Hướng tới Hội nghị Thế giới về Tình huynh đệ Nhân loại

Đức GiêSu Đã, Đang Và Mãi Mãi Yêu Chúng Ta Cho Đến Cùng

"Tình yêu Đức Kitô thúc bách chúng ta"

Hướng tới Hội nghị Thế giới về Tình huynh đệ Nhân loại

Hướng tới Hội nghị Thế giới về Tình huynh đệ Nhân loại

Ngọc Yến - Vatican News

Vào thứ Bảy 10/6 tới đây, Hội nghị Thế giới về Tình huynh đệ Nhân loại với chủ đề “Not alone-Không đơn độc” (#notalone) sẽ diễn ra tại Quảng trường Thánh Phêrô, và 8 quảng trường khác trên thế giới.

Hội nghị được tổ chức bởi Quỹ Fratelli tutti của Vatican, Đền thờ Thánh Phêrô, Bộ Phục vụ Phát triển Con người Toàn diện và Bộ Truyền thông.

Theo thông báo của ban tổ chức, sáng kiến lấy cảm hứng từ Thông điệp Fratelli tutti sẽ thu hút mọi người khắp nơi trên thế giới cùng nhau thúc đẩy văn hoá tình huynh đệ và hoà bình, đồng thời khuyến khích sự dấn thân của cá nhân trong sự chọn lựa và thực hành sửa lỗi, đối thoại và tha thứ, giúp mọi người vượt qua tình trạng cô đơn và bị gạt ra bên lề.

Chương trình

Chương trình Hội nghị sẽ được chia thành hai thời điểm: Buổi sáng, sẽ có các nhóm chia sẻ về hành trình hiệp thông. Thành phần của nhóm gồm: những người nhận giải Nobel, các nhà khoa học, văn hoá, luật pháp và đại diện của các tổ chức quốc tế; những người này sẽ đồng hành với những người dễ bị tổn thương, những người bị gạt ra bên lề xã hội, những nạn nhân chiến tranh.

Vào lúc 16 giờ, cuộc gặp gỡ diễn ra trong bầu khí lễ hội sẽ được bắt đầu do người dẫn chương trình truyền hình Carlo Conti linh hoạt. Đây sẽ là thời gian dành cho chia sẻ về những gì đã đạt được trong buổi sáng, nghệ thuật và âm nhạc, với mục đích trở thành cơ hội để tái khám phá ý nghĩa tình huynh đệ và tình bạn xã hội.

Cũng sẽ có không gian dành cho các đại diện của khu vực thứ ba, từ thế giới của các hiệp hội bảo vệ nhân quyền, các nhà bảo vệ môi trường và các doanh nhân, những người sẽ nói về sự lựa chọn và cam kết của họ trong việc xây dựng một nền văn hóa huynh đệ. Kinh nghiệm cũng sẽ được kể từ các quảng trường được kết nối khác.

Chứng từ

Tại Quảng trường Thánh Phêrô, ông Filippo Grandi, Cao ủy Liên Hiệp Quốc về Người tị nạn, Cộng đoàn Thánh Egidio, Trung tâm Astalli, chuyên tiếp đón người tị nạn và Trung tâm Rondine Cittadella della Pace sẽ nói về sứ vụ của các tổ chức bác ái này.

Ông Filippo Grandi nhấn mạnh trong buổi họp báo ngày 05/6 được kết nối từ xa: “Chúng tôi rất vui khi được tham gia lời kêu gọi của Đức Thánh Cha về tình huynh đệ nhân loại và hòa bình. Trong một thế giới đang đau khổ bởi những xung đột, thông điệp này phải được chào đón vì ích lợi của toàn thể nhân loại”. Ông nói thêm rằng ngày nay có rất nhiều cộng đoàn chào đón những người tị nạn như anh chị em và cùng nhau dấn thân để làm cho xã hội chúng ta phát triển, và ông hy vọng rằng “Không đơn độc” “đại diện cho sự khởi đầu của một tình liên đới được củng cố cho hơn 103 triệu người di tản và người tị nạn vẫn đang tìm kiếm sự bảo vệ”.

Trong cuộc gặp gỡ huynh đệ còn có các nhân chứng khác như: Davi Yambio, phát ngôn viên của mạng lưới Người tị nạn ở Libya, đã trốn thoát khỏi các trại tập trung ở Tripoli và hiện là người tị nạn chính trị ở Ý; Sandra Sarti, Chủ tịch Tổ chức Trợ giúp các Giáo hội Đau khổ Ý; Kinsu Kumar lãnh đạo quyền trẻ em; Heidi Kuhn người sáng lập Root of peace, một tổ chức dọn sạch các bãi mìn sát thương để biến chúng thành đất nông nghiệp màu mỡ; và nhiều chứng tá huynh đệ khác.

Tại sự kiện, sẽ có sự hiện diện của 30 người đã nhận giải Nobel và của nhiều đại diện đang dấn thân trong các tổ chức Giáo hội, giáo dân, các gia đình và hiệp hội, cũng như tất cả những người ngày nay bị buộc phải sống bên lề xã hội: từ những người nghèo nhất và vô gia cư đến những người di cư và nạn nhân của bạo lực và nạn buôn người.

Đặc biệt, sự kiện sẽ chứng kiến sự tham gia của giới trẻ, những người vào cuối ngày sẽ cùng nắm tay nhau thật chặt tại hàng cột của Quảng trường Thánh Phêrô, biểu tượng kiến trúc về cái ôm toàn cầu của Giáo hội.

Thách đố lớn

Trong buổi họp báo, cha Francesco Occhetta, Tổng Thư ký Quỹ Fratelli tutti của Vatican nhấn mạnh rằng cuộc gặp gỡ sẽ diễn ra trong những ngày tới, trước hết có ý nghĩa giúp các nền văn hoá tái khám phá một cụm từ cổ xưa mà chủ thuyết duy ánh sáng - đề cao lý trí - đã phản bội và lãng quên: “tình huynh đệ”.

Theo cha Occhetta, đây là một thách đố lớn. Để không lặp lại một sự kiện giữa nhiều sự kiện, ý nghĩa tinh thần của tình huynh đệ cho chúng ta một hướng nhìn: nguyên nghĩa của tình huynh đệ đề cập đến việc “được sinh ra bên cạnh người khác”. Do đó, điều này biến các thành viên trở thành anh chị em, thiết lập sự hỗ trợ lẫn nhau, soi sáng sự hỗ tương, tăng trưởng sự hiệp thông, làm cho sự cạnh tranh trở nên vô nghĩa, vượt lên trên ý nghĩa của “tình anh chị em”, nghĩa là quan hệ ràng buộc huyết thống hoặc dân tộc.

Giấc mơ lớn

Tổng Thư ký Quỹ Fratelli tutti nhấn mạnh rằng đây là một giấc mơ lớn, mọi người muốn cùng nhau trở về giấc mơ này. Đây là lý do tại sao ban tổ chức chọn “Not alone-Không đơn độc” là chủ đề của Hội nghị. Không đơn độc nhưng là cùng nhau. Không ai phải bị bỏ rơi một mình, một cá nhân luôn cần (ít nhất) một người khác để trở nên con người.

Bằng cách trình bày những khuôn mặt và kinh nghiệm, những bài hát và tác phẩm nghệ thuật, cuộc gặp gỡ hướng tới con người và cộng đoàn để giúp thay đổi chính mình và thay đổi thế giới của một người, bắt đầu từ những khích lệ mạnh mẽ có trong Thông điệp Fratelli tutti. Vì lý do này, các nhóm đại diện cho những người mong manh và không có khả năng tự vệ, những người trẻ, các hiệp hội đại diện cho nhiều thế giới của xã hội dân sự và các chuyên gia quan tâm đến môi trường sẽ làm việc cùng nhau vào sáng ngày 10/6.

Soạn thảo Tuyên bố về tình huynh đệ

Tại Hội nghị, Tuyên bố về tình huynh đệ sẽ được các tham dự viên cùng nhau soạn thảo, và mọi người được kêu gọi ủng hộ và cam kết thi hành. Những người nhận giải Nobel dự kiến sẽ thu thập một tỷ chữ ký cho tình huynh đệ toàn cầu.

Cha Occhetta giải thích: “Sẽ có khoảng 30 người nhận giải Nobel Hòa bình quy tụ xung quanh chúng tôi để kêu lớn tiếng với thế giới rằng tình huynh đệ mạnh hơn bạo lực và chiến tranh. Bắt đầu lúc 16 giờ, người dẫn chương trình truyền hình Carlo Conti sẽ giới thiệu các nghệ sĩ như Andrea Bocelli và những nhân chứng của tình huynh đệ, những người sẽ nói với thế giới rằng đây không phải là điều không tưởng, nhưng đã là một thực tế đối với những người chọn tình huynh đệ. Truyền hình Ý và các phương tiện truyền thông của Vatican sẽ giúp chúng tôi truyền bá những lời nói và cử chỉ trên khắp thế giới, nhưng trên hết là chứng từ của dân chúng”.

Kết nối với các quảng trường khác

Sự kiện tại Quảng trường Thánh Phêrô sẽ được kết nối với các quảng trường khác trên khắp thế giới, từ Giêrusalem đến Brazzaville, từ Nagasaki đến Lima và những nơi khác, để giảm bớt khoảng cách giữa chúng ta qua “chiếc cầu” của tình huynh đệ khiến sự đa dạng trở thành giá trị chứ không phải là một giới hạn. Hình ảnh của cuộc gặp gỡ sẽ là hình ảnh của khu vườn: một nơi cần được bảo vệ và vun trồng như một môi trường nội tại của mối tương quan với người khác và với Đấng Tạo Hóa. Không phải ngẫu nhiên mà các tham dự viên sẽ được tặng một ít đất hữu cơ và những hạt giống sẽ được gieo và nảy mầm như một món quà, như một biểu tượng của dấn thân bảo vệ tình huynh đệ. Một cử chỉ mang tính biểu tượng khác, tiêu biểu nhất trong ngày, sẽ là cái ôm lớn giữa những người trẻ sẽ tham gia và những người sẽ nắm tay nhau trên hàng cột của Quảng trường Thánh Phêrô, một biểu tượng của cái ôm phổ quát của Giáo hội.

Cuộc gặp gỡ do Quỹ Fratelli tutti đề xuất, và được Đức Hồng Y Mauro Gambetti, Giám quản Đền thờ Thánh Phêrô, Tổng đại diện của Đức Thánh Cha tại Quốc gia thành Vatican chủ trì, được coi là một “quá trình” và “kinh nghiệm”: thể hiện bước đầu tiên giúp tái khám phá ý nghĩa của tình huynh đệ và xây dựng nó một cách văn hóa bởi vì tình huynh đệ không tồn tại về mặt sinh học; tình huynh đệ cần gặp gỡ và đối thoại, kiến thức, lời nói và cử chỉ chia sẻ, ngôn ngữ chung và trải nghiệm về cái đẹp. Sự kiện này sẽ chứng minh rằng trên hết tình huynh đệ là một “hàng hóa tương quan” mà thị trường không thể sản xuất. Đây là lý do tại sao tổ chức này là kết quả của một món quà: hàng trăm người đang dành thời gian của họ để tham gia vào công việc tổ chức.

Tổng Thư Ký Quỹ Fratelli tutti kết luận với lời mời gọi: “Không điều gì, không ai có thể phát triển trong cô đơn, con người ở một mình không tốt. Cùng nhau, chúng ta có thể phát triển cam kết của mình đối với toàn thể gia đình nhân loại.

Lựa chọn trở thành anh chị em

Cũng lên tiếng tại buổi họp báo, Đức Hồng Y Mauro Gambetti nói về sự kiện: “Đó sẽ là khởi đầu của một tiến trình. Hoặc chúng ta là anh em, chúng ta nhận nhau là anh chị em, hoặc chúng ta trở thành kẻ thù. Mỗi người phải chọn đứng về phía nào. Tất cả những ai ký tuyên bố trên con đường mở ra sau ngày 10/6 sẽ là một phần của thế giới muốn xây dựng tình huynh đệ”.

Tổng đại diện của Đức Thánh Cha nhấn mạnh: “Tất cả chúng ta đều có phẩm giá bình đẳng nhưng chúng ta khác biệt từ mọi quan điểm: nhân chủng học, văn hóa, xã hội, sắc tộc, tôn giáo. Nhưng đây là vẻ đẹp tuyệt vời và cũng là món quà và tiềm năng lớn lao, bởi vì xung quanh những khác biệt này, dưới ánh sáng của tình huynh đệ, sự hiệp thông và cộng đồng có thể được xây dựng”.

Đức Hồng Y Gambetti nhắc lại rằng mục đích của ngày 10/6 là phục hồi cụm từ huynh đệ và đưa ra tiếng nói cho những gì Đức Thánh Cha Phanxicô đã viết trong Thông điệp Fratelli tutti “để phác hoạ một chân trời trong đó gặp lại và hiểu thế giới, toàn cầu hóa, với những động lực thúc đẩy sự phát triển của tất cả và sự hòa hợp giữa các dân tộc, trong lĩnh vực kinh tế, tư pháp, chính trị, việc làm và môi trường”.  Đức Hồng Y kết luận: “Ở đây chúng ta thực sự muốn tất cả trở thành anh chị em”.

Tag:

2023-06-08