Ngày 01/08:
THÁNH ANPHONGSÔ ĐỆ LIGORIÔ
GIÁM MỤC TIẾN SĨ
(1696-1787)
Anphongsô Đệ Ligoriô sinh ngày 27 tháng 9 năm 1696 tại Marrinella gần thị trấn Naples.
Cha mẹ cậu thuộc dòng quí tộc: quyền uy cũng như của cải đều dư thừa nhưng không vì thế mà kém sút bề đạo hạnh. Chính vì vậy, mà Thiên Chúa đã đoái thương cho hai ông bà được phúc sinh hạ một đấng thánh.
Nhờ được một bà mẹ đạo đức giáo huấn nên ngay từ hồi còn thơ ấu, Anphongsô đã là một thiếu nhi nết na và có một tâm hồn mến Chúa sâu xa, có lòng kính mến Chúa Giêsu ngự trong phép Thánh Thể và Đức Mẹ Maria đồng trinh rất đặc biệt.
Anphongso được đi học rất sớm và vì siêng năng nên có thể nói cậu trội vượt về hết mọi môn học, đặc biệt môn văn chương và âm nhạc. Mới mười sáu tuổi, sinh viên ưu tú Anphongsô đã giật bằng tiến sĩ giáo luật và dân luật. Thân phụ Anphongsô cho con theo đuổi nghề luật sư và chỉ sau một thời gian ngắn, ngài trở thành trạng sư lỗi lạc tại kinh thành Naples. Suốt mười năm trường sống trong nghề nghiệp luật sư, Anphongsô đã tỏ ra là người công bình liêm khiết và quãng thời gian đó Thiên Chúa như muốn dùng Ngài làm một tấm gương phản chiếu sự đạo đức thánh thiện giữa một thế giới ham chuộng danh lợi.
Rồi một biến cố xảy đến làm thay đổi hoàn toàn cuộc đời của Anphongsô. Năm 1723, Ngài nhận cãi cho một vụ kiện mà bị cáo là hầu tước miền Toscane. Ngài dành hẳn một tháng trời để nghiên cứu vấn đề, và với sự xác tín thế nào cũng thắng, Ngài hùng hồn biện hộ trước tòa án với những lý chứng vững vàng. Dứt lời, mọi thính giả đều vỗ tay vang rền và chính ông chánh án cũng tưởng phải xử án theo lời vị luật sư trẻ tuổi. Nhưng trong khi mọi người cũng như chính Anphongsô tưởng sẽ đắc thắng thì vị luật sư cãi cho nguyên cáo đứng dậy. Miệng mở một nụ cười kiêu hãnh, ông lên tiếng bênh vực thân chủ và cho Anphongsô biết một khía cạnh chính yếu mà Ngài đã quên không xét đến. Chính cái khía cạnh quan trọng ấy đã đánh đổ tất cả những lý luận hùng hồn của Anphongsô và dĩ nhiên kết quả vụ kiện đã xoay chiều hẳn.
Trước tình thế ấy, Anphongsô như người bị sét đánh. Tuy nhiên với tâm hồn chính trực, Ngài không hề cãi lại và vui lòng nhận sự thất bại. Ngài chỉ đáp lại một cách khiêm tốn:
- Thưa quí vị, tôi đã lầm trong vụ này, xin quí vị tha lỗi.
Và bước ra khỏi tòa án lẩm bẩm:
- Ôi thế gian giả trá, ta đã biết cái mặt thật của ngươi...!
Chúa nhận 28 tháng 8 năm 1723 trong khi tận tâm săn sóc các bệnh nhân trong một phòng bệnh, Anphongsô nghe như có tiếng Chúa thúc giục trong lòng:
- Con còn ở thế gian làm gì nữa?
Anphongsô mau mắn đáp lại:
- Lạy Chúa, xin Chúa hãy dạy con làm tất cả những gì Chúa muốn.
Ra khỏi bệnh viện, Anphongsô vào nhà thờ các cha dòng Chuộc kẻ làm tôi gần đấy. Ngài sấp mình thờ lạy Mình Thánh Chúa. Để tỏ lòng thành thật, Ngài rút gươm ra đem đặt trên bàn thờ Đức Mẹ.
Nhưng để thực hiện ý định toàn hiến đó, Anphongsô đã gặp phải rất nhiều cản trở. Nhưng cuối cùng, ngài đã vượt qua được tất cả. Ngài bỏ áo quý tộc để mặc lấy bộ áo tu hành. Bây giờ Anphongsô mới bắt đầu học thần học, và nhờ trí thông minh ngài học rất mau lẹ. Dù bề bộn với sách vở. Thày cũng cố dành thời gian cho những công tác bác ái. Thật là một cảnh tượng cảm động khi thấy một thanh niên con nhà quyền quí từ bỏ cả một cuộc đời huy hoàng để đi lang thang khắp phố tìm kiếm trẻ nhỏ đem vào nhà thờ dạy giáo lý cho chúng.
Ngày 21 tháng 12 năm 1726 là ngày vui mừng nhất đời thày. Thày được gọi chịu chức linh mục do chính Đức Hồng y Lignatelli Tổng giám mục thành Naples chủ phong.
Từ đây có thể nói rằng cha Anphongsô đã dùng cả cuộc đời của mình để chuyên chú vào việc giảng dạy và khuyên bảo người ta tiến bước trên con đường nhân đức.
Một ngày kia, khi phải đi qua một nhà thờ nhằm buổi chầu lượt, hầu tước Ligoriô cha của Anphongsô liền ghé vào viếng Chúa. Không ngờ lúc đó Anphongsô đang hùng biện trên tòa giảng. Khó chịu, ông toan bước ra. Nhưng cái tiếng quen thuộc của vị luật sư trẻ tuổi con ông xưa kia đã lôi kéo ông ở lại. Thế rồi, dần dần những lời thánh thiện phát ra từ tòa giảng đã đánh động lòng ông và rồi nước mắt chảy chan hòa. Sau bài giảng ông tìm đến với Anphongsô, ôm lấy con và nói trong nước mắt:
“Ôi con yêu dấu, con đã làm cho cha nhận biết Thiên Chúa, Anphongsô con cha, giờ dây cha rất vui sướng vì thấy con đã ôm ấp được một lý tưởng cao quý và cha xin lỗi con vì trước kia cha đã làm phiền lòng con và dám chống lại ý Chúa”.
Ngoài việc làm ích cho giáo dân trên tòa giảng, cha Anphongsô còn đem lại an bình cho bao tâm hồn trong tòa giải tội, chính Ngài đã nói: “Một linh hồn càng đi sâu vào nết xấu thì càng bị giây tội lỗi trói buộc, thì càng phải cố gắng nhẫn nại đem họ ra khỏi nanh vuốt ma quỷ và đặt họ vào cánh tay nhân lành của Chúa”
Để thưởng công và cũng vì tin cậy ở tài đức của cha Anphongso, tháng 3 năm 1762, Đức Thánh Cha Clementê đã hạ sắc phong Ngài lên chức giám mục quản trị địa phận thánh Agatha (SainteAgathedes Goths) Cha Anphongsô cho mình là bất xứng nên đã khiêm nhường viết thơ xin Đức Thánh Cha tha miễn cho trọng trách đó, nhưng Đức Thánh Cha nhất định không nghe. Vì Đức vâng lời Ngài xin vui nhận và ngày 20 tháng 6 năm 1767, Ngài được thụ phong tại La mã.
Sau mười ba năm ở chức vụ giám mục, Ngài cảm thấy sức lực đã suy yếu nên xin Đức Thánh Cha Piô VI cho về hưu dưỡng tại nhà dòng Pagani (Pagani) cách Naples độ năm dặm. Cuối cùng Chúa đã ban bình an cho tôi tớ Chúa và ngày 1 tháng 8 năm 1787 Ngài an nghỉ một cách thánh thiện trong Chúa khi đã hưởng thọ được hơn chín mươi tuổi.
Sau khi tạ thế được một năm. Giáo hội đã mở ra cuộc điều tra để phong chân phước cho Ngài và ngày 6 tháng 9 năm 1816 Ngài chính thức được tôn lên bậc chân phước. Đức Thánh cha Grêgoriô đã tôn phong Ngài lên bậc Hiển thánh ngày 26 tháng 5 năm 1839.
Để ghi công Ngài, Đức Thánh Cha Piô IX đã ra sắc chỉ ngày 7 tháng 7 năm 1871, tôn phong Ngài là tiến sĩ của toàn thể Giáo hội.
Chỉ có Chúa mới biết được số linh hồn đã nhờ lời cha mà trở lại hay là được vững vàng hơn trên đường trọn lành.
(Tài liệu từ Internet)