Ge 2,12-18 ; 2Cr 5,20-6,2 ; Mt 6,1-6,16-18
HÃY LÀM VIỆC LÀNH TRONG KHIÊM HẠ
I. HỌC LỜI CHÚA
1. TIN MỪNG: Mt 6,1-6,16-18
(1) Khi làm việc lành phúc đức, anh em phải coi chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy. Bằng không, anh em sẽ chẳng được Cha của anh em, Đấng ngự trên trời ban thưởng. (2) Vậy khi bố thí, đừng có khua chiêng đánh trống, như bọn đạo đức giả thường biểu diễn trong hội đường và ngoài phố xá, cốt để người ta khen. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi. (3) Còn anh khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm, (4) để việc anh bố thí được kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả công cho anh. (5) Và khi cầu nguyện, anh em đừng làm như bọn đạo đức giả: Chúng thích đứng cầu nguyện trong các hội đường, hoặc ngoài các ngã ba ngã tư cho người ta thấy. Thầy bảo thật anh em: Chúng đã được phần thưởng rồi. (6) Còn anh, khi cầu nguyện, hãy vào phòng đóng cửa lại, và cầu nguyện cùng Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả công cho anh. (16) Còn khi ăn chay, anh em chớ làm bộ rầu rĩ như bọn đạo đức giả: Chúng làm cho ra vẻ thiểu não, để thiên hạ thấy là chúng ăn chay. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi. (17) Còn anh, khi ăn chay, nên rửa mặt cho sạch, chải đầu cho thơm, (18) để không ai thấy là anh ăn chay, ngoại trừ Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả công cho anh.
2. Ý CHÍNH:
Sau khi trình bày về sự công chính mới trong việc tuân giữ các giới răn, Đức Giê-su đề cập tới một nền đạo đức mới là phải làm các việc lành thế nào cho phù hợp với tinh thần mới của Người. Điều cốt yếu khi làm các việc đạo đức là phải khiêm tốn và theo thánh ý Chúa Cha: Tránh làm các việc đạo đức như cầu nguyện để được người ta ca tụng; Tránh khua chiêng đánh trống khi bố thí để tìm tiếng khen nơi người đời; Tránh làm bộ mặt rầu rĩ khi ăn chay để mong được thiên hạ nể phục.
3. CHÚ THÍCH:
- C 1-2: + Khi làm việc lành phúc đức, anh em phải coi chừng. Chớ có phô trương cho thiên hạ thấy: Đức Giê-su đòi hỏi các môn đệ của Người phải tránh thói đạo đức giả hình của các người Pha-ri-sêu (Biệt Phái), là những kẻ “nói mà không làm”, “làm mọi việc cốt để cho thiên hạ thấy” (x Mt 23,3.5). + Bố thí: Thời Đức Giê-su, bố thí là việc công chính bậc nhất (x Hc 7,10). Hình như người ta ưa làm việc bố thí công khai, nên dễ đưa tới sự phô trương bề ngoài để được người khác ca tụng. + Đừng có khua chiêng đánh trống: Rất có thể những người Pha-ri-sêu thời bấy giờ dùng chiêng trống để loan báo cho người ăn xin nghèo khó tập trung lại nhận quà. Tuy nhiên, không thấy bản văn nào nói đến việc này. Do đó, ta có thể coi đây chỉ là một ví dụ có tính phóng đại để làm nổi bật đòi hỏi tinh thần khiêm tốn, mà Đức Giê-su muốn các môn đệ của Người phải có, khi làm các việc đạo đức. + Chúng đã được phần thưởng rồi: Lời khen của người đời chính là phần thưởng dành cho những ai làm việc bố thí chỉ nhằm mục đích tự nhiên. Do đó, họ sẽ không được hưởng công phúc thiêng liêng trước mặt Chúa Cha trên trời.
- C 3-4: + Đừng “cho tay trái biết việc tay phải làm”: Là một kiểu nói có nghĩa là phải giữ kín, đừng nói cho người khác biết việc mình đang làm. Người môn đệ Đức Giê-su cần tránh cho mọi người biết việc bố thí của mình, nên phải thực hiện trong sự âm thầm khiêm tốn.
- C 5-6: + Cầu nguyện: Chính Đức Giê-su đã làm gương và dạy các môn đệ về sự cầu nguyện (x. Mt 14,23). Theo các huấn thị của Người rải rác trong các Tin Mừng thì lời cầu nguyện phải như sau: Phải cầu nguyện cách khiêm tốn trước mặt Thiên Chúa (x Lc 18,10-14) và người đời (x Mt 6,5-6); Phải chân thành, phát xuất tự đáy lòng (x Mt 6,7); Phải tin tưởng vào lòng nhân từ của Chúa Cha (x Mt 6,8; 7,7-11) và kiên trì nài xin (x Lc 11,5-8; 18,1-8). Lời cầu nguyện sẽ chỉ được Chúa chấp nhận khi cầu nguyện với lòng tin (x Mt 21,22); Khi cầu nguyện nhân danh Đức Giê-su (x. Mt 18,19-20); và khi xin Chúa ban những điều tốt lành (x Mt 7,11). + Chúng thích đứng cầu nguyện trong các hội đường, hoặc ngoài các ngã ba ngã tư cho người ta thấy: Ở đây Đức Giê-su không đả kích việc cầu nguyện công khai và có tính cộng đồng (x Mt 18,19-20), nhưng Người chỉ muốn tránh ý đồ phô trương công đức để được ca tụng. + Hãy vào phòng đóng cửa lại mà cầu nguyện cùng Cha của anh: Đức Giê-su gợi lại cách thức của ngôn sứ Ê-li-a khi ông cầu nguyện để làm cho đứa bé mới chết được sống lại (x 2 V 4,33). Cách thức cầu nguyện kín đáo này trái với cách phô trương của những kẻ giả hình. Cầu nguyện là gặp gỡ Thiên Chúa. “Vào phòng” là hồi tâm, đặt mình trước sự hiện diện của Thiên Chúa nhờ đức tin. Thiếu điều này sẽ không còn là sự cầu nguyện đích thực nữa.
- C 16-18: + Ăn chay: Đã từ rất lâu, dân Ít-ra-en có tục lệ ăn chay mỗi khi có tang chế (x 2 Sm 3,35), khi cầu xin Chúa một ơn đặc biệt (2 Sm 12,16). Ăn chay theo luật Mô-sê là nhịn ăn uống vào lúc ban ngày. Sự nhịn ăn uống này sẽ kéo dài trong một thời gian lâu hay mau tùy trường hợp. Trong thời gian ăn chay, người ta sẽ không tắm rửa, để râu tóc mọc dài, và mặc một loại quần áo vải thô đặc biệt. Thời Đức Giê-su, dân Do Thái chỉ buộc phải ăn chay trong lễ Xá Tội vào mùng mười tháng Bảy, tức khoảng cuối tháng Chín dương lịch (x. Lv 16,29-31; Cv 27,9), trong ngày kỷ niệm Đền thờ bị tàn phá và những lúc gặp thiên tai. Riêng người Pha-ri-sêu còn tự nguyện ăn chay mỗi tuần hai lần (x. Lc 18,12), nhưng việc chay tịnh chỉ mang tính bề ngoài nhằm phô trương (x Mc 2,18), nên Đức Giê-su đã không chấp nhận sự khổ chế này của họ (x Mc 2,19-20). + Còn anh, khi ăn chay…: Đức Giê-su muốn cho các môn đệ của Người phải ăn chay trong sự kín đáo khiêm tốn: thay vì rắc tro lên mặt, để râu tóc bù xù, quần áo dơ bẩn… thì họ phải rửa mặt, chải dầu thơm giống như họ vẫn thường làm mỗi khi đi ra đường để người khác không biết họ đang ăn chay.
4. CÂU HỎI:
- HỎI: 1) Khi nói: “Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả công cho anh” (c. 4b.6b.18b), phải chăng Đức Giê-su cổ võ một thứ luân lý vụ lợi: Cho đi để được nhận lại ? 2) Muốn có giá trị trước mặt Thiên Chúa và đón nhận được nhiều ơn lành Chúa ban, thì trong Mùa Chay này chúng ta cần tránh và cần làm những công việc gì ? 3) Nguồn gốc và ý nghĩa của nghi thức xức tro trong ngày lễ Tro ra sao ?
- ĐÁP:
1) Đức Giê-su không dạy chúng ta tìm lợi ích cho bản thân mình khi làm việc thiện để được Chúa trả công. Vì nếu như vậy thì Người đã hứa ban thưởng cho họ những gì thuộc về thế gian như tiền bạc, sức khỏe, thành công… Nhưng ở đây Người không nói rõ họ sẽ được Chúa Cha ban cho phần thưởng gì. Nơi nhiều đoạn khác, phần thưởng được hứa hầu như luôn là Nước Trời hay một trong những hoa trái thiêng liêng của nó là sự sống muôn đời (x. Mt 25,46; Mc 10,30). Các môn đệ sẽ được tham dự vào quyền bá chủ của Người (x. Lc 22,28-29), được xét xử mười hai chi tộc Ít-ra-en trong ngày tận thế (x. Mt 19,28). Như vậy, phần thưởng Đức Giê-su hứa cho những kẻ làm việc lành đều qui hướng về mầu nhiệm Cánh Chung sau này, và được Chúa ban cho không, không do việc làm của họ đáng được thưởng, mà chỉ vì tình thương và lòng nhân hậu vô biên của Người mà thôi (Dụ ngôn đầy tớ vô dụng: Lc 17,7-10). Hơn nữa, phần thưởng ở đây còn là chính Thiên Chúa. Những ai làm việc thiện trước mặt Thiên Chúa, với ý hướng làm vui lòng Ngài và nhằm tôn vinh Ngài, thì sẽ được gặp gỡ Ngài, được nhìn thấy nhan Ngài và sẽ được hưởng hạnh phúc đời đời.
2) Muốn cho việc ăn chay có giá trị trước mặt Thiên Chúa, thì cần tránh cách ăn chay hình thức bề ngoài như dân Do thái đã bị Đức Chúa quở trách. Nhưng để xứng đáng được Chúa chấp nhận, việc ăn chay phải kèm theo các việc lành như I-sai-a tuyên sấm: “Này, ngày ăn chay, các ngươi vẫn lo kiếm lợi, vẫn áp bức mọi kẻ làm công cho mình. Này, các ngươi ăn chay để mà đôi co cãi vã, để nắm tay đánh đấm thật bạo tàn…”. Nào, cách ăn chay mà Đức Chúa ưa thích chẳng phải thế này đó sao: “Mở xiềng xích bạo tàn, tháo gông cùm trói buộc, trả tự do cho người bị áp bức, đập tan mọi gông cùm… Chia cơm cho người đói, rước vào nhà những người nghèo không nơi trú ngụ. Thấy ai mình trần thì cho áo che thân, không ngoảnh mặt làm ngơ trước người anh em cốt nhục”. Bấy giờ ánh sáng ngươi sẽ bừng lên như rạng đông, vết thương ngươi sẽ mau lành. Đức công chính ngươi sẽ mở đường phía trước, vinh quang Đức Chúa bao bọc phía sau ngươi. Bấy giờ ngươi kêu lên Đức Chúa sẽ nhận lời, ngươi cầu cứu Người liền đáp: “Có Ta đây!” (Is 58,6b-9a).
3) Về nguồn gốc và ý nghĩa của nghi thức xức tro: Lễ nghi xức tro đã thay đổi như sau: những ai phạm tội nặng công khai, như chối bỏ đức tin, giết người, ngoại tình… sẽ bị loại trừ ra khỏi cộng đoàn. Để được hòa nhập trở lại, họ phải thi hành việc sám hối công khai trong Mùa Chay như sau:
- Đầu tiên vào Thứ Tư trước Chúa nhật I Mùa Chay, các tội nhân công khai sẽ phải tập trung trong nhà thờ chính toà. Sau khi mỗi tội nhân lần lượt công khai xưng thú các tội đã phạm, Đức Giám mục sẽ trao cho họ một chiếc áo nhặm để mặc vào và rắc một ít tro trên đầu họ. Sau đó họ sẽ từ nhà thờ đi đến một tu viện để có giờ hồi tâm sám hối. Đến sáng Thứ Năm Tuần thánh, họ sẽ lại đến nhà thờ chính toà. Sau khi xem xét thái độ sám hối của hối nhân trong Mùa Chay, Đức giám mục sẽ ban phép xá giải các tội lỗi cho họ và giao hoà họ lại với cộng đoàn. Từ dây, họ sẽ được tham dự vào các buổi cử hành bí tích.
- Khi xức tro trên đầu hối nhân, chủ sự sẽ đọc một trong hai câu: “Là thân cát bụi sẽ trở về với cát bụi” (St 3,19); hoặc: “Hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,15). Các Thừa Tác Viên không có chức thánh cần phải được chuẩn bị nghi thức và học thuộc các câu nói trên.
- Tro dùng trong phụng tự từ thời Cựu Ước để biểu tượng cho u buồn, cái chết và sự thống hối. Mordecai đã mặc áo vải thô và xức tro khi nghe chiếu chỉ tru diệt dân Do Thái (x. Et 4,1). Ông Gióp cũng mặc áo vải thô và xức tro khi sám hối (x. G 42, 6). Dân thành Ninivê ăn chay, mặc áo nhặm, ngồi trên đống tro (x. Gn 3, 5-6) khi Giona rao giảng về sự thống hối và hoán cải.
Chúa Giê-su nói về sự cần thiết cho một số người tội lỗi để làm việc đền tội, là mang áo nhặm và xức tro (x. Mt 11, 21). Từ thế kỷ thứ hai, Giáo Hội đã dùng tro trong nghi thức Sám Hối. Nhiều Giáo Phụ nhắc đến việc thực hành này.
Lòng sám hối sẽ thúc bách các tín hữu dấn thân sống Tin Mừng, bằng việc từ bỏ mọi xa hoa không cần thiết và thể hiện tình liên đới với người đau khổ.
II. SỐNG LỜI CHÚA
1. LỜI CHÚA: “Khi bố thí đừng cho tay trái biết việc tay phải làm” (Mt 6,3).
2. CÂU CHUYỆN:
1) CẦU NGUYỆN LÀ LẮNG NGHE LỜI CHÚA:
Một cụ già có thói quen ngồi bất động hằng giờ ở cuối nhà thờ. Một ngày nọ, cha xứ hỏi cụ là Chúa đã nói gì với cụ. Cụ trả lời:
- Thưa cha, Chúa chẳng nói gì cả, Ngài chỉ nghe con nói.
- Vậy à ? Thế thì cụ nói gì với Chúa ?
- Dạ, con cũng chẳng nói gì, con chỉ nghe Chúa!
Thực ra, đỉnh cao của cầu nguyện là sự hoàn toàn kết hợp với Chúa, lúc đó không còn ai nói ai nghe mà chỉ có sự im lặng, để con tim nói với nhau. Chúng ta có thể nói đây là một sự thinh lặng hùng biện, không nói gì mà lại nói rất nhiều. Vì thế cầu nguyện có 4 mức độ:
a) Ta nói và Chúa nghe.- b) Chúa nói và ta nghe.- c) Không ai nói nhưng cả hai cùng nghe.- d) Không có nói mà cũng chẳng có ai nghe.
Ngoài ra chúng ta còn thực hành lời Chúa: “Anh em hãy cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ” (Lc 22,40). Làm sao chúng ta có thể luôn cầu nguyện khi chúng ta có trăm công nghìn việc phải làm ? Hãy biến mọi công việc ta làm trở thành lời cầu nguyện. Hãy cùng làm việc với Chúa, làm vì lòng mến Chúa và phục vụ Chúa đang hiện thân nơi những người nghèo khổ chung quanh chúng ta. Qua đó những việc chúng ta làm và những lời chúng ta nói đều vì Chúa, trong Chúa, với Chúa và để cứu rỗi các linh hồn… như thánh nữ Tê-rê-sa Hài Đồng đã nêu gương cho chúng ta.
2) CHỖ NÀO TRONG NHÀ THỜ LOÀI CHUỘT ÍT BỊ QUẤY RẦY NHẤT ?
Có một con chuột cống sống trong một ngôi nhà thờ cổ ở miền quê nước Pháp. Một hôm khi đi lang thang trong nhà thờ kiếm cái gì ăn cho đỡ đói, bỗng nó gặp một con chuột khác cũng đang đi tìm thức ăn. Hai con chuột làm quen và hỏi thăm về chỗ ở của nhau. Con thứ nhất tâm sự: “Tớ đang sống chui rúc dưới gầm tòa giải tội trong nhà thờ này, nhưng chẳng mấy khi được yên thân. Vì lúc nào cũng có người đến xưng tội làm mất giấc ngủ của tớ!”. Nghe vậy, chuột thứ hai cảm thông với bạn nên đề nghị: “Vậy thì bạn hãy dọn đến ở chung với tớ. Chỗ tớ đang ở vừa ấm áp sạch sẽ, lại vừa yên tĩnh và ít bị quấy rầy!” Chuột thứ nhất ngạc nhiên nói: “Có một chỗ ở lý tưởng như thế trong nhà thờ này thật ư ? Hãy cho tớ biết là chỗ nào vậy ?”. Chuột thứ hai đáp: “Đó là thùng quyên góp giúp đỡ người nghèo đặt ở cuối nhà thờ này đấy!”.
3) BÁC ÁI YÊU THƯƠNG THA NHÂN LÀ CÁCH ĂN CHAY ĐẸP Ý CHÚA NHẤT:
Một vị ẩn tu sống đơn độc trên ngọn núi cao. Ngày đêm ông ăn chay cầu nguyện. Ông ăn chay rất nghiêm ngặt và cầu nguyện rất tha thiết. Ðể thưởng công, Chúa cho xuất hiện một ngôi sao trên đầu núi. Khi nào ông ít ăn chay và không cầu nguyện thì ngôi sao bị lu mờ đi. Khi ông gia tăng ăn chay cầu nguyện thì ngôi sao lại rực sáng lên.
Một hôm ông muốn leo lên đỉnh cao nhất của ngọn núi. Khi ông chuẩn bị lên đường thì một bé gái trong làng đến thăm và ngỏ ý muốn đi cùng với ông lên núi. Thầy trò hăng hái lên đường. Đường càng lên cao thì càng dốc và khó đi. Mặt trời mỗi lúc càng nắng gắt. Hai thầy trò đều bị ướt đẫm mồ hôi và bị khát nước, nhưng theo luật giữ chay nghiêm ngặt nên thầy trò đều không dám uống nước. Vị ẩn tu không dám uống vì sợ phá chay mất hết công phúc trước mặt Chúa. Nhưng khi thấy em bé mỗi lúc bị mệt thêm, vị ẩn tu thương hại em nên mở chai nước ra uống. Lúc ấy em bé mới dám mở chai nước mang theo ra uống. Uống nước xong, em cảm thấy khỏe hơn và mỉm cười rất tươi như bày tỏ lòng biết ơn thầy. Thầy ẩn tu ngước mắt nhìn lên ngôi sao trên đỉnh núi vì sợ ngôi sao kia biến mất vì hành động không hãm mình vừa qua. Nhưng lạ thay, trên đầu núi thầy thấy không phải một mà có đến hai ngôi sao sáng xuất hiện. Thì ra, để thưởng công lòng bác ái yêu thương tha nhân của thày, Chúa đã cho xuất hiện thêm một ngôi sao nữa.
4) TÁC HẠI CỦA RƯỢU TRÊN CON NGƯỜI:
Trong kho tàng truyện cổ nước Pháp có câu chuyện về tác hại của rượu trên con người như sau:
Khi ông Nô-e trồng nho, Sa-tan lấy làm lạ nên tiến lại gần hỏi:
- Ông đang trồng gì thế ?
- Cây nho.
- Nó có lợi gì không ?
- Có chứ. Trái nó vừa đẹp mắt, vừa ngon miệng. Từ trái nho, ta còn có thể làm ra rượu giúp lòng người hưng phấn nữa.
- Vậy thì để tôi giúp ông.
Sa-tan mới giết một con chiên, một con sư tử, một con lừa và một con heo. Sa-tan lấy máu của chúng tưới vào gốc cây nho. Thế là cây nho lớn rất nhanh. Ông Nô-e lấy trái nho làm rượu.
Từ đó trở đi người ta uống một chút rượu vào thì sẽ vui vẻ và dễ thương như con chiên; uống thêm chút nữa thì trở nên mạnh bạo như con sư tử; Nếu uống thêm ly nữa thì sẽ hóa ra ngu dốt như con lừa; Nếu lại uống thêm nữa thì… sẽ tìm hưởng lạc thú bất chính như con heo vậy. Giữ chay sẽ giúp người ta biết lúc nào phải dừng lại. Một người có bản lãnh, sẽ có khả năng làm chủ mình là người biết dừng lại đúng lúc.
3. SUY NIỆM:
1) YÊU THƯƠNG LÀ CHO ĐI: Cho nhiều là dấu hiệu yêu nhiều. Thánh Phao-lô đã khuyên các kỳ mục ở Ê-phê-xô như sau: “Và phải nhớ lại lời Chúa Giê-su đã dạy: Cho thì có phúc hơn là nhận” (Cv 20,35). Thánh Gia-cô-bê dạy các tín hữu phải có một đức tin hành động như sau: “Giả như có người anh em hay chị em không có áo che thân và không đủ của ăn hàng ngày, mà có ai trong anh em lại nói với họ: “Hãy đi bình an, mặc cho ấm và ăn cho no”, nhưng lại không cho họ những thứ thân xác họ đang cần, thì nào có ích gì ?” (Gc 2,15-16).
2) HÃY BỐ THÍ CHIA SẺ CƠM ÁO CHO THA NHÂN: Việc đạo đức chúng ta cần quan tâm thực hiện trong Mùa Chay này là sự bố thí chia sẻ « cơm áo gạo tiền » cho những kẻ nghèo đói bệnh tật. Việc bố thí này tuy khó thực hiện, nhưng sẽ mang lại nhiều hữu ích cho tâm hồn ta:
- Khó thực hiện vì “Đồng tiền liền khúc ruột”: Chỉ những người quảng đại mới thực hiện được tốt công việc bác ái chia sẻ này.
- Việc bố thí giúp ta sử dụng đồng tiền Chúa ban theo ý Chúa muốn: Ý thức được giá trị tương đối của tiền bạc ; Biết dùng tiền để làm vinh danh Chúa và cứu rỗi các linh hồn ; Giúp ta biết từ bỏ của cải vật chất để có thể thuộc về Chúa trọn vẹn như lời Đức Giê-su khuyên thanh niên giàu có muốn nên hoàn thiện: “Anh chỉ thiếu có một điều, là hãy đi bán những gì anh có mà chia sẻ cho người nghèo, để sẽ có được một kho báu trên trời, rồi hãy đến đây theo tôi” (Mc 10,21).
- Bố thí còn là cách đền tội hữu hiệu: Sứ thần Ra-pha-en đã khuyên bảo hai cha con Tô-bi-a như sau: “Bố thí đi đôi với đời sống công chính, thì tốt hơn có của mà cư xử bất công. Làm phúc bố thí thì tốt hơn có nhiều vàng bạc. Việc bố thí sẽ cứu người ta khỏi chết và sẽ tẩy sạch mọi tội lỗi. Những người làm phúc bố thí chắc sẽ được sống lâu” (Tb 12,8-9).
3) CHÚNG TÔI PHẢI LÀM GÌ ?:
Trong Mùa Chay, ngoài việc chăm chỉ dự lễ đọc kinh tại nhà thờ, chúng ta cần tham dự các buổi tĩnh tâm và hồi tâm xét mình Mùa Chay để khám phá ra mình mang mối tội đầu hoặc thói hư nào nơi bản thân để tu sửa và sửa bằng cách nào ?
- Việc đạo đức: Ngoài việc năng dự lễ và rước lễ hằng ngày, chúng ta nên làm thêm vài ba việc hãm mình hay việc bác ái để đền tội, quyết tâm sửa một thói hư như: Chửi thề tục tĩu, lười biếng đọc kinh tối gia đình, hay uống rượu say xỉn, dự lễ Chúa Nhật trễ, xem phim ảnh xấu…
- Hãy dốc lòng làm một việc tốt đối lập với thói xấu, và nói một lời nguyệt tắt như: “Lạy Chúa, xin ban ơn Thánh Thần giúp con chừa bỏ được thói ưa nói xấu những kẻ không ưa con hoặc con không ưa họ, bằng cách kể ra một điều tốt của họ với người khác, để mỗi ngày con được nên tốt lành giống Chúa nhiều hơn”.
- Đấm ngực kèm theo lời xin Chúa tha tội mỗi lần đọc kinh cáo mình.
5. LỜI CẦU:
- LẠY CHÚA GIÊ-SU. Cùng với toàn thể Hội Thánh, con bắt đầu bước vào Mùa Chay. Con xin tạ ơn Chúa đã ban cho con một thời gian thuận lợi để có dịp duyệt xét lại đời con, hầu phát huy điều tốt và chấn chỉnh các sai lỗi thiếu sót nơi bản thân mình. Xin chiếu dọi ánh sáng Lời Chúa để con nhận ra con người yếu hèn của con. Nhất là xin đổ Thần Khí Chúa nâng đỡ con. Chỉ nhờ ơn Chúa giúp, con mới có thể trỗi dậy và quyết tâm đi xưng tội để quay về làm hòa với Chúa sau mỗi lần vấp ngã.
- LẠY CHÚA. Trong cuộc sống hằng ngày, con thường tỏ ra ích kỷ, khép kín cửa lòng trước tha nhân. Đôi lúc con cũng làm được một vài việc tốt, nhưng con lại muốn được nhiều người biết và khen ngợi con. Hôm nay xin Chúa giúp con biết ăn ở khiêm tốn theo lời Chúa dạy: “Đừng cho tay trái biết việc tay phải làm”, để con làm vui lòng Chúa và xứng đáng được Chúa ban thưởng hạnh phúc Nước Trời ở đời sau.
X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.
LM ĐAN VINH - HHTM
THỨ NĂM SAU THỨ TƯ LỄ TRO
Lc 9,22-25
"Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình,
vác Thập Giá mình hằng ngày mà theo."
(Lc 9,23)
1. Bài đọc I trích sách Đệ nhị luật nói về 2 con đường: ai chọn đi theo con đường của Chúa và các giới luật của Ngài thì sẽ được sống; còn ai đi theo các quyến rũ khác thì sẽ bị diệt vong.
Trong bài Tin Mừng, Chúa Giêsu nói rõ hơn con đường của Chúa là con đường dẫn tới vinh quang Phục Sinh, nhưng trước đó phải qua đau khổ của Thập Giá. Ai muốn đi theo Chúa thì cũng phải đi qua con đường Thập Giá, thậm chí phải vác Thập Giá hằng ngày như vậy.
2. Cuộc sống là một chuỗi những lựa chọn. Mà chọn thì phải bỏ, bỏ cái này để được cái kia. Nên nhớ là chúng ta đã chọn Chúa và con đường của Chúa. Đó là sự lựa chọn căn bản, nhưng lựa chọn ấy phải được thể hiện ra trong những lựa chọn hằng ngày theo cùng chiều hướng đó. Mùa Chay là thời gian chúng ta xét mình lại về những lựa chọn của mình, đồng thời lặp lại lựa chọn căn bản: chọn Chúa, chọn con đường Thập Giá, chọn từ bỏ.
Chúa Giêsu dạy ta một nghịch lý rất sâu sắc: chịu mất thì sẽ được; còn muốn được thì lại mất!
Một hôm, thánh nữ Têrêsa Avila được Thiên Chúa cho thấy Thiên Đàng lâu bằng đọc một kinh Kính Mừng. Thị kiến này làm cho thánh nữ vô cùng hoan hỷ. Kể từ đó, mọi lạc thú trên trần gian không còn ý nghĩa đối với mẹ nữa. Mẹ viết: "Trí khôn nhân loại không thể tưởng tượng ra được điều gì gần giống với vinh quang Thiên Đàng. Mặt Trời chỉ là u tối so với sự sáng nơi các thánh đang yên nghỉ. Một hôm, đang lúc tôi lên cơn đau quá mức, có một bà sang trọng muốn an ủi tôi. Bà đem đồ nữ trang của bà đến cho tôi xem, đặc biệt là viên kim cương quí báu mà bà hết sức trân trọng. Thái độ của bà làm tôi cảm động, nhưng rồi tôi lại thương cho bà, vì tôi thấy nó không là gì so với điều tôi đã chứng kiến. Nếu cho tôi chọn: Một đàng là phải chịu đau khổ cho đến tận thế để được thêm một chút vinh quang trên trời, và đàng khác là không phải đau đớn nhọc nhằn gì, nhưng phải chịu mất đi một phần nhỏ vinh sáng trên trời, thì chắc chắn tôi sẽ chọn ngay con đường khổ đau hôm nay, nghĩa là tôi sẽ sẵn sàng bỏ tất cả mọi sự, bỏ cả mạng sống tôi để theo Chúa".
Chúa còn nói “Người nào được lời lãi cả thế gian mà mất chính mình hay là thiệt thân, thì có ích gì?” (câu 25). Thánh Ingatiô đã lặp đi lặp lại mãi bên tai Phanxicô Xaviê câu này. Cuối cùng, Phanxicô Xaviê đã hoán cải. Hôm nay, chúng ta cũng hãy lặp đi lặp lại câu này nhiều lần. Hy vọng Chúa sẽ giúp chúng ta hoán cải như Phanxicô Xaviê.
Một lần kia, có một người đàn bà giàu có người Hindou đến thăm mẹ Têrêsa. Bà ta nói với mẹ:
- Thưa mẹ, con ước ao được chia sẻ với mẹ và cộng tác với mẹ trong các hoạt động từ thiện.
- Tốt lắm! - Mẹ đáp lại một cách vui vẻ.
Rồi bà ta thú thực với mẹ là bà ta có một điểm yếu rất khó bỏ, đó là tính khoe khoang, ưa làm dáng. Bà thích mặc những chiếc áo xa-ri, những bộ đồ Ấn Độ lộng lẫy và đắt tiền. Hôm ấy, bà mặc một bộ áo xa-ri giá trị 65 đô-la, trong khi chiếc áo xa-ri của mẹ Têrêsa đang mặc chỉ trị giá 65 xu, chưa đầy một đô-la. Như được ơn trên soi sáng, mẹ Têrêsa bỗng nảy ra được tư tưởng hay. Mẹ đề nghị với bà ấy bắt đầu cộng tác với mẹ về những bộ áo xari đó. Mẹ khiêm tốn đề nghị:
- Từ nay trở đi, thay vì mua sắm những bộ áo xa-ri giá 65 hoặc 100 đô-la, thì bà chỉ nên mua những bộ rẻ tiền hơn, chừng 45 hoặc 50 đô-la thôi. Số tiền còn lại, bà hãy mua những bộ áo xari khác dành cho người nghèo khó.
Bà ấy vui vẻ hưởng ứng lời đề nghị của mẹ, Dần dần bà ấy cũng đã biết dùng những bộ áo xa-ri rẻ tiền hơn. Sau này, chính bà cũng đã thú nhận với mẹ Têrêsa rằng:
- Thưa mẹ, từ ngày con bắt đầu từ bỏ những vẻ hào nhoáng và vô ích bên ngoài đó, tâm hồn con cảm thấy được tự do hơn, nhẹ nhàng hơn. Con đã học biết và hiểu rõ hơn thế nào là cho đi, thế nào là chia sẻ. Và trong cách chia sẻ như thế, con phải thú nhận rằng, chính con đã được lãnh nhận nhiều hơn thứ con cho đi và chia sẻ với anh chị em nghèo khổ!
Lạy Chúa, xin dạy chúng con biết rằng, chúng con không thể nên hoàn thiện nếu như không biết từ bỏ chính mình và những ước muốn ích kỷ của mình.
Ước gì từ nay, không gì có thể làm cho chúng con khổ đau và khóc lóc chỉ vì quên đi niềm vui ngày Chúa Phục Sinh.
Chúa là mặt trời tỏa sáng tình yêu, là hy vọng hạnh phúc bất diệt, là ngọn lửa tình yêu nồng nàn. Xin lấy niềm vui của Người mà làm cho chúng con nên mạnh mẽ và trở thành mối dây yêu thương, bình an và hiệp nhất giữa chúng con. Amen.
THỨ SÁU SAU THỨ TƯ LỄ TRO
Mt 9,14-15
"Nhưng khi tới ngày chàng rể bị đem đi rồi,
bấy giờ họ mới ăn chay." (Mt 14,15)
1. Vâng, ngay từ thời tiên tri Isaia mà chúng ta cũng đã thấy những hình thức ăn chay thật đáng cho chúng ta suy nghĩ.
- Chay tịnh không phải chỉ là kiêng khem những của ăn vật chất, hay bớt đi một phần ăn trong một bữa, mà là xoá bỏ đi những bất công, những chèn ép, áp bức nhau trong cuộc sống: chúng ta có đang cố ý hay vô tình bất công, chèn ép ai đó không?
- Chay tịnh còn là biết chia sẻ và giúp đỡ cụ thể những người đang đau khổ. Nếu có cơ hội làm những việc này, chúng ta có làm không?
2. Rồi qua bài Tin Mừng, Chúa còn đưa ra một hình thức chay tịnh độc đáo hơn. Chay tịnh là để được sống trong thân tình với Chúa và qua việc được sống thân tình với Chúa, con người biết sống với nhau như anh em nhiều hơn.
Trong bộ sưu tập về các vị ẩn tu, người ta đọc được câu chuyện sau đây:
Có hai tội nhân quyết tâm vào sa mạc để ăn chay đền tội. Nhiều tháng trời ròng rã, mỗi người giam mình trong một túp lều, ngày đêm đánh tội, ăn năn và cầu nguyện.
Ngày ngày, các tu sĩ của một cộng đoàn ẩn tu mang thức ăn, nước uống đến tận căn lều cho mỗi người.
Sau đúng một năm thử thách, các tu sĩ nhận thấy có sự khác biệt giữa hai người. Một người thì khỏe mạnh, vui tươi. Một người thì lại ốm o, buồn phiền.
Cả hai người được đưa đến trình diện trước vị bề trên của cộng đoàn để chờ đợi sự phán quyết của ngài, để xem họ có xứng đáng gia nhập cộng đoàn hay không.
Khi được hỏi trong suốt một năm qua họ đã suy niệm về những gì. Con người ốm o buồn phiền lên tiếng đáp:
- Trong suốt năm qua, ngày ngày tôi nhớ lại những tội tôi đã phạm. Từng giây, từng phút tôi nghĩ đến hình phạt tôi sẽ gánh chịu, tôi sợ hãi đến mất ăn mất ngủ.
Đến lượt mình, con người vui tươi khỏe mạnh trình bày như sau:
- Suốt một năm qua, từng giây, từng phút tôi hằng nghĩ đến những ơn lành Thiên Chúa đã ban cho tôi, tôi luôn luôn nghĩ đến tình thương của Thiên Chúa.
Các tu sĩ trong cộng đoàn rất cảm kích về chứng từ của con người khỏe mạnh vui tươi, vì lòng sám hối của anh đã biến thành lời ca chúc tụng, tri ân đối với tình yêu của Thiên Chúa.
- Ngoài việc làm cho con người được gần gũi với Thiên Chúa, chay tịnh còn giúp con người làm chủ được mình. Và đây cũng là điều hết sức quan trọng. Làm chủ được mình thì con người sẽ tránh được rất nhiều lầm lỗi và sa lầy trong cuộc sống. Hầu như mọi thứ tội ác đều ít nhiều bắt nguồn từ sự không làm chủ được cuộc đời của mình mà ra.
Bên Trung Quốc, có một nhà điêu khắc được giao cho thực hiện một cái giá treo chuông bằng gỗ quí. Sau khi hoàn thành công việc, mọi người nhìn ngắm đều khen ngợi và cho đó là kỳ công của bậc thần thánh. Ngày nọ, vị công tước đã mướn nhà điêu khắc thực hiện công việc này cho gọi ông đến và hỏi:
- Nhà ngươi có bí quyết nào mà hoàn thành một kiệt tác như thế?
Nhà điêu khắc trả lời:
- Tôi chỉ là một thợ thủ công và chẳng có bí quyết nào cả. Công việc diễn ra rất đơn giản: khi bắt đầu nghĩ đến công việc được giao, tôi tập trung tư tưởng vào đó, tôi đã giữ chay để tâm hồn được lắng dịu, quên đi tất cả những lời khen chê, có thể nói, mọi sự được tốt đẹp là do tinh thần tập trung của tôi được huấn luyện nhờ việc giữ chay nghiêm ngặt, để chỉ chú ý vào đối tượng duy nhất là cái giá chuông mà thôi.
Việc giữ chay của chúng ta trong mỗi Mùa Chay cũng phải hiểu theo ý nghĩa đó.
* Chay tịnh là để kềm hãm một trong những nhu cầu mạnh mẽ nhất của con người, đó là nhu cầu ăn uống để sinh tồn, để nhờ đó mà chúng ta có thể tiến mạnh hơn trên con đường tu thân tích đức.
* Chay tịnh còn giúp cho chúng ta nhận diện được sự đói khát như thế nào, để nhờ đó chúng ta có thể cảm thông và chia sẻ được với những anh em túng thiếu, nghèo khổ đang cần đến sự trợ giúp với lòng bác ái chân thành của chúng ta.
Nhờ ăn chay như thế mà chúng ta khám phá ra được hình ảnh của Thiên Chúa trong chúng ta cũng như trong mọi người, để cuộc sống đức tin chúng ta ngày càng có chiều sâu, giúp chúng ta cảm nhận được một cách rõ ràng hơn tình yêu thương của Thiên Chúa trên cuộc đời của chúng ta cũng như những người khác, để từ đó con người có thể sống yêu thương nhau nhiều hơn như lòng Chúa mong ước.
Lạy Chúa Giêsu, tiên tri Êlia kiên cường đến thế mà cũng đã có lúc mệt lả đuối sức trên đường lên núi Horeb, huống chi chúng con là những kẻ yếu hèn. Xin Chúa giúp chúng con sống Mùa Chay năm nay một cách nghiêm túc, để nhờ đó chúng con được hân hoan tiến bước theo Chúa trên hành trình đến dự tiệc vui Nước Trời. Amen.
THỨ BẢY SAU THỨ TƯ LỄ TRO
Lc 5,27-32
"Tôi không đến để kêu gọi người công chính,
mà để kêu gọi người tội lỗi sám hối ăn năn."
(Lc 5,32)
1. Trong tất cả những người sống ở Palestine, thì những người làm nghề thu thuế là những kẻ bị khinh miệt hơn hết. Người Do Thái liệt những người thu thuế vào chung với những tên trộm cướp, sát nhân.
Những người thu thuế bị người Do Thái coi khinh cũng phải bởi vì họ thường lạm dụng quyền hành của mình để sách nhiễu làm khổ dân chúng. Tại sao thế? Thưa, vì hệ thống thuế má đã tạo ra nhiều cơ hội cho những lạm dụng như thế.
Người Rôma thường cho đấu thầu việc thu thuế. Họ ấn định một mức thuế nào đó cho một vùng. Họ bán quyền thu thuế cho ai trả giá cao nhất, miễn là cuối năm người đó nộp đủ số tiền ấn định là được. Ngoài ra thì người thầu được quyền giữ lại bất kỳ món tiền nào họ thu thêm được từ dân chúng. Đây là điểm dễ sinh ra những lạm dụng nhất.
2. Vậy mà Chúa Giêsu đã chọn một người bị xã hội khinh rẻ như thế làm môn đệ Ngài.
Chúa Giêsu không phải không biết điều đó. Thế nhưng, cái nhìn của Chúa trên con người này thật khác xa với cái nhìn thông thường của dân chúng. Trước mặt Chúa, Lêvi là một con người bệnh hoạn đang cần đến Thầy thuốc và Chúa Giêsu chính là thầy thuốc mà con người này cần đến. Chính cách đối xử bao dung của Chúa đã làm cho Lêvi được khoẻ mạnh lại và hơn nữa còn làm cho ông trở thành một dụng cụ đắc lực trong tay của Chúa sau này.
Sự bao dung thường đem lại những thành quả tốt đẹp, nhiều khi con người chúng ta không lường được.
Ngày 17/7/1990, cả thế giới thương tiếc vì sự ra đi của bà Peggy Mann. Bà đã an bình ra đi để lại bao luyến nhớ cho gia đình cũng như cho nhiều người trên toàn thế giới. Lý do vì bà là một người đã có những cống hiến và những hoạt động không biết mệt mỏi cho việc chống ma túy. Bà đã mang lại rất nhiều lợi ích cho nhiều người. Trước khi nhắm mắt từ giã cõi đời, nhìn thấy bên giường có chồng và con gái thân yêu, bà đã thầm nói với người con gái: "Mẹ mãn nguyện, con gái của mẹ, về những bài mẹ viết để chống lại ma túy". Kéo ông đến gần hơn, bà nói rất rõ bằng một giọng xúc động: "Em yêu anh biết bao!" Đó là câu nói cuối cùng của bà.
Sau khi bà Peggy nằm xuống, con gái bà là cô Jenifer Mann đã kể lại câu chuyện sau đây, một mặt như bổ sung vào công trình của mẹ một phương pháp nữa trong nỗ lực đẩy lùi tệ nạn nghiện ngập ma túy, và mặt khác cũng để cho mọi người biết, nguyên nhân nào đã thúc đẩy và tạo quyết tâm cho bà, để bà nỗ lực làm việc không biết mệt mỏi chống lại với ma túy để bảo vệ gia đình.
Cô nói "Khi mẹ tôi biết tôi dùng ma túy, bà rất khổ tâm nhưng chưa vội nói gì. Từ hôm ấy, bà bắt đầu đọc các sách báo nói về ma túy để tìm hiểu tính chất độc hại và các hậu quả mà ma túy gây ra. Bà đọc một cách cặn kẽ, chính xác và đầy đủ. Hai tuần sau, mẹ tôi gọi tôi lại và nói:
- Mẹ biết là con không muốn mẹ giảng giải dài dòng về tác hại của ma túy. Thôi thì từ nay mỗi tối, khi nghe đồng hồ đổ "binh binh" báo hiệu giờ đi ngủ, mẹ sẽ nói cho con biết một điều rất ngắn về ma túy thôi.
Tôi không phản đối gì. Đêm đầu, khi đồng hồ đổ "binh binh", mẹ tôi nói: "Con có biết không, chỉ hút 3 điếu thuốc có ma túy là làm hại phổi bằng 20 điếu thuốc lá bình thường không?". Đêm thứ hai: "binh binh" "Con có biết là hút ma túy liên tục thì hệ thống miễn nhiễm trong cơ thể bị hủy hoại không?". Đêm thứ ba "binh binh", "Con có biết ma túy có hại đến đời sống tính dục, làm phụ nữ có thể sinh ra quái thai không?" Tất cả những điều mẹ tôi nói đều rất chính xác và có những số liệu chứng minh rõ ràng. Bà nói với tôi bằng một giọng thật bình tĩnh và tràn đầy yêu thương với mong ước cho tôi hiểu tác hại khôn lường của ma túy và can đảm đứng lên làm lại cuộc đời.
Một đêm, tôi ngồi trên giường, hai tay ôm đầu suy nghĩ. Lòng tôi dâng tràn tình yêu dành cho mẹ, Tôi khóc và chạy sang phòng bà. Hình như đêm đêm bà đều chờ đợi tôi như vậy. Tôi ngã vào vòng tay mẹ tôi trong dòng nước mắt và lời nói nghẹn ngào, tôi thì thầm trên ngực bà: "Con nhất định từ bỏ ma túy". Hai tay bà nâng mặt tôi lên và nhìn thẳng vào mắt tôi. Tôi thấy nụ cười rạng rỡ, ánh mắt vui mừng của mẹ và cả hai hàng nước mắt đầm đìa trên má. Bà ôm chặt tôi vào lòng và khẽ nói vào tai tôi: "Ôi! Con yêu.... con yêu”. Và từ giây phút đó cuộc đời tôi hoàn toàn đổi khác.
Lạy Chúa, chúng con cảm tạ lòng bao dung của Chúa. Xin cho chúng con một quả tim rộng lớn bao dung, để chúng con cũng biết tha thứ và cảm thông với mọi người. Amen.
CHÚA NHẬT I MÙA CHAY
CÁM DỖ I
Lc 4,1-13
"Bấy giờ Ðức Giêsu đáp lại:
"Ðã có lời rằng: Ngươi chớ thử thách Ðức Chúa
là Thiên Chúa của ngươi".
(Lc 4,12)
Cám dỗ là chuyện xưa như trái đất. Cám dỗ xuất hiện cùng với sự có mặt của con người. Hẳn chúng ta không thể quên được chuyện hai ông bà nguyên tổ sa chước cám dỗ của ma quỉ. Dân Do thái, khi bị nô lệ dưới ách người Ai cập thì muốn được tự do, nhưng khi lang thang 40 năm trong sa mạc, phải chịu đói khát, lại bị cám dỗ muốn quay trở lại Ai cập để đựơc no ấm.
A. Có thể nói, 3 cơn cám dỗ mà Đức Giê-su phải đương đầu hôm nay gồm tóm tất cả mọi thứ cám dỗ mà con người thường gặp.
Cơn cám dỗ thứ nhất : thoả mãn tức khắc mọi nhu cầu.
Sau khi Đức Giê-su ăn chay 40 đêm ngày, Chúa càm thấy đói. Đói là một hiện tượng sinh lý rất thường tình khi con người nhịn ăn nhịn uống lâu. Ma quỉ thấy vậy liền đề nghị Chúa biến đá thành bánh mà ăn.
Thật là một đề nghị hợp lý. Đói thì phải ăn. Muốn ăn phải có bánh. Nhưng có bánh bằng cách nào mới là vấn đề. Không phải cứ có nhu cầu là phải thoả mãn ngay. Và nhất là không được dùng những cách không hợp đạo lý để thoả mãn những nhu cầu của mình.
Cơm bánh tượng trưng cho những nhu cầu thiết yếu của con người. Nhu cầu của con người thì có rất nhiều và xem chừng có khuynh hướng ngày càng gia tăng và cũng vì thế mà cơn cám dỗ thoả mãn nhu cầu ngày càng lớn.
Cơn cám dỗ thứ hai : muốn có quyền lực thống trị.
Ma quỉ biết Đức Giê-su muốn cứu độ loài người, nên đề nghị tặng Người tất cả các nước trên trần gian. Có lẽ nhiều người nghĩ rằng đề nghị của ma quỉ là hợp lý. Cứ có quyền thống trị trên hết mọi dân nước rồi nói gì người ta chẳng nghe. Chúa sẽ không phải mất công chịu đau khổ và chịu chết. Chỉ cần quì xuống thờ lạy ma quỉ, vua quan, dân chúng các nước sẽ răm rắp tuân theo.
Thật là tiện lợi. Quyền lực là một cơn cám dỗ muôn đời của nhân loại. Từ ngàn xưa, vua chúa các nước đã không ngừng gây chiến để tranh dành quyền lực. Ngày nay, trong các cuộc chiến mới, người ta không còn giết nhau bằng gươm đao, súng đạn, nhưng bằng quyền lực kinh tế, khoa học, kỹ thuật. Tuy êm đềm nhưng cuộc chiến vô cùng khốc liệt. Cơn cám dỗ về quyền lực để thống trị không những không suy giảm mà còn mãnh liệt hơn.
Cơn cám dỗ thứ ba : tìm những điều kỳ lạ.
Muốn những chuyện thần kỳ. Muốn làm được những việc kinh thiên động địa. Muốn có những thành công lẫy lừng. Cơn cám dỗ này thúc đẩy người ta đổ xô đi tìm phép lạ. Cơn cám dỗ xây tháp Ba-ben từ ngàn xưa vẫn còn tiếp diễn.
B. Xuyên qua những cơn cám dỗ ấy ta thấy ma quỉ thật vô cùng tinh khôn và hiểm độc.
Với cơn cám dỗ thứ nhất, ma quỉ muốn xô đẩy con người vào chỗ làm nô lệ cho dục vọng. Xúi giục con người chỉ tìm thoả mãn những bản năng thấp hèn. Giới hạn con người vào sự sống xác thịt.
Đức Giê-su đã vạch trần âm mưu của ma quỉ khi Người cho biết con người không chỉ có đời sống thể lý mà còn có đời sống tâm linh. Khi quyết tâm chống lại cơn cám dỗ thoả mãn những nhu cầu thân xác để chăm lo cho sự sống tâm linh Chúa đã nâng cao phẩm giá con người lên.
Với cơn cám dỗ thứ hai, ma quỉ muốn biến con người thành nô lệ cho tham vọng, nô lệ cho ma quỉ. Vì ham hố chức quyền, vì mưu cầu danh vọng mà con người đánh mất tự do của mình, cam tâm làm nô lệ cho ma quỉ và vì tham danh vọng mà đánh mất cả chính mình.
Đức Giê-su đã vạch trần âm mưu đen tối của ma quỉ khi cương quyết chối từ danh vọng quyền thế. Chúa còn chỉ cho ta con đường duy nhất phải theo đó là thờ phượng Thiên chúa. Chỉ có thờ phượng Thiên chúa mới đem đến cho con người tự do đích thực, tự do trong tâm hồn, không bị nô lệ một tham vọng nào.
Với cơn cám dỗ thứ ba, ma quỉ đẩy con người vào sự nô lệ cho cuồng vọng, điên cuồng … đến chống lại cả Thiên chúa, dùng Thiên chúa để phục vụ cho những ước vọng ngông cuồng của mình. không còn đến với Thiên Chúa trong tâm tình của người con thảo đối với Cha hiền nữa.
Đức Giê-su đã vạch trần âm mưu của ma quỉ khi Người chỉ cho ta con đường của người con hiếu thảo. Người con hiếu thảo là người luôn tin cậy phó thác và luôn làm theo ý Cha, chứ không bao giờ dám thách thức Cha. Người con hiếu thảo là người luôn vâng lệnh Cha sai bảo chứ không bao giờ dám sai bảo Cha.
Cám dỗ của ma quỉ hiểm độc vì nó tiến từng bước : Từ hạ thấp phẩm giá con người khi khiến con người làm nô lệ cho dục vọng đến cướp mất tự do của con người khi xui giục con người nô lệ cho ma quỉ và sau cùng đi đến chỗ tận cùng là chối bỏ Thiên chúa, không coi Thiên chúa là cha. Cám dỗ càng hiểm độc hơn vì ma quỉ đã khéo léo bọc những âm mưu thâm hiểm trong lớp vỏ nhung lụa, êm ái, hợp lý và đầy quyến rũ của những nhu cầu, quyền lực và uy tín.
Ngày xưa là như thế. Ngày nay cũng như vậy. Những cơn cám dỗ của ma quỉ vẫn như những chiếc bẫy giăng ra để trói buộc con người trong vòng nô lệ. Cám dỗ càng ngày càng tinh vi và càng ngọt ngào hơn nên càng hiểm độc hơn. Muốn chống trả được những cơn cám dỗ, ta phải bắt chước Đức Giê-su dùng những vũ khí sắc bén, đó là ăn chay cầu nguyện, thấm nhuần Lời Chúa và nói "KHÔNG" ngay với những mời mọc ngọt ngào của ma quỉ dưới mọi hình thức.
Trong cuộc chiến một mất một còn này không có chỗ cho thái độ chần trừ, bàng quang, ngoại cuộc, thỏa hiệp ảo tưởng. Với sự đo được ban cho, con người phải có sự lựa chọn dứt khoát để nói lên thái độ của mình. Ở đây câu phúc âm "Không ai có thể làm tôi hai chủ" đòi hỏi một thái độ dứt khoát tuyệt đối trong nghĩa gốc cũng như trong nghĩa loại suy,
Trong kho chuyện ngụ ngôn của người Tây Phương có câu chuyện này: Có một ông già kia vì thân phận cô thân cô thế nên quanh năm ngày tháng chỉ biết vui với hoa cỏ, không có ai để bày tỏ sự tình. Một hôm kia ông đi ra khỏi chốn quạnh hiu của mình, mong tìm được một ai đó cho có bạn.
Rất may ông gặp được một con gấu. Thân phận nó cũng cô đơn không kém gì ông. Thế là ông già bằng lòng rước nó về nhà cùng nhau sớm hôm sum vầy. Gấu hết lòng trung hậu, hằng ngày ra công giúp đỡ làm cho ông già đẹp dạ vui lòng.
Một hôm, ông già ngủ trưa. Gấu ta ngồi một bên đuổi ruồi đập muỗi. Có một con ruồi cứ bay đi bay lại rồi đậu trên mũi ông già. Gấu ta đuổi đi nhưng nó lại bay trở lại và đậu trên đó nữa. Gấu hết sức giận, thấy bên cạnh có một viên đá bèn bê nó lên rồi rình mà ném một cái để giết con ruồi chết đi. Thế nhưng đâu có dè là...Con ruồi đã không hề hấn gì vì nó đã vội bay đi trước và hòn đá kết thúc cuộc đời của ông già trước sự ngỡ ngàng của gấu!
Chơi dao có ngày đứt tay, đùa với lửa có ngày gây nên hỏa hoạn: Con người biết rất rõ đó là những bài học và đã có biết bao thí dụ "xương máu" để chứng minh, thế nhưng vẫn còn không ít người sạ lầy ngay trên bánh xe của người đi trước.
Lạy Chúa, trong khi báo trước cho chúng con rằng "Ma quỉ muốn sàng sảy chúng con như người ta sàng gạo", và "hãy tỉnh thức và cầu nguyện để khỏi sa chước cám dỗ, vì tinh thần thì mau mắn nhưng xác thịt vốn yếu đuối", Chúa muốn chúng cơn ý thức rõ cuộc chiến dai dẳng và khó khăn đang chờ đợi chúng con. Đồng thời, Chúa cũng cho chúng con biết, trong cuộc chiến đấu này, chúng con không chiến đấu một mình.
Xin cho chúng con khi được củng cố bằng niềm tin mạnh mẽ để khi buớc vào cuộc chiến đấu với chính mình, một cuộc chiến gay go và nguy hiểm nhất trên đời này chúng con sẽ không phải hoảng sợ vì Chúa luôn đồng hành với chúng con để giúp chúng con chiến đấu và chiến thắng.
Lạy Chúa, xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ. Amen.
THỨ HAI TUẦN 1 MÙA CHAY
Mt 25,31-46
"Ta bảo thật các ngươi:
mỗi lần các ngươi không làm như thế
cho một trong những người bé nhỏ nhất đây,
là các ngươi đã không làm cho chính Ta vậy."
(Mt 25,45)
Bài đọc sách Lêvi dạy ta cách đối xử với tha nhân, gồm trong hai điều chính:
a/ Công bình
b/ Bác ái
Nhìn chung ta thấy, lời dạy của Cựu Ước có tính cách tiêu cực, "đừng, đừng và đừng" và chưa được rộng ("hãy yêu thương bạn hữu như chính mình").
Lời dạy của Chúa Giêsu tích cực hơn và cũng rộng rãi hơn. Chúa còn bảo Ngài sẽ coi những việc bác ái tôi làm cho những kẻ bé mọn như là làm cho chính Chúa.
Bà Chiara Lubich, người sáng lập ra phong trào Focolare chủ trương sống tinh thần Tin Mừng một cách triệt để đã chia sẻ một kinh nghiệm sống như sau: Coi những kẻ đang đau khổ là hình ảnh Chúa Giêsu đang bị bỏ rơi trên Thập Giá. Cũng như Chúa Giêsu bị bỏ rơi rất cần người an ủi, giúp đỡ, ta cũng hãy giúp đỡ an ủi những kẻ đau khổ ấy.
Vâng! Từ khi chọn con đường nhập thể, Chúa đã muốn chúng ta tìm Ngài trong tha nhân, yêu Ngài qua tha nhân và giúp đỡ Ngài cũng qua tha nhân.
Chúng ta tự hỏi, tình yêu có một sức mạnh gì không mà Chúa lại luôn đòi hỏi con người phải yêu thương nhau như thế?
Tôi xin mượn một câu chuyện được phổ biến trên mạng Internet để trả lời:
Ngày ấy, tôi dạy mẫu giáo tại một ngôi trường nhỏ nằm gọn trong khuôn viên của một tòa nhà xinh đẹp. Mỗi sáng, cứ đúng 9 giờ, tất cả học sinh tụ tập trong căn phòng lớn, bắt đầu một ngày mới bằng bài thể dục đầu giờ. Hơn 50 đứa trẻ, từ 3-6 tuổi, ngồi san sát trên những chiếc ghế xinh xinh đủ màu đặt trên tấm thảm dầy. Những gương mặt thơ ngây bừng sáng khi chúng háo hức hát vang những bài ca, cùng chia sẻ cho nhau những cảm nhận về mọi điều tốt đẹp trong cuộc sống.
Một buổi sáng nọ, cô hiệu trưởng gặp toàn thể học sinh trong căn phòng lớn và thông báo:
- Hôm nay, chúng ta sẽ tiến hành một thí nghiệm mới.
Cô giơ cao hai cây trường xuân bé xíu đựng trong hai cái chậu con giống hệt nhau.
- Chúng ta có hai cây con. Trông chúng giống hệt nhau, phải không?
Tất cả bọn trẻ tò mò nhìn vào hai chậu cây rồi đồng thanh đáp:
- Dạ phải.
Cô nói tiếp:
- Chúng ta sẽ nuôi dưỡng hai cây con này với cùng chế độ ánh sáng, cùng chế độ nước tưới nhưng… với sự quan tâm chăm sóc khác nhau. Rồi chúng ta sẽ theo dõi xem, điều gì sẽ xảy ra khi đặt một cây trong nhà bếp cách xa chúng ta, và một cây ngay tại đây, trên lò sưởi này.
Sau khi đặt một cái chậu trên lò sưởi trong bếp, cô hiệu trưởng dắt bọn trẻ vào bếp, đặt cái chậu lên quầy. Sau đó, cô dẫn những đứa trẻ với những đôi mắt mở to vì bỡ ngỡ trở lại căn phòng lớn.
Chúng ta sẽ đối xử với cây như một người bạn. Trong vài tháng tới, mỗi ngày chúng ta đều hát cho cây trường xuân nghe. Chúng ta sẽ nói cho bạn ấy biết bạn ấy xinh đẹp thế nào và chúng ta yêu mến bạn ấy biết bao. Chúng ta sẽ luôn chúc bạn ấy mọi điều tốt đẹp…
Một bé gái giơ tay:
- Nhưng thưa cô, thế còn cây trong bếp thì sao?
Cô hiệu trưởng mỉm cười thích thú:
- Chúng ta sẽ dùng cây ấy làm cây "đối chứng" trong thí nghiệm tuyệt vời của chúng ta. Theo các em, chúng ta sẽ làm gì?
- Chúng ta sẽ không nói chuyện với nó?
- Đúng. Dù chỉ là một lời thì thầm.
- Chúng ta sẽ không gởi cho nó một lời chúc tốt đẹp nào.
- Đúng.
Và chúng ta sẽ xem chuyện gì sẽ xảy ra.
Bốn tuần sau, mắt của tôi cũng mở to ngạc nhiên như bọn trẻ. Cây trường xuân trong nhà bếp yếu ớt, mảnh khảnh và chẳng lớn được tí nào. Còn chậu cây đặt trong phòng lớn, được bao bọc bởi những lời yêu thương êm dịu, được bọn trẻ hát cho nghe mỗi ngày, đã lớn gấp ba lần với những chiếc lá xanh biếc tràn đầy nhựa sống. Để chứng minh kết quả của cuộc thí nghiệm và cũng để lau khô những giọt nước mắt của những đứa trẻ nhạy cảm, lo lắng cho số phận cây thứ hai khỏi cảnh lẻ loi trong bếp, cô hiệu trưởng cho mang nó lên, đặt ở trong phòng lớn, bên cạnh chậu thứ nhất.
Rồi sau đó họ đối xử với cây này y như đã đối xử với cây thứ nhất trước kia.
Ba tuần sau, chậu cây thứ hai đã bắt kịp cây trong chậu thứ nhất. Bốn tuần sau, chúng cùng lớn mạnh như nhau.
Tôi ghi nhớ mãi bài học này, và tự đúc kết cho mình câu kết luận: Không ai, không vật gì lớn lên được nếu không có tình yêu.
Vâng, tình yêu quan trọng như thế, nên Chúa luôn đòi hỏi chúng ta phải yêu thương nhau. "Thiên Chúa là tình yêu: ai ở trong tình yêu, người đó ở trong Thiên Chúa và Thiên Chúa ở trong họ”. (1Ga 4,16)
Lạy Chúa,
Ngài là mẫu mực của tình yêu tinh ròng,
xin cho chúng con trở thành tình yêu,
tình yêu bao dung và quảng đại
cho trái tim khô cằn của thế giới. Amen.
THỨ BA TUẦN 1 MÙA CHAY
Mt 6,7-15
"Khi cầu nguyện, anh em đừng lải nhải như dân ngoại". (Mt 6,7)
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay dạy ta cầu nguyện. Cầu nguyện là để biết ý Chúa để có thể thực thi ý Người.
1. Thường khi cầu nguyện ta cố nói cho Chúa biết ý của ta và ta xin Thiên Chúa giúp ta đạt được ý đó.
Một du khách đến cầu nguyện bên cạnh bức tường gọi là "bức tường than khóc”, dưới chân nền Đền thờ xưa kia của thành Jêrusalem. Trước hết du khách cất tiếng kêu xin:
- Lạy Chúa là cha chúng con, xin Chúa làm cho thế giới này không còn nghèo khổ và đói khát nữa.
Nghe du khách cầu nguyện như vậy, người hướng dẫn viên Do Thái khuyến khích:
- Thật là một lời nguyện hay! Ông hãy cầu nguyện thêm một lời nữa đi!
Du khách trở lại bên bức tường và cầu nguyện thêm:
- Lạy Chúa, xin cho giặc giã, chiến tranh không còn trên mặt đất này.
Anh hướng dẫn viên Do Thái lại khuyến khích người du khách thêm một lời nguyện nữa cho hòa bình trên thế giới. Người du khách liền sốt sắng tiếp theo:
- Lạy Chúa, xin cho cuộc tranh chấp hiện nay tại Trung đông được giải quyết tốt đẹp, cho người Ả-Rập và Do Thái được sống chung hòa bình, và cho người Do Thái biết trả lại cho người Ả-Rập tất cả những đất đai họ đang chiếm đóng.
Nghe đến đây, anh hướng dẫn viên Do Thái vội vàng ngắt lời người du khách với một giọng giận dữ;
- Xin lỗi ông, ông đang nói chuyện với bức tường đấy!
Nói thế rồi anh ta vội kéo du khách đi nơi khác.
Gioan Kim Khẩu nói: "Để lời cầu nguyện của bạn được trọn bề hoàn hảo, bạn hãy lấy đức hiền hậu khiêm nhu mà tô điểm ngôi nhà tâm hồn, lấy cuộc đời công chính mà chiếu soi cho rực rỡ, lấy việc lành phúc đức mà tô điểm, đem đức tin và lòng cao thượng như đá quý mà dát vào tường. Trên tất cả, bạn hãy đặt cầu nguyện làm nóc để hoàn tất ngôi nhà. Và như thế, bạn chuẩn bị cho Thiên Chúa một ngôi nhà hoàn hảo. Nơi đây, bạn đón rước Thiên Chúa như trong cung điện vương giả và lộng lẫy."
2. Lời Chúa hôm nay cho biết cách cầu nguyện như thế không đúng. Đúng ra cầu nguyện phải là xin cho ta được biết ý Chúa và xin Chúa giúp ta thực hiện ý Người. Chúa biết mọi sự, cho nên dù ta không nói thì Người cũng đã biết ý ta. Phần ta thì không biết ý Chúa nên phải xin Người chỉ cho ta biết.
Nhiều người nghĩ rằng, sống theo ý Chúa thật là khó. Thực ra điều này rất thoải mái và dễ chịu như nằm trên một chiếc gối bông, nếu như ta biết nghĩ rằng, ta không thể chọn được thứ gì tốt cho bằng thứ Chúa đã chọn sẵn cho ta, không thể nhắm tới thứ gì hay cho bằng thứ Chúa đã nhắm sẵn cho ta. Sống theo ý Chúa ta không còn gì phải lo và không có gì an toàn hơn được. (Gospel Herald)
Người thanh niên tên là Tony Belade bỗng trở nên quen thuộc với nhiều người, kể từ khi Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đến viếng thăm tiểu bang California bên Hoa Kỳ, dạo mùa hè 1987. Nhiều người đã được chứng kiến buổi đón tiếp Đức Thánh cha hôm ấy và khó mà quên được hình ảnh vô cùng cảm động khi Đức Giáo Hoàng từ lễ đài cao bước xuống để ôm và hôn một người thanh niên đang hát với tiếng đàn ghi ta của mình. Điều gì đã làm cho cảnh ấy trở nên khác lạ và giây phút ấy trở nên luyến nhớ cho nhiều người? Thưa rằng, bởi vì người thanh niên ấy đã chơi đàn ghi ta bằng những ngón chân của mình!
Tony Belade là hiện thân của niềm hy vọng. Anh đã chào đời không có hai cánh tay, nhưng anh đã biết tận dụng các ngón chân của mình để học đàn ghi ta. Không những thế, anh còn dùng chân vào nhiều công việc khác nữa như: gấp quần áo, vắt một ly nước chanh... Anh đã biết biến sự tàn tật kém may mắn của mình thành một khả năng thuần thục. Ngạc nhiên trước khả năng lạ lùng ấy của anh, nhiều người đã hỏi anh:
- Bí quyết nào đã giúp anh chẳng những chấp nhận mình để sống bình thường, mà còn sử dụng ghi ta một cách tuyệt diệu như thế?
Người thanh niên tàn tật trả lời:
- Tôi đã cầu nguyện với Chúa: "Lạy Chúa, xin nhận lấy con và dùng con theo Thánh ý Chúa. Tôi đã tự hiến cho Chúa như một của lễ sống động và Chúa đã nhận lời tôi."
Không ai trong chúng ta được chọn lựa sinh ra hoặc không sinh ra. Không ai trong chúng ta được chọn lựa làm đàn ông hay đàn bà. Không ai trong chúng ta được chọn lựa làm người xinh đẹp hay xấu xí, thông minh hay ngu đần, giàu sang hay nghèo hèn... Dưới mắt người đời, mỗi người chúng ta đến trong trần gian này với tất cả một định mệnh. Người ta thường hay nói: Có người sinh ra dưới một ngôi sao tốt, có người sinh ra dưới một ngôi sao xấu, có người may mắn, có người kém may mắn. Thế nhưng, trong ánh mắt tình yêu của Thiên Chúa thì số phận nào cũng là một hồng ân cao cả. Thiên Chúa luôn có một chương trình cho mỗi một con người.
THỨ TƯ TUẦN 1 MÙA CHAY
Lc 11,29-32
"Trong cuộc Phán Xét, dân thành Ninivê
sẽ chỗi dậy cùng với thế hệ này và sẽ kết án họ,
vì xưa dân ấy đã sám hối khi nghe ông Giôna rao giảng." (Lc 11,32)
1. Lời Chúa hôm nay kêu gọi chúng ta sám hối.
Khi nhắc lại truyện Giona, Chúa Giêsu cảnh cáo những người Do Thái thời của Ngài: "Dân thành Ninivê sẽ chỗi dậy cùng với thế hệ này và sẽ kết án họ, vì xưa dân ấy đã sám hối khi nghe ông Giona giảng, mà đây thì còn có Đấng hơn ông Giona nữa"(Lc 11,32).
a/ Sám hối gồm 4 điều:
- Biết mình có tội.
- Buồn.
- Tin vào tình thương tha thứ của Thiên Chúa.
- Quay về với tình thương ấy.
Thiếu một trong bốn điều trên đây thì không phải là sám hối thật.
b/ Sám hối là điều làm vui lòng Thiên Chúa vì qua đó con người biết nhận ra tội lỗi của mình. Nhận ra tội lỗi của mình, đó là bước quan trọng nhất trên con đường trở về với Chúa.
Đức Cha Pierre de Corbeille Tổng Giám Mục giáo Phận Seine nước Pháp, một ngày nọ thấy một tội nhân đến quì sụp dưới chân ngài để xin xưng tội. Anh ta tha thiết van nài ngay từ đầu là xin ngài hãy bắt anh nhận một việc đền tột thật nặng.
Sau khi nghe xưng thú, Đức Cha bảo:
- Tất cả tội lỗi của con hết sức nghiêm trọng. Vì vậy theo như ý con mong muốn, ta ra việc đền tội cho con là phải tự đánh đòn mỗi ngày trong 7 năm.
Anh ta ngước mắt lên khóc ròng:
- Thưa Đức cha, như thế vẫn còn quá nhẹ, không đủ đền bù tội lỗi của con, con xin được làm việc ấy vĩnh viễn cho đến chết !
Đức Cha nghe vậy thì chậm rãi bảo anh:
- Vì tấm lòng thành của con, ta quyết định bớt cho con: chỉ còn ba năm phải ăn chay và uống nước lã!
Thế nhưng, anh ta lại đấm ngực thổn thức:
- Thưa không, lạy Đức Cha, việc đền tội như thế chưa cân xứng với tội lỗi con đã phạm. Nói cho cùng con chỉ xứng đáng lãnh nhận cái chết mà thôi!
Cảm động trước lòng ăn năn thống hối của anh ta, Đức Cha Pierre de Corbeille đã đỡ anh ta dậy, nhìn thẳng vào đôi mắt đẫm lệ của anh rồi bảo:
- Này con thân yêu, việc đền tội của con bây giờ chỉ còn là đọc một kinh lạy Cha, chỉ một kinh lạy Cha thôi. Ta tin chắc Thiên Chúa sẽ hài lòng về con!
Quả thật, dưới trần gian không có gì tốt đẹp và hữu ích cho bằng lòng sám hối. Bởi vì nó có sức canh tân cuộc đời. Một lòng sám hối chân thật có sức biến đổi mùa đông giá rét của lòng người thành mùa xuân ấm áp tình yêu.
2. Quả thực như thế, khi con người phạm tội, họ không còn cách nào khác để sửa lại lương tâm của mình bằng sự sám hối.
Nhận ra tội lỗi của mình, đó là bước quan trọng nhưng nếu chỉ dừng ở đó thì chưa phải là sám hối đúng nghĩa. Sám hối còn phải là làm lại cuộc sống. Có như thế thì sám hối mới có hậu.
Tạp chí kinh tế Viễn Đông mới đây có ghi lại chuyện tự nộp mình rất đáng khâm phục của một tên cướp như sau: Một đêm nọ, vì quá mỏi mệt với cuộc sống chui lủi, tên cướp khét tiếng đã ra đầu thú. Trước thái độ hồ nghi của viên công an trực, tên cướp đã chỉ vào vết sẹo để khẳng định rằng, chính mình là người đã từng bị lực lượng an ninh tầm nã trong mấy tháng qua. Nhân viên công an vẫn tiếp tục nghi ngờ, nhất định không cho anh vào khám, còn kẻ cướp thì dứt khoát không chịu bỏ đi. Phải đợi đến sáng hôm sau, các viên chức công lực mới nhận diện được người mà họ đã truy nã trong mấy tháng qua. Tên cướp cho biết, anh đã kiệt sức vì cuộc chạy trốn, hằng đêm anh không thể ngủ yên khi nghe tiếng chó sủa, ngay cả tiếng gà gáy. Bước vào phòng giam, tên cướp nhìn vào viên công an trực của đêm hôm trước với vẻ đắc thắng.
Mọi người chúng ta đều là tội nhân. Vì thế mà từng người chúng ta cần phải sám hối. Việc sám hối như thế sẽ làm vui lòng Thiên Chúa và thần thánh trên trời. Làm sao chúng ta quên được lời quả quyết của Chúa Giêsu “Cả Thiên Đàng sẽ hân hoan vì một tội nhân hối cải”(Lc 15,7). Chẳng những làm cho Thiên Đàng vui, mà lòng sám hối, sự hoán cải còn là chìa khóa hạnh phúc và an bình cho chính bản thân ta, cho gia đình, xã hội và mọi người chung quanh ta nữa.
Lạy Chúa Giêsu,
sám hối không phải là điều dễ dàng,
bởi lẽ chúng con không đủ khiêm tốn
để nhận mình lầm lỗi.
Chúng con ngỡ ngàng
khi thấy Chúa là Ðấng vô tội
mà lại đứng chung với các tội nhân,
chờ Gioan ban phép Rửa.
Chúa đã muốn nên bạn đồng hành
với phận người mỏng dòn yếu đuối chúng con.
Xin cho chúng con biết thường xuyên điều chỉnh
lối nghĩ và lối sống của mình,
Ước gì Chúa ban cho chúng con ơn hoán cải,
dám đi đến những hành động cụ thể,
và chấp nhận những cắt tỉa đớn đau.
Nhưng xin đừng quên ban cho chúng con
niềm vui của Giakêu,
hạnh phúc vì được tự do và được yêu mến. Amen.
THỨ NĂM TUẦN 1 MÙA CHAY
Mt 7,7-12
"Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy,
cứ gõ cửa thì sẽ mở ra cho."
(Mt 7,7)
Ý chính của các bản văn Phụng vụ hôm nay một lần nữa lại dạy chúng ta về sự cầu nguyện, một trong ba việc quan trọng phải làm trong Mùa Chay.
1. Trước hết khi cầu nguyện, Chúa bảo: phải có lòng tin. "Cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ được mở cho"(Mt 7,7).
Năm 1868, trong tuần đại phúc tại Aix, một vị thừa sai được mời đến để giảng. Trong một bài giảng, ngài đã kể một câu chuyện làm xúc động mọi người. Ngài đã kể lại một sự việc có thật đã xảy ra trong cuộc đời của Ngài. Ngài nói:
- Cách đây ít năm, một người mẹ thấy giờ chết của mình đã gần. Các con cái bà đều đến vây quanh giường, chỉ thiếu có một đứa. Đứa con này bị tù vì một tội ác. Điều đó đã góp phần vào việc làm cho mẹ nó mất sớm. Dẫu thế, người mẹ hấp hối muốn thử một lần cuối để đưa đứa con mình về nẻo chính đường ngay. Mặc dầu cho tới khi đó, mọi lời cầu nguyện của bà xem ra đều vô hiệu. Người ta đã làm đơn xin người quản đốc trại giam cho đứa con của bà được gặp bà lần cuối. Sau khi xem xét hoàn cảnh của người mẹ đáng thương, viên giám đốc trại giam đã bằng lòng. Với lính tráng bảo vệ cẩn mật, phạm nhân đã được dẫn độ đến bên giuờng mẹ để hắn có thể nhìn mẹ một lần cuối. Và đứa con tội lỗi kia đã được dẫn đến bên giường của mẹ mình. Người mẹ đã không còn đủ sức để nói một lời với con. Dầu vậy bà đã dồn mọi tàn sức để mở mắt nhìn con một lần cuối với vẻ thật đau buồn. Sau đó bà đã ra đi. Trên khuôn mặt của bà người ta thấy toát lên một sự thanh thản, như là một người đã được thoả mãn tất cả những ước vọng của cuộc đời mình.
Sau đó tù nhân lại được đưa về trại giam. Thật không ngờ cái nhìn của bà mẹ đã như một phép lạ. Trở về phòng giam, đứa con của bà đã quì xuống và bắt đầu cầu nguyện. Ít lâu sau đó, anh đã cởi bỏ được gánh nặng tội lỗi sau khi xưng tội. Ơn thánh Chúa đã tiếp tục tác động trên anh. Sau thời gian giam giữ, anh được trả tự do rồi anh xin dâng mình cho Chúa và anh đã trở thành một linh mục". Nói tới đây, ngài dừng lại một chút rồi với một giọng đầy cảm xúc, Ngài nhấn mạnh từng tiếng: "Và người con đó, chính là tôi đây."
Sau đó ngài nói với mọi người: "hãy can đảm và trông cậy, hỡi anh chị em tín hữu thân mến. Kẻ tội nhân có lỗi đến đâu thì lòng nhân hậu và tình thương xót của Thiên Chúa còn to lớn hơn gấp bội”. Những lời đó đã làm xúc động mọi người tham dự. Họ được tràn đầy lòng tin tưởng. Họ đã cảm nghiệm được lòng thương xót của Thiên Chúa qua câu chuyện có thật họ vừa được nghe và họ đã thống hối xưng thú mọi tội lỗi cách thành thật.
2. Thứ đến: Chúa dạy khi cầu nguyện phải có lòng thành. Lòng thành là lòng tốt đối với mọi người "Tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình thì hãy làm cho người ta" (Tướng Aman là một hình ảnh người không có lòng tốt nên rốt cuộc chính ông lại bị hại)..
Đây là những câu tương tự với Lời Chúa Giêsu dạy:
- Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân (Khổng Tử).
- Những gì anh không thích thì đừng làm cho người khác. Đó là tóm tắt tất cả lề luật (Rabbi Hillel).
Trong kho tàng Nhà Phật có câu chuyện nổi tiếng này. Một hôm, có một gã khùng kia nghe Đức Phật dạy rằng: đừng bao giờ lấy ác báo ác. Ngày nọ, hắn đến gặp Đức Phật và dự tính thử xem Phật có sống được điều Ngài giảng không. Hắn bắt đầu tuôn ra đủ mọi lời thóa mạ, và gọi Ngài là tên đần độn.
Trong khi hắn liên tục xổ ra đủ thứ lời lăng mạ, Đức Phật vẫn kiên nhẫn lắng nghe. Chờ cho đến khi hắn mỏi miệng không nói thêm lời nào nữa, Phật mới lên tiếng.
- Này con, nếu có một người nào đó không chịu nhận món quà mà kẻ khác biếu cho, thì món quà ấy sẽ đi về đâu?
Gã khùng cay cú đáp:
- Thằng điên nào mà chả biết, dĩ nhiên là món quà ấy sẽ trở về lại với người đem cho.
Đức Phật liền nói:
- Hỡi con, con vừa tặng cho ta rất nhiều lời thóa mạ, nhưng ta chẳng nhận đâu nhé!
Gã khùng liền câm miệng không thốt ra được lời nào nữa. Đoạn Đức Phật nói tiếp:
- Kẻ nào lăng mạ một người thánh thiện, thì cũng giống như hắn ta khạc nhổ lên trời. Những thứ hắn khạc ra không làm nhơ bẩn bầu trời, trái lại sẽ rơi xuống làm nhơ bẩn gương mặt của chính hắn. Cũng thế, kẻ nào thóa mạ một người nhân đức, thì khác nào tung bụi ngược chiều gió, bụi sẽ chỉ bay vào mắt hắn mà thôi.
Chúng ta hãy nghe lại một lần nữa lời của Chúa Giêsu: "Tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình thì anh em cũng hãy làm cho người ta" (Mt 7,12).
THỨ SÁU TUẦN 1 MÙA CHAY
Mt 5,20-26
"Vậy, Thầy bảo cho anh em biết, nếu anh em không ăn ở công chính
hơn các luật sĩ và người Pharisêu, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời."
(Mt 5,20)
1. Lời Chúa trong sách Êzêchiel rất an ủi chúng ta: Chúa không chấp nhất chuyện quá khứ. Cho dù trong quá khứ ta từng lỗi phạm nhiều, nhưng nếu hôm nay ta quay về, thì Chúa vẫn coi là công chính.
Trong tác phẩm có tựa đề "Quyển Tin Mừng thứ 5", tác giả, một người Ý, đã tưởng tượng một câu chuyện như sau:
Ngày kia các thánh trên Thiên Đàng không còn chịu nổi sự xúc phạm của con người đối với Thiên Chúa nữa, cho nên các ngài mới họp công nghị để tìm cách chận đứng tội lỗi của loài người. Sau nhiều buổi họp, cuối cùng, các vị thánh mới đồng thanh biểu quyết rằng: việc con Thiên Chúa chịu chết trên Thập Giá vẫn chưa đủ để làm cho con người sáng mắt. Vậy, cần phải dùng đến sức mạnh may ra mới trừng trị và thuyết phục được con người. Các ngài họp thành một đạo binh hùng mạnh và xâm nhập vào trái đất. Chỉ trong nháy mắt, đạo binh các thánh đã chinh phục được toàn bộ thế giới. Các ngài giao việc cai trị trái đất cho một số người công chính còn sót lại giữa loài người. Còn các kẻ tội lỗi thì các ngài tập trung tất cả về một thung lũng lớn. Tại đây, các ngài đã dựng sẵn một giàn hỏa thiêu cực lớn để tiêu diệt tất cả bọn họ. Các ngài tin chắc rằng, sau lần thanh lọc này, dòng giống con người trên mặt đất này sẽ chỉ còn lại những người công chính mà thôi. Khi mọi việc đã sẵn sàng để tiến hành sự hủy diệt, các thánh bỗng nhận thấy ở giữa đám người tội lỗi có một người đang vác Thập Giá đi về phía giàn thiêu. Hắn đang ra hiệu cho những người khác đến giúp đỡ hắn. Nhìn thấy cảnh tượng ấy, các thánh càng bực tức hơn:
- Tại sao người tội lỗi này lại muốn được xử theo hình phạt chỉ dành riêng cho Con Thiên Chúa?
Nghĩ thế, nên các thánh cho điệu kẻ vác Thập Giá đến, trói chân tay hắn lại, rồi giải đến trước mặt thánh Phêrô để xin Ngài xét xử. Vừa nhìn thoáng qua kẻ vác Thập Giá, vị thủ lãnh các tông đồ đã nhận ra đó chính là thầy mình. Các thánh ngỡ ngàng khi nghe thánh Phêrô tiết lộ rằng:
- Con Thiên Chúa đang lẫn lộn giữa những người tội lỗi.
Lúc đó, các ngài mới nhớ lại lời của Chúa Giêsu: "Con người không đến để cứu thoát những người công chính, mà chính là cứu những kẻ tội lỗi".(Mt 9,13)
Trước sự ngỡ ngàng của các thánh, Chúa Giêsu nói: "Ta muốn chết một lần nữa cho các tội nhân. Bởi vì trên trần gian không có người nào có thể cứu thoát kẻ có tội khỏi cơn thịnh nộ của các thánh".
2. Chúa Giêsu bảo: "Ai giận anh em mình thì bị đưa ra tòa. Ai mắng anh em mình là đồ ngốc thì phải bị đưa ra trước Thượng Hội đồng. Ai chửi anh em mình là quân phản đạo thì bị lửa hỏa ngục thiêu đốt." (Mt 5,21-22)
Những lời này Chúa Giêsu nói theo giọng cường điệu. Sự thật không được hiểu sát nghĩa như thế. Tuy nhiên, việc Chúa phải cường điệu khi dạy ta đừng giận, đừng mắng, đừng chửi cũng đáng ta lưu ý.
Một câu chuyện nhỏ từ Internet: Câu chuyện về túi khoai tây
Vào một buổi học, thầy giáo chúng tôi mang vào lớp rất nhiều túi nhựa và một bao khoai tây thật to. Thầy chậm rãi giải thích với mọi người rằng, mỗi khi cảm thấy oán giận hoặc không muốn tha thứ lỗi lầm cho ai, hãy viết tên của người đó lên một củ khoai tây rồi cho vào túi nhựa. Chúng tôi thích thú viết tên những người mình không ưa hay ghét hận rồi cho vào túi. Chỉ một lúc sau, chiếc túi nào của chúng tôi cũng đã căng nặng, đầy khoai tây. Thậm chí có người một túi không chứa hết khoai, phải thêm một túi nhỏ kèm theo.
Sau đó, thầy yêu cầu chúng tôi hãy mang bên mình túi khoai tây đó bất cứ nơi đâu và bất cứ lúc nào trong thời gian một tuần lễ. Đến lớp thì mang vào chỗ ngồi, về nhà thì mang vào tận giường ngủ, thậm chí khi vui chơi cùng bạn bè cũng phải đem theo.
Chỉ sau một thời gian ngắn, chúng tôi bắt đầu cảm thấy mệt mỏi và phiền toái vì lúc nào cũng có một túi khoai tây nặng nề kè kè bên cạnh. Tình trạng này còn tệ hơn nữa khi những củ khoai tây bắt đầu thối rữa, rỉ nước. Cuối cùng, chúng tôi quyết định xin thầy cho quẳng hết số khoai ấy đi và cảm thấy thật nhẹ nhàng, thoải mái trong lòng.
Lúc ấy, thầy giáo của chúng tôi mới từ tốn nói: "Các em có thấy không, lòng oán giận hay thù ghét người khác đã làm chúng ta thật nặng nề và khổ sở! Càng oán ghét và không tha thứ cho người khác, ta càng giữ lấy gánh nặng khó chịu ấy mãi trong lòng. Lòng vị tha, sự cảm thông với những lỗi lầm của người khác không chỉ là món quà quý giá để ta trao tặng cho mọi người, mà đó còn là một món quà tốt đẹp mỗi chúng ta dành tặng bản thân mình".
Mẹ Têrêsa bảo: "Nếu thực sự muốn yêu thương, ta phải học cách tha thứ."
THỨ BẢY TUẦN 1 MÙA CHAY
Mt 5,43-48
"Anh em hãy nên hoàn thiện như Cha anh em ở trên trời
là Đấng hoàn thiện." (Mt 5,48)
1. Kitô hữu là con của Chúa Cha, nên cũng phải cố gắng có tấm lòng yêu thương bao la như Chúa Cha. "Ngài khiến mặt trời mọc lên cho người lành kẻ dữ, và cho mưa xuống trên người liêm khiết và kẻ bất lương"( Mt 5,45). Biên giới của tình thương là không có biên giới. Chính thiên nhiên cũng nhắc chúng ta cố gắng bắt chước tình thương không biên giới và không phân biệt của Cha trên trời.
Chúa Giêsu kể ra ba mức độ phải đối xử với kẻ không yêu thương mình:
a/ Yêu thương.
b/ Làm ơn.
c/ Cầu nguyện.
Nếu tôi chưa thể yêu thương thì hãy cố gắng lấy ơn để báo oán. Nếu vẫn chưa thể thì ít ra là cầu nguyện cho họ.
Người không tôn giáo chủ trương phân biệt rõ rệt bạn và thù và cư xử "ân oán phân minh". Phật giáo đã nhận ra sự bế tắc của cách đối xử đó: Lấy oán báo oán, oán sẽ chất chồng.
Philipphê, vua nước Macedonia, khi đang đem quân vây thành Meton, có một tên cung thủ đại tài tên là Asthê đến xin vua cho hắn được sát nhập vào đội tinh binh của nhà vua. Người ấy khoe rằng, tài nghệ cung tên hay lắm, chim bay dầu lẹ đến mức nào, y cũng bắn không sai bao giờ. Vua mỉa mai bảo:
- Được, để bao giờ đánh trận với chim sẻ ta sẽ dùng đến tài ngươi.
Asthé nghe câu nói mỉa mai ấy, lấy làm căm tức vô cùng, liền chạy thẳng vào thành đang bị vây để chờ dịp trả thù.
Một hôm, Asthé đứng trên bờ thành, thấy vua Philipphê đang đi kinh lý các trại đóng binh ở ngoài thành. Asthé liền lấy một cây tên, viết vào mấy chữ: gửi cho con mắt bên phải của vua Philipphê rồi bắn xuống. Tên trúng giữa mắt phải của vua. Nhà vua tức giận vô cùng, truyền cho cận vệ ghi lên mũi tên ấy câu này: “Ta mà lấy được thành này, Asthé sẽ bị xử giảo”, rồi truyền cho quân sĩ bắn tên ấy vào thành.
Sau quả đã xảy ra đúng như vậy.
Vua Philipphê thật đã mua một giá rất đắt cái thú được nói một lời có ý mỉa mai. Nhưng mà Asthé lại mua đắt hơn cái thú trả được thù.
Lòng hiềm thù nhiều khi đưa con người đến chỗ bế tắc. Cái thói muốn châm chích người ta cũng nguy hiểm chẳng kém gì. Đành rằng, nói được những câu thâm trầm khiến cho người ta bị chạm và đau khổ nhiều khi cũng là một cái thú ở trên đời. Thế nhưng, đó không phải là điều mà lúc nào người ta cũng nên làm.
Thường thường người ta có thể tha thứ cho ta một tội ác dễ hơn là tha thứ cho ta một lời nói độc.
Chúng ta không thể quên Lời Chúa Giêsu dạy: “Hãy yêu thương kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét các con”(Mt 5,44) và “Hãy tha thứ để được Thiên Chúa tha cho”.(Lc 6,37)
2. Hãy yêu thương kẻ thù địch. Chỉ có yêu thương tha thứ mới tiêu diệt được kẻ thù.
Hai người cùng bán hàng tại một khu phố. Vì tranh giành khách hàng nên hai người đã trở nên kình địch với nhau.
Một trong hai người này xin trở lại đạo Công Giáo. Một hôm người này đến hỏi cha xứ:
- Thưa Cha, con vẫn ghét kẻ thù địch của con, con không biết làm thế nào để có thể lướt thắng được điều này. Xin Cha giúp ý cho con.
Cha xứ hỏi:
- Kẻ thù của ông là ai?
Sau khi đã nghe biết đầu đuôi câu chuyện, cha xứ góp ý:
- Mỗi lần có khách hàng nào đến cửa tiệm của ông mà ông không có món hàng người đó muốn mua, ông hãy giới thiệu cho người khách đó qua cửa tiệm của người đang kình địch với ông. Ông hãy cứ thử làm như thế xem sao!
Người kia đã về làm như lời cha xứ dạy và kết quả là số khách hàng đến cửa hàng của người không Công giáo mỗi ngày một đông. Nhưng đồng thời người này cũng nhận ra rằng, hàng hóa của ông bán cũng chạy hơn kể từ ngày ông thực hiện lời khuyên của cha xứ.
Thành thực mà nói, ai trong chúng ta, ít nhiều gì cũng có kẻ thù và có lẽ lúc này đây chúng ta cũng đang mang một mối hận thù hay là một sự cay đắng nào đó đối với một người đã xúc phạm đến chúng ta.
Phương thuốc hay nhất để diệt kẻ thù là biến kẻ thù trở thành bạn. Khi đó chúng ta không mất người, nhưng lại còn được thêm bạn.
Tổng thống Abraham Lincoln của Hoa Kỳ có thói quen áp dụng phương pháp bất thường để kết bạn.
Một lần kia ông đã dùng lời hay ý đẹp để nói tốt về những chính trị gia đối lập với mình. Nghe biết thế, một phụ nữ thắc mắc:
- Tại sao ông lại ca ngợi những địch thù của mình như vậy, khi mà lẽ ra ông phải phê bình chỉ trích để làm hạ giá và hủy diệt họ?
Tổng thống Abraham Lincoln đã trả lời người đã hỏi ông về vấn đề này bằng một câu nói:
- Biến thù thành bạn, đó lại không phải là cách tôi tiêu diệt kẻ thù hay sao?
Lạy Chúa Giêsu,
Giữa một thế giới còn tràn ngập hận thù và chia rẽ. Xin dạy con biết phục vụ và yêu thương như Chúa. Amen.