Vatican News
Những hình ảnh của vụ nổ nói lên tất cả: một quả đạn được bắn từ xe tăng của quân đội Israel đã trúng nhà thờ Thánh Gia, giáo xứ Công giáo ở Gaza. Trong khu phức hợp đó gồm hai nhà thờ và một trường học, năm trăm người đang tị nạn gần hai năm nay, là những gia đình đã mất nhà cửa. Ba người đã thiệt mạng. Mười người khác bị thương. Một trong số những người bị thương này, Suhail, cộng tác với Báo Quan sát viên Roma với một đề mục ngắn: Tôi viết cho các bạn từ Gaza. Bài viết cách đây vài ngày, ngày 8/7, có tựa đề “Tình yêu mạnh hơn chiến tranh” và kết luận: “Chúng ta hãy cầu nguyện để không chỉ Gaza, nhưng toàn thế giới, một ngày nào đó có thể sống trong hòa bình, qua sự tha thứ và sự hòa giải lẫn nhau; một ngày sẽ không còn chiến tranh nữa, bởi vì tình yêu mạnh hơn chiến tranh”.
Chính quyền Israel đã lên tiếng xin lỗi, xác nhận đó là một sai lầm, rằng Israel tôn trọng các nơi thờ phượng và một cuộc điều tra sẽ tiến hành. Những lời khẳng định đó chắc chắn không thể mang lại sự trấn an, không chỉ vì chúng mâu thuẫn với những hình ảnh rõ ràng về các đền thờ Hồi giáo bị san phẳng và các nhà thờ bị tấn công – cuộc tấn công vào nhà thờ Thánh Porfirio của Chính thống giáo đã cướp đi sinh mạng của hàng chục người – nhưng còn vì đã một năm rưỡi trôi qua nhưng cuộc điều tra về cái chết của hai phụ nữ Kitô bị bắn bởi một tay súng bắn tỉa tại giáo xứ Gaza vẫn chưa có kết quả.
Về vấn đề này, đặc biệt đáng chú ý là lời phát biểu của đại sứ Israel tại Ý, ông Jonathan Peled: “Chúng tôi không có ý định gây nguy hiểm cho các các cơ sở dân sự. Nhưng khủng bố hiện diện ở khắp nơi, kể cả trong các tòa nhà công cộng như trường học, và thật đáng tiếc, cả trong những nơi thờ phượng”. Tuyên bố này gây sốc vì phần nào đưa ra bối cảnh cho điều được gọi là “sai lầm”. Năm trăm người không có khả năng tự vệ, nhiều người trong số họ hằng ngày lần chuỗi Mân Côi cầu nguyện đã vô tình trở thành mục tiêu phụ, vì như đại sứ Peled nói “đôi khi đây là hậu quả của chiến tranh”.
Như độc giả và thính giả của truyền thông Vatican đều biết rõ, chúng tôi không chờ đến khi các Kitô hữu thiệt mạng mới lên tiếng về những vụ thảm sát hằng ngày tại Gaza, nơi mỗi tuần có hàng chục trẻ em, phụ nữ, và người dân vô tội bị giết, nạn nhân phụ của các cuộc đột kích hoặc tấn công từ những người lẽ ra phải bảo đảm việc phân phát thực phẩm an toàn. Chúng tôi quan tâm đến các nạn nhân ở Gaza không chỉ vì họ là Kitô hữu hay vì Suhail: tất cả nạn nhân vô tội đều kêu đòi công lý trước mặt Chúa, mọi sự sống đều thánh thiêng, và các Kitô hữu tại Dải Gaza, bất kể thuộc hệ phái Kitô nào, đều chia sẻ trọn vẹn số phận với dân tộc của họ, dân tộc Palestine chịu tử đạo.
Cuộc thảm sát vô nhân đạo do khủng bố Hamas gây ra chống Israel vào ngày 7/10/2023 đã bị Tòa Thánh lên án bằng những lời lẽ rõ ràng, kêu gọi trả tự do cho tất cả con tin và công nhận quyền tự vệ của Israel. Nhưng cuộc thảm sát vô nhân đạo ấy, nhằm vào nhiều thường dân vô tội, không thể nào biện minh cho sáu mươi ngàn người chết và các thành phố bị san bằng. Không thể biện minh cho sự im lặng và bất lực của bao người đang giả vờ không nhìn thấy gì.
Vì vậy, chúng tôi sẽ không bao giờ mệt mỏi trong việc tố cáo sự vô lý của cuộc chiến này, lặp lại những lời Đức Thánh Cha Lêô XIV nói với Hội hỗ trợ các Giáo hội Đông phương vào ngày 26/6 vừa qua: “Chúng ta, toàn thể nhân loại, được kêu gọi đánh giá nguyên nhân của các cuộc xung đột này, xác minh những nguyên nhân thật sự và cố gắng vượt qua chúng, đồng thời loại bỏ những nguyên nhân giả, kết quả của cảm tính và tuyên truyền sai lệch, bằng cách kiên quyết vạch trần chúng. Người ta không thể chết chỉ vì tin giả”.
Chúng ta được kêu gọi vượt qua toàn cầu hóa của sự thờ ơ, thứ khiến chúng ta phẫn nộ trước một số nạn nhân nhưng lại làm ngơ với những nạn nhân khác. Chúng ta được mời gọi nhìn nhận một cách thực tế tình hình Trung Đông và sự leo thang chiến tranh phi lý, nơi các mặt trận mới liên tục được mở ra, như thể sự sống còn của các nhà lãnh đạo cả trong các tổ chức khủng bố lẫn trong các quốc gia, phụ thuộc vào sự tiếp diễn vô tận của chiến tranh hơn là hòa bình.
Đã đến lúc cộng đồng quốc tế cần phải can đảm để can thiệp bằng mọi phương tiện mà luật pháp quốc tế cho phép: để làm im tiếng súng, ngăn chặn những cuộc tàn sát và chấm dứt những trò chơi quyền lực mà cái giá phải trả là hàng ngàn sinh mạng vô tội.