Ngày 01/05: Lễ Thánh Giuse Thợ

Đức GiêSu Đã, Đang Và Mãi Mãi Yêu Chúng Ta Cho Đến Cùng

"Tình yêu Đức Kitô thúc bách chúng ta"

Ngày 01/05: Lễ Thánh Giuse Thợ

Ngày 01/05: Lễ Thánh Giuse Thợ

Lễ Thánh Giuse thợ hôm nay là cơ hội giúp chúng ta suy nghĩ về ý nghĩa của lao động theo quan điểm Kitô giáo.

Lao động nào cũng đổ mồ hôi. Có khi vì thế mà người Kitô hữu tự nhủ mình: âu cũng chỉ là hậu quả của nguyên tội. Có thật đúng như vậy hay không ?

Kinh thánh khẳng định: lao động không phải là một hình phạt do tội, nhưng là điều kiện bình thường của con người. Trước khi con người sa ngã, “Thiên Chúa đã đặt họ trong vườn Eđen để họ canh tác và giữ vườn” (St 2, 15). Nếu thập giới có buộc giữ ngày Sabbat thì đó là vì con người đã làm việc sáu ngày (Xh 20, 8 tt). Hình ảnh mô tả việc sáng tạo trong sáu ngày nhấn mạnh rằng: việc làm của con người hoà hợp với ý muốn của Thiên Chúa, đồng thời phản ánh hành động của Tạo Hoá. Câu chuyện này cho ta hiểu: khi tạo dựng con người giống hình ảnh Người, Thiên Chúa đã muốn tháp nhập lao động vào trong chương trình của Người và sau khi thiết định vũ trụ, Người lại đặt lao động vào tay con người với quyền chiếm hữu và cai trị trái đất (1, 28).

Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi tác động tạo dựng của Thiên Chúa được mô tả bằng cử chỉ của người thợ đang nắn con người (St 2, 7), chế tạo bầu trời với ngón tay của Người và định vị các tinh tú (Tv 8, 4).

Cho nên, kinh thánh đã nghiêm khắc với sự ở nhưng, nguyên chỉ vì người lười biếng không có gì ăn (Cn 13, 4) và có nguy cơ chết đói (21, 25). Thánh Phaolô không ngần ngại dùng lý chứng này để chứng tỏ sự sai lầm của những người ngán ngẩm lao động: “Ai không làm việc thì đừng ăn” (2 Th 3, 10). Hơn thế nữa, ở nhưng là một sự hư đốn. Kinh thánh thán phục người đàn bà luôn tỉnh thức, nàng “không hề ăn bánh của sự ở nhưng” (Cn 31, 27) đồng thời chế nhạo kẻ lười biếng: “Kẻ lười biếng lăn trở trên giường khác nào cánh cửa xoay trên bản lề” (Cn 26, 14). Tuy nhiên, kinh thánh không chút thương hại kẻ tạc ngẫu tượng, bởi vì những cố gắng ấy không được tích sự gì (Ys 40, 19 tt ; 41, 6tt).

Nhưng vì là một dữ kiện nền tảng của đời sống con người, nên lao động đã bị ảnh hưởng sâu xa bởi tội: “Ngươi phải đổ mồ hôi trán mới có ăn” (St 3, 19). Cần hiểu cho đúng. Đối tượng lời chúc dữ của Thiên Chúa không phải là lao động cũng như không phải là chính việc sinh nở của phụ nữ. Cũng như sinh nở là chiến thắng đớn đau của sự sống trên cái chết, thì lao khổ hằng ngày của con người đánh dấu việc thể hiện quyền bính mà Thiên Chúa đã ban cho con người như đã nói trên. Quyền bính vẫn còn tồn tại, nhưng mặt đất, vì bị chúc dữ, đã trở nên đối kháng lại con người và cần phải được chinh phục. Nhà thần học R. Koch giải thích rất sâu sắc khi nói về đặc tính của các hình phạt: “Có lẽ tác giả Giavít muốn dạy ta rằng: sự thay đổi đã diễn ra trong nội tâm con người. Sau khi phạm tội, con người đã nhìn thế giới bằng cặp mắt khác”.

Người Kitô hữu phải quan niệm về lao động với ý nghĩa cao cả như thế.

Tuy nhiên, trong sự cố gắng của lao động, điều tệ hại nhất là, cả khi nó đưa tới những thành công ngoạn mục, thì cái chết sẽ đến và làm cho nó trở nên vô bổ: “Ích gì những lao nhọc ? Những ngày gian nan, những bận tâm công việc, những đêm dài trằn trọc ? Tất cả đều là phù vân” (Hc 2, 22 tt).

Cái chết, một thực tại hiển nhiên, một “dự phóng phá đổ mọi dự phóng” (J.P.Sartre)! Thất vọng ư ? Buông xuôi ư ?. Không, Đức Giêsu đã đến, Người đã soi sáng lao động bằng những nghịch lý và ánh sáng của Tin Mừng: phải đề cao lao động, nhưng không được dừng lại ở đó, nếu không con người không thể ra khỏi ngõ cụt, không có lối thoát.

Phải đề cao lao động. Tại sao ?. Thưa bởi vì Đức Giêsu không bao giờ loại trừ lao động ra khỏi cuộc sống của Người. Đồng hương của Người đã không lầm lẫn khi gọi Người là “con bác thợ” (Mt 13, 35), “ông thợ mộc” (Mc 6, 3). Người đã sống cái “nghiệp” ấy trong 30 năm trời tại Nadarét.

Một Đức Giêsu lao động! Điều ấy có nói gì với niềm tin của chúng ta không ?. Có và rất nhiều. Nói rằng Đức Giêsu lao động hay nói rằng Đức Giêsu đảm nhận thân phận con người cũng chỉ là nói một điều. Mà “cái gì không được đảm nhận thì không được cứu độ” (Thánh Irênê). Cho nên phải nói rằng, với Đức Giêsu, lao động đã mang một ý nghĩa cứu độ. 30 năm lao động âm thầm, Đức Giêsu chẳng những đã thánh hoá công việc, nhưng còn biến nó thành một phương tiện cứu độ khi liên kết nó với tất cả công trình cứu độ của Người. Và nếu cái chết của Người là cao điểm của việc cứu độ, thì quả thật mỗi hành vi của đs Người - trong đó có lao động – đã mang ý nghĩa cứu độ này rồi, bởi vì thật ra lao động là thành phần của mầu nhiệm Nhập Thể của Đức Kitô, nếu không thì những năm trường tăm tối tại Nadarét chẳng có một ý nghĩa nào khác ngoài miếng cơm manh áo hay sao ?.

Lao động quả thật phải được đề cao. Tuy nhiên, Đức Giêsu dạy ta không được dừng lại ở đó. Lao động chỉ là một giá trị trong bậc thang các giá trị mà thôi.

“Hãy lao công đừng vì lương thực hư nát, nhưng vì lương thực sẽ lưu lại mãi mãi đến sự sống đời đời” (Ga 6, 27). Đó là châm ngôn sống của người Kitô hữu.

Khi Đức Giêsu bắt đầu cuộc đời rao giảng, Người không nói đến vấn đề lao động, nhưng chỉ nói đến Vương Quốc của Thiên Chúa đang đến và đã đến. Người xem nhẹ lao động chăng ?. Hay là vì đã hiểu được nỗi cực nhọc và đắng cay của lao động ?. Không, chỉ vì Nước Trời phải vượt lên trên tất cả: “Tiên vàn phải tìm kiếm Nước Trời…” (Mt 6, 33). Những điều khác: ăn, uống, mặc không phải là không quan trọng, nhưng ai quá ưu tư về các điều đó đến nỗi mất cả Nước Trời thì sẽ mất tất cả, cho dù họ có chinh phục được cả vũ trụ đi nữa (x. Lc 9, 23). Mọi cái khác đều phải lu mờ trước cái tuyệt đối là chiếm hữu được Thiên Chúa. Trong một thế giới mà “bộ mặt đang qua đi” (1 C 7, 31), thì chỉ có cái gì “gắn bó hoàn toàn với Thiên Chúa” (7, 35) mới đáng kể.

Thánh Giuse chắc hẳn là người trước tiên đã sống ý nghĩa cũng như yêu sách của lao động trong chính cuộc hiện hữu của ngài.

Tag:

2020-06-26