Đấng Thiên Sai, Đức Giê-su đã cảm thông với nỗi bất hạnh của một người phong cùi, tượng trưng cho người tội nhân có lòng sám hối ăn năn. Do tin Đức Giê-su là Đấng Thiên Sai giàu tình yêu thương và đầy quyền năng, anh cùi đã can đảm chạy đến với Người, quì xuống trước mặt Người và kêu xin Người thương chữa anh được lành sạch. Trước thái độ khiêm tốn và lòng tin cậy phó thác lớn lao như vậy, Đức Giê-su đã chạnh lòng thương, đưa tay ra chạm vào người anh và lập tức anh được lành bệnh.

 

3. CHÚ THÍCH: 

- (c 40-42): + Có người bị phong hủi: Luật Mô-sê qui định: vì phong hủi là bệnh nan y và hay lây, nên những ai mắc phải bệnh này đều phải rời bỏ gia đình, sống thành nhóm riêng ở nơi hoang vắng như trong nơi nghĩa trang chôn cất người chết. Mỗi khi thấy có người nào đến gần, bệnh nhân phải la lên: “Ô uế! Ô uế!”, để người ta biết mà tránh xa ra. Luật cũng cấm những sự đụng chạm tiếp xúc với người phong hủi. Người ta sẽ lập tức bị ô uế nếu đứng gần nói chuyện hay đụng chạm tới họ. Do đó số phận của người cùi hủi vốn đã bị đau khổ do bệnh tật và thiếu thốn các nhu cầu vật chất tối thiểu, lại càng bất hạnh hơn về tinh thần do bị cô đơn. Dân Do Thái quan niệm bệnh phong hủi là hình phạt của Thiên Chúa dành cho những tội nhân phản nghich với Ngài như bà Mi-ri-am là chị ông Mô-sê đã bị Chúa phạt bị bệnh cùi vì đã chống đối Mô-sê (x. Ds 12,14).  

 

 + Đến gặp Người: Người bệnh phong hủi ở đây bất chấp sự cấm đoán của luật pháp, do tin cậy vững vàng vào lòng từ bi nhân hậu của đức Giê-su, nên thay vì tránh xa thì anh lại chạy đến gần để gặp Người. + “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch”: Đây là một lời cầu nguyện hoàn hảo đẹp lòng Chúa, vì nó biểu lộ lòng tin cậy phó thác của bệnh nhân vào Đức Giê-su. Anh ta không đòi Đức Giê-su chữa bệnh theo ý muốn của anh, mà để Người tự do hành động theo ý muốn của Người. + Người chạnh lòng thương: Chính thái độ khiêm tốn, đầy lòng cậy trông và phó thác ấy đã khiến Đức Giê-su chạnh lòng xót thương anh và chữa cho anh lành bệnh. + Giơ tay đụng vào anh ta: Giơ tay đụng vào người phong cùi là vi phạm Luật Mô-sê. “Đụng vào” cũng có thể hiểu là sự “đặt tay trên đầu bệnh nhân”, một cử chỉ Đức Giê-su thường làm khi đặt tay chúc lành cho trẻ em (x. Mc 10,16), đặt tay chữa lành nhiều bệnh nhân (x. Lc 4,40; Mc 16,18). Qua cử chỉ đặt tay trên người phong cùi này, Đức Giê-su đã thông ban sinh lực của Người để chữa bệnh cho anh. Tuy nhiên Đức Giê-su không phá hủy Luật Mô-sê, nhưng để kiện toàn những gì sai sót (x. Mt 5,17). + “Tôi muốn. Anh hãy sạch đi: Lời nói biểu lộ ý muốn của Đức Giê-su đã lập tức sinh hiệu quả, khiến bệnh phong biến mất và bệnh nhân được lành sạch.

 

- (c 43-44): + “Đừng nói gì với ai cả...”: Đức Giê-su cấm người phong hủi nói ra ơn lành bệnh lạ lùng mà Người vừa làm cho anh. Lý do của lệnh cấm này là vì Người sợ dân Do Thái đang trong tâm trạng nôn nóng mong Đấng Thiên Sai mau đến để đánh đuổi quân Rô-ma, sẽ làm hỏng sứ mạng cứu thế về thiêng liêng tinh thần theo thánh ý Chúa Cha. Chúa Giêsu yêu cầu kẻ Ngài tẩy sạch khỏi bệnh phong cùi làm một việc hoán cải nghiêm túc và rõ rệt. Sự thinh lặng mà anh ta phải giữ về biến cố anh được chữa lành sẽ ngăn cản anh khỏi gán cho mình công trạng của việc thanh tẩy này, hoặc dùng nó để thu hút sự chú ý đến mình. Sự thinh lặng sẽ gìn giữ anh khỏi chơi trò anh hùng, điều này sẽ gây ra kiêu ngạo và phát sinh tội lỗi nữa.

 

+ hãy đi trình diện tư tế, và vì anh đã được lành sạch, thì hãy dâng những gì ông Mô-sê đã truyền: Việc truyền cho anh cùi trình diện với tư tế và dâng lễ vật theo Luật Mô-sê nhằm để xác minh việc anh được khỏi bệnh và được quyền sinh hoạt lại với cộng đoàn.

 

 - (c 45): + Anh đã bắt đầu rao truyền và tung tin ấy khắp nơi: Do lòng biết ơn thôi thúc, người vừa khỏi bệnh cùi không cầm lòng được lâu, nên đã loan truyền phép lạ được khỏi bệnh đi khắp nơi. + Đến nỗi Người không thể công khai vào thành nào được...: Dân chúng nghe biết Đức Giê-su chữa được bệnh phong cùi, đã nô nức đi tìm kiếm Người, phần để thỏa mãn sự tò mò, phần để được Người chữa lành bệnh. Vì sợ dân chúng đi theo quá đông gây ồn ào ảnh hưởng đến an ninh chính trị khiến quân Rô-ma có cớ can thiệp, nên Đức Giê-su đã không vào thành. Người chỉ giảng dạy và chữa bệnh tại những nơi vắng vẻ bên ngoài thành phố (1,45). Qua đó cho thấy ai đã thực sự gặp được Đức Giêsu và được Người “chữa lành”, thì sẽ đương nhiên “rao giảng về Đức Giêsu” khiến “nhiều người khác cũng đến gặp Người”. Chính niềm vui và hạnh phúc được khỏi bệnh đã thúc bách anh cùi mở miệng để chia sẻ cho tha nhân, giống như về sau, khi bị Thượng Hội Đồng Do thái cấm rao giảng danh Đức Giê-su, hai Tông đồ Phê-rô và Gio-an đã đáp lại như sau: "Chúng tôi không thể không nói lên những điều mắt thấy tai nghe" (Cv 4,20). 

 

4. CÂU HỎI:

1) Hãy cho biết Luật Mô-sê qui định thế nào về cách đối xử với bệnh nhân phong cùi?

2) Tại sao người phong hủi trong Tin Mừng hôm hay cố tình vi phạm Luật khi đến gần Đức Giê-su thay vì lẽ ra phải tránh xa?

3) Lời nói nào cho thấy lòng tin cậy phó thác của người cùi đối với Đức Giê-su?

4) Đức Giê-su làm cử chỉ nào để chữa lành người cùi?

5) Khi chạm tay vào người cùi, Đức Giê-su có vi phạm Luật Mô-sê không? Người muốn nói lên lập trường của Người thế nào đối với Lề Luật?

6) Tại sao Đức Giê-su cấm người cùi nói ra phép lạ chữa bệnh phong cùi mà Người vừa thực hiện?

7) Tại sao người cùi đã bỏ ngoài tai để mở miệng rao truyền ơn lành đã nhận được?

 

II. SỐNG LỜI CHÚA

 

1. LỜI CHÚA: “Ta muốn. Anh hãy lành bệnh!” (Mc 1,41).

 

2. CÂU CHUYỆN: 

1) HIẾN THÂN TRỌN ĐỜI PHỤC VỤ NGƯỜI CÙI:

 

ĐA-MIÊNG là người Bỉ, gia nhập dòng Trái Tim Chúa và Mẹ Maria. Sau khi làm linh mục, ngài được bề trên sai đi giảng đạo tại Hạ Uy Di. Sau đó ngài tình nguyện đi giúp những người cùi hủi ở đảo Molokai. Ngài đã hy sinh trót cả cuộc đời, sống với họ, giúp đỡ họ và chết giữa họ.

Chiều hôm đó, trong ngôi nhà thờ rất đông bệnh nhân phong cùi, đức giám mục đứng trên bàn thờ giới thiệu với mọi người: "Các con thân mến, các con luôn mong ước có được một linh mục đến ở cùng các con, yêu thương săn sóc các con, thì đây cha Đa-Miêng, một linh mục người Bỉ sẽ sống chung với các con từ nay cho đến chết, các con có thích không?" Cả nhà thờ đều xôn xao và thì thầm to nhỏ. Cha Đa-Miêng đứng cạnh đức giám mục nghe họ nói mà không hiểu gì. Rồi họ lần lượt tiến lên cung thánh với vẻ mặt thân thiện. Khi thấy họ đến gần, cha sợ nổi da gà giống như thấy những thây ma còn sống. Họ tiến đến bên cha, người thì sờ vào mặt, người thì sờ vào tay, người thì sờ vào áo cha. Cha hỏi đức giám mục: "Thưa đức cha, họ làm gì vậy?" Đức cha trả lời: "Họ nói họ không thể tưởng tượng được một người ở phương xa, chẳng có bà con huyết thống với họ, trẻ trung, đẹp trai, không bệnh tật như họ, tự nhiên lại đến phục vụ họ trên mảnh đất cùng khốn này. Họ không tin mắt mình nên đến sờ vào người của cha, xem cha có bị bệnh phong như họ không, và họ nói: "Không, cha đẹp quá, cha không bệnh tật gì cả, cha thương chúng ta quá!".

Sống với những người phong ở đây được một thời gian, dần dần Cha Đa-Miêng đã hòa đồng được với họ, nói tiếng của họ, cha không còn cảm thấy tởm gớm họ như những ngày đầu. Cha đã quá yêu Chúa Giê-su bị bỏ rơi trong họ, nên chẳng còn thấy ghê sợ nữa. Sau nhiều năm cha cũng bị lây bệnh phong, thân mình lở loét, nhức nhối, mặt mày sần sùi, trông rất dễ sợ. Một số báo ở Bỉ đăng hình cha và kể lại sự hy sinh vĩ đại của cha. Thân mẫu của cha, mắt mờ không đọc chữ được, nhìn vào bức hình bà cũng chẳng nhận ra đứa con trai thân yêu ngày nào. Bà hỏi đứa cháu: "Hình ai đây mà trông đáng sợ vậy?" cô cháu trả lời: "Một người bị bệnh phong trên đảo Mô-lô-kai của cha Đa-Miêng đấy". Qua mắt được bà cố, nhưng họ lại nhìn nhau và không ai bảo ai, tất cả mắt đều ngấn lệ. Cha Đa-Miêng đã sống với người phong trên hòn đảo này cho đến chết. Chính tình yêu Chúa đã giúp cha can đảm hy sinh suốt đời vì họ.

Phong, hủi hay cùi là một thứ bệnh nan y và đáng sợ, nó làm cho cơ thể người ta bị lở loét. Người mắc bệnh dù còn sống nhưng đã trở thành một xác chết biết đi, với một thân hình nhớp nhúa hôi thối. Đó cũng chính là hình ảnh của một tâm hồn tội lỗi, bởi vì tội lỗi cũng làm cho người ta trở nên nhơ uế như vậy. Tuy nhiên chúng ta đã có một vị lương y tài giỏi là Chúa Giêsu. Nếu muốn được chữa lành, hãy noi gương người phong cùi đến sấp mình cầu xin Chúa xót thương. Người sẽ dạy chúng ta đến gặp linh mục trong tòa giải tội để nhận được ơn tha thứ tội lỗi.

 

2) TÌNH YÊU CHÚA THÚC BÁCH MỘT LINH MỤC SẴN SÀNG PHỤC VỤ NGƯỜI CÙI:

Đức Cha CÁT-XE (JOHN CASSAIGNE) sinh năm 1895, là Linh Mục thuộc Hội Truyền giáo Ba lê đã được nhà dòng phái sang Việt Nam truyền giáo (1926). Năm 32 tuổi Linh mục Cát-xe đã được đặt làm Cha Sở của một giáo xứ ở miền cao nguyên Di Linh. Sau mười lăm năm xây dựng công việc truyền giáo từ chỗ không có một người dần dần lên đến 400 người, biến một buôn người thượng trở thành một xứ đạo sầm uất. Về sau dù đã được thăng lên làm giám mục cai quản giáo phận Sài-gòn (1941), nhưng ngài vẫn thương yêu làng cùi với 133 người con mà ngài đã chăm sóc. Rồi đến khi phát hiện ra dấu hiệu bị bệnh cùi (1943). Ngài đã xin và được bề trên chấp thuận cho từ chức Giám Mục Sài-gòn để quay về sống với giáo dân làng cùi suốt 30 năm trời cho đến chết.

Sáu tháng cuối đời khi bị đau đớn do bệnh cùi, ngài đã nói với các tín hữu con cái rằng: “Tôi hy vọng Chúa nhân lành sắp đưa tôi về nước Chúa, nhưng tôi hứa sẽ vẫn ở bên anh chị em luôn mãi”. Trong tờ di chúc, ngài viết: “Tôi ao ước được chịu đau khổ vì danh Chúa. Tôi cũng ao ước được luôn chịu đau khổ với anh chị em. Tôi ước ao được yên nghỉ giữa những người anh em đau khổ. Tôi sung sướng được hiến thân cho quê hương Việt Nam trọn đời của tôi” (từ năm 1895 đến năm 1973). Rồi ngài đã chết trong bình an và được an táng ở giữa làng cùi vào ngày 5-11-1973.

 

3) HÀN MẶC TỬ - THI SĨ THIÊN TÀI BỆNH CÙI:

Hàn mặc Tử tên thật là Nguyễn Trọng Trí. Ngày 20 tháng 9 năm 1940, Trí được nhập trại phong tại Quy Hòa thời Mẹ Bề Trên Ma-ri-a Ju-et-ta. Sau ba tuần được điều trị, nhờ được các nữ tu Phan Sinh (Franciscaine) tận tụy chăm sóc mà bệnh tình của Trí đã thuyên giảm. Từ tuần lễ thứ tư, sinh hoạt hằng ngày của anh cứ đều đều: 5 Giờ sáng thức dậy ra nhà nguyện đọc kinh dâng lễ và rước lễ sốt sắng. 7 giờ, Trí cùng anh em bệnh nhân ăn sáng với cháo trắng và đường tán đen. 8 giờ được chăn băng bó, uống thuốc và nói chuyện với anh em đồng bệnh. 11 giờ ăn cơm trưa rồi nghỉ ngơi. 14 giờ 30 lên nhà nguyện đọc kinh lần hạt đến 17 giờ thì dùng cơm chiều… Trí là một người rất có lòng sùng kính Đức Maria, luôn cầu nguyện với Đức Mẹ và thứ bảy nào cũng đi xưng tội. Năm 1940, Trí bị bệnh kiết lỵ nặng nên kiệt sức! Đêm ngày 8. 11. 1940 Trí sáng tác bài thơ cuối cùng “Tâm Hồn Thanh Khiết” để ca tụng Đức Maria cùng các bà mẹ ở dưới đất là thân mẫu anh và các nữ tu Phan Sinh đã săn sóc cho anh. Cuối cùng Hàn Mạc Tử đã chết an bình vào ngày 11 tháng 11, 1940, hưởng dương 28 tuổi.  Thi sĩ Hàn Mặc Tử đã để lại cho đời nhiều bài thơ rất hay và đầy lòng kính tin sùng mộ. 

 

4) PHƯƠNG THUỐC HỮU HIỆU ĐIỀU TRỊ TẬN GỐC BỆNH CÙI TINH THẦN:

Câu chuyện về một bà "đạo đức" kia có kinh tế gia đình ổn định, không phải bận bịu với việc sinh nhai hằng ngày, nên bà có nhiều gian tới nhà thờ dự lễ và còn có nhiều giờ gặp gỡ bạn bè để “tám” chuyện. Nhưng bà thắc mắc tại sao có nhiều người sau lần gặp đầu đều không muốn nói chuyện với bà. Một nhóm người đang trò chuyện vui vẻ, nhưng khi vừa thấy bà đến gần muốn nhập bọn thì họ liền im bặt. Có người vừa thấy bà từ đàng xa đã vội quay đi hướng khác. Bà đã đến hỏi ý kiến một linh mục giàu kinh nghiệm mục vụ. Sau khi hỏi bà thêm một số chi tiết, vị linh mục đã đưa ra kết luận như sau: “Sở dĩ người ta xa lánh bà vì họ coi bà là giống như một con rắn độc !” Sau đó cha giải thích thêm: “Vì trong đầu bà chứa toàn những ý nghĩ không tốt về người khác, nên dẫn đến chỗ hay xét đoán ý trái cho người này, ganh tị nói xấu người kia, hoặc kết án bất công cho người mình không ưa... Mọi người có dịp nói chuyện với bà đều cảm thấy tâm hồn bất an. Nghe cha giải đáp lý do khiến mình bị người khác xa lánh, bà đã quyết tâm sửa lỗi và hỏi cha mình phải làm gì? Cha linh hướng khuyên bà nên gia nhập vào nhóm học sống Lời Chúa để hằng tuần hội họp nhau tìm hiểu Lời Chúa và quyết tâm sống theo gương mẫu và lời dạy của Chúa Giê-su. Sau một thời gian được Lời Chúa thanh luyện, bà đã được ơn Chúa biến đổi nên tốt và đã gây được thiện cảm của mọi người.

 

3. THẢO LUẬN: Để nên giống Đức Giê-su là Đấng từ bi và hay thương xót, mỗi người chúng ta nên có thái độ thế nào đối với các bệnh nhân phải chịu nhiều đau khổ như phong cùi, ung bướu, HIV-AIDS và những người bị khinh thường như cô ca-ve, những cô lỡ mang bầu trước hôn nhân?

 

4. SUY NIỆM: 

1) THÁI ĐỘ XƯA NAY CỦA NGƯỜI ĐỜI ĐỐI VỚI BỆNH NHÂN PHONG CÙI:

- Chiếc xe buýt Buôn Trấp, ngoại ô thành phố Buôn Mê Thuột tạt vào trạm đón khách. Môt nữ tu nhỏ nhắn Dòng Nữ Vương Hòa Bình nhanh nhẹn bước lên. Người soát vé hỏi đi đâu. Nữ tu nhanh nhẩu đáp: “Làm ơn cho tôi xuống trại cùi E Ana !” Nghe thế, hành khách đang nêm kín trên xe, bỗng nhiên tự động tránh xa nữ tu ấy. Thấy ghế trống do khách bỏ lại, nữ tu liền nhìn quanh cúi đầu, mỉm cười cám ơn, rồi lặng lẽ ngồi xuống lần hạt. Hình ảnh đó lâu nay đã trở nên qúa quen thuộc trên tuyến đường này. Thậm chí người soát vé cũng ngần ngại, chẳng dám đến gần, để thu tiền vé của nữ tu đang phục vụ trại cùi ấy !

- Mẹ Tê-rê-sa Can-quýt-ta một hôm đang săn sóc một bệnh nhân mình đầy thương tích bên vệ đường. Thân mình anh phát ra mùi hôi thối không thể chịu nổi. Khi mẹ Tê-rê-sa đang lau rửa các vết thương cho anh, thì một khách qua đường trông thấy, đã nói với Mẹ Tê-rê-sa như sau: “Trả cho tôi một triệu đô-la thì tôi cũng không thể làm được công việc tởm gớm này !”. Mẹ Tê-rê-sa liền ngẩng đầu lên trả lời ông ta: “Tôi cũng vậy!” 

Tiền bạc, của cải, vật chất hay bất cứ sự gì trên thế gian này cũng không thể làm cho người ta sẵn sàng hy sinh mọi sự để săn sóc các bệnh nhân bị bệnh phong cùi lở loét và hôi thối như vậy. Nhưng nhờ tình yêu và ân sủng của Thiên Chúa thì mọi sự đều có thể. Vì “Đối với Thiên Chúa không có gì là không thể làm được” (Lc 1,37).

 

2) SỐ PHẬN ĐAU THƯƠNG CỦA BỆNH NHÂN PHONG CÙI THEO LUẬT MÔ-SÊ:

Cho đến thời Chúa Giêsu, luật Mô-sê tỏ ra rất khắt khe đối với những bệnh nhân bị phong cùi. Các luật lệ này được ghi trong chương 13 sách Lê-vi, qui định tỉ mỉ rõ ràng những trường hợp nào là bị bệnh cùi và cách thức người ta phải đối xử với kẻ ấy: Khi thấy những triệu chứng bệnh ngoài da, người bệnh phải đến gặp vị tư tế để được khám nghiệm xem có bị bệnh cùi không. Nếu bị xác định là bị bệnh phong cùi thì vị tư tế sẽ tuyên bố người đó đã trở nên nhơ uế. Từ lúc đó họ không còn được ở chung với người lành, không được sống trong làng, mà phải ra sống biệt lập tại nơi hoang địa, và không được tham gia bất cứ sinh hoạt nào chung với cộng đồng, Họ không được tới gần người lành, và không được để cho người lành tới gần mình. Họ phải mặc áo rách, để tóc tai bù xù, và khi thấy người lành nào tới gần thì phải hô to lên: “Dơ đấy ! Dơ đấy !” để cho người ta biết mình bị bệnh cùi mà tránh xa ra. Nếu người bệnh đụng tới người lành hoặc có người lành nào đụng tới họ thì sẽ trở thành dơ uế và bị khai trừ và bị cấm tham dự sinh hoạt trong một thời gian.

Người cùi bị lâm vào hoàn cảnh khốn cùng: Thân xác tiêu hao, tinh thần băng hoại, đời sống chỉ còn là những tháng ngày rên siết trong đau khổ tuyệt vọng.

 

3) THÁI ĐỘ CỦA ĐỨC GIÊ-SU ĐỐI VỚI BỆNH NHÂN CÙI:

- Tin Mừng hôm nay đề cập đến phép lạ Đức Giê-su chữa lành cho một người phong cùi. Người cùi khi nhìn thấy Đức Giê-su, thay vì phải tránh xa như Luật dạy, thì anh lại đến gần và kêu xin Người chữa lành: ”Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch “ (Mc 1,40). Đây là một lời cầu xin đẹp lòng Đức Giê-su. Vì qua câu “Nếu Ngài muốn”, anh coi ý muốn của Chúa quan trọng hơn ý muốn của anh, và anh phó thác để Người toàn quyền quyết định cứu chữa cho anh hay không. 

 

Còn chúng ta, đã có khi nào chúng ta cầu xin Chúa với tâm tình phó thác cậy trông vào tình thương và quyền năng của Chúa như người phong cùi hôm nay không? Đã có lần nào khi cầu xin, chúng ta đặt ý muốn của Chúa lên trên ý muốn của chúng ta hay chúng ta thường làm ngược lại là muốn được Chúa thỏa mãn theo ý chúng ta: “Xin cho con được như ý”, thay vì lẽ ra phải cầu nguyện như Đức Giê-su phó thác mọi sự trong tay Chúa Cha: “Lạy Cha. Nếu được, thì xin cho chén này rời khỏi con. Nhưng xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha” (Mt 26,39), hoặc như lời cầu của người cùi hôm nay: “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch”.

- Tin Mừng hôm nay cũng thuật lại thái độ của Đức Giê-su đối với bệnh nhân cùi như sau: “Người chạnh lòng thương, giơ tay đụng vào anh và bảo: Tôi muốn, anh sạch đi ! Lập tức, chứng phong cùi liền biến mất, và anh liên được lành sạch” (x. Mc 1,41-42). 

Chính do chạnh lòng thương xớt nên Đức Giê-su đã vượt qua rào cản của Luật Mô-sê để đến gần người bệnh phong hủi thay vì tránh xa họ. Người không sợ bị ra ô uế theo Luật khi giơ tay ra đụng chạm vào các vết thương lở loét của anh để ban ơn chữa lành cho anh. 

Do chạnh lòng thương nên Người truyền cho anh đi trình diện với tư tế và dâng của lễ theo Luật Mô-sê để được tái hòa nhập với gia đình và xã hội, mà trước đó anh đã bị cách ly ra sống trong nghĩa trang, vì bị coi như là người đã bị chết.

Ngày nay, mỗi khi lãnh nhận các bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể, mỗi người chúng ta cũng được Chúa “chạnh lòng thương” chạm đến, hầu ban ơn chữa lành bệnh tật về thể xác và tâm hồn. 

 

4) THÁI ĐỘ CỦA BỆNH NHÂN CÙI SAU KHI ĐƯỢC CHỮA LÀNH:

- Niềm vui được Đức Giê-su chạm đến và ban ơn chữa lành khiến người cùi trong Tin Mừng hôm nay quyết tâm chu toàn những điều luật đòi hỏi. Nhưng anh ta không thể im lặng, giữ riêng cho mình niềm vui ơn cứu độ anh đã nhận được, nên đã nói ra cho mọi người được biết ơn lành Chúa đã thương ban. Đây là thái độ nhiệt tình truyền giáo mà mỗi chúng ta cần học tập noi theo.

- Mỗi lần xưng tội rước lễ, chúng ta cũng được Chúa chạm đến để chữa lành tội lỗi và các thói hư, chúng ta cũng phải mở miệng cao rao lòng thương xót của Chúa, để làm cho “danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến” và chu toàn sứ vụ loan báo Tin Mừng theo lênh truyền của Chúa: “Anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giê-ru-sa-lem, trong khắp các miền Giu-đê, Sa-ma-ri và cho đến tận cùng trái đất” (Cv 1,8).

 

5. LỜI CẦU: 

- LẠY CHÚA GIÊ-SU, qua bài Tin Mừng hôm nay, chúng con đã học được nơi Chúa tình thương và sự cảm thông với những người đau khổ bất hạnh: Chúa đã chạnh lòng xót thương người phong hủi, nên đã không sợ bị nhơ uế theo Luật định, Chúa đã giơ tay chạm đến người bệnh và làm cho anh nên trơn sạch. Lạy Chúa, nhiều lần khi đi thăm trại cùi để tặng quà và sinh hoạt với trẻ em trong trại... con thấy mình không mấy thoải mái khi phải giao tiếp với những bệnh nhân cùi. Con muốn được đeo khẩu trang và mang găng tay cho an toàn, và mong sao cuộc thăm viếng sớm kết thúc... Hôm nay con rất hổ thẹn khi biết Chúa đã giơ tay ra chạm vào người cùi để bày tỏ sự cảm thông với họ. Con cũng cảm phục các chị nữ tu, tuy tuổi đời còn trẻ mà đã tình nguyện dâng hiến tuổi thanh xuân, đến sống chung và phục vụ các bệnh nhân phong cùi ! Con thấy chị em không quá sợ bị lây bệnh như con ! Xin Chúa chúc phúc và trả công bội hậu cho các chị em này. Xin cũng giúp con sẵn sàng đến với những bệnh nhân khác như bệnh nhân bị ung bướu, HIV-AIDS,... Đến với những cụ già cô đơn bất hạnh, những tù nhân trong nhà tù... để xoa dịu phần nào nỗi đau của họ, và giúp họ vượt qua hoàn cảnh, luôn tín thác vào tình thương bao dung của Chúa.         

- “Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con biết tỏa hương thơm của Chúa đến mọi lúc mọi nơi.

Xin hãy đổ tràn đầy tâm hồn chúng con bằng lửa Thần Khí và sức sống của Chúa.

Xin hãy xâm chiếm toàn thân chúng con để chúng con chiếu tỏa sức sống của Chúa.

Xin hãy chiếu ánh sáng tình thương của Chúa qua lời nói và hành động của chúng con, để những người chúng con tiếp xúc cảm nhận được Chúa đang hiện diện nơi chúng con.

Xin cho chúng con biết rao giảng về Chúa, không phải bằng lời nói suông, nhưng bằng chính cuộc sống chứng tá, hy sinh quên mình và phục vụ với trái tim tràn đầy tình yêu thương của Chúa.- (Lời cầu của Mẹ Tê-rê-xa Can-quýt-ta)

 

X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.

Tag:

2021-02-14