LỄ CHÚA THĂNG THIÊN C
Cv 1, 1-11; Ep 1, 17-23; Lc 24, 46-53
CHỨNG NHÂN BÁC ÁI – PHƯƠNG THẾ TRUYỀN GIÁO HỮU HIỆU
I. HỌC LỜI CHÚA
1.TIN MỪNG: Lc 24, 46-53
(46) Khi ấy Đức Giê-su hiện ra với các môn đệ và bảo: “Có lời Kinh thánh chép rằng: Đấng Ki-tô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại. (47) Và phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giê-ru-sa-lem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội. (48) Chính anh em là chứng nhân của những điều này”. (49) Và đây, chính Thầy sẽ gửi cho anh em điều Cha Thầy đã hứa. Còn anh em, hãy ở lại trong thành, cho đến khi nhận được quyền năng từ trời cao ban xuống. (50) Sau đó, Người dẫn các ông tới gần Bê-ta-ni-a, rồi giơ tay chúc lành cho các ông. (51) Và đang khi chúc lành, thì Người rời khỏi các ông và được rước lên trời. (52) Bấy giờ các ông bái lạy Người, rồi trở lại Giê-ru-sa-lem, lòng đầy hoan hỷ, (53) và hằng ở trong Đền thờ mà chúc tụng Thiên Chúa.
2. Ý CHÍNH:
Tin mừng hôm nay thuật lại việc Đức Giê-su sau khi phục sinh đã hiện ra với các môn đệ vào chiều ngày Thứ Nhất trong tuần, nhằm mục đích dạy các ông hiểu Người trải qua cuộc tử nạn và phục sinh đúng như lời Thánh kinh, và các ông có bổn phận làm chứng về những điều mắt thấy tai nghe ấy. Người cũng hứa sẽ ban Thánh Thần đến giúp đỡ các ông. Sau đó, Đức Giê-su lên trời đang khi giơ tay chúc phúc cho các ông ở gần làng Bê-ta-ni-a. Rồi các ôing trở về Giê-ru-sa-lem cầu nguyện tại nhà Tiệc Ly để chuẩn bị đón nhận ơn Chúa Thánh Thần.
3. CHÚ THÍCH:
- C 46-48: + Khi ấy Đức Giê-su hiện ra với các môn đệ: Về con số môn đệ được chứng kiến việc Chúa Giê-su lên trời thì Tin mừng Lu-ca không nêu rõ, đang khi Tin mừng Mát-thêu và Máccô nói là 11 ông (x Mt 28, 16; Mc 16, 15). Về nơi Chúa lên trời thì các tác giả không thống nhất: Lu-ca cho biết ở gần làng Bê-ta-ni-a (x Lc 24, 50), Mátthêu xác định là xứ Ga-li-lê, tại quả núi đã được Người chỉ định trước (x. Mt 28, 16). Sách Công vụ thì cho biết Đức Giê-su lên trời tại núi Ô-liu gần thành Giê-ru-sa-lem (x Cv 1, 12) + Phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giê-ru-sa-lem: Lu-ca luốn nhấn mạnh về tầm quan trọng của Giê-ru-sa-lem. + Chính anh em là chứng nhân của những điều này: Các Tông đồ được sai đi nói cho mọi người biết về Đức Giê-su, dựa theo những điều mắt thấy tai nghe, sau khi Người từ cõi chết sống lại (x. Ga 21, 24; Cv 3, 15).
- C 49-50: + Chính Thầy sẽ gửi cho anh em điều Cha Thầy đã hứa: Đức Giê-su tiên báo điều Chúa Cha đã hứa là gửi Chúa Thánh Thần đến với các Tông đồ sau khi Người rời bỏ thế gian mà về cùng Chúa Cha (x Cv 1, 8). + Cho đến khi nhận được quyền năng từ trời cao ban xuống: Quyền năng này chính là sức mạnh của Thánh Thần. Trong Tân ước, Chúa Thánh Thần và quyền năng luôn gắn liền với nhau. Chẳng hạn trong biến cố truyền tin, sứ thần đã nói với Trinh nữ Ma-ri-a: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên Bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên Bà” (Lc 1, 35). Sau khi chiến thắng Xa-tan cám dỗ, Đức Giê-su đã trở về Ga-li-lê trong quyền năng Thánh Thần để bắt đầu sứ vụ (x. Lc 4, 14-19). Giờ đây, Đức Giê-su lại sắp trao cho các Tông đồ quyền năng Thánh Thần sau cuộc Tử Nạn và Phục Sinh của Người. Từ đây, các ông đã cố gắng chu toàn sứ vụ làm chứng về mầu nhiệm Chúa Giê-su đã chết và sống lại (x. Cv 4, 33). Các ông không dùng sức riêng làm các phép lạ, nhưng nhờ quyền năng Thiên Chúa và nhờ Danh Đức Giê-su Ki-tô (x Cv 3, 16; 4, 7-10). + Người dẫn các ông tới gần Bê-ta-ni-a: Với tư cách là Vua Mê-si-a, Đức Giê-su đã khải hoàn tiến vào thành Giê-ru-sa-lem từ làng Bê-ta-ni-a (x. Lc 19, 28-29). Giờ đây với tư cách là Đấng Phục Sinh chiến thắng tử thần, Đức Giê-su cũng khải hòan về trời từ làng Bê-ta-ni-a này (x. Lc 24, 50). + Rồi giơ tay chúc lành cho các ông: Thời Cựu ước, các Tổ phụ dân Ít-ra-en thường chúc lành cho con cháu trước khi nhắm mắt như: I-xa-ác chúc lành cho Gia-cóp (x. St 27, 23-29); Gia-cóp chúc phúc cho 12 con trai (x. St 49, 28); Mô-sê chúc phúc cho con cái Ít-ra-en (x. Đnl 33, 1). Ở đây, trước khi về trời, Chúa Giê-su cũng chúc lành cho các Tông đồ. Ngày nay, vào cuối Thánh lễ, linh mục chủ tế cũng chúc lành cho các tín hữu trước khi giải tán họ.
- C 51-52: Người rời khỏi các ông và được rước lên trời: Qua sự kiện lên trời này, tác giả Tin mừng Lu-ca cho thấy hai mầu nhiệm Phục Sinh và Thăng Thiên luôn gắn bó mật thiết với nhau. Trong sách Công vụ (1, 6-11), tác giả Lu-ca coi việc Thăng Thiên như kết thúc các lần Chúa hiện ra với các môn đệ, khởi đầu sứ vụ làm chứng cho Người tại Giê-ru-sa-lem cho đến tận cùng thế giới (x. Cv 1, 8).
4. CÂU HỎI:
1) Chúa Giê-su đã lên trời tại nơi nào? Bao nhiêu môn đệ đã được chứng kiến Người lên trời ? 2) Theo Tin mừng Lu-ca: Giê-ru-sa-lem có vai trò gì trong công cuộc cứu độ của Đức Giê-su ? 3) Các Tông đồ phải làm gì để thi hành sứ vụ làm chứng nhân cho Đức Giê-su ? 4) Đức Giê-su hứa ban quyền năng từ trên cao xuống trên các Tông đồ. Vậy các ông đã nhận được quyền năng ấy khi nào ? 5) Tin mừng Lu-ca cho thấy hai mầu nhiệm Phục Sinh và Thăng Thiên có liên quan với nhau ra sao ?
II. SỐNG LỜI CHÚA
1.LỜI CHÚA: “Chính anh em là chứng nhân của những điều này” (Lc 24, 47-48).
2.CÂU CHUYỆN:
1) CHỨNG NHÂN BÁC ÁI: PHƯƠNG THẾ TRUYỀN GIÁO HỮU HIỆU.
Một tân tòng gặp một anh bạn vô tín. Người vô tín này đã hỏi thăm về việc theo đạo của anh như sau:
- Nghe nói anh mới theo đạo Công giáo phải không ?
- Vâng, đúng hơn là tôi mới theo làm môn đệ Chúa Giê-su.
- Thế thì chắc anh đã phải biết rõ về ông Giê-su. Vậy hãy cho tôi biết ông Giê-su sinh ra ở đâu ?
- Tôi đã học qua rồi, nhưng rất tiếc bây giờ tôi lại quên mất.
- Thế ông Giê-su sống ở trần gian bao nhiêu năm ?
- Tôi không nhớ rõ lắm.
- Vậy anh có biết ông ta đã giảng bao nhiêu bài, làm bao nhiêu phép lạ, có bao nhiêu quyển sách đã viết về ông ta ?...Nói chung, sự nghiệp của ông ta ra sao ?
- Tôi cũng không rõ lắm.
- Như vậy là anh đã biết quá ít về ông Giê-su. Vậy sao anh lại theo đạo của ông ta ?
- Anh đã nói đúng. Tôi rất xấu hổ vì mới biết quá ít về Đức Giê-su. Thế nhưng, điều tôi biết rất rõ là thế này: ba năm trước, tôi là một tên nghiện rượu, sáng say chiều xỉn, nợ nần chồng chất. Gia đình lâm vào tình trạng bất hạnh. Vợ con đều buồn giận và không muốn nhìn mặt tôi. Tôi chán nản tuyệt vọng, thậm chí muốn đâm đầu vào xe lửa chết quách đi cho xong ! Nhưng một hôm tôi đã gặp được một người bạn công giáo. Anh này đã đưa tôi đến gặp một linh mục và tôi được vị này khuyên chừa bỏ các thói hư, được giới thiệu công ăn việc làm và được ghi tên theo học lớp giáo lý công giáo. Đến nay sau một năm tôi đã trả hết được nợ nần, đã chừa bỏ được tật say sỉn, gia đình tôi đã tìm lại được hạnh phúc. Mỗi chiều vợ con tôi đều vui vẻ chào đón tôi về nhà sau giờ tan sở. Sở dĩ tôi được hạnh phúc như ngày nay, tất cả đều bắt nguồn từ niềm tin vào Đức Giê-su. Và đó là những gì tôi biết rõ về Người !!!
2) CHU TOÀN SỨ MỆNH HOÀN TẤT TÁC PHẨM CỦA THẦY:
GIA-CO-MO PUC-CI-NI, một nhạc sĩ sáng tác người Ý, đã để lại cho đời một số những tác phẩm ca nhạc kịch (opera) rất nổi tiếng. Năm 1922, khi được 64 tuổi, nhạc sư Puc-ci-ni bị bệnh ung thư ác tính. Mặc dù bị cơn bệnh hành hạ đau đớn, nhưng ông vẫn quyết tâm hoàn tất vở ca kịch TU-RAN-DOT mà bây giờ nhiều người đánh giá là vở ca kịch hay nhất của ông. Ông đã làm việc ngày đêm không nghỉ. Nhiều người khuyên ông hãy nghỉ ngơi vì chắc ông sẽ khó lòng hoàn tất được vở ca kịch này. Khi cơn bệnh trở nên trầm trọng, Puc-ci-ni đã viết cho các học trò của ông như sau: ”Nếu thầy phải ra đi không kịp hoàn tất được vở ca kịch Tu-ran-dot, thầy muốn các trò tiếp tục công việc để hoàn thành tác phẩm ấy cho thầy”.
Năm 1924, Puc-ci-ni được đưa sang một bệnh viện tại nước Bỉ để chịu giải phẫu và hai ngày sau thì qua đời. Sau khi ông mất, các học trò của ông đã qui tụ lại, phân công mỗi người một phần tùy tài năng để hoàn tất vở ca kịch TU-RAN-DOT của thầy, và sau nhiều ngày vất vả, họ đã hoàn tất được vở ca kịch nổi tiếng này. Năm 1926, vở ca kịch TU-RAN-DOT lần đầu tiên được trình diễn tại nhà hát kịch ở Milan. Vở ca kịch đã được nhạc trưởng là môn sinh rất được Puc-ci-ni ưa thích điều khiển. Khi dàn hòa tấu trình diễn tới khúc nhạc mà Puc-ci-ni đã sáng tác dang dở, những giọt nước mắt đã rơi xuống trên khuôn mặt của người điều khiển. Ông đã ngưng dàn nhạc lại, buông cây đũa điều khiển xuống, quay ra phía khán giả nói lớn: ”Nhạc sư đã viết đến đây, rồi ông qua đời”. Cả nhà hát im lặng một hồi lâu không một tiếng động ! Sau đó, nhạc trưởng cầm cây đũa, quay ra khán giả, mỉm cười qua những giọt lệ và nói lớn: ”Nhưng các môn sinh của ông đã tiếp tục hoàn tất tác phẩm này”. Khi vở ca kịch kết thúc, cả nhà hát bùng lên những tràng pháo tay như sấm nổ vang trời. Mắt mọi người đều rơi lệ và từ đó về sau không ai có thể quên được giây phút đáng nhớ ấy (viết theo Sống Lời Chúa giữa dòng đời, tr 190).
Rao giảng Tin mừng là sứ vụ Đức Giê-su đã trăn trối lại cho các môn đệ Người, cho Giáo hội nói chung và cho mỗi tín hữu chúng ta nói riêng. Trước khi lìa xa môn đệ về trời, Chúa Giê-su đã để lại chúc thư cho Hội Thánh qua các Tông đồ như sau: ”Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy truyền cho anh em. Và đây Thầy sẽ ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28, 19-20).
3) GIÁ TRỊ HOÁN CẢI CỦA LỜI CHÚA TRONG SÁCH THÁNH:
Tại một nước thuộc châu Phi, một nhà buôn Âu Châu khi đi vào một bộ lạc hoang dã, thấy một thổ dân đang đọc sách liền hỏi xem anh đang đọc sách gì ? Anh đáp: “Đọc Kinh Thánh”. Nhà buôn cười cười nói: “Thứ đó, ở xứ tôi đã lỗi thời rồi! Không ai thèm đọc nó nữa !”. Người Phi Châu liền đáp: “Nếu ở đây mà Kinh Thánh cũng lỗi thời như ông nói, thì ông đã bị người trong bộ lạc chúng tôi ăn thịt rồi !”.
4) LÀM CHỨNG CHO CHÚA BẰNG LỜI NÓI:
Cách đây ít lâu, tờ “Lơ Fi-ga-rô” (Le Figaro) đã có đăng một bài báo phỏng vấn Tổng thống Nga Pu-tin, nội dung thuật lại việc ông Pu-tin đã tuyên xưng đức tin để làm chứng cho Chúa như sau: Phóng viên hỏi ông Pu-tin về chuyến đi Giê-ru-sa-lem của ông mới đây, nhiều người đã thấy ông đến cầu nguyện tại mồ Đức Giê-su và trên tay có cầm cây thánh giá. Vậy ông có cảm thấy mâu thuẫn giữa việc trước đây từng là cựu sĩ quan của tình báo KGB với việc ngày nay lại bày tỏ đức tin vào Chúa Giê-su hay không?” Tổng thống Pu-tin đã trả lời như sau: “Cuộc sống được tạo nên bằng những điều mâu thuẫn. Chỉ khi nào chết thì người ta mới hết mâu thuẫn... Mẹ tôi là một phụ nữ theo đạo. Mẹ tôi đã bí mật làm lễ rửa tội cho tôi tại nhà thờ. Vậy tại sao các ông lại ngạc nhiên khi thấy tôi cầm cây thánh giá mà cầu nguyện tại ngôi mộ của Chúa Giê-su ? Tôi tự hào là một tín hữu Ki-tô... Niềm tin của tôi đã cho tôi thêm tinh thần và bình an trong tâm hồn”.
3. THẢO LUẬN: Con người ngày nay thích nghe các chứng nhân hơn thầy dạy, thích nhìn thấy những gương sáng hơn nghe lời giảng suông, như Ba-banh (Babin) đã nói: “Người ta chỉ có thể tin vào Đức Giê-su, khi họ tin vào tình yêu của những kẻ đi loan báo Người”. Bạn có đồng ý với các nhận định nói trên hay không ? Tại sao ?
4. SUY NIỆM:
1) Cần xác tín về quê trời đời sau: Trước cuộc tử nạn, Đức Giê-su đã khích lệ các môn đệ như sau: ”Lòng anh em đừng xao xuyến. Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy. Trong nhà Cha của Thầy có nhiều chỗ ở; nếu không, Thầy đã nói với anh em rồi. Vì Thầy đi dọn chỗ cho anh em. Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy sẽ trở lại, và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó” (Ga 14, 1-3). Thánh Phao-lô cũng khẳng định: ”Quê hương chúng ta ở trên trời, và chúng ta nóng lòng mong đợi Đức Giê-su Ki-tô từ trời đến cứu chúng ta” (Pl 3, 20).
Trong thực tế, thánh Phao-lô đã nhận xét: “Có nhiều người sống thù nghịch với thập giá Ðức Ki-tô. Chung cuộc đời họ là hư vong, chúa tể của họ là cái bụng, và họ đặt vinh danh của họ trong những điều ô nhục; Họ chỉ ưa chuộng những cái trên cõi đời này” (Pl 3, 17). Có nhiều tín hữu đã quá bám víu vào các thực tại trần gian là những cái nay còn mai mất, như: tiền tài, sắc đẹp, danh vọng, chức quyền… Thánh Phao-lô cũng khuyên mỗi người chúng ta hôm nay như sau: Còn chúng ta, quê hương chúng ta ở trên trời, và chúng ta nóng lòng mong đợi Đức Giê-su Ki-tô từ trời đến cứu chúng ta (Pl 3, 20).
2) Điều kiện lên trời là sống đức Tin bằng thực thi đức Cậy đức Mến:
Để được vào Nước Trời do Đức Giê-su thiết lập, các tín hữu phải tin Thiên Chúa và tin vào Đấng Thiên Chúa sai đến là Giê-su Ki-tô. Tin bằng lời tuyên xưng đức tin mà thôi chưa đủ, nhưng còn phải thể hiện đức tin bằng hành động, là vâng phục thánh ý Thiên Chúa như Chúa Giê-su đã dạy: ”Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: “Lạy Chúa ! Lạy Chúa !” là được vào Nước Trời cả đâu ! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy, là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi” (Mt 7, 21-23). Cụ thể muốn vào Nước Trời phải tuyên xưng đức tin bằng đức Cậy là sự chuyên cần cầu nguyện và thực thi đức Mến là quan tâm chia sẻ và khiêm nhường phục vụ Chúa đang hiện thân nơi tha nhân, đặc biệt những người nghèo hèn bệnh tật đau khổ...
3) Về sứ vụ loan báo Tin Mừng và làm chứng cho Chúa Giê-su hôm nay ?:
- Đức giáo hoàng Phao-lô VI đã nói: ”Mỗi người giáo dân, tự bản chất, là một chứng nhân”. Bởi vì khi lãnh nhận phép rửa tội và thêm sức, chúng ta đã được Đức Giê-su trao cho sứ vụ làm chứng cho Người. Ngày nay tuy chúng ta không xem thấy, không được gặp gỡ tiếp xúc trực tiếp với Chúa Giê-su như các Tông đồ hay như dân Do thái khi xưa, nhưng chúng ta nhờ đức tin, vẫn có thể suy niệm và thực hành Lời Chúa và nhận được ơn Thánh Thần để nên con người mới giống như Đức Giê-su. Cách thức làm chứng tốt nhất là bằng lối sống quên mình vị tha bác ái noi theo gương mẫu và lời dạy của Đức Giê-su với ơn trợ giúp của Chúa Thánh Thần.
- Cụ thể: người tín hữu phải làm cho tình yêu thương, sự khiêm nhường phục vụ của Chúa thấm nhập vào môi trường gia đình và xã hội. Một Ki-tô-hữu đích thực không thể làm ngơ, hoặc khoanh tay trước những vấn đề bức xúc của xã hội như: sự bất công, nghèo đói, thất nghiệp, luân lý suy đồi, các tệ nạn tham ô, trộm cướp, mãi dâm, ma túy, dịch bệnh, ô nhiễm môi trường v.v... Lối sống đạo của các tín hữu hôm nay không phải chỉ dừng lại ở việc đọc kinh đi lễ để được lên thiên đàng, và không quan tâm đến nỗi đau của người bên cạnh. Giáo Hội kêu gọi mỗi tín hữu phải ý thức sứ vụ loan báo Tin Mừng bằng lời rao giảng kèm theo lối sống chứng nhân bác ái, tích cực góp phần xây dựng môi trường mình đang sống ngày một Xanh Sạch Đẹp, không còn cảnh bất công bóc lột và cần góp phần bài trừ các tệ nạn xã hội…
4) Phải loan báo Tin Mừng thế nào để giúp lương dân tin yêu Chúa ?:
Nên nhớ rằng: Việc giúp một người lương từ bỏ đạo mình đang theo để gia nhập vào đạo công giáo không dễ chút nào. Nó đòi các tín hữu chúng ta phải đón nhận ơn Chúa Thánh Thần để áp dụng các phương pháp tích cực như sau:
a) Cần năng cầu nguyện cho việc truyền giáo như Đức Giê-su dạy: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít. Anh em hãy xin Chủ ruộng sai thêm thợ gặt đến”. Việc truyền giáo là công việc vượt quá tầm sức tự nhiên của loài người chúng ta nên cần được Thánh Thần giúp đỡ, như Chúa Giê-su đã nói: “Vì không có Thầy anh em chẳng làm gì được” (Ga 15, 5), hoặc như lời sứ thần Gáp-ri-en thưa với Đức Ma-ri-a: “Vì không có gì mà Chúa không làm được” (Lc 1, 37), và lời thánh Phao-lô: “Tôi trồng, A-pô-lô tưới, nhưng Chúa mới làm cho cây mọc lên” (1 Cr 3, 6).
b) Cần tránh những lối hành đạo hình thức bề ngoài: như thi đua xây dựng nhà thờ to đẹp, tổ chức lễ hội hoành tráng … Nhưng cần chú trọng xây dựng một lối sống đạo dựa trên việc học sống Lời Chúa, thực thi bác ái cụ thể …
c) Cần tránh lối hành xử coi thường người lương: Khi có dịp tiếp xúc với ban hành giáo hay các mục tử thiếu lòng thương xót, người lương sẽ bất mãn và ghét đạo.
d) Việc truyền giáo phải cụ thể: Cần quan tâm cầu nguyện cho anh em lương dân, nhất là các thân nhân chưa biết Chúa như cha mẹ, chồng vợ, anh chị em ruột thịt, bạn bè … để xin Chúa giúp họ sớm nhận biết tin yêu Chúa... Hãy trao tặng các sách báo công giáo để họ có dịp tìm hiểu về đạo như giáo lý công giáo, giải đáp thắc mắc về đức tin, truyện Kinh thánh Cựu Tân Ước, truyện các thánh… Quan tâm truyền bá rao giảng Tin Mừng trên truyền thông, các trang mạng xã hội như Youtube, facebook…
e) Cần phải có cú “hích” cụ thể: Các việc tốt nói trên mới chỉ là tạo điều kiện giúp người lương hiểu biết và có thiện cảm với đạo. Cần phải có một “cú hích” thêm để họ quyết tâm vượt qua khó khăn trở ngại. Cũng nhờ có tình yêu của người công giáo mà một bạn trai hay bạn gái ngoại đạo sẽ vượt qua các rào cản tâm lý tinh thần nói trên. Nhờ tham dự khóa giáo lý dự tòng, giáo lý hôn phối, mà người lương có dịp tập sống theo Lời Chúa dạy, để đức Tin của họ ngày thêm vững mạnh.
g) Vai trò của các phép lạ: Ngày nay anh em lương dân cũng rất cần những “cú hích” là các ơn lành Chúa ban qua việc tôn sùng Lòng Chúa Thương Xót, xin khấn Đức Mẹ Lavang, Đức Mẹ Tà-pao, đền thánh Giu-se, thánh Mác-tin Po-rê, cha Trương bửu Diệp… Khi được ơn Chúa ban, họ sẽ dễ tin vào tình thương của Chúa hơn.
h) Để thực hành: Các tín hữu chúng ta hãy mời các người lương quen biết cùng đi nghe giảng các buổi tĩnh tâm, cùng tham dự các chuyến đi hành hương, cùng tham gia các công tác thăm viếng bác ái ở vùng sâu vùng xa, tại các trại khuyết tật, trại mồ côi, trại dưỡng lão… nhờ đó họ sẽ cảm nghiệm được tình thương của Chúa và sẵn lòng đón nhận đức tin vào Chúa hơn.
5. NGUYỆN CẦU:
LẠY CHÚA GIÊ-SU. Xin cho chúng con nhớ rằng: “Quê hương chúng con ở trên trời, nơi đó chúng con sẽ gặp Đấng Cứu Chuộc” là chính Chúa. Xin giúp chúng con tích cực góp phần xây dựng xã hội chúng con đang sống ngày một an toàn sạch đẹp hơn, công bằng nhân ái hơn. Xin cho chúng con ý thức rằng: tuy sống giữa thế gian nhưng chúng con không thuộc về trần gian. Xin đừng để chúng con quá quyến luyến những của cải nay còn mai mất ở đời này, nhưng luôn biết phó thác cậy trông vào Chúa, và quảng đại chia sẻ cơm áo gạo tiền cho những người nghèo, bệnh tật và đau khổ... Hầu sau này chúng con cũng được về quê trời với Chúa.- AMEN.
LM ĐAN VINH - HHTM