HỌC HỎI PHÚC ÂM
CHÚA NHẬT 2 MÙA CHAY NĂM A
Mt 17,1-9
1. Đọc Xuất hành 24,15-16. Bài Tin mừng hôm nay có gì giống với đoạn sách Xuất hành trên đây?
2. Đọc Mt 4,8; 5,1; 8,1; 14,23; 15,29; 17,1; 27,33; 28,16. Đối với thánh Mát-thêu, núi là nơi mang ý nghĩa gì?
3. Đọc Mt 17,2-3. Đức Giêsu đã biến đổi thế nào trước mắt ba môn đệ? Phêrô đã phản ứng ra sao trước sự biến đổi này? Đọc Mt 17,4.
4. Đọc Xuất hành 13,21-22; 16,10; 19,9-16; 33,9; và Mt 17,5. Trong Cựu Ước, mây tượng trưng cho điều gì?
5. Đọc Mt 17,5. Câu này có quan trọng không? Câu này có gì khác với Mt 3,17? Chúa Cha hài lòng vì Đức Giêsu đã làm chuyện gì?
6. Đọc Mt 17,5-6. Điều gì đã làm các môn đệ khiếp sợ? Đọc thêm Êdêkien 1,28; Đanien 8,17.
7. Đức Giêsu chói lòa đã làm gì để họ hết sợ? Đọc Mt 17,7. Đọc thêm Mt 17,1.
8. Tại sao bài Tin mừng về Đức Giêsu được biến hình luôn được đọc vào Chúa nhật thứ Hai mùa Chay?
GỢI Ý SUY NIỆM: Bạn hãy chiêm ngắm những khuôn mặt của Đức Giêsu lúc chịu phép rửa ở sông Giođan, lúc được biến hình sáng láng, lúc cầu nguyện trong Vườn Dầu và lúc hấp hối trên thập giá. Có nét gì đánh động bạn không? Có nét gì chung không?
PHẦN TRẢ LỜI
1. Sách Xuất hành 24,15-16 kể lại chuyện ông Môsê cùng với ông Giosuê lên núi để gặp gỡ Thiên Chúa và để được Ngài ban cho những bia đá ghi khắc luật cho dân. Ngọn núi này được mây bao phủ trong sáu ngày, và vinh quang của ĐỨC CHÚA xuất hiện trên đỉnh núi giống như ngọn lửa thiêu. Ngày thứ bảy, từ giữa đám mây, Ngài gọi ông Môsê lên núi và trò chuyện với ông. Bài Tin mừng hôm nay (Mt 17,1-7) cũng nói đến việc sáu ngày sau khi báo cuộc Thương Khó, Đức Giêsu dẫn ba môn đệ lên một ngọn núi cao, nơi có một đám mây sáng ngời bao phủ các ông. Từ đám mây có tiếng Chúa Cha phán với các môn đệ. Bài Tin mừng không nói đến vinh quang của Chúa Cha, nhưng lại nói về vinh quang của Đức Giêsu. Khuôn mặt và y phục Ngài được biến đổi (Mt 17,2).
2. Trong Tin mừng Mátthêu, nhiều biến cố quan trọng trong đời Đức Giêsu diễn ra trên núi. Đức Giêsu bị cám dỗ trên một ngọn núi rất cao (Mt 4,8). Ngài giảng Bài Giảng khai mạc trên núi (Mt 5,1; 8,1). Ngài lên núi cầu nguyện sau khi làm phép lạ bánh hóa nhiều (Mt 14,23). Ngài chữa bệnh trên núi như vị Mêsia (Mt 15,29). Ngài hiển dung trên một ngọn núi cao (Mt 17,1-9). Ngài cầu nguyện trên Núi Ô-liu (Mt 26,30.36). Ngài chịu đóng đinh trên Núi Sọ (Mt 27,33). Đức Giêsu phục sinh hẹn gặp các môn đệ trên một ngọn núi để rồi sai họ đi khắp thế giới (Mt 28,16). Trong Cựu Ước, núi là nơi Thiên Chúa mặc khải cho con người (Xh 3,1-6). Núi là nơi để cầu nguyện (1 V 18,42). Trong Tin mừng Mát-thêu, núi cũng là nơi Đức Giêsu gặp gỡ Thiên Chúa, gặp gỡ môn đệ và đám đông.
3. Đức Giêsu được Thiên Chúa biến đổi trước mặt ba môn đệ. Khuôn mặt Ngài chói sáng như mặt trời. Y phục Ngài đang mặc cũng trở nên trắng tinh như ánh sáng (Mt 17,2). Dựa theo cách mô tả trên đây, ta thấy vinh quang thần linh của Đức Giêsu được vén mở cho các môn đệ. Vinh quang rực rỡ này vẫn luôn có nơi con người Ngài, nhưng vinh quang ấy bị che khuất trong cuộc sống thường ngày. Đó là mầu nhiệm tự hủy của Thiên Chúa khi mang thân phận làm người của chúng ta. Phêrô ngây ngất trước cảnh tượng thánh thiêng, nên ông đã nghĩ đến việc ở lại đây. Ông định dựng ba lều cho ba vị, và ông muốn kéo dài thời gian ở trên núi để tận hưởng niềm hạnh phúc ấy (Mt 17,4).
4. Sách Xuất hành nhiều lần nói đến mây. Mây bao giờ cũng tượng trưng cho sự hiện diện của Thiên Chúa ở giữa dân Ngài. Mây dẫn đường ban ngày cho dân Chúa trong hoang địa (Xh 13,21-22). Vinh quang của Thiên Chúa xuất hiện trong đám mây (Xh 16,10). ĐỨC CHÚA ngự đến núi Xinai trong đám mây dày đặc (Xh 19,9.16). Cột mây đứng ở cửa Lều Hội Ngộ mỗi khi Môsê vào trong Lều gặp ĐỨC CHÚA (Xh 33,9). Trong bài Tin mừng hôm nay, có một đám mây sáng ngời bao phủ các ông, và Thiên Chúa đã lên tiếng từ đám mây đó để nói với các môn đệ về Đức Giêsu (Mt 17,5). Ngoài ra mây còn xuất hiện khi Đức Giêsu quang lâm vào ngày tận thế (Mt 24,30; 26,64).
5. Tiếng từ đám mây là tiếng của Thiên Chúa Cha nói với các môn đệ (Mt 17,5). Khi Đức Giêsu chịu phép rửa hay khi được hiển dung, chúng ta đều nghe Thiên Chúa nói cùng một lời giới thiệu: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người” (x. Mt 3,17; 17,5). Khi Đức Giêsu được hiển dung, Chúa Cha còn nhắn nhủ thêm: “Các ngươi hãy vâng nghe Người.” Như thế, trong cả hai lần, Thiên Chúa đều long trọng mặc khải cho các môn đệ biết Đức Giêsu là Con yêu dấu, và mặc nhiên Thiên Chúa là Cha của Ngài. Ngài làm hài lòng Chúa Cha vì Ngài đã khiêm tốn dìm mình trong sông Giođan để chịu phép rửa, cũng như đã vui lòng đón nhận cuộc Khổ Nạn và Tử Nạn trong chương trình cứu độ do Chúa Cha định (Mt 16,21-23). Vâng nghe lời Đức Giêsu là chấp nhận đi chung đường thập giá với Ngài (Mt 16,24-26).
6. Các môn đệ rất sợ hãi sau khi bị bao phủ bởi đám mây và sau khi nghe tiếng nói của Thiên Chúa vang lên từ trong đám mây đó (Mt 17,6). Trong Cựu Ước, con người thường khiếp sợ kinh hoàng, ngã sấp mặt xuống đất, khi thấy Thiên Chúa tỏ mình ra trong vinh quang rạng ngời (Ed 1,28; Đn 8,17).
7. Để làm ba môn đệ hết sợ, Đức Giêsu đã lại gần họ, chạm vào họ, và bảo họ đừng sợ nữa (Mt 17,7). Cử chỉ gần gũi thân thương của vị Thầy làm các môn đệ yên lòng. Họ ra khỏi nỗi khiếp sợ về những điều kinh khủng mình vừa thấy và vừa nghe trên núi. Hai vị khách là Môsê và Êlia cũng đã biến mất. Chỉ còn lại một mình Đức Giêsu với khuôn mặt và y phục bình thường như trước. Các môn đệ sẽ xuống núi với Thầy, để chuẩn bị cho việc lên những ngọn núi khác, núi Ô-liu, Núi Sọ. Nhưng họ sẽ không bao giờ quên được trải nghiệm kỳ diệu trên ngọn núi này (xem 2 Phêrô 1,16-18).
8. Vào Chúa Nhật thứ hai Mùa Chay, Giáo Hội luôn cho chúng ta nghe bài đọc về Chúa được biến đổi hình dạng trong vinh quang. Biến cố này xảy ra sau khi Đức Giêsu đã tiên báo cuộc Khổ Nạn, Tử Nạn và Phục Sinh của Ngài (Mt 16,21-23). Qua kinh nghiệm trên núi, Chúa Cha nâng đỡ đức tin của các môn đệ khi họ được mời gọi đi theo Thầy Giêsu chịu khổ đau nhục nhã (Mt 16,24-26). Khuôn mặt bừng sáng của Thầy Giêsu trên ngọn núi này sẽ giúp họ đón nhận khuôn mặt Thầy trong Vườn Dầu hay trên thập giá. Hơn nữa, biến cố Hiển Dung cũng nâng đỡ Đức Giêsu tiếp tục con đường phía trước.