Học hỏi Tin Mừng: Chúa nhật Phục sinh năm A

Đức GiêSu Đã, Đang Và Mãi Mãi Yêu Chúng Ta Cho Đến Cùng

"Tình yêu Đức Kitô thúc bách chúng ta"

Học hỏi Tin Mừng: Chúa nhật Phục sinh năm A

Học hỏi Tin Mừng: Chúa nhật Phục sinh năm A

Mt 28,1-10

  1. Đọc Mt 28,1. Hai bà Maria đi viếng mộ vào lúc nào ? Đọc thêm Mc 16,2 và Lc 24,1.
  2. Hai bà Maria này là hai bà nào ? Đọc Mt 27,55-56.61.
  3. Theo Mc 16,1 và Lc 24,1 hai bà ra mộ để làm gì ? Còn theo Mt 28,1 hai bà ra mộ để làm gì ? Tại sao hai bà lại không xức dầu ướp xác Thầy ? Đọc Mt 26,6-13.
  4. Đọc Mt 28,2. Đây là lần động đất thứ mấy trong Tin Mừng Mát-thêu ? Đọc Mt 8,24; 27,51.54.
  5. Bạn nghĩ gì về hình ảnh vị thiên sứ của Chúa được mô tả trong Mt 28,2-3. Đọc thêm Mt 17,2.
  6. Đọc Mt 28,5-6. Các bà ra mộ để tìm ai ? Thiên sứ mời các bà làm gì để họ tin Đức Giêsu đã được nâng dậy ?
  7. Đọc Mt 28,7-8. Bạn nghĩ gì về việc thiên sứ giao cho các bà sứ mạng loan báo tin mừng phục sinh cho các môn đệ khác ? Đọc thêm Mt 28,10.
  8. Các bà bái lạy Đức Giêsu ở Mt 28,9. Có khi nào Đức Giêsu được bái lạy trong Tin Mừng Mát-thêu không ? Đọc Mt 2,2.8.11; 8,2; 9,18; 14,33; 15,25.

GỢI Ý SUY NIỆM: Đọc Mt 28,9-10. Bạn thấy Đức Giêsu phục sinh có nét nào dễ mến không ? Ngài có quan tâm đến các phụ nữ không ? Ngài có quan tâm đến các môn đệ không ?

PHẦN TRẢ LỜI

  1. Maria Mácđala và một bà Maria khác đi viếng mộ vào ngày thứ nhất trong tuần, tức là sau khi hết ngày sabát. Ngày thứ nhất trong tuần (Chúa nhật) bắt đầu vào khoảng 6 giờ chiều ngày sabát (thứ Bảy). Dựa theo Mt 28,1, ta có thể hiểu là hai bà viếng mộ vào tối thứ Bảy, khi vừa hết ngày sabát. Nhưng theo Mc 16,2 và Lc 24,1 thì các bà đợi đến sáng sớm Chúa nhật, mới ra mộ. Điều này hợp lý hơn.
  2. Hai bà Maria này là những phụ nữ đã “đứng nhìn từ xa” cảnh Đức Giêsu chịu đóng đinh. Họ là những người “đã đi theo Đức Giêsu từ Galilê để phục vụ Người” (Mt 27,55-56). Hai bà này còn là người đã chứng kiến việc chôn táng Đức Giêsu và đã ngồi lại bên ngôi mộ mới của Người (Mt 27,61). Như thế họ biết rất rõ về vị trí của ngôi mộ.
  3. Theo Mc 16,1 và Lc 24,1 các bà ra mộ với mục đích ướp xác Đức Giêsu bằng hương liệu họ đã mua. Còn theo Mt 28,1 có vẻ các bà chỉ có mục đích viếng mộ thôi. Họ muốn tiếp tục làm điều họ đã làm ở Mt 27,61. Có thể thánh sử Mátthêu không muốn nhắc đến chuyện ướp xác bằng hương liệu vì Đức Giêsu đã được xức dầu thơm để cho việc chôn táng rồi (Mt 26,6-13).
  4. Sau khi Đức Giêsu trút hơi thở cuối cùng, tấm màn lớn trước gian Cực Thánh bị xé làm đôi và có một trận động đất lớn” (Mt 28,2). Đây là trận động đất thứ ba; hai trận trước ở Mt 8,24 (“động đất lớn trên biển” = biển động mạnh) và ở Mt 27,51.54 (“đất rung chuyển” và “động đất”). Các trận động đất liên quan đến cái chết và sự phục sinh của Đức Giêsu không phải là những trận động đất bình thường trong thiên nhiên. Chúng cho thấy cái chết và sự phục sinh của Ngài có ảnh hưởng đến toàn thể vũ trụ.
  5. Mátthêu 28,2b-3 cho thấy vị thiên sứ này là nhân vật từ trời mà xuống, đến mộ, lăn tảng đá che mộ ra và ngồi trên tảng đá đó. Thiên sứ đến lăn tảng đá không phải để cho Đức Giêsu được phục sinh, mà để cho các bà thấy ngôi mộ của Đức Giêsu giờ đây không còn xác Ngài nữa. Cử chỉ ngồi lên trên tảng đá che mộ cho thấy sự chết đã bị đánh bại và sự sống đã chiến thắng. Cách Mátthêu mô tả hình dáng vị thiên sứ gợi cho thấy những nét của Đức Giêsu lúc hiển dung. Khuôn mặt Đức Giêsu thì sáng như mặt trời, y phục Ngài trắng như ánh sáng (Mt 17,2). Còn ở đây, diện mạo vị thiên sứ như ánh chớp, còn quần áo vị này trắng như tuyết (Mt 28,3). Trận động đất lớn và sự hiện ra bất ngờ của vị thiên sứ uy nghi đã làm toán lính được phái đến canh mộ phải kinh hoàng run rẩy (Mt 28,4).
  6. Các bà ra viếng mộ để “tìm Đức Giêsu”, hay nói đúng hơn để khóc thương trước ngôi mộ mà họ biết có xác của Thầy mình đang nằm trong đó. Họ không hề tin chuyện Đức Giêsu đã phục sinh. Sứ thần đã loan báo Tin Mừng phục sinh làm các bà ngỡ ngàng: “Người không ở đây, vì Người đã được nâng dậy”. Đừng đến mộ để tìm xác Người. Sứ thần mời các bà kiểm chứng bằng cách vào trong mồ, đến xem chỗ Người nằm, để thấy xác Người không còn đó (Mt 28,6).
  7. Tin Mừng Thầy Giêsu được phục sinh phải được các bà nhanh chóng đi loan báo cho các môn đệ của Ngài (Mt 28,7). Đây là một cái hẹn, có nói rõ chỗ hẹn ở Galilê là nơi buổi ban đầu Thầy Giêsu đã kêu gọi họ. Bây giờ Galilê sẽ là nơi họ thấy Thầy, gặp lại Thầy, gặp lại người Thầy đáng kính đã chịu đóng đinh và đã chết chôn trong mộ, nay đã được sống lại, gặp lại người mà họ nghĩ nghìn trùng xa cách. Điều lạ ở đây là sứ mạng loan báo Tin Mừng phục sinh cho các môn đệ phái nam lại được giao cho các phụ nữ, dù trong xã hội thời Đức Giêsu, lời chứng của phụ nữ không hề được coi trọng. Sau này, khi Đức Giêsu phục sinh gặp hai bà, Ngài lại nhắc cho hai bà về sứ mạng ấy (Mt 28,10). Đủ biết tầm quan trọng của cái hẹn này trong cái nhìn của Đức Giêsu! Cái hẹn Ngài đã nghĩ đến trước khi Ngài chịu khổ nạn (Mt 26,32).
  8. Trong Tin Mừng Mátthêu, Đức Giêsu được bái lạy nhiều lần (Mt 2,2.8.11; 8,2; 9,18; 14,33; 15,25; 28,9). Nói chung bái lạy là cử chỉ cung kính, mang ý nghĩa thờ lạy, tôn thờ. Quỷ đã cám dỗ Đức Giêsu bái lạy nó, và Ngài đã khẳng định chỉ bái lạy một mình Thiên Chúa (Mt 4,9-10).

 

Tag:

2020-02-09