1. Ghi nhận lịch sử - Phụng Vụ
Vào năm 1874, vị thánh tử đạo này lần đầu tiên được đưa vào lịch Giáo triều Rôma. Từ nay, lễ nhớ ngài được mừng cùng ngày với các Giáo hội Byzantin và Maronite.
Justinô sinh tại Flavia Neapolis (Naplouse, vùng Samari) vào đầu thế kỷ II, dòng dõi ngoại đạo và có lẽ gốc Rôma. Niềm khao khát học hỏi thúc đẩy ngài đến với nhiều trường phái triết học (như trường phái khắc kỷ, phái tiêu dao -Péripatéticien, phái Pythagore, Platon). Vì thế ngài đã gặp tại Êphêsô một nhà hiền triết. Ông khuyên ngài nên nghiên cứu Cựu Ước và trách ngài: ”Bạn yêu thích nghệ thuật hùng biện. Nhưng chắc chắn bạn không phải là người yêu thích hành động và công lý” (Đối thoại với Tryphon, người Do Thái, 3,3).
Sau khi gia nhập Kitô giáo, khoảng năm 130, ngài đi Rôma. Tại đây, ngài mở một trường học khá nổi tiếng, và trong đám thính giả có Tatien, sau này là Giáo phụ hộ giáo. Chúng ta chỉ giữ lại được ba trong tám tác phẩm của ngài: hai quyển Minh Giáo và tập Đối thoại với Tryphon là tác phẩm lưu giữ các cuộc thảo luận với người Do Thái này.
Về cái chết của ngài, chúng ta chỉ biết qua hạnh sử kể lại cuộc tử đạo của ngài: ngài bị Crescent, triết gia phái Khuyển Nho (Cynigne) tố cáo, và bị chém đầu với sáu môn đệ khác khoảng năm 165, dưới thời tổng trấn Junius Rusticus. “Như thế các thánh tử đạo ... đã dùng cái chết anh dũng của mình để tuyên xưng Đấng Cứu độ của chúng ta” (Hạnh sử)
2. Thông điệp và tính thời sự
Các lời nguyện trong Thánh lễ được trích dẫn từ bản văn viết vào năm 1874, họa lại khuôn mặt của vị thánh mà Tertullien gọi là vị “Triết gia tử đạo” (Adv. Valentinianos, 5,1).
Lời nguyện trong Thánh lễ gợi lên hai chủ đề chính. Trước tiên là chủ đề tử đạo: “Lạy Chúa, Chúa đã ban cho thánh Justinô tử đạo ơn hiểu biết sâu xa về Đức Kitô, nhờ suy tưởng mầu nhiệm Thập giá mà thế gian coi là điên dại...” Chính sự điên dại của Thập giá được Hạnh sử nhắc lại và Bài đọc - Kinh sách đề xuất đoạn này cho chúng ta hôm nay. Nhân danh sáu người bạn của mình, Justinô trả lời trước sự đe dọa của tổng trấn Rusticus: ”Nếu không tuân lệnh (tế thần), các ngươi sẽ phải chịu khổ hình không chút xót thương – Họ trả lời: Chúng tôi ao ước chịu khổ hình vì Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng tôi, để được cứu độ, vì điều ấy mang lại cho chúng tôi ơn cứu độ và làm cho chúng tôi vững tin trước tòa chung thẩm của Chúa là Thiên Chúa và Đấng Cứu độ chúng tôi.”
Trong lời nguyện, chúng ta cầu xin Chúa ban cho chúng ta, nhờ lời thánh tử đạo cầu thay nguyện giúp, “được thoát khỏi mọi tư tưởng sai lầm và cương quyết giữ vững niềm tin.” Thật thế thánh Justinô là mẫu mực cho người Kitô hữu trí thức. Ngài không ngừng tìm kiếm chân lý. Bởi lẽ nếu ngài được ơn trở lại, là nhờ cụ già hiền triết thành Êphêsô đã hướng ngài về với Đức Kitô ngang qua các ngôn sứ trong Cựu ước. Justinô đã viết trong quyển Đối thoại như sau: “Tình yêu Chúa bùng cháy trong tôi, đó là tình yêu đã từng nung nấu tâm hồn các ngôn sứ và các bạn bè của Đức Ki-tô” (tiền xướng kinh Magnificat).
Nét đặc sắc trong việc tìm kiếm chân lý của ngài là nền triết học mang lại nhiều thành quả đạo đức hơn là “duy lý”. Chính thánh nhân là người đầu tiên đã đặt mối tương quan giữa đức tin Kitô giáo và triết học ngoại giáo. Qua mối tương quan đó, những triết gia ngoại đạo Hy Lạp cổ cũng là Kitô hữu mà họ không hay, vì họ sống theo Logos germinal (chính là Đức Kitô), như Socrate và Heraclite (Minh giáo I, 46; II, 13). Justinô đề cao Kitô giáo qua tác phẩm Minh giáo được gửi đến hoàng đê Antonin le Pieux và hoàng đế Marc Aurèle, gửi đến thượng viện và dân tộc Rôma cũng như các kẻ ngoại đạo và các người Do Thái (Đối thoại với Tryphon) để chứng minh rằng, nhờ Logos (Ngôi lời) nhập thể, chúng ta nhận được toàn vẹn chân lý mạc khải.
Lời nguyện trên lễ vật gợi lại “mầu nhiệm lễ tế Tạ Ơn mà thánh Justinô đã bênh vực cách anh dũng”, trong khi lời nguyện hiệp lễ nhắc đến các “Bài học” ngài dạy. Thật vậy, chính trong tác phẩm của ngài mà chúng ta tìm thấy nét phác họa đầu tiên về các nghi thức dự tòng và nhất là Phụng Vụ Thánh Thể (Minh giáo I, 65). Tiền xướng thánh Ca Tin Mừng Benedictus là một trong những trường hợp điển hình và cho thấy yếu tố kết cấu mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi trong kinh thượng tiến: “Qua mọi lễ vật của chúng ta, chúng ta hãy tán tụng Đấng Tạo thành trời đất muôn vật nhờ Đức Giêsu Kitô Con Chúa và nhờ Chúa Thánh Thần.” Trong quyển Đối Thoại (chương 41 và 117), Thánh Thể được gọi là “Của lễ hy tế thiêng liêng”. Tác phẩm minh giáo của thánh Justinô là một “sự chuẩn bị cho Tin Mừng”, vì qua tác phẩm này, chúng ta học cách khám phá vô vàn “mầm mống của Ngôi Lời” hàm chứa trong các đạo ngoài Kitô giáo. “Các triết gia và nhà lập pháp đã khám phá và trình bày mọi nguyên tắc đúng đắn. Họ có được các nguyên tắc ấy là nhờ họ đã tìm thấy và chiêm ngưỡng phần nào Ngôi Lời”.